Bài giảng của ĐGM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong Thánh Lễ Trao Tác Vụ Linh Mục 2021

1866 lượt xem

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP TRONG THÁNH LỄ TRAO TÁC VỤ LINH MỤC 2021

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

1- Chúng ta vừa chấm dứt năm cũ 2020, một năm đầy tai ương và hoạn nạn với nhiều thất bại, đau thương và chết chóc. Thật vậy, chưa bao giờ nhân loại phát triển về khoa học kỹ thuật, y tế, kinh tế và truyền thông như ở thời đại chúng ta. Rất nhiều điều mà, đối với các thế kỷ trước đây, chỉ là câu chuyện viễn tưởng như xe hơi không tài xế, máy bay không người lái, đổ bộ lên cung trăng, du hành trên không trung, thám hiểm sao hỏa… ngày nay đang trở thành hiện thực. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lãnh vực sản xuất, vận tải, dịch vụ, truyền thông, giáo dục, y tế… mở ra các chân trời mới, rộng mênh mông. Các sáng tạo đột biến, đột phá, đột khởi nối tiếp nhau xuất hiện và đang chấp cánh cho con người bay cao vào những chân trời viễn mơ. Có người còn cho rằng giai đoạn con người “đội đá vá trời” có lẽ cũng không còn xa!

Nhưng, đột ngột, Corona Vũ Hán xuất hiện. Một con virus bé tiu tiu, không nhìn thấy và vô thừa nhận chào đời. Hình như những quan chức có trách nhiệm chẳng muốn khai báo nguồn gốc và gia tộc đích thức của nó, nên tạm gọi nó là Covid-19. Tuy nhiên, chính cái con bé tí hon, xấu xí và vô thừa nhận đó đã đảo lộn hành tinh và làm cho dòng chảy đang nhanh đến chóng mặt của nền kinh tế thị trường, bỗng dưng phải chững lại và tụt dốc trở về hệ số âm. Thật vậy, Covid-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu lớn nhất trong lịch sử.

Nghiệt ngã hơn, chính cái con virus yếu ớt đó đã sát hại khoảng 1.800.000 người và đã làm cho 83 triệu người khác bị lây nhiễm. Nhiều chuyên gia tuyên bố chắc chắn như đinh đóng cột rằng trận đại dịch này sẽ tàn phá và hủy diệt châu Phi. Oái ăm thay, Hoa Kỳ, một nước rộng mênh mông, trù phú, dồi dào cả về tài nguyên thiên nhiên, lẫn khoa học kỹ thuật, kinh tế, quân sự và con người lại trở thành một nước có số người tử vong và bị nhiễm cao nhất thế giới!

Chỉ vài tháng trước khi Covid-19 xuất hiện, người ta vẫn xác quyết rằng không thể nào làm chậm vòng quay của thế giới phẳng, thế giới tối tân, thế giới toàn cầu hóa. Thế nhưng, đột ngột, con bé vô hình và xấu xí đó đã bắt mọi sự phải chững lại. Thế vận hội bị hủy bỏ, nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng cũng bị hủy bỏ hay chỉ họp trực tuyến, rất nhiều hoạt động và lễ hội mừng Năm Mới cũng đành phải hoãn đến năm sau. Ngay cả nhiều đại lễ tôn giáo cũng không thể thực hiện do biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội.

Không kèn không trống, chính con Covid-19 đang sắp xếp lại mọi sự, theo kiểu cách của nó. Các công dân thời đại toàn cầu hóa, kẻ trước người sau, phải hủy bỏ các chương trình du lịch, du ngoạn, dạ tiệc, hội hè đình đám, mua sắm … Dù muốn hay không, các công dân tự do của thời đại mới đành phải chấp nhận hủy các chuyến du lịch đã đăng ký và ngoan ngoãn trở thành những “tù nhân tự nguyện ép buộc” trong chính căn nhà hay khu phố của mình. Thật bi đát!

Nhưng, nhìn từ một góc độ khác, khi người dân bị giãn cách, ít di chuyển, ít sử dụng  phương tiện giao thông thì cũng tiêu thụ ít nguyên liệu. Nhờ đó thành phố giảm ô nhiễm, kênh rạch trong xanh hơn. Khi giới hạn hội hè, tiệc tùng, du lịch, du khảo… thì phải chăng vợ chồng có nhiều thời giờ hơn cho nhau? Con cái cũng tập sống nhiều hơn trong gia đình, cùng với bố mẹ và những người thân yêu.

Trên mức độ toàn cầu, phải chăng Covid-19 cũng đang giúp con người ý thức được sự “bình đẳng trần trụi” của kiếp người trước cái chết! Có lẽ, trong thời hiện đại, chưa bao giờ, người dân ở các nước giàu phải trực diện với cái chết như hiện nay. Thần chết như rình rập khắp nơi. Nỗi sợ xâm chiếm mọi người, bất phân biệt màu da, phái tính, giàu nghèo. Phải chăng, vô hình trung, Covid-19 đang giúp con người cảm nhận một cách sâu xa sự mong manh, bấp bênh của thân phận làm người. Một số người nhờ đó đã quay về với đời sống tâm linh, biết suy nghĩ và thao thức về chung cuộc của cuộc đời. Nhiều câu hỏi mang tính tôn giáo xưa nay bị lãng quên, bỗng dưng trở thành nhức nhối: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, rồi một mai tôi sẽ trở về cát bụi? Nhưng khi cát bụi hoàn nguyên thể, tôi cũng chỉ là cát bụi hay sẽ tiếp tục được chấp cánh bay cao về quê hương Vĩnh Phúc như Đức Kitô từng hứa hẹn?

Như thế, không hẹn mà hò, biết đâu Covid-19 đã đến đúng lúc để giúp con người khám phá sự thật thứ 2: không những ý thức về cái chết, mà còn về tình người, sự liên đới, đồng trách nhiệm và mối quan tâm đến ngôi nhà chung. Từ thuở xa xưa, cha ông chúng ta đã kêu gọi: Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn. Hôm nay, theo ngôn ngữ của thời toàn cầu hóa, ta cần quan tâm đến ngôi nhà chung hay chiếc thuyền nhân loại.

2- Trong Sứ điệp ngày Hòa Bình Thế Giới lần 54 (1-1-2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh đến Văn hoá quan tâm trong đời sống các Kitô hữu. Theo Ngài, “các Kitô hữu đầu tiên đã thực hành việc chia sẻ, để không ai trong số họ phải túng thiếu. Họ đã cố gắng làm cho cộng đoàn trở thành một ngôi nhà thân thiện, cởi mở với mọi hoàn cảnh của con người, sẵn sàng chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất. Vì thế họ có thói quen dâng tặng vật phẩm để nuôi người nghèo, chôn cất người chết, và nuôi trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của các tai hoạ, chẳng hạn như nạn đắm tàu”.

Để vượt qua khủng hoảng hôm nay, chúng ta cũng phải ra khỏi cái tôi ích kỷ để quan tâm bảo vệ phẩm giá và thăng tiến con người. “Bởi vì nói đến con người là luôn nói đến tương quan, chứ không phải chủ nghĩa cá nhân; là khẳng định việc bao gồm, chứ không loại trừ, là nói đến phẩm giá độc nhất và bất khả xâm phạm, chứ không phải chỉ khai thác. Mỗi nhân vị là một cứu cánh tự thân, chứ không bao giờ đơn thuần là một công cụ chỉ được đánh giá theo tính hữu dụng của nó. Con người được tạo dựng để sống với nhau trong gia đình, trong cộng đồng và trong xã hội, nơi mọi người đều bình đẳng về phẩm giá. Chính từ phẩm giá ấy mà phát sinh các quyền lợi cũng như bổn phận của con người”.

Đức Thánh Cha đặc biệt yêu cầu chúng ta quan tâm đến ngôi nhà chung. Mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế sẽ đạt được mục đích trọn vẹn khi phục vụ cho công thiện, công ích. Chính vì vậy, các kế hoạch và nỗ lực của chúng ta phải luôn lưu ý đến tác động của chúng đối với toàn thể gia đình nhân loại, bằng cách cân nhắc các hậu quả của chúng không những đối với hiện tại, mà còn đối với các thế hệ tương lai.

Đối diện với văn hóa tiêu thụ, việc đề cao lợi nhuận, hiệu năng, mà lãng quên hiện tượng bị loại trừ và tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng bên trong mỗi nước, cũng như giữa các quốc gia, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả các nhà lãnh đạo cố gắng đưa ra một hướng đi chung cho tiến trình toàn cầu hoá, “một hướng đi thực sự mang tính nhân văn” và “văn hóa quan tâm”.

Để hình thành nền văn hóa quan tâm này, cần phải có tiến trình giáo dục.

* Giáo dục sự quan tâm bắt đầu từ gia đình, nơi đó chúng ta học cách sống yêu thương, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, nhà nước cần cung cấp gia đình những điều kiện để thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng và thiết yếu này.

* Nhà trường, các tổ chức xã hội và truyền thông cần hợp tác với gia đình để truyền đạt một hệ thống giá trị dựa trên sự nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, mỗi cộng đồng ngôn ngữ, sắc tộc và tôn giáo.

* Các tôn giáo nói chung và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói riêng đóng một vai trò không thể thay thế trong việc truyền đạt các giá trị liên đới, tôn trọng sự khác biệt, thái độ đón nhận và quan tâm đến những anh chị em yếu kém nhất.

3- Các Phó tế thân mến, các con được hân hạnh không những là tân linh mục đầu tiên của giáo phận Hà Tĩnh, mà còn là những tân linh mục sẽ hoạt động mục vụ trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid này. Cha ước mong rằng các con luôn cố gắng xây dựng nền văn hóa quan tâm và đường hướng giáo dục quan tâm, một nền giáo dục cởi mở và bao gồm hơn, có khả năng lắng nghe, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau. Cha sẽ vui mừng và hạnh phúc biết bao, nếu trên mảnh đất vốn khô cằn này, lại luôn bị thiên tai lẫn nhân tai tàn phá, cộng thêm tác hại thảm họa môi trường do Formosa Vũng Áng gây nên… vẫn nở rộ những bông hoa văn hóa quan tâm và mục vụ dịu dàng, đầy tính nhân văn và thấm đậm Tin Mừng cứu độ.

Xin Thiên Chúa cho các con biết nhận diện những “dấu chỉ thời đại” để đáp ứng kịp thời lời mời gọi của Thánh Linh và nhu cầu của thời đại. Ước mong các con luôn sáng suốt “gạn đục khơi trong” theo truyền thống dân tộc. Đặc biệt, cần tâm niệm lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: “Đừng dập tắt Thần Khí. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa”.

Cuối cùng, xin Thiên Chúa chúc lành cho các con. Xin Ngài luôn tươi nét mặt trên các con và đồng hành với các con trên con đường sứ vụ. Xin Ngài giúp các con luôn can đảm đứng về phía những người nghèo, những người bị áp bức, bị thua thiệt, bị gạt ra bên lề xã hội

Theo truyền thống tốt đẹp, trong ngày lễ đặc biệt kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Quan Thầy Giáo phận, với tư cách Giám mục giáo phận một lần nữa cha kính dâng lên Đức Mẹ tất cả các thành viên của giáo phận, giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân. Đặc biêt, trong ngày hạnh phúc này, xin Mẹ nhận 14 Tân Linh mục khóa đầu tiên của giáo phận Hà Tĩnh như một lễ vật tinh tuyền.

Nguyện xin Đức Mẹ là Mẹ Đức Kitô và là Mẹ chúng ta, chúc lành cho giới trẻ của giáo phận, những người trẻ đang hiện diện ở đây, cũng như tất cả các em đang sống xa quê hương. Xin cho các em, bất chấp mọi gian nguy, khổ đau, trắc trở của cuộc đời, luôn sống xứng đáng với danh nghĩa những người con yêu của Mẹ Maria và Mẹ Việt Nam. Amen.

+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận