Chúa Giêsu sinh ra vào năm nào?

4568 lượt xem

Giáo Hội đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 2018 năm Chúa Giêsu giáng sinh. Thế nhưng có người quả quyết rằng Chúa Giêsu không phải sinh vào năm 1, nhưng là trước đó mấy năm. Chuyện thực hư như thế nào?

Chúng ta gần bước vào một năm mới, và bóc một quyển lịch mới. Thường các quyển lịch bày bán ở Việt Nam đều có ghi dương lịch và âm lịch. Chúng ta thường nghe giải thích rằng dương lịch là lịch dựa theo mặt trời, còn âm lịch thì dựa theo mặt trăng. Và để cho giản tiện hơn, người ta gọi dương lịch là lịch tây, còn âm lịch là lịch ta. Tính theo dương lịch thì năm nay là 2018, còn âm lịch là Mậu Tuất. Đối với âm lịch, chúng ta biết rằng cách tính dựa trên sự phối hợp giữa thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) với thập nhị chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Do sự phối hợp giữa các can với các chi ta sẽ có một chu kỳ 60 năm. Thí dụ năm Mậu Tuất lần trước cách đây 60 năm, vào năm 1958. Còn năm dương lịch thì căn cứ vào đâu? Khởi đầu từ đâu mà chúng ta tính ra 2018 năm? Người Kitô hữu biết rằng tính từ năm Chúa Cứu thế giáng sinh, khởi đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Kitô, tuy rằng ở Việt Nam để tránh né màu sắc tôn giáo người ta gọi là “công nguyên”.

Nhưng mà vừa khi Chúa Giêsu mới sinh ra thì thiên hạ bắt đầu thay đổi niên lịch ngay hay sao?

Làm gì có chuyện đó được! Chúa Giêsu không sinh ra như một hoàng tử trong cung điện! Người chỉ là một hài nhi con nhà nghèo ở Bêlem một thôn nhỏ bé chẳng có tiếng tăm gì. Phúc Âm không cho biết là Chúa Giêsu sinh vào năm nào. Chỉ có vài dấu chỉ để từ đó suy đoán thôi, thí dụ như vào thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê (Luca 1,5), cuộc kiểm tra dân số dưới thời hoàng đế Augustô (Luca 2,1-2). Có người còn muốn đi xa hơn nữa khi họ muốn gắn liền ngôi sao xuất hiện cho các chiêm tinh bên Đông (Mt 2,1-2) với hiện tượng sao chổi xuất hiện. Tuy nhiên, xem ra các thánh sử không đặt nặng thời điểm của Chúa Giêsu sinh ra cho bằng thời điểm Người bắt đầu cuộc đời công khai. Thực vậy, ở đầu chương 3, Thánh Luca cho biết rằng Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng “vào năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô”, và ở câu 23 Luca thêm rằng lúc đó Người trạc ba mươi tuổi.

Vậy là quá rõ rồi, còn muốn gì hơn nữa?

Dĩ nhiên rồi: chỉ cần biết hoàng đế Tibêriô lên ngôi năm nào, rồi đi ngược lại 15 năm là biết được năm sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết chúng ta nên ghi nhận cách tính niên lịch thời đó. Thánh Luca tính theo triều đại của một hoàng đế Rôma, một phương pháp khá thịnh hành kể cả tại Việt Nam trước đây, thí dụ cho đến thế kỷ XX này, các cụ còn tính niên lịch theo triều của nhà vua; rồi sau khi chế độ quân chủ cáo chung, người ta lại tính niên hiệu từ ngày thành lập nền Cộng hoà (Việt Nam Cộng hoà năm thứ nhất, thứ hai v.v..). Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu sinh sống trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma nên cũng theo cách tính niên lịch của Rôma. Người Rôma có hai niên lịch. Một là dựa theo năm thành lập thành phố Rôma (ab Urbe condita), tương đương với năm 753 trước công nguyên; cách thứ hai là dựa theo các quan Tổng tài (consul) và hoàng đế. Sang đến thế kỷ III lại nảy ra một cách tính thứ ba nữa, đó là tính từ năm hoàng đế Đioclêxianô lên ngôi. Thực ra thì lúc đầu lịch này chỉ phổ biến ở miền Cận Đông, nhưng mà dần dần nó cũng lan sang các vùng khác nữa, và trở thành khá phổ thông kể cả trong Giáo Hội. Tiếc rằng hoàng đế Đioclexianô là ông vua bắt đạo dữ nhất, cho nên nhiều người tín hữu không muốn nhắc tới tên của hoàng đế. Đó là lý do đưa tới việc nghĩ tới một niên lịch mới, nhất là kể từ khi Kitô giáo không còn bị bách hại nữa nhưng trở thành quốc giáo. Sáng kiến này thành hình vào thế kỷ VI (khoảng năm 533) ở Rôma, khi một tu sĩ tên là Điônixiô bắt đầu tính niên lịch theo kỷ nguyên Kitô, nghĩa là khởi đầu từ khi Chúa Giêsu sinh ra. Nhưng mà Chúa sinh ra năm nào? Lấy gì để làm mốc? Thực ra chúng ta không còn giữ được tài liệu làm việc của tu sĩ Điônixiô, nhưng đại khái có thể hình dung cách lập luận như thế này. Như đã nói trên đây, Thánh Luca cho biết Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ vào năm thứ 15 của triều Tibêriô, và lúc ấy Chúa khoảng 30 tuổi. Như vậy là Chúa sinh ra vào năm thứ 15 trước khi Tibêriô lên ngôi. Do đó, có thể lấy mốc điểm là năm lên ngôi của hoàng đế Tibêriô.

Hoàng đế Tibêriô lên ngôi năm nào?

Hoàng đế Tibêriô kế vị hoàng đế Augustô vào ngày 19 tháng 8 năm 767 theo lịch của Rôma (nghĩa là tính từ khi thành lập thành phố Rôma). Năm thứ nhất của hoàng đế tính từ tháng Giêng năm 768; trừ đi 15 năm thì ra năm 753. Như vậy Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng Chạp năm 753 theo lịch Rôma. Kỷ nguyên Kitô (hay công nguyên) bắt đầu vào ngày 1 tháng Giêng năm 754 của lịch Rôma.

Vì đâu mà người ta lại đưa ra giả thuyết là Chúa Giêsu sinh ra vài năm trước công nguyên?

Lịch Rôma không đơn giản như ta nghĩ, vì thế mà có nhiều vấn nạn đặt ra cho cách tính của tu sĩ Điônixiô, ngay từ thế kỷ VIII (do tu sĩ Bêđa bên Anh) và vào thế kỷ IX (do tu sĩ Reginô Prum bên Đức). Vấn nạn quan trọng nhất là vua Hêrôđê qua đời vào năm 750 của lịch Rôma, tương đương với năm thứ 4 trước công nguyên. Như vậy là tính sai rồi: Chúa Giêsu phải sinh ra trước khi vua Herôđê qua đời chứ, bởi vì vua đã truyền sát hại các hài nhi ở Bêlem từ 2 tuổi trở xuống mà! Do đó, tối thiểu thì Chúa Giêsu phải sinh ra trước năm thứ 4 trước công nguyên. Nói cách khác, tu sĩ Điônixiô tính sai khoảng 4 hay 6 năm gì đó. Sự sai lệch đó có thể giải thích được, ở chỗ tu sĩ Điônixiô có lẽ không lưu ý tới cách tính lịch của Rôma và lối hành văn của Thánh Luca.

1/ Xét về cách tính lịch của Rôma, thì nên biết rằng có hai lối để tính khởi điểm của triều hoàng đế Tibêriô. Lối tính thông thường hơn cả là bắt đầu kể từ khi vua Augustô băng hà và Tibêriô lên kế vị, vào năm 767 như đã nói trên. Nhưng mà có nơi khác thì niên hiệu khởi đầu từ khi ông Tibêriô được đặt làm phụ quyền nhiếp chính, nghĩa là 2 năm trước đó. Như vậy là đã có thể sai lệch 2 năm rồi.

2/ Một lý do khác đưa tới sự sai lệch là Thánh Luca nói rằng Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ vào trạc 30 tuổi. Ta nên lưu ý là thánh sử không quả quyết rằng lúc ấy Chúa vừa tròn 30 tuổi, mà chỉ trạc 30: như vậy thì có thể là chưa tới 30 (27-28) mà cũng có thể là hơn một tí (32-33 gì đó). Một số nhà chú giải nhận xét rằng số 30 chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi. Theo họ, Cựu Ước nói tới việc ông Đavit được phong vương vào lúc 30 tuổi (2 Sam 5,4); ông Edêkiel nhận được ơn gọi ngôn sứ vào lúc 30 tuổi (Ed 1,1); ngoài ra sách Dân số chương 4 đòi hỏi tối thiểu phải được 30 tuổi thì mới có thể được tấn phong tư tế. Do đó, rất có thể Thánh Luca không có ý kể lại tuổi thật của Chúa Giêsu cho bằng nêu bật sứ vụ công khai của Người mang tính cách của một vua, ngôn sứ và tư tế.

Như vậy, nếu muốn sát với lịch sử thì phải mừng 2018 năm Chúa giáng sinh vào năm 20135-2014, chứ đâu cần phải chờ tới năm 2018?

Dưới khía cạnh toán học, thì quả đúng như vậy, bởi vì tu sĩ Điônixiô đã tính trật đi mất 5-6 năm. Tuy nhiên, chúng ta không mừng một hiện tượng thiên văn (tựa như 2.000 năm sao chổi xuất hiện) nhưng mà chúng ta cử hành một biến cố lịch sử. Biến cố Chúa giáng sinh đã khai mạc một kỷ nguyên mới trong lịch sử của loài người. Biến cố ấy đã trở thành trung tâm điểm của lịch sử nhân loại: tất cả các biến cố khác đều quy chiếu vào đó, nghĩa là dựa vào đó mà tính, hoặc là trước khi Đức Giêsu sinh ra hay là sau khi Đức Giêsu sinh ra. Sở dĩ các Kitô hữu đặt biến cố Đức Giêsu sinh ra làm trung tâm điểm của lịch sử là bởi vì họ tin rằng Đức Giêsu không phải chỉ là một vĩ nhân xuất chúng, nhưng là Thiên Chúa đã làm người, đi vào lịch sử của con người, chia sẻ kiếp sống của con người, để rồi dẫn đưa con người về với Thiên Chúa.

Nhưng đó là quan điểm của các Kitô hữu, còn các tín đồ của các tôn giáo khác thì sao?

Ở Việt Nam, chúng ta biết là các Phật tử sử dụng một niên lịch riêng (gọi là Phật lịch) tính từ Phật đản. Các tín đồ Hồi giáo cũng có niên lịch riêng, khởi hành từ việc ông Mohamed phải bỏ Mecca để đi Medina, năm 622. Dù sao, thì ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng niên lịch theo kỷ nguyên Kitô. Như đã nói ở đầu, để khỏi đụng chạm, người ta gọi là “công nguyên”. Trên thực tế, việc áp dụng đã được tiến hành tuần tự: vào cuối thế kỷ VI tại Italia, vào thế kỷ VII tại Anh, Tây-ban-nha, Pháp. Phải chờ đến thế kỷ X thì mới phổ cập khắp Âu Châu. Luôn tiện cũng nên biết là vì muốn gắn liền biến cố Chúa giáng sinh với thời gian, cho nên vào thời Trung Cổ có vài nơi bắt đầu năm mới vào ngày 25 tháng Chạp hay là 25 tháng 3. Từ thế kỷ XVI trở đi, tục lệ khởi sự đầu năm vào ngày 1/1 mới thành phổ quát.

Lm. Phan Tấn Thành O.P.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận