Thế nào là “người cha tốt” của con cái?

2556 lượt xem

THẾ NÀO LÀ “NGƯỜI CHA TỐT” CỦA CON CÁI?

Người cha nào cũng có lúc tự hỏi, mình có phải là người cha tốt không? Trang Aleteia gom các câu trả lời của những người nói về cha mình một cách thẳng thắn và tự nhiên nhất: trẻ em. Những câu trả lời không thiếu sáng suốt, không thiếu hài hước và cũng không thiếu tình thương!

Vai trò người mẹ luôn được nhắc đến trong việc giáo dục con cái, vai trò người cha ít được nhắc đến trong các ngành sư phạm, giáo dục. Tuy nhiên từ nửa thế kỷ nay, người cha ngày càng hiện diện và dấn thân vào cuộc sống con cái của họ nhiều hơn. Nếu người cha nào cũng kỳ vọng vào người con, thì người con mong chờ gì ở người cha? Trang Aleteia đã hỏi một số trẻ em để tìm hiểu về hình ảnh một người cha tốt. Các câu trả lời của các em vừa đáng yêu vừa giàu thông tin.

1. Một người cha tốt quan tâm đến con cái và dành thì giờ cho con

“Hỡi những người làm cha, hãy hướng dẫn con cái trong những năm đầu đời, đừng ép buộc sở thích của chúng mà dẫn dắt từng bước đi của chúng”. Văn hào Pháp Voltaire

Phần lớn trẻ em được phỏng vấn đều nghĩ một người cha tốt là người quan tâm và chăm sóc con cái. Camille, 8 tuổi, nói: “Người cha là người không chỉ làm việc mà còn dự vào các sinh hoạt của con cái, hỏi thăm con cái mọi chuyện ở trường như thế nào”. Đứa trẻ, trong mắt cha, cần cảm thấy nó được công nhận và quan trọng, Siméon, 10 tuổi, nhấn mạnh: “Một người cha nói chuyện với con cái và quan tâm đến những gì con cái làm.” Điều quan trọng không phải là số lượng thì giờ mà chất lượng của thì giờ, Roxane, 6 tuổi nói với chúng tôi: “Con rất thương cha, cha đưa con đến trường, con và cha cùng nhau đi nhặt củi.” Còn với Paule thì “tối nào cha cũng kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ,” còn với Lia: “Cha luôn ngước lên khỏi công việc khi chúng con gọi cha và dành thì giờ để lắng nghe con. Khi không làm việc, cha ở bên cạnh gia đình.”

Thì giờ người cha dành cho con cái sẽ giúp con cái phát triển nhiều đức tính khác. Miljkovitch & Pierrehumbert trong nghiên cứu “Người cha có ngang hàng với người mẹ không?” cho biết, người cha có những đức tính khác, người cha là người gắn bó. Điểm này đóng một vai trò thiết yếu trong việc trao quyền và giúp con cái mở ra với thế giới bên ngoài. Vì vậy, theo Foucauld, người cha tốt là người “xây cabin, hái nấm, lắp ráp làm đủ việc trong nhà, làm bản đồ kho báu để chơi trò chơi cướp biển, giúp con cái khám phá thiên nhiên!”. Không giống như người mẹ chào đón con từ khi thụ thai, mang đứa con bằng xương bằng thịt trong lòng, người cha chỉ gặp con khi con sinh ra. Dĩ nhiên người cha sẽ là người dẫn dắt con ra thế giới bên ngoài, hướng tới người khác. Theo linh mục Pierre-Marie, người cha “mời đứa trẻ vượt lên chính mình, đưa nó đi xa hơn sự an toàn của người mẹ, để cuối cùng nó có thể tìm thấy sự an toàn trong nội tâm mình”.

2. Một người cha tốt luôn yêu thương và trân trọng gia đình

“Người cha là sự hiện diện yên tâm, ấm áp và quan tâm đến cả mẹ lẫn con.” Jacques Salomé

Enéa tuy mới 4 tuổi nhưng đã có cái nhìn về người cha trong gia đình: : “Chính người cha là người làm cho mẹ hạnh phúc và như vậy mọi người được hạnh phúc!” Giống như vòng tròn đạo đức, tình yêu của người chồng dành cho vợ sẽ ảnh hưởng đến con cái trong nhà. Dĩ nhiên con cái cũng đòi hỏi tình yêu, đó là mong muốn của Arthur: “Cha là người dễ thương, không đánh đập, không la mắng, hay ôm hôn, nhẹ nhàng đưa chúng con vào giấc ngủ và chào mẹ.”

Ước mong có một người cha làm cho mẹ vui và người mẹ làm cho người cha vui được thấy trong rất nhiều câu trả lời. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc mối quan hệ cũng như cuộc sống làm cha làm mẹ của chúng ta khi có thể. Trong trường hợp các gia đình chia cách, kỳ vọng khác nhau và thường tập trung vào đứa trẻ. Elena, 7 tuổi, nói: “Cha là người luôn vui vẻ khi chúng tôi đến nhà và là người cho chúng tôi thấy điều này khi cha chuẩn bị bữa ăn, các sinh hoạt mà chúng tôi thích.” Sự bảo vệ dịu dàng của người cha trong gia đình vẫn là một ý tưởng mạnh được nhiều em nói ra. Léon nói: “Người cha tốt là người luôn bảo vệ và trấn an con cái khi chúng con sợ”. Inès đơn giản nghĩ, người cha tốt là người “yêu con như vậy nè!” em dang rộng tay.

3. Một người cha tốt giáo dục, đặt ra giới hạn và khuyến khích con

Người cha là người có thẩm quyền ở phía sân và dịu dàng ở phía vườn.” Jean Gastaldi

Nơi người cha, con cái cũng mong chờ các giới hạn và chuẩn mực. Nếu con cái muốn “một người cha không la hét, không la mắng quá nhiều” thì chúng vẫn nhận thức được tầm quan trọng của một người cha “giúp chúng phát triển tốt, cho chúng quy tắc.”

Hình ảnh người cha, người mẹ trong gia đình phát triển theo thời gian, quan niệm về uy quyền người cha vẫn còn giữ vững, bé Victoire nói: “Cha không cần nổi giận, cha lớn tiếng và chúng ta đi ngủ.”

Trong hình ảnh người cha tốt, các con mong muốn được người cha công nhận: “Cha không bị ám ảnh bởi điểm toán của chúng con, cha chúc mừng khi chúng con thành công, cha không phàn nàn, cha khuyến khích chúng con.” Quan điểm của người cha về con rất có ý nghĩa với con và giúp con tăng lòng tự tin. Bà Danielle Paquette trong tác phẩm “Mối quan hệ cha con và sự mở ra với thế giới” nói về mối quan hệ sinh động cha con, bên cạnh mối quan hệ gắn bó mẹ con nhẹ nhàng. Người cha, khi giữ vị trí của mình trong cuộc đời con cái sẽ là người mang tự tin và khả năng cho con, cũng như sự thanh thản khi đối diện với thế giới bên ngoài.

Năm 2015, Đức Phanxicô nhắc lại điều này trong buổi tiếp kiến để khuyến khích những người cha ngày nay: “Con cái cần có một người cha chờ con về sau những lần chúng thất bại. Chúng sẽ làm tất cả để không thừa nhận, không để người cha thấy, nhưng chúng cần. Và khi chúng không tìm thấy, điều này sẽ tạo những vết thương khó lành cho chúng. Người cha tốt sửa trị nhưng không làm nhục. Người cha biết chờ đợi và tha thứ, nhưng cũng biết cương quyết sửa chữa: không phải là người cha yếu đuối, nhượng bộ, đa cảm. Người cha biết sửa chữa mà không làm con bị nhục.”

4. Người cha tốt làm việc cho gia đình

“Một người cha tốt phải có mặt ở khắp mọi nơi, người đi ngủ cuối cùng và người thức dậy trước.” Ngạn ngữ Pháp

Với Mattéo và nhiều em bé khác, “người cha tốt là người cha làm việc để con cái không thiếu gì”. Trẻ con sáng suốt: nếu cha mẹ đi làm thì cũng là một hành động yêu thương, cha mẹ đi làm để chu cấp nhu cầu cho gia đình. Dù bây giờ phần lớn phụ nữ đã đi làm, nhưng vẫn rất ít người cha “ở nhà”. Vì thế các em cho biết người cha ít ở nhà hơn và cũng không nghiêm khắc với chúng. Clara, 5 tuổi giải thích: “Cha đi làm rất sớm dù cha không muốn, vì đó là nhiệm vụ của cha. Nhiệm vụ của con là đến trường.”

5. Một người cha tốt làm gương

“Với người con ngoan thì cha mình luôn là người tốt nhất, ngoài bất cứ lý do khách quan nào, người con cũng phải ngưỡng mộ cha.” Marcel Proust

Với Foucauld, người cha tốt là người cha “phục vụ con cái và giáo dục con mình phục vụ.” Nhiều đứa trẻ làm danh sách những điều người cha tốt sẽ không làm, Albane tóm tắt: “Người cha tốt không hút thuốc lá, ít nhất là không hút trước con cái, không để người khác làm mọi việc cho mình… không hét lên, chỉ cao giọng để con cái hiểu.” Mặc dù khái niệm “người cha tốt” đã biến mất khỏi các văn bản pháp luật kể từ năm 2014 nhưng đặc điểm của nó vẫn tồn tại. Thận trọng, để ý, lo lắng những gì đã giao cho các con… Người cha tốt chăm sóc gia đình và có những hành vi yêu thương mỗi ngày, qua sự hiện diện, công việc và bảo vệ gia đình. Là sự hiện diện bổ sung cho sự hiện diện của người mẹ. Maylis, 5 tuổi, nói: “Người cha tốt là người giáo dục con cái như người mẹ: người cha la con khi con làm những chuyện ngu ngốc, người cha chăm sóc con, lo cho con ăn, chơi với con…”

Một người cha tốt đơn giản là người đảm đương trách nhiệm của mình với con cái, tùy theo hoàn cảnh gia đình và công việc của mỗi người.

Linh mục Pierre-Marie viết: “Người cha trước hết phải học cách tiếp xúc với con mình: đó là một quá trình liên quan nhiều đến tâm lý hơn là sinh học. Đó cũng là việc đi vào logic của việc cho chính mình. Cuối cùng, như Đức Phanxicô nhắc trong buổi tiếp kiến năm 2015, đức tin giúp người cha cam kết: “Nếu không có ơn Chúa, các người cha chán nản… Nếu không có ơn Chúa thì thưa các ông bố, những người lần đầu trải nghiệm vai trò làm cha sẽ mất can đảm và bỏ cuộc…”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn