Sự ngạc nhiên của một vài tân Hồng y và ý hướng của ĐTC Phanxicô

1987 lượt xem

Các Hồng y trong một Công nghị phong Hồng y (30/09/2023)Các Hồng y trong một Công nghị phong Hồng y (30/09/2023) (REUTERS)
Vào cuối buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật ngày 6/10/2024, từ cửa sổ Dinh Tông tòa Đức Thánh Cha khiến mọi người ngạc nhiên khi thông báo vào ngày 8/12/2024, ngài sẽ thăng 21 Giám mục và linh mục lên Hồng y. Hầu hết các tân Hồng y đều ngạc nhiên khi biết tin các ngài được chọn vì có những vị thuộc các giáo phận ở vùng ngoại biên hay ở độ tuổi mà không ai còn nghĩ đến. Tuy nhiên, các ngài đã nhận ra ý muốn của Đức Thánh Cha qua việc chọn các ngài.

Vatican News

21 Tân Hồng y được Đức Thánh Cha chọn lần này đến từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, thuộc cả các giáo phận ở vùng ngoại vi, hay các giáo phận lớn, lẫn những người đang phục vụ tại Giáo triều Roma. Đức Thánh Cha giải thích: “Xuất thân của các vị thể hiện tính phổ quát của Giáo hội tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên trái đất. Hơn nữa, việc bổ nhiệm các tân Hồng y vào Giáo phận Roma bày tỏ mối liên hệ không thể tách rời giữa Ngai tòa Phêrô và các Giáo hội địa phương trên khắp toàn cầu”.

Đây là lần thứ 10 Đức Thánh Cha thăng các Hồng y trong 11 năm dưới triều Giáo hoàng của ngài. Trong 9 Công nghị trước đây, Đức Thánh Cha đã thăng 142 Hồng y, trong đó có 113 Hồng y cử tri. Sau Công nghị Hồng y vào ngày 8/12/2024, Hồng y đoàn sẽ có 256 thành viên, trong đó có 141 Hồng y cử tri có quyền bầu cử và 115 vị trên 80 tuổi không có quyền bỏ phiếu.

Tân Hồng y 99 tuổi

Vị tân Hồng y cao tuổi nhất là Đức Tổng giám mục Angelo Acerbi, người Ý, 99 tuổi, cựu Sứ thần Tòa Thánh; ngài cũng là vị tân Hồng y duy nhất trên 80 tuổi, sẽ không tham gia mật viện bầu Giáo hoàng. Ngài đã phục vụ tại các Tòa Sứ thần ở Colombia, Brazil, Pháp, Nhật Bản và Bồ Đào Nha, và làm việc tại Phân bộ quan hệ quốc tế của Tòa thánh, làm Sứ thần Tòa thánh tại New Zealand, Colombia. Tại Colombia, cùng với các nhà ngoại giao khác, ngài đã bị bắt làm con tin trong sáu tuần bởi các du kích của Phong trào 19 tháng 4. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Hungary, Moldova và Hà Lan. Từ năm 2001 đến năm 2015, ngài đã phục vụ với tư cách là Giám mục của Hội Hiệp sĩ Malta.

Đức Thánh Cha muốn bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công việc phục vụ của các Sứ thần

Trò chuyện với Vatican News về việc được thăng làm Hồng y, Đức Tổng Giám mục Angelo Acerbi cho biết việc tuyển chọn này khá bất ngờ, đặc biệt là khi xét đến tuổi tác của ngài đã rất cao. Ngài đón nhận việc này “với lòng biết ơn và sự trân trọng, và cũng có một chút sợ hãi vì đây luôn là điều bất ngờ lớn đối với mọi người, đặc biệt là người cao tuổi”. Ngài chia sẻ rằng việc ngài biết được chọn làm Hồng y “giống như bất kỳ tín hữu nào khác”, khi đang lắng nghe Đức Thánh Cha trong buổi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật. Một trong những người cháu của ngài, một nhà báo, đã nhanh chóng gọi điện cho ngài ngay khi nghe tin.

Đức Tổng Giám mục Angelo Acerbi chia sẻ: “Tôi tin rằng Đức Thánh Cha muốn bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận đối với việc phục vụ của nhiều Sứ thần cũ và mới, cũng như của đội ngũ nhân viên của các tòa sứ thần trên khắp thế giới”. Ngài nói rằng ngài sẽ hỗ trợ Đức Thánh Cha “đặc biệt là bằng lời cầu nguyện, vì tôi không thấy mình có thể đóng góp gì khác khi đã cao tuổi”.

Tân Hồng y chỉ mới 44 tuổi

Và tân Hồng y trẻ nhất là Đức cha Mykola Bychok, 44 tuổi, dòng Chúa Cứu Thế, Giám mục Giáo phận các thánh Phêrô và Phaolô Melbourne của người Ucraina ở Australia. Hiện tại, trong Hồng y đoàn, không có bất kỳ đại diện nào của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, điều có thể xem là một sự thiếu sót đáng chú ý, xét đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina, cũng như của Giáo hội ở Australia, nơi không có Hồng y kể từ khi Đức Hồng y George Pell qua đời vào tháng 1/2023. Và Đức Thánh Cha đã xóa đi thiếu sót đó bằng một bổ nhiệm mà theo báo chí, khiến cả Giáo hội Ucraina cũng như Australia phải ngạc nhiên.

Như thế, Giáo hội Công giáo Đông phương có một Hồng y, nhưng không phải là Tổng Giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina có trụ sở tại Kyiv, và Giáo hội Australia cũng có một Hồng y, nhưng không phải là Đức Tổng giám mục Anthony Fisher, người kế nhiệm Đức Hồng y Pell với tư cách là Giám mục Sydney và là nhà lãnh đạo Công giáo có uy tín nhất ở Australia.

Trách nhiệm đối với cuộc sống và tương lai của toàn thể Giáo hội

Đức Cha Mykola Bychok chia sẻ: “Việc được đề cử làm thành viên của Hồng y đoàn trao cho tôi trách nhiệm đối với cuộc sống và tương lai của toàn thể Giáo hội. Biết được thời điểm khó khăn mà người dân Ucraina của chúng tôi đang trải qua do chiến tranh, tôi sẽ tiếp tục thông báo cho thế giới Công giáo về những gì đang diễn ra trên đất nước chúng tôi và liên tục nhắc nhớ họ về Ucraina”.

Ngài nói tiếp: “Đối với tôi, cũng như nhiều người khác, tin tức về việc bổ nhiệm này là một bất ngờ lớn. Tôi thực sự rất vui mừng, vì việc bổ nhiệm này là một đặc ân lớn. Đây không phải là đặc ân được ban cho cá nhân tôi, mà là đặc ân được Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho toàn thể Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina và Giáo hội Công giáo tại Úc. Tôi sẽ cố gắng noi theo tấm gương đáng trân trọng của những vị tiền nhiệm của tôi”. (eKai 07/10/2024)

Tân Hồng y của tổng giáo phận Teheran-Ispahan của Iran

Một tân Hồng y được Đức Thánh Cha chọn có thể được xem là đến từ vùng ngoại vi của Giáo hội, đó là Đức Cha Dominique Joseph Mathieu, 61 tuổi, thuộc dòng Phanxicô Viện tu, người Bỉ, nhưng được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục của Teheran- Ispahan của Iran vào ngày 8/1/2021.

Giữa tổng dân số khoảng 82 triệu, với 90% theo Hồi giáo Shiite và 5% theo Hồi giáo Sunnit, tại Iran chỉ có hơn 100 ngàn Kitô hữu, trong đó có các tín hữu theo các nghi lễ Canđê, Armeni và Latinh, bao gồm các Kitô hữu Châu Âu và Châu Mỹ Latinh đang làm việc tại nước này.

Việc thăng một Giám mục ở Iran lên Hồng y có thể là điều ngạc nhiên nhưng nó lại là một phần trong đường hướng mục vụ chú ý và gần gũi với cái gọi là thực tại bên lề thế giới, như cũng được chứng minh qua chuyến tông du mới đây vào đầu tháng 9 đến Châu Á và Thái Bình Dương.

Ứớc muốn không ngừng dệt nên và củng cố mối quan hệ với mọi dân tộc

Đức tân Hồng y Dominique Joseph Mathieu chia sẻ trong một lá thư gửi đến Asia News: “Ước gì sự lựa chọn trở thành cộng tác viên chặt chẽ của Đức Thánh Cha, trở nên đồng hình với Chúa Giêsu Kitô, là một dấu chỉ nữa cho Giáo hội, dân Chúa, về ước muốn không ngừng dệt nên và củng cố mối quan hệ với mọi dân tộc, trong trường hợp này là người Iran nói chung và các nhà lãnh đạo của họ nói riêng”. Theo ngài, chọn lựa của Đức Thánh Cha là “một bằng chứng cho thấy Thiên Chúa đã chọn những điều yếu đuối trên thế giới để làm bối rối những điều mạnh mẽ như thế nào. Theo bước chân và theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, vâng lời Đức Thánh Cha, chúng tôi sẽ thực hiện sứ mạng hiện diện trong ngôi nhà chung và là một công cụ hòa bình, trong hành động và, nếu có thể thì bằng lời, vì tất cả anh chị em”. (Asia News 07/10/2024)

Tân Hồng y đến từ Algeria

Một tân Hồng y khác cũng được chọn từ một Giáo hội ở vùng ngoại vi, đó là Đức Tổng Giám mục Jean-Paul Vesco của Algeria, một tu sĩ Dòng Đaminh sinh năm 1962. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 2001, ngài bắt đầu hoạt động truyền giáo tại Algeria từ năm 2002, được chọn làm tổng đại diện giáo phận Orano. Trở về Pháp vào năm 2010 khi được chọn làm giám tỉnh tỉnh dòng Đaminh Pháp, nhưng ngài lại được Đức Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Giám mục Orano vào ngày 1/12/2012.

Giáo hội tại Algeria là một Giáo hội mong manh bé nhỏ giữa cộng đồng Hồi giáo to lớn nhưng cũng là một Giáo hội đối thoại với thế giới Hồi giáo.

Đức Thánh Cha đang hướng dẫn chúng ta hướng tới một sự thay đổi trong mối quan hệ của Giáo hội với thế giới

Như các tân Hồng y khác, Đức Tổng Giám mục Vesco cũng ngạc nhiên khi hay tin Đức Thánh Cha chọn ngài làm Hồng y. Ngài chia sẻ với trang tin SIR của Hội đồng Giám mục Ý: “Đó là một bất ngờ lớn. Tôi đang ở trong xe, tôi phải dừng lại. Tôi không theo dõi tin tức và được thông báo bởi một nhà báo đã gọi cho tôi để yêu cầu phỏng vấn. Tôi không biết gì cả. Tuy vậy, đó là một sự công nhận tuyệt vời”. Ngài nói tiếp: “Tôi vui mừng cho Giáo hội của chúng tôi ở Algeria vì tôi tin rằng sự lựa chọn này sẽ củng cố Giáo hội”. Sau đó, ngài dừng lại và nói thêm: “Về điều tôi quan tâm, suy nghĩ của tôi hôm nay hướng về người tiền nhiệm của tôi là Đức Cha Henri Tessier, Tổng Giám mục Algiers. Một người có nhân cách lớn và là người mà chúng ta luôn thắc mắc tại sao ngài không được thăng Hồng y. Tôi muốn dành sự đề cử này cho ngài”.

Nói về những lý do khiến Đức Thánh Cha chọn ngài, Đức Tổng Giám mục Vesco trả lời: “Việc chọn tôi thật không thể tưởng tượng được. Tôi không biết tại sao ngài lại làm vậy và tôi sẽ không bao giờ biết. Nhưng điều tôi thấy là sự quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các vùng ngoại vi, đối thoại với Hồi giáo. Việc đề cử này cũng biện minh cho sự dấn thân cả cuộc đời Giám mục của tôi trong việc chào đón những người ly dị và tái hôn, ủng hộ tính hiệp hành, ủng hộ không gian rộng lớn hơn dành cho giáo dân và phụ nữ trong Giáo hội… Vì vậy, tôi nhìn thấy hai khuôn mặt này: một mặt là vùng ngoại biên, Algeria và đối thoại với người Hồi giáo. Mặt khác, là sự dấn thân cho một tầm nhìn hướng đến Giáo hội hoàn vũ. Đức Thánh Cha đang hướng dẫn chúng ta hướng tới một sự thay đổi trong mối quan hệ của Giáo hội với thế giới. Vì vậy, tôi hạnh phúc về điều đó”. (SIR 07/10/2024)

Tân Hồng y tân Giám quản Giáo phận Roma

Nếu như Giám quản giáo phận Roma là một Hồng y là một điều chắc chắn thì đối với vị tân Hồng y tân Giám quản giáo phận Roma, Đức Cha Baldassare Reina, việc bổ nhiệm của Đức Thánh Cha lại là một ngạc nhiên to lớn đối với ngài. Ngài chia sẻ với Vatican News: “Tin tức này khiến tôi rất ngạc nhiên. Mong muốn của tôi là tiếp tục phục vụ Giáo hội này và phục vụ tất cả những người sống ở đó, các giáo xứ, các linh mục. Tôi sẽ cố gắng sẵn sàng trong mọi sự để loan báo Tin Mừng về lòng thương xót cho mọi người, trở thành hình ảnh của Mục Tử Nhân Lành đối với mọi người”.

Giáo phận Roma, Giáo phận của Đức Thánh Cha, đã không có Giám quản một thời gian dài sau khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Hồng y Angelo De Donatis là Chánh Tòa Ân giải Tối cao. Mới đây, qua Tự sắc “Vẻ đẹp đích thực”, Đức Thánh Cha đã tái cơ cấu các Khu vực của giáo phận Roma, bằng cách hủy bỏ Khu vực Trung tâm, sát nhập vào các Khu vực khác, tổ chức lại giáo phận theo bốn hướng chính, nhằm thúc đẩy sự hiệp thông lớn hơn trong Giáo hội.

Trở thành một dấu chỉ của tình yêu hữu hình của Thiên Chúa 

Đức Tân Giám quản của Roma chia sẻ thêm: “Tôi biết rằng một nhiệm vụ không hề dễ dàng đang chờ đợi tôi, bởi vì thành phố của chúng tôi là một thành phố xinh đẹp nhưng cực kỳ phức tạp”. Roma “không may bị đánh dấu bởi nhiều bất tiện, nhiều khó khăn. Tôi không tuyên bố sẽ đưa ra câu trả lời cho mọi người, nhưng tôi muốn trở thành một dấu chỉ cho mọi người rằng tình yêu của Thiên Chúa là hữu hình, nó hiện diện và nó cũng hiện diện như vậy qua chúng tôi là những mục tử bất toàn”.

Đức Cha Reina cảm ơn Đức Thánh Cha “vì sự tin tưởng của ngài” cũng như cảm ơn “tất cả những người trong Giáo phận này, trong im lặng, âm thầm, làm rất nhiều điều để Tin Mừng đến và đến với mọi người. Tôi mong muốn gặp anh chị em. Đây là điều tôi muốn nói với anh chị em vào lúc này, và xin nhiều lời cầu nguyện cho cuộc đời tôi, cho cuộc sống hèn mọn của tôi, vì tôi ý thức được nhiều hạn chế nơi tôi và vì thế tôi chỉ có thể trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lời cầu nguyện của anh chị em”.

Nhận được lòng thương xót

Trong Thư gửi Dân Chúa, Đức tân Hồng y Tân Giám quản Roma đã bày tỏ “những cảm xúc lẫn lộn” của ngài đối với sứ vụ mới được Đức Thánh Cha giao phó: “Tôi biết rằng vượt trên những giới hạn và tội lỗi của mỗi người, chúng ta được tràn ngập ân sủng mà Thiên Chúa ban cho cuộc sống của chúng ta và Người muốn làm điều tương tự với cuộc sống của tôi và qua tôi, với Giáo hội thánh thiện của Người. Đây là cảm giác của tôi vào lúc này, ý thức được mình đã nhận được lòng thương xót”.

Đức Cha Reina chia sẻ tâm tình: “Khi đến Roma, chỉ hơn hai năm trước, tôi ngay lập tức bắt đầu yêu mến Giáo hội này, nơi mà tôi vẫn còn biết quá ít nhưng nhờ đó tôi cảm thấy được chào đón ngoài mọi mong đợi. Tôi đã cố gắng phục vụ giáo phận Roma tốt nhất có thể, cảm thấy mê mẩn trước rất nhiều vẻ đẹp và nhiều tiềm năng tốt đẹp mà tôi đã trải qua, cùng với những khó khăn đi cùng với tất cả mọi con người chúng ta”.

Trong thư, một lần nữa Đức Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha: “Sự cống hiến của ngài cho Giáo hội hoàn vũ và lời tiên tri mà ngài đã ban cho chúng ta trong những năm Giáo hoàng này đã thúc đẩy tôi làm việc cho một Giáo hội trong sáng và nghèo khó, có khả năng lan tỏa hương thơm Tin Mừng”.

Một Giáo phận thường đã được tắm trong máu của các Thánh Tử đạo

Cuối cùng, Đức Cha cảm ơn vị tiền nhiệm của ngài, Đức Hồng Y Angelo De Donatis, “người đã chào đón tôi một cách ân cần và quan tâm đến Hội đồng Giám mục vào thời điểm đó”, cũng như nhiều linh mục và phó tế “vì sự phục vụ quảng đại và khiêm tốn mà họ thực hiện, vì sự hiện diện liên tục và vì tình yêu mà họ thể hiện đối với Giáo phận của chúng ta”.

Đức Cha kết thúc lá thư: “Một sứ vụ quan trọng đang chờ đợi chúng ta, trong một thời điểm phức tạp, mà chúng ta phải đối mặt bằng cách xây dựng mối dây huynh đệ và hiệp thông mỗi ngày. Chúng ta có ân sủng được phục vụ một Giáo phận ngoại thường đã được tắm trong máu của các Thánh Tử đạo và được phong phú nhờ chứng tá vui tươi của nhiều vị thánh. Xin Chúa giúp chúng ta sử dụng tốt nhiều đặc sủng chúng ta đã nhận được vì lợi ích chung”.

Nguồn: vaticannews.va

Có thể bạn quan tâm