Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B

1743 lượt xem

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B

Bài đọc 1: Xh 20,1-17; Bài đọc 2: 1 Cr 1,22-25
Lời Chúa: Ga 2,13-25

Mục lục

  1. Nhiệt Thành Với Nhà Chúa – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu
  2. Hãy Thanh Tẩy Đền Thờ Chúa – Antôn Nguyễn Văn Độ
  3. Canh Tân Cách Thực Hành Đức Tin – TGM Giuse Vũ Văn Thiên
  4. Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Cha Năm B – Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ
  5. Thanh Tẩy “Nhà Thờ” – Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

1. Nhiệt Thành Với Nhà Chúa – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

Tin mừng thánh Gioan hôm nay mời gọi chúng ta cùng hành hương tiến lên đền thờ dự lễ, như Đức Giê-su về Giêrusalem tham dự ngày lễ Vượt qua của Đạo Dothái.

Trong đoàn người hành hương Giê-ru-sa-lem, không ai nhận ra Đền thờ Giêrusalem đã bị tục hoá, không ai thấy cần phải thanh tẩy Đền thờ, không ai coi Đền thờ là nhà Cha mình, không ai còn nhiệt tâm với Nhà Chúa, ngoại trừ Đức Giê-su.

Vâng, tất cả đều mất ý thức về Đền thờ, chỉ còn mình Đức Giê-su. Đền thờ được xây dựng với mục đích thờ phượng và là nơi Thiên Chúa ngự trị. Thế mà con người ngang nhiên chuyển đổi mục đích, biến nơi thờ phượng thành chợ búa và tiền bạc thành đối tượng tìm kiếm của con người… Chuyển đổi mục đích của Đền thờ như thế, con người đã công khai xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi Đền thờ và rước tiền bạc vào Đền thờ chiếm chỗ Thiên Chúa.

Vì nhiệt tâm với Nhà Chúa, Đức Giê-su đã nổi nóng, một cơn nóng của người con thấy Cha mình bị xúc phạm trầm trọng, cơn nóng của tình yêu khi chứng kiến những cảnh phản bội trắng trợn của con người, cơn nóng giận của vị Thiên Chúa làm người khi tận mắt chứng kiến con người thản nhiên biến nơi thờ phượng thành chợ búa, kiếm tiền… “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.

Hành động mạnh tay của Đức Giê-su làm cho người Do-thái phải chú ý. Họ vặn hỏi Người: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê-su trả lời: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi! Nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”.

Phải mất 46 năm mới xây xong Đền thờ Giê-ru-salem. Thế mà Đức Giê-su tuyên bố “phá Đền thờ, rồi tự mình xây lại trong ba ngày”, nghĩa là làm sao?  Đức Giê-su muốn nói rằng ngoài đền thờ vật chất là Giê-ru-sa-lem, còn có một Đền thờ thiêng liêng và sống động khác. Đó chính là Thân thể Người.

Giống như người Do-thái, hành động của Đức Giê-su trong Tin mừng cũng gây chú ý cho người Ki-tô hữu chúng ta ngày nay. Nhưng khác với người Do-thái, chúng ta không phẫn nộ và cũng không vặn hỏi Đức Giê-su, mà chúng ta tự hỏi mình và tự hỏi nhau rằng:

Trong cộng đoàn phụng vụ hôm nay, có bao nhiêu người ý thức được như Chúa Giêsu coi Đền thờ là nhà của Cha mình cần phải gìn giữ?

Có bao nhiêu người ngày hôm nay hiểu được lời Đức Giê-su đã nói trong Tin mừng, để luôn ý thức rằng ngoài đền thờ vật chất ra còn có một ngôi đền thờ thiêng liêng sống động. Đó chính là Hội Thánh, Thân Mình màu nhiệm  Đức Ki-tô, mà Người là Đầu, còn chúng ta là chi thể?

Có bao nhiêu người ngày hôm nay còn nhiệt thành với Nhà Chúa, với việc Đạo, mà không thờ ơ trễ nải, để gìn giữ và xây dựng những ngôi Đền thờ dâng kính Chúa, nhất là những ngôi Đền thờ thiêng liêng bằng việc thực thi “Mười Điều Răn Chúa” trong cuộc đời?

Có bao nhiêu người ngày hôm nay thấy Đền thờ vật chất cũng như thiêng liêng đã bị tục hóa và băng hoại, cần phải nhanh chóng và mạnh tay thanh tẩy, để trả lại sự trang nghiêm cho Đền thờ, xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị?

Câu trả lời xin nhường lại cho mỗi người chúng ta khi để lương tâm mình đối diện với Chúa.

2. Hãy Thanh Tẩy Đền Thờ Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Lễ Vượt qua của người Do thái thường diễn ra tại Đền thờ. Vào dịp này, Chúa Giêsu lên dự lễ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Chứng kiến cảnh tượng Chúa làm, các môn đệ khám phá ra lòng nhiệt thành với nhà Cha nơi tâm hồn Chúa Giêsu, họ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Tv 69,10).

Thật là tệ! Đền thờ, nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành nơi chợ búa. Mục đồng thì mang cừu đến bán, kẻ bán chim câu mong kiếm được vài đồng, kẻ giữ Đền thờ cũng vậy…

Đền thờ Giêrusalem

Luật Do thái cấm mua bán nơi Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung túng cho dịch vụ này để nhằm chuộc lợi. Kẻ đổi tiền ăn bớt phần trăm, người bán coi đó như là cách thế làm tiền, khiến người mua thì phải mua đồ lễ một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến, với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường. Các tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng có món tiền bỏ túi riêng. Thay vì nhắm đến việc giúp những người từ xa đến khó có thể mang theo lễ vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong khu vực Ðền thờ là tiện lợi. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết, vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài Ðền thờ. Nếu tiện lợi, sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ? Chúa đuổi họ, vì họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Chúa lên tiếng cảnh giác họ: “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Ðó là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ.

Chúa Giêsu là Đền Thờ

Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quày buôn bán, Ngài lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẩn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Họ hỏi Ðức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”  (Mc 2,18) Và Ngài đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Mc 2,19).

Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ Chúa Giêsu nói đây chính là Thân thể Người, hiện thân của Chúa Cha. Khi sánh ví Người là Đền Thờ, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Đền Thờ Thiên Chúa Cha ngự trị. Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Ðức Kitô: thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, Thiên Chúa gặp gỡ con người qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, nhân tính của Người chính là Ðền Thờ đích thực, là nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để phán bảo và gặp gỡ con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực không phải là những kẻ giữ cửa của Ðền thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).

Chúng ta là Đền thờ

Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Như thế, chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Thánh Phaolô cảnh cáo: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3, 17).

Người ta xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nếu người Do thái xưa kia đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi thắt dây thừng thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân.

Phá thai là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh của Ngài.

Linh hồn cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mc 9:42), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác, mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho.

Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người là gìn giữ đền thờ bản thân chúng ta. Tâm hồn chúng ta là cung thánh Chúa ngự. Chúa biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Ngài cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Chúa thôi. Chúng ta hãy để cho Ngài bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Để được như thế ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, nơi cư trú đặc biệt của Con Thiên Chúa, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay này, để chúng con có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, Ðấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con.

