“Phàm ai yêu thương thì đã được sinh ra từ Thiên Chúa…”

1354 lượt xem

Thánh Gioan là khuôn mặt trổi trang giữa các tông đồ theo Chúa. Thánh nhân được Chúa Giêsu để ý đặc biệt đến nỗi ngài tự nhận là “môn đệ Chúa thương”. Từ khi Chúa gọi tới lúc lìa đời, lúc nào ngài cũng được ở gần Chúa và chứng kiến những việc Chúa làm. Không khó để giải thích việc thân mẫu Gioan cả gan xin Chúa ưu đãi hai anh em. Suốt cuộc đời của Gioan sống trong ân sủng và tình thương của thầy. Có lẽ cảm nghiệm được tình cảm dạt dào đó, thánh tông đồ đã khái quát nên câu nói bất hủ: “Phàm ai yêu thương thì đã được sinh ra từ Thiên Chúa. Ai không có lòng yêu thương là không nhận biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4. 7-8). Dựa trên quan điểm luân lý Kitô giáo về yêu thương (hay là “đức mến”) và nhất là qua cảm nhận cá nhân về cuộc sống đang diễn ra đó đây (bối cảnh hiện đại), người viết xin lạm bàn một số nội dung liên quan.

1. Giữa những hố thẳm khôn cùng vắng bóng thương yêu

Tại sao có đau khổ? Tại sao có tội ác? Nếu một Thiên Chúa tốt lành, nhân hậu vô cùng thì tại sao Ngài có thể dung thứ các điều ấy? Sự dữ trên đời cũng như cái gai trong thịt, nhiều khi chúng ta không thấy đau đớn vì đã tự rào kín cõi lòng, không để tâm đến nỗi khổ của tha nhân; lãng quên tiếng rên siết trong các bệnh xá, nhà tù; vô cảm với nỗi khắc khoải mang tên “phận người”. Như một điều gì đó mang tính hiển nhiên, lời sau đây hàm chứa những giá trị đúng đắn: Cái ác chẳng qua là sự trống vắng cái thiện, sự dữ hiện diện do chính ta chưa đủ yêu thương.

Văn hào Nga – Dostoievsky – trong tác phẩm trứ danh “Anh em nhà Karamazov” kể lại chuyện một cậu bé vì chọc ghẹo đã bị đàn chó của một viên tướng thả ra xé tan từng mảnh trước mặt người mẹ. Câu chuyện gợi lên bao niềm xúc động sâu xa. Dẫu biết rằng “đời là bể khổ” (quan điểm Phật giáo) nhưng sao vẫn thấy quặn thắt một niềm đau. Khi vắng bóng Thiên Chúa, người ta còn có thể làm những sự ác dã man, kinh tởm nhiều hơn thế nữa. Thời sự tháng cuối năm đưa tin người bà nội ở Thanh Hóa đang tâm giết cháu chỉ vì tin lời bói toán vớ vẩn; một người vợ ở Bình Dương cắt cổ chồng rồi nhét vào bao tải rác đem đi giấu. Và rồi, chuyện xảy ra nóng hổi mới đây thôi, ở một giáo xứ nọ, lớp lớp thanh niên trai trẻ mà ai đó châm chọc là “đội quân Bò Đỏ”, xúm nhau lại vùi dập các bà, dẫm đạp lên thân thể các chị, xô đẩy họ xuống bùn đen chỉ vì giáo dân đang chung tay làm một con đường bao quanh mảnh đất của giáo xứ. Một hành động xúc phạm rõ ràng nhân phẩm và sinh mạng nhưng lại được dung dưỡng, cổ vũ bởi chính quyền. Ta tự hỏi yêu thương của họ ở đâu? Và chắc chắn phần đa trong họ lấy đâu ra niềm tin tôn giáo, niềm tin vào Chúa, bởi họ đâu được dạy cho cách biết ăn ngay ở lành, sống sao cho lương thiện. Trên bình diện nhân loại, người ta cũng chưa thể nào quên di chấn vụ 11/9, hai chiếc máy bay hiện đại lao thẳng như tên bắn vào tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới tại New York vào năm đầu tiên của thiên niên kỷ. Ngược thời gian, người ta vẫn rùng mình khi đứng trước cuộc diệt chủng “tự giết mình” của người Cambốt láng giềng Việt Nam hay hai cuộc đại chiến rùng rợn, sát hại cả mấy trăm triệu sinh linh.

Nền văn minh “sự chết” tràn ngập đến từng ngõ ngách cuộc sống. Đáng lẽ ra, tòa nhà thế giới phải được xây trên sự công bằng, tình liên đới, sẻ chia, yêu thương thì ngược lại những chủ nhân ông của nó đang hành động mờ ám khiến nó ra tăm tối. Một thế giới được xây dựng trên những đống cát lầy thay vì đá tảng nhân ái và công bình. Trong xã hội băng hoại về đạo đức, thang giá trị bị đảo lộn ở tầm mức tối đa. Điều đẹp, điều thiện trở nên hiếm hoi và bất bình thường. Cái ác và cái xấu lên ngôi. Nền văn hóa bị thống trị bởi ích kỷ với lối ứng xử “vô nhân tính”, đối lập với tình thương và luân lý Kitô: “Xã hội này sinh ra những đứa con ‘quái thai’ trong cách sống: kiếm tiền bằng mọi cách và hì hục hưởng thụ”[1], đua nhau chạy theo lối sống cá nhân, biến người khác thành món hàng. Con người – được sinh ra từ Chúa hình ảnh cao đẹp của Tạo Hóa – bị coi là phương tiện. Tương quan yêu thương và nhân bản xếp sau lợi tức. Quan sát cách hành xử nơi công cộng, chúng ta thấy tranh giành, chụp giật, “cá lớn nuốt cá bé” và đối xử tàn tệ. Nhìn lại bộ mặt địa cầu nói chung và nhất là ở đất nước tôi hôm nay: Đói nghèo hằn lên nét tang thương; bất công, kì thị dày xéo lương tri, phẩm hạnh. Hiện thực trên là tấn thảm kịch đắng cay, bi đát với những người thiện chí yêu thương. Một xã hội dường như dấn sâu vào ngõ cụt tăm tối. Sau những hào hoa, bọt bèo bề mặt, người ta bắt đầu cảm nhận nỗi buồn sâu thẳm nếu có dịp phản tỉnh như Thúy Kiều xưa: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Nghĩ mình, mình lại giật mình xót xa”[2]. Lời thánh Phaolô vẫn vẹn nguyên giá trị: Cả vũ trụ rên xiết hướng về ngày giải phóng (x.Rm 8,22).

2. Đàng sau tất cả là sự chối bỏ “nhận biết Thiên Chúa”

Không phải người viết đeo kính râm rồi nhìn thấy tất cả màu đen. Không phải người viết là một tay ngôn sứ “chiến binh” chuyên loan tin thảm họa. Sự thực “chềnh ềnh” ra đó. Nhiều truy vấn được gợi lên. Không ít chuyên gia quy trách nhiệm cho lối sống thế tục hóa, mặt trái của toàn cầu hóa: thiên về tiêu thụ, lợi nhuận, tiếp thị. Đó cũng là cuộc khủng hoảng về căn tính vì đánh mất mình: không biết mình là ai, đi về đâu và muốn cái gì. Đây là những kiến giải thiết thực, hữu ích. Tuy nhiên, dường như đó chỉ là cái ngọn. Quả thật, xã hội hôm nay mắc phải cái “lỗi hệ thống” sâu xa là thượng tôn duy vật và vô thần; công khai hay ngấm ngầm phỉ báng tín ngưỡng, tôn giáo, những nền tảng thiết lập đạo đức: “Thượng đế chết rồi, còn lại ta, cụm cây khô trên mảnh đất già” (Thơ Cù Huy Cận). Thiên Chúa vẫn sống, vẫn hiện diện trong thẳm sâu nhân loại nhưng nhiều kẻ phải hô lên: “Thiên Chúa đã chết”[3]. Chỉ có giết chết Ngài trong tư tưởng và tâm hồn thì họ mới có thể tự tung, tự tác. Đó là nguyên nhân cốt lõi, trầm trọng hóa mọi vấn đề, “cha đẻ” mọi lỗi lầm.

Nhắc đến chủ thuyết này, Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Hệ thống vô thần quá nhấn mạnh đến khát vọng được tự lập của con người đến độ làm cho khó chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc nào vào Thiên Chúa. Những người chủ trương thuyết vô thần như vậy cho rằng tự do hệ tại ở con người là chính cùng đích cho mình, là người tạo nên và điều khiển lịch sử riêng của mình…”[4]. Thượng đế hiện hữu thì con người là zêrô, “hiện hữu thực sự thì phải giết”[5]. Không có Chúa, đương nhiên không có lệ thuộc, tự do hành động, bất chấp lương tâm và lẽ phải. Khi giết Cha thì cũng chính là lúc khởi đầu hành trình anh em giết nhau và dường như đây là thảm họa lớn nhất của chủ nghĩa vô thần độc tôn. Một cuộc tổng khủng hoảng nhân cách. Một xã hội không Thiên Chúa, không thánh thiêng, lấy “con người làm trung tâm, vật chất làm thước đo” rất dễ lên cơn sốt và suy thoái.

Nhiều người nhận xét lá thư của Gioan là tác phẩm tuyệt vời, thâm thúy, trình bày khúc chiết thần học về sứ điệp cứu độ và tình thương. Và người “môn đệ Chúa yêu” nhờ kinh nghiệm về đức tin và đức ái, có thể phát biểu rõ ràng tiếng nói cuối cùng trong mọi sự: “Thiên Chúa là tình yêu”. Với khả năng diễn tả phong phú cũng như giới hạn của ngôn ngữ loài người, tình yêu là chữ cho ta thấy rõ nhất mầu nhiệm Thiên Chúa, sự trao ban cho nhau từ thuở đời đời giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Hành động cứu độ nơi Đức Kitô là mạc khải viên mãn tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. “Tình yêu thương như là thuộc tính tối thượng của Thiên Chúa, là sự toàn thiện thần linh tối cao nhất”[6]. Tất cả những gì Thiên Chúa làm là yêu thương, Ngài là kiểu mẫu hoàn hảo của tình yêu chân thật, một “Agape” chứ không chỉ là “Eros”.[7]

Thiên Chúa là Tình yêu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Lòng thương xót của Thiên Chúa là một tình yêu mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn sự chết. Tình yêu ấy đã đi đến chỗ làm cho Ngôi Lời làm người phải chịu chết và Ngài sẵn lòng chịu chết, sẵn sàng cứu chuộc ta bằng giá máu của Ngài. Vì thế mà ta phải ứa tràn lòng biết ơn mà thưa với Ngài: Vâng, Chúa là Đấng đầy lòng xót thương”.[8] Nhân danh tình yêu đó, Chúa đã thôi thúc con người nhập cuộc và dạy họ yêu thương nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34).

Thế nhưng, loài người đã đáp lại như thế nào? Phải chăng là sự hờ hững, vô tâm, không thèm “nhận biết Thiên Chúa” mặc dù Ngài vẫn hằng thao thức, mòn mỏi đợi chờ; không thèm thương xót anh em chung quanh, thậm chí ghét bỏ, bức hại? Quả thật, có nhiều dấu chỉ đang nói lên sự xấu xa của con người. Trong một bạch thư, André Maurois viết: Hôm qua, trên truyền hình, tôi thấy một con kên kên rình một con thỏ. Và bất thần nó lao xuống, trong nháy mắt, tất cả chỉ còn một đám bụi, lông và máu. Có nhiều kên kên trên mọi cành cây trong bụi rậm nhân loại. Những tay mạo hiểm rình rập các chuyến buôn vàng, những tên bạo dâm tìm mồi non hãm hiếp rồi giết đi, những tay súng chui rúc trong rừng cây rình bắn những tay súng khác… Đó là nhân loại”.[9]

3. Kitô hữu phải là người giàu lòng yêu thương vì được sinh ra từ Thiên Chúa Tình yêu

Xét nét người thì cũng phải bàn đến ta. Trong tư cách Kitô hữu, được sinh ra từ cõi lòng Thiên Chúa, tôi đã sống đức yêu thương thế nào? Lời tự vấn xem ra để lại những khoảng trống lớn lao. Lòng yêu thương của tôi lắm lúc giả hình giả bộ, làm việc từ thiện cũng cố sao cho mình được tiếng thơm, yêu thương cũng đặt ra điều kiện, làm vì vụ lợi hơn là trắc ẩn. Nếu tôi chỉ là “dê”, thật khốn thân tôi bởi lời kết án của Chúa vẫn văng vẳng bên tai: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời… vì xưa ta đói, các ngươi đã không cho ăn, ta khát, các ngươi đã không cho uống…” (Mt 25, 41-42). Do đó, bổn phận đòi buộc tôi, một Kitô hữu phải sống yêu thương làm sao để luôn xứng đáng với ơn kêu gọi của mình. Trong câu nói của thánh Gioan: “Phàm ai yêu thương thì đã được sinh ra từ Thiên Chúa”, từ “ai” có thể được hiểu ở hai nghĩa: Trước hết, đó là thành phần những người đi theo Chúa, mang danh là Kitô hữu. Ở phương diện Bí tích học, đó là những người đã được sinh ra trong phép Rửa của Thánh Thần, được sinh ra bởi tình yêu của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh Cha trên trời, được thu họp thành một gia đình có quy luật là tình yêu, tức là tự do. Ngôn sứ Êzêkiel đã nói về ta như một dân tộc mà luật pháp chính là trái tim mình (Ez 36, 24-26). Như thế, Thiên Chúa tình yêu muốn sống với dân Ngài, với các con cái của Ngài trong một quan hệ tình yêu tốt đẹp.[10] Ngài muốn ta đối xử thân tình, liên đới với anh chị em xung quanh. Giữa một thế giới đói khát lòng thương xót, người Kitô hữu hiện diện ở đó phải là những chứng nhân sống cho tình yêu thương. Lòng lân tuất được tỏ hiện trong việc phục vụ kẻ khốn cùng, tha thứ cho kẻ xúc phạm mình, từ chối lên án và nồng nàn yêu mến. Xét mặt này hay mặt khác, hình ảnh của mẹ Têrêxa Calcutta, Vinhsơn Phaolô, Gioan Phaolô II và những tín hữu vô danh khác đã làm cho bộ mặt chung của Hội Thánh rạng tươi lên rất nhiều. Đó là những điểm mạnh mà Kitô giáo đã làm được cho địa cầu này.

Nhưng, lối suy nghĩ này phải chăng đã loại trừ một bộ phận đông đảo nhân loại? Phải thật tâm thừa nhận rằng, có nhiều người mang danh Kitô hữu không bằng họ, trong cuộc sống có nhiều người được gọi là vô tín nhưng cả đời sống của họ toát lên một đức ái sâu xa. Nếu thần học gia Karl Rahner gọi đó là những “Kitô hữu vô danh” thì đó cũng là một điều hợp lẽ, chính đáng và phải đạo. Nơi họ thấp thoáng bóng dáng một người Samaria thuở xưa (x. Lc 10, 29-37). Họ đã sống theo lương tâm ngay thẳng, một tiếng nói công chính tự sâu thẳm tâm hồn mình nên xứng đáng được coi là những người “được sinh ra từ Thiên Chúa”, xứng đáng được dự phần vào phúc lộc vinh quang nơi thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Thay lời kết

Câu nói của thánh Gioan đã khắc họa đậm nét và rõ ràng khuôn mặt Thiên Chúa trải qua tiến trình lịch sử cứu độ. Khuôn mặt yêu thương thể hiện cách cao độ bằng việc Chúa Cha không ngần ngại gửi Con Một mình đến chuộc tội cho nhân loại lỗi lầm. Đó là cái nhìn lên Thiên Chúa, còn con người thì sao? Câu nói của thánh Gioan cũng đề cập tương quan: con người – yêu thương – Thiên Chúa. Thánh sử đưa ra lời mời gọi con người, nhất là anh em Kitô hữu trong đạo, phải biết sống tinh thần lân tuất. Yêu thương phải là chìa khóa trong đời sống tín hữu và đó cũng là cốt lõi của Tin Mừng Chúa Kitô. Cũng như lời tuyên xưng hùng hồn của người anh cả Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”; lời giáo huấn trên của thánh Gioan đáng được cho điểm mười./.

Hạ Trân

[1] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Đào tạo những mục tử như lòng Chúa mong ước, ĐCV Vinh Thanh 2016, 18.
[2] Truyện Kiều, Nguyễn Du.
[3] Tư tưởng nổi tiếng của triết gia Friedrich Nietzsche.
[4] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 20.
[5] Henri Jérôme Gagey, (Lm. Fx. Nguyễn Tiến Dưng, AA. dịch), Nhân học Kitô giáo, 47.
[6][6] Walter Kasper, Lòng Thương xót, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2016, 15.
[7] x. ĐGH. Bênêdictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, 24.
[8] Ibid, 85.
[9] Ibid, 60.
[10] Théodule Rey – Mermet, CSsR, (Nguyễn Đức Thông dịch), Một lối nhìn mới về luân lý, NXB Phương Đông, 2009, 80.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời