Bài giảng Đức Thánh Cha – Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh

13327 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ TIỆC LY
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Các bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh:

Đức Phanxicô:

06.04.2023 – Mỗi người chúng ta đều có thể vấp ngã

09.04.2020 – Hãy để Chúa rửa chân cho anh em

13.04.2017 – Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình

Đức Benêđictô XVI:

13.04.2006 – “Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”

Bài Ðọc I: Xh 12, 1-8. 11-14

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

Phúc Âm: Ga 13, 1-15

Đức Phanxicô, ngày 06.4.2023 – Mỗi người chúng ta đều có thể vấp ngã

Điều thu hút sự chú ý của chúng ta là cách Chúa Giêsu, chỉ hôm trước ngày bị đóng đinh, đã thực hiện việc làm này. Rửa chân là phong tục vào thời đó bởi vì đường phố bụi bặm. Mọi người từ bên ngoài vào và, khi vào nhà, trước khi ăn tối, trước khi tụ họp, họ sẽ rửa chân. Nhưng ai sẽ rửa chân cho họ ? Các nô lệ, các nô lệ – bởi vì đây là công việc dành cho nô lệ.

Chúng ta hãy tưởng tượng các môn đệ đã kinh ngạc như thế nào khi họ thấy Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ phù hợp với các nô lệ này…Ngài muốn các ông hiểu thông điệp cho ngày mai khi Ngài sẽ chết như một nô lệ để trả nợ cho tất cả chúng ta. Nếu chúng ta biết lắng nghe những điều này từ Chúa Giêsu, thì cuộc đời sẽ trở nên rất đẹp bởi vì chúng ta sẽ vội vàng giúp đỡ nhau thay vì lấy phần tốt nhất của người khác, để lợi dụng nhau, cách mà những kẻ lừa đảo dạy chúng ta. Thật rất đẹp để giúp đỡ nhau, giúp một tay – đây là những cử chỉ phổ quát của con người vốn được sinh ra từ một trái tim cao thương. Và với việc cử hành hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều này : sự cao thượng của con tim. Mỗi người chúng ta có thể nói : « Nhưng nếu Đức Giáo hoàng chỉ biết những điều tôi có ở bên trong…. » Nhưng Chúa Giêsu biết điều đó, và Ngài yêu thương chúng ta như chúng ta là ! Và Ngài rửa chân cho mỗi chúng ta. Chúa Giêsu không bao giờ bị sốc trước sự yếu đuối của chúng ta. Ngài không bao giờ kinh ngạc, bởi vì Ngài đã trả giá rồi. Ngài chỉ muốn đồng hành với chúng ta; Ngài muốn nắm lấy tay chúng ta để cuộc sống không quá khắc nghiệt với chúng ta.

Tôi sẽ thực hiện cùng một hành động rửa chân, vốn không phải là điều gì đó thuộc văn hóa dân gian, không. Tất cả chúng ta đều có thể nghĩ về nó như một cử chỉ cho chúng ta biết chúng ta nên đối xử với nhau như thế nào. Trong xã hội, chúng ta thấy biết bao kẻ lợi dụng người khác; biết bao người đang ở một góc đường và không thể thoát ra….Biết bao nhiêu bất công, biết bao người thất nghiệp, biết bao người làm công và được trả một nửa, bao nhiêu người không có tiền mua thuốc, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiều điều khủng khiếp….

Và không ai trong chúng ta có thể nói, “Tạ ơn Chúa, con không giống như, Chúa biết đó”. “Nếu con không giống như thế đó là vì ơn Chúa!” Mỗi người chúng ta đều có thể vấp ngã, mỗi người chúng ta. Và ý thức này, sự chắc chắn rằng mỗi người chúng ta đều có thể vấp ngã, là điều mang lại cho chúng ta phẩm giá – hãy lắng nghe từ này – “phẩm giá” của người tội lỗi. Và Chúa Giêsu muốn chúng ta như vậy, và vì điều này Chúa Giêsu đã muốn rửa chân [cho các môn đệ của mình] và nói: “Ta đến để  cứu độ con, để phục vụ con”.

Bây giờ, tôi sẽ làm điều tương tự để tưởng nhớ những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, để giúp đỡ lẫn nhau và bằng cách này, cuộc sống tốt đẹp hơn và chúng ta có thể tiếp tục như thế này. Trong lúc rửa chân – tôi hy vọng tôi thành công khi thực hiện nó bởi vì tôi không thể đi lại khỏe được – nhưng trong khi rửa chân, hãy nghĩ về điều này: “Chúa Giêsu đã rửa chân tôi. Chúa Giêsu đã cứu độ tôi, và bây giờ tôi gặp khó khăn này”. Nhưng nó sẽ qua đi, nhưng Chúa luôn ở bên cạnh bạn, Ngài không bao giờ bỏ rơi, không bao giờ. Hãy suy nghĩ về tất cả điều này.

Nguồn: xuanbichvietnam.net (07.04.2023)

Đức Phanxicô, ngày 09.04.2020 – Hãy để Chúa rửa chân cho anh em

Thánh Thể, phục vụ, xức dầu. Đây là những điều chúng ta cảm nghiệm được trong buổi cử hành hôm nay: Chúa muốn ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Và chúng ta trở thành nhà tạm của Chúa, mang Chúa ở cùng chúng ta; đến mức chính Ngài đã nói với chúng ta: nếu chúng ta không ăn thịt và uống máu Ngài, chúng ta sẽ không vào được Nước Trời. Đây là một mầu nhiệm, bánh và rượu, Chúa ở cùng chúng ta, ở trong chúng ta, ở bên trong chúng ta.

Phục vụ. Cử chỉ này là điều kiện để vào Nước Trời. Vâng, để phục vụ… mọi người. Nhưng Chúa, trong những lời Ngài trao đổi với Phêrô (x. Ga 13:6-9), làm cho ông nhận ra rằng để vào được Nước Trời, chúng ta phải để Chúa phục vụ chúng ta, Người Tôi tớ của Thiên Chúa phải là tôi tớ của chúng ta. Và điều này thật khó hiểu. Nếu tôi không để Chúa làm tôi tớ cho tôi, không để Chúa tắm rửa cho tôi, giúp tôi lớn lên, tha thứ cho tôi thì tôi sẽ không được vào nước thiên đàng.

Và cả chức linh mục nữa. Hôm nay tôi muốn được gần gũi với các linh mục, với tất cả các linh mục, từ những linh mục mới được thụ phong cho đến Giáo Hoàng. Tất cả chúng ta đều là linh mục. Cả các giám mục nữa, tất cả chúng ta… chúng ta được xức dầu, được Chúa xức dầu; được xức dầu để cử hành Bí tích Thánh Thể, được xức dầu để phục vụ.

Sáng nay, không có Thánh lễ Truyền Dầu (do đại dịch) – tôi hy vọng chúng ta có thể cử hành lễ này trước Lễ Ngũ Tuần, nếu không sẽ phải hoãn lại sang năm sau – nhưng tôi không thể để Thánh lễ tối nay trôi qua mà không nhớ đến các linh mục. Những linh mục hiến mạng sống mình cho Chúa, những linh mục là tôi tớ. Trong những ngày này, nhiều người trong số họ đã qua đời, hơn 60 vị ở nước Ý này, khi đang chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, cùng với các bác sĩ và y tá… Họ là những “vị thánh bên cạnh chúng ta”, những linh mục đã hiến mạng sống mình để phục vụ.

Tôi cũng nghĩ đến những linh mục ở vùng sâu vùng xa. Hôm nay tôi nhận được một lá thư từ một linh mục, một tuyên úy ở một nhà tù xa xôi, kể cho tôi nghe là ngài đã trải qua Tuần Thánh này với các tù nhân như thế nào. Một linh mục dòng Phanxicô. Những linh mục thực hiện những chuyến hành trình xa để rao giảng Tin Mừng và đã qua đời ở những vùng xa xôi ấy. Có lần một vị giám mục nói với tôi rằng điều đầu tiên ngài làm khi đến những nơi truyền giáo này là đi đến đất thánh, đến mộ của các linh mục đã hy sinh mạng sống ở đó, các linh mục trẻ đã chết vì bệnh tật địa phương vì họ không được chuẩn bị, họ không có đề kháng; và không ai biết tên họ, những linh mục vô danh. Rồi có các linh mục quản xứ ở nông thôn, các linh mục của bốn, năm, bảy ngôi làng nhỏ trên núi, đi từ nơi này đến nơi khác, quen biết từng người dân. Một người trong số họ từng nói với tôi rằng cha ấy biết tên từng người trong làng. Tôi hỏi cha ấy: “Thật sao?” Và cha ấy nói với tôi: “Dạ, con thậm chí còn biết cả tên những con chó trong nhà họ!”. Các linh mục ấy biết tất cả mọi người. Sự gần gũi của linh mục. Tốt, các linh mục tốt.

Hôm nay, tôi mang trong tim mình tất cả anh em, những linh mục, và tôi mang anh em đến bàn thờ. Cũng có những linh mục bị vu khống. Điều này xảy ra thường xuyên ngày nay; các linh mục ấy không thể tự do đi lại vì người ta nói xấu họ, ám chi họ đến các vụ bê bối linh mục bị phát hiện. Một vài người trong số họ đã nói với tôi rằng họ không thể mặc trang phục giáo sĩ ra ngoài vì mọi người xúc phạm họ. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục sống chức linh mục của mình. Các linh mục là tội nhân, cùng với các giám mục và Đức Giáo Hoàng cũng là một tội nhân, không được quên cầu xin sự tha thứ và học cách tha thứ vì chúng ta biết rằng chúng ta cần phải cầu xin sự tha thứ và tha thứ. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Các linh mục đang phải chịu đựng những cơn khủng hoảng, những người không biết phải làm gì, những người sống trong bóng tối…

Hôm nay, hỡi anh em linh mục, tất cả anh em đang ở với tôi trên bàn thờ này, những người được thánh hiến. Tôi chỉ nói với anh em một điều: đừng cứng đầu như Phêrô. Hãy để chân anh em được rửa sạch. Chúa là tôi tớ của anh em, Người ở gần anh em và ban cho anh em sức mạnh để rửa chân cho người khác.

Bằng cách này, ý thức được sự cần thiết phải được rửa sạch, anh em sẽ là người ban phát sự tha thứ tuyệt vời. Tha thứ! Hãy có một trái tim rộng lớn và rộng lượng trong việc tha thứ. Đây là thước đo mà chúng ta sẽ bị phán xét. Như anh em đã tha thứ, anh em sẽ được tha thứ theo cùng một mức độ. Đừng sợ tha thứ. Đôi khi chúng ta nghi ngờ; hãy nhìn lên Chúa Kitô [Đức Thánh Cha nhìn lên cây thánh giá]. Ở đó, có sự tha thứ cho tất cả. Hãy can đảm cả trong việc chấp nhận rủi ro, tha thứ để mang lại niềm an ủi. Và nếu anh em không thể ban ơn tha thứ vào lúc này, thì ít nhất hãy đưa ra lời an ủi huynh đệ cho những người mà anh em đồng hành, hãy để cửa mở cho mọi người quay trở lại.

Tôi tạ ơn Chúa vì ân sủng của chức linh mục, tất cả chúng ta đều tạ ơn. Tôi tạ ơn Chúa vì anh em, các linh mục. Chúa Giêsu yêu anh em! Người chỉ yêu cầu anh em hãy để Người rửa chân cho anh em.

WHĐ (11.04.2020)

Đức Phanxicô, ngày 13.04.2017 – Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình

Chúa Giêsu đã ăn bữa tối cùng với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly và, Phúc Âm nói, Người biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha. Người biết rằng Người sẽ bị phản bội và sẽ bị Giuđa giao nộp vào ngay đêm ấy. “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình, những kẻ còn ở trong thế gian, và Người yêu họ đến cùng”. Thiên Chúa yêu thương như thế này: yêu đến cùng. Và Người hiến mạng sống mình cho từng người trong chúng ta, và Người tự hào về điều này và muốn điều này bởi vì Người là tình yêu: “Yêu đến cùng”. Điều ấy không dễ dàng, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân; tất cả chúng ta đều có những giới hạn, khiếm khuyết, và rất nhiều thứ khác. Mọi người chúng ta đều có thể yêu thương, nhưng chúng ta không giống như Thiên Chúa, Đấng yêu thương đến cùng mà không xét đến những hệ quả. Và Người đã làm gương, để chúng ta hiểu được điều này. Đấng là “đầu”, là Thiên Chúa, đã rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân là một tục lệ của thời đó, phải làm trước bữa trưa và bữa tối, vì thời đó đường không được trải nhựa và người đi đường chân dính đầy bụi. Vì thế, một trong những cử chỉ khi đón một người vào nhà, và dùng bữa, là rửa chân cho người ấy. Đó là việc làm của các nô lệ, nhưng Chúa Giêsu đã đảo ngược công việc và chính Người làm điều ấy. Simon không muốn để cho Thầy làm, nhưng Chúa Giêsu đã giải thích cho ông rằng cần phải như thế, vì Người đến thế gian để phục vụ, phục vụ chúng ta, trở nên nô lệ cho chúng ta, để ban sự sống của Người cho chúng ta, để yêu thương đến cùng.

Hôm nay, khi tôi đến đây, có nhiều người trên đường nói rằng: “Đó là Đức giáo hoàng, ngài là đầu, là người đứng đầu Giáo hội…” Chúa Giêsu là đầu của Hội Thánh; đúng thế! Đức giáo hoàng là hình ảnh của Chúa Giêsu và tôi cũng muốn làm điều tương tự như Chúa đã làm. Trong nghi thức này, cha xứ rửa chân các tín hữu. Có một sự đảo ngược: người xem ra là người lớn nhất phải làm công việc của người nô lệ, nhưng là để gieo tình yêu, gieo yêu thương giữa chúng ta. Hôm nay tôi không bảo anh chị em hãy đi và rửa chân cho nhau: nói thế hẳn chỉ là đùa vui. Nhưng tôi sẽ nói đến biểu tượng, đến hình ảnh: tôi sẽ bảo anh chị em rằng nếu có thể giúp đỡ, thì hãy làm một công việc phục vụ ở đây, trong nhà tù này, cho người bạn tù của mình, anh chị em hãy làm điều đó.

Bởi vì đó là tình yêu, cũng giống như rửa chân vậy. Đó là làm người phục vụ người khác. Có lần khi các môn đệ tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất, Chúa Giêsu liền bảo: “Ai muốn làm người quan trọng, phải trở nên nhỏ bé và làm đầy tớ của mọi người”. Và đó là điều Người đã làm; Thiên Chúa đã làm điều đó với chúng ta. Người phục vụ chúng ta. Người là đầy tớ – của mọi người chúng ta, là những người đáng thương, tất cả chúng ta! Nhưng Người cao cả; Người tốt lành. Và Người yêu thương chúng ta như chúng ta là. Vì thế, khi cử hành nghi thức này, chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa, đến Chúa Giêsu. Đây không phải là một nghi thức tầm thường, mà là một cử chỉ để tưởng nhớ những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta. Sau đó, Người cầm lấy bánh và ban cho chúng ta Thân mình của Người; cầm lấy chén rượu và ban cho chúng ta Máu của Người. Tình yêu của Thiên Chúa là như thế đó. Hôm nay chúng ta hãy chỉ suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa.

WHĐ (15.04.2017)

Đức Benêđictô XVI, ngày 13.04.2006 – “Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”

Anh em trong hàng giám mục và linh mục thân mến,
Anh chị em thân mến,

“Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1).

Thiên Chúa yêu con người – thụ tạo của Ngài; Ngài thậm chí còn yêu con người ngay cả khi con người sa ngã và Ngài không bỏ mặc con người. Ngài yêu con người đến cùng. Tình yêu của Ngài thúc đẩy Ngài yêu đến cùng, đến tận cùng: Ngài đã hạ mình, trút bỏ vinh quang thần tính của Ngài.

Ngài cởi bỏ bộ trang phục vinh quang thần tính của mình và khoác lên mình bộ trang phục nô lệ. Ngài đã xuống đến mức tận cùng trong sự thấp hèn sa ngã của chúng ta. Ngài quỳ trước chúng ta và làm cho chúng ta công việc phục vụ của một người nô lệ: Ngài rửa đôi bàn chân bẩn thỉu của chúng ta để chúng ta được nhận vào bàn tiệc của Ngài và được xứng đáng ngồi cùng bàn với Ngài – điều mà tự mình, chúng ta không thể và sẽ không bao giờ làm được.

Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa xa xôi, quá xa vời đến mức không bận tâm đến những chuyện vặt vãnh của chúng ta. Vì Thiên Chúa là vĩ đại nên Ngài có thể quan tâm đến những việc nhỏ nhặt. Vì Ngài là vĩ đại nên linh hồn của con người, cũng như chính con người, được tạo dựng bởi tình yêu vĩnh cửu, không phải là điều nhỏ nhặt mà là điều vĩ đại và xứng đáng với tình yêu của Ngài.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một sức mạnh rực sáng mà chúng ta buộc phải rút lui trốn tránh vì kinh hãi. Nhưng đó còn là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh có sức thanh tẩy và chữa lành.

Thiên Chúa hạ mình và trở thành nô lệ, Ngài rửa chân cho chúng ta để chúng ta được đến bàn tiệc của Ngài. Ở đây, toàn bộ mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô được thể hiện. Trong đó, ý nghĩa của sự cứu chuộc trở nên rõ ràng. Cái chậu mà Ngài rửa sạch chúng ta là tình yêu của Ngài, sẵn sàng đối mặt với cái chết. Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh thanh tẩy, rửa sạch bụi bẩn khỏi chúng ta và nâng chúng ta lên địa vị cao cả của Thiên Chúa.

Cái chậu thanh tẩy chúng ta là chính Thiên Chúa, Đấng hiến thân cho chúng ta không chút dè dặt – đến tận vực thẳm đau khổ và cái chết của Ngài. Ngài không ngừng là tình yêu thanh tẩy chúng ta; nơi các bí tích thanh tẩy – Rửa tội và Giải tội – Ngài liên tục quỳ dưới chân chúng ta và thực hiện cho chúng ta việc phục vụ của một người nô lệ, việc phục vụ thanh tẩy, làm cho chúng ta có khả năng phục vụ Thiên Chúa.

Tình yêu của Thiên Chúa là vô tận, nó thực sự đi đến tận cùng.

Chúa nói: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13:10). Câu này cho thấy món quà thanh tẩy tuyệt vời mà Ngài ban cho chúng ta. Bởi vì Ngài muốn ngồi cùng bàn với chúng ta, trở thành lương thực của chúng ta nên Ngài trao món quà thanh tẩy cho chúng ta. “Nhưng không phải tất cả đâu” – mầu nhiệm từ chối vẫn tồn tại, điều này trở nên rõ ràng qua hành động của Giuđa, vào chính Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu hiến thân. Điều này sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tình yêu của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng con người có thể đặt ra giới hạn cho tình yêu đó.

“Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”: Điều gì làm cho con người trở nên ô uế?

Đó chính là sự từ chối tình yêu, không muốn được yêu, hay không được yêu. Đó là niềm kiêu ngạo tin rằng họ không cần bất kỳ sự thanh tẩy nào, họ khép kín trước sự tốt lành cứu rỗi của Thiên Chúa. Đó là sự kiêu ngạo không muốn thừa nhận hay không nhận ra rằng chúng ta đang rất cần được thanh tẩy.

Nơi Giuđa, chúng ta thấy bản chất của sự từ chối này rõ ràng hơn. Giuđa đánh giá Chúa Giêsu theo tiêu chuẩn quyền lực và thành công. Đối với ông, chỉ có quyền lực và thành công là có thật; tình yêu không được tính đến. Và ông lại tham lam: tiền bạc quan thì trọng hơn sự hiệp thông với Chúa Giêsu, quan trọng hơn Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.

Do đó, ông cũng trở thành một kẻ nói dối, chơi trò hai mặt và đoạn tuyệt với sự thật; một người sống trong sự lừa dối và do đó đánh mất ý thức về sự thật tối cao, về Thiên Chúa. Bằng cách này, Giuđa trở nên chai đá và không có khả năng hoán cải, không còn tin tưởng vào sự trở lại như Đứa Con Hoang Đàng, và ông đã từ bỏ cuộc sống.

“Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Hôm nay, Thiên Chúa cảnh báo chúng ta về sự tự mãn đặt ra giới hạn cho tình yêu vô hạn của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta bắt chước sự khiêm nhường của Ngài, hãy dấn thân theo điều đó, hãy để mình được “thấm nhập” bởi điều đó.

Dù chúng ta có cảm thấy mất mát, thì Ngài vẫn mời gọi chúng ta hãy trở về nhà, hãy để lòng nhân lành thanh tẩy của Ngài nâng đỡ chúng ta và giúp chúng ta có thể ngồi cùng bàn với Ngài, Thiên Chúa của chúng ta.

Chúng ta hãy thêm lời cuối cùng vào đoạn Tin Mừng đầy ý nghĩa này: “Vì Thầy đã nêu gương cho anh em” (Ga 13:15); “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13:14). “Rửa chân cho nhau” bao gồm những gì? Nó thực sự có nghĩa là gì?

Việc rửa chân là mọi việc lành mình làm cho người khác – đặc biệt cho những người đau khổ và những người bị coi là không có giá trị gì.

Chúa kêu gọi chúng ta làm việc rửa chân này: hãy hạ mình xuống, học sự khiêm nhường và lòng can đảm của sự tốt lành, cũng như sẵn sàng chấp nhận sự từ chối, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào sự tốt lành và kiên trì trong việc đó.

Nhưng còn có một khía cạnh khác sâu sắc hơn. Chúa tẩy sạch vết bẩn khỏi chúng ta bằng sức mạnh thanh tẩy của lòng nhân hậu của Ngài. Rửa chân cho nhau trước hết có nghĩa là tha thứ cho nhau một cách không mệt mỏi, cùng nhau bắt đầu lại từ đầu, cho dù điều đó có vẻ vô nghĩa đến đâu. Nó có nghĩa là thanh tẩy lẫn nhau bằng cách chịu đựng lẫn nhau và khoan dung với nhau; thanh tẩy lẫn nhau là trao ban cho nhau sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa và dẫn nhau vào Bí tích tình yêu của Thiên Chúa.

Chúa thanh tẩy chúng ta, và vì lý do này, chúng ta mới có thể dám đến gần bàn tiệc của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho tất cả chúng ta ân sủng để một ngày nào đó, chúng ta có thể trở thành khách mời mãi mãi trong tiệc cưới vĩnh cửu. Amen!

WHĐ (14.04.2006)

Có thể bạn quan tâm