Catholic Việt – Dòng văn hóa đơn côi (2)

951 lượt xem

Để hiểu biết về một dòng văn hóa, công chúng thường tiếp cận từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Trên thực tế, số người đọc các nghiên cứu chuyên sâu không nhiều. Đa số nghe/đọc từ các kênh truyền thông đại chúng hoặc cảm nhận qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Chuyện này phổ biến cả ở Tây và Ta. Khác chăng là ở chỗ, trong các quốc gia có tự do báo chí và văn học nghệ thuật, các hiện tượng văn hóa luôn được nhìn từ nhiều chiều cạnh khác nhau. Ở Việt Nam thì không phải vậy. Sau 1954 ở miền Bắc, và sau 1975 trên cả nước, mọi hiện tượng văn hóa đều phải được nhìn nhận, phân tích, và đánh giá dưới quan điểm của Đảng. Dòng văn hóa Công giáo Việt Nam, nếu được nghiên cứu hay phản ánh trong văn học nghệ thuật, cũng không nằm ngoài mặc định đó.

Sự mặc định của Đảng và Nhà nước vô hình trung đã trở thành một rào cản rất khó vượt qua trong việc phản ánh hiện thực/bản chất đời sống văn hóa Công giáo Việt. Quan điểm của nhà thờ Công giáo khác biệt rất lớn so với quan điểm chính thức của đảng cầm quyền. Vì thế, hầu hết các tác giả là người Công giáo, nếu viết về các vấn đề gai góc của cộng đoàn giáo dân, đều không thể xuất bản được các ấn phẩm của mình. Tuyệt đại đa số tác giả viết/xuất bản về đời sống Công giáo Việt Nam đều là người ngoại đạo, và ăn lương nhà nước. Hiện trạng được phản ánh trong các ấn phẩm của các tác giả này không phải là toàn bộ sự thật, chưa chạm được đến những góc khuất trong tâm hồn giáo dân.

Văn học nghệ thuật miền Nam thời kỳ 1954-1975 tôi không dám bàn. Nhưng ở miền Bắc, sau 1954, dường như độc giả chỉ biết nhiều nhất đến đời sống của cộng đoàn giáo dân thông qua “Xung đột” của Nguyễn Khải, “Nắng” của Nguyễn Thế Phương, “Đội công an số 6” của Văn Phan, “Bão biển” và “Đất mặn” của Chu Văn, “Cuộc đời bên ngoài” của Vũ Huy Anh. Và một vài cuốn nữa. Một số truyện ngắn của các tác giả khác hầu như bị rơi vào quên lãng ngay sau khi xuất bản.

“Nắng” và “Đội công an số 6” viết về cộng đoàn giáo dân thuộc giáo phận Phát Diệm thời kỳ 1945-1954. Xuyên suốt các tác phẩm này là cuộc đấu tranh giữa “các chiến sĩ cách mạng” chống lại “bọn phản động đội lốt thầy tu”. Hình ảnh các giáo dân thiện lương tương đối mờ nhạt và họ luôn được thể hiện trong tâm trạng giằng xé. Ám ảnh người đọc kinh khủng hơn, chính là hình ảnh các linh mục mặc áo chùng thâm, xách súng đi càn quét, bắn giết.

“Xung đột”, “Bão biển” và “Đất mặn” viết về cộng đoàn giáo dân thuộc giáo phận Bùi Chu những năm hợp tác hóa. Đa số chức sắc Công giáo được miêu tả trong 3 bộ tiểu thuyết này đều là đại diện cho “các thế lực chậm tiến/phản động, luôn âm mưu chống phá cách mạng, ngăn trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hình tượng các giáo dân có “tư tưởng tiến bộ, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội” được xây dựng gượng gạo, thiếu chân thực.

Không thể phủ nhận rằng, thời kỳ 1946-1954, dưới quyền của Giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh, giáo phận Phát Diệm từng có một đội dân binh, được vũ trang đầy đủ, ủng hộ quân đội Pháp và tham gia bộ máy quản lý địa phương. Đạo quân này từng làm mưa làm gió ở vùng tây nam Ninh Bình, phối hợp với quân đội Pháp và quân đội quốc gia của quốc trưởng Bảo Đại, tiến hành nhiều hoạt động quân sự, gây nhiều thiệt hại cho Việt Minh và dân chúng. Nhưng nếu coi đó là những đại diện chính/tiêu biểu cho cộng đoàn giáo dân hay bộ mặt của giáo phận, e rằng những người viết đã quá thiên kiến và phiến diện.

Khi mới xuất bản, “Bão biển” và “Đất mặn” cũng đã gây nên những cuộc tranh luận trên văn đàn. Cả hai tác phẩm này đều gặp phản ứng quyết liệt của cộng đoàn giáo dân. Mặc dù vậy, “Bão biển” vẫn được trích dẫn đưa vào sách giáo khoa văn học giảng dạy trong nhà trường. Bộ phim chuyển thể từ “Bão biển” có nhan đề “Ngày lễ thánh” bị tẩy chay ở hầu hết các vùng Công giáo. Nhưng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV (1977), “Ngày lễ thánh” đã được trao giải Bông sen bạc.

“Bão biển” và “Ngày lễ thánh” là những tác phẩm văn học nghệ thuật có ảnh hưởng lớn nhất đến góc nhìn của những người ngoại đạo đối với văn hóa Công giáo Việt Nam.

“Cuộc đời bên ngoài” của Vũ Huy Anh xuất bản vào đầu thập niên 1980, được giới văn nghệ đánh giá tương đối tốt. Một vài nhà phê bình nhận định rằng, đây là tác phẩm văn học viết về đề tài Công giáo thành công, chân thực, và miêu tả diễn biến tâm lý một cách logic. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế: những thông điệp chính trị được tác giả thể hiện rất lộ liễu. (Cảm ơn lam hồng nguyễn đã nhắc, suýt tôi quên không điểm đến quý ông Vũ Huy Anh).

Một cảnh trong phim “Ngày lễ thánh” của đạo diễn Bạch Diệp

(còn nữa)

Mai Thanh Sơn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận