BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA – CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Văn Việt (tổng hợp)
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 31 Thường Niên năm B (31/10/2021) – Lời Chúa phải được nghiền ngẫm |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 31 Thường Niên năm B (31/10/2021) – Lời Chúa phải được nghiền ngẫm
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc một ông kinh sư đến gần Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28). Chúa Giêsu trả lời vị kinh sư bằng cách trích dẫn Kinh Thánh và khẳng định rằng điều răn đứng đầu là yêu mến Thiên Chúa; từ đó, theo lẽ tự nhiên, đến điều thứ hai: yêu thương người thân cận như chính mình (câu 29-31). Khi nghe câu trả lời này, ông kinh sư không chỉ nhận ra rằng điều đó là đúng, nhưng khi làm như vậy ông còn lặp lại chính những lời Chúa Giêsu đã nói: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (câu 32-33).
Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao khi bày tỏ đồng ý với Chúa Giêsu, ông kinh sư cảm thấy cần phải nói lại chính những lời của Chúa Giêsu? Việc lặp lại này dường như còn gây ngạc nhiên hơn nếu chúng ta biết chúng ta đang đọc Tin Mừng theo thánh Maccô, thánh sử viết theo một văn phong rất ngắn gọn, súc tích. Vậy ý nghĩa của sự lặp lại này là gì? Việc lặp lời này là một bài học cho chúng ta, những người đang lắng nghe. Bởi vì Lời Chúa không thể được đón nhận như bất kỳ tin tức nào. Lời Chúa phải được lặp đi lặp lại, được gìn giữ. Truyền thống đan tu sử dụng một thuật ngữ rất cụ thể: Lời Chúa phải được “nghiền ngẫm”. Chúng ta có thể nói rằng chính vì sự bổ dưỡng của Lời Chúa cho nên Lời Chúa phải được nghiễn ngẫm trong mọi khía cạnh của cuộc sống: như Chúa Giêsu nói hôm nay, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực (câu 30). Lời Chúa phải vang vọng trong chúng ta. Khi có tiếng vọng nội tâm này, có nghĩa là Chúa đang hiện diện trong tâm hồn. Và Người nói với chúng ta, như với ông kinh sư thông thái trong Tin Mừng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (câu 34).
Anh chị em thân mến, Chúa không tìm kiếm những nhà chú giải Kinh Thánh giỏi giang, nhưng là những tâm hồn ngoan nguỳ, đón nhận Lời Người, để mình được thay đổi bên trong. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải làm quen với Tin Mừng, luôn mang Tin Mừng, đọc đi đọc lại, say mê Tin Mừng. Khi chúng ta làm như thế, Chúa Giêsu, Lời Chúa Cha, bước vào tâm hồn chúng ta, trở nên thân thiết với chúng ta và chúng ta sinh hoa trái trong Người. Hãy theo gương của Tin Mừng hôm nay: nếu chỉ đọc thôi thì chưa đủ, cần phải hiểu rằng chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Điều cần thiết là điều răn này, “điều răn hàng đầu”, vang vọng trong chúng ta, được đồng hóa, trở thành tiếng lương tâm chúng ta. Như thế sẽ không có lời chết, vì Thánh Thần làm cho hạt giống Lời nảy mầm trong chúng ta. Và Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu (xem Dt 4, 12). Như thế, mỗi người chúng ta có thể trở thành một “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản của Lời yêu thương duy nhất mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Không phải là một sự lặp lại, nhưng là “một bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản của Lời yêu thương duy nhất mà Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta thấy điều này trong cuộc đời của các thánh: không ai giống ai, tất cả đều khác nhau, nhưng tất cả đều sống cùng Lời Chúa.
Do đó, hôm nay chúng ta hãy theo gương ông kinh sư. Chúng ta hãy lặp lại những lời của Chúa Giêsu, hãy làm cho chúng âm vang trong chúng ta: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình”. Và chúng ta hãy tự hỏi: điều răn này có thực sự định hướng cuộc đời tôi không? Nó có được phản ánh trong những ngày sống của tôi không? Sẽ rất tốt cho chúng ta nếu tối nay, trước khi đi ngủ, hãy xét mình về Lời này, để xem hôm nay chúng ta có yêu mến Chúa và đã trao ban một chút điều tốt cho những người mà chúng ta đã tình cờ gặp hay không.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Lời Chúa đã trở thành xác phàm, dạy chúng ta đón nhận những lời sống động của Tin Mừng trong tâm hồn.
Nguồn: vaticannews.va/v
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 31 Thường Niên năm B (04/11/2018) – Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không thể tách rời
Anh chị em thân mến,
Trọng tâm Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 12,28b-34) đó là điều răn của tình yêu: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Một luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” (c. 28).
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn việc tuyên xưng đức tin mà mỗi người Israel khi bắt đầu và kết thúc một ngày sống thường bắt đầu với những lời: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất” (Dnl 6,4). Bằng cách này dân Israel gìn giữ đức tin nền tảng của mình trong thực tế với tất cả niềm xác tín: chỉ có một Thiên Chúa là “Thiên Chúa chúng ta”, trong nghĩa này Ngài gắn bó với chúng ta với một giao ước bất khả phân ly, Ngài yêu thương chúng ta, Ngài sẽ yêu thương chúng ta mãi mãi. Từ nguồn mạch này dẫn đến chúng ta điều răn kép: “Yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi […] yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (c. 30-31).
Với việc chọn hai Lời này, hướng từ Thiên Chúa đến dân Ngài và đặt chung với nhau, Chúa Giêsu đã dạy một lần cho mãi mãi rằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu hướng về tha nhân là một điều không thể tách rời, hơn nữa còn hổ trợ lẫn nhau. Mặc dù được xếp theo thứ tự, chúng là hai mặt của một mề đai duy nhất: sống chung với nhau là sức mạnh thực sự của người tín hữu! Yêu mến Thiên Chúa là sống cho Ngài và vì Ngài, cho chính Ngài và cho chính những gì Ngài thi hành. Và Thiên Chúa của chúng ta đã trao ban vô điều kiện, tha thứ không có giới hạn, đó là mối tương quan thúc đẩy và làm cho lớn lên. Yêu mến Thiên Chúa có nghĩa là mỗi ngày nỗ lực để trở thành cộng tác viên của Ngài trong sự phục vụ vô điều kiện người thân cận, trong việc cố gắng tha thứ không giới hạn và trong việc vun trồng các mối tương quan hiệp thông huynh đệ.
Thánh sử Máccô không bận tấm đến việc ai là người thân cận, bởi vì người thân cận là người mà chúng ta gặp mỗi ngày. Không phải là chuyện lựa chọn trước người thân cận, đây không phải là Kitô hữu, nhưng có đôi mắt để nhìn thấy người thân cận và có một trái tim để muốn làm điều tốt. Nếu chúng ta luyện tập nhìn với cái nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta có thể lắng nghe và ở bên cạnh những ai cần sự trợ giúp. Các nhu cầu của người thân cận đòi hỏi câu trả lời thiết thực, nhưng trước hết họ cần một sự chia sẻ.
Người đang đói không chỉ cần một tô súp, nhưng còn cần một nụ cười, cần được lắng nghe và cần lời cầu nguyện, tất cả cùng thực hiện với nhau. Tin Mừng hôm nay không chỉ mời gọi tất cả chúng ta hướng đến tình trạng đói nghèo khẩn cấp của những người anh em đói nghèo nhất, nhưng trước hết cần chú ý đến nhu cầu của sự gần gũi huynh đệ, của ý nghĩa cuộc sống và của sự dịu dàng. Điều này chất vấn các cộng đoàn Kitô chúng ta: đó là tránh nguy cơ trở thành những cộng đoàn mà sống với nhiều sáng kiến nhưng chỉ có vài mối tương quan: “Các trạm dịch vụ” nhưng ít sự đồng hành, trong ý nghĩa trọn vẹn và kitô giáo của từ ngữ này.
Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu Ngài đã tạo dựng chúng ta và để chúng ta có thể yêu người khác ở lại hiệp nhất với Ngài. Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta yêu tha nhân nhưng lại không yêu mến Thiên Chúa; và cũng vậy sẽ là ảo tưởng nếu yêu tha nhân mà không yêu mến Thiên Chúa. Hai chiều kích của tình yêu, đối với Thiên Chúa và tha nhân, trong sự hiệp nhất này chính là đặc điểm của người môn đệ Chúa Giêsu. Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đón nhận và làm chứng trong cuộc sống mỗi ngày sự giảng dạy chiếu sáng này.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 31 Thường Niên năm B (04/11/2012) – Nhìn người khác với cái nhìn của Thiên Chúa
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mc 12,28b-34) tái đề nghị với chúng ta giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan tới giới răn trọng nhất: giới răn của tình yêu thương: mến Chúa, yêu người. Các thánh, mà chúng ta vừa mới cử hành trong cùng một ngày lễ trọng, chính là những người tín thác nơi ơn thánh của Thiên Chúa và tìm sống theo luật nền tảng này. Thật thế, giới răn yêu thương có thể được thực thi một cách tràn đầy bởi người sống tương quan sâu xa với Thiên Chúa, y như đứa bé có khả năng yêu thương từ một tương quan tốt với cha mẹ nó. Thánh Gioan thành Avila, mà tôi mới tuyên bố là Tiến Sĩ Hội Thánh, viết ở đầu “Khảo luận về tình yêu Thiên Chúa” của người như sau: “Lý do mạnh nhất thúc đẩy con tim chúng ta yêu mến Thiên Chúa là nhìn lại tình yêu mà Người có đối với chúng ta… Hơn các lợi ích khác, điều này thúc đẩy con tim yêu mến; bởi vì người làm một điều lành cho người khác, thì cho họ cái gì mình có; nhưng người yêu thương, thì trao ban chính mình với tất cả những cái mình có, mà không còn lại gì khác để cho” (s. 1). Trước khi là một giới răn, tình yêu là một ơn, một thực tại, mà Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận biết và sống kinh nghiệm, để như một hạt giống, nó có thể nảy mầm cả bên trong chúng ta và phát triển trong cuộc sống chúng ta.
Nếu tình yêu của Thiên Chúa đã đâm rễ sâu trong một người, thì người đó có khả năng yêu thương cả người không đáng được yêu, y như Thiên Chúa yêu thương chúng ta vậy. Cha mẹ không chỉ yêu thương con cái khi chúng xứng đáng thôi, nhưng các ngài luôn luôn yêu thương chúng, dĩ nhiên cả khi các ngài làm cho chúng hiểu khi chúng sai. Chúng ta học được từ Thiên Chúa chỉ luôn luôn muốn sự lành và không bao giờ muốn sự dữ. Chúng ta học nhìn người khác với cái nhìn của Chúa Giêsu Kitô. Một cái nhìn phát xuất từ con tim và không dừng lại ở bề ngoài, nhưng đi xa hơn các dáng vẻ bề ngoài và đón nhận được các chờ mong của người khác: được lắng nghe và chú ý một cách nhưng không; tắt một lời một cái nhìn của tinh yêu thương. Nhưng cũng xảy ra điều ngược lại, đó là khi tôi rộng mở cho người khác như họ là, bằng cách đến gặp gỡ họ, sẵn sàng đối với họ, thì tôi cũng rộng mở cho việc hiểu biết Thiên Chúa, cảm nhận rằng Người hiên hữu và tốt lành. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân không thể tách rời nhau và có tương quan hai chiều với nhau. Đức Giêsu đã không sáng chế ra tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, nhưng Người đã vén mở cho thấy chúng là một giới rằn duy nhất; và Người đã không chỉ vén mở nó bằng lời nói, mà nhất là bằng chứng tá của Người: Chính Con Người của Đức Giêsu và tất cả mầu nhiệm của Người nhập thể sự hiệp nhất của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, như hai cánh dọc và ngang của Thập Giá. Trong Bí tích Thánh Thể Người ban cho chúng ta tình yêu hai chiều ấy bằng cách tự hiến Chính Mình, để được nuôi dưỡng bởi Bánh này, chúng ta cũng yêu nhau như Người đã yêu chúng ta.
Anh chị em thân mến, qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy cầu nguyện để mọi kitô hữu biết chứng tỏ đức tin của mình nơi một Thiên Chúa duy nhất với chứng tá trong sáng của tình yêu thương đối với tha nhân.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Có thể bạn quan tâm
Đức Cha Louis chủ sự thánh lễ cầu cho các Đấng bậc và..
Th11
Cáo phó: Ông cố Phêrô – Thân phụ của Nữ tu Maria Cao..
Th11
Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê: Kính Viếng Các Bậc Tiền Nhân
Th11
ĐTC Phanxicô: các nhà giáo dục hãy nhìn người trẻ bằng cái nhìn..
Th11
Các Giáo Xứ Tổ Chức Thánh Lễ & Nghĩa Cử Cầu Cho Các..
Th11
Ngày 04/11: Thánh Carôlô Borrômêô
Th11
Bài Giảng Đức Thánh Cha – Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm B
Th11
Thông điệp “Dilexit nos” – Người đã yêu thương chúng ta | Bản..
Th11
Một Hội Thánh Cùng Đi Với Chúa Loan Báo Tin Mừng
Th11
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 11/2024: Cầu Cho Những Người..
Th11
VPTGM-GPHT: Thông báo Lễ cầu nguyện cho các Đấng bậc và Ân nhân..
Th10
Halloween và Lễ Các Thánh
Th10
ĐTC Phan-xi-cô gửi điện chia buồn về sự ra đi của Đức Hồng..
Th10
Tháng Các Đẳng Linh Hồn Và Những Ước Nguyện
Th10
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm B
Th10
Ủy Ban Phụng Tự Giải Thích Về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu..
Th10
Suy Niệm Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (2/11) –..
Th10
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm..
Th10
Bảo vệ Trẻ vị thành niên: Báo cáo đầu tiên kêu gọi phản..
Th10
Đức Cha François Pallu: Chứng Nhân Của Tình Yêu
Th10