TỔNG QUAN VỀ GIÁO HẠT NGÀN SÂU

– Thành lập: 
– Địa giới: Đây là thung lũng và rừng núi xen kẽ, giáp biên giới Việt Lào. 
– Trụ sở: Nhà thờ Giáo xứ Tràng Lưu
– Địa chỉ: Huyện Hương Khê, huyện Vũ Quang, Tỉnh Hà Tĩnh
– Có 16 giáo xứ, bao gồm: Tràng Lưu, Chúc A, Gia Phổ, Làng Truông, Tân Hội, Tân Phương, Thịnh Lạc, Vĩnh Cư.
– Tổng số giáo họ: 50
– Số linh mục: 8
– Tổng số giáo dân: 
– Các sở dòng: Nhóm MTG (Làng Truông, Thịnh Lạc, Kẻ Vang, Thổ Hoàng, Chúc A), CĐ TS Bác Ái ( Phú Lễ, Tràng Thị, Vĩnh Hội)

VIDEO - HÌNH ẢNH

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TRÀNG LƯU

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập:  Năm 1875
– Quan thầy: Gioan Baotixita
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Tràng Lưu
– Địa chỉ: Xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Nguyễn Xuân Đình
– Các giáo họ: Tràng Lưu, Đồn Điền, Đồng Lưu, Giang Lĩnh, Đô Khê, Tràng Thị, Tân Lộc và giáo điểm Xuân Trà
– Tổng số giáo dân: 2.705
– Các sở dòng: CĐ TS Bác Ái Tràng Thị

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hạt giống Tin Mừng được gieo trồng trên vùng đất Tràng Lưu, Lộc Yên từ rất sớm. Năm 1805, khi giáo xứ Ngàn Sâu tách ra thành hai giáo xứ Làng Truông và Thổ Hoàng thì ngọn lửa đức tin đã cháy sáng trên mảnh đất Tràng Lưu. Trong giai đoạn này các giáo hữu nơi đây đã hình thành các giáo điểm, quy tụ bên nhau để kinh nguyện sớm tối, nhưng chưa chính thức thành họ đạo.

Năm 1865, khi Làng Truông chính thức trở thành giáo xứ thì Tràng Lưu là giáo họ của xứ đạo này. Năm 1875, Tòa Giám Mục Xã Đoài nhận thấy số tín hữu ngày một gia tăng và nhu cầu mục vụ cần thiết phải có một giáo xứ nên quyết định sáp nhập một số giáo họ lân cận như Chúc A, Tân Hội, Gia Phổ, Thượng Bình để thành lập giáo xứ Tràng Lưu, linh mục quản xứ tiên khởi là cha già Cẩm (1875-1892).

Nằm trên địa bàn chiến lược nên vùng đất vốn bình lặng này phải gánh chịu nhiều tổn thất bởi bom đạn trong các cuộc chiến tranh. Tuy vậy, con người nơi đây vẫn hiên ngang bám trụ gìn giữ kho tàng đức tin mà cha ông tổ tiên để lại, và kiên tâm xây dựng quê hương ngày một phồn vinh. Vùng đất giàu truyền thống này đã cống hiến cho Giáo Hội và xã hội nhiều người con ưu tú. Đây là quê hương của Đức Cha quá cố Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, là người đã đưa dẫn con thuyền giáo phận vượt qua nhiều thăng trầm của thời cuộc.

Các linh mục quản xứ Tràng Lưu: Cha Cẩm (1875-1892), cha Chuyên (1892-1901), cha An (1902 -1904), cha Chiểu (1904 -1907), cha Đình (1907), cha Cấn (1907-1913), cha Thưởng (1913-1920), cha Thận (1920-1921), cha Bổn (1921-1930), cha Đỉnh (1930-1934), cha An (1934-1942), Antôn Đoàn Duy Đông (1942-1943), Phêrô Nguyễn Văn Giám (1943-1945), cha Hoàn (1945 – 1946), Gioan Tạo (1945-1946), cha Bảng (1946-1951), Phêrô Nguyễn Sỹ Huề (1951-1953), Phêrô Nguyễn Văn Bân (1953-1956), Phêrô Nguyễn Ngọc Bang (1956), Phêrô Phan Văn Thái (1962), Antôn Nguyễn Xuân Quý (1994-1998), Antôn Đậu Quang Hải (1998-2006), Phêrô Nguyễn Quyền (2006-2013), GB. Nguyễn Huy Tuấn, nay là cha Phêrô Nguyễn Xuân Đình. (x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Theo báo cáo tất niên 2023, , giáo xứ Tràng Lưu gồm 7 giáo họ: Tràng Lưu, Giang Lĩnh, Đồng Lưu, Tân Lộc, Đô Khê, Đồn Điền, Tràng Thị và giáo điểm Xuân Trà với 2.648 nhân danh.

Như vậy, sau gần 150 năm hình thành và phát triển, dù đã phải vượt qua biết bao thăng trầm của thời cuộc nhưng Tràng Lưu vẫn giữ được nét sinh động của một vùng quê giàu truyền thống đạo hạnh. Giáo xứ đang từng ngày chuyển mình đổi mới trong mọi lĩnh vực, trong đời sống chứng tá đức tin cũng như trong cuộc sống mưu sinh.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ CHÚC A

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1909, tách từ Giáo xứ Tràng Lưu
– Quan thầy: Đức Mẹ Vô Nhiễm
– Địa giới:Giáo xứ Chúc A nằm về phía Tây Nam của hạt Ngàn Sâu cách xa hạt chừng 25 km, xa giáo phận Hà Tĩnh khoảng 80 km ở sát biên giới Việt Lào. Phía Tây Nam là dãy núi Trường Sơn nối liền với đỉnh Cù Lân và chân Trìm Trẹo. Phía Đông Bắc gồm có các hang động, tựa như một lòng chảo gồ ghề, lại có thêm 4 con sông nhỏ chạy qua thung lũng từ Tây sang Đông, làm cho địa hình của giáo xứ tựa như một bức tranh họa đồ.
– Trụ sở: Giáo họ Chúc A
– Địa chỉ: Xã Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Martinô Nguyễn Văn Bé và cha phó Gioan Maria Cù Chính Trị, CRM
– Các giáo họ: Chúc A, Trung Sơn, Tân Lập, Cầu De, và Vĩnh Cư
– Tổng số giáo dân: 2.574
– Các sở dòng: Nhóm MTG Chúc A

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Cách trung tâm thị trấn Hương Khê khoảng 20 km về hướng tây, ngang qua những con dốc cao và những cánh rừng bạt ngàn của dãy Trường Sơn, chúng ta thấy một xứ đạo với sức sống mãnh liệt, đó là giáo xứ Chúc A (Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh).

Vào những năm bắt đạo gắt gao, các tín hữu Tràng Lưu và thượng Ngàn Sâu phải vào các rừng sâu để lánh trốn, họ đã dựng các lán trại để sinh sống và dần dần thành một xóm đạo đông đúc. Vì đi lại khó khăn, những người đến lập nghiệp nơi đây phải băng đèo lội suối nên có nhiều lần bị té ngã, mỗi lần như thế thì họ thốt ra miệng hai tiếng “Trúc A” (nghĩa là không đứng vững). Bởi đó, khi lập xứ họ đã lấy tên là Trúc A. Mãi đến sau 1945, Liên đoàn Công giáo được thành lập thì đổi chữ “Tr” thành chữ “Ch” và gọi là giáo xứ Chúc A đến nay.

Chúc A được thành lập năm 1909, tách từ giáo xứ Tràng Lưu, với số giáo dân lúc ấy vào khoảng 250 người và nhận thánh Giuse làm bổn mạng (19/03). Kể từ ngày thành lập xứ đến nay có 21 linh mục đã từng kiêm nhiệm và quản xứ, các ngài đã đồng hành cùng giáo dân, vượt qua bao thử thách trong cuộc sống mưu sinh cũng như đời sống chứng nhân đức tin.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Hiện nay, giáo xứ miền sơn cước này đang được cha Martinô Nguyễn Văn Bé coi sóc. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết mục tử, các ngài đã có những chỉ dẫn để người dân nơi đây ổn định phát triển kinh tế cũng như xây dựng nền tảng đức tin vững mạnh.

Giáo xứ Chúc A ngày nay được hợp thành từ 5 giáo họ: Chúc A, Cầu De, Tân Lập và Trung Sơn. Số giáo dân theo thống kê cuối năm 2023  là 2.574 người.

Giáo xứ trải rộng trên hai xã biên giới Hương Lâm của huyện Hương Khê, nhiều đèo lắm dốc, đường sá đi lại khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, ở cách xa trung tâm huyện và trung tâm giáo phận nên hạn chế trong việc tiếp nhận thông tin, trình độ dân trí còn thấp, đời sống kinh tế đa số nghèo khổ. Bên cạnh đó, hằng năm người dân nơi đây còn hứng chịu nhiều tổn thất bởi thiên tai lũ lụt.

Tuy nhiên, với truyền thống đạo hạnh, giáo dân nơi đây vẫn kiên trung bên vị mục tử của mình trong việc truyền giảng Tin Mừng. Để làm được điều đó, giáo xứ đã hình thành nhiều ban ngành và hội đoàn: Legio Mariae, Mân Côi, Huynh Đoàn Thánh Thể, Giới trẻ, Ban An ninh trật tự, Ca đoàn, Hiền mẫu… Bên cạnh đó, giáo xứ còn có đội ngũ giáo lý viên năng động, tích cực.

Trải qua hơn 114 năm trăm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm, biến đổi nhưng đời sống đức tin của giáo xứ Chúc A vẫn luôn kiên vững, sốt sắng và ngày càng được củng cố.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ GIA PHỔ

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 1920 tách từ Giáo xứ Tràng Lưu
– Quan thầy: Đức Mẹ Lộ Đức
– Địa giới: Nằm trong thị trấn, giao thương buôn bán thuận lợi, có nhiều tiềm lực phát triển kinh tế
– Trụ sở: Giáo họ Gia Phổ
– Địa chỉ: huộc tổ dân số khối 14,15, Thị trấn Hương Khê, Hương Khê, Hà Tĩnh.
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Trần Phúc Trì
– Các giáo họ: Gia Phổ, An Hòa
– Tổng số giáo dân: 1.644
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Trước khi bề trên giáo phận tách họ đạo Gia Phổ từ giáo xứ Tràng Lưu để thành lập sở Gia Phổ vào năm 1920 thì hạt giống Tin Mừng đã được gieo trồng và âm thầm trổ sinh trên mảnh đất này.

Vào đầu thế kỷ XX, từ một vùng đất hoang vu, một số gia đình đã đến khai khẩn, chiêu dân lập ấp và định cư lập thành làng mạc chung quanh quả đồi bên bờ thượng lưu sông Ngàn Sâu. Năm 1918, Hội Truyền Giáo Paris đã bổ nhiệm cố Bá đến làm hạt trưởng. Ngài đã chọn vùng đất này làm trung tâm giáo sở và đặt tên là Gia Phổ. Đến năm 1924, cố Bá đã khởi công xây dựng nhà thờ và nhà phòng trên diện tích khoảng 30.000m2­­. Sau 6 năm xây dựng, ngôi nhà thờ và nhà phòng bằng gỗ lim được hoàn thành trong niềm vui hạnh phúc khôn tả của giáo dân.

Trong những ngày đầu thành lập, giáo sở Gia Phổ chỉ có một giáo họ với số giáo dân chưa đầy 200 người. Gia Phổ được thiên nhiên ưu đãi, đây là mảnh đất sơn thủy hữu tình, giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt đều thuận tiện, lại ở vị trí trung tâm của giáo hạt nên từ 1920-1944, Gia Phổ được chọn làm sở hạt Ngàn Sâu. Bên cạnh đó, Gia Phổ còn có nhiều mục tử tài đức và hết lòng vì đoàn chiên về quản nhiệm. Từ năm 1946-1950, cha Phaolô Nguyễn Đình Nhiên, cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều, phó xứ (1950-1952), GB. Nguyễn Đình Lưu (1953-1963), Phêrô Nguyễn Văn Huy (1963-1965). Kể từ đây, Gia Phổ bước vào thời kỳ các cha phụ trách: Gioan Nguyễn Quang Dũ (1965-1992), GB. Trần Thanh Đạt (1992-1999), ngài đã cùng với bà con giáo dân khởi công xây dựng lại nhà thờ. Ngày 11/12/1998, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên. Công trình được tiếp nối khi ngày 13/12/1999, cha Phaolô Nguyễn Văn Cừ được bổ nhiệm quản xứ Ninh Cường, phụ trách Gia Phổ. Ngày 3/9/2005, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã chủ tế lễ khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường với tước hiệu Đức Mẹ Lộ Đức.

Năm 2007, cha Antôn Phêrô Trần Văn Niên và giáo dân Gia Phổ đã đệ trình Tòa Giám Mục sát nhập giáo họ An Hòa của xứ Ninh Cường vào Gia Phổ để tiến tới thành lập xứ đạo mới. Nguyện vọng chính đáng đó đã được Đức Giám Mục Phaolô Maria chuẩn nhận và chính ngài đã chủ tế thánh lễ mừng sự kiện trọng đại này vào ngày 19/12/2009. Năm 2010 Cha Antôn Hoàng Sỹ Phúc quản xứ Ninh Cường, kiêm nhiệm xứ Gia Phổ đã hoàn thành công trình nhà giáo lý.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Giáo xứ Gia Phổ ngày nay bao gồm họ trị sở Gia Phổ và họ An Hòa với 1.644 giáo dân (2023) do cha Phêrô Trần Phúc Trì coi sóc. Giáo xứ Gia Phổ nằm cạnh dòng sông Ngàn Sâu với khuôn viên thoáng rộng, không khí trong lành nhưng số giáo dân khiêm tốn, đời sống người dân còn nghèo, sống bằng nghề nông và kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, lại đang trong giai đoạn phục hồi sau bao thăng trầm biến đổi nên cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.

Tuy vậy, với bề dày truyền thống đạo hạnh, Gia Phổ vẫn luôn là xứ đạo năng động và có nhiều sáng kiến mang tính chiều sâu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng với các hội đoàn:  Huynh Đoàn Thánh Thể, Gia Đình Thánh Tâm, Nhóm Trẻ Tin Mừng… góp phần xây dựng xứ đạo hiệp nhất yêu thương và lớn mạnh.

Gia Phổ nằm trong thị trấn, giao thương buôn bán thuận lợi nên có nhiều tiềm lực phát triển kinh tế, nhất là phát triển các ngành tiểu thương, tiểu thủ công nghiệp… Hằng năm, người dân các vùng lân cận như Thịnh Lạc, Ninh Cường, Hương Mai về làm ăn sinh sống và định cư nơi đây khá đông nên số lượng tín hữu tham dự thánh lễ Chúa nhật luôn đông đảo, tạo nên một sự ấm cúng thánh thiêng. Điều đó cho thấy, Gia Phổ đang ngày một sầm uất hơn, hứa hẹn một sức sống mãnh liệt cho một tương lai với nhiều dự phóng tốt lành.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ LÀNG TRUÔNG

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1865
– Quan thầy: Mẹ Mân Côi
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Làng Truông
– Địa chỉ: Xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Gioan Trần Diệu
– Các giáo họ: Làng Truông, Cây Khế, Cây Thị, Phước Sơn, Thuận Hội, Vạn Nguyên
– Tổng số giáo dân:  2.967
– Các sở dòng: Nhóm MTG Làng Truông

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Trong những ngày đầu đón nhận đức tin, địa bàn huyện Hương Khê chỉ có một giáo xứ là giáo xứ Ngàn Sâu, và giáo dân ngày một đông nên về sau đã tách ra thành lập hai xứ, hạ huyện là giáo xứ Thổ Hoàng còn thượng huyện là giáo xứ Làng Truông, đây là hai giáo xứ đầu tiên của giáo hạt Ngàn Sâu.

Giáo xứ Làng Truông nằm trên địa Xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Từ lâu hạt giống đức tin đã được gieo trồng và bén rễ sâu nơi vùng quê bình dị này. Đến nay, người ta vẫn chưa biết chính xác thời điểm đầu tiên các thừa sai đặt chân lên vùng rừng núi đại ngàn nhưng có một điều chắc chắn rằng, vì lẩn trốn sự lùng bắt của quan quân triều đình nhà Nguyễn mà các nhà truyền giáo thuộc dòng Đa Minh đã lấn trốn, trú ngụ tại làng Đông Thượng, tức vùng Làng Truông ngày nay. Ở đây, các ngài đã thành lập giáo xứ Ngàn Sâu. Đến năm 1805 thì tách ra thành hai là Làng Truông và Thổ Hoàng và mãi đến năm 1865, giáo xứ Làng Truông mới chính thức được thành lập, nhận Mẹ Mân Côi (7/10) làm bổn mạng.

Làng Đông Thượng – Làng Truông đã chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của thời cuộc, tưởng chừng như sẽ đi vào dĩ vãng nhưng tràng chuỗi Mân Côi là sợi dây giúp con cái nơi đây đoàn kết hiệp nhất và cùng nhau kiên trung giữ vững đức tin.

Chứng tích đức tin in hình bên dòng Ngàn Sâu và âm vọng từ ngàn đời vẫn phảng phất qua núi rừng bởi những lời rao giảng của các vị mục tử đạo đức thánh thiện luôn sống chết để bảo vệ đoàn chiên. Làng Truông tự hào là nơi dừng chân của các thừa sai dòng Đa Minh, nơi thánh linh mục Phêrô Hoàng Khanh đã từng là cha quản xứ. Từ ngày chính thức thành lập đến nay, giáo xứ luôn có các vị mục tử tài đức coi sóc, kiêm nhiệm: GB. Trung (1865-1894), Cao Đình Tri (1889-1934), cha Ngữ (phó xứ, 1892-1894), cha Đông (1934-1938), cha Kiều (1938-1954), Gioan Nguyễn Quang Dũ (phụ trách, 1954-1955), Đinh Văn Triều (1955-1960), Phêrô Vũ Thiết Lợi (1960-1994), GB. Trần Thanh Đạt (1993-2002), Giuse Nguyễn Văn Thắng (2002-2012), Antôn Lâm Văn Hân, Giuse Lê Ngọc Dương, Gioan Trần Diệu (6/2024 – nay). Các linh mục gốc Làng Truông gồm có cha GB. Huệ (linh mục năm 1922, mất tại miền Nam năm 1949); Phạm Kim Thông, Trần Bá Cường (linh mục năm 1958, mất: 2008).(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Theo báo cáo tất niên 2023, giáo xứ Làng Truông có 6 giáo họ, 2.967 giáo dân hiện do cha Gioan Trần Diệu coi sóc. Để giáo xứ ngày một lớn mạnh trong tinh thần hiệp thông, các linh mục coi sóc nơi đây đã thành lập nhiều hội đoàn: Legio Mariae, Lòng Thương Xót Chúa, Mân Côi, Caritas, Thiếu nhi Thánh Thể, Giới Trẻ, Trung Niên.

Với bề dày lịch sử và truyền thống đạo hạnh, giáo xứ Làng Truông đang từng ngày phát triển về mọi phương diện, xứng đáng là xứ mẹ của giáo hạt miền núi Ngàn Sâu.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TÂN HỘI

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1913, tách từ Giáo xứ Tràng Lưu
– Quan thầy: Thánh Giuse
– Trụ sở: Giáo họ Tân Hội
– Địa chỉ: Xã Hương Trạch, huyện Hương Khê,
– Linh mục quản xứ hiện tại: Giuse Trần Thuật
– Các giáo họ: Tân Hội, Tân Dừa, Lộc Giang, Hà Vàng, Tân Phú, Phú Lễ, Vân Sơn và giáo điểm Sơn Bình
– Tổng số giáo dân: 4.094
– Các sở dòng:CĐ TS Bác Ái Phú Lễ

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hạt giống Tin Mừng đã được gieo trồng trên vùng đồi núi Tân Hội từ rất sớm và đã trổ sinh nhiều bông hạt thơm lành. Năm 1875, giáo họ Tràng Lưu được giáo phận cho thành lập giáo xứ mới thì Tân Hội là một giáo họ của xứ đạo này. Đón nhận hồng phúc đức tin trong niềm tin và hy vọng, giáo dân nơi đây đã nỗ lực minh chứng niềm tin và hy vọng ấy ra các thôn làng lân cận vùng thượng nguồn sông Ngàn Sâu và mừng vui thu lại nhiều thành quả tốt lành.

Đến những năm đầu thế kỷ XX, người dân đã quy tụ thành những cụm dân cư đông đúc, đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo dần đi vào nề nếp quy củ, tiếng hát lời kinh ngân vang sớm tối bên nguyện đường. Đến năm 1913, nhận thấy nhu cầu mục vụ trong việc quản trị chăm lo đời sống đức tin cho vùng rộng lớn thượng nguồn sông Ngàn Sâu, Tòa Giám Mục đã quyết định thành lập giáo xứ Tân Hội và cha già Tân là linh mục tiên khởi của xứ đạo này.

Nằm trên địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, là vị trí chiến lược nên vùng đất Tân Hội phải gánh chịu nhiều tổn thất bởi bom đạn, nhất là giai đoạn từ 1964 đến 1973. Dù phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhưng người dân nơi đây vẫn luôn kiên vững bám trụ gìn giữ quê cha đất tổ và trổ sinh cho Giáo Hội và xã hội nhiều người con ưu tú.

Các linh mục gốc xứ Tân Hội gồm có cha Giuse Điều (linh mục: 1942); Giuse Lan (linh mục 1921, mất: 1954); Giuse Nguyễn Đăng Điền (linh mục 1966, hiện đang hưu dưỡng tại giáo xứ Yên Đại), là người sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái Vinh; cha Phêrô Hoàng Quốc Phong.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Các linh mục quản xứ Tân Hội qua các thời kỳ: Cha Tân (1913-1921), cha Khoan (1921-1924); cha Năm (1924-1936); Cha Lưu (1936-1951); Cha Phêrô Trần Trọng Kiểng (1951-1958);  Augustinô Thái Văn Bài (1961-1970); Phêrô Nguyễn Đăng Cao (1970-1986); Phanxicô Xaviê Phạm Văn Hứa (1986-2008); Antôn Đặng Hữu Nam (2008-2011); Giuse Trần Trung Phụng OFM (2011-2013). Cha Phêrô Dương Sỹ Nho, cha Giuse Trần Thuật là linh mục quản xứ đương nhiệm.

Theo báo cáo tất niên 2023, giáo xứ hiện có 4.094 tín hữu. Là xứ đạo có bề dày lịch sử nên Tân Hội đã hình thành được nếp sống đức tin bền chặt sống động, bằng chứng là các phong trào tông đồ giáo dân luôn phát triển; các hội đoàn, ban ngành, giới trẻ, tổ nhóm liên gia hoạt động mạnh mẽ và có chiều sâu. Bên cạnh đó, cộng đoàn Thừa Sai Bác Vinh hiện diện tại giáo họ Phú Lễ đã góp phần xây dựng bầu khí cầu nguyện và linh thánh cho vùng quê nghèo.

Với hơn 100 năm hình thành và phát triển, dù trải qua biết bao thăng trầm cũng như gánh chịu những tổn thất do thời cuộc, hạt mầm đức tin nơi đây vẫn vươn mình lớn lên theo năm tháng; giáo xứ Tân Hội luôn kiên tâm gìn giữ và triển nở kho tàng đức tin mà tổ tiên cha ông đã để lại.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ TÂN PHƯƠNG

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: 08/02/2017
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở: Giáo họ Tân Phương
– Địa chỉ: Thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Antôn Đậu Thanh Minh và cha phụ tá Nicolas Nguyễn Đức Thể.
– Các giáo họ:  Tân Phương (trị sở), Hà Mâng, Vĩnh Phúc, Vĩnh Tuần và Trường Thanh.
– Tổng số giáo dân: 2.634
– Các sở dòng: Nhóm MTG Tân phương

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo xứ Tân Phương được tách từ giáo xứ Tràng Lưu và chính thức thành lập ngày 08/02/2017. Tân Phương gồm 5 giáo họ là Hà Mâng, Tân Phương (trị sở), Vĩnh Phúc, Vĩnh Tuần và Trường Thanh.

Ngày 02/02/2017 cha Phêrô Nguyễn Huy Hiền được bổ nhiệm làm cha xứ tiên khởi và cha phụ tá Nicolas Nguyễn Đức Thể coi sóc với hơn 2.634 tín hữu. Trong đó, họ trị sở Tân Phương có điều kiện và đời sống khá ổn định hơn so với các họ khác. Riêng họ Vĩnh Phúc và Vĩnh Tuần, người dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp, đất đai canh tác ít màu mỡ. Mỗi khi mưa lũ đến thường bị chìm trong biển nước. Thế nhưng, cuộc sống của người dân thật bình dị, đơn sơ và thân thiện. Hiện nay, Giáo xứ Tân Phương ngày một đổi mới, phát triển trên nhiều phương diện. Ngày 05/7/2023, cha An tôn Đậu Thanh Minh được bổ nhiệm quản xứ thay cha Phêrô.

Theo báo cáo tất niên năm 2023, giáo xứ hiên có 2.634 tín hữu.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ THỊNH LẠC

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Năm 1867
– Quan thầy:
– Địa giới:
– Trụ sở:
– Địa chỉ: Xã Gia Phổ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh
– Linh mục quản xứ hiện tại: Phêrô Hoàng Quốc Phong
– Các giáo họ: Lạc Hạ, Lạc Thượng, Lạc Trung, Trại Nại, Vĩnh Phúc
– Tổng số giáo dân: 2.805
– Các sở dòng: Nhóm MTG Thịnh Lạc

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hồng phúc ngọn lửa đức tin được chiếu sáng từ rất lâu nơi làng quê Thịnh Lạc, khi các nhà truyền giáo lẩn trốn sự truy bắt của quan quân triều đình nhà Nguyễn tại làng Đông Thượng, tức Làng Truông ngày nay.

Năm 1805, khi giáo xứ Ngàn Sâu tách ra thành hai giáo xứ Làng Truông và Thổ Hoàng thì Thịnh Lạc là giáo họ của xứ đạo Làng Truông. Đến năm 1867, nhận thấy sự trưởng thành và vì nhu cầu mục vụ nên Tòa Giám Mục Xã Đoài đã hợp ba giáo họ Thịnh Lạc Hạ, Thịnh Lạc Trung và Thịnh Lạc Thượng để hình thành nên giáo xứ Thịnh Lạc. Hưởng ứng hồng ân thành lập xứ, giáo hữu nơi đây đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ khang trang, đây là ngôi nhà thờ rất có giá trị thời bấy giờ.

Trong những năm 1885, sự truy lùng đàn áp của phong trào Văn Thân ngày một gắt gao nên giáo dân Thịnh Lạc phải vào rừng lẩn trốn, các sinh hoạt tôn giáo ngày càng trở nên khó khăn, lại thiếu mục tử trực tiếp coi sóc nên Thịnh Lạc trở về sáp nhập với xứ mẹ Làng Truông.

Năm 2007, cha Giuse Nguyễn Văn Thắng, linh mục quản xứ Làng Truông và giáo dân Thịnh Lạc đã đệ trình Tòa Giám Mục Xã Đoài về việc khôi phục xứ đạo này. Thể theo nguyện vọng nói trên, ngày 15/7/2007, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã ký quyết định tách 5 giáo họ Thịnh Lạc Trung, Thịnh Lạc Hạ, Thịnh Lạc Thượng, Vĩnh Phúc và Trại Nại, với 2676 giáo dân để thành lập giáo xứ Thịnh Lạc.

Năm 2008, Đức Cha Phaolô Maria đã bổ nhiệm tân linh mục Giuse Phan Đình Trung về quản xứ Thịnh Lạc. Với tấm lòng nhiệt thành hy sinh phục vụ và bằng sự khôn ngoan của người mục tử, cha Giuse đã làm tỏa lan tinh thần đạo đức thánh thiện cùng nhiệt huyết chung xây quê hương giáo xứ nơi mỗi người giáo dân Thịnh Lạc. Bên cạnh đó, nhận thấy ngôi nhà thờ bằng gỗ đang xuống cấp do hằng năm phải hứng chịu mưa lũ nên cha Giuse đã cùng giáo dân quyết tâm xây dựng lại ngôi thánh đường mới. Ngày 29/05/2012, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ tế thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ giáo xứ Thịnh Lạc.(x. Kỷ yếu GPV – Kỷ niệm 170 năm Thành lập 1846 – 2016).

Linh mục gốc xứ Thịnh Lạc: Cha GB. Cát, GB. Lộc, cha Tín, Phêrô Thịnh, cha Hồi, FX. Khang, GB. Hữu, Gioan Tạo và cha Nguyễn Hữu Phước.

Theo báo cáo tất niên 2023,  giáo xứ hiện có 2.805 giáo dân.

Dòng sông Ngàn Sâu đã chứng kiến bao thăng trầm biến đổi của vùng quê Thịnh Lạc, ngọn lửa đức tin nhiều lúc tưởng như vụt tắt bởi sự truy bắt của quan quân triều Nguyễn, Văn Thân cũng như những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, nhưng Đức Mẹ là quan thầy giáo xứ đã thắp lên ngọn lửa tin yêu và hy vọng, khơi dậy truyền thống kiên trung đạo hạnh ngàn đời của giáo hữu nơi đây nên Thịnh Lạc đã vượt qua những sóng gió của thời cuộc.

Tiếp lửa truyền thống, Thịnh Lạc đang từng ngày phát huy tinh thần đoàn kết hiệp nhất yêu thương nhằm xây dựng quê hương giáo xứ ngày thêm an lạc phồn vinh thịnh đạt.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN

GIÁO XỨ VĨNH CƯ

THÔNG TIN CHUNG

– Thành lập: Thành lập Giáo điểm 01/01/2021,
– Quan thầy:
– Địa giới: Vĩnh Cư  nằm tách biệt trong thung lũng, với những lèn đá dựng đứng cách Chúc A khoảng 7 km. Ở đây, giao thông đi lại rất khó khăn, phải men theo triền núi, phía dưới là sông sâu mà người dân địa phương gọi là Vực Chình
– Trụ sở: Nhà Thờ giáo xứ Vĩnh Cư
– Địa chỉ:  xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
– Linh mục quản xứ hiện tại: Micae Vũ Đức Mai,CSF
– Các giáo họ: Vĩnh Cư
– Tổng số giáo dân: 513
– Các sở dòng:

LỊCH SỬ GIÁO XỨ

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Giáo họ Vĩnh Cư trực thuộc Giáo xứ Chúc A, Giáo hạt Ngàn Sâu, Giáo phận Hà Tĩnh nằm trên địa bàn xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Vĩnh Cư là một Giáo họ nằm tách biệt trong thung lũng cách Chúc A khoảng 7km. Giao thông đi lại rất khó khăn, phải men theo triền núi, phía dưới là sông sâu mà người dân địa phương gọi là Vực Chình.

Về gốc tích, năm Bính Tuất (1886) một số người dân bị giặc cướp hoành hành nên đã tìm đến Chúc A xin trú nhờ, sau đó theo đạo và lập thành Giáo họ Vĩnh Cư, lúc này Chúc A đang là một giáo họ trực thuộc Giáo xứ Tràng Lưu.

Năm 1910, Giáo xứ Chúc A được thành lập, Vĩnh Cư trực thuộc Chúc A. Năm 1920, Vĩnh Cư có 110 giáo dân và đã có ngôi nhà thờ rộng rãi và kiên cố.

Thống kê năm 2019, Vĩnh Cư có 508 người với 120 hộ gia đình. Vì đây là vùng rừng núi xa trung tâm giáo xứ nên qua thỉnh nguyện của cha phụ trách Mactinô Nguyễn Văn Bé cùng bà con giáo dân xin tách họ Vĩnh Cư thành một giáo xứ riêng để xứ đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của giáo dân. Ngày 01/01/2021 Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã quyết định tách Giáo điểm Vĩnh Cư ra khỏi Giáo xứ Chúc A, thành lập chuẩn Giáo xứ Vĩnh Cư đặt trụ sở tại nhà thờ Vĩnh Cư và đặt cha Micae Vũ Đức Mai làm cha xứ tiên khởi. Ngày 16/5/2023, Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn Quyết định thành lập Giáo xứ Vĩnh Cư.

Theo báo cáo tất niên 2023, giáo xứ hiên có 513 tín hữu.

VIDEO - HÌNH ẢNH

ĐƯỜNG ĐẾN GIÁO XỨ

TIN BÀI LIÊN QUAN