Bình minh của hy vọng

1285 lượt xem

Một buổi sáng tháng Năm, từ bầu trời những tia nắng ấm rực rỡ vui tươi như đẩy xa cái ảm đạm u buồn của đại dịch. Sau thánh lễ tại nhà nguyện, nhóm công tác xã hội gồm 13 thành viên vội vã lên đường tiến đến các giáo xứ nằm lưng chừng dãy Trường Sơn để tiếp tục chương trình “Quỹ tín dụng” và “Bác ái xã hội” còn dang dở vì đại dịch Corona-Vũ Hán. Cùng đi với chúng tôi lần này có Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo Phận Hà Tĩnh và vị sáng lập Hiệp Hội Đaminh Tin Mừng. Cả hai nhóm “Quỹ tín dụng” và “Bác ái xã hội” hoạt động đồng thời tại sáu giáo xứ sau: Thọ Vực, Khe Gát, Troóc, Khe Ngang, Bầu Sen, Bồng Lai,… thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Đức Cha Phaolô đến thăm và trao bò cho bà con tại giáo xứ Thọ Vực, hạt Ngàn Sâu (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Cuộc sống của người dân tại vùng núi non này vốn đã khó khăn, trận đại dịch Covid-19 càng làm cho thêm cơ cực. Chính vì vậy, Hiệp Hội Đa Minh Tin Mừng muốn dành ưu tiên cho vùng sơn cước, đồng thời luôn đề cao chương trình cho người dân vay vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm hay buôn bán nhỏ, lẻ. Theo lối nói của dân gian, Hiệp hội không chỉ muốn cho người nghèo con cá, mà muốn cung cấp những “chiếc cần câu” để họ có thể dần dần tự câu những con cá mà mình yêu thích. Trước đại dịch Corona-Vũ Hán, Quỹ tín dụng đã cho người nghèo vay vốn để nuôi khoảng 70 con bò và một ít gia cầm. Lần này, Quỹ tín dụng cho người nghèo cấp thêm số vốn 555.000.000 VNĐ cho các gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng số vốn tín dụng đó được phân phối như sau: Khe Gát 15 con, Bồng Lai 12 con và Bầu Sen 5 con.

Cha Tôma Võ Minh Danh, quản xứ Bàu Sen (hạt Nguồn Son, Quảng Bình), đến thăm tình hình chăn nuôi bò của bà con giáo dân trong Giáo xứ.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là giáo xứ Thọ Vực, không phải để cho vay vốn nhưng để thăm những gia đình đã được vay vốn trước đây và xem kết quả ra sao. Trên xe chúng tôi đã được các chị đi trước kể về đời sống cơ cực của người dân nơi đây: Họ phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và những đợt thiên tai, lũ lụt liên miên. Con người cứ phải oằn lưng làm lụng mà hoa màu thu về chẳng được bao nhiêu, chưa kể những năm thiên tai, mưa bão triền miên, mất mùa đói kém. Người trẻ rủ nhau vào Nam, ra Bắc hay lưu lạc nơi đất khách quê người vì kế sinh nhai. Người ở lại đại đa phần là những người lớn tuổi, trẻ em hay những gia đình không có điều kiện đi xa… nên đành phải bám đất, bám làng. Cái nghèo nơi đây quả thực làm chúng tôi nhói lòng. Đến nơi, chúng tôi được quý vị trong Ban Hành giáo dẫn tới thăm các gia đình được cho vay vốn từ lần trước. Khi hỏi thăm tình hình chăn nuôi, bà con hớn hở khoe “Bò lớn nhanh lắm Sơ ạ, chẳng mấy chốc sẽ có thêm bò con.”

Nhìn những gương mặt rạng rỡ của bà con, chúng tôi thấy lòng mình phấn chấn, bước chân có thêm động lực để đi tiếp. Chia tay Thọ Vực, Đoàn chia làm hai nhóm đến thăm các giáo xứ : Khe Gát, Khe Ngang, Đồng Tróoc, Bầu Sen, Bồng Lai… Dưới cái nắng gay gắt của vùng núi Truờng Sơn, mồ hôi và sự mệt mỏi đã hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Nhưng nỗi khát khao, mong mỏi được gặp gỡ những gương mặt của Chúa Giêsu nơi những anh chị nghèo khó đã tạo nên một niềm vui dạt dào. Tại những nơi này, chúng tôi quy tụ những gia đình được xét duyệt cho vay vốn, phổ biến cho bà con ý nghĩa của Quỹ tín dụng, cách thức làm hợp đồng và quy trình trả vốn. Qua việc cho vay vốn, chúng tôi cũng muốn giúp bà con biết liên đới với nhau, hỗ trợ và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm về chăn nuôi, đồng thời biết liên đới vơi nhau và nâng đỡ nhau về tinh thần. Trong lần cho vay vốn này, chúng tôi bắt đầu nhắm tới một số gia đình lương dân hầu mang tình yêu của Chúa đến cho họ.

Trao quỹ tín dụng cho người dân tại Giáo xứ Bồng Lai (hạt Nguồn Son, Quảng Bình).

Thế đó, dù sự đóng góp của Quỹ tín dụng còn khiêm tốn, nhỏ bé so với nhu cầu bao la của người dân nghèo nơi những vùng núi xa xôi, hiểm trở này, lòng chúng tôi vẫn dấy lên niềm vui vì ít nhất đã thắp lên một ánh sáng: giữa biển người nghèo khó, đã có một số gia đình được trợ giúp và hy vọng với sự cần cù chăm sóc của người dân, bò sẽ mau lớn và đem lại lợi nhuận cho họ trong một tương lai gần.

Ước mong có thêm các nhà hảo tâm hỗ trợ để quỹ ngày một phát triển và nhiều người nghèo sớm thoát cảnh được bữa sáng lo bữa tối, đời sống vật chất được cải thiện, nhờ đó phẩm giá của họ được nâng cao.

Ban truyền thông Hiệp hội Đaminh Tin Mừng

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận