Các bài suy niệm tuần Bát nhật Phục sinh

5412 lượt xem

CHÚA NHẬT LỄ PHỤC SINH

Cv 10, 34- 43 – Col 3, 1-4 – Ga 20, 1-9
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Đức Giêsu đã phục sinh. Người có nếp sống mới, giống như của Thiên Chúa, người cũng ban cho ta sự sống mới này như ánh lửa Phục sinh chiếu sáng hân hoan trong đêm tối. Để đánh dấu sự sống mới này, trong suốt mùa Phục sinh chúng ta không đọc Cựu ước trong thánh lễ nữa. Thay vào đó chúng ta sẽ đọc các bài trích trong sách công vụ nói về sinh hoạt dân mới của Chúa là Hội Thánh.
Nhưng không vì thế mà nghĩ Cựu ước đã hết giá trị. Phục sinh là sống lại cái gì đã chết, và đổi mới cái gì đã cũ. Sách Cựu ước không bị cất đi hoàn toàn trong mùa này; nhưng luôn được trích dẫn và giải thích dưới ánh mới mầu nhiệm Phục sinh. Nhờ vậy sách Cựu ước được đổi mới và sáng giá hơn. Chúng ta sẽ nắm vững được giá trị cốt yếu và thực sự của Cựu ước là chuẩn bị và nói về mầu nhiệm Chúa Kitô. Theo như khẳng định của bài Tin mừng hôm nay, chính các môn đệ vì đã không hiểu Cựu ước, nên đã không biết đón chờ mầu nhiệm Phục sinh. Chính vì vậy, đã thâm tín mầu nhiệm này, không cần phải chạy ra mồ trống, cũng chẳng cần đợi việc Chúa hiện ra… lý chứng mạnh nhất về việc Chúa Giêsu sống lại, chính là biết đọc lại Cựu ước để thấy rõ ý muốn ban ơn cứu độ cho loài người nơi Đức Giêsu, để tin và đi vào đường lối của Người. Chính vì niềm tin mới của môn đệ vào Đức Giêsu đã đổi mới cuộc đời của họ và sự đổi mới này là bằng chứng xác thực nhất về Đức Giêsu đã sống lại. Chính Đức Giêsu đã dùng phương pháp này để khiến các môn đệ tin Người sống lại. Lần nào hiện ra với họ, Người vẫn dùng lời kinh thánh để giúp họ mở mắt ra tin vào đường lối cứu độ của Thiên Chúa hầu họ trở thành con người mới, chứng tỏ có sự sống mới.
Phương pháp này Hội Thánh còn làm với chúng ta. Hội Thánh chọn đọc cho chúng ta nghe những đoạn Kinh thánh nói về ý chí của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người trong Đức Kitô, để chúng ta tin Đức Giêsu và đổi mới theo nếp sống của Người, chúng ta trở thành những con người mới sánh với trước đây và như vậy chúng ta trở thành nhân chứng nhân chứng của việc Chúa sống lại.
Do đó việc Phục sinh khai mạc từ hôm nay khuyến khích ta đọc lại Kinh thánh, nắm cho được ý chí cương quyết của Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại, dù loài người nhiều khi cưỡng lại. Sự đắm say của loài người trong tội đã khiến Thiên Chúa sai con một của Người đến. Và con một Chúa đã bị tội lỗi đóng đanh. Nhưng chính khi đã đổ máu hy tế của Người đã chảy ra có sức tẩy xoá tội lỗi, và nước Thánh Thần cũng trào ra ban sức sống mới cho kẻ có lòng tin.
Chúng ta tin như vậy rồi, thì phải có nếp sống mới như lời thánh Phaolô khuyên nhủ hôm nay. Đó là điều hợp lý, nhưng khó khăn, vì sự sống mới vẫn còn ở những xác thịt cũ. Do đó hàng ngày vẫn còn mầu nhiệm bàn thờ, mầu nhiệm Chúa nộp mình để chết cho tội lỗi và lại ban sự sống mời Thánh Thần. Chúa đã không nản với chúng ta, thì chúng ta càng không biếng trễ. Muốn được khích lệ hơn thì chúng ta hãy chuyên cần đọc lời Chúa để càng thấy Chúa không nản chí cứu vớt loài người. chúng ta càng được sức mạnh để từ bỏ nếp sống cũ, đi vào nếp sống mới mà Đức Kitô Phục sinh đã đem lại cho chúng ta. Xin Người qua mầu nhiệm bàn thờ luôn đến ở, sống và sống mãi với chúng ta.

THỨ HAI

Cv 2,22-32 – Mt 28, 8-15
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”. Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Dothái cho đến ngày nay.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho thấy thái độ khác thường của các tông đồ và của những người đi theo Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu bị bắt, các tông đồ tán loạn tan tác, mỗi người một hướng và cuối cùng họ đã ru rú trong phòng tiệc ly, cửa đóng kín. Chỉ cần một tiếng động nhẹ, một tiếng hắng giọng bên ngoài cũng đã làm cho họ sợ đến toát mồ hôi. Trong khi đó các bà đạo đức, vì là đàn bà nên vẫn lẽo đẽo theo Chúa Giêsu cho đến hòn đá lấp cửa mồ. Một tình cảm cho Ngài chỉ còn là một ngôi mộ đá.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các bà đến mộ trong tâm trạng chán chường, uể oải. Đến nơi, họ đã đụng phải một nổi kinh hoàng tột độ, mồ Chúa mở toan hoang. Xác Chúa không còn trong đó nữa. Đang lúc hốt hoảng thì có người báo cho họ biết Chúa đã sống lại, nhưng các bà không hiểu. Trong tâm trí họ bây giờ chỉ còn lại một ngôi mộ trống với một lời làm cho họ nữa tin nửa ngờ: ngài đã Phục sinh. Ngay khi còn bối rối như thế, Chúa Giêsu đã hiện ra cho họ và truyền lệnh cho họ đi báo tin cho các môn đệ Ngài.
Chúa Giêsu Phục sinh là một sự kiện không thể chối cải được. Dẫn là một ngôi mộ trống không đủ làm bằng chứng cho sự Phục sinh của Ngài như các thượng tế phao tin là các môn đệ Ngài đánh cắp xác Ngài… nhưng những lần Chúa Giêsu hiện ra và nhất là thái độ của các mô đệ là một bằng chứng hùng hồn và chắc thực rằng Ngài đã sống lại thật đến nỗi không ai có thể chối cải được. Nếu Chúa Giêsu đã không sống lại, chắc chắn các tông đồ, những người đã tan tác, tán loạn trong đêm Ngài đã bị bắt, đã không đủ can đảm khơi lại vụ án nguy hiểm đang chìm dần vào quên lãng. Chắc chắn có một biến cố rất lớn đã xảy ra nơi các tông đồ, một biến cố đã đáng động các ông cách mãnh liệt. Biến cố ấy chắc chắn giá trị hơn mọi mơ ước của họ, hơn cả sinh mạng của họ nữa.
Khi Chúa Giêsu còn sống, thỉnh thoảng các ông tranh cải ai là người lớn nhất trong các ông. Sự tranh cải ấy có khi làm các ông chia rẽ trầm trọng. Khi Chúa Giêsu còn sống, các ông luôn mơ về ngày mai tươi sáng khi được đồng trị với Thầy trên muôn dân muôn nước. Chính vì thế khi Chúa Giêsu bị bắt, mọi tham vọng bị sụp đổ, mộng vàng tan thành mây khói. Bởi khi ấy, các ông theo Chúa Giêsu với tất cả những mơ ước và hoài bảo trần tục. Còn bây giờ, khi đã gặp được Chúa Phục sinh, đời các ông bắt đầu một khúc quanh quan trọng. Chính vì thế mà hôm nay Phêrô bất chấp những nguy hiểm, đã cố tìm khơi lại vụ án của Chúa Giêsu cách táo bạo liều lĩnh, với những quả quyết độc đáo: “Đức Giêsu người Nazareth, mà các ông đóng đinh thập giá, đã sống lại rồi. Sự chết không còn làm chủ được Ngài nữa. Chúng tôi xin làm chứng về việc này”.
Chỉ những ai chứng kiến cảnh bi đát của thập giá Đức Kitô mới thấy được sự biến đổi kỳ diệu đang xảy ra nơi các tông đồ. Nếu Chúa Giêsu đã không sống lại thật, thì chắc chắn các tông đồ đã không dám ra khỏi phòng, không dám khơi lại vụ án của Ngài cách liều lĩnh như vậy. Vậy Chúa đã sống lại thật các sự sống lại của Ngài đánh động các tông đồ cách mãnh liệt vô cùng khiến họ dám liều mạng loan truyền tin mừng này cho những người đã dính liếu đến vụ đổ máu Ngài. quả thế chỉ khi gặp gỡ Chúa Phục sinh, các tông đồ mới thấy được giá trị duy nhất và đích thực của cuộc đời làm người đã được Phục sinh với Đức Kitô, được sống đời đời trong Thiên Chúa. Chỉ khi gặp được Chúa Phục sinh các ông mới hiểu được ý nghĩa và cùng đích của con người là đi về cùng Thiên Chúa, mới thấy được con đường dẫn về nhà cha là hy sinh chính bản thân mình để sống cho Thiên Chúa và đồng loại mình.
Chúa Giêsu sống lại đã giải thoát con người cách tuyệt đối nhất. Từ nay ta không còn kéo lê cuộc đời nhọc đi dần về cỏi chết nữa. Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh đang ở giữa chúng ta, ước gì chúng ta đính thân gặp gỡ Ngài để được thực sự biến đổi như các tông đồ mà nên chứng nhân của Ngài ngay từ hôm nay.

THỨ BA

Cv 2, 36- 41 – Ga 20, 11-18
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc ?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu ?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai ?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni !” (nghĩa là “Lạy Thầy !”). Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.
Chúa Giêsu đã Phục sinh đã kéo ta ra khỏi thế giới này dẫn ta vào tận trong cung lòng Thiên Chúa, vì ngài đã biến đổi tận căn tương quan của ta với Thiên Chúa và với chính Ngài. Ngài chỉ đồng hoá ta trong giai đoạn sống trên trần thế, và còn đồng hoá với ta mãi mãi cả lúc Ngài được tôn lên làm Chúa. Nên dầu hôm nay ta chỉ là một con người yếu đuối, dễ sa ngã, phản bội và tội lỗi, ta đã thực sự làm con người Thiên Chúa, đã thực sự là một với Đức Kitô, thực sự làm Chúa với Ngài.
Thế mà sao Maria Magđala, người đã từng gắn bó mật thiết với ngài khi Ngài còn sống trên dương thế, đã không nhận ra Ngài lúc Ngài Phục sinh? Maria Magđala đã không nhận ra Ngài vì bà vẫn không ở trong thế giới cũ, vẫn nhìn Thiên Chúa theo cái nhìn của nhân loại. Bà không thể thấy gì hơn ngoài cái chết của Đức và một ngôi mộ trống, nên nơi bà chỉ còn tang tóc đau khổ. Chính cái thế giới thành kiến ấy đã làm cho bà không nhận ra Chúa Phục sinh, kể cả khi được nói chuyện với Ngài.
Có lẽ chúng ta cũng không hơn gì bà, vì có khi Chúa Giêsu vẫn hằng ngày gặp gỡ, nói chuyện với ta mà ta không nhận ra Ngài. Ta không nhận ra Ngài vì ta không thể thấy gì khác ngoài thế giới trần tục này. Ta không nhận ra Ngài vì ta vẫn mang trong mình những định kiến về Thiên Chúa và đồng loại ta: vẫn bóp méo hình ảnh Thiên Chúa theo nơ suy nghĩ của ta, chứ không chấp nhận Người như Người đã tỏ cho ta, vẫn bắt người khác làm theo ý ta, chứ không tôn trọng họ như Thiên Chúa đòi buộc ta. Vì không nhận ra Chúa Phục sinh nên trước mặt ta chỉ còn sự chết và ngôi mộ bất động, vì thế đời ta chỉ toàn là than khóc, dằn vặt, giằng xé. Trước Tin mừng Chúa Phục sinh hôm nay, chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn được gặp gỡ Ngài để thực sự được giải thoát. Nhưng phải làm gì để có thể nhận ra Ngài bây giờ?
Thánh Phêrô trong sách tông đồ công vụ hôm nay cho biết: muốn gặp Chúa Phục sinh, muốn đi vào trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, ta phải sám hối, phải chịu thanh tẩy để được tha thứ tội lỗi và lãnh ơn Chúa Thánh Thần. Ta đã được chịu thanh tẩy rồi, được lãnh ơn Chúa Thánh Thần rồi, sao ta vẫn chưa nhận Chúa Phục sinh? Thanh tẩy không đơn thuần là một nghi thức, mà là thực sự chết đi đối với con người cũ để sống sự sống mới của Thiên Chúa. Chết đi đối với con người cũ là đoạn tuyệt với những dâm bôn, ô uế, giận hờn, ghen tị, đố kỵ, chia rẽ, tham lam, say sưa chè chén và những điều giống như vậy. Sống sự sống Giêsu Thiên Chúa là đón nhận sự sống được Chúa Thánh Thần dẫn đưa mà hoa quả của sự sống ấy là: yêu mến, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền lành, tiết độ.
Khi ta chịu thanh tẩy, Chúa Giêsu đã đặt vào trong ta một hạt giống của sự sống và của sự sống trường cửu. Sự sống ấy chỉ có lớn lên trong một cuộc sống Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúa Giêsu đã Phục sinh và đã thực sự trao ban cho ta sự Phục sinh ấy khi Ngài tuyên bố: “khi được gương lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng ta”. Vì thế, nếu ta chỉ tôn thờ Ngài mà không cố gắng vươn tới cùng Ngài, thì sự thờ phượng của ta sẽ không hợp ý Thiên Chúa mà cũng chẳng có lợi gì cho ta. Hôm nay, Ngài vẫn đang ở giữa ta, vẫn đang hỏi ta như hỏi Maria Magđala: “sao con lại khóc?” và cũng đang âu yếu gọi tên ta, nhưng ta vẫn không nhận ra tiếng Ngài. Ước gì hôm nay khi được nên một với Ngài, ta thực sự nhận ra Ngài, vươn đến cùng Ngài để được cùng làm Chúa với Ngài mà nên con cái Thiên Chúa từ nay mãi đến mai sau.

THỨ TƯ

Cv 3, 1-10 – Lc 24, 13- 35
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy ?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế ?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel.
Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”. Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói ! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao ?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư ?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Làm sao chúng ta có thể được niềm tin vào việc Chúa Phục sinh như Phêrô và Gioan? Rõ ràng không những hai ông tin rằng Chúa đã sống lại thật, hai ông còn tin chính Người đang ở, đang sống trong lòng hai ông, nên hai ông mới dám nói: tiền bạc chúng tôi không có, nhưng có gì, chúng tôi cho anh cái đó. Vậy nhân danh Đức Giêsu Phục sinh, anh hãy đứng lên mà đi. Lập tức người tàn tật đó đã đứng dậy và đi được. Chúa Phục sinh, từ lòng hai tông đồ Phêrô và Gioan, đã chữa anh khỏi hẳn.
Làm sao chúng ta có thể có niềm tin như thế? Bài Tin mừng mở lối cho chúng ta. Hai môn đệ đi Emmaus hôm ấy không có một chút niềm tin vào việc Chúa sống lại. Họ đã thấy Chúa chết thật. Mấy phụ nữ sáng hôm ấy đến mồ, và chạy báo tin cho các ông rằng Người đã sống lại. Nhưng hai ông coi đó là chuyện đàn bà con nít. Mang nặng tâm tình của những con người thất vọng, lạc hướng, hai ông đi Emmaus. Đột nhiên có người thứ ba đến làm bạn đồng hành. Ong ta kể lễ về Kinh thánh, nghe sao ngon lành và phấn khởi vậy. Đến chỗ rẽ đường, người kia muốn từ giã. Hai ông nài nẵng hãy cùng nhau vào quán trọ bên đường dùng bữa, qua đêm rồi sẽ đi. Thấy cách ông ta bẻ bánh, hai người nhận ra Thầy… nhưng Thầy đã biến mất rồi. Tuy nhiên đã đủ, hai ông xúc động, lòng tràn ngập niềm vui, không thể không chia sẻ với người khác. Hai ông trở về Giêrusalem lập tức. Vừa gặp anh em, ai nấy cũng đã nóng hổi nói cho nhau biết tin Thầy đã sống lại.
Đó chính là những cách thức để lãnh nhận được niềm tin Phục sinh. Trước hết có Kinh thánh. Những sách đó không ngơi nói về lòng nhân ái của Thiên Chúa không chịu thua sự bội phản của dân Người. người quyết tâm Phục sinh tái tạo mọi sự trong con yêu dấu mà Người sai đến trần gian. Đọc Kinh thánh kỷ, người ta sẽ thấy phải có Phục sinh.
Rồi có cuộc đời của Đức Giêsu và đặc biệt là các Bí tích Người đã lập. Tham dự lãnh nhận các Bí tích ấy, nhất là Bí tích Thánh Thể, niềm tin của người ta sẽ bồi dưỡng và củng cố.
Cuối cùng chính sự hiệp thông, trao đổi, chia sẻ tình anh em trong cộng đoàn dân Chúa là phương thuốc thần dược tăng cường đức tin cho chúng ta, để chúng ta thấy chính Chúa sống lại đang xây dựng chúng ta nên Hội Thánh thân thể của Người.
Việc này, Chúa Phục sinh muốn làm cách đặc biệt trong Thánh lễ, người muốn hướng dẫn lòng trí chúng ta hiểu các lời Kinh thánh vừa nghe. Người bẻ bánh trước mắt chúng ta. người liên kết chúng ta lại trong tình yêu thương. chúng ta hãy thờ Người, qua việc này, mà thêm niềm tin vào việc Chúa đã sống lại và đang sống.

THỨ NĂM

Cv 3, 11-26 – Lc 24, 35-48
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”
Niềm tin Phục sinh không thể hoàn toàn trong một lúc. Sau khi sống lại, Đức Giêsu phải để nhiều thời giờ và công khó, giúp các môn đệ không những tin Người sống lại mà con biến đổi theo niềm tin ấy.
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy, tuy đã được tin Người sống lại và đã có lần tiếp xúc với Người sau khi Người đã Phục sinh, các môn đệ khi thấy Người đột ngột hiện đến, cũng đã kinh hãi và bối rối. Họ chưa tin mắt mình nhìn thấy. Họ có thể tưởng là một bóng ma. Ít nhất họ chưa hình dung được Đấng sống lại đang ở trước mắt mình cũng là Đấng đã chết trên thập giá. Nói đơn sơ hơn, có lẽ họ nghĩ rằng hồn Người đang hiện ra với họ. Nhưng không phải như vậy. Đây không phải là hồn, là ma, mà là người thật, Người đã sống, đã chết và đã Phục sinh. Để chứng tỏ điều ấy, Người đã đòi ăn. Sự kiện này có kết quả tức thời, nhưng không bền. Do đó lại theo phương pháp đã dùng, Đức Giêsu nói với họ về Kinh thánh, để cả một lịch sự cứu độ, trải ra trên nhiều ngàn năm, lập đi lập lại những chân lý và những lời hứa căn bản. Khiến lòng người phải nhận ra đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Từ đó, lòng trí các môn đệ mới thay đổi, cho đến ngày Thánh Thần hiện xuống soi sáng mọi sự, ban thêm lòng mến, họ mới trở thành tông đồ dũng cảm tuyên chứng như Phêrô trong bài Công vụ hôm nay.
Ông cũng như các đồng nghiệp đã trở thành những con người mới. Trước đây các ông tranh cải nhau chỗ nhất, bây giờ các ông chỉ biết suy tôn Thầy mình. Các ông chỉ nói sự thật. Không phải các ông chữa lành người tàn tật, nhưng là danh Đức Giêsu, mà Thiên Chúa đặt làm Chúa. Dĩ nhiên người ta đã sai lỗi khi đóng đanh Người. Họ tội và vì thế họ phải thống hối ăn năn, nhưng họ hãy tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Chính Người đã dự kiến và để cho thi hành chương trình cứu độ mọi tội nhân qua sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. đó là điều quan trọng nhất trong lúc này, không phải chỉ cho những người Dothái ngày xưa mà cả cho chúng ta hôm nay.
Dù chúng ta là ai, điều cần mỗi ngày chúng ta phải xác tín thêm về Mầu nhiệm Chúa Kitô, đặc biệt trong việc Người chịu chết trên thập giá và Phục sinh. Người chết để máu Người dâng làm hy tế rửa sạch tội lỗi chúng ta. và Người sống lại để đổi mới chúng ta. Bao lâu con cũ nơi chúng ta chưa thay đổi, chúng ta còn cần phải nhận biết tội lỗi và cần phải xin ơn tái sinh. Mầu nhiệm Chúa sống lại chỉ tỏ hiện nơi chúng ta khi nào chúng ta có nếp sống mới, bớt được các tiêu cực và tỏ ra nhiều nhân đức.
Chúa Giêsu trong Thánh lễ vẫn tiếp tục đến với chúng ta để chúng ta nhận được cả ơn tha thứ tội lỗi và ơn đổi mới. Người muốn mở lòng chúng ta hiểu lời sách thánh, cho chúng ta thấy các vết thương đau khổ của Người, giục chúng ta tin vào việc Người sống lại và ban Thánh Thần cho chúng ta để sai chúng ta đi làm chứng nhân. chúng ta hãy cố gắng đáp lại ơn Người.

THỨ SÁU

Cv4, 1-12 – Ga 21,1-14
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Nền kinh tế trong một thế giới mà dân số ngày một tăng làm con người ngày một tiêu hao trong nhọc nhằn cơ khổ. Mồ hôi vẫn lã chã rơi trên nương đồng nắng chắy. Nước mắt vẫn lăn dài trên khuôn mặt hao gầy của những nạn nhân của bất công, bạo hành… Trước những đắng cơ cực ấy, con người càng thấy đời mình mong manh ngắn ngủi như hoa sáng nở tối tàn. Nên có người đã mặc cho cuộc đời bồng bềnh trên lạc thú, có người cố bám lấy niềm hy vọng, cố tìm nơi thập giá của Đấng đã hy sinh chết cho họ. Họ đã tìm được phần nào an ủi nhưng âu lo cho ngày mai vẫn đè nặng trái tim họ. Chúa Giêsu đã Phục sinh rồi, sao Ngài vẫn im lặng để bạo hành thao túng mãi? Ngài có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của loài người? hiện Ngài ở đâu.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay quả quyết với tâm hồn ngờ vực của ta rằng: Chúa Giêsu vẫn đang ở giữa ta, đang thể hiện quyền làm Chúa của Ngài không như ta tưởng: Ngài ở giữa ta như một người hầu hạ, rửa chân cho ta và hy sinh mạng sống cho ta, cho mọi người, cho cả những người đang bị đàn áp bóc lột lẫn những kẻ đang hành hạ đồng loại mình. Ngài vẫn ở giữa ta để làm cho những nhọc nhằn cơ khổ của cuộc đời ta hôm nay trở thành hoa trái của thế giới mai sau.
Tin mừng hôm nay thuật lại: Phêrô đang ở với Tôma, Natanael và hai người con ông Zêbêđê, ông nói với họ: tôi đi đánh cá, thế là cả những người kia tháp tùng ông. Tuy đầy kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng suốt đêm ấy họ vất vã luống công không được con cá nào. Chán nản thấy vọng. Ngay lúc Chúa Giêsu lên tiếng hỏi: các con có gì ăn không? Họ đáp: không. Tất cả những lao nhọc của con người, tất cả những gì họ cho là kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ chỉ là một tiếng không khô khốc, nếu không thực hiện theo ý Thiên Chúa và lời dạy của Đức Kitô.
Chúa phục sinh vẫn ở bên họ, vẫn chia sẻ với họ những ê chề thất bại ấy. Ngài cảm thông với những lao nhọc luống công của họ. Ngài đã ra tay, Ngài bảo họ: phải thả lưới bên phải thuyền. Bên phải hay bên trái theo kinh nghiệm của họ nào có giá trị gì. Thế mà chẳng hiểu sao họ không cải, họ cứ làm theo. Không ngờ họ đã được một mẻ lưới kỳ diệu khiến mọi người kinh ngạc.
Trên bờ, Chúa Giêsu đã nướng sẵn cá. Biết họ vừa mệt vừa đói, Ngài nói với họ: lại đây mà lót lòng đi.
Chúa Giêsu đến với loài người, họ chẳng có gì cho Ngài ngoài ngoài một tiếng “không” khô khốc. Ngài phải cho họ tất cả, lại còn dọn bữa cho họ. Chúa Giêsu phục sinh vẫn ở giữa các môn đệ Ngài như như một người thầy không phải để đòi hỏi họ phải phục vụ, trái lại, để rửa chân cho họ, để dọn bàn cho họ, như có lần Ngài đã nói: Thầy ở giữa các con như kẻ hầu hạ, và nhất là hy sinh chết cho họ. Chính điều ấy đã làm cho họ nhận ra Ngài cách thực nhất mà không ai cần hỏi ý kiến ai.
Chúa Giêsu phục sinh đã đi vào thế giới, mắt ta không thấy được. Thế giới ấy không xa cách ta, nhưng ở gần bên cạnh ta, ở ngay trong lòng ta. Ngài phục sinh không để mãi mãi xa rời ta, nhưng mãi mãi ở với ta, tiếp tục rửa chân ta, tiếp tục hiến mình cho ta, để nâng ta lên ngang hàng với Ngài. Chính lúc nhận ra khuông mặc độc đáo ấy của Ngài, các môn đệ mới thấm thía hơn bao giờ hết lời di chúc của Ngài: các con gọi Ta là Thầy là Chúa mà Ta còn rửa chân cho các con, vậy các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Chính vì thế, các ông đã dùng cả tính mạng của mình phục vụ Đức Kitô và đồng loại mình.
Chúa Giêsu phục sinh hôm nay vẫn đang ở với ta, đang phục vụ ta, đang dọn bữa cho ta và sắp mời gọi ta: hãy cầm lấy mà ăn. Ta đã nghe lời Ngài nhưng khác với các tông đồ, ta chưa thể nói lời ấy cho đồng loại ta. Chính vì thế mà ta đã làm mất đi khuôn mặt độc đáo của Ngài trong đời ta. Ước gì hôm nay được ăn lấy Chúa phục sinh, ta sẽ trở nên người phục vụ mọi người và có thế nói với mọi n. này là mình tôi, hãy cầm lấy mà ăn. Nếu thế, chắc chắn khuôn mặtc phục sinh sẽ rạng ngời mãi nơi ta từ nay tới muôn đời.

THỨ BẢY

Cv 4,13-21- Mc 16, 9-15
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.
Thánh Marcô trong Tin mừng hôm nay đã tóm kết tất cả những lần Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ cũng như môn đệ Ngài. Dù hiện ra cho cá nhân hay tập thể, dù họ đã tin hay cứng tin, Ngài vẫn đòi buộc họ phải rao giảng Tin mừng cho mọi người, từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất.
Như chúng ta đã thấy, Chúa Giêsu phục sinh cho ta và vì ta. Ngài vẫn ở với ta mọi ngày cho đến tận thế để tiếp tục phục vụ ta, hy sinh chết cho ta và đưa ta vào tận trong cung lòng của Thiên Chúa. Đó chính là Tin mừng mà Ngài đòi ta phải quảng bá.
Hai ngàn năm nay người có đạo vẫn sống đạo, vẫn phát triển họ đạo, vẫn xây dựng thánh đường. Hai ngàn năm nay Giáo Hội Đức Kitô vẫn lan tràn trong nhân loại. Nhưng cũng đã hai ngàn năm nay, Giáo Hội vẫn chỉ là một con số ít ỏi. Có những nơi đạo dòng, đạo gốc nay đã trở thành một vùng ngoại đạo. Có những họ đạo chỉ biết nghĩ đến mình, lo cho mình, tẩy chay người ngoại. Có người lo việc rao giảng Tin mừng là việc của linh mục, tu sĩ, còn họ chỉ biết góp tiền vào ngày lễ khánh nhật truyền giáo, thế là tròn nhiệm vụ.
Chúa Giêsu không miễn chước cho ai nhiệm vụ rao giảng Tin mừng này, dù họ là linh mục hay giáo dân, là đàn bà hay đàn ông, trẻ hay già, mọi người đều phải rao giảng Tin mừng. Vì Hội Thánh của Kitô không phải là một tổ chức mà là sự sống của những người đã được thần hoá, Kitô hoá và Thiên Chúa hoá. Kitô hữu là một nhúm bột đã được dậy men Kitô và đang được vùi vào trong nhân loại này để làm cho bột được dậy men. Không làm cho bột dậy men, men sẽ bị bột hóa, chỉ còn nước đổ ra đường cho người ta dẫm đạp. Không làm cho người khác được dậy men Kitô nên chi thể của Ngài, ta không những chưa phải là Kitô hữu mà còn phản bội Đức Kitô và còn bất công với đồng loại mình.
Nhưng phải rao giảng thế nào đây, vì con người hôm nay không muốn nghe mà chỉ muốn thấy Thiên Chúa và Đức Kitô của Người? Chúa Giêsu đòi ta phải cho họ thấy Ngài. Ta không thể cho họ thấy Chúa phục sinh khi ta chẳng khác gì họ, vẫn đầu tắc mặc tối vì tiền bạc của cải, vẫn buôn gian bán lận, vẫn gian dối điêu ngao, vẫn cho vay cắt cổ, vẫn cư xử bất công chè chén say sưa, vợ nọ con kia, bản thân vẫn ích kỷ, bất hạnh. Ta không thể cho họ thấy Chúa phục sinh khi đời ta vẫn đầy những lo âu, chán chường, thất vọng, thiếu hẳn niềm vui và hạnh phúc. Con người ngày hôm nay đang trãi qua một cuộc khủng hoảng đáng sợ: họ đang làm mất dần ý nghĩa, bình an và niềm vui trong cuộc sống, vì họ đã chối từ Thiên Chúa hoặc chưa biết Người. Chỉ người công giáo chúng ta mới có thể đem lại cho họ ý nghĩa, cùng đích và niềm vui của cuộc đời làm người. Vì ý nghĩa, cùng đích và niềm vui của cuộc sống ta là chính Thiên Chúa và Đức Kitô của Người. Không có Ngài, đời ta sẽ vô nghĩa, không có Ngài, đời sống con người chỉ là một bi đát triền miên. Ý nghĩa của cuộc sống con người là chính Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu, nên ta chỉ có thể rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa bằng cách yêu thương như Người.
Đã có lần, vì không chấp nhận Thiên Chúa tình yêu phá vỡ những mưu toan ích kỷ nơi bản thân mình, loài người đã tẩy chay, đã xua trừ và đã giết chết Ngài trên thập giá. Chắc chắn hôm nay, khi ta yêu thương Ngài, ta cũng sẽ bị tẩy chay lên án. Nhưng dẫu có bị kết án vì Đức và vì lối sống của Ngài nơi ta, ta vẫn hiên ngang khẳng khái như Phêrô trong bài đọc I hôm nay, trả lời thẳng vào mặt những đầu mục thế gian rằng: chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta. Chỉ khi yêu thương đến chết như Ngài, ta mới thực sự hạnh phúc, mới làm cho loài người thấy được Thiên Chúa tình yêu và Đấng phục sinh của Người. Chính cha Macximiliêng Konbe là một điển hình Chúa cách thức rao giảng này.
Đức Kitô vẫn yêu thương ta, tình yêu của Ngài đã có lần bị loài người cho là điên rồ, là cớ vấp phạm. Ngài vẫn luôn là ý nghĩa và cứu cánh của cuộc đời mỗi người. Ước gì hôm nay ta thà bị coi là điên rồ trước mặt thế gian khi ta yêu thương như Ngài hơn là được khen là khôn ngoan khi lật lọng như thế gian. Hy vọng nhờ quyết tâm biến đời ta thành mẫu gương yêu thương sống động của Chúa phục sinh mà loài người hôm nay có may thấy Ngài đang sống và đang yêu thương họ, để họ cũng được trở về với Ngài mà nên con cái Cha trên trời.

Có thể bạn quan tâm