Lòng thương xót của Thiên Chúa trong biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su

1318 lượt xem

Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca nêu bật sứ điệp của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa trong biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su. Biến cố Giáng Sinh của Chúa và cuộc đời của Ngài nơi trần thế là sự thực hiện toàn vẹn lời hứa của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 22-23). Câu chuyện của Chúa Giê-su cũng thuộc về lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Giờ đây, Thiên Chúa thực hiện toàn vẹn lòng thương xót của Ngài dành cho dân Ngài, như Ngài đã hứa với tổ tiên của dân Ít-ra-en: Chúa “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).

Trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Phanxicô đã viết: “Vào ‘thời viên mãn’ (Gl 4,4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Chúa Giêsu thành Na-da-rét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (số 01).

Thật vậy, qua lòng thương xót của Thiên Chúa, Vầng Đông từ trên cao là Ánh Sáng đích thực viếng thăm chúng ta. Ánh Sáng tràn đầy lòng xót thương đó đặc biệt chiếu soi đến những tâm hồn ngồi trong tối tăm, sưởi ấm họ và dẫn đưa họ về lại con đường bình an:

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79).

Tin Mừng Giáng Sinh của Lu-ca đã loan báo một cuộc Giáng Sinh mà biết bao nhiêu người đang chờ mong, cuộc sinh ra của Đấng Cứu Thế: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2, 11). Cuộc sinh ra của Đấng Cứu Thế, Đấng giàu lòng xót thương đã đến với nhiều người thuộc về nhiều thành phần khác nhau: như ông Gia-ca-ri-a với vợ là bà Ê-li-sa-béth thuộc dòng tộc của Aaron (x.Lc 1,6), như Thánh Giu-se đính hôn với Mẹ Maria thuộc dòng tộc của Vua Đa-vít (x.Lc 1, 27 và Mt 1,20). Cuộc sinh ra này cũng đến với ông Si-mê-on một người công chính, và bà ngôn sứ An-na. Cả hai đều là những người đạo đức bình dân. Khi ông Si-mê-on ẵm Chúa trên tay đã hát lên bài ca An Bình:

“ Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2, 29-32).

Câu chuyện sinh ra của Chúa Giê-su đã thực hiện toàn vẹn lời hứa của Thiên Chúa mà ông Si-mê-on và bao người chờ mong, cũng như đã làm cho ý nghĩa của những câu chuyện trong Cựu Ước tìm thấy được ý nghĩa tròn đầy. Như bà An-na, mẹ Sa-mu-en đã hát lên bài hát tạ ơn (x.1Sm 2, 1-11) như là tiếng hát kể về một câu chuyện lịch sử, mà trong đó:

“Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử,
đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.
Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,
Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.
Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,
đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (1 Sm 2, 6-8).

Với Kasper, trong bài hát của bà An-na, người ta có thể nhận ra những điểm tương đồng với Bài Giảng Trên Núi, đó là sứ điệp của Thiên Chúa vượt trên những lô-gíc bình thường của con người. Ngài đã chúc phúc cho kẻ nghèo hèn, những người đau khổ, những người công chính sống tinh thần bất bạo động, những ai có lòng thương xót và những ai xây dựng hoà bình (x.Mt 5, 3-11 và Lc 6, 20-26).[1] Hơn nữa, biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su cũng đến với những người rất bình thường. Đó là các mục đồng đơn sơ. Họ đã được diễm phúc đến để thăm viếng và thờ lạy Đấng Cứu Thế, Vua Hoà Bình sinh ra trong hang lừa nghèo nàn ở Bê-lem. Nguyên Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã suy niệm về những mục đồng như sau: “Không những họ gần gũi với biến cố theo phương diện bên ngoài, nhưng cả bề trong cũng gần gũi với biến cố này hơn là những người trong thành phố vẫn đang an giấc. Tâm hồn họ không xa mấy với Thiên Chúa đã hoá thành Hài Nhi. Điều này cho thấy họ thuộc về những kẻ nghèo hèn, những tâm hồn thật đơn sơ được Đức Giê-su ca tụng, vì họ được dành riêng để tiếp cận Thiên Chúa (x.Lc 10,21-22). Họ đại diện cho những kẻ nghèo hèn Ít-ra-en, những người nghèo nói cách chung: những con người nhận được sự ưu ái của tình yêu Thiên Chúa”.[2]

Biến cố Giáng Sinh của Chúa cũng đem lại sứ điệp của lòng thương xót của Thiên Chúa với hương hoa của bình an. Khi Chúa sinh ra, các Thiên Thần đã loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đấng giàu lòng thương xót đến với con người để ban tặng bình an. Sự bình an mà biết bao nhiêu người đang chờ mong và cần tới. Si-mê-on đã thoả mãn khi được nhìn thấy Chúa, và xin cho ra đi trong an bình. Các mục đồng đơn sơ đã vui mừng siết bao, khi được nhìn thấy Hài Đồng Giê-su, vua Bình An được quấn tã và đặt nằm trong máng cỏ đơn sơ. Bình an của Chúa Giê-su là bình an mà trần thế không thể nào đem đến được: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Sự bình an này được ban tặng rất âm thầm. Đó cũng là cách diễn tả của lòng thương xót của Thiên Chúa qua biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su. I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-cia đã nhận ra điều đó và đã nói rằng, Chúa Giê-su Ki-tô đã bước ra từ sự thinh lặng của Cha trên trời.[3] Thánh Giáo Phụ này hướng đến một đoạn trong sách Khôn Ngoan:

Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,
lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,
thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài
đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường
xông vào giữa miền đất bị tru diệt,
mang theo bản án không thể huỷ của Ngài
như lưỡi gươm sắc bén” (Kn 18, 14-15).

Thiên Chúa, Đấng như ở rất xa con người, và Đấng mà chúng ta nghĩ rằng, chỉ có thể tôn vinh Ngài trong thinh lặng, giờ đây lại thức giấc ngay trong đêm đen của thế giới chúng ta, Ngài không đến với tiếng hò la, mà Ngài đến từ trong tĩnh lặng, và Ngài – Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và dựng lều ở giữa chúng ta (x.Ga 1, 1.14).

Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo, trong bài “Đà Lạt Trăng Mờ”, đã viết:

“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem người giải nghĩa yêu”.

Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, bước vào thế giới này trong tĩnh lặng, nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lòng thương xót, và lắng nghe Thiên Chúa giải nghĩa chữ yêu được toả lan từ hang Bê-lem, khi chúng ta không nói nhiều, không ồn ào, và đi vào thing lặng, nơi đó Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đợi chúng ta.

Tóm lại, đã hai ngàn năm qua rồi, câu chuyện Giáng Sinh không đánh mất đi sự thuyết phục của nó. Ngược lại ngày càng lan rộng khắp mọi nơi trên thế giới. Biết bao văn hoá và dân tộc, dù là Ki-tô giáo hay không phải Ki-tô giáo vẫn mừng vui câu chuyện Giáng Sinh với những sắc thái riêng biệt, từ món ăn Giáng Sinh đến các tục lệ mừng ngày Giáng Sinh. Thánh Phan-xi-cô thành A-si-si là người đầu tiên đã dựng nên cảnh hang đá Giáng Sinh, để rồi qua hình ảnh dễ thương của hang lừa với Hài Nhi Giê-su, Mẹ Maria, Thánh Giu-se, các mục đồng cùng chiên lừa, các thiên thần và ba vua đã diễn tả cách sống động hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu giàu lòng thương xót. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi ngày sau, ánh sáng của lòng thương xót được thắp lên trong hang Bê-lem luôn chiếu sáng, để sưởi ấm và chiếu soi tất cả mọi người, đặc biệt những ai ngồi trong tối tăm. Câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giê-su còn chứa đựng một điều rất quan trọng. Đó là việc Chúa thương xót chúng ta, đến nỗi mặc lấy thân phận con người như chúng ta. Đó là bước vạn dặm của Đấng giàu lòng thương xót.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

——

[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 69.
[2] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder Verlag, Freiburg 2012, Bản tiếng Việt của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, NXB. Tôn Giáo 2013, t.103.
[3] Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 70.

Để lại một bình luận