TỔNG QUAN VỀ GIÁO HẠT TAM TÒA

– Thành lập: 10.11.2021
– Địa giới: 
– Trụ sở: Giáo xứ Tam Tòa
– Địa chỉ: Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
– Có 09 giáo xứ, bao gồm: Được tách từ Giáo hạt Nguồn Son bao gồm các giáo xứ: Tam Tòa, Bình Thôn, Bồng Lai, Hà Lời, Hoành Phổ, Phúc Tín, Sen Bàng, Thanh Hải và Trung Quán.
– Tổng số giáo họ: 15
– Số linh mục: 7
– Tổng số giáo dân: 6.971
– Các sở dòng: Cộng đoàn MTG Nguồn Son, Nhóm MTG Đồng Hới

VIDEO - HÌNH ẢNH

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TAM TÒA

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: thế kỉ XVII
– Quan thầy: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
– Địa giới: Thành Phố Đồng Hới,
– Trụ sở: Tam Tòa
– Địa chỉ: P. Đồng Mỹ, Tp. Đồng Hới, QB.
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Trần Văn Thành
– Các giáo họ: Tam Tòa
– Tổng số giáo dân: 1.012
– Các sở dòng: Nhóm MTG Đồng Hới

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Tam Tòa có nhà thờ tọa lạc trên tả ngạn sông Nhật Lệ, nay là đường Nguyễn Du, thành phố Ðồng Hới. Vào khoảng thế kỉ XVII, giáo họ Đồng Hới được thành lập. Họ đạo này cũng có tên là họ Lũy vì gần Lũy Trường Dục hoặc Lũy Thầy do Đào Duy Từ xây cất. Mãi đến năm 1886 mới đổi tên là họ Tam Tòa.

Giáo họ Đồng Hới (Tam Tòa) do các cha dòng Tên thành lập. Năm 1615, cha Phanxicô Buzomi, dòng Tên, người Ý từ Áo Môn qua xứ Nam. Cha được chúa Sãi cho tự do mở đạo từ Phú Yên đến sông Gianh. Các cha dòng Tên thường giảng đạo ở những dân tập trung. Lúc bấy giờ ở Quảng Bình, không có chỗ nào đông người bằng cửa Nhật Lệ nên các ngài đã lập nên ở đây bốn giáo xứ là Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười và Đồng Hới.

Năm 1659, Tòa Thánh lập địa phận Đàng Trong (xứ Nam) và đặt Đức Giám Mục Lambert de la Motte cai quản, tuy nhiên, lúc này ngài vẫn đang ở Thái Lan. Các giáo xứ ở Quảng Bình được giao cho các ban chức việc coi sóc, họ là những người đã được các thừa sai ban bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Giáo dân nơi đây phải chịu nhiều thiệt thòi vì con số các cha quá ít, địa hình lại cách xa với Huế nên việc đi lại của các cha cũng hạn chế. Hơn nữa, từ năm 1698 trở đi, Minh vương cấm đạo quá ngặt nên mọi việc truyền giáo cũng đình trệ, con số giáo hữu ngày một giảm.

Vào năm 1690, linh mục Lôrensô Lân được đặt làm quản xứ tiên khởi Quảng Trị và Quảng Bình. Là một linh mục sinh trưởng ở Đồng Nai, ngài được học tại chủng viện Thái Lan, có tiếng thông minh xuất chúng. Chính ngài đã để lại nhiều tài liệu quý giá về các giáo họ tại Quảng Bình nơi ngài coi sóc. Năm 1733, ngài bị bệnh và qua đời tại bệnh xá Phủ Cam, từ đây Quảng Bình vắng bóng linh mục Việt Nam.

Trải qua thời gian cấm đạo (1833-1862), các giáo xứ vùng Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trong việc giữ đạo, các linh mục không được phép hoạt động tại đây. Các công việc trong các giáo xứ chủ yếu nhờ vào các chức sắc chức việc. Họ Sáo Bùn (Tam Tòa) là một giáo họ ở gần quan quân tỉnh Đồng Hới nên phải dè dặt hơn các nơi khác. Lúc này, nhà thờ được làm bằng cột kèo tranh tre, khi tĩnh thì để vậy nhưng khi động thì hạ xuống để một đống. Các linh mục nếu có đến đây phải lén lút cử hành thánh lễ lúc ban đêm và ban các bí tích tại tư gia.

Qua thời cấm đạo này, tại Đồng Hới, quan quân đã chọn một địa điểm không xa họ Sáo Bùn để làm pháp trường xử các vị tử đạo. Dưới thời Minh Mạng, ngày 28/11/1838, quân lính đã xử Đức Cha Cao (Borie), cha Vincente Điểm và cha Phêrô Khoa, ba vị thuộc Giáo phận Vinh. Ngày 10/7/1840, nơi đây là pháp trường đã xử ông Antôn Quỳnh Năm và thầy Tự. Linh mục Launay trong cuốn “52 Tôi Tớ Chúa” đã ghi rằng: “Ngày đó, tất cả các giáo dân họ Sáo Bùn và họ Sáo Cát cùng với một số đồng bào lương dân đến mục kích cái chết của hai vị tử đạo”. Dưới triều Tự Đức, ngày 26/5/1861, tại pháp trường này cũng đã xử hai vị tử đạo là cha  Gioan Đoàn Trinh Hoan và ông trùm họ Matthêô Nguyễn Văn Phượng. Về sau, giáo dân đã xây một tượng đài để kỷ niệm tại đây để kính nhớ 7 vị tử đạo, tuy nhiên qua thời gian đã mất và địa điểm pháp trường hiện nay vẫn khó xác định.

Những năm 1880, Sáo Bùn có 200 nóc nhà với khoảng 1.200 giáo hữu, tại đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục. Năm 1886, Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ nên số giáo dân chạy về Ðồng Hới lánh nạn. Sau khi được sự cho phép của chính quyền bảo hộ và các cơ quan hữu trách, cố Claude Bonin và giáo dân Tam Tòa chuyển nhà thờ về ở rẻo đất bên bờ sông Nhật Lệ, sát cửa thành thuộc đất làng Mỹ Lệ và đổi tên thành giáo xứ Tam Tòa. Đây chính là nơi hiện nay còn ngọn tháp nhà thờ. Năm 1850, khi giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của giáo phận Huế. Nhà thờ Tam Tòa lần đầu tiên được xây dựng năm 1887 và năm 1940, được tái thiết khang trang và hoàn chỉnh hơn.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, hầu hết giáo dân Tam Tòa, cùng với rất nhiều dân cư ở đây và giáo dân các xứ thuộc hạt Nam Quảng Bình di cư vào Ðà Nẵng sinh sống và thành lập giáo xứ Tam Toà ở Ðà Nẵng. Từ đó, số giáo dân còn lại ở đây được coi sóc bởi 2 linh mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể. Ðến năm 1962, cha Thể qua đời và năm 1964, chiến tranh lại bùng phát, cha Nghiêm rời đi, Tam Tòa không còn linh mục coi sóc.

Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích, đổ nát và được duy trì trong tình trạng này cho đến ngày xây dựng nhà thờ mới như hôm nay. Mặc dầu số giáo dân còn lại quá ít ỏi, không đủ khả năng tái thiết, nhưng tổng giáo phận Huế cũng như bà con Tam Tòa vẫn luôn ước mong tái thiết nhà thờ mà cha ông họ đã dày công xây dựng.

Theo chứng tích lịch sử qua dải đất Tam Tòa (Đồng Hới), chúng ta chỉ nhìn thấy một ngọn tháp nhà thờ bên bờ sông, bị bom đạn làm sứt mẻ quá nặng nề. Tuy nhiên, đó là chứng tích cho chúng ta biết rằng, tại chốn này đã từng có một giáo xứ Tam Tòa sum vầy, phồn thịnh. Ngoài ra, nơi đây còn có tu viện Mến Thánh Giá, Viện Dục Anh, trường Trung Học Chân Phước Phượng và nghĩa trang giáo xứ.

Ngày 26/3/1997, UBND tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử như một di chứng tội ác chiến tranh, không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là tổng giáo phận Huế và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa.

Ðến ngày 15/5/2006, tổng giáo phận Huế chuyển giáo hạt Nam Quảng Bình cho Giáo phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. Ngay sau đó, Ðức Cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng về quản xứ Sen Bàng, kiêm xứ Tam Tòa, phục vụ hơn 1,000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Ðồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà. Ngày 01/10/2010, cha Phêrô Lê Thanh Hồng chính thức được bổ nhiệm quản xứ Tam Tòa. Đã nhiều lần giáo dân yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Bình trao trả lại nhà thờ Tam Tòa nhưng không được chấp thuận. Căng thẳng nhất là sự kiện 20/7/2009. Mọi sinh hoạt tôn giáo đang phải nhờ nhà của ông Trần Công Lý tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100m về phía tây bắc.

Về với Tam Tòa hôm nay, chúng ta sẽ thấy một Tam tòa khác hẳn. Qua 7 năm cha quản xứ Phêrô Trần Văn Thành cùng bà con giáo dân nỗ lực xây dựng đến nay ngôi thánh đường mới được hoàn thành.

Nhà thờ Giáo xứ Tam Tòa có cấu trúc nguy nga, tráng lệ, được xây dựng bằng đá cẩm thạch với nhiều đường nét hoa văn tinh xảo kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại.
Nhà thờ Giáo xứ Tam Tòa đã được Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn khánh thành và cung hiến vào ngày 12/8/2023 sắp tới. Với vẻ đẹp và tầm vóc của mình, thánh đường giáo xứ Tam Tòa hứa hẹn sẽ trở thành ‘trái tim’ của vùng đất nam Quảng Bình.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ BÌNH THÔN

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 1932
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Bình Thôn
– Địa chỉ: xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quãng Bình
– Linh mục quản xứ hiện tại:  Phêrô Nguyễn Hữu Sáng, CM
– Các giáo họ: Bình Thôn
– Tổng số giáo dân: 232
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Bình Thôn là một giáo xứ đã có bề dày lịch sử hơn 127 năm, trải qua nhiều chông gai và thử thách cả về đức tin lẫn đời sống vật chất. Ngày nay, giáo xứ thuộc thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Từ cuối năm 1949, khi cha Phêrô Nguyễn Văn Hinh qua đời và nhất là sau biến cố 1954, phần lớn bà con đã di cư vào miền Nam, để lại cảnh xơ xác tiêu điều, xóm đạo hoang tàn buồn thảm. Đến nay giáo xứ chỉ còn 75 gia đình với hơn 231 nhân danh.

Trước đây, vào khoảng năm 1894, Bình Thôn trực thuộc hạt Tam Tòa, giáo phận Huế. Bước đầu thành lập, Bình Thôn trực thuộc địa sở Mỹ Định đến năm 1899. Trong thời gian này, Đức Cha Lộc đã cử cha Giacôbê Nguyễn Văn Đức, người An Do Đông (Cửa Tùng – Quảng Trị) đến làm phó cho cố Lộ để chuyên trách giáo lý. Ngài đã mở trường dạy các dự tòng Bình Thôn và Hoành Phổ; cũng vào năm đó cha đã rửa tội cho một số khá đông thuộc hai họ trên. Năm 1899, cha phó Giacôbê Đức được cử làm cha sở họ Mỹ Hương, họ Bình Thôn được Đức Cha Lộ cho sáp nhập với địa sở Mỹ Hương, dưới quyền coi sóc của Cha Giacôbê Đức.

Theo thời gian, vì số giáo hữu Bình Thôn gia tăng mau chóng, cho nên Đức Cha Giáo (A. Chabanon) đã ban quyết định nâng họ Bình Thôn thành địa sở chính, tách khỏi Hoành Phổ; đồng thời đặt linh mục Phaolô Phan Đình Bố làm cha sở tiên khởi. Cha Bố đến nhận nhiệm sở Bình Thôn kể từ ngày 15/7/1932, nhằm ngày 12/5 Nhâm Thân, lúc ấy, ngoài họ chính Bình Thôn, còn có 10 họ lẻ trực thuộc. Tháng 7/1944, cha Tôma Nguyễn Văn Hinh (1890-1965) được đặt làm cha sở Bình Thôn và coi sóc giáo xứ đến năm 1950.

Trong thời gian giáo xứ không còn linh mục coi sóc, nhiều giáo dân bỏ xứ ra đi, số còn lại vẫn tối sớm đến nhà thờ, giúp nhau giữ vững đức tin. Sau 6 năm vắng bóng linh mục, năm 1956, cha GB. Lương Văn Thể (1888-1962) được cử đến Trung Quán, nhờ đó Bình Thôn và cả một vùng rộng lớn khác đều được ngài kiêm nhiệm. Riêng tại Bình Thôn, cha đã đến cử hành thánh lễ Chúa nhật và các lễ trọng, ngài đã rửa tội, dạy giáo lý và hợp thức hóa nhiều nố hôn phối. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cố gắng hoạt động mục vụ. Điều không may là cha đã qua đời cách đột ngột tại Trung Quán vào chiều Chúa nhật 24/6/1962, nhân ngày lễ quan thầy của Ngài. Xác ngài hiện vẫn được an táng tại Trung Quán, bên cạnh mộ của cha Phaolô Lê Văn Hiển.

Trên 40 năm kể từ ngày cha Thể ra đi, mảnh đất Bình Thôn vắng bóng chủ chăn. Con cái sinh ra không được rửa tội, không biết giáo lý… Từ những năm 2000, các giáo xứ thuộc tổng giáo phận Huế bắt đầu được tái thiết. Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đã nhờ Giáo phận Vinh giúp đỡ và cha Phêrô Nguyễn Bình Yên đã được cắt cử vào trong các giáo xứ này để nâng đỡ đức tin của giáo dân. Vì đường xa và chính quyền gây khó khăn nên ngài cũng chỉ đến đây một năm một vài lần để cử hành thánh lễ và ban các bí tích.

Ngày 25/5/2005, giáo xứ Bình Thôn cùng Trung Quán, Hoành Phổ và Phúc Tín được chuyển giao hoàn toàn cho Giáo phận Vinh. Ngày 7/12/2006, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã bổ nhiệm cha Phêrô Lê Thanh Hồng coi sóc 4 giáo xứ thuộc vùng nam Quảng Bình này.

Năm 2010, các giáo xứ vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy chính thức có cha quản xứ mới là linh mục Phaolô Nguyễn Chí Thiện, một con người thánh thiện, gần gũi và hăng say hoạt động tông đồ. Trong những năm đầu trong đời sứ vụ, chính tay ngài đã rửa tội và cử hành các bí tích cho các giáo hữu nơi đây và đưa được nhiều linh hồn về với Chúa và Giáo Hội. Bình Thôn hôm nay lại vang lên câu kinh rộn ràng sáng tối. Với nhiệt huyết của cha quản xứ và nỗ lực của bà con giáo dân, trong tương lai gần, thánh đường giáo xứ sẽ được dựng lên nơi đây và trở nên nguồn sống, điểm qui tụ để con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Từ ngày giáo Phận Hà Tĩnh được thành lập với sự quan tâm của mục tử Bình Thôn được các cha thay nhau kiêm nhiệm.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ BỒNG LAI

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 02/04/2019
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Bồng Lai
– Địa chỉ: Thôn 2 Bồng Lai, Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Nguyễn Hùng Hải
+ Hằng ngày: Bồng Lai
– Tổng số giáo dân: 909
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo họ Bồng Lai được thành lập vào năm 1897, do Cố Cả L. Cadière, nhà Việt Nam học lừng danh, đã hình thành họ đạo với tên gọi là họ Bùng với số giáo dân 97 người. Ngày 24/04/2004, Giáo họ Bồng Lai chính thức được thành lập, thuộc giáo xứ Gia Hưng. Vào ngày 12/08/2010 được chuyển và nhập vào Giáo xứ Hà Lời. Vào ngày 06/09/2011, Giáo họ vui mừng đón Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp về dâng thánh lễ Tạ ơn và chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ giáo họ Bồng Lai. Sau hơn 3 năm xây dựng vất vả, với sự chung sức chung lòng của bà con giáo dân, ngày 28/09/2014 nhà thờ Giáo họ được khánh thành do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự.

Ngày 02/4/2019, đánh dấu một mốc lịch sử trọng đại: Giáo họ Bồng Lai chính thức được nâng lên Chuẩn Giáo xứ do Cha Phêrô Nguyễn Hùng Hải coi sóc. Theo báo cáo tất niên cuối năm 2023, chuẩn giáo xứ Bồng Lai hiện có 216 hộ gia đình với 909 nhân khẩu

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ HÀ LỜI

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 1920
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Hà Lời
– Địa chỉ: Thị trấn Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình
– Linh mục quản xứ hiện tại: Antôn Nguyễn Thanh Tịnh
– Các giáo họ: Hà Lời, Xuân Tiến, An Hòa
– Tổng số giáo dân hiện nay: 1.692
– Các sở dòng: Cộng Đoàn MTG Hà Lời

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Hà Lời (tt. Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình) thành lập năm 1920, xưa kia là xứ đạo xa nhất của giáo phận Huế dọc theo bờ nam nguồn Son, thuộc địa bàn hai làng Hà Lời và Phong Nha.

Không biết ai là người đầu tiên đem hạt giống Tin Mừng đến với vùng đất hữu ngạn sông Gianh – Nguồn Son để làm nên các xứ đạo như Bồ Khê, Kẻ Hạc, Cù Lạc… thuộc hạt Tam Tòa. Tuy nhiên, theo lịch sử, tháng 10/1895, linh mục L. Cadière (cố Cả) được bổ nhiệm làm cha sở hạt Tam Tòa. Tháng 12/1896, ngài xin ra phục vụ tại giáo xứ Cù Lạc, nằm trên hữu ngạn nguồn Son, phía đông lèn Mụ U, thuộc tổng Cao Lao, huyện Bố Trạch. Trong báo cáo thường niên của Đức Cha Caspar vào năm 1888 có ghi: “Cù Lạc là một họ đạo mới thành lập gồm 200 tân tòng sẽ liên kết với giáo hạt này”.

Sau hơn một năm ở Cù Lạc, cố Cả đã gầy dựng được 4 họ đạo, trong đó có Hà Lời, Chùa Nghe (An Hòa). Đầu năm 1898, Đức Cha Caspar cử thêm cha Antôn Nguyễn Đức Tú ra làm phó xứ Cù Lạc. Năm 1902, xứ Cù Lạc chia làm hai, cố Cả rời Cù Lạc về nhận xứ mới là Bồ Khê ở cửa sông Gianh. Từ đây, Cù Lạc và các giáo họ Hà Lời, Chùa Nghe, Bùng… được các cha sau đây đảm nhiệm: Đôminicô Lê Văn Phẩm (1902-1908); Micae Nguyễn Văn Cẩm (1908-1916); Antôn Nguyễn Văn Triều (1916-1920). Ngày 01/02/1920, cha Triều rời Cù Lạc lên lập xứ Hà Lời gồm 2 giáo họ Hà Lời và Chùa Nghe, giáo xứ nhận thánh Gioan Baotixita làm bổn mạng. Giáo dân dựng một ngôi thánh đường bằng gỗ, diện tích 120m2, mái lợp tranh, xung quanh che bằng tấm mên đót, cơ sở đặt tại trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng ngày nay. Ngày 12/10/1920, thánh lễ mừng xứ mới được tổ chức trọng thể. Số giáo dân theo thống kê 1921-1922 thì Hà Lời: 225, Chùa Nghe: 186, Bùng: 97.

Kể từ ngày thành lập, Hà Lời đã trải qua nhiều đời linh mục quản xứ và phụ trách, có nhiều giai đoạn vắng bóng chủ chăn: Phêrô Nguyễn Văn Tú (1922-1923), Phêrô Hoàng Văn Triều (1924-1930), Phêrô Nguyễn Văn Giáo (1931-1935), Phêrô Phạm Văn Ninh (1935-1937), Gioan Phan Thanh Hòa (1937-1939), FX. Bùi Quang Ninh (1939-1944), Phaolô Nguyễn Thanh Hoà (1944-1948). Từ đây, các cha giáo phận Huế không còn đến đây phục vụ nữa, xứ Cù Lạc cũng chấm dứt.

Kể từ đây, giáo dân Hà Lời nhờ quen với sông nước nên vào các ngày Chủ nhật và lễ trọng, họ xuôi đò về Gia Hưng (cách 7km) tham dự thánh lễ, vì thế đức tin được duy trì. Từ năm 1950, các cha xứ Gia Hưng và Đồng Troóc như linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Quế, Phêrô Nguyễn Văn Liêm, FX Nguyễn Văn Đoàn, Phêrô Nguyễn Huy Thiết thay nhau đến giúp xứ Hà Lời. Tháng 7/1994, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Bình, sự hướng dẫn của cha Đoàn và cha Thiết cùng với sự giúp đỡ của các xứ lân cận, giáo xứ Hà Lời dựng được ngôi nhà thờ gỗ, công trình xây dựng hoàn thành ngày 7/4/1997. Từ hôm đó, qua trao đổi giữa chủ chăn hai giáo phận cùng chính quyền Quảng Bình, các bên thỏa thuận tạm trao phần lãnh thổ nam sông Gianh – nguồn Son cho Giáo phận Vinh quản nhiệm, giáo xứ Hà Lời được giao cho cha xứ Gia Hưng coi sóc. Kể từ đây, cha Phêrô Nguyễn Huy Thiết đến dâng thánh lễ Chúa nhật hàng tuần và lễ trọng quanh năm. Từ ngày 29/4/2002, cha Antôn Trần Minh An quản xứ Gia Hưng kiêm xứ Yên Giang và Hà Lời thay cha Thiết. Chiều thứ 5 ngày 25/8/2004, ngài tổ chức tuần Chầu lượt, đây là một sự kiện chưa từng có của giáo xứ sau 84 năm thành lập. Cũng trong dịp này giáo xứ hân hạnh đón Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đến thăm mục vụ và ban bí tích Thêm Sức cho 105 người lớn nhỏ của Hà Lời, 45 em ở giáo họ Hội Nghĩa và giáo vùng Xuân Tiến của xứ Gia Hưng. Từ ngày 25/01/2005-18/12/2006, cha Micae Hồ Thái Bạch (quản xứ Khe Gát) kiêm nhiệm.

Lịch sử giáo xứ sang trang từ ngày 06/12/2006, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên bổ nhiệm hai linh mục đầu tiên đến lo mục vụ vùng phía nam tỉnh Quảng Bình là Phêrô Lê Thanh Hồng, quản xứ Sen Bàng và Phêrô Ngô Thế Bính, quản xứ Hà Lời. Ngày 18/12/2006 cha Bính đến Hà Lời nhận nhiệm sở, lúc này giáo xứ gồm 3 giáo họ với 1.045 giáo dân. Ngày 02/01/2015, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Văn Hảo quản xứ Hà Lời thay cha Phêrô Ngô Thế Bính.

Hiện nay, giáo xứ gồm 3 giáo họ Hà Lời, Xuân Tiến, An Hòa với 1.692 do cha Antôn Nguyễn Thanh Tịnh coi sóc.

Nhìn chung, giáo dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu đi rừng, một số ít chạy đò phục vụ du lịch động Phong Nha, số khác đi thành phố làm thuê. Từ khi có cha quản xứ, giáo dân có điều kiện để tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tái truyền giáo, nhiều người còn khô khan nguội lạnh. Hy vọng xứ Hà Lời sẽ không ngừng được củng cố và lớn mạnh trong những năm tiếp theo.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ HOÀNH PHỔ

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 1896
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Hoành Phổ
– Địa chỉ: xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
– Linh mục quản xứ hiện tại: GB. Nguyễn Quyết Chiến CM, quản nhiệm
– Các giáo họ: Hoành Phổ
– Tổng số giáo dân: 169
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hoành Phổ tọa lạc tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hoành Phổ được thành lập năm 1896 . Trước đây, Hoành Phổ thuộc tổng giáo phận Huế. Thuở ban đầu, Hoành Phổ đã có nhà thờ làm nơi thờ tự rộng 10 gian, có Ban hành giáo để giúp cha xứ trong việc điều hành giáo xứ. Nhất là thời gian không còn cha xứ coi sóc thì Ban hành giáo là những người trực tiếp hướng dẫn bà con giáo dân trong việc đọc kinh sáng tối và phụ trách liên lạc. Đến năm 1942, bề trên đã đặt cha Nguyễn Văn Tự quản xứ Hoành Phổ. Ngài đã cùng với giáo dân nơi đây xây dựng giáo xứ lớn mạnh về mọi mặt. Tuy nhiên, thời gian thịnh vượng chẳng được bao lâu, đến năm 1947, Pháp đổ bộ lên đất Quảng Bình, cha xứ và giáo dân bị li tán, giáo dân trở lại sống giữ đạo thầm lặng. Ngôi nhà thờ giáo xứ theo thời gian đã bị mối mọt, xuống cấp trầm trọng. Vì thế, năm 1958, giáo dân đã tu sửa lại 6 gian và xây bao xung quanh.

Có thể nói rằng, trong quá trình phát triển, Hoành Phổ chịu rất nhiều chông gai và sóng gió. Đi qua hai cuộc chiến, xứ sở oằn mình hứng chịu “mưa bom bão đạn”. Tai hại hơn là đoàn chiên gần như mất tất cả: cha sở, nhà thờ, tự do tôn giáo… Sau 9 năm dài chìm trong binh lửa (1945-1954) kéo theo sự ra đời của hiệp định đình chiến Genève là biệt ly, tang tóc. Kẻ đi, người ở lưng tròng nước mắt.

Ngoại trừ thời gian có hai cha GB. Lương Văn Thể (1956-1962) và Antôn Trần Quang Nghiêm phục vụ, một số đông tín hữu sống trong sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tâm linh. Chông gai và khổ đau, áp bức và kìm kẹp là những từ ngữ diễn tả sự khắc nghiệt của đời sống ở giai đoạn này. Thế nhưng, chính việc đi qua những khó khăn cận kề sinh tử, người ta mới thấy được vẻ đẹp kiên vững và mạnh mẽ của đức tin. “Mất nhà thờ thì ta lại về nhà dân cầu nguyện, mất cha xứ thì ta chủ động họp nhau cử hành đức tin”. Cấm cách không làm tín hữu bỏ đạo, đời sống đức tin chuyển sang giai đoạn “thầm lặng”, tiềm ẩn những yếu tố sẵn sàng bừng cháy bất cứ lúc nào.

Ngày 25/5/2005, ngày đánh dấu mốc lịch sử mới của các giáo xứ phía nam tỉnh Quảng Bình, trước sự hiện diện của hàng trăm tín hữu và đại diện chính quyền, Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể đã ký văn bản ghi nhớ việc chuyển giao sự đạo vùng này cho Giáo phận Vinh mà đại diện là Đức Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên. Như thế, các giáo xứ: Hà Lời, Sen Bàng, Tam Tòa, Trung Quán, Phúc Tín, Hoành Phổ, Bình Thôn chính thức gia nhập đại gia đình Giáo phận Vinh. Khi giáo phận Hà Tĩnh được thành lập thì các xứ trên thuộc về Giáo phận Hà Tĩnh.

Đảm nhận trọng trách mới đồng nghĩa với nhận thêm gánh nặng trên vai, những gánh nặng mà chỉ có các cha như Phêrô Nguyễn Bình Yên, Phêrô Lê Thanh Hồng, Phêrô Nguyễn Chí Thiện và những người trong cuộc mới hiểu.

Năm 2006, linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng, quản xứ Sen Bàng, được cắt cử vào để coi sóc cho các xứ vùng truyền giáo này. Năm 2010, linh mục Phaolô Nguyễn Chí Thiện mới chính thức được bổ nhiệm coi sóc Trung Quán, Phúc Tín, Bình Thôn và Hoành Phổ. Với sự nhiệt huyết và hăng say chu toàn công việc Nhà Chúa, ngài đã hết mực lo cho đoàn con nơi đây. Như nai tìm về suối nước, giáo dân nơi các vùng tái truyền giáo này nô nức, phấn khởi và đồng lòng với cha xứ mới trên cánh đồng bát ngát này. Sớm hôm chiều tối nơi đây đã có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, niềm khát khao của bao tâm hồn. Việc học và dạy giáo lý luôn được cha xứ và bà con hưởng ứng, chính vì thế, trong những năm gần đây, các giáo xứ vùng này luôn đứng đầu giáo hạt Nguồn Son về thành tích giáo lý. Mong sao Hoành Phổ sớm có ngôi thánh đường, để giáo dân nơi đây không phải vất vả lo lắng cho việc phụng thờ Thiên Chúa.

Từ ngày cha Phaolo Nguyễn Chí Thiện qua đời, giáo xứ được giao cho các linh mục kế tiếp coi sóc. với 169 giáo dân, do cha GB. Nguyễn Quyết Chiến kiêm nhiệm.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ PHÚC TÍN

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 1872
– Quan thầy:
– Địa giới: nằm trên địa bàn xã Vạn Ninh, điểm cực nam huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Phía nam giáp với hai xã Hoa Thủy và Sơn Thủy; phía đông giáp xã Hồng Thủy đều của huyện Lệ Thủy; phía bắc giáp xã An Ninh, phía tây giáp dãy Trường Sơn.
– Trụ sở: Giáo họ Phúc Tín
– Địa chỉ: xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
– Linh mục quản xứ hiện tại: GB. Nguyễn Quyết Chiến, CM
– Các giáo họ: Phúc Tín
– Tổng số giáo dân: 235
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Được thành lập từ năm 1872, hạt Tam Tòa, từng thuộc tổng giáo phận Huế. Thời bấy giờ nhà thờ Phúc Tín tọa lạc trên vùng đất thơ mộng, sông núi hữu tình. Lúc bấy giờ, Phúc Tín là một giáo xứ lớn, có đông giáo dân, được tổ chức quy củ. Ngôi thánh đường khang trang, được xây vào năm 1916 dưới thời cha Phêrô Nguyễn Văn Đức. Một làng quê thanh bình êm ả, con người chân chất, hiền lành, mộ đạo, chăm chỉ làm ăn, luôn một lòng thờ kính Chúa Mẹ, thảo hiếu với ông bà và nồng nàn yêu quê hương dân tộc. Thời bấy giờ, bên cạnh nhà thờ còn có một ngôi trường dạy văn hóa và giáo lý do 3 nữ tu dòng Mến Thánh Giá phụ trách.

Phúc Tín là một giáo xứ đã được nhiều đời linh mục coi sóc. Từ năm 1932, cha Phêrô Huỳnh Văn Ấm quản nhiệm, tiếp đến là cha Giuse Huỳnh Văn Phượng rồi cha Phaolô Nguyễn Thanh Chước, cha Gioan Huệ, cha Giuse Trần Văn Tường, cha Phêrô Mừng. Năm 1945, cha Phêrô Nguyễn Văn Hinh quản xứ Bình Thôn, phụ trách giáo xứ Phúc Tín.

Trong những năm chiến tranh Pháp Việt, con số linh mục đã bị giảm xuống, các cha đồng thời phải coi nhiều giáo xứ. Thế rồi tai họa khủng khiếp đã ập xuống trên mảnh đất bình yên nơi thôn quê yêu dấu này vào mùa thu năm 1952, ngôi thánh đường Phúc Tín đã bị thiêu rụi bởi bom đạn. Bà con không còn nơi tụ họp để đọc kinh cầu nguyện và dâng lễ nữa. Mặc dù vậy, niềm tin của người giáo dân Phúc Tín vẫn bền vững trung kiên, họ đã bàn họp và quyết định mượn nhà dân làm nhà nguyện để sớm hôm kinh lễ. Truyền thống tốt đẹp đó được lưu giữ cho đến hôm nay. Tuy không còn nhà thờ nữa, nhưng bà con giáo dân Phúc Tín cùng với Bình Thôn, Hoành Phổ và Trung Quán vẫn đoàn kết bên vị cha chung GB. Lương Văn Thể. Ngài nhận nhiệm vụ coi sóc 4 giáo xứ  từ năm 1956 đến 1962 thì qua đời. Kể từ đó, giáo dân 4 giáo xứ lại vắng bóng mục tử. Như thế, hành trình đức tin của người dân nơi đây trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng ngọn lửa đức tin không bao giờ tắt lịm. Những thời điểm khó khăn nhất, giáo dân nơi đây vẫn tìm mọi cách để đến với các linh mục dù vô tận Phủ Cam, Huế hoặc giáo xứ Đại Lộc, Quảng Trị do để lãnh nhận các bí tích.

Ngày 15/8/1997, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đã nhờ Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp giúp đỡ. Từ đó, Phúc Tín, Trung Quán, Bình Thôn và Hoành Phổ được cha Phêrô Nguyễn Bình Yên, lúc đó đang quản xứ Văn Phú kiêm nhiệm. Từ tháng 5/2005, 4 giáo xứ này được chuyển giao hoàn toàn cho Giáo phận Vinh. Năm 2006, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã bổ nhiệm cha Phêrô Lê Thanh Hồng coi sóc 4 giáo xứ này. Năm 2010, cha Phaolô Nguyễn Chí Thiện được bổ nhiệm coi sóc 4 giáo xứ và ngài đến cư trú tại giáo xứ Trung Quán. Từ đây, cha con một lòng để cùng nhau xây dựng đời sống đức tin giữa trăm chiều thử thách: chính quyền gây khó khăn, đời sống đức tin đã bị mai một và lung lạc, vợ chồng khác đạo, hôn phối chưa được hợp thức hóa, các Bí tích chưa được lãnh nhận… Mặc dù vậy, nhưng những năm gần đây, Phúc Tín đang trên đà hồi sinh, các lớp giáo lý được tổ chức, ban ngành được kiện toàn và đi vào nề nếp, tinh thần sống đạo được đổi mới.

Từ ngày Giáo phận Hà Tĩnh được thành lập, Phúc Tín thuộc về Giáo Phận Hà Tĩnh. Theo thống kê năm 2023, hiện nay, Phúc Tín có 235 tín hữu do cha Nguyễn Quyết chiến, CM coi sóc. Có được Phúc Tín hôm nay, bao thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng chính mồ hôi, sức lực và cả xương máu của mình để giữ vững và truyền lại ngọn lửa đức tin. Rồi đây, trang sử của Phúc Tín sẽ được thế hệ con cháu viết tiếp một cách hào hùng trên chính mảnh đất địa đầu Giáo phận này.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ SEN BÀNG

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập:
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Sen
– Địa chỉ: Thôn Sen, Hòa Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
– Linh mục quản xứ hiện tại: Giuse Nguyễn Quốc Việt,CSsR.
– Các giáo họ: Sen, Bàng, Kéc, Hoàn Lão, Tân Xuân
– Tổng số giáo dân: 680
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Sen Bàng hôm nay là hiện thân của hai giáo xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng hào hùng và trù phú, thuộc tổng giáo phận Huế xưa. Xứ đạo ngày nay thuộc xã Hòa Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, cách thị trấn Hoàn Lão 6km về phía tây, Sen Bàng bao gồm 5 giáo họ: họ Sen, họ Bàng, họ Kéc, họ Hoàn lão, họ Tân Xuân.

Theo dòng lịch sử, khoảng 1650 – 1660, giáo xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng được hình thành bởi những giáo dân được cha Đắc Lộ rửa tội vào năm 1629 tại phía bắc Bố Chính. Từ những hạt giống đức tin này, ngọn lửa đức tin nơi vùng đất phía tây nam tỉnh Quảng Bình này đã bùng lên và sinh hoa trái. Từ năm 1693, Đức Cha Phanxicô Perez được cắt đặt để coi sóc hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, ngài đã đến Dinh Ngói thăm mục vụ và ban bí tích cho giáo dân vùng Quảng Bình. Trong dịp này, ngài cũng ban phép Thêm Sức cho giáo dân tại hai giáo xứ Kẻ Sen, Kẻ Bàng.

Năm 1796, với sự cộng tác và giúp đỡ của bề trên giáo phận, cộng đoàn Mến Thánh Giá Kẻ Bàng được thành lập và hoạt động tại giáo xứ. Với sự năng nổ và nhiệt tình của hội dòng, giáo dân trong hai giáo xứ được dạy dỗ về giáo lý và hướng dẫn sống đạo trong khi chưa có linh mục quản xứ. Bởi thế, năm 1798, chủng sinh Võ Văn Tín (1760-1821), người Kẻ Bàng, đã được truyền chức. Ngài là vị linh mục đầu tiên của giáo xứ.

Năm 1838, chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện, sau thời gian giúp tại xứ Kẻ Bàng, đã được gọi về Tòa Giám Mục Huế nhưng trên đường đi đã bị bắt tại Di Loan và chịu tử vì đạo tại Nhan Biều (Quảng Trị) ngày 21/9/1838. Ngoài ra, còn có các vị tử đạo khác cũng đã từng hoạt động truyền giáo tại Kẻ Sen, Kẻ Bàng là Đức Cha Phêrô Borie (Cao), cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm, cha Phêrô Vũ Đăng Khoa, đều chịu tử vì đạo tại Đồng Hới vào ngày 24/11/1838. Sau đó hai năm, tức là năm 1840, ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh trùm xứ và thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị bắt giam và xử tử tại Đồng Hới ngày 10/7.

Trong những năm bách hại đạo khốc liệt tại Huế, các cơ sở của Giáo Hội phải đóng cửa, số chủng sinh, tu sĩ phải lẫn trốn, về quê hoặc di cư đi nơi khác. Bởi đó, năm 1847, Đại Chủng Viện được thiết lập tại giáo xứ Kẻ Sen. Năm 1852, Đức Cha Joseph Hyacinthe Sohier (Giuse Bình) (1818-1876) làm Giám đốc Chủng Viện Kẻ Sen, ngài phục vụ tại đây cho đến lúc qua đời. Hiện tại mộ ngài vẫn đang được an táng trong nguyện đường Sen Bàng.

Vào năm 1850, Tòa Thánh quyết định thiếp lập giáo phận Bắc Đàng Trong, thì Kẻ Sen và Kẻ Bàng thuộc về giáo phận này. Năm 1853, sau lễ Giáng Sinh, Đức Cha Phanxicô Maria Pellerin được cắt cử đến coi sóc Kẻ Sen và Kẻ Bàng. Ngài đã cho trùng tu Chủng Viện Kẻ Sen và tạm lập Tòa Giám Mục tại đây. Thời gian này xảy ra các cơn bách hại đạo ác liệt, giáo dân phải chịu nhiều đau thương. Năm 1861, cha Gioan Đoàn Trinh Hoan nguyên là cha xứ Kẻ Sen bị bắt và chịu tử đạo. Cũng trong năm này, vào ngày 26/5, tại pháp trường Đồng Hới, Matthêô Nguyễn Văn Đắc (Phượng), người Kẻ Lái, Bố Trạch, làm trùm xứ cũng bị xử tử. Đến ngày 22/8/ 1861, giáo dân Kẻ Sen và Kẻ Bàng bị phân tháp, Đức Cha Joseph H.Sohier phải tạm thời vào Huế và đến năm 1876 khi trở lại thăm giáo xứ Kẻ Sen, Kẻ Bàng ngài đã lâm bệnh và qua đời tại đây ngày 03/9/1876.

Chiến tranh kéo dài, cơ sở vật chất của giáo xứ cũng như giáo phận bị tàn phá và xuống cấp, giáo dân không có mục tử coi sóc, ban bí tích. Khoảng thời gian từ năm 1953-1968 nhà thờ Kẻ Sen, Kẻ Bàng bị tàn phá và hư hoại một cách nặng nề không thể khôi phục được nữa. Số giáo dân còn lại ít ỏi, đa số là người già, bệnh tật nhưng vẫn không quên sáng tối kinh hạt trong gia đình. Chính những việc đạo đức bình dân ấy đã nuôi dưỡng và làm triển nở đức tin nơi người tín hữu, số giáo dân nơi đây vẫn không ngừng tăng lên. Sinh con ra rửa tội cho con và dạy kinh, bổn cho con cái đó là điều mà giáo dân ở hai giáo xứ này vẫn làm. Vì thế, giáo xứ không những không bị xóa sổ mà còn lớn mạnh theo thời gian. Sau này, tổng giáo phận Huế bàn giao giáo xứ Sen Bàng và đến ngày 28/11/2002, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Sen Bàng. Từ đây, hai giáo xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng hợp thành một và mang tên là Sen Bàng. Với nổ lực của cha Phêrô Nguyễn Bình Yên và toàn thể cộng đoàn Sen Bàng, ngày 01/01/2004, thánh lễ cung hiến thánh đường được tổ chức, mở ra chặng đường mới.

