Trước tình cảnh bế tắc và bi đát đó, gia đình được một một người chú bày kế chặn xe của Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến để nộp đơn đi Nam. Người chú bị bắt còn gia đình thì ly tán, mẹ một nơi, con một nẻo. Sau rất nhiều khó khăn, Cậu Út Hợp, cùng với một người chị, được bà con cưu mang, đem theo di cư vào Nam, năm 1954, gia đình được đoàn tụ và cuộc đổi đời bắt đầu từ đây.
Sau khi hoàn tất Trung học, ngày 15-8-1964, Cậu Hợp vào Tập viện Dòng Đa Minh tại Vũng Tàu; từ 1965-1972, học triết học và thần học tại Học viện Đa Minh Vũng Tàu và Thủ Đức; từ 1968 học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1971, Thầy Nguyễn Thái Hợp tốt nghiệp Cử nhân Triết học Đông Phương. Ngày 08-8-1972, Thầy Hợp thụ phong Linh mục tại Sài Gòn.
Từ 1972-1978, Cha Hợp tiếp tục theo học tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học Tây phương; từ 1978-1979, học Chính trị Kinh doanh tại Đại học Genève, Thụy sĩ. Năm 1981 Cha Nguyễn Thái Hợp đi Pêri làm Giáo sư tại Phân khoa Thần học Lima đến năm 1986. Từ 1984-1991, ngài làm Giáo sư và Giám đốc Học vụ của Học viện Thần học Gioan XXIII, Lima, Péru. Từ 1989-1994, Cha Hợp làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Bartolomé de Las Casas, Lima, Péru. Trong thời gian này thường tham gia giảng dạy và tham dự hội nghị tại nhiều nước ở châu Mỹ Latinh như Brazil, Colombia, Costa Rica, Venezuela, Bolivia, Republica Dominicana…
Năm 1994, ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Phân khoa Thần học Đức Mẹ Lên Trời, São Paulo, Brazil. Năm 1995, giảng dạy và hoạt động tại Canada, Hoa Kỳ. Năm 1996, ngài sang Ý làm Giáo sư tại Phân khoa Xã hội thuộc Đại Học Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô, Roma cho đến năm 2006.
Như vậy, từ khi du học năm 1972, Linh mục Nguyễn Thái Hợp chỉ hoạt động ở nước ngoài, tại Mỹ Latinh và Châu Âu. Tuy nhiên, tấm lòng ngài vẫn luôn hướng về quê hương, mong ngày về và quyết giữ quốc tịch Việt Nam. “Đầu năm 1976, khi phải quyết định giữa xin tỵ nạn hay đổi hộ chiếu Việt Nam Cộng hòa (Miền Nam cũ) để lấy hộ chiếu mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi đã chọn lựa đổi hộ chiếu với hy vọng mong manh một ngày nào đó được trở về phục vụ tại quê hương”[2].
Hy vọng này bắt đầu trở thành hiện thực sau khi Nhà Nước Việt Nam bắt đầu chủ trương “Đổi mới”, từ năm 1986. Năm 1987, Cha Hợp về thăm quê Nghệ An lần đầu. Đến năm 1994, hầu như ngài về Việt Nam hằng năm. Từ năm 1996, mỗi năm về sống ở quê hương 6 tháng và từ năm 2003 thì hầu như ở hẳn tại Việt Nam.
Một khi được sống trên quê hương của mình, Cha Hợp bắt đầu thực hiện ý nguyện ấp ủ lâu nay:
– Năm 2000: Ngài sáng lập và linh hướng Nhóm Đức tin & Văn hóa. Nhóm này có nhiều Tổ chuyên biệt. Nhóm đã mở Lớp Thần học Giáo dân đầu tiên vào năm 2000; tổ chức Lễ Hội Giáng Sinh cho các em có hoàn cảnh đặc biệt; lập Phòng khám từ thiện Mai Khôi để chăm sóc và chữa trị những người có HIV/AIDS; thường xuyên tổ chức các chuyến khám bệnh cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa và vùng cao.
– Từ 2004-2007: Ngài làm Giám đốc Học vụ của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, đồng thời giảng dạy tại Trung tâm Học vấn Đa Minh (Gò Vấp, Sài Gòn), Học viện Liên Dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình, Học viện La San, Đại Chủng viện Cái Răng, Đại Chủng viện Sao Biển (Nha Trang), Đại Chủng viện Vinh-Thanh, Học viện Phanxicô, Đại học Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh…
– Từ 2004, Ngài là Thành viên của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGM Việt Nam.
– Từ 2006 là Thành viên của Ủy ban Từ vựng Công giáo.
– Ngày 30-12-2006, ngài thành lập Câu Lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, do ngài làm Chủ nhiệm. Câu Lạc bộ là nơi gặp gỡ, trao đổi, thảo luận và học hỏi của những người Công giáo dấn thân phục vụ Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay theo tinh thần Phúc Âm và theo đường hướng của Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình.
[1] Nguyễn Thái Hợp: Việt Nam dấu yêu, Quê hương và Giáo hội. Câu Lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2010, 17, 20-21
[2] Nguyễn Thái Hợp, sđd, 79
CHÂM NGÔN MỤC VỤ
Trong cuộc phỏng vấn sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh, Đức cha Nguyễn Thái Hợp cho biết ý nghĩa của châm ngôn mục vụ của ngài, như sau:
“Châm ngôn mục vụ của tôi là “Sự thật và Tình yêu”. Châm ngôn này được gợi hứng từ Thánh Kinh và muốn nhấn mạnh hai yếu tố căn bản của Kitô giáo: Sự thật được diễn tả bằng hai màu đen-trắng, lấy từ logo của Dòng Đa Minh, còn trái tim bao bọc chung quanh là biểu hiện của tình yêu. Thấp thoáng bên dưới là hình ảnh con thuyền Giáo hội đang rẽ sóng tiến về “Sự thật và Tình yêu”. Tất cả được nối kết với nhau và gắn chặt vào thập giá của Đức Kitô […] (x. hình 27).
“Châm ngôn có hai vế. Vế đầu nhấn mạnh đến trách nhiệm tìm kiếm và phục vụ Chân lý. Thánh Đa Minh đã lấy việc loan báo Tin Mừng và phục vụ Chân lý như ơn gọi của Dòng Giảng thuyết. Đòi hỏi đầu tiên của ơn gọi này là phải tôn trọng phản ánh chính xác của sự vật khách quan cũng như các giá trị và quy luật của chúng. Yêu cầu tôn trọng sự thật khách quan vẫn được coi là thái độ lương thiện trí thức. Đức Giêsu cũng thường căn dặn môn đệ: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37).
[…] “Thánh Phaolô đã diễn tả một cách thật sắc nét phần thứ hai của châm ngôn qua Bài ca đức ái (1Cr 13,1-14). Vị Tông đồ dân ngoại mà tôi được hân hạnh nhận làm thánh quan thầy, quả quyết: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi […]. “Chính Đức Giêsu đã coi yêu thương là điều răn căn bản của Kitô giáo: “Anh em đã nghe luật dạy rằng hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em, như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên trời” (Mt 5, 43-45) […].
“Thánh Gioan đã định nghĩa ‘Thiên Chúa là tình yêu” và quả quyết “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Đây là mặc khải tối cao và nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo. Trong diễn văn từ biệt, chính Đức Giêsu cũng long trọng tuyên bố: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Kể từ đó, “yêu thương” trở thành dấu chỉ để nhân loại nhận diện người môn đệ của Đức Kitô (x Ga, 13, 34-35)”[1].
Nhưng “Sự thật và tình yêu” lại không phải là những giá trị ưa thích của các nền chính trị chuyên chế và độc đoán, dựa trên dối trá và bạo lực. Và xã hội chúng ta đang sống, trong mấy chục năm qua luôn đầy dẫy dối trá và bạo lực, như được phản ánh hằng ngày trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta có thể thấy rõ nét trong các vụ việc liên quan đến Công giáo, tiêu biểu như vụ Tòa Khâm sứ và và Giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội. Trước những khuyết tật xã hội đưa đến sự tha hóa con người như vậy, các Đức Giám mục Việt Nam, sau kỳ họp thường từ ngày 7 đến 12-10-2002, đã phải gửi thư ngỏ đến các vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam yêu cầu “phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống và con người và xã hội”[2]. Các yêu cầu này chẳng những không được đáp ứng mà tình hình xem ra trầm trọng hơn nên sau cuộc họp thường niên kỳ II năm 2008, Đức cha Chủ tịch Nguyễn Văn Nhơn đã ký công bố bản “Quan điểm của HĐGM Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”, trong đó yêu cầu:
– Sửa đổi luật đất đai theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân.
– Công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật
– Chấm dứt mọi hình thức bạo lực trong hành động cũng như trong ngôn từ.
Trong một bối cảnh xã hội ngột ngạt như vậy, định hướng mục vụ của Đức cha Nguyễn Thái Hợp ắt sẽ gặp nhiều khó khăn, có khi căng thẳng vì trong “Sự thật và tình yêu”, còn bao hàm các giá trị quan trọng khác cũng phải được đề cao và tôn trọng, đó là nhân quyền và công lý, một lãnh vực mà ngài được ủy thác quan tâm, qua chức danh Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của HĐGM Việt Nam.
Như vậy, định hướng mục vụ của Đức cha Nguyễn Thái Hợp không chỉ giới hạn trong những lãnh vực thuần túy tôn giáo mà còn mở rộng ra phạm vi xã hội, liên quan đến công bằng xã hội, phúc lợi của người dân, hiểu như những quyền lợi chính đáng mà Giáo hội cũng phải góp phần cổ võ và bênh vực.
[1] Nguyễn Thái Hợp: Việt Nam dấu yêu. Quê hương và Giáo hội. Câu Lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2010, 250-253.
[2] Công giáo Việt Nam 2005-2015 từ Tòa Khâm sứ – Thái Hà đến Mỹ Yên. Califorina, Diễn đàn Giáo dân, 2015, 650