BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA – CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM B
Huấn dụ Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (09.05.2021) – Yêu thương là hoa trái của việc ở lại trong Thầy
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Ga 15,9-17), sau khi ví mình với cây nho và chúng ta với cành nho, Chúa Giêsu giải thích những ai ở lại trong Người sẽ sinh hoa kết quả nào: là tình yêu. Ở đây có động từ quan trọng: ở lại. Người mời chúng ta ở lại trong tình yêu của Người để niềm vui của Người ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn (câu 9-11). Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.
Chúng ta tự hỏi: tình yêu mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hãy ở lại để có được niềm vui của Người, là gì? Tình yêu này là gì? Đó là tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, như một dòng sông chảy nơi Chúa Con và qua Người đến với chúng ta, các thụ tạo của Người. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy, thì Thầy cũng yêu mến anh em” (Ga 15,9). Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta cũng giống như tình yêu của Chúa Cha: tình yêu tinh tuyền, vô điều kiện, tình yêu nhưng không. Bạn không thể mua nó, vì nó miễn phí. Khi trao tình yêu cho chúng ta, Chúa Giêsu coi chúng ta như những người bạn – với tình yêu thương này -, khiến chúng ta nhận biết Chúa Cha, và cho chúng ta tham dự vào chính sứ mạng của Người đối với sự sống của thế giới.
Và khi đó, chúng ta có thể tự đặt ra câu hỏi, làm thế nào để bạn ở lại trong tình yêu này? Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em tuân giữ các điều răn của Thầy, thì anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy” (câu 10). Chúa Giêsu đã tóm tắt các điều răn của Người trong một điều này: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (câu 12). Yêu như Chúa Giêsu yêu có nghĩa là đặt mình phục vụ anh em, như Người đã rửa chân cho các môn đệ. Nó cũng có nghĩa là thoát ra khỏi chính mình, tách mình khỏi sự an toàn của con người, khỏi những tiện nghi của thế gian, để mở lòng với người khác, đặc biệt là những người túng thiếu hơn. Nó có nghĩa là để cho mình luôn sẵn sàng, với những gì chúng ta là và những gì chúng ta có. Điều này có nghĩa là yêu không phải bằng lời nói mà bằng hành động.
Yêu như Chúa Kitô có nghĩa là nói không với những thứ “yêu” khác mà thế gian dành cho chúng ta: yêu tiền – những người yêu tiền không yêu như Chúa Giêsu yêu -, yêu thành công, phù phiếm, quyền lực…. Những nẻo đường lừa bịp này của “tình yêu” đưa chúng ta xa rời tình yêu của Chúa và làm cho chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, tự ái và hống hách. Và sự kiêu ngạo làm thoái hóa tình yêu, lạm dụng người khác, làm cho người mình yêu đau khổ. Tôi nghĩ đến tình yêu bệnh hoạn biến thành bạo lực – và bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ngày nay. Đây không phải là tình yêu. Yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta có nghĩa là đánh giá cao người xung quanh chúng ta, và tôn trọng tự do của người ấy, yêu người ấy như chính người ấy là, chứ không phải như chúng ta muốn người ấy trở thành; như người ấy là, một cách nhưng không. Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta ở lại trong tình yêu của Người, ở trong tình yêu của Người, không phải trong ý tưởng của chúng ta, không phải trong sự sùng bái chính mình. Ai sống trong sự sùng bái bản thân, sống trong gương thì luôn nhìn vào chính mình. Người yêu cầu chúng ta thoát ra khỏi ước muốn kiểm soát và quản lý người khác. Đừng kiểm soát, nhưng hãy phục vụ họ. Mở lòng với người khác, đây là tình yêu, và trao ban chính mình cho người khác.
Anh chị em thân mến, việc ở lại này trong tình yêu của Chúa sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được trọn vẹn” (câu 11). Và niềm vui của Chúa, vì được hiệp thông hoàn toàn với Chúa Cha, ước muốn ở trong chúng ta cũng như hiệp nhất với Người. Là niềm vui khi biết rằng, bất chấp sự bất trung của chúng ta, chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương, giúp chúng ta với đức tin, đối diện với những thử thách của cuộc sống, giúp chúng ta bước qua những khủng hoảng để tiến đến cuộc sống tốt hơn. Khi sống niềm vui này, chúng ta mới trở thành những chứng nhân đích thực, bởi vì niềm vui là dấu chỉ của một Kitô hữu đích thực. Kitô hữu đích thực thì không buồn, và luôn có niềm vui bên trong ngay cả trong những thời điểm đen tối.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn ở trong tình yêu của Chúa Giêsu và lớn lên trong tình yêu đối với mọi người, làm chứng cho niềm vui của Chúa Phục Sinh.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Huấn dụ Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (06.05.2018) – Hãy ở lại trong tình thương của Thầy
Anh chị em thân mến!
Lời Chúa trong mùa Phục Sinh tiếp tục cho chúng ta thấy lối sống gắn kết để trở thành cộng đoàn của Đấng Phục Sinh. Hôm nay, bài Tin Mừng nói về lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Sống gắn bó mật thiết với tình yêu của Chúa, vừa gìn giữ chúng ta, vừa là điều kiện để cho lòng mến của chúng ta không bị nguội tắt. Cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, với lòng biết ơn, chúng ta đón nhận tình thương đến từ Chúa Cha và ở lại trong tình thương ấy. Khi đó, chúng ta cố gắng từ bỏ ích kỷ và tội lỗi. Để làm được điều này, chẳng dễ dàng gì, nhưng không phải là không thể.
Trước hết, điều quan trọng là nhận biết rằng, tình yêu của Chúa Kitô không phải là loại cảm xúc hời hợt, nhưng là một thái độ nền tảng của con tim. Thái độ ấy là thế này: muốn sống như Chúa Kitô muốn. Chúa Giêsu khẳng định: Nếu anh em tuân giữ các điều răn của Thầy, thì anh em ở lại trong tình thương của Thầy, giống như Thầy đã tuân giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài” (Ga 15:10). Tình thương ấy được nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày, qua từng thái độ, từng cử chỉ; bằng không thì tình thương ấy chỉ là những lời rỗng tuếch mà thôi. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta giữ các điều răn của Chúa và được tóm lại trong điều này: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).
Làm thế nào mà chúng ta có thể sống tình thương của Chúa Phục Sinh, trong khi chúng ta chưa biết sống chia sẻ với anh chị em đồng loại? Biết bao lần Chúa đã nói rằng, yêu thương tha nhân, không phải bằng lời nói nhưng bằng hành động cụ thể. Tha nhân chính là người mà tôi gặp trên đường phố, với khuôn mặt với câu chuyện cuộc đời. Người ấy gọi hỏi tôi, người ấy đẩy tôi ra khỏi những sở thích, những quan tâm của tôi, đẩy tôi ra khỏi chỗ an toàn của tôi. Người ấy chờ đợi sự sẵn lòng lắng nghe của tôi. Người ấy chờ tôi cùng làm điều gì đó trên nẻo đường. Cần sẵn lòng với tất cả những anh chị em mà tôi gặp thấy trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, từ những người thân trong gia đình, đến những người trong cộng đoàn, nơi tôi làm việc, nơi trường học… Trong từng cảnh huống ấy, nếu tôi ở lại trong sự thân thiết với Chúa Giêsu, thì tình yêu của Người có thể lan truyền sang người khác và sống động nơi chính tôi. Đó là tình thương của Chúa, là tình bạn của Chúa.
Tình thương ấy không chỉ được chúng ta thực hiện trong những khoảnh khắc đặc biệt, nhưng cần phải trở thành lối sống của chúng ta. Vì thế, với tình yêu mến, cần chăm sóc gìn giữ người cao niên như kho tàng quý giá, ngay cả khi các vị trở thành gánh nặng về kinh tế với nhiều bất lợi. Vì thế, cần chăm sóc người ốm đau bệnh tật với tất cả những trợ giúp cần thiết, cả khi họ ở giai đoạn cuối đời. Vì thế, cần đón mừng tất cả trẻ em chào đời. Vì thế, cần luôn luôn bảo vệ sự sống, yêu mến sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.
Chúng ta được Thiên Chúa yêu mến trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta được mời gọi yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Nhưng không thể làm được điều ấy, nếu chúng ta không mang trong mình một trái tim giống Trái Tim của Chúa. Thánh Lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày Chúa nhật, có mục đích huấn luyện con tim chúng ta trong Trái Tim Chúa Kitô, để tất cả đời sống của ta được hướng dẫn bởi lòng quảng đại của Chúa.
Lạy Mẹ Đồng Trinh Maria, xin giúp chúng con biết ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu, để chúng con được lớn lên trong tình thương dành cho tha nhân, đặc biệt là dành cho những ai yếu đuối nhất bé nhỏ nhất, để chúng con có thể đáp lại xứng đáng ơn gọi Kitô hữu của mình.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Huấn dụ Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (10.05.2015) – Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay, Phúc Âm thánh Gioan chương 15, đưa chúng ta trở lại Nhà Tiệc Ly, nơi chúng ta nghe giới răn mới của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Đây là điều răn mới của Thầy: đó là các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con” (c. 12). Và khi nghĩ tới hiến tế thập giá rất gần kề, Ngài nói thêm: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con làm những điều Thầy truyền dậy” (cc. 13-14). Các lời này, được nói lên trong Bữa Tiệc Ly, tóm tắt toàn sứ điệp của Chúa Giêsu; còn hơn thế nữa, chúng tóm gọn tất cả những gì mà Ngài đã làm: Ngài đã trao ban mạng sống mình cho các bạn hữu. Các người bạn đã không hiểu Ngài, và trong lúc định đoạt nhất đã bỏ rơi, phản bội và khước từ Ngài. Điều này nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài: Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế đó!
Trong cách thức này Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường theo Ngài, con đường của tình yêu. Giới răn của Ngài không là một điều luật đơn thuần, luôn như cái gì trừu tượng, hay ở ngoài cuộc sống chúng ta. Điều răn của Chúa Kitô mới mẻ, bởi vì Ngài là người đầu tiên đã thực hiện nó, đã trao ban thịt xác cho nó, và như thế luật yêu thương được viết một lần cho luôn mãi trong trái tim con người. (x. Gr 31,33). Nó được viết làm sao? Nó được viết với lửa của Thánh Thần. Và với cùng Thần Khí mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, chúng ta cũng có thể bước đi trên con đường ấy!
Nó là một con đường cụ thể, một con đường dẫn chúng ta tới chỗ ra khỏi chính mình để đi đến với những người khác. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa hiện thực trong tình yêu tha nhân. Cả hai đi với nhau. Các trang Tin Mừng tràn đầy tình yêu này: người trưởng thành, trẻ em, người thông thái, kẻ dốt nát, người giầu kẻ nghèo, người công chính, kẻ tội lỗi tất cả đều được tiếp đón trong trái tim của Chúa Kitô.
Như vậy, Lời này của Chúa mời gọi chúng ta yêu thương nhau, cả khi chúng ta không luôn luôn hiểu nhau, không luôn luôn đồng ý với nhau… nhưng chính nơi đó mà người ta trông thấy tình yêu kitô. Một tình yêu được biểu lộ ra, cả khi có các khác biệt ý kiến hay tính tình, nhưng tìh yêu lớn hơn các khác biệt! Đó là tình yêu mà Chúa Giêsu đã dậy chúng ta. Nó là một tình yêu mới mẻ, bởi vì đã được Chúa Giêsu và Thần Khí của Ngài canh tân. Nó là một tình yêu được cứu rỗi, được giải thoát khỏi ích kỷ. Một tình yêu trao ban cho con tim chúng ta niềm vui, như chính Chúa Giêsu nói: “Thầy đã nói vơi các con những điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con tràn đầy”.
Chính tình yêu này của Chúa Kitô, mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta, thực hiện các điều lạ lùng mỗi ngày trong Giáo Hội. Có biết bao nhiêu cử chỉ lớn nhỏ tuân theo giới răn của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (X. Ga 15,12). Các cử chỉ bé nhỏ, các cử chỉ của mỗi ngày, các cử chỉ của sự gần gũi một người già, một em bé, một người bệnh, một người cô đơn và trong khó khăn, không nhà, không công ăn việc làm, di cư, tỵ nạn… Nhờ sức mạnh Lời này của Chúa Kitô mỗi người trong chúng ta đều có thể gẩn gữi người anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Các cử chỉ của sự gần gũi, cận kề. Nơi các cử chỉ đó biều lộ tình yêu mà Chúa Kitô đã dậy chúng ta.
Xin Mẹ Rất Thánh giúp chúng ta trong điều này, để trong cuộc sống mỗi ngày của từng người trong chúng ta tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân luôn luôn hiệp nhất.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1