3. Canh Tân Cách Thực Hành Đức Tin – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Cứ mỗi độ xuân về, người dân Việt chúng ta, sau khi đón xuân mới, là khởi đầu chiến dịch đi lễ hội đầu năm. Từ một hai thập kỷ trở lại đây, nhờ đời sống kinh tế được cải thiện, những lễ hội truyền thống sau một giấc ngủ dài trong thời bao cấp, được khôi phục khắp nơi, đua nhau nở rộ như nấm mọc sau mưa. Nhìn chung, những lễ hội này diễn tả truyền thống văn hoá phong phú của người Việt, và đều góp phần tích cực giúp con người hướng thiện. Tuy vậy, khá nhiều lễ hội bị nhuốm màu thương mại và mê tín dị đoan, mang theo những hệ lụy không đẹp do cách hành xử thiếu văn hóa, như cướp giật, đánh nhau đến đổ máu. Lễ hội đang bị lạm dụng nghiêm trọng và làm mất đi ý nghĩa linh thiêng.

Vào thời Chúa Giêsu, Đền thờ Giêrusalem là nơi thiêng thánh cũng bị lạm dụng. Người ta buôn bán chiên bò, chim câu và đổi tiền. Tất cả những dịch vụ này cũng núp dưới danh nghĩa phục vụ khách hành hương, nhất là vào dịp lễ trọng của người Do Thái là lễ Vượt qua. Chúa Giêsu đã chứng kiến cảnh này. Người đã nghiêm khắc xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Cả bốn thánh sử đều ghi lại sự kiện này, nhưng Thánh Gioan là người diễn tả hành động của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ quyết liệt nhất: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ”. Tuy vậy, nếu ba tác giả của Tin Mừng nhất lãm đều nói đến việc Đức Giêsu “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ”, thì thánh Gioan lại cho biết, Chúa chỉ yêu cầu mang các loại hàng hóa trần tục xâm nhập Đền Thờ và làm cho nơi thánh trở thành chốn thương mại. Phải chăng Thánh Gioan muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu không xua đuổi con người tội nhân, nhưng xua đuổi những hành động tội lỗi, và như thế, Người mời gọi chúng ta hãy canh tân cách thực hành Đức Tin.

Từ đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã mời gọi chúng ta canh tân đổi mới cuộc đời. Canh tân để làm cho trái tim, tâm hồn và cuộc đời của chúng ta được đổi mới. Chúa nhật thứ Ba của Mùa Chay, Phụng vụ dạy chúng ta hãy xem xét lại cách tôn thờ Chúa của mình. Nói cách khác, mỗi chúng ta là người tin vào Chúa. Đức tin ấy phải được thể hiện qua tâm tình thờ phượng Chúa. Có nhiều người tin Chúa mà không thực hành các bổn phận của đức thờ phượng. Thờ phượng Chúa là nhận ra quyền năng vô biên và tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đồng thời dâng lời tạ ơn, ca tụng và cầu nguyện với Ngài. Đối với một số tín hữu, đức tin của họ mang tính vụ lợi, tức là chỉ chạy đến nài van Chúa khi gặp hoạn nạn gian nan, còn những lúc khác thì không cần biết Chúa là ai. Nhiều người khác coi Chúa như Bà Chúa Kho, đến để xin lộc và vay tiền lúc đầu năm với hy vọng năm mới phát tài.

Hành động của Chúa Giêsu khi xua đuổi chiên bò ra khỏi Đền thờ được gọi là “thanh tẩy Đền thờ”. Quả thật, Chúa muốn khôi phục tinh thần thờ phượng đích thực, không nhuốm màu thương mại và cạnh tranh vật chất. Mùa Chay cũng giúp ta thanh tẩy đời sống đức tin và tâm tình thờ phượng Chúa. Những thực hành đạo đức của cộng đoàn cũng như cá nhân phải dẫn đưa người tín hữu đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Đức Kitô đang sống như sau: “Chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm. Điều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta. Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta đang sống. Người là Đức Kitô phục sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn” (số 124). Những lời trên đây của Đức Thánh Cha giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hiện tại. Nhiều người tín hữu chỉ coi Người như một vĩ nhân đã lùi vào dĩ vãng. Không phải như vậy. Người đang sống và hiện diện giữa chúng ta. Nếu ý thức được điều ấy, lời nói, cử chỉ và cách sống của chúng ta sẽ thận trọng hơn. Lời cầu nguyện và việc thờ phượng Chúa sẽ thấm đượm tâm tình mến yêu hơn. Xác tín điều đó, người tín hữu cảm thấy như được chạm tới Chúa, được Người hướng dẫn và soi sáng đường đi nước bước trong cuộc đời.

Gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đang sống, sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bài sách thánh trích sách Xuất hành ghi lại luật Giao ước Thiên Chúa ban cho dân Israel qua ông Môisen mà chúng ta vẫn gọi là Mười điều răn. Có thể nói Mười điều răn trong sách Xuất hành là bộ luật đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Vì dân tộc Do Thái là một dân được tuyển chọn, nên phải có một bộ luật làm tiêu chuẩn và để duy trì trật tự trong việc điều hành cai quản, làm chuẩn mực chung cho mọi nền văn hoá và mọi dân tộc. Rất tiếc, nhiều Kitô hữu, nhất là những bạn trẻ, không thuộc kinh Mười Điều Răn, vì vậy, họ không định hướng được cuộc đời của mình. Họ nói tin vào Chúa mà không biết Chúa là ai và phải làm gì để thực hành Đức Tin.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem. Người cũng dùng máu Người đổ ra trên thập giá để thanh tẩy tội lỗi của nhân loại. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội không ngừng rao giảng mầu nhiệm thập giá, “điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (Bài đọc II). Trái lại với sự xét đoán của thế gian, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có những lúc, người tin vào Chúa bị coi như những người điên rồ hoặc những người đi ngược dòng. Tuy vậy, cũng như sự điên rồ của thập giá đã cứu vớt nhân loại, những ai theo Chúa Giêsu, dù có thể bị coi là ngu dại, chắc chắn sẽ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và niềm vui của Đấng phục sinh. Mùa Chay cũng là mùa suy niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu. Thập giá là một huyền nhiệm của tình thương Thiên Chúa. Thập giá không phải là câu chuyện của quá khứ, nhưng là câu chuyện của hiện tại. Thập giá đang đi ngang qua những mâu thuẫn gia đình, những khó khăn về tài chính tiền bạc, những xung khắc trong mối tương quan với người xung quanh, những thất bại trong học vấn, những bế tắc trong nghề nghiệp. Đó là những thập giá mà chúng ta đang phải vác đi. Vác thập giá không phải là cam chịu, nhưng là đón nhận và hoá giải những thất bại và khúc mắc thành kinh nghiệm, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ vượt lên những khó khăn, biến gian khổ thành niềm vui và biến nước mắt thành nụ cười. Quả vậy, khi có lòng bao dung, sự kiên nhẫn và nhất là tình yêu quảng đại, chúng ta sẽ có thể hoá giải mọi thương đau trong cuộc đời.

Đức tin của người Công giáo không phụ thuộc vào mùa lễ hội và những cạnh tranh. Lòng yêu mến Chúa và tâm tình thờ lạy tôn vinh Ngài như hơi thở, như cơm ăn nước uống đối với người tín hữu. Con người cần có Chúa để hiện hữu, để hoạt động và để nên trọn lành. Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, dâng lên Chúa tâm tình yêu mến và cầu xin Ngài trợ lực để vượt lên mọi khó khăn thử thách, những điều này làm cho đức tin của chúng ta nên vững mạnh.

Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới. Canh tân cách thực hành Đức Tin là điều kiện thiết yếu để chúng ta đổi mới cuộc đời. Bởi lẽ, nhờ Đức Tin tinh tuyền, chúng ta mới có thể sống Đạo chân thành trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.

4. Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Cha Năm B – Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Có người nghe bài Tin mừng này xong thì họ thắc mắc: Tại sao Chúa Giêsu nóng tính quá: Ngài lấy dây làm roi, quất đánh đuổi tất cả các con buôn ra khỏi đền thờ Jerusalem, còn bàn ghế của họ thì Ngài lật đổ nhào lộn tứ tung. Để trả lời cho vấn nạn này, thiết tưởng chúng ta đừng quên rằng, vào thời Chúa Giêsu, mọi người Do thái có truyền thống đi hành hương đền thờ Jerusalem. Khi đi hành hương như vậy thì phải có lễ vật để tiến dâng cho Thiên Chúa, chứ không thể đi tay không như chúng ta. Chúng ta một tuần có một lần đi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, bỏ tý tiền giỏ làm của lễ dâng cho Chúa thôi, mà nhiều người còn quên tới quên lui. Còn thời Chúa Giêsu, ai đi hành hương đền thờ Jerusalem thì đều mang theo lễ vật như: chiên, bò, bồ câu, chim gáy…

Vậy bây giờ đi hành hương từ Nazaret xuống Jerusalem với đoạn đường dài 150km, đi bộ, mang theo chiên hay bò hoặc cặp bồ câu thì có đi được không? Làm sao mà đi nổi với đoạn đường xa như thế. Cho nên người ta chỉ mang theo tiền, để khi đến Jerusalem, người ta mua lễ vật dâng tiến cho Thiên Chúa. Nhưng có một điều là đồng tiền lúc bấy giờ là đồng tiền của đế quốc La mã, không thể mua lễ vật hay dâng cho Chúa được, vì đồng tiền đó là đồng tiền bẩn thỉu của đế quốc.

Vì thế, người ta lại phải đổi sang một loại tiền của đền thờ, để có thể mua được lễ vật dâng tiến cho Thiên Chúa. Thiết nghĩ rằng, thời Đức Mẹ và thánh Giuse mang hài nhi Giêsu lên đền thờ Jerusalem để dâng tiến cho Thiên Chúa, thì hai ông bà cũng phải đổi tiền, để mua một cặp chim gáy hay cặp bồ câu non, do gia đình quá nghèo. Chứ còn nếu các ngài mang theo cặp chim gáy hay cặp bồ câu cùng đi với hài nhi Giêsu, mà đoạn đường dài như thế thì sao mà đi được? Thành thử ra, việc bán chiên, bò, bồ câu, chim gáy và đổi tiền để phục vụ đền thờ là một việc làm tốt lành, đạo đức của dân Chúa.

Hơn nữa, chẳng ai lại mang chiên, bò, chim câu, chim gáy và bàn đổi tiền vào trong đền thờ đâu. Không có chuyện đó đâu. Chúng ta nên biết rằng, cấu trúc của đền thờ Jerusalem gồm có nhiều gian: Gian trong cùng là nơi cực thánh, nơi thánh, bàn thờ dâng lễ vật, sân thầy tư tế, sân đàn ông, sân phụ nữ và sân dân ngoại. Vậy thì tất cả súc vật và bàn đổi tiền được tổ chức ở sân dân ngoại này, chứ không phải là ở trong đền thờ.

Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu lại nổi nóng đánh đuổi tất các con buôn tại sân ngoài của đền thờ? Các nhà chú giải Thánh kinh gọi đây là hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu. Vậy tại sao đền thờ lại phải được thanh tẩy? Câu trả lời ở đây là vì ý nghĩa và mục đích của đền thờ đã bị biến chất. Thật vậy, những ai buôn bán ở đó nếu không phải là các tư tế, gia đình tư tế, con cháu tư tế? Họ độc quyền. Và khi độc quyền rồi thì họ muốn nâng giá lên bao nhiêu thì tùy ý. Hành động đó ngày nay người ta gọi là “chặt chém”. Cho nên đền thờ có mục đích tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa, nhưng bây giờ các tư tế đã biến đền thờ thành phương tiện để phục vụ cho một mục đích khác, đó là lợi nhuận và tiền bạc. Lúc bấy giờ, Thiên Chúa không còn là chủ của đền thờ nữa, mà Thiên Chúa chỉ là tôi tớ phục vụ cho một thần tượng khác, đó là mamon, là đô la.

Cho nên nhìn bên ngoài, người ta nghĩ rằng Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, nhưng thực chất là Ngài thanh tẩy bên trong, thanh tẩy ý hướng, suy nghĩ của con người. Chúng ta thử tưởng tượng xem đền thờ Jerusalem thời đó sầm uất lắm, mọi sinh hoạt tôn giáo sinh động lắm. Mọi người từ khắp bốn phương chảy hội lên đền thánh. Thế nhưng nhìn bên ngoài thì như vậy, còn bên trong thì lại là sào huyệt của bọn trộm cướp. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Chính vì vậy mà chúng ta mới hiểu được tại sao Hội thánh hôm nay chọn bài đọc 1, trích trong sách Xuất hành, mà chúng ta thường gọi là mười điều răn ĐCT. Bởi vì tội căn bản mà 10 điều răn ĐCT nói tới là tội thờ ngẫu tượng: Các ngươi không được tôn thờ bất cứ thần thánh nào ngoài Ta. Đang khi đó, chúng ta vẫn tôn thờ những thần thánh khác, không phải là minh nhiên, nhưng là mặc nhiên trong suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa của mình ở đời thường. Chúng ta có thể hay rơi vào tình trạng đó.

Và một khi người ta đã thờ ngẫu tượng như vậy rồi, thì thay vì công bằng, người ta sẽ bất công miễn là đạt mục đích; thay vì phục vụ thì người ta sẽ chiếm đoạt càng nhiều càng tốt; thay vì trung thực thì là gian dối miễn là đạt được mục đích. Vì thế, thanh tẩy không phải chỉ là thanh tẩy tội lỗi chung chung, mà là thanh tẩy chính ý hướng chọn lựa căn bản của đời sống bên trong. Và sự thanh tẩy này phải là liên tục, không ngừng, chứ không phải một sớm một chiều. Bởi vì sao? Thưa bởi vì tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này: ngày hôm nay tôi ý thức tội lỗi, tôi xin Chúa tha thứ, nhưng ngày mai tôi lại phạm tội như thường. Và thậm chí vừa xưng thú tội lỗi xong, chưa kịp làm việc đền tội, thì lại đã phạm tội rồi. Chính vì thế, thanh tẩy không chỉ có một lần là xong, mà là thanh tẩy không ngừng, từ ngày này nối tiếp ngày khác. Cho nên đã gọi là hành trình thanh tẩy, thì phải là thanh tẩy suốt đời, thanh tẩy cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay được Chúa thương gọi về với Ngài.

Mùa chay, Hội thánh mời gọi chúng ta và tạo cho chúng ta có cơ hội để sống lời mời gọi thanh tẩy đó một cách cụ thể và sâu sắc hơn trong hành trình thay tẩy. Chúng ta cố gắng sống hành trình đó trong Mùa chay thánh, ngõ hầu thân xác và tâm hồn chúng ta thực sự trở thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi trên hành trình tiến về Nước Trời.

5. Thanh Tẩy “Nhà Thờ” – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Các môn đệ Chúa Giêsu khi chứng kiến việc Thầy mình thịnh nộ trước sự kiện người ta biến đền thờ thành nơi buôn bán, đã nhớ lại lời Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Một cơn thịnh nộ đúng nghĩa bằng việc lấy dây làm roi đánh đuổi người buôn bán chiên bò, lật nhào bàn ghế và hất tung tiền của những người đổi bạc. Quả là to gan, nếu không là tên phạm thượng thì cũng là phường phá hoại. Cần phải nghiêm trị nếu không sẽ mất hết luật lệ, mất hết truyền thống, tôn ti…

Trước hết cần phải cật vấn ông này lấy quyền gì mà làm những sự to gan, tày trời như vậy. Những người Do Thái lúc bấy giờ, cách riêng những người đang có trọng trách đã kinh ngạc trước câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Dĩ nhiên họ chẳng thể hiểu nội hàm câu trả lời của Người. Sau này, khi chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy chí thánh, các môn đệ mới hiểu Thầy dùng chính mạng sống của mình để làm dấu chỉ cho việc Người có quyền hành sử những sự to gan như thế. Đã chấp nhận hy sinh mạng sống vì sự việc gì đó thì nó phải có tầm quan trọng đáng kể và việc đó chính là thanh tẩy đền thờ.

Thanh Tẩy nhà thờ vật chất gỗ đá (église – church): Chuyện nhỏ. Quét bụi, lau chùi bàn ghế nhà thờ… là chuyện phải làm. Người ta vẫn làm thường nhật hay thường kỳ mà chẳng một ai thắc mắc. Ra những quy luật để gìn giữ các nhà thờ thực sự là nơi quy tụ tín hữu cho việc thờ phượng, tránh các lạm dụng làm mất sự thiêng thánh, thì cũng là chuyện dễ đón nhận và tuân giữ. Nhiều nơi, nhiều giáo xứ khi có điều kiện đã xây phòng hội, xây phòng giáo lý để tách các việc hội họp, dạy giáo lý ra khỏi nhà thờ. Đây là việc làm chính đáng nhưng cũng vẫn là chuyện không lớn.

Thánh hiến hay làm phép một ngôi nhà thờ cũng chẳng là chuyện trọng đại nếu xét về công sức bỏ ra. Chỉ một thánh lễ do đức Giám mục chủ sự hay do một linh mục được uỷ quyền thì mọi sự gọi là hoàn tất.

Thanh tẩy Nhà Thờ (Église – Church): Chuyện lớn. Khi hai từ nhà thờ được viết hoa thì đã không còn là một công trình kiến trúc vật chất, cho dù vẫn còn nhiều người, nhiều tập thể, vì thiếu hiểu biết hay cố tình làm như không biết, gọi là “bọn Nhà Thờ” hay “Nhà Thờ”, mà thực ra đó là Giáo Hội. Thanh tẩy Giáo Hội ư? Chuyện lớn đấy! Đó là một cơ cấu tổ chức, là một thực thể có tính thánh thiêng. Đó là tập thể những người có niềm tin. Và cũng không thể không kể, cho dù chỉ là đại diện, đó là những người đang có quyền cao, chức trọng. Trong niềm tin và theo giáo lý, Giáo Hội được Công đồng Vatican II trình bày với hình ảnh nền tảng đó là đoàn dân Thiên Chúa. Thế nhưng, dưới cái nhìn người bình dân trong đạo và theo nhãn quan của bà con ngoài đạo thì quý đấng bậc có “chức vụ cao trọng” được đồng hóa với Giáo Hội cách nào đó.

Để làm cho cơ cấu tổ chức và luật lệ thực sự có ra vì con người chứ không ngược lại, thì quả là chuyện không nhỏ chút nào (x.Mc 2,27). Công đồng Vatican II đã kết thúc vào năm 1965, thế mà phải đến năm 1983, Bộ tân Giáo Luật mới được hình thành. Thử hỏi nội dung và tinh thần của bộ Giáo Luật 1983 đã được triển khai và áp dụng ra sao và ở mức độ nào? Chuyện “phép vua thua lệ làng” hình như vẫn tồn tại ít nhiều nơi này nơi kia. Để giúp những người đang mang trọng trách với chức vị lớn trở thành “người hầu thiên hạ” thì cũng không phải là việc một sớm một chiều (x.Mc 9,35). Chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” là chuyện vẫn không là cá biệt. Thỉnh thoảng có một vài tín hữu giáo dân vì thành tâm mà bạo miệng lên tiếng về một vài tình trạng “cha chú” đó đây, hoặc lên tiếng về thái độ thụ động của đấng này, vị kia trước bất công, bạo quyền, thì cũng dễ bị hứng “búa rìu” đủ kiểu.

Thanh tẩy đền thờ tâm hồn: chuyện hệ trọng. “Bách niên chi kế, mạc như thụ nhân” (Quản Trọng). Và kế ngàn đời là trồng con cái Chúa. Trồng người con Chúa ra sao đây? Bản Thập giới mà bài trích sách Xuất Hành trình bày không hề lỗi thời mà trái lại. Chúa Kitô đã minh nhiên nhắc lại điều này với một vị luật sĩ và với người thanh niên muốn nên trọn lành (x.Mt 19,16-19). Để mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời, yêu thương tha nhân như chính mình thì chuyện thanh tẩy là chuyện phải làm cả đời.

Theo thiển ý, để có những đền thờ tâm hồn trong sáng, thánh thiện, xứng đáng, thì một trong những điều cần thanh tẩy đó là sự tham lam. Thánh Tông đồ dân ngoại đã từng gọi tham lam là một hình thức “thờ ngẫu tượng”. Chúa Kitô cũng đã từng ví “của tiền” (dĩ nhiên có cả chức quyền, danh vị) như một vị thần, khi Người nói rằng không được làm tôi hai chủ (x.Lc 16,13). Và thực tiễn minh chứng rõ ràng lòng tham lam, tham danh, hám lợi đã giết chết hay làm băng hoại tình người thật khó lường. Sự tham lam khi đã được quyền bính bảo kê hay được luật lệ hợp thức hóa thì hậu quả thật khó lường. Đức Bênêđictô XVI trong cuốn “Đức Giêsu thành Nagiarét” nhận thức rằng khi Chúa Giêsu thanh tẩy đền Thờ Giêrusalem, Người không phá bỏ lề luật nhưng Người đánh đổ các sai trái của con người vốn đã được lề luật hóa (Phần II trang 24).

Thanh tẩy nhà thờ gỗ đá, cách riêng Nhà Thờ viết hoa hay đền thờ tâm hồn chắc chắn phải có trả giá. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng, dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh… (1Cr 1,22). Chúa Kitô đã chấp nhận để người ta phá “thân thể Người” để rồi xây lại sau ba ngày không phải chỉ để thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem mà đặc biệt để thanh tẩy cái Nhà Thờ viết hoa cũng như các đền thờ tâm hồn, tức là con người qua mọi thời đại.

Môn đệ không trọng hơn Thầy (x.Ga 15,20). Rất nhiều người, nhiều vị thánh đã từng to gan tiếp bước chân Thầy chí thánh nhiệt thành lo việc thanh tẩy Nhà Thờ viết hoa, thanh tẩy các đền thờ tâm hồn. Và số phận của họ đã dẫy đầy truân chuyên. Nói gì cho xa, để có được thành quả là Công Đồng Vatican II và gìn giữ cũng như phát triển thành quả ấy thì nhiều vị, nhiều đấng bậc đã chấp nhận bao hy sinh, khổ ải, truân chuyên. Cuộc đời của Hồng Y Ives Congar, cha Marie –Dominique Chenu, Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI… là những minh chứng hùng hồn.

Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Một quy luật như là tất yếu. Đã sợ thiệt thân thì hầu chắc không làm được sự gì tốt cho việc nhà Chúa. An thân, thủ phận, hay sống theo “chủ nghĩa cơ hội” thật không xứng với người môn đệ Chúa Kitô. Có thể có nhiều lý do, nhưng chắc chắn có lý do này, đó là chưa nhiệt tâm lo việc nhà Chúa. Khi chưa nhiệt tâm lo việc nhà Chúa thì có lẽ chúng ta đang mải mê lo việc nhà mình chăng?

Sưu tầm – tổng hợp

Có thể bạn quan tâm