10 Lời Khuyên Của Đức Phanxicô Để Không Nhượng Bộ Cho Các Tật Xấu

2684 lượt xem

Đời sống Kitô hữu được đánh dấu bằng những cám dỗ, những thách thức, những cuộc chiến đấu thiêng liêng. Trong loạt bài giáo lý về các thói xấu và nhân đức, Đức Phanxicô trình bày chi tiết mười thái độ cơ bản cho phép chọn điều tốt và tránh điều xấu.

Giống như các vị người tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô dành các buổi tiếp kiến ​​chung ngày thứ Tư tại Vatican cho các chu kỳ theo chủ đề. Ngài vừa dành hai mươi buổi tiếp kiến ​​(1) về chủ đề tật xấu và nhân đức. Ngài nói : “Đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu không bình yên, bằng phẳng và không phải không có thử thách; trái lại, đời sống Kitô hữu đòi hỏi phải chiến đấu không ngừng…. Tất cả chúng ta đều có những cám dỗ và tất cả chúng ta đều cần học cách quản lý những hoàn cảnh này.”  Trong “cuộc chiến đấu thiêng liêng” này, việc nhận biết và phát hiện những tật xấu và các nhân đức trong cuộc sống của chúng ta là điều cần thiết để “phân biệt tốt với xấu” để chọn cái này và tránh cái kia.

Các tật xấu chỉ “cái xấu ăn sâu vào chúng ta (…). Đó là một loại cỏ dại khó diệt trừ.” Theo truyền thống, Giáo hội phân biệt bảy tật xấu, vốn là nguồn gốc của mọi thói xấu khác: mê ăn uốngmê dâm dụchà tiệnhờn giậnbuồn chán và nguội lạnhghen tỵ và háo danhkiêu ngạo.

Giáo hội đối lập chúng bằng bốn nhân đức, bao hàm nỗ lực và sự khổ hạnh cá nhân để chọn điều tốt: khôn ngoancông bằngdũng cảm (hoặc can đảm) và tiết độ (Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn thành danh sách này bằng cách thêm vào nhân đức khiêm nhường). Những nhân đức này được gọi là nhân đức bản lề vì chúng tạo nên “cột trụ của một cuộc sống tốt lành”. Chúng thuộc về “một sự khôn ngoan rất cổ xưa, có trước Kitô giáo” và Kitô giáo “đã nêu bật, làm phong phú, thanh lọc và hội nhập vào đức tin”.

Vả lại, người Kitô hữu có thể trông cậy vào “sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần” để phát triển “ba nhân đức Kitô giáo đặc biệt khác”: đức tinđức cậy và đức mến. Những nhân đức này được gọi là nhân đức đối thần, “trong chừng mực chúng được đón nhận và sống trong mối tương quan với Thiên Chúa”.

  1. Hãy canh giữ tâm hồn mình

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi phát triển “sự hiểu biết về những gì đang xảy ra trong tâm hồn chúng ta” bởi vì “tất cả chúng ta đều là tội nhân”. “Một chút nội quan, một chút cái nhìn nội tâm, sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta,” ngài nói thêm trước khi giải thích: “Đối mặt với mỗi suy nghĩ và mỗi ước muốn nảy sinh trong tâm trí và trong tâm hồn, người Kitô hữu hành động như một người canh giữ khôn ngoan, và tra hỏi nó để tìm hiểu xem nó đến từ phía nào: từ Chúa hay từ Địch thủ của Ngài.”

Nếu nó đến từ Thiên Chúa, thì “cần phải đón nhận nó, vì đó là khởi đầu của hạnh phúc.”  Nhưng “nếu nó đến từ Địch thủ,” thì cần phải từ chối nó, “ngay cả khi hạt giống của nó có vẻ nhỏ bé đối với chúng ta, nhưng một khi nó đã bén rễ, chúng ta sẽ khám phá ra trong mình những nhánh dài của tật xấu và bất hạnh.

  1. Tỏ ra khôn ngoan chín chắn

Người khôn ngoan “điều khiển các hành động để hướng chúng đến điều tốt đẹp”, bằng cách dựa vào sự hiểu biết, trí nhớ về sự khôn ngoan trong quá khứ và “sự tự do nội tâm” của mình. Đức Phanxicô liệt kê: “Người khôn ngoan là người sáng tạo: họ lý luận, đánh giá, tìm cách hiểu tính phức tạp của thực tại và không để mình bị choáng ngợp bởi cảm xúc, sự lười biếng, áp lực, ảo tưởng”.

Người khôn ngoan là người “biết nhìn xa”: “Một khi chúng ta đã quyết định mục tiêu cần đạt được, cần phải cung cấp cho mình mọi phương tiện để đạt được mục tiêu đó.”

  1. Tránh thiếu kiên nhẫn và vội vàng

Kiên nhẫn không phải là tự nhiên. Đức Thánh Cha lưu ý : “Thật khó để giữ bình tĩnh, kiểm soát bản năng, kiềm chế những phản ứng xấu, xoa dịu những cuộc cãi vã và xung đột trong gia đình, nơi làm việc, trong cộng đoàn Kitô hữu” (…) hoặc thậm chí “chịu đựng những người khó chịu”.

Để vun trồng tính kiên nhẫn, ngài khuyên hãy hướng về Thiên Chúa, Đấng là Đấng kiên nhẫn: “Thiên Chúa biết chờ đợi”, Ngài “không vội tiêu diệt cái xấu trước thời điểm, để không bị mất mát gì”.

Kiên nhẫn là “sự chịu đựng những gì mình phải chịu”. Nó là “đặc điểm đầu tiên của mọi tình yêu vĩ đại” vốn biết “đáp trả điều xấu bằng điều tốt”, không “nhốt mình trong cơn giận dữ” (Đức Phanxicô nói rõ : “Chúng ta không chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của sự hờn giận, nhưng luôn chịu trách nhiềm về sự phát triển của nó“). Người kiên nhẫn không nhượng bộ cho sự “nản lòng” nhưng “kiên trì” và “bắt đầu lại”.

  1. Đối xử công bằng với mỗi người

Công bằng là “nhân đức xã hội tuyệt hảo”, “tìm cách điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với nhau một cách công bằng”. Nó giả định rằng “mỗi người đều được đối xử theo phẩm giá của mình”, để “trả lại cho Thiên Chúa và người lân cận những gì đáng phải trả cho họ”. Nó đề cao việc tôn trọng luật pháp và phản đối “sự thống trị của kẻ mạnh đối với kẻ yếu”.

Trên bình diện cá nhân, nó được thể hiện qua những thái độ trong đó “sự thẳng thắn”, “lòng tử tế, tôn trọng, biết ơn, nhã nhặn, trung thực” chiếm ưu thế. Người công bằng “tôn trọng lời nói” và biết “xin lỗi”. Họ “không chỉ quan tâm đến hạnh phúc của cá nhân mình, nhưng còn muốn lợi ích của toàn xã hội”.

Nó tránh “vu khống, làm chứng gian, gian lận, cho vay nặng lãi, nhạo báng, không trung thực.”

  1. Rèn luyện lòng dũng cảm

Lòng dũng cảm (hay lòng can đảm) là điều mà “trong những lúc khó khăn, đảm bảo cho chúng ta sự vững vàng và kiên định trong việc tìm kiếm điều tốt”. Hướng về “bên trong chính mình”, nó giúp chúng ta chống lại “những sức mạnh làm chúng ta tê liệt” (lo lắng, thống khổ, sợ hãi, tội lỗi). Nó cũng được thực hiện bên ngoài để giúp chúng ta vượt qua “những thử thách của cuộc sống”.

Trên bình diện tập thể, nó mang lại sức mạnh “phản ứng và hét lên: không” với những bất công, chiến tranh, bạo lực, nô lệ, áp bức người nghèo. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa Giêsu không phải là một vị Thiên Chúa trắng muốt và được khử trùng. Một Kitô hữu không có lòng can đảm, không dồn sức lực của mình cho điều tốt, không làm phiền ai, là một Kitô hữu vô dụng.”

  1. Tìm kiếm sự đúng mực

Tiết độ là một “sức mạnh đối với bản thân”, cho phép chống lại “các xung năng” và “đam mê”, đó là nhân đức về sự “đúng mực”. Nó cũng cho phép “tận hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống”: tình bạn, sự tin tưởng, sự ngạc nhiên thán phục…

Người tiết độ biết “cân đo kỹ lời nói”. Họ có “tài về sự cân bằng”. Họ giữ gìn “sự đúng mực, đúng cách”. Họ “khẳng định những nguyên tắc tuyệt đối”, đòi hỏi “những giá trị không thể thương lượng” và cũng biết cách “hiểu người” và “thể hiện sự đồng cảm” với họ.

Sự tiết độ hoàn toàn trái ngược với các hình thức “phàm ăn”: phàm ăn đối với thực phẩm và hàng tiêu dùng (tật mê ăn uống); phàm ăn đối với mọi người bằng cách “sự vật hóa” họ để chiếm hữu họ tốt hơn (mê dâm dục).

  1. Trau dồi đức tính khiêm nhường

Đối với Đức Phanxicô, “khiêm nhường là nền tảng của đời sống Kitô hữu”. Nó là “cửa ngõ của mọi nhân đức”: Nó đưa mọi thứ trở về “chiều kích đúng đắn của nó”, bằng cách chấp nhận “sự nhỏ bé”, những giới hạn, những bất toàn của chúng ta. Từ này xuất phát từ tiếng Latin humus có nghĩa là “đất”; nói cách khác, sự khiêm tốn cho phép chúng ta giữ đôi chân của mình trên mặt đất.

Đức Trinh Nữ Maria là hiện thân của nhân đức khiêm nhường này và Mẹ rút ra được từ đó “sức mạnh vô địch”. Những thử thách mà Mẹ gặp phải “không bao giờ làm cho lòng khiêm nhường của Mẹ bị lung lay, đó là một nhân đức vững chắc nơi Đức Maria”.

Khiêm nhường đối lập với “háo danh”, xu hướng muốn “trở thành trung tâm của thế giới, đối tượng của mọi lời khen ngợi và mọi tình yêu” và là xu hướng “công cụ hóa” các mối quan hệ của con người để thiết lập “sự thống trị” của mình.

Khiêm nhường hoàn toàn trái ngược với “tội tận căn” kiêu ngạo, hư danh, tự phụ, luôn phán xét và khinh thường người khác.

  1. Phó thác cho Thiên Chúa

Đức tin là nhân đức đối thần đầu tiên bởi vì “nó chỉ có thể được sống nhờ ân huệ của Thiên Chúa”. Nó là “hành vi” qua đó “con người tự do phó thác chính mình cho Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, là Kitô hữu, “trước hết không phải là chấp nhận một nền văn hóa, với những giá trị đi kèm với nó, mà là chào đón và trân trọng mối liên kết giữa mình và Thiên Chúa; giữa con người tôi và khuôn mặt nhân hậu của Chúa Giêsu.”

Nó là “một món quà mà chúng ta phải đón nhận và cầu xin mỗi ngày, để nó được đổi mới trong chúng ta”. Đức tin là một “sức mạnh không chỉ của con người”: nó khiến “ân sủng tuôn trào trong chúng ta” và “mở tâm trí cho mầu nhiệm Thiên Chúa”.

Đối lập với nó không phải là lý trí, cũng không phải trí tuệ, mà là sự sợ hãi. Chúa Giêsu nói với các môn đệ đang sợ hãi trước cơn bão trên hồ : ” Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? ” (Mc 4, 40).

Đức tin bị đe dọa bởi thói nguội lạnh, sự “thiếu chăm lo” về mặt thiêng liêng này khiến chúng ta “cảm thấy ghê tởm mọi thứ”, đặc biệt là đối với “mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa”. Nó dẫn đến “sự uể oải hoặc lười biếng về mặt thiêng liêng”. Để vượt qua “đêm tối” này, chúng ta cần “kiên nhẫn chấp nhận sự nghèo nàn của đức tin”.

Người Kitô hữu ý thức rõ ràng rằng mình chỉ có một “mảnh nhỏ” đức tin. Đây là lý do tại sao, “giống như các môn đệ, chúng ta lặp lại với Người: Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin cho chúng con! » (x. Lc 17, 5).

  1. Không nhượng bộ cho sự bi quan

Đức cậy, nhân đức đối thần thứ hai, là một “ân huệ trực tiếp đến từ Thiên Chúa”, nó “không do công trạng của chúng ta”. Nó làm cho chúng ta “khát khao Nước Trời và sự sống đời đời”, nó đặt “sự tin tưởng” của chúng ta vào “những lời hứa của Chúa Kitô” và, dù điều gì xảy ra, vào “sự trợ giúp của ân sủng Chúa Thánh Thần”. Đức cậy giúp chúng ta “đối mặt với hiện tại” ngay cả khi khó khăn. Nó cộng hưởng với đức kiên nhẫn, “khả năng chờ đợi” này cho phép chúng ta “vượt qua những đêm đen tối nhất”.

Đức Phanxicô nói: “Nếu thiếu hy vọng, tất cả các nhân đức khác có nguy cơ sụp đổ và kết thúc trong tro bụi”.

Kẻ thù của đức cậy là “sự bi quan”, “nản lòng” và buồn bã vốn là “căn bệnh tâm hồn”. Căn bệnh này biểu hiện như một sự “ủ rũ”, một “nỗi phiền muộn thường xuyên ngăn cản con người cảm nhận được niềm vui cho cuộc sống của chính mình” và đôi khi đẩy con người đến chỗ “thích thú trong nỗi đau vô tận”.

Đối mặt với nỗi buồn này, Đức Phanxicô nhắc lại rằng Chúa Kitô “mang lại niềm vui phục sinh”. “Đức tin xua tan sợ hãi, và sự phục sinh của Chúa Kitô xóa tan nỗi buồn như lăn một hòn đá ra khỏi mồ”.

  1. Mở ra cho tình yêu táo bạo

Tình yêu, còn được gọi là đức mến, nhân đức đối thần thứ ba, là “công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta; đức mến đến từ Thiên Chúa và kết hợp chúng ta với Ngài.” Ngài mời gọi chúng ta “yêu mến Thiên Chúa”, bằng cách trở thành “bạn hữu của Ngài”, và “yêu người lân cận như Chúa yêu họ”, khơi dậy trong chúng ta “mong muốn chia sẻ tình bạn với Thiên Chúa” xung quanh chúng ta. Đức mến “khác với tình yêu đơn thuần” vì nó “không thể thực hiện được nếu không sống trong Thiên Chúa”.

Đó là một tình yêu đi ngược lại với thái độ thông thường của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tình yêu này, vì Chúa Kitô, thúc đẩy chúng ta đến nơi mà về mặt con người chúng ta không thể đến: đó là tình yêu dành cho người nghèo, cho những gì không đáng yêu, cho những người không yêu chúng ta và không biết ơn,” cho đến độ yêu thương và sự tha thứ cho kẻ thù của chúng ta.

Đó là một tình yêu táo bạo đến mức gần như không thể, nhưng đó là điều duy nhất còn lại từ chúng ta.” Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô, trong bài thánh thi nổi tiếng về đức mến, đã nói: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến » (1 Cr 13, 13).

——————————————————————————-

(1) Từ ngày 27 tháng 12 năm 2023 đến ngày 22 tháng 5 năm 2024.

————————————————————————————-

Tý Linh chuyển ngữ từ nhật báo La Croix)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Có thể bạn quan tâm