Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân. Bài 2

1120 lượt xem

Bài 2 (Phần tu đức)
Sứ mạng thu phục người ta (Lc 5,1-11)

Khi được hỏi, ngài tự xác định mình là ai-“Jorge Mario Bergoglio là ai?”, Đức thánh cha Phanxicô đã trả lời: “Tôi là một tội nhân. Đó là một định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một lời nói bóng gió, một thứ văn chương. Tôi là một tội nhân”. Một tội nhân được Chúa Giêsu yêu thương tha thứ và mời gọi bước theo Người. Đó là danh tính của thánh Phêrô, của Đức thánh cha Phanxicô, người kế vị thánh Phêrô, và cũng là danh tính của những ai sống ơn gọi tông đồ, trong đó có từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta. Nhận biết mình là tội nhân được yêu thương tha thứ, đó là tâm điểm sứ mạng lãnh đạo mục vụ như thánh Phê-rô: “từ nay, anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10).

Hành trình trở nên người cảm hoá hay “thu phục người ta” khởi đi từ kinh nghiệm được thu hút và cảm hoá bởi lời Chúa. Thánh Phêrô hẳn đã kinh nghiệm được sức thu hút và cảm hoá này ngay cả khi ngài còn miệt mài với nghề nghiệp đánh cá của mình: “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5,1). Đức Giêsu thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ; và Người chọn bước xuống chiếc thuyền của ông Simon Phêrô. Đức Giêsu bước vào cuộc đời ông cách tinh tế và kín đáo, nhưng đó lại là cách Người chuẩn bị ơn gọi của ông, mời gọi ông trở nên người “thu phục người ta”.

Bị quấy rầy ngay khi đang bận rộn với công việc chính đáng của mình-đang giặt lưới, nhưng ông Simon Phêrô vẫn quảng đại với Đức Giêsu và cộng tác với Người ở nhiều cấp độ. Trước hết, ông cho Đức Giêsu mượn thuyền và giữ thuyền cho Người giảng dạy. Thứ đến, ông từ bỏ ý riêng để thực hiện sáng kiến của Đức Giêsu. Sau cùng, ông Simon Phêrô và các bạn đã “bỏ mọi sự mà theo Người”.

“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Một lời đề nghị trái khoáy. Ông đã vất vả cả đêm mà chẳng được gì; lưới lại bẩn và các ông còn đang phải giặt. Hơn nữa, ông chuyên nghiệp hơn Đức Giêsu. Thế nhưng, lời Đức Giêsu có sức thu hút, đã “thu phục” ông, nhưng rất kín đáo. Ông quăng lưới theo ý Đức Giêsu và kết quả là một mẻ cá lạ: “họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”-lưới “hầu như” rách, nhưng không rách. Mẻ cá lạ là công trình cộng tác giữa ông Simon Phêrô và Đức Giêsu. Qua đó hẳn là ông Simon Phêrô cảm nghiệm được hiệu quả của Lời Chúa như thế nào.

Trước uy quyền của Đức Giêsu, ông Simon Phêrô thấy mình tội lỗi và bất xứng nên xin Chúa tránh xa mình: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”, nhưng Đức Giêsu không những không tránh xa, Người còn “sáp vô” và mời gọi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Đức Giêsu mời gọi ông cộng tác vào sứ mạng của Người. Sau khi đưa thuyền vào bờ, các ông “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Trước đây các ông lo làm sao có nhiều cá để nuôi sống bản thân và gia đình mình, còn bây giờ các ông không bận tâm với cá, với bản thân và gia đình mình nữa, nhưng bận tâm đi theo Đức Giêsu. Gặp Chúa rồi, các ông thay đổi mối bận tâm, từ chỗ qui về mình đến chỗ hướng về Chúa; các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người. Ông Simon Phêrô và các bạn không đặt điều kiện với Chúa, không tính toán hơn thiệt với Chúa. Họ đi theo Đức Giêsu vì chính sức thu hút của Người, để trở nên người có sức thu hút, cảm hoá và thu phục người ta.

“Chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá”, đó là hình ảnh nói lên con đường phải đi của chính Đức Giêsu, của ông Simon Phêrô và của từng người chúng ta. Đó là hành trình “Vượt Qua”: phải ra tận chỗ nước sâu, nơi người ta chẳng còn cậy dựa vào bản thân hay những gì mình sở đắc, để chỉ còn tìm kiếm và cậy dựa vào ý Chúa; đó cũng là hành trình của người từng thành viên Hội đồng mục vụ khi đón nhận ơn gọi lãnh đạo cộng đoàn theo gương thánh Phêrô: “đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,11).

Hồi tâm

Đâu là “chỗ nước sâu” trong đời sống và việc phục vụ của tôi?

Tôi lắng nghe và đáp lời mời gọi như thế nào khi lãnh đạo cộng đoàn? Tôi lãnh đạo theo tinh thần nào? Dựa vào đâu để tôi lãnh đạo và điều hành việc chung?

Làm thế nào giúp anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ ngày càng gia việc lãnh đạo?

Linh mục Toma Vũ Ngọc Tín SJ

Bài 2 (phần mục vụ)
Con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người

 Lời mở

Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” đã xác định rằng: “ Đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người” , vì Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong lòng con người như một dấu hiệu đặc biệt khi dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài.

1.1. Một Trời yêu thương

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, dân tộc Việt Nam chúng ta tin vào Trời. Niềm tin ấy được diễn tả trong đời sống hằng ngày, trong những nghi lễ của vua chúa trên Tế đàn Nam Giao cũng như trong các lễ hội dân gian, được lưu trữ trong kho tàng văn hoá dân tộc qua những câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích về bánh chưng, bánh giầy…

Trời không phải chỉ là khoảng không gian xanh thẳm trên đầu (Trời cao có mắt), nhưng là một Đấng quyền phép vô song, tạo dựng nên vạn vật (Trời sinh, Trời dưỡng; Con chim nó hót trên cành, Nếu Trời không có, có mình làm sao, Con chim nó hót trên cao, Nếu Trời không có, làm sao có mình?), nhìn thấu mọi sự và soi thấu lòng dạ khôn dò của con người (Trời nào có phụ ai đâu, Hay làm thì giầu, có chí thì nên). Vì thế, người ta cầu Trời ban cho mình những thứ cần thiết (Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp…). Trời là gương mẫu cho người ta noi theo, tạo thành một nền luân lý gọi là “đạo Trời” để con người tuân giữ (Dù ai nói ngược, nói xuôi, Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng). Tất cả đều diễn tả tình yêu thương của Trời đối với muôn loài.

Khi đạo Công giáo được các thừa sai dòng Tên chính thức truyền vào Việt Nam trong khoảng năm 1615-1665, các ngài đã dạy cho dân tộc Việt Nam về đạo Trời đó, nhất là trong cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày của linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Trong cuốn sách đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ này, cha Đắc Lộ gọi Trời là Đức Chúa Trời  . Nhiều bản kinh chúng ta vẫn còn đang giữ tên gọi đó như kinh Mười Điều Răn, kinh Cám Ơn, kinh Tin Kính của các Tông đồ…

Trong dòng lịch sử dân tộc, người Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn học Trung Hoa. Đạo Trời của người Việt có một số nét tương đồng với đạo Khổng hay Nho giáo của người Tàu như “Thiên bất dung gian, Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Từ sau Công đồng Kẻ Sở năm 1924, nhiều sách vở Công giáo bắt đầu dùng từ Thiên Chúa, viết tắt bởi từ “Thiên địa chân Chúa”, có nghĩa là vị Chúa đích thực của trời đất, thay cho từ Đức Chúa Trời .

Thật ra khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Trời dành cho con người và vạn vật, người Việt dễ dàng đón nhận niềm tin của người Công giáo dành cho Thiên Chúa. Điều này đã được nhiều học giả ghi nhận: “Xưa kia chỉ biết kêu trời. Mà nay đã biết gọi Trời là Cha. Trần gian chẳng phải là nhà. Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên Trời” .

1.2. Tình yêu ở đây là gì ?

“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16), nghĩa là bản thể của Thiên Chúa là tình yêu được đưa vào trong bản tính của con người, nên tình yêu trong con người không còn chỉ là những cảm xúc dù mãnh liệt và có trách nhiệm  . Tình yêu nơi Kitô hữu còn là “một nhân đức, nghĩa là một năng lực được thủ đắc bằng huấn luyện”  , vì thế chúng ta mới nói đến đức tin-đức cậy-đức mến, như thánh Phaolô đã giải thích cho chúng ta: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,7-8.13).

Sau hết, tình yêu còn là ân huệ cao quý hơn cả và tồn tại mãi mãi. Ân huệ này chỉ đứng sau ân huệ Con Một Thiên Chúa mà Cha Trên Trời ban cho ta. Tình yêu đó là chính Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho ta khi thổi Thần Khí của Người trên chúng ta. Đó cũng là “tình yêu của Cha Trên Trời đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta” (x. Rm 5,5) để hướng dẫn chúng ta như những người con tự do của Thiên Chúa, chứ không phải là những nô lệ sợ hãi, mà dân Do Thái xưa kia đã cảm nhận, và để chúng ta có thể nói lên hai tiếng “Abba, Cha ơi!” đối với Thiên Chúa như Thánh Phao lô nhắc nhở (x. Rm 8,14-17).

1.3. Con đường tình yêu

Con đường tình yêu đó cũng là chính Đức Giêsu thực hiện cho mỗi người chúng ta khi mời gọi chúng ta bước theo Người “anh em hãy theo Thầy”, vì Người chính là con đường dẫn đến sự thật giải thoát và sự sống vĩnh hằng (x. Ga 14,6). Người thúc giục ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Vì thế, tình yêu của Ba Ngôi vừa là thực tại để chúng ta tôn thờ từng giây phút trong đời sống, đồng thời là một nhân đức để chúng ta luyện tập theo gương tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

  1. Những đặc tính của tình yêu Ba Ngôi

Chúng ta sẽ thấy ba đặc tính kỳ diệu trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mà không một tôn giáo nào khác có thể dạy chúng ta như Kitô giáo. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con và tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

2.1. Tình yêu sáng tạo của Chúa Cha

Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là tình yêu của Chúa Cha. Từ tình yêu đó, Chúa Con đã sinh ra. Cũng nhờ tình yêu đó mà muôn loài muôn vật được tạo thành. Chúng ta thấy muôn loài đều phản ánh tình yêu trong sáng và tốt lành của Cha Trên Trời qua màu sắc của từng bông hoa, cánh bướm, đặc biệt là vẻ đẹp nơi mỗi con người. Chúng biểu lộ đặc tính chân thiện mỹ, hạnh phúc, bình an, niềm vui của tình yêu sáng tạo này.

Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của chính mình để xét xem tình yêu đó có thúc đẩy ta chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho những người nghèo khổ, dốt nát, yếu hèn, bệnh tật? Tình yêu của chúng ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho họ không, hay lại khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn khi chưa yêu ta? Tình yêu của ta có mang đặc tính chân thiện mỹ không hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?

2.2. Tình yêu cứu độ của Chúa Con

Đặc tính cứu độ đã được diễn tả bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã làm trong cuộc đời trần thế của Người. Những hành động đó nhắc nhở rằng ta không được yêu chỉ bằng lời lẽ ngoài môi miệng, nhưng bằng những hành động tích cực thông thường trong đời sống  . Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã gửi chúng ta lời nhắn nhủ rằng: “Được khích lệ từ lòng bác ái của Đức Kitô, người Kitô hữu chúng ta cảm thấy sự thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. Người đó xem nhu cầu, nỗi đau và niềm vui của tha nhân như của chính mình. Các hoạt động trong mọi lĩnh vực của người tín hữu ấy luôn mang tính nối kết vững chắc với tha nhân. Mỗi hành động của họ đều năng động, rộng lượng và ân cần. Vì “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật”  .

Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn mỗi ngày, cảm nghiệm được sự hy sinh ấy nơi cha mẹ hy sinh cho con cái, như người tình dám chết cho người mình yêu, như người chiến sĩ hy sinh mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì nó cũng không có tính cách cứu độ muôn loài của Chúa Con.

2.3. Tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần

Thánh hoá có nghĩa là hoá thành thánh như Thiên Chúa là đấng thánh, thần hoá có nghĩa là biến thành thần linh như Thiên Chúa. Vì thế, tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta tôn trọng, nâng cao đối tượng mình yêu để giúp họ trở thành thần thánh, thành con cái Thiên Chúa như chúng ta, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, do những tham vọng và dục vọng thúc đẩy, chúng ta đã hạ thấp, làm nhục đối tượng mình yêu, thậm chí biến người yêu thành phương tiện giải trí cho tham vọng và dục vọng hoặc bắt người yêu phải hành động như những con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phải thay đổi thái độ ấy.

Lời kết

Chúng ta được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình xem có mang những đặc tính sáng tạo, cứu độ và thần thánh hoá của Ba Ngôi không. Nếu chúng ta thể hiện những đặc tính ấy trong cuộc sống hằng ngày thì những anh em lương dân chắc chắn sẽ nhận ra rằng chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa của người Công giáo mới có thể thay đổi đời sống con người và xã hội của họ. Lúc đó họ mới dễ dàng tin theo Chúa Giêsu.

Linh mục Anton Nguyễn Ngọc Sơn

Câu hỏi gợi ý:

  1. Tại sao người Việt trước đây dễ đón nhân Đạo Trời?
  2. Hãy mô tả những đặc tính chính của tình yêu theo Kitô giáo.

Phần I: Khái niệm về Hội Thánh theo Vaticano II

Bài 02 (Phần huấn giáo)
Nên thánh trong một Giáo Hội thánh thiện

Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiên, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô (Ep 1,4-5).

Trở về với ý thức về sự thánh thiện Tin Mừng của tất cả mọi phần tử trong Hội Thánh là một trong những nét cơ bản của Hiến Chế Lumen Gentium. Đã từ lâu xem ra người ta giới hạn lời kêu gọi nên thánh vào bậc sống tu sĩ, thường được mệnh danh là bậc trọn lành, bậc thánh thiện. Nhiều người có khuynh hướng coi các giáo dân như những người đời (secular), những người thế tục có cuộc sống lỏng lẻo, tục hoá; và vì vậy họ chỉ là các Kitô hữu bậc hai, thua kém hàng giáo phẩm là những người có chức thánh, hay các tu sĩ là những vị được hiến thánh cho Chúa. Công Đồng dành cả chương V của Hiến Chế về Giáo Hội  để sửa sai quan niệm này. Chương V có nhan đề ‘Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội’.

Định nghĩa sự thánh thiện Tin Mừng

Công Đồng cho chúng ta một định nghĩa về sự thánh thiện chung cho mọi hạng người trong Giáo Hội như sau: “Những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng tham dự vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy cùng theo đuổi một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất thiết quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy, và hoạt động nhờ đức ái.” (LG 41)

Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nếu họ biết tin tưởng lĩnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên trời, và biết cộng tác với thánh ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế.

Tín hữu giáo dân được thánh hoá trong Hội Thánh

Để có thể được thánh hoá, sau khi đã lĩnh nhận Phép Rửa ban Thánh Thần, tất cả mọi Kitô hữu bất luận đều cần tiếp tục kiện cường việc gắn kết với Đức Kitô. Qua việc lĩnh nhận các Bí Tích, Kitô hữu kín múc lấy nguồn sức sống là Đức Kitô là Đầu và Mục Tử, Người Tôi Tớ khiêm cung không ngừng hiến mạng sống mình vì phần rỗi mọi người (xem CFL số 21-22).

Do đó, chính vì sự thánh thiện của mình mà các Kitô hữu liên kết bền chặt với hàng giáo sĩ, vì nguồn mạch ơn thánh được tuôn đổ xuống các tín hữu qua các tác viên được chính Thánh Thần tuyển chọn, như thánh Phaolô đã xác quyết: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và day dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta được hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,11-13).

Đó là lý do trước hết để họ lĩnh nhận cách sốt sáng các nguồn ơn thánh được Đức Kitô ban cho, thông qua các thừa tác viên của Người.

Các Kitô hữu giáo dân cũng tham gia vào việc thông truyền ơn thánh hoá (bên trong Hội Thánh.)

Các tín hữu giáo dân không tham gia vào sự thánh thiện của Đức Kitô cách thụ động. Kể từ ngày lĩnh nhận Phép Rửa ban Thánh Thần, và do chính ơn gọi chuyên biệt của mình, họ cũng tham gia vào sứ mạng tư tế, ngôn sứ và vương đế phổ quát của Đức Kitô (xem CFL 23), không những cho toàn thế giới, mà ngay trong lòng Hội Thánh nữa.

Vì thế, khi có nhu cầu, và sau khi đã được chuẩn bị thích đáng, một số trong họ được chọn để cộng tác với hàng giáo phẩm trong các nhiệm vụ thánh hoá, thông qua các công tác phụng vụ và bí tích khác nhau được trao phó cho họ (xem CFL 23).

Ngoài ra họ cũng được mời gọi cộng tác và chung tay vào việc điều hành Giáo Hội, nhất là trong những gì thuộc lĩnh vực tổ chức và quản trị mang tính đời, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, mà Hội Đồng Kinh Tế Giáo xứ và Giáo Phận là một điển hình (xin tham khảo Giáo Luật 537 và Tông Huấn CFL số 10).

Nhiều khi cũng rất cần sự phản hồi và đóng góp ý kiến của họ về những gì liên quan tới lĩnh vực mục vụ tại một địa phương nhất định, hầu các giáo sĩ có nhiệm vụ dẫn dắt và thánh hoá kịp thời điều chỉnh và phát huy hơn nữa việc phục vụ thánh hoá trong Hội Thánh sao cho hữu hiệu và đạt kết qua mong muốn. Thực vậy, Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân (CFL 27) khẳng định: “Hoạt động của họ bên trong cộng đoàn Giáo Hội là rất cần thiết, vì nếu thiếu, việc tông đồ của mục tử không thể đạt được kết quả sung mãn”.  Từ ý tưởng này chúng ta thấy xuất hiện các Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo xứ và cấp giáo phận với nội dung rất quan trọng như trên (cũng nên tham khảo CIC các khoản 511, 536).

Ngoài ra vì mục đích gia tăng và kiện cường trách vụ thánh hoá bản thân cũng như cộng đoàn Giáo Hội địa phương, họ có thể, với sự chấp thuận của Đấng Bản Quyền, thành lập hay tham gia các hiệp hội đạo đức, tùy theo nhu cầu thiêng liêng đòi hỏi, và trong sự linh hứng của Thánh Thần thánh hoá (xem CFL 27-29).

Bổn phận thánh hoá chính của Kitô hữu giáo dân là thánh hoá thế giới

Nếu toàn thể Hội Thánh nhận được mệnh lệnh lên đường của Đức Kitô là “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi thọ tạo” (Mc 16,15) thì Kitô hữu Giáo Dân là thành phần chính có bổn phận đem Tin Mừng vào trong các lĩnh vực trần thế, vì lối sống và tác vụ của họ là như thế. Quả thật, Tông Huấn CFL số 33 khẳng định: “Giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, nên mang ơn gọi và sứ mệnh loan báo Tin Mừng, các bí tích khai tâm Kitô giáo và các ân huệ Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng cho họ và thúc giục họ thi hành sứ mạng này”. Sự hiện hiện sâu rộng của họ trong mọi lĩnh vực của thế giới con người làm cho họ hơn ai hết có khả năng đem Tin Mừng và các giá trị của nó đến cho thế giới.

Câu hỏi gợi ý

Bạn có ý thức rằng, dầu hàng Giáo sĩ không làm nên Hội Thánh, nhưng vì nhận được tác vụ thánh hoá từ Đức Kitô trao ban để phục vụ toàn thể Dân Chúa, nên vai trò thánh hoá của họ phải luôn được tôn trọng không?

Bạn có ý thức đang góp phần mình vào việc xây dựng nhiệm thể Đức Kitô khi tham gia vào các hoạt động của Hội Thánh không? 

Linh mục Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Bài 02 (Phần quản trị mục vụ)
Một cái nhìn tổng quát về sứ vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ

“Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc”. (Mt 20,2).

Sau khi đã thoả thuận với thợ…

Khi sánh ví các hoạt động trong “Nước Trời” có phần giống như việc làm của những người thợ tại vườn nho – trong đó có vai trò rất đặc biệt của vị “mục tử riêng” (proper pastor)[1] tại vườn nho “giáo xứ” – Ki-tô hữu không được phép quên rằng, Vị Mục Tử Nhân Lành (Bon Pasteur, Good Shepherd) là gia chủ duy nhất của vườn nho.[2] Chính Vị “Mục Tử Nhân Lành-Gia Chủ Duy Nhất” ra mướn các thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.

Theo đó, những người thợ, cả vị mục tử riêng với ơn gọi riêng, với nghĩa vụ được ủy thác riêng, cả quý chức các hội đồng, hội đoàn của giáo xứ, và tất cả những ai với thiện chí đáp lại lời mời gọi từ Vị “Mục Tử Nhân Lành-Gia Chủ Duy Nhất” mà hăng hái vào vườn nho làm việc sẽ được lãnh “mỗi ngày một quan tiền”.[3] Thật vậy, “sau khi đã thỏathuận với thợ…”,[4] một thỏa thuận (agreement) trong “Tin-Cậy-Mến” như thế, có thể sánh ví như một hợp đồng (contract) như ý, mỹ mãn, thỏa chí toại lòng (win-win solution);[5] mà trong đó, hợp đồng “mỗi ngày một quan tiền” của các thợ vườn nho “giáo xứ” liên quan đến mọi người dân xứ, cách riêng là các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ với những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể.[6]

Mỗi ngày một quan tiền (usual daily wage)

Vâng, ở đây, “mỗi ngày một quan tiền” cho mọi người thợ cũng đồng nghĩa với “mỗi ngày một quan tiền” cho từng người thợ. Thỏa thuận này giữa Vị “Mục Tử Nhân Lành-Gia Chủ Duy Nhất” với các người thợ là chuẩn mực cần và đủ.[7] Thỏa thuận này hướng đến ngày mùa cánh chung, hướng đến Vườn nho Thiên Quốc, áp dụng đúng cho người vào làm việc hăng say trong vườn nho hạ giới mà lòng luôn hướng về thượng giới, “ái mộ những sự trên trời”. Thật vậy, tại vườn nho giáo xứ, các người thợ là tất cả mọi người trong giáo xứ, có thể được áp dụng cách riêng cho quý chức, cách riêng hơn nữa chính là các thành phần thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ.

Theo tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của Ủy ban Giáo Dân (HĐGMVN), ra ngày 04 tháng 4 năm 2010, các thợ vườn nho được lãnh “mỗi ngày một quan tiền” là các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ với các ý nghĩa “hẹp, rộng, mở rộng”: “(1) nghĩa thứ nhất (hẹp): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ và các ủy viên; (2) nghĩa thứ hai (rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ, các ủy viên, các trưởng của các giáo họ (ban chấp hành), các trưởng của các giới (ban trị sự), và các trưởng của các hội đoàn (ban phục vụ); (3) nghĩa thứ ba (mở rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ, các ủy viên, tất cả các thành viên thuộc các ban chấp hành các giáo họ, các ban trị sự các giới, và các ban phục vụ các hội đoàn trong giáo xứ”.[8]

Được sai vào vườn nho làm việc

Nói tóm lại, khi được sai vào vườn nho làm việc, quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ với “cơ chế gồm giáo sĩ, tu sĩ và nhất là giáo dân (đại đa số là giáo dân) thuộc giáo xứ:[9] (1) được giám mục giáo phận cho phép thành lập (nếu ngài xét thấy thuận lợi);[10] (2) có quyền tư vấn và được điều hành theo các quy tắc do giám mục giáo phận ấn định;[11] (3) cộng tác với linh mục chính xứ thi hành sứ vụ Tin mừng, góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn dân Thiên Chúa, sống làm chứng và loan truyền Tin mừng, yêu thương, phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người; (4) đặc biệt cộng tác với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt trong giáo xứ, xây đắp tình liên đới, hiệp thông của những người anh chị em thuộc gia đình giáo xứ”.[12]

Trong vườn nho giáo xứ, mọi người dân xứ – cách riêng là quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ – đều “được sai vào vườn nho làm việc”, đều là những thợ vườn nho.

29-6-2018
GTHH

[1] X. Ban Nghiên Huấn (UBGD), “Vị mục tử riêng của giáo xứ” trong Bài 01, ngày 29-5-2018.
[2] X. Ga 10,1-39; Mt 20,1.
[3] Mt 20,2. Trong ngữ cảnh của câu Thánh kinh này, “mỗi ngày một quan tiền” là khát vọng cần và đủ cho mọi con người.
[4] Mt 20,2. “A contract is a promise or set of promises that are legally enforceable and, if violated, allow the injured party access to legal remedies” (https://www.iaccm.com/resources).
[5] X. Steven Croft, ed., The Future of the Parish System (Lon-don: Church House Publishing, 2006), 75-90.
[6] Bởi lẽ, hợp đồng là sự thỏa thuận, có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản, khi đã được xác lập, các bên tham gia phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo “hợp đồng”.
[7] Chủ đề ơn cứu độ duy nhất qua Đức Ki-tô và tính phổ quát của ơn cứu độ (universality of salvation) được lặp lại nhiều lần trong Công vụ Tông Đồ (x. Kaiser W. C., Hard Sayings of the Bible (Downers Grove, Illinois: InterVarsity, 1997), 500-2.
[8] X. Ta, Thần học mục vụ… (TP. HCM: Nxb. Tôn Giáo, 2015), 753-4.
[9] X. Mt 20,1-7; BGL 1983, đđ. 228; 512; 532; 536; 537.
[10] X. BGL 1983, đ. 536 §1.
[11] X. BGL 1983, đ. 536 §2.
[12] X. TGP. Sài Gòn-TP. HCM, “Điều 3. Hội đồng mục vụ giáo xứ” trong Quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ năm 2002.

Để lại một bình luận