Hiện nay Giáo xứ Sen Bàng có 680 tín hữu do cha Giuse Nguyễn Quốc Việt,CSsR coi sóc. các tín hữu nơi đây sống hiền hòa, thân thiện, lực lượng dân số trẻ, được thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên một giáo xứ mạnh về kinh tế và triển vọng về đời sống đức tin.

Hôm nay đến với Sen Bàng, chúng ta thấy đời sống đức tin nơi đây được củng cố và phát triển đáng kể. Đời sống văn hoá xã hội khá phong phú và đa dạng. Trong giáo xứ có các hội đoàn như Giuse, Legio Mariae, Gia Đình Thánh Tâm… nhờ đó các tệ nạn xã hội hầu như bị khoá chặt. Trong tương lai không xa, Sen Bàng sẽ vươn lên, sánh kịp các giáo xứ trong vùng và trở thành trung tâm truyền giáo cho một vùng lương dân nơi thị trấn Hoàn Lão.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ THANH HẢI

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Thành lập chuẩn giáo xứ 2014
– Quan thầy: Đức Maria Trinh Nữ Vương
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Thanh Hải
– Địa chỉ: Thanh Hải, Thanh Trạch, Bố Trạch Quảng Bình
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Nguyễn Xuân Sang
– Các giáo họ: Thanh Hải, Thanh Bồ
– Tổng số giáo dân: 1.505
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Theo dòng lịch sử Đức cha Alexandre Paul Marie Chabanon Giáo (1873-1936) là một giám mục người Pháp, phục vụ công việc truyền giáo tại Việt Nam. Ngài từng giữ chức vụ giám mục Tông toà Giáo phận Huế từ năm 1931 đến năm 1936. Có lẽ trong thời gian này ngài cho thành lập giáo họ (Bầu Cát) Thanh Hải ngày nay.

Tháng 7 năm 1954 với hiệp định Genève, chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, gần một triệu người người dân Miền Bắc đã di cư vào Miền Nam, Sinh hoạt của Giáo xứ có nhiều giao động nhất định. Giáo dân phân tán, kẻ vào nam, người di cư ra nước ngoài. Trong đó có nhiều người Công giáo giáo xứ ( Bầu Khê)Thanh Bồ và giáo họ (Bầu Cát)Thanh Hải thuộc giáo phận Huế. Sau nhiều năm thiếu vắng chủ chăn, giáo họ được sát nhập với giáo xứ Tân Mỹ, giáo phận Vinh.

Tuy nhiên về phương tiện để đi tham dự thánh lễ ở giáo xứ rất bất tiện cho bà con, đa số bà con giáo dân phải đi bộ, đi thuyền bè bấp bênh trên con Sông Gianh vất vả. Nhưng thật may mắn được sự quan tâm ưu ái của Đức Cha giáo phận đã cho phép giáo họ (độc lập) và chuẩn giáo xứ 2014.

Các thời kỳ:

Sau khi sát nhập địa phận Vinh, giáo họ vẫn thiếu chủ chăn mãi cho đến năm 2006 có Cha Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Đoàn đến tuổi nghỉ hưu, Đức giáo Mục cho Ngài về quản nhiệm ở giáo họ năm 2006 – 2012, sau đó cha Giacôbê Nguyễn Trọng Thể 2013 (hưu) về thay cho ngài, không bao lâu sau cha Antôn Đậu Thanh Mình kiêm 2014.

Ngày 26 tháng 12 năm 2014. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ chăn giáo phận Vinh, bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Xuân Sang đặc trách giáo xứ cho đến ngày nay.

Giáo xứ gồm hai giáo họ, giáo họ trị sở và giáo họ Thanh Bồ. Những Đoàn thể được khai sinh; Hội Thánh Tâm; Hội con Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; Hội Mân Côi; Hội Phêrô; Hội Phan sinh; Hội Tân tòng và Hội thiếu nhi Thánh Thể.

Hiện tình giáo xứ:

Ngôi nhả thờ trước được đây được xây 1930 thế kỷ trước với mái tranh vách đất nhưng bị chiến tranh tàn phá. Năm 2003 được xây dựng lại với những vật liệu thô sơ và xuống cấp, lại còn nhỏ hẹp không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu cho vấn đề sinh hoạt tôn giáo.

Do vậy, ước ao của giáo dân có một ngôi nhà mới khanh trang xứng đáng để sáng tối thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa, và cũng là nơi để sum họp và thể hiện tình huynh đệ. Ngôi nhà thờ mới khởi công xây dựng vào ngày 06/11/2017 vừa qua, ngỏ hầu đáp ứng việc thờ phượng, mà còn là một biểu tượng cho sự lớn mạnh của Giáo Hội và là một hậu phương cần thiết cho cánh đồng truyền giáo ở ngay địa bàn còn nhiều lương dân này.

Hiện Giáo xứ 1.505 tín hữu và đang ngày một đổi mới, sánh vai cùng các giáo xứ khác trong Giáo phận.  Hy vọng Thanh Hải sẽ là điểm gặp gỡ và giao duyên của mọi thành phần ngay cả những người không cùng tôn giáo.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TRUNG QUÁN

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 1923
– Quan thầy:
– Địa giới: Trung Quán là giáo xứ nằm ở ngã ba sông Nhật Lệ, nơi hai nhánh sông Long Đại và Kiến Giang gặp nhau. Nơi đây thuộc xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, một vùng sơn thủy hữu tình và là một giáo xứ có bề dày lịch sử lâu đời.
– Trụ sở: Giáo họ Trung Quán
– Địa chỉ: Xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Nguyễn Hữu Sáng, CM
– Các giáo họ: Trung Quán
– Tổng số giáo dân hiện nay: 506
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Trung Quán là giáo xứ nằm ở ngã ba sông Nhật Lệ, nơi hai nhánh sông Long Đại và Kiến Giang gặp nhau. Nơi đây thuộc xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, một vùng sơn thủy hữu tình và là một giáo xứ có bề dày lịch sử lâu đời. Trải qua bao thăng trầm chiến cuộc, bao cấm cách, gian lao, quê hương thánh Tôma Trần Văn Thiện (1820-1838) vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Vào cuối thế kỉ XVII, giáo phận Đàng Trong được Đức Cha Phanxicô Pérez (1687-1728) cai quản. Ngài là vị giám mục thứ 4 sau các Đức Cha Lambert, Mahot và Duchesne. Năm 1691, ngài lập tòa tại Phủ Cam, qua năm 1693, Đức cha đi kinh lược và ban phép Thêm Sức cho giáo dân hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, có cha Lorensô Lâu tháp tùng. Bản tường trình gửi Giám Mục Laneau vào ngày 7/2/1693 có đề cập đến việc Đức Cha Pérez ở lại Trung Quán 2 ngày, rửa tội 6 người, làm phép hôn phối cho một cặp vợ chồng, ban phép Thêm Sức cho 126 người.

Lịch sử còn ghi lại rằng năm 1676, cha De Courtaulin đã tới Dinh Mười, được quan Chưởng Cơ đón rước và tổ chức liên hoan. Có giáo dân các họ Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười, và Tam Tòa ca hát bài đạo cho quan quân và lương dân nghe. Như vậy, Giáo xứ Trung Quán đã ra đời trước năm 1676, và có thể đã được các cha dòng Tên truyền giáo và mở đạo tại họ này.

Được biết đến năm 1690, cha Lôrensô Lâu được bề trên đặt coi sóc hai giáo đoàn Quảng Trị và Quảng Bình. Trong báo cáo đệ trình Tòa Thánh, Cha cho biết năm 1692 ngài có tới thăm các họ Đại Phong, Dinh Mười, Đồng Hới và Trung Quán. Vào ngày 7/02/1694, cha Lôrensô Lâu lại gởi báo cáo cho Hội Truyền Bá (Propagande) theo đó tỉnh Quảng Bình và Dinh Ngói có 24 họ đạo mà họ Trung Quán có 140 giáo dân. Như vậy, căn cứ vào văn khố Tòa Thánh, các báo cáo của Cha Courtaulin, và Lôrensô, giáo xứ Trung Quán đã có từ cuối thế kỉ XVII.

Tuy nhiên, phải đến năm 1923, giáo xứ Trung Quán chính thức được thành lập. Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển là vị linh mục quản xứ tiên khởi, ngài đã thành lập thêm một số giáo họ: Hữu Niên, Hiển Lộc; Hiển Vinh và một số họ lân cận. Ngài đã hết sức lo lắng mua gỗ, vật liệu, rước thợ Quảng Trị về đúc gạch để xây dựng nhà thờ. Giữa lúc công việc còn dỡ dang thì ngài lâm bệnh và mất tại Trung Quán. Cha Phaolô Trần Bá Úy tiếp quản giáo xứ (1930) và cha Mừng về làm phó xứ tại đây. Công việc xây dựng được tiếp tục. Tháng 9 năm 1938 công trình hoàn tất với ngôi nhà nguyện bằng gỗ lợp ngói khang trang gồm 7 vài 8 gian và một cung thánh.Ngài cũng xây dựng các công trình khác như nhà xứ, trường giáo lý, lăng kính thánh Tôma Thiện; nhà dòng Mến Thánh Giá, cô nhi viện và nhà thờ các giáo họ Trần Xá và Hiển Vinh.

Từ năm 1935-1951, giáo xứ được các cha sau đây coi sóc: cha Nguyễn Bá Hộ, cha Philiphê Nguyễn Như Danh, cha Hiêrônimô Nguyễn Văn Lục. Sau năm 1954, Trung Quán, một giáo xứ rất sầm uất, chỉ còn lại vỏn vẹn chưa đầy 40 hộ toàn ông bà già yếu, tật nguyền. Tháng 3/1955, Cha GB. Lương Văn Thế được bề trên bổ nhiệm về làm quản xứ Trung Quán, tuy tuổi già sức yếu nhưng ngài đã dùng hết sức lực và trí tuệ còn lại của tuổi đời để khắc phục và phát triển giáo xứ. Năm 1962, cha Thế qua đời, giáo xứ một lần nữa vắng bóng mục tử. Trong thời gian 1962-1968, một đôi lần có cha Antôn Trần Quang Nghiêm, ở Tam Tòa về dâng thánh lễ. Năm 1968, nhà thờ bị bom Mỹ đánh hư hỏng nặng, giáo dân không còn chỗ để đọc kinh phải tu bổ lại hai gian nhà xứ để sớm hôm nguyện cầu.

Một thời gian dài sau chiến tranh, giáo dân giáo xứ Trung Quán vẫn kiên trì và sống chứng tá niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Hàng năm, họ vẫn đi đến các giáo xứ như Phủ Cam (Huế), Văn Phú hay các giáo xứ lân cận để xưng tội, tham dự các thánh lễ trọng trong năm. Họ tổ chức cho các em đến các giáo xứ để học giáo lý và xưng tội rước lễ lần đầu. Ngọn lửa đức tin nơi giáo dân Trung Quán vẫn được Chúa Thánh Thần đốt cháy âm ỉ dù qua bao tháng ngày dù thiếu vắng linh mục.

Từ năm 1997, cha Phêrô Nguyễn Bình Yên, quản xứ Văn Phú vào kiêm nhiệm giáo xứ Trung Quán và các giáo họ Bình Thôn, Phúc Tín, Hoành Phổ. Vì đường xa nên ngài cũng chỉ vào dâng thánh lễ ở đây một năm vài lần. Khó khăn đó dần được giải quyết với sự kiện sát nhập các giáo xứ còn lại phía nam sông Gianh thuộc Giáo phận Huế vào Giáo phận Vinh vào năm 2005. Tháng 12/2006, linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng được trao nhiệm vụ coi sóc Sen Bàng và các giáo xứ lân cận. Từ đây, mỗi tháng đều có một thánh lễ được dâng tại Trung Quán, các ban ngành được củng cố và đi vào hoạt động.

Ngày 23/3/2009, dưới sự chứng kiến của các giám mục hai giáo phận và đại diện chính quyền; Đức Cha Cao Đình Thuyên đã trao quyết định khôi phục hai giáo xứ Phúc Tín và Trung Quán và bằng sai bổ nhiệm cha Phêrô Lê Thanh Hồng coi sóc các giáo xứ phía nam Sông Gianh, Quảng Bình. Như nấm gặp cơn mưa, giáo dân trong các giáo xứ này đã tăng lên một cách đáng kể, lâu nay họ không có linh mục coi sóc dạy dỗ nên việc thờ phượng xem ra xao nhãng thì nay họ hối thúc nhau đến với thánh lễ, hợp thức hóa hôn nhân và lãnh nhận các bí tích. Năm 2010, cha Phaolô Nguyễn Chí Thiện được cắt đặt để về quản xứ Trung Quán và các giáo xứ lân cận là Hoành Phổ, Bình Thôn, Phúc Tín. Từ đây, cha con bắt tay vào xây dựng giáo xứ và đời sống đức tin mỗi ngày.

Số giáo dân hiện nay của giáo xứ Trung Quán là 506 người. Hàng năm, số trở lại đạo vẫn gia tăng. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều việc phải làm để xây dựng giáo xứ, vẫn còn đó bao nỗi trăn trở của bề trên giáo phận cũng như vị chủ chăn của giáo xứ nơi vùng địa đầu này. Mong sao Trung Quán vẫn luôn giữ mãi niềm tin mà họ đã có qua bao thế hệ, để đón ngày trở về reo vui trong ánh sáng niềm tin và hạnh phúc dâng trào.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN