Các Giáo hội cử hành Ngày Quốc tế Di cư và Tị nạn

1041 lượt xem

Chúa nhật 26/9/2021, Ngày Quốc tế Di cư và Tị nạn lần thứ 107, với chủ đề “Hướng đến một ‘chúng ta’ luôn mở rộng hơn”, được gợi hứng từ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong thông điệp Fratelli tutti: “Cuối cùng không còn ‘những người kia’, mà chỉ có một ‘chúng ta’” (Fratelli tutti, 35). 

(Chiến dịch của Toà Thánh cho Ngày Quốc tế Di cư và Tị nạn)

Chiến dịch của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện

Trong tinh thần này, trong nhiều tháng qua, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã phát động một chiến dịch truyền thông tập trung vào chủ đề đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn. Trong video của chiến dịch, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta được kêu gọi để cùng nhau ước mơ, đừng ngại mơ ước, cùng nhau ước mơ như một nhân loại duy nhất, những người bạn đồng hành trên cùng hành trình, là những người con của chính mảnh đất này, là ngôi nhà chung của chúng ta, tất cả là anh chị em”.

Ngoài ra, trong video này còn có những lời chứng của hai thiếu nữ người Venezuela đến Colombia với hành trang đầy bất an nhưng cũng không thiếu những ước mơ. Hiện nay, cả hai đang tham gia một khóa học cắt may, đã giúp họ có đủ can đảm và bắt đầu lại.

Một trong hai thiếu nữ nói: “Chúng tôi, những người di cư luôn lo sợ trước điều mới lạ, những thứ chúng tôi chưa bao giờ biết đến và chúng tôi không biết mình sẽ làm như thế nào. Nhưng giờ đây tôi thực sự tin rằng chúng ta không nên sợ những gì chúng ta chưa biết. Tôi muốn nói rằng chúng ta đừng ngại ước mơ”.

Một thiếu nữ khác nói: “Cùng nhau, tất cả chúng ta đều có thể có một tương lai, bởi vì chúng ta đều là anh chị em. Tôi tin rằng con đường mà chúng ta đang đi đều giống nhau, bởi vì Chúa có một mục đích riêng cho mỗi người. Tôi thấy chúng ta có thể sống trong một ngôi nhà chung, như anh em, chia sẻ trong bình an và hạnh phúc, hòa thuận với nhau”.

Giáo hội Peru yêu cầu chính phủ thực hiện chính sách và đảm bảo nhân quyền cho người di cư

Đối với các Giáo hội địa phương, hưởng ứng Ngày Quốc tế Di cư và Tị nạn, một số Hội đồng Giám mục đã có những chương trình, những dự án hoặc kêu gọi chính phủ quan tâm hơn đối với người di cư.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Giám mục Peru viết: “Chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách thực hiện các chính sách di cư hoàn chỉnh và công bằng đảm bảo nhân quyền cho người di cư. Do đại dịch, thế giới tiếp tục gia tăng mức chênh lệch kinh tế và xã hội. Ở Peru, đại dịch đặc biệt ảnh hưởng đến người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn, những người có chất lượng cuộc sống và khả năng tiếp cận các quyền như sức khỏe, lương thực và công việc bấp bênh. Trẻ em và người già là thành phần phải trả giá nhiều nhất cho tình trạng này”.

Sau đó, các Giám mục Peru nhắc lại một số dữ liệu: đại dịch đã tác động mạnh đến 280 triệu người di cư và 82,4 triệu người phải di dời trên thế giới, và còn hàng ngàn người phải di dời trong nước. Tất cả những người này cần được nâng đỡ để họ có thể “giữ niềm tin, hòa nhập, tôn trọng và làm giàu cho các cộng đồng quảng đại tiếp nhận họ”.

Các Giám mục khẳng định: “Chúng tôi liên đới với hàng ngàn người di cư thuộc nhiều quốc tịch đang có mặt tại đất nước chúng ta, đặc biệt hàng trăm ngàn người di cư Venezuela. Chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách thực hiện các chính sách di cư hoàn chỉnh và công bằng để đảm bảo nhân quyền cho những người phải di cư”.

Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha, Giáo hội Công giáo Peru kêu gọi xã hội “nỗ lực hết sức để phá bỏ những bức tường ngăn cách chúng ta và xây dựng những nhịp cầu ủng hộ văn hóa gặp gỡ”, nhằm “vượt qua nỗi sợ hãi và nhờ đó chúng ta được phong phú bởi sự đa dạng”.

Các Giám mục kết thúc bằng lời cầu nguyện hướng đến Thánh Gia Nazareth, “gia đình di cư và tị nạn ở Ai Cập”, để “chúng ta có thể hình thành một chúng ta vĩ đại hơn bao giờ hết”. (CSR_6459_2021)

(Người tị nạn) 

Ngày 25/9 Giáo hội Pháp khánh thành “Nhà Bakhita”, trung tâm đón tiếp người di cư

Tại Pháp, vào thứ Bảy ngày 25/9, Giáo phận Paris khánh thành “Nhà Bakhita”, trung tâm đón tiếp người di cư.

Trung tâm được lấy tên của thánh Giuseppina Bakhita, nữ tu dòng Canossian đến từ Nam Sudan. Bakhita sinh năm 1869, từ bé đã là một nô lệ, nhưng nhờ nỗ lực vươn lên không ngừng đã được trả tự do, trở thành nữ tu, và được phong thánh vào năm 2000.

Theo thông tin từ Giáo phận Paris, “Nhà Bakhita” muốn đóng góp vào việc trợ giúp người di cư, cung cấp một cuộc sống huynh đệ. Trong ngày khai trương, tại Trung tâm đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ và hội thảo nhằm giải thích mục đích của Trung tâm; cách thức đồng hành với các giáo xứ trong việc chăm sóc mục vụ cho người di cư; việc đào tạo các tình nguyện viên. Trong ngày này, Trung tâm cũng khai trương một xưởng may để giúp người tị nạn hòa nhập xã hội, các sáng kiến nhằm giảm khoảng cách xã hội của họ thông qua tiếp cận kỹ thuật số và đồng hành hướng tới việc làm. Ngoài ra còn có một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Ngôi nhà chung”, và trình chiếu một bộ phim tài liệu về hiện tượng này do Giáo phận Paris thực hiện.

Dự án “Nhà Bakhita” được khởi động vào năm 2018 để đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong việc chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập người di cư, vì đây là “nghĩa vụ của công lý, văn minh và liên đới”. Cơ sở được xây dựng với sự tham gia của khoảng 40 trung tâm đối tác, 50 người di cư và khoảng một trăm tình nguyện viên. (CSR_6453_2021)

(Người tị nạn) 

Giáo hội Ailen yêu cầu chính phủ giải quyết nhanh đơn xin tị nạn

Về phần Giáo hội Ailen, trong những ngày vừa qua, Đức cha Denis Nulty, Chủ tịch Ủy ban chăm sóc mục vụ người di cư thuộc Hội đồng Giám mục đã đưa ra một tuyên bố, trong đó yêu cầu chính phủ tôn trọng cam kết chào đón người di cư và tị nạn.

Đức cha nhấn mạnh ngày cử hành này là một cơ hội để suy tư về cách chúng ta, quốc gia của một thế giới phát triển, đối xử với anh chị em, những người đến bờ biển của chúng ta để tìm kiếm sự giúp đỡ và nương náu. Suy tư này, càng đúng hơn khi chúng ta đang bước ra từ đại dịch Covid-19, phải đảm bảo cho những người dễ bị tổn thương không bị bỏ lại phía sau.

Đức cha nhấn mạnh đến sự chậm trễ trong việc xử lý các đơn xin tị nạn và bảo trợ quốc tế. Thực tế, hơn 5 ngàn người đang phải chờ đợi với một thời gian trung bình hơn hai năm. Đức cha hy vọng “một Ailen chào đón”, có khả năng “đón nhận và đối xử với những người di cư và tị nạn” như đã xảy ra gần đây với những người chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi Taliban trở lại nắm quyền.

Chủ tịch Ủy ban chăm sóc mục vụ người di cư kết luận: “Chính phủ phải đảm bảo mọi thứ có thể được thực hiện để cải thiện cuộc sống của những người đến bờ biển của chúng ta tìm nơi trú ẩn hoặc làm việc. Người tị nạn và người di cư là những người có thể và muốn đóng góp cho Ailen. Tài năng của họ có thể giúp xây dựng một cộng đồng rộng lớn hơn với tất cả những lợi ích của sự đa dạng, trao đổi văn hóa và tiến bộ”. (CSR_6447_2021)

(Người tị nạn) 

Giáo hội Hoa Kỳ kêu gọi đối xử nhân đạo đối với người di cư Haiti

Ngược đãi, lạm dụng, hạn chế tiếp cận các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, ngủ nghỉ: đây là thực tế đáng kinh ngạc của một số lượng lớn người di cư tại biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico. Hầu hết họ là người đến từ Haiti, phải chạy trốn khỏi quê hương do bạo lực lan rộng và bất ổn chính trị sau vụ giết hại nguyên thủ quốc gia, Jovenel Moise, hôm 7/7; trận động đất mạnh tấn công trong ngày 14/8 và 5 ngày sau đó trận bão đã tàn phá khu vực này. Trong khi đó, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã đóng biên giới và đẩy nhanh các thủ tục trục xuất người di cư, đồng thời gia tăng các chuyến bay đến Haiti.

Trong một tuyên bố chung, Ủy ban Di cư thuộc Hội đồng Giám mục, do Đức cha Mario Dorsonville đứng đầu, và Tổ chức Bác ái Công giáo quốc gia, do sơ Donna Markham điều phối nhấn mạnh rằng: “Đây là một sự kiện bi thảm: Trục xuất nhanh chóng, phủ nhận thực tế của việc di cư bắt buộc, không tính đến trách nhiệm được quy định trong luật pháp quốc gia và quốc tế, và làm trầm trọng tính dễ bị tổn thương của những người bị áp dụng luật. Đây không phải là những dấu ấn tốt của một hệ thống nhập cư công bằng, trật tự và nhân đạo. Là một Giáo hội phục vụ toàn thể dân Chúa, chúng tôi đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô trong việc chào đón người mới đến và đồng hành với họ mọi lúc mọi nơi”.

Trong bối cảnh của Ngày Quốc tế Di cư và Tị nạn, tuyên bố viết tiếp: “Thật buồn khi phải chứng kiến sự khinh miệt nhân phẩm như vậy. Xét cho cùng, khi đối diện với người di cư, chúng ta mới thấy khuôn mặt của Chúa Kitô”.

Từ đây, Ủy ban Di cư và Tổ chức Bác ái Công giáo quốc gia kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ “đánh giá lại cách đối xử của họ đối với người di cư Haiti và tất cả những người đang ở biên giới Hoa Kỳ – Mexico, những người sẽ đối mặt với tình trạng đe dọa tính mạng nếu bị đuổi về nước và có thể bị phân biệt đối xử nếu bị trục xuất sang các nước thứ ba”.

Tuyên bố kết luận: “Chúng tôi cầu nguyện cho những người di cư này và cho tất cả những người tìm kiếm sự an toàn, để họ được bảo vệ và có cơ hội sống an bình xứng nhân phẩm do Chúa ban cho”. (CSR_6421_2021)

(Người tị nạn) 

Ngọc Yến – Vatican News

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận