Linh mục – Người Tô Điểm Tấm Áo Đời Tôi

80 lượt xem

Đã có biết bao cây viết từng cố gắng khắc họa chân dung người linh mục, một nhân vị vừa mang chiều kích thánh thiêng, vừa in đậm dấu ấn phận người. Nhưng giữa dòng xoáy của thời đại hôm nay, khi giá trị bị xóa nhòa, ranh giới giữa điều linh thánh và điều thế tục trở nên mong manh, việc nói về linh mục, “người của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại” lại dường như trở nên khó hơn bao giờ hết.

Bởi lẽ, dung mạo linh mục không thể đơn thuần được cắt nghĩa bằng lý trí hay danh xưng; đó là một mầu nhiệm sống động, nơi đất gặp trời, hữu hạn chạm vào vô biên. Một con người với sự mong manh của phận người nhưng lại được ủy thác cử hành điều vĩnh cửu. Làm sao có thể cất lời mà không làm nhòa ánh sáng linh thiêng? Làm sao có thể suy tư mà không làm thô mộc một vẻ đẹp siêu phàm?

Và dù ý thức sự bất toàn của chính mình trong cảm nghiệm, trong ngôn từ, tôi vẫn mạo muội bước vào cõi nhiệm mầu ấy. Không bằng những lý luận sắc bén, mà bằng ký ức đượm màu biết ơn. Bởi chính nơi từng nếp gấp của đời tôi, tôi đã bắt gặp hình bóng người linh mục như một nhà thiết kế thầm lặng, cần mẫn dệt nên tấm áo hồng ân, không phải trên tấm toan vải vóc, mà trên hành trình hiện sinh của một con người yếu đuối đang học sống trong ân sủng.

  1. Cội nguồn thần học của tấm áo ân sủng

Ngay từ buổi hồng hoang lịch sử cứu độ, khi nguyên tổ sa ngã, con người lần đầu tiên ý thức sự trần trụi, không chỉ nơi thân xác, mà còn trong tương quan hiện sinh với Thiên Chúa. “Mắt hai người mở ra, và họ nhận biết mình trần truồng; họ kết lá vả làm khố che thân” (St 3,7). Tấm khố lá vả biểu tượng cho nỗ lực tự vá lành vết thương linh hồn chẳng thể che lấp được sự rạn vỡ bản nguyên.

Trong lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa đã đích thân kết lấy và mặc cho con người chiếc áo bằng da thú (x. St 3,21) như một dấu chỉ tiên khởi của công trình cứu độ: nơi Người vừa là Thợ Dệt, vừa là Đấng Cứu Chuộc. Tấm áo ấy là hình bóng tiên báo chiếc áo công chính mà Đức Kitô sẽ mặc lấy trên Thập Giá, nơi Người “dệt” nên áo cứu độ bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn mở toang: khởi nguyên của các Bí tích, nguồn mạch sự sống của Hội Thánh.

Từ dòng chảy ân sủng ấy, linh mục xuất hiện như người quản lý trung tín và khôn ngoan (x. Lc 12,42), được uỷ thác sứ mạng cử hành những cử chỉ linh thánh. Linh mục không chỉ ban phát ân sủng một cách cơ học, nhưng còn hiến dâng chính tâm hồn mục tử của mình, để mỗi Bí tích trở thành một cuộc chạm khắc thiêng liêng nơi linh hồn con người. Vá lành, phục hồi, và mặc lại phẩm giá cho họ như một “tạo thành mới” trong Đức Kitô.

  1. Tấm áo hồng ân – khi ân sủng ôm trọn phận người

Có những tấm áo được cắt may bằng lụa là để tôn vinh vẻ đẹp bên ngoài, có những tấm áo gắn với địa vị xã hội. Nhưng tấm áo của linh mục là một tấm áo khác, không chỉ khoác vào từ bên ngoài, mà mặc vào từ nội tâm. Đó là tấm áo của người được xức dầu, được thánh hiến để trở nên dấu chỉ sống động của Đấng Thánh giữa trần gian. Không phải để tách biệt, cũng không để được tôn sùng, mà để trở thành một chiếc cầu, nơi Ân Sủng chạm vào Phận Người.

Trong phụng vụ, chiếc áo lễ như là biểu tượng của thiên chức linh mục. Nhưng trong chiều sâu thần học, đó là dấu chỉ hữu hình của một mầu nhiệm vô hình: một con người đầy vết nứt được chọn để cưu mang sự thánh thiện. Chiếc áo ấy không nhằm che đậy sự yếu đuối, mà để mặc khải lòng thương xót không mỏi mệt của Thiên Chúa. Như chiếc bình sành chứa đựng kho tàng (x. 2 Cr 4,7). Linh mục khoác chiếc áo ấy để mỗi lần cử hành Thánh lễ là mỗi lần lặp lại lời thẳm sâu của Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Ẩn sau tấm áo ấy vẫn là một con người, không miễn nhiễm với thử thách. Có trái tim biết rung động, có đôi chân biết mệt mỏi, có những chông chênh giữa tiếng gọi của lý tưởng và bóng tối của thân phận, có nỗi cô đơn bản thể hay những ngày Thiên Chúa bỗng im lặng đến lặng người. Nhưng chính ở nơi đó, ân sủng lại đậm sâu. Chính trong giới hạn của phàm nhân, Đức Kitô lại được tỏ mình.

Chiếc áo ấy không đẹp vì thêu chỉ vàng hay may bằng gấm quý. Nó đẹp vì đã thấm đẫm mồ hôi và yêu thương: mồ hôi của những buổi thăm viếng bệnh nhân, của những nghi lễ kéo dài trong các đại lễ, của những cuộc gọi đêm khuya trong cái lạnh buốt để đi xức dầu cho người đang hấp hối. Nó đẹp vì hằn in nếp gấp của những lần tha thứ, nơi tòa giải tội giữa bao giờ kiên nhẫn và âm thầm. Nó đẹp vì lời giảng không chỉ được viết bằng văn bản hời hợt mà bằng những đêm muộn hao tổn chất xám, bằng chính cuộc sống, bằng từng vết xước vì tận tâm lo cho đoàn chiên. Và đẹp vì “chính toàn thể cuộc sống linh mục là một sự phản chiếu, một dấu chỉ sống động của Đức Kitô là Đầu và Mục Tử” (PDV, số 23).

Có những ngày, chiếc áo ấy nặng trĩu không phải vì danh vọng hay uy quyền, mà vì gánh lấy bao ưu tư của đoàn chiên. Một đám tang bất ngờ, một cuộc hôn nhân đổ vỡ, một người trẻ bỏ đạo… mọi nỗi đau của người khác như rơi vào tim linh mục. Và giữa bao điều phải lo, chiếc áo ấy vẫn khoác lên mỗi sớm mai như một giao ước với Thiên Chúa và với cộng đoàn. Một “lễ toàn thiêu” đang cháy lặng lẽ giữa đời thường.

  1. Tấm áo ân sủng trong hành trình hiện sinh của tôi

Thuở còn thơ, tôi được bồng đến bên giếng Rửa Tội. Bàn tay linh mục chạm nhẹ lên đầu tôi, ánh mắt ngài dịu hiền như ánh sáng đầu đời tôi nhận được. Dầu thánh được ghi như mũi kim đầu tiên đâm xuyên vào vải trắng linh hồn, bắt đầu dệt nên tấm áo ân sủng. Chiếc áo trắng hôm đó không chỉ là một mảnh vải – mà là một biểu tượng sống động: tôi được “mặc lấy Đức Kitô” (x. Gl 3,27), trở thành chi thể của Thân Mình Hội Thánh.

Khi lớn lên, Bí tích Thêm Sức đến như một mùa xuân thần khí, và chức Tư Tế với bàn tay được xức dầu thiêng thánh đã ghi ấn tín Chúa Thánh Thần lên tôi, làm động năng nội tại nuôi dưỡng đời sống đức tin. Chính từ bàn tay ấy, cánh cửa linh hồn tôi mở ra cho Thánh Thần hoạt động: soi sáng giữa những chọn lựa ngổn ngang, nâng tôi dậy qua những ngày khô hạn và giữ tôi lại bên lề vực thẳm khi sự dữ muốn nuốt chửng đời tôi.

Rồi có những mùa đời tôi ngã xuống, rách nát, trầy trụa vì những bước đi sai lạc. Tấm áo trắng ngày nào dính bẩn và sờn rách. Nhưng cũng chính khi ấy, vẫn là linh mục trong vai trò Alter Christus, trở thành người thợ lặng lẽ trong tòa Hòa Giải, giặt sạch linh hồn tôi bằng lời tha thứ, khâu lại hy vọng bằng ánh nhìn nhân hậu, vá lại những rách toạc của ân nghĩa bằng lòng thương xót không mỏi mòn. Bí tích Hòa Giải là khung cửi thiêng liêng, và chính linh mục là bàn tay Thiên Chúa tiếp tục dệt lại nơi tôi hình ảnh nguyên tuyền của thụ tạo được cứu chuộc.

Ngày tôi bước vào Bí tích Hôn Phối, khoảnh khắc đời tôi được giao phó cho một tình yêu khác – vẫn là linh mục. Người đứng giữa tôi và người bạn đời tôi, chứng hôn và chúc phúc, Lời chúc phúc hôm ấy như đường chỉ vàng nối liền hai linh hồn, bọc lại tấm áo đôi trong ân sủng đời thường.

Và rồi, trong những lúc đau bệnh, phút giây cận kề ranh giới sống – chết, lại là linh mục, người đặt đường thêu cuối cùng. Dầu thánh xức trên trán, lời nguyện nhỏ vang lên giữa căn phòng bệnh như một giai điệu vĩnh cửu, kết lại tấm áo đời tôi không bằng sợ hãi, mà bằng bình an được ủ ấm bởi ân sủng.

  1. Người thợ dệt bị quên

Từ giếng Rửa Tội đến giường bệnh, từ bàn thờ Hôn Phối đến tòa Hòa Giải, từ Bí tích Thánh Thể nuôi linh hồn đến dầu thánh xoa dịu xác thân, linh mục là người đã âm thầm dệt nên tấm áo ân sủng đời tôi bằng kim chỉ của các Bí tích. Mỗi lần tay các ngài nâng lên là một lần tôi được kéo gần hơn với trời cao. Nhưng giữa thời đại ồn ào và phân mảnh này, có một bi kịch đang diễn ra, không ầm ĩ như một cuộc khủng hoảng, mà rỉ máu như một vết thương âm ỉ: đó là sự lãng quên những linh mục vẫn đang lặng lẽ hiện diện giữa chúng ta.

Các ngài là những người thợ vô danh của linh hồn, dệt từng sợi chỉ Lời Chúa, khâu từng vết rách của Hội Thánh bằng sợi đau thương chính đời mình. Các ngài không cần sân khấu, không cần hào quang, chỉ mong lòng trung tín được giữ nguyên dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Thế nhưng, thời đại lại trả cho các ngài bằng những ánh mắt hồ nghi, những lời phán xét nhẹ như gió nhưng sắc hơn dao. Các ngài được trả công bằng những cú click lạnh lùng, những dòng bình luận sắc lẹm, những lời chê bai không thương tiếc.

“Làm dâu ngàn họ”: Các Linh mục phải vừa thánh thiện vừa hấp dẫn, vừa đơn sơ vừa trí tuệ, vừa phục vụ vô điều kiện vừa sống động đức tin. Giảng dài thì bảo là lê thê. Giảng ngắn lại than nông cạn. Giữ khoảng cách thì bị nói là xa cách. Hòa đồng thì bị bảo là thiếu nghiêm trang. Mỗi bước chân các ngài đều đi trên dây, giữa hai bờ khen – chê, thánh – trần.

Và đau buốt hơn nữa, là khi các “thánh nhân” trên bàn phím “lần chuỗi” phán xét. Một bức ảnh chưa rõ bối cảnh, một lời nói bị bóp méo, một hành động chưa được hiểu trọn cũng đủ để biến một linh mục thành chủ đề “nóng” cho cả cộng đồng mạng. Chưa cầu nguyện cho một ai, nhưng sẵn sàng viết cả đoạn dài để lên án.

Trong làn hương trầm của bàn thánh, có những giọt nước mắt rơi vào chén rượu nho. Trong tòa giải tội, có những thinh lặng không chỉ vì giữ bí mật, mà vì đang mang đỡ tội trần cho người khác. Trong phòng bệnh, có những bàn tay già nua run rẩy vẽ dấu thánh giá cuối cùng như mũi kim chốt lại một đời âm thầm phục vụ.

Rồi đến khi ánh đèn sân khấu đời linh mục vụt tắt, các ngài lui về nhà hưu, nơi những bức tường lặng câm không nhắc đến bao linh hồn các ngài từng cứu vớt. Những bàn tay từng khâu lại vết xước bao cuộc đời, nay run rẩy giữa muỗng cơm và ly thuốc. Những môi miệng từng giảng dạy Tin Mừng nay chỉ đủ sức thì thầm những kinh nguyện lặp đi lặp lại. Các ngài như quả chanh vắt cạn nước, như quả bóng xì hơi, các ngài sống giữa cộng đoàn nhưng như thể đã khuất bóng. Và có mấy ai còn ghé lại, đặt tay lên đôi vai đã còng xuống vì phục vụ, để thốt lên một câu tưởng chừng đơn giản: “Con cảm ơn Cha. Nhờ Cha mà đời con có tấm áo ân sủng như hôm nay”?

Lạy Chúa, con cúi mình tạ ơn vì hồng ân linh mục, những người nghệ sĩ thầm lặng dệt nên áo cứu độ bằng bàn tay Chúa trao. Xin gìn giữ các ngài khỏi những xói mòn của quên lãng và cay nghiệt. Xin đừng để lòng chúng con vô ơn với những người đã tô điểm tấm áo hồng ân cho bao phận người.

Và xin cho con, dù nhỏ bé và vụng về, cũng trở nên một mũi kim bé bỏng trong tay Chúa để biết may, biết thêu, biết vá, biết đắp cho những linh hồn rách nát tìm lại được vẻ đẹp nguyên tuyền và có thể khoác lên mình tấm áo cứu độ, bước vào Bàn Tiệc Vĩnh Cửu, không trong sợ hãi, mà trong hoan ca.

Lê Linh Ánh, MTGV

Có thể bạn quan tâm