Chúa lên Trời – Có chăng một cõi đi về?

879 lượt xem

Về sự kiện Đức Giê-su Ki-tô lên trời, sách Công Vụ Tông Đồ đã viết như sau: “…Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).

Trong chúng ta, ai cũng mong có ngày được về quê thật của mình, vì “Sống gửi, thác về!”. Hơn nữa với người Ki-tô hữu, niềm tin về một quê hương vĩnh hằng luôn là một xác tín rất chắc thực và rõ ràng.

Chúa Giê-su khi còn tại thế, đã nói những lời tâm huyết để trấn an các môn đệ của Ngài: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”. (Ga 14, 1-4)

Biến cố thăng thiên đã được các thánh sử viết lại như một khẳng định chắc thực về việc Chúa Giê-su đã sống lại vinh hiển và đang ngự bên Chúa Cha. Biến cố này cũng cho thấy Chúa Giê-su đã hoàn thành trọn vẹn sứ mạng thiên sai mà Chúa Cha trao cho Ngài và nay Ngài trao lại cho Hội thánh sứ vụ của Ngài cho đến tận thế.

Trong ý nghĩ và trí tưởng tượng đơn sơ của mình, chúng ta có lẽ vẫn hình dung cảnh tượng Chúa “lên Trời” thật uy nghi, trang trọng. Có một không gian rực sáng, một thời khắc uy nghi, một bối cảnh đặc biệt, có những con người cụ thể được tận mắt chứng kiến biến cố xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý điều quan trọng này là khi “mô tả” sự kiện Chúa thăng thiên, các thánh sử quan tâm đến ý nghĩa và thông điệp của biến cố hơn là cố ý viết lại một tường thuật chi tiết tại chỗ. Chúng ta được mời gọi “đọc” các biến cố trong đức tin và “đón nhận” chân lý mạc khải trong sự sâu thẳm của mầu nhiệm.

LM Amédée Brunot S.C.J trong cuốn “Bàn Tiệc Khôn Ngoan” đã viết như sau: “Chúng ta đừng để trí tưởng tượng chi phối khi đọc tường thuật quá đơn giản như thế về Thăng Thiên. Đức Giê-su không phải là một nhà du hành vũ trụ, và Luca chẳng phải là một đặc phái viên đến núi cây Dầu để viết ký sự về chuyến bay vĩ đại. Cũng như các biến cố về Ngôi Lời nhập thể, biến cố Thăng thiên đã xảy ra trong âm thầm. Đây là một mầu nhiệm, nghĩa là một cử chỉ của Thiên Chúa mà giác quan ta không thể nhận thức và cũng không thể mô tả chi tiết…” [1]

Quả vậy, “Lên Trời” không có nghĩa là Chúa xa chúng ta về không gian và chúng ta mất Ngài về sự hiện diện.

Vì kể từ sau biến cố Phục sinh, “Đức Giê-su sống lại cũng chính là Đức Giê-su trước phục sinh: Ngài cũng ăn, cũng uống, cũng nói chuyện, Ngài cho thấy các vết đinh và chỗ bị lưỡi đòng đâm thâu. Và tuy vậy, Ngài cũng khác trước, Ngài đi lại một cách bất ngờ, Ngài ra vào như một tia sáng. Lần hiện ra cuối cùng của Ngài trên núi Cây Dầu là chứng cứ, đúng hơn là dấu khả giác về việc Ngài đi vào luôn mãi trong vinh quang của Cha, tức là trở về với điểm xuất phát của Ngài. Nhưng Ngài không trở lại nơi đó một mình, Ngài lôi kéo theo Ngài cả nhân loại, mặc dầu còn trong hy vọng, nhưng là một niềm hy vọng không lừa dối”. [2]

Khi các thánh sử tường thuật việc Chúa lên trời, các ngài muốn tái khẳng định niềm tin về Đức Ki-tô đã phục sinh, đã vinh thăng và nay đang sống.

Thánh Phao-lô cũng nhiều lúc đã mơ về “Quê trời” như chặng dừng chân cuối cùng và vĩnh viễn của cuộc đời tông đồ. Nhưng ngài không nói đến “một cõi mơ hồ nào đó” mà là bày tỏ ước mong được gặp Chúađược ở với Chúaở bên Chúa.

Thánh nhân đã chia sẻ như sau: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em” (Pl 1, 21-23). “Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5, 8).

Thiên Đàng hay Quê Trời chẳng giới hạn ở một “nơi”, một “chỗ” xa vời nào đó, mà chính là trạng thái thông hiệp yêu thương sống động, vì ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa (x. 1Ga 4, 7-21).

Trong buổi cầu nguyện với quần chúng ngày 21 tháng 7 năm 1999, Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II đã tạo nên vấn đề thời sự. Ngài nói: “Thiên đàng là một trạng thái sống (state of being) chứ không phải là một nơi chốn (place) theo nhận thức của ngôn ngữ loài ngườiNgài nói rõ thêmThiên đàng không phải là một khái niệm trừu tượng hay là một địa điểm cụ thể trong những cụm mây, nhưng là một lối sống, là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Kitô phục sinh, và hiệp thông với Chúa Thánh Thần”. Đối với giới truyền thông ngoài Công giáo, lời tuyên bố này quá bất ngờ vì đi ra ngoài nhận định về Thiên đàng của truyền thống. [3]

Như thánh Phao-lô đã từng ước muốn và tin tưởng thế nào, thì chúng ta cũng mong mỏi được về với Chúa, được ở bên Chúa. Những ai đã và đang tin yêu sẽ cảm nhận rằng hạnh phúc đích thực là sự gặp gỡ “mặt-giáp-mặt”, để yêu thương, để hiến thân, để trao ban, để nên một trong tình yêu vĩnh cửu và trong vinh quang bất diệt.

Lạy Cha, Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17, 24).

Thêm vào đó, thánh Gio-an cũng chia sẻ niềm xác tín và hy vọng thế này:

Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.

Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3, 2).

Một cõi đi về” của Ki-tô hữu sẽ không là chốn bất định và xa vời vợi. Đến một lúc nào đó, sự ra đi trở về với Cha của chúng ta sẽ đơn giản là một biến cố thăng hoa đổi mới, thật kỳ diệu, thật lạ lùng, nhưng âm thầm và sâu kín. Chính Chúa Ki-tô phục sinh vinh hiển sẽ đưa ta vào sự thông hiệp tuyệt vời trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, để hưởng sự sống vĩnh cửu. Trong Chúa Ki-tô, nhờ Chúa Ki-tô, với Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ được về ở mãi mãi với Thiên Chúa là cùng đích của cuộc đời mình ./. 

Aug. Trần Cao Khải

_________________

[1] A. Brunot SCJ – Bàn Tiệc Khôn Ngoan – Diễn giải Lời Chúa lễ Thăng Thiên năm A tập 1 trang 94-95 – Éditions Salvator – Mulhouse 1980
[2] A. Brunot SCJ – Sách và bài đã dẫn trang 95
[3] Thiên đàng ở đâu?, http://conggiao.info/thien-dang-o-dau-d-19636, truy cập 05/2020

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận