LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Lời Chúa: Dnl. 8, 2-3.14b-16a; 1Cr. 10, 16-17; Ga. 6, 51-58
———
1. Tấm bánh nhiệm mầu (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)
2. Chất Kitô (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)
3. Bàn tiệc hiệp thông (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)
4. Bữa ăn tình liên đới (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
5. Mầu nhiệm hiệp thông (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)
6. Dấu chỉ sự sống (Lm. Vũ Đình Tường)
7. Qùa tặng tình yêu (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
8. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Jorathe Nắng Tím)
9. Xác bồn chồn hồn héo hon (Trầm Thiên Thu)
10. Suy niệm chú giải Lời Chúa-CN Lễ Mình Máu Thánh Chúa (Lm. Inhaxio Hồ Thông)
Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên
Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: khi linh mục chủ sự thánh lễ lặp lại lời Chúa Giêsu đã nói trong bữa tiệc ly: Này là Mình Thày, này là Máu Thày…. thì Chúa Thánh Thần tác động làm cho bánh thành Mình Thánh Chúa và rượu thành Máu Thánh Chúa. Tuy vậy, nếu nhìn bằng con mắt thể lý, trước và sau lời “truyền phép” này, bánh và rượu vấn y nguyên, không có gì thay đổi. Thánh Thể là mầu nhiệm của đức tin, nghĩa là chỉ cảm nhận bằng đức tin, như chúng ta vẫn hát trong bài Ca Thánh Thể (Tantum ergo): “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Sau lời truyền phép, linh mục chủ sự thánh lễ cũng tuyên bố với cộng đoàn phụng vụ: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, như lời khẳng định: chỉ có đức tin mới nhận ra sự biến đổi tự bản thể của bánh và rượu. Thánh Thể chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa trần gian. Tấm bánh đơn sơ là thế, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, trở nên Tấm Bánh Nhiệm Màu đối với các Kitô hữu.
Đây là Tấm Bánh Nhiệm Màu vì có Chúa Giêsu hiện diện. Suốt bề dày lịch sử của dân riêng, tức là dân Do Thái, Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với họ. Ngài ở bên họ để chúc lành, hướng dẫn. Sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài là niềm tự hào của dân được tuyển chọn. Ông Môisen đã nói với người Do Thái: “Anh em hãy xem, có dân nào được các vị thần linh ở gần như Thiên Chúa ở gần chúng ta không?”. Sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa còn thể hiện qua việc Ngài nuôi dưỡng họ trong hành trình sa mạc. Ông Môisen (Bài đọc I) đã nhắc lại những lần Chúa làm phép lạ để nuôi dưỡng dân Ngài: manna, chim cút, nước tử tảng đá…
Nếu trong lịch sử, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài qua các biểu tượng như đám mây, cột lửa, sấm sét… thì hôm nay, Chúa Giêsu lại đang hiện diện giữa Giáo Hội và giữa trần thế qua Thánh Thể. Công đồng Tridentinô đã khẳng định: Trong Bí tích Thánh Thể, có trọn vẹn mình và máu, thiên tính và nhân tính, linh hồn và thân xác của Đức Giêsu. Để giữ lời hứa: “Này đây, Thày sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Qua Thánh Thể, Chúa ở giữa chúng ta để chia sẻ phận người, nhất là đối với những người đau khổ và bất hạnh, những người cô thế cô thận và bị gạt ra bên lề của cuộc sống. Chúa hiện diện để lắng nghe nỗi lòng của chúng ta, đồng thời ban lời hướng dẫn, giúp chúng ta vượt lên những khó khăn vất vả trên đường đời. Thánh Thể không phải là một hình ảnh tượng trưng, mà là chính sự hiện diện của Chúa Giêsu.
Thánh Thể được gọi là “Bí tích” và là một trong bảy bí tích do Chúa Giêsu thiết lập. “Bí” là khía cạnh bí nhiệm, vô hình, thiêng liêng; “Tích” là khía cạnh hữu hình, có thể cảm nhận bằng giác quan. Khi lãnh nhận Thánh Thể trong thánh lễ hoặc khi “chầu” Mình Thánh, chúng ta chỉ thấy một tấm bánh đơn sơ, đó là khía cạnh “tích” mà chúng ta cảm nhận, còn khía cạnh “Bí” thì vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng đức tin.
Là Tấm Bánh Nhiệm Màu, Thánh Thể ban sức sống thần thiêng cho các tín hữu. Khi rước lễ, người tín hữu được hiệp thông với Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng sức sống thần linh. Nói cách khác, nhờ Thánh Thể, chúng ta đón nhận sự sống của chính Thiên Chúa, được kết nối với Ngài, như cành nho đón nhận sức sống từ thân nho để sinh hoa kết trái. Không chỉ được tiếp sức sống trong cuộc đời hiện tại, Thánh Thể còn là bảo đảm cho chúng ta được sống đời đời. Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Do Thái về đề tài “Bánh hằng sống”. Chúa Giêsu đã khẳng định: Bánh hằng sống là chính bản thân Người. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Việc lãnh nhận bánh hằng sống giúp cho người tín hữu kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.
Tấm Bánh Nhiệm Màu cũng nối kết các tín hữu thành một thân thể. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (Bài đọc II). Thật là huyền diệu! Thánh Thể liên kết các tín hữu và làm cho họ trở nên những người thân thiết, đến nỗi được so sánh như những chi thể của một thân thể, cùng chung chia vui buồn và cùng cảm thông nâng đỡ nhau. Như vậy, nhờ Thánh Thể, không còn ai là người xa lạ, nhưng đều là anh chị em với nhau trong gia đình Giáo Hội, để cùng nhau liên kết làm nên vẻ đẹp của tình mến và tình hiệp thông.
Ta hãy đến thờ lạy Tấm Bánh Nhiệm Màu với đức tin và với tình yêu mến. Ta hãy tuyên xưng: đây là Bí tích của tình yêu, vì qua Bí tích này, Chúa Giêsu hiến mình nên của ăn của uống cho con người. Sống mầu nhiệm Thánh Thể, chính là thực hiện tình yêu, cụ thể qua những nghĩa cử chia sẻ, hy sinh vì hạnh phúc của tha nhân, noi gương Đấng đã hy sinh và hiến mình vì chúng ta.
Lm. Jos DĐH.
Trong tương quan xã hội, khi giao dịch làm ăn: chất lượng, uy tín, bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu cho mỗi cá nhân gia đình. Bước vào lãnh vực nghệ thuật: mấy ai đặt tiêu chí thế nào là đỉnh cao, đâu là trình độ thưởng thức thấp, nhỏ, bởi vì tác giả nào chẳng muốn “sinh ra” sản phẩm để đời của mình cho hậu thế. Từ xa xưa cha ông ta đã có khái niệm: bản chất tự tin làm nên giầu mạnh, tính chất cần cù kiên nhẫn góp phần làm nên xinh đẹp, và tình đoàn kết dân tộc tạo nên tính anh hùng cho đất nước, quê hương phong phú rạng ngời. Hiểu biết và áp dụng trong đời, thiết tưởng là chí lý rồi, ấy vậy mà qua các thời đại, xã hội vẫn phải cảnh giác những đối tượng khác thường: thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ liều mình cố thây.
Ngày hôm nay, xã hội lưu ý nhiều đến chất bổ dưỡng: thực phẩm sạch, đồ ăn thức uống mang đến ích lợi cho xác hồn, nhằm đáp ứng nhu cầu khoẻ mạnh, sống vui, sống hạnh phúc, sống trường thọ… Đức Giêsu hôm xưa, Ngài nói tới của ăn không những ngon, bổ, khoẻ, mà còn bảo đảm trường sinh bất tử, của ăn mang “Chất Kitô”, là chất yêu thương, được ban phát cho muôn dân thiên hạ. Nếu bậc sinh thành cho rằng: cha mẹ hiền để đức cho con ; cha anh hùng, con hảo hán, thì đúng là các ngài đã hết tình hết mình để lại phúc đức, để lại “một tài khoản” tốt nhất cho con cháu rồi. Đức Giêsu rất mực chân thành, cùng với mức độ quả quyết thật mạnh mẽ về chất Kitô: “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để thế gian được sống”.
Theo quy luật tự nhiên: cơm bánh là lương thực nuôi xác, bạc vàng là của cải nhằm mang lại cảm giác được sung túc ở trần gian, nhưng người biết thực hành đức yêu thương, mới có sự sống đời đời. Qua việc ăn uống, Đức Giêsu nối kết một của ăn tồn tại muôn đời, đó là “chất Kitô”. Đức Giêsu nói lên điều hệ trọng hơn: “nếu các ngươi không ăn thịt Con Người, các ông không có sự sống nơi mình các ông”. Từ việc tổ tiên ăn Manna ở Samạc, Đức Giêsu dẫn dắt đến việc ăn bánh trường sinh từ trời ban phát. Từ việc cơm bánh nuôi thân xác ở đời này, Đức Giêsu hướng nhân loại đến của ăn mang lại sự sống đời đời, đó là “chất yêu thương” thực sự được sẻ chia.
Xưa kia, hiện tại và tương lai, nhân loại đã từng tìm kiếm hạnh phúc, vẫn đang hành động bác ái, vẫn không hề lùi bước trước mọi khó khăn, phức tạp. Kinh nghiệm của dân gian: dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Hẳn việc tìm kiếm của ăn đem đến hạnh phúc, mang lại sự sống đời đời, sẽ còn thôi thúc con người qua dòng thời gian, cho dù lập trường không vũng chắc, dễ ngả nghiêng vì chất bổ dưỡng thân xác và chất Kitô khác hoàn toàn ! Đức Giêsu trước những con người đáng thương hơn là đáng trách, Ngài kiên nhẫn khi giải thích: “như Cha Hằng Sống đã sai tôi, nên tôi sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta cũng sẽ sống nhờ tôi”. Vững tin vào Đấng từ trời nói về “chất Kitô” để được sống đời đời, hay tìm kiếm của ăn vật chất để được thế gian là tuỳ tự do của mỗi người.
Trong bài thờ “Dại Khờ” của Xuân Diệu, rất đáng để ta suy gẫm:
Người ta khổ vì thương không phải cách,
yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
người ta khổ vì xin không phải chỗ …
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất !
Đức Giêsu đã đến từ trời, đã chia sẻ phận người với nhân trần, Ngài ban phát bánh trường sinh, giải thích, nhẫn nại, đợi chờ từng tâm hồn, từng thế hệ, tin và đón nhận niềm tin hoặc sống niềm tin, luôn tuỳ thuộc mỗi người. Ăn gì để được khôn ngoan sáng suốt, uống gì để hết khát, có sức khoẻ, đâu là thực phẩm sạch, an toàn, ngày hôm nay, đúng là nhân loại vẫn không ngừng tìm kiếm ! Đấng từ trời là Đức Giêsu, Ngài vẫn đang hiện diện, vẫn đang nói: “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống, … Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống muôn đời”. Chất Kitô, sẽ mãi mãi là tình yêu, là sự sống, bao lâu con người còn dửng dưng thờ ơ, Đấng từ trời và những ai thuộc về đoàn chiên của Ngài còn phải dấn thân trước sứ mạng “yêu thương” nặng nề hơn nữa ! Sức mạnh và tình yêu của “chất Kitô”, sẽ mãi là hiện thực, nơi quyền năng của Đấng yêu thương nơi mỗi tâm hồn người môn đệ theo Đức Ktiô. Amen.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Lễ vượt qua cuối cùng là điều mong ước của Chúa Giêsu sớm thực hiện. Lễ vượt qua là một bữa tiệc hiệp thông khởi sự từ Chúa và tiếp tục lan tỏa tới người đồng bàn.
Chúa Giêsu tâm điểm của bàn ăn hiệp thông.
Một bữa ăn bắt đầu từ việc tiếp khách vào bàn tiệc. Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, như chủ nhà đón tiếp khách quý đến dự là các môn đệ. Chúa đã nói với các môn đệ: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15).
Là bạn hữu nghĩa là một người bạn thân tình với Chúa kể cả Giuđa Iscariot. Một tình bạn tuyệt vời, Chúa luôn trung tín trong tình bạn đó, dù con người có bội tín như thế nào chăng nữa. Chúa luôn giữ tình bạn, chủ động mời bạn hữu vào bàn tiệc hiệp thông với Chúa. Giuđa đã chọn một lối khác, không cùng một hiệp thông nơi bàn ăn.
Các môn đệ ở lại dù chưa biết chuyện gì xảy ra, chỉ nghe Thầy nói những điều khác lạ với bữa tiệc vượt qua truyền thống. Người cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.
Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Hình ảnh người tôi trung đau khổ có lẽ lại xuất hiện trong tâm trí của các môn đệ. Rồi đây các ngài cũng sẽ hiệp thông với Chúa trong tất cả những đau khổ như thế. Phúc âm nói đến lời di chúc của Chúa Giêsu “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Môt tình yêu hiệp thông trong lúc vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc cũng như khi đau khổ. Hiệp thông trong tình yêu là gánh vác đời nhau, là đóng đinh chết cho người mình yêu.
Nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Từ sau bữa tiệc hiệp thông, các diễn tiến của tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu xảy ra. Những lúc ngoài bàn tiệc mới thấy rõ con người yếu đuối của mình. Lúc vui vẻ bên bàn tiệc có thể thề non hẹn biển nhưng lúc nguy khó có thể đánh mất lời thề ước kia. Qua những lúc thử thách, sau này các môn đệ đã nhận ra: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1, 2- 3).
Hai môn đệ trên đường Emmau cũng cho thấy, thiếu đi bàn tiệc hiệp thông là thiếu đi ý nghĩa cuộc sống. Tin mừng diễn tả nỗi buồn của hai môn đệ trên đường về quê. Họ tường thuật câu chuyện cho người khách lạ như là một sự kiện buồn của họ. Rồi họ được nghe giải thích Thánh Kinh, nhận ra Chúa lúc bẻ bánh. Họ vui mừng, một niềm vui thúc đẩy trở lại Giêrusalem để gặp lại các môn đệ khác. Nỗi buồn của ngày không được hiệp thông trong bàn tiệc trong những giãn cách vì Virus Vũ Hán là một kinh nghiệm.
Thánh lễ online cũng không thể thay thế cho Thánh lễ cộng đoàn được. Sống hiệp thông cùng với Chúa và cùng với anh chị em trong cộng đoàn Thánh Thể, là kết nối mang chiều kích Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu. Trong niềm tin tôi tin và chúng tôi tin, Giáo Hội hướng tới trong bàn tiệc viên mãn ở Nước Trời khi bàn tiệc tại thế hoàn tất.
Hiệp thông nơi bàn tiệc Thánh Thể nhờ Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Đó là bàn tiệc mọi người được nếm trước bàn tiệc muôn đời do chính Thiên Chúa thết đãi.
Xin cho chúng con được tham dự bàn tiệc muôn đời trong Nước Chúa.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Xã hội hôm nay nhiều gia đình đang thèm bữa cơm gia đình. Vì công việc, vì thời giờ mỗi người khác nhau nên nhiều bà mẹ chẳng muốn nấu cơm, vì có ai ăn đâu mà nấu! Nhưng từ ngày dịch bệnh xảy ra, đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội, nhiều gia đình đã tìm lại được niềm vui bên bữa cơm gia đình. Một chị nội chợ nói rằng: từ ngày kết hôn đến nay, đây là khoảng thời gian đầu tiên gia đình chị duy trì ba bữa cơm trong một ngày có đầy đủ mọi người. Không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc vô cùng. Một anh chồng thì thú nhận: “Những bữa cơm gia đình trong thời gian chống dịch Covid-19 giúp vợ chồng tôi thấy cần phải thay đổi lại bản thân, sống có trách nhiệm hơn với bố mẹ, con cái và bạn đời của mình. Thời gian này ngồi ăn cùng với mẹ, tôi nhận ra bà không ăn được cơm mà chủ yếu ăn cháo vì răng rụng gần hết. Cái mẹ cần nhất không phải là những đồ ngon, đồ bổ mà tôi nỗ lực kiếm tiền mua về cho mẹ ăn, mà là được ngồi ăn cơm cùng với con cháu hàng ngày. Với con cái cũng vậy, ngồi ăn chung với các con, tôi nhận ra lâu nay mình thật vô tâm với chúng. Chắc chắn từ giờ về sau, tôi sẽ thay đổi để về ăn cơm với mẹ và vợ con nhiều hơn”.
Ăn uống là chuyện rất bình thường nhưng đừng để mất đi bữa ăn chung trong gia đình. Qua bữa ăn đó chúng ta quan tâm lẫn nhau. Nơi bữa ăn chúng ta ân cần hỏi nhau: về sức khỏe, về niềm vui hay những lo âu , những gánh nặng trong cuộc sống. Đó là nơi chúng ta chia sẻ cho nhau qua việc gắp cho nhau miếng ăn ngon, và mời gọi nhau: “Nào, ăn thêm đi, uống thêm đi! “. Đó là nơi chúng ta kể chuyện mới, ôn chuyện cũ, là nơi êm đềm và hạnh phúc đến nỗi ngườixưa bảo rằng: “Trời đánh cũng tránh miếng ăn”. Bàn ăn cũng luôn đủ chỗ cho mọi người. Khi có khách viếng thăm ai cũng niềm nở nói rằng: chỉ là “thêm đũa thêm chén” cho vui. Vì điều quan yếu của bữa ăn chính là sự liên đới tình người. Liên đới của những người cùng chung một nhà. Liên đới với những người thân thuộc. Có liên đới mới ở bên nhau trong bữa ăn. Có tình liên đới mới ngồi chung với nhau quanh bàn ăn.
Bữa ăn thật thấm đượm tình người mà Nguyễn Minh Tâm đã nói rằng:
“Bữa cơm – ta ngỡ chuyện bình thường
Nhưng đó sum vầy đủ yêu thương
Ông bà – bố mẹ cùng con cháu
Ấp áp quây quần tình thơm hương”.
Hôm nay chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong một bữa ăn và như một bữa ăn, nhờ đó chúng ta được liên kết, được gắn bó mật thiết với Chúa và với nhau. Bởi vì, ai ăn Tấm Bánh và uống Chén Rượu đã được Ngài biến đổi nhờ quyền năng Thánh Thần, người ấy nên một với Ngài. Nên một trong sự sống thần linh của Thiên Chúa để trở thành một gia đình của Thiên Chúa.
Đồng thời khi trao ban chính Thánh Thể làm của ăn cho nhân loại, Ngài đã hoàn toàn qui hướng về cái chết và sự phục sinh của Ngài: Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
Như vậy, mỗi khi cử hành thánh lễ, Giáo hội diễn lại sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, diễn lại mầu nhiệm ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Vì thế, dù dưới khía cạnh một bữa ăn, hay dưới khía cạnh một hy tế, bí tích Thánh thể vẫn mãi mãi là một bí tích của tình yêu, bởi vì hy tế thập giá chính là cao điểm của tình yêu cứu độ, như lời Đức Kitô đã phán:
– Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Bởi đó, sống thánh lễ là phải tiêu diệt tính ích kỷ, sự chia rẽ và tất cả những gì đối nghịch với tình yêu của Đức Kitô và tình yêu của anh em đồng loại. Sống thánh lễ là sống tình hiệp nhất để cùng ăn, cùng uống một tấm bánh, một chén rượu thì cũng phải nên một với nhau trong Đức Ky-tô.
Vì thế, nếu thánh lễ là một bàn tiệc thì chúng ta sẽ thiếu sót to lớn khi chúng ta đến tham dự thánh lễ mà lại không để ý, không quan tậm tới người khác, cũng như không muốn chung tiếng chung lòng với nhau để tham dự một cách tích cực và sốt sắng. Quả là không bình thường khi bầu khí thánh lễ thiếu vắng tình huynh đệ, thiếu vắng sự hòa hợp, thiếu vắng sự vui tươi.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn trân trọng sự hiện diện bên nhau qua bữa ăn gia đình. Xin cho bữa ăn nơi các gia đình mãi lan tỏa tình liên đới hiệp nhất và bình an. Và xin cho bàn tiệc Thánh Thể nơi các xứ đạo luôn thể hiện tình hiệp nhất và bình an của đại gia đình Thiên Chúa.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
Hôm nay, chúng ta cử hành trọng thể lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi). Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy niệm về bí tích Thánh Thể. Trong bài đọc II, thánh Phaolô trình bày về bí tích Thánh Thể như là mầu nhiệm “hiệp thông”: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? ” (1 Cr 10, 16).
1. Ý nghĩa hiệp thông
Hiệp thông có nghĩa là kết hợp, trao đổi và chia sẻ. Đây là nguyên tắc nền tảng của sự chia sẻ: mọi sự của anh là của tôi và mọi sự của tôi là của anh. Chúng ta thử áp dụng nguyên tắc này vào sự hiệp thông của bí tích Thánh Thể để khám phá ý nghĩa cao cả của sự hiệp thông này.
Theo nguyên tắc trên, điều tôi có thể chia sẻ là những gì nếu không phải là sự khốn cùng và tội lỗi. Điều Chúa Giêsu có là gì nếu không phải là sự thánh thiện, sự hoàn hảo của các nhân đức. Như thế, những gì tôi dành cho Chúa Giêsu là tội lỗi và sự nghèo khó của tôi, và những gì Người ban tặng cho tôi chính là sự thánh thiện và muôn vàn ơn phúc của Người.
Trong mầu nhiệm này, “một sự trao đổi nhiệm lạ” (admirabile commercium) hay là “sự chuyển đổi tuyệt vời” được thực hiện như phụng vụ diễn tả. Chúng ta nhận thấy có những kiểu hiệp thông khác nhau. Một trong những sự hiệp thông có tính thân mật và đặc trưng nhất đó là chia sẻ thức ăn mà chúng ta dùng với nhau. Khi chúng ta ăn thức ăn như cơm bánh, thịt cá, rau quả vào trong chúng ta, chúng trở thành nguồn dinh dưỡng, năng lượng và sức mạnh cho chúng ta, thành xương thịt trong cơ thể chúng ta. Nhờ quá trình tiêu hóa và biến đổi này, thức ăn trở nên giống chúng ta và nên một với chúng ta.
2. Nên một với Chúa
Ở trong bí tích Thánh Thể, có điều gì đó tương tự như thế xảy ra khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể như là của nuôi linh hồn chúng ta. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu giới thiệu rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời… vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 51-56).
Ở đây, Chúa Giêsu trở thành bánh hằng sống, Mình và Máu Người trở thành của ăn nuôi dưỡng chúng ta.
Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy quan sát những gì xảy ra trong thế giới tự nhiên liên quan đến thức ăn nuôi dưỡng. Những sinh vật cấp cao hơn ăn và tiêu hóa những sinh vật cấp thấp hơn. Cây cối ăn khoáng vật; con vật ăn cây cỏ. Cả trong mối tương quan giữa Chúa Kitô và con người cũng theo quy luật này.
Tuy nhiên, nơi bí tích Thánh Thể, lương thực không chỉ là một cái gì, mà là một Con Người sống động, là chính Thiên Chúa. Vì thế, ở đây có sự khác biệt so với các lương thực vật chất; khi tiếp nhận thức ăn, chúng ta tiêu hóa chúng và làm cho chúng trở thành máu thịt của chúng ta. Còn khi tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa không bị biến đổi thành chúng ta, nhưng chúng ta được biến đổi và nên giống Người. Một nhà vô thần duy vật chất nói rằng: “Bạn cho tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ cho biết bạn là ai.” Dù không biết gì về Thánh Thể, người này đã cho chúng ta một định nghĩa hoàn hảo về Thánh Thể. Nhờ Thánh Thể, con người thực sự trở thành điều mình ăn tức là thân thể Chúa Kitô. Chúng ta được kết hợp và nên một với Người. Đây là sự hiệp thông gần gũi, thân mật và kỳ diệu nhất trong các sự hiệp thông.
3. Nên một với tha nhân
Chúng ta hãy đọc phần còn lại bản văn của thánh Phaolô: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 17).
Rõ ràng trong trường hợp thứ hai này từ “thân thể” không còn quy chiếu về thân thể Chúa Kitô được sinh ra từ Đức Maria, nhưng quy chiếu về “tất cả chúng ta, ” nghĩa là muốn nói đến một thân thể vĩ đại của Chúa Kitô, tức là Giáo Hội. Thánh Augustinô gọi đó là “Đức Kitô toàn thể (total Christ) gồm chính Người và Giáo Hội. Điều này muốn nói rằng sự hiệp thông Thánh Thể cũng chính là sự hiệp thông ở giữa chúng ta với nhau, giữa con người với con người. Khi cùng ăn một tấm bánh và uống chung một chén rượu, chúng ta sẽ trở nên một thân thể mầu nhiệm trong Đức Kitô. Chúng ta được nên một với nhau nhờ việc hiệp thông với Chúa Kitô và ngược lại.
Điều gì sẽ xảy ra từ đây? Chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Kitô nếu chúng ta chia rẽ lẫn nhau, nếu chúng ta thù ghét nhau; hay nếu chúng ta không sẵn sàng hòa giải cho nhau. Nếu chúng ta xúc phạm đến người anh em mình, thánh Augustinô khuyên rằng: “Nếu bạn đã phạm tội bất công chống lại người anh em, rồi đi rước lễ như là không có gì xảy ra, có thể khi đó bạn tràn đầy lòng yêu mến trước Chúa Kitô, khi đó bạn giống như một người gặp một người bạn đang đến với mình, người bạn đó khá lâu rồi anh không gặp. Anh chạy đến với người bạn đó, anh đưa tay choàng lên cổ và hôn người bạn mình. Nhưng đang khi làm như thế, anh đồng thời đá vào người đó bằng mũi dày đinh nhọn.”
Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy rằng: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24).
Tha nhân chính là hiện thân của Chúa Kitô. Trong ngày lễ Corpus Christi, chúng ta được mời gọi để khám phá sự mù lòa của mình khi đánh mất khả năng nhận biết tha nhân, nhất là những người nghèo là hiện thân của Chúa Kitô, tệ hơn khi hình thành một lối sống vô cảm và vô can trước cuộc sống.
Đây cũng là điều xảy ra với Thiên Chúa. Con người ngày hôm nay tìm kiếm Thiên Chúa trong vũ trụ bao la hoặc trong thế giới nguyên tử; họ tranh luận suốt ngày về một Thiên Chúa tạo dựng thế giới này. Họ tiếp tục chất vấn: “Thiên Chúa ở đâu? ” Nhưng họ không ý thức rằng Người ở với chúng ta và quả thật Người trở thành của ăn và của uống để nên một với chúng ta cách thân mật nhất nơi Thánh Thể. Thật đáng buồn khi nhắc lại lời của thánh Gioan Tẩy Giả: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1, 26b).
Chính vì thế, lễ Mình Máu Thánh Chúa được thiếp lập và cử hành chính xác là để giúp người Kitô hữu ý thức về sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta và để minh chứng cho điều mà thánh Giáo Hoàng Phaolô II gọi: “Sự diệu kỳ của Thánh Thể.” Amen!
Lm Vũđình Tường
Thân thể con người cần được chăm sóc, bảo vệ. Nếu lơ là, coi thường, hậu quả thật khó lường trong tương lai. Tư tưởng muốn thay đổi một phần cơ thể do ảnh hưởng xã hội. Tư tưởng này được cổ võ bởi nhóm chuyên sửa sắc đẹp và phẫu thuật làm đẹp. Yêu quí sắc đẹp là điều tốt, cần cổ võ. Mục đích chính của ngành sửa sắc đẹp là kinh doanh, là lợi nhuận. Chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ là điều tốt lành, đáng khuyến khích. Hiện nay hầu như quốc gia nào cũng có trụ sở ‘Hồng Thập Tự’. Một số quốc gia tránh dùng chữ này nên dùng chữ khác nhưng cùng chung mục đích: bảo vệ sự sống con người. Hồng Thập Tự được sáng lập năm 1863 bên Thuỵ Sĩ để giúp nạn nhân thiên tai, chiến tranh và bệnh dịch.
Phụ huynh thương yêu con cái và cung cấp cho chúng những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống về các phương diện sức khoẻ, tâm lí và tâm linh. Phụ huynh có khả năng cung cấp sự an toàn cho con cái và mang lại sự an vui trong cuộc sống của chúng. Họ còn muốn làm tốt hơn cho con cái, nhưng không thể cung cấp những gì ngoài khả năng. Một trong những điều đó là vấn đề bảo đảm đời sống tâm linh. Những ai tin tưởng vào Đức Kitô thường phó dâng cuộc sống của cái, người thân cho Đức Kitô và mẹ Maria coi sóc. Làm như thế vì họ tin tưởng Đấng Toàn Năng có khả năng, sẵn sàng bảo vệ người thân họ.
Con người có thể hiến máu mà không bị tổn hại đến sức khoẻ, trái lại việc hiến máu còn mang lại sự sống cho người khác. Thân nhân có thể hiến một mắt, tặng một trái thận khi còn sống. Việc hiến tặng một bộ phận cơ thể cho người khác đòi người cho phải chết đi mới có để hiến tặng. Đức Kitô cũng theo cách này; chết đi để trao tặng nhân loại sự sống. Đức Kitô yêu thương nhân loại đã tự hiến chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn nuôi dưỡng tâm linh con người. Ngài diễn tả việc đó dưới hình bánh rượu – Bí Tích Thánh Thể. Chính Ngài phán:
‘Tôi là bánh gằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống’ Gn 6, 51.
Điều này không những ây tranh luận và còn tạo bất mãn trong số những người nghe. Họ đặt vấn đề Đức Kitô có khả năng làm điều Ngài phán dậy chăng? . Số khác đi xa hơn, không những chỉ trích điều Đức Kitô phán dậy mà còn phân tích và chỉ trích ngôn từ Đức Kitô dùng. Họ nói ‘Lời gì nghe chói tai thế, ! ai mà nghe nổi c.60’. Lối suy nghĩ này hiện nay vẫn tồn tại. Hai niềm tin đối nghịch nhau. Nhóm một tự tin vào khả năng con người, tin là càng ngày càng tiến bộ về mọi mặt, nên con người có khả năng tự cứu mình. Nhóm hai tin là con người dù tài giỏi đến đâu cũng phải đầu hàng trước bí ẩn của sự chết. Đi về đâu sau khi chết. Con người đầu hàng trước sự sống trường sinh. Họ hướng về Đức Kitô. Tin vào điều Ngài giảng dậy. Họ tin là mọi sự Thiên Chúa toàn năng đều có thể thực hiện, bao gồm cả việc cho kẻ chết sống lại, cho linh hồn sống an vui muôn đời. Đây không phải là tin hão huyền. Niềm tin này đặt trọng tâm vào Đức Kitô Phục Sinh, hứa ban cho những ai tin tưởng, yêu mến Ngài. Đón nhận ‘Mình và Máu’ Đức Kitô là liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Kitô dùng từ ‘Bánh và rượu’ chỉ về thân thể và máu Người đổ ra trên thập giá. Thân thể Ngài bị tra tấn, da rách, thịt nát, máu trào ra, vương vãi, tương tự như tấm bánh bị bẻ ra, li rượu trao tay, chia sẻ cho người cùng bàn ăn.
Cha mẹ diễn tả tình yêu của mình cho con cái bằng cách làm việc cho con có nhà ở, của ăn, thức uống, học hành. Biến lao nhọc, mồ hôi thành thực phẩm và điều cao quí nhất là tình yêu, lòng mến. Con cái không hiểu được việc biến đổi này. Chúng nhìn thấy nhưng không hiểu, không giải thích được việc biến đổi đó. Đức Kitô cũng liên kết thân thể rách nát của Ngài trên thập giá là hình ảnh Bánh Trường Sinh, và chén cứu độ Ngài ban. Ngài chết để cho ta được sống. Ngài sống lại ban cho ta sự sống trường sinh. Khi chúng ta tham dự Bí Tích Thánh Thể, chúng ta liên kết Thánh Thể và Thập Tự của Đức Kitô là một thực thể không thể chia lìa, phân cách. Hai sự việc diễn tả một hành động: Tình yêu Đức Kitô dành cho Kitô hữu. Ngày nay cử hành Bí Tích Thánh Thể chính là làm sống lại hành động xưa Đức Kitô đã hy sinh trên thập tự. Lập lại việc chính Đức Kitô đã thực hiện trong bữa Tiệc Li; làm sống lại đoạn đường thương khó của Đức Kitô, cái chết và sự sống lại Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Đây là niềm tin của các Kitô hữu. Chúng ta cầu nguyện mỗi khi tham dự Bí Tích Thánh Thể hình ảnh bữa Tiệc Li và hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh luôn sống trong tâm hồn chúng ta.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, trong cuộc sống, cũng có những người dám hy sinh một phần thân thể của mình, tặng mắt, tặng thận hoặc tặng một phần máu để cứu người khác. Một bà mẹ đã chia sẻ: Khi được gợi ý tặng các cơ phận của đứa con trai bà, cậu bị tai nạn giao thông, đã hôn mê sâu không còn cơ hội cứu sống, đó là điều khó chấp nhận. Nhưng sau khi trao đổi với chồng, hai người đã đồng ý. Các cơ phận trong cơ thể của con bà đã đem lại hạnh phúc cho nhiều người khác: Một người được thay giác mạc, một thanh niên được thay tim, và người khác được cứu sống nhờ trái thận của con bà. Bà cảm thấy đó là những món quà quý giá và ý nghĩa nhất mà con bà để lại cho đời. Cách đây hơn hai ngàn năm, đã có một người, không chỉ tặng một phần máu hoặc một cơ phận nào đó cho người khác, mà là trao tặng toàn bộ, trọn vẹn con người của mình, để cho người mình yêu được cứu sống. Người ấy có tên là Giêsu. Đức Giêsu vì yêu thương nhân loại và vì muốn ở lại với nhân loại mãi mãi và muốn ở trong trái tim, tâm hồn người mình yêu, Chúa đã trao tặng chính máu thịt mình làm của ăn của uống cho nhân loại.
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Mình và Máu Chúa Kitô, nhắc lại cho chúng ta về món quà hết sức đặc biệt mà Chúa Giêsu trao tặng cho nhân loại. Đây không phải một món đồ lưu niệm treo trong phòng, nhưng là món quà sống động, đem lại sự sống cho người đón nhận.
Thánh Phaolô trong thư gửi cộng đoàn Corintô đã trình bày sự sống động của món quà là Mình và Máu Chúa: Mình và Máu được trao ban không phải là một miếng thịt, một ly huyết tửu, mà là trọn vẹn cả con người, sự sống của Chúa Giêsu và cũng là trọn vẹn cả Thiên Chúa. Khi đón nhận Mình và Máu Chúa, chúng ta đón Chúa đi vào trong thân xác và trong tâm hồn. Thịt máu ấy sẽ trở thành chất dinh dưỡng nuôi sống cả thể xác và linh hồn, đồng thời tăng cường sức mạnh giúp ta có thêm sức để chiến đấu chống lại ma quỷ và tội lỗi và là năng lượng giúp cho hành trình về quê trời. Khi đón nhận Mình Máu Chúa, không chỉ Chúa Giêsu đi vào trong tâm hồn ta, nhưng chúng ta được đi vào trong Thiên Chúa, được dự phần, được thông hiệp với Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: “Khi ta nâng chén chúc tụng… là ta dự phần vào Máu Chúa Kitô. Khi ta cùng bẻ Bánh… là ta dự phần vào Thân Thể Người… Tất cả chúng ta, tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. Khi tất cả chúng ta cùng ăn một Bánh, cùng uống một Chén, chúng ta làm nên thân thể Chúa Kitô, tức là cùng nhau làm nên sự hiệp nhất, duy nhất. Như vậy Mình và Máu của Chúa Giêsu là món quà sống động nối kết chúng ta với Thiên Chúa và liên kết chúng ta nên một với nhau.
Chúa Giêsu cho biết món quà mà Ngài ban tặng cho nhân loại là món quà từ trời. Trong bài giảng về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban, chính là thịt tôi để cho thế gian được sống”.Khi nói những điều này với người Do Thái, họ đã không dễ dàng để đón nhận. Khi nói đến bánh bởi trời, người Do Thái chỉ nghĩ tới Manna trong sa mạc, nuôi tổ tiên họ suốt bốn mươi năm.
Sách Đệ Nhị Luật cho thấy, Môsê hướng người Do Thái đến một ý nghĩa khác hơn khi đón nhận Manna từ trời. Ông nói với họ, Thiên Chúa ban Manna sau khi đã huấn luyện và thử thách lòng trung tín của Israel. Môsê cũng đã nhìn thấy rất xa về việc Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại một thứ lương thực đặc biệt hơn sau này, đó là loại lương thực “Anh em và cha ông anh em chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng, người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Để minh chứng cho việc Thiên Chúa nuôi dân bằng lời do miệng của Ngài, Môsê còn nhắc cho dân Israel nhớ lại rằng lời của Chúa có sức giải thoát dân Israel và cứu họ khỏi những gian lao thử thách bên Aicập cũng như trong hoang địa. Lời Chúa vừa là lương thực vừa là sức mạnh cho Israel.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho người Do Thái thấy rằng Manna được Chúa ban trong sa mạc vẫn chỉ là bánh vật chất. Bánh đó chỉ đáp ứng cho nhu cầu của thân xác, giải quyết cái đói. Bánh đó không đem lại sự sống cho linh hồn. Vì thế, ăn bánh đó vẫn phải chết. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu nói cho người Do Thái biết rằng, Ngài sẽ ban cho họ một thứ Bánh đặc biệt, Bánh này không chỉ đáp ứng nhu cầu thân xác, nhưng Bánh này còn có sức mạnh nuôi sống linh hồn và bảo đảm cho sự sống đời đời.
Chúa Giêsu nói rõ hơn về Bánh bởi trời được Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại là chính con người của Ngài. Ai đón nhận Ngài vào tâm hồn, ai ăn Ngài, sẽ đón nhận được sự sống đời đời. Bánh này vừa là quà tặng của Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại, vừa là quà tặng của chính Đức Giêsu: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”. Món quà này của Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại hết sức độc đáo, đặc biệt, mà không có ai trong nhân loại có thể nghĩ ra và có thể làm được như thế. Trao ban máu thịt cho nhân loại, Chúa Giêsu đã trao ban cả con người, sự sống, cả linh hồn, thân xác và bản tính Thiên Chúa của Ngài cho nhân loại. Điều này có nghĩa là Chúa trao tặng cách trọn vẹn, không còn giữ lại gì cho riêng bản thân. Ngài chấp nhận hoàn toàn trở nên món quà trong tay con người, để cho con người sử dụng.
Khi ban chính máu thịt cho nhân loại, Chúa Giêsu không gây sốc cho con người. Ngài không trao tặng món quà như một thân xác bị phân thây, máu me be bét, nhưng Ngài lại khôn ngoan và kỳ diệu khi biến máu thịt của mình trở nên hình bánh hình rượu, trở nên của ăn phổ thông cho con người dễ dàng đón nhận. Bánh và rượu là của ăn căn bản của mọi người, mọi dân tộc. Bánh và rượu là thứ lương thực không thể thiếu trong cuộc sống con người. Lương thực này cũng là nguồn cung cấp dưỡng chất căn bản cho cơ thể con người. Nhưng quan trọng hơn, lương thực là Mình Máu Chúa dưới hình bánh và rượu được trao tặng là thứ lương thực không thể thiếu của linh hồn. Ai ăn bánh và uống rượu thánh này, thì được bảo đảm cho một đời sống linh hồn khỏe mạnh, một sức đề kháng cực tốt, có thể ngăn chặn và đẩy lùi những virus độc hại và những căn bệnh do ma quỷ và tội lỗi gây ra.
Tuy nhiên, những người nghe Chúa Giêsu đã không vượt qua được cái nhìn vật chất, đầu óc họ không chịu mở ra để đón nhận những mạc khải về đời sống siêu nhiên, nên họ bị trói buộc theo cái nhìn phàm trần. Vì vậy, khi Chúa nói đến việc trao ban máu thịt làm của ăn, của uống: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống nơi mình”, họ không chấp nhận: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” mặc dù Chúa đã giải thích bằng nhiều cách, ai ăn thịt và uống máu Ngài thì có sự sống đời đời, được ở lại trong Ngài và được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu”. Đức Giêsu đã yêu thương nhân loại và yêu từng người chúng ta. Ngài đã trao tặng cho chúng ta món quà quý giá và ý nghĩa nhất, đó là chính Người, máu thịt của Ngài làm của ăn của uống để nuôi dưỡng và tăng sức cho chúng ta trên hành trình trần thế. Như đã nói, món quà này không phải là đồ lưu niệm, nhưng là món quà sống động, đem lại sự sống cho nhân loại. Vì thế khi trao tặng, Chúa Giêsu muốn chúng ta đón nhận Ngài cách chủ động, tích cực, để cho Ngài đi vào trong cơ thể con người và thấm sâu vào linh hồn mỗi người. Mình Máu Chúa sẽ là dưỡng chất, sự bồi bổ, tăng lực, tăng đề kháng giúp chúng ta chống trả ma quỷ, tội lỗi và cám dỗ, và thêm sức để ta có thể đi trọn hành trình trần thế.
Đón rước Mình và Máu Chúa, không chỉ Chúa ở lại trong chúng ta, mà chúng ta được ở lại trong Chúa, như con cái ở trong vòng tay cha mẹ. Vì thế, khi rước Chúa vào tâm hồn, đưa Chúa về gia đình, Chúa sẽ tiếp tục ở với mỗi thành viên trong gia đình. Chúa không ở như người khách, nhưng Chúa sẽ ở với các gia đình trong tư cách là Chúa, là Chủ gia đình đồng thời cũng là thành viên trong gia đình, để chia sẻ, trợ lực cho mọi lo toan của các gia đình.
Xin Chúa cho chúng ta được vượt qua cái nhìn tự nhiên để nhìn thấy Chúa đang hiện diện thật sự và sinh động trong Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng ta được luôn xác tín và chạy đến tâm sự với Chúa như với người bạn, để được Chúa nâng đỡ an ủi khích lệ cả khi vui và lúc buồn, khi lo âu cũng như khi thành đạt. Amen.
Jorathe Nắng Tím
Đói là thử thách đáng sợ, là tai ương khủng khiếp của con người. Cứ nhìn những em bé gầy giơ xương, mới năm bẩy tuổi mà già như ông cụ chỉ vì đói, những thước phim ghi lại cảnh đói năm 1945 ở miền bắc Việt Nam với hơn một triệu người chết la liệt, chết co quắp, chết nhăn nhó tang thương vì đói đã làm rùng mình, kinh sợ. Bởi là người ai cũng sợ sống mà thiếu ăn; làm người, ai cũng hãi sống mà phải đói, cũng như không mấy người dám nghĩ đến cảnh phải chết đói, để phải thành “ma đói” dưới âm phủ. Chẳng thế mà người ta vẫn giữ tục lệ dành cho tử tội trước khi bị hành quyết được ăn một bữa no nê, để khỏi phải làm người chết đói.
Thời Cựu Ước, dân Do Thái những năm tháng trong sa mạc, trên đường từ Ai Cập về Đất Hứa đã thấm thiá cái đói của đoàn người lữ hành “thiếu thốn” trên hành trình dằng dặc dài và gian khổ. Trong những ngày đói ăn đó Thiên Chúa Giavê đã nuôi họ bằng manna từ trời như sách Đệ Nhị Luật đã ghi lại lời của Môsê nói với dân: “Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,3).
Thiên Chúa Giavê đã nuôi dân Ngài bằng manna là lương thực nuôi thân xác. Không của ăn, dân sẽ chết lả vì đói; không nước uống, dân sẽ chết khô vì khát, và Thiên Chúa đã chăm sóc, nuôi nấng dân Ngài, không để họ phải chết vì đói khát trong sa mạc. Nhưng Thiên Chúa còn muốn đi xa hơn, muốn làm nhiều hơn cho con người, khi ban cho con người lương thực thiêng liêng, lương thực ban sự sống đời đời, lương thực mà ai ăn sẽ không còn đói, và nguồn nước, ai uống sẽ không còn khát. Lương thực ấy chính là Mình và Máu Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã được chính Đức Giêsu mặc khải: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Khi ban cho con người Mình và Máu, Đức Giêsu Thiên Chúa cho chúng ta được thông hiệp vào chính Thân Thể của Ngài, được kết hiệp với Chúa Cha, được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 6,56-57). Đồng thời, chúng ta cũng được thông hiệp với anh em, khi ăn thịt và uống máu Con Thiên Chúa, vì tất cả đều là chi thể của một Thân Thể Đức Giêsu, như thánh Phaolô đã khẳng định: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13).
Như thế, Mình và Máu Đức Giêsu không chỉ nuôi sống linh hồn và ban cho chúng ta sự sống đời đời, mà còn cho chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp thông với anh em. Chính nhờ kết hiệp với Thiên Chúa mà chúng ta được sống đời đời, và nhờ hiệp thông với anh em mà chúng ta trở thành chi thể sống động, chi thể yêu thương của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội.
Qủa thế, nếu manna đã được Thiên Chúa ban để nuôi dân riêng trong sa mạc, thì Mình và Máu Đức Giêsu là lương thực được Thiên Chúa ban để nuôi Giáo Hội, dân mới của Thiên Chúa, “bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17).
Chính Thánh Thể quy tụ, hiệp nhất, xây dựng, nuôi sống Giáo Hội, nên không có Giáo Hội, nếu không có Thánh Thể. Một Giáo Hội thiếu Thánh Thể, một Giáo Hội không yêu mến Thánh Thể, không tìm về Thánh Thể là nguồn tình yêu, ân sủng, sức sống sẽ là một Giáo Hội “không có Đức Giêsu”, không hiệp thông, không hiệp nhất, không sinh sôi nẩy nở, vì là một Thân Thể “không đầu”, cạn kiệt sức sống, chết lả, khô héo.
Trước những phong trào cải cách không muốn tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, không chấp nhận sự hiện diện đích thực và sống động của Đức Giêsu trong Mình Máu thánh, như đám đông người Do Thái ngày xưa đã phẫn nộ la ó phản đối khi nghe Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55), ngay cả các môn đệ cũng có người cho những lời Ngài nói khó nghe qúa và từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa (Ga 6,66), chúng ta, những người Kitô hữu, giữa một thế giới không còn muốn tin, trong lòng một xã hội muốn triệt hạ và loại bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ khó tránh khỏi những cám dỗ “nghi ngờ mầu nhiệm Thánh Thể”, và chỉ coi Thánh Thể như một biểu tượng, một biểu trưng mang tính hình thức, chứ không là Mình và Máu thật của Đức Giêsu, Thiên Chúa.
Chúng ta cũng bị cám dỗ hời hợt với Thánh Thể, khi không nhận ra Thánh Thể chính là Tình Yêu của Thiên Chúa, nên không thể đón nhận Thánh Thể với trái tim rực lửa hận thù, rước Mình Máu Chúa với lòng dạ ganh ghét, kiêu căng, ích kỷ, bởi Tình Yêu đòi hiệp nhất, hiệp thông, trao ban, chia sẻ như Mình Máu thánh đã được hiến dâng để làm nên một dân tộc mới hiệp nhất với Đức Giêsu, Thiên Chúa và hiệp thông với mọi người như các chi thể của một Thân Thể duy nhất.
Thực vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và sáng kiến tình yêu của Ngài luôn độc đáo, táo bạo, kỳ diệu mà bí tích Thánh Thể là một trong những sáng kiến đó, để ở lại và nuôi dưỡng linh hồn chúng ta một cách thực sự và sống động cho đến tận thế.
Mừng lễ Mình Máu thánh Chúa, chính là dịp sống lại lòng suy tôn Thánh Thể và yêu mến Thánh Lễ, ở đó tất cả chúng ta là Giáo Hội được quây quần, hiệp nhất nên một trong một tấm Bánh, một Thân Thể mầu nhiệm là Đức Giêsu.
Trầm Thiên Thu
Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi với Mùa Sáng, chúng ta cầu xin trong ngắm thứ năm: “Xin cho được năng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.” Tất nhiên cũng hiểu ngầm là tình trạng linh hồn phải thực sự xứng đáng.
Con người có hai phần: xác và hồn. Thân xác cần lương thực để duy trì sự sống và phát triển, linh hồn cũng vậy, và còn cần hơn nữa. Lo cho phần xác mà nhếch nhác phần hồn thì không chỉ hại chính mình mà còn làm cho Chúa buồn