Phỏng vấn Đức cha Robert Francis Prevost, tân Tổng trưởng Bộ Giám mục

4067 lượt xem

Đức cha Prevost (Vatican Media)

PHỎNG VẤN ĐỨC CHA ROBERT FRANCIS PREVOST, TÂN TỔNG TRƯỞNG BỘ GIÁM MỤC

Ngày 30/01/2023 Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Robert Francis Prevost, nhà truyền giáo người Mỹ dòng Thánh Augustinô, Giám mục giáo phận Chiclayo ở Peru, làm tân Tổng trưởng Bộ Giám mục, thay thế Đức Hồng y Marc Ouellet. Vatican News đã có cuộc phỏng vấn với Đức cha Prevost, nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Giám mục và hình ảnh của một Giám mục ngày nay cần phải có.

Ngọc Yến – Vatican News

Từ một Giám mục truyền giáo ở châu Mỹ Latinh chuyển sang làm Tổng trưởng Bộ Giám mục, giúp  Đức Thánh Cha chọn các Giám mục, đối với Đức cha có ý nghĩa gì?

Tôi vẫn coi mình là một nhà truyền giáo. Ơn gọi của tôi cũng như ơn gọi của mọi Kitô hữu là trở thành nhà truyền giáo, loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chắc chắn cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều. Từ nay, tôi có thể phục vụ Đức Thánh Cha, Giáo hội, ở đây, từ Giáo triều Roma – một sứ vụ rất khác với sứ vụ trước đây nhưng cũng là một cơ hội mới để sống một chiều kích trong cuộc sống tôi mà đơn giản luôn là lời thưa “xin vâng” khi được mời gọi phục vụ. Trong tinh thần này, tôi đã kết thúc sứ vụ ở Peru, sau 8 năm rưỡi với tư cách là giám mục và gần 20 năm với tư cách là nhà truyền giáo, để bắt đầu một sứ vụ mới ở Roma.

Đức cha có thể mô tả khuôn mặt Giám mục cho Giáo hội ngày nay?

Trước hết, Giám mục là người “Công giáo”: đôi khi giám mục có nguy cơ chỉ tập trung vào chiều kích địa phương. Nhưng là một điều tốt khi một giám mục có một tầm nhìn rộng lớn hơn nhiều về Giáo hội và về thực tại, và cảm nghiệm được tính phổ quát này của Giáo hội. Chúng ta cũng cần khả năng lắng nghe người khác và tìm lời khuyên, cũng như sự trưởng thành về tâm lý và tinh thần. Một yếu tố cơ bản của Giám mục đó là mục tử, có khả năng gần gũi với các thành viên của cộng đoàn, bắt đầu từ các linh mục, theo đó giám mục như là người cha và người anh. Sống sự gần gũi này với mọi người, không loại trừ một ai. Đức Thánh Cha nói về bốn sự gần gũi: gần gũi với Chúa, với anh em giám mục, với linh mục và với mọi thành phần dân Chúa. Chúng ta không được chiều theo cám dỗ sống cô lập, tách biệt trong một tòa nhà, thỏa mãn bởi một đẳng cấp xã hội hoặc Giáo hội nào đó. Và chúng ta không được trốn đằng sau một ý tưởng về quyền bính mà ngày nay không còn ý nghĩa nữa. Quyền bính mà chúng ta có là để phục vụ, đồng hành với các linh mục, làm mục tử và thầy dạy. Chúng ta thường bận tâm đến việc dạy giáo lý, cách sống đức tin của mình, nhưng điều này có thể làm chúng ta quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là dạy ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho sự gần gũi của chúng ta với Chúa. Điều này đến trước: thông truyền vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp và niềm vui được biết Chúa Giêsu. Có nghĩa là chính chúng ta đang sống đức tin đó và chia sẻ kinh nghiệm này.

Trong thời điểm sự phân cực đang gia tăng trong cộng đoàn Giáo hội, việc phục vụ của Giám mục cho sự hiệp nhất xung quanh Người kế vị thánh Phêrô quan trọng như thế nào?

Ba cụm từ chúng ta đang sử dụng trong công việc của Thượng Hội đồng – hiệp thông, tham gia và sứ vụ – cho chúng ta câu trả lời.

Giám mục được mời gọi sống đặc sủng này, để sống tinh thần hiệp thông, cổ võ sự hiệp nhất trong Giáo hội, hiệp nhất với Đức Thánh Cha. Điều này cũng có nghĩa là Công giáo, vì không có Phêrô thì Giáo hội ở đâu? Chúa Giêsu đã cầu nguyện điều này trong Bữa Tiệc Ly, “Xin cho tất cả nên một”, và chính sự hiệp nhất này mà chúng ta muốn thấy trong Giáo hội.

Ngày nay, xã hội và văn hóa làm chúng ta xa rời tầm nhìn đó về Chúa Giêsu, và điều này gây ra rất nhiều tai hại. Sự thiếu hiệp nhất là một vết thương làm Giáo hội đau khổ, một vết thương rất đau đớn.

Sự chia rẽ và luận chiến trong Giáo hội không giúp được gì. Đặc biệt, chúng tôi, các Giám mục, phải thúc đẩy phong trào này hướng tới sự hiệp nhất, hướng tới sự hiệp thông trong Giáo hội.

Tiến trình bổ nhiệm các giám mục mới có thể được cải thiện không? Tông hiến Praedicate Evangelium nói dân Chúa phải tham gia trong việc chọn giám mục. Điều này có đang diễn ra không thưa Đức cha?

Trong Bộ, chúng tôi đã có một suy tư về vấn đề này. Lâu nay, không chỉ một số giám mục hay một số linh mục, nhưng cả những thành phần khác của dân Chúa cũng được lắng nghe. Điều này rất quan trọng, bởi vì giám mục được mời gọi để phục vụ một Giáo hội địa phương. Vì vậy, lắng nghe dân Chúa cũng là điều quan trọng.

Nếu một ứng viên mà không được giáo dân biết đến, thì khó – không phải là không thể, nhưng khó – để ứng viên đó thực sự trở thành mục tử của một cộng đoàn, của một Giáo hội địa phương. Vì vậy, điều quan trọng là quá trình này cởi mở hơn một chút để lắng nghe các thành viên khác nhau trong cộng đoàn.

Điều này không có nghĩa là Giáo hội địa phương phải chọn mục tử của mình, như thể việc được kêu gọi làm giám mục là kết quả của một cuộc bỏ phiếu dân chủ, của một tiến trình gần như “chính trị”. Cần có một cái nhìn bao quát hơn nhiều, và các sứ thần Tòa Thánh giúp ích rất nhiều trong việc này. Tôi tin rằng, từng chút một, chúng ta cần cởi mở hơn, lắng nghe tu sĩ, giáo dân nhiều hơn một chút.

Một trong những điều mới mà Đức Thánh Cha đã đưa ra là bổ nhiệm ba phụ nữ làm thành viên của Bộ Giám mục. Đức cha có thể nói gì về sự đóng góp của ba phụ nữ này?

Trong một số trường hợp, chúng tôi đã thấy rằng quan điểm của phụ nữ là một sự phong phú. Hai nữ tu và một giáo dân, và thường quan điểm của họ hoàn toàn trùng với những gì các thành viên khác của Bộ nói. Và ở một thời điểm khác, ý kiến của họ đưa ra một quan điểm khác và trở thành một đóng góp quan trọng cho quá trình.

Tôi nghĩ việc bổ nhiệm ba phụ nữ không chỉ là một cử chỉ từ phía Đức Thánh Cha để nói rằng bây giờ cũng có phụ nữ ở đây. Có một sự tham gia thực sự, chân thành và có ý nghĩa mà họ đưa ra tại các cuộc họp của chúng tôi khi chúng tôi thảo luận về hồ sơ của các ứng cử viên.

Các quy tắc mới chống lạm dụng gia tăng trách nhiệm của các giám mục. Các giám mục đã thực hiện như thế nào?

Trong những năm qua, có những nơi đã làm rất tốt và các quy tắc đang được áp dụng. Nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều điều để học hỏi. Như tính cấp thiết và trách nhiệm đồng hành cùng nạn nhân. Một trong những khó khăn thường nảy sinh là giám mục phải gần gũi với các linh mục, nhưng cũng phải gần gũi với các nạn nhân. Một số đề nghị cho rằng giám mục không là người trực tiếp tiếp nhận các nạn nhân, nhưng chúng ta không thể đóng trái tim chúng ta, cánh cửa Giáo hội, đối với những người đã bị lạm dụng.

Trách nhiệm của giám mục là rất lớn, và tôi cho rằng chúng tôi còn phải nỗ lực rất nhiều để ứng phó với tình trạng đang gây ra quá nhiều nhức nhối trong Giáo hội. Cần nhiều thời gian. Chúng tôi đang cố gắng làm việc cùng với các bộ khác.

Tôi tin rằng việc đồng hành với các giám mục, những vị chưa nhận được sự chuẩn bị cần thiết để giải quyết vấn đề này là một phần sứ vụ của Bộ Giám mục.

Hiện luật đã có rồi. Có phải thay đổi tâm thức là điều còn khó hơn phải không thưa Đức cha?

Chắc chắn rồi, có nhiều sự khác biệt giữa nền văn hóa này và nền văn hóa khác về cách một người phản ứng trong những tình huống này. Ở một số quốc gia, người ta đã có thể nói về chủ đề này, nhưng ở những nơi khác nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân không bao giờ muốn nói về sự lạm dụng mà họ phải chịu đựng.

Trong mọi trường hợp, im lặng không phải là một câu trả lời. Im lặng không phải là giải pháp. Chúng ta phải minh bạch và trung thực, chúng ta phải đồng hành và hỗ trợ các nạn nhân, bởi nếu không, vết thương của họ sẽ không bao giờ lành. Có một trách nhiệm lớn trong việc này, cho tất cả chúng ta.

Giáo hội đang dấn thân vào con đường sẽ dẫn đến Thượng hội đồng về tính Hiệp hành. Vai trò của giám mục là gì?

Có một cơ hội tuyệt vời trong sự đổi mới liên tục này của Giáo hội mà Đức Thánh Cha đang mời gọi chúng ta dấn bước. Một mặt, có những giám mục công khai bày tỏ sự lo ngại, bởi vì các vị không hiểu Giáo hội đang đi về đâu. Có lẽ các vị thích sự an toàn của những câu trả lời đã trải nghiệm trong quá khứ.

Tôi thực sự tin rằng Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong Giáo hội vào thời điểm này và đang thúc đẩy chúng ta hướng tới một sự đổi mới và do đó chúng ta được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm lớn lao để sống điều mà tôi gọi là một thái độ mới. Đó không chỉ là một quá trình, nó không chỉ là thay đổi một số cách làm việc, như tổ chức nhiều cuộc họp hơn trước khi đưa ra quyết định. Nó còn  nhiều hơn nữa.

Nhưng đó cũng là điều có lẽ gây ra một số khó khăn nhất định, bởi vì tận sâu thẳm, trước hết chúng ta phải có khả năng lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe những gì Người đang yêu cầu Giáo hội.

Làm thế nào để điều này được thực hiện?

Chúng ta phải có khả năng lắng nghe nhau, để nhận ra rằng vấn đề không phải là thảo luận về một chương trình nghị sự chính trị hay chỉ đơn giản là cố gắng thúc đẩy các vấn đề mà tôi hoặc những người khác quan tâm.

Đôi khi có vẻ như chúng ta muốn giảm mọi thứ thành việc muốn bỏ phiếu và sau đó làm những gì đã được bỏ phiếu. Thay vào đó, đó là một điều gì đó sâu xa hơn và rất khác: chúng ta cần học cách thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần và tinh thần tìm kiếm sự thật sống trong Giáo hội. Chuyển từ một trải nghiệm mà quyền bính lên tiếng và tất cả đã kết thúc, sang một trải nghiệm của Giáo hội coi trọng các đặc sủng, hồng ân và các thừa tác vụ có trong Giáo hội.

Thừa tác vụ giám mục thực hiện một phục vụ quan trọng, nhưng chúng ta phải đặt tất cả những điều này để phục vụ Giáo hội theo tinh thần hiệp hành này, nghĩa là tất cả chúng ta cùng nhau bước đi và cùng nhau tìm kiếm điều Chúa đang yêu cầu chúng ta, trong thời đại của chúng ta.

Các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến đời sống của các giám mục như thế nào?

Giám mục cũng được yêu cầu trở thành một quản trị viên giỏi, hoặc ít nhất có khả năng tìm một quản trị viên giỏi để giúp đỡ mình.

Đức Thánh Cha đã nói với chúng ta rằng ngài muốn một Giáo hội nghèo và vì người nghèo. Có những trường hợp các cơ cấu và cơ sở hạ tầng của quá khứ không còn cần thiết và rất khó để duy trì chúng. Đồng thời, ngay cả ở những nơi tôi đã làm việc, Giáo hội có trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và y tế cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân, vì nhiều khi Nhà nước không cung cấp được.

Cá nhân tôi không cho rằng Giáo hội nên bán tất cả mọi thứ và “chỉ” rao giảng Tin Mừng trên đường phố. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm rất lớn, không có câu trả lời chung chung. Cần cổ võ thêm sự giúp đỡ huynh đệ giữa các Giáo hội địa phương.

Đối diện với nhu cầu duy trì cơ cấu dịch vụ với thu nhập không còn như trước đây; Giám mục phải rất thực tế. Các nữ tu dòng kín luôn nói: “Bạn hãy tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa Quan phòng, vì sẽ tìm được cách trả lời”. Điều quan trọng là đừng bao giờ quên chiều kích thiêng liêng của ơn gọi chúng ta. Nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành nhà quản lý và suy luận như nhà quản lý.

Đức cha thấy mối quan hệ giữa giám mục và phương tiện truyền thông xã hội như thế nào?

Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một công cụ quan trọng để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng đến với hàng triệu người. Chúng ta phải chuẩn bị để sử dụng tốt phương tiện truyền thông xã hội. Tôi e rằng sự chuẩn bị này đôi khi còn thiếu sót.

Đồng thời, thế giới ngày nay, không ngừng thay đổi, đặt ra những tình huống mà chúng ta thực sự phải suy nghĩ nhiều trước khi nói hoặc viết một tin trên Twitter, để trả lời hoặc thậm chí chỉ để đặt câu hỏi ở dạng công khai, toàn cảnh của mọi người. Đôi khi có nguy cơ gây chia rẽ và tranh cãi.

Việc sử dụng mạng xã hội và truyền thông đúng cách có trách nhiệm rất lớn, bởi đó là cơ hội nhưng cũng là rủi ro. Và nó có thể làm tổn hại đến sự hiệp thông của Giáo hội. Đó là lý do tại sao người ta phải rất thận trọng trong việc sử dụng các phương tiện này.

Nguồn:vaticannews

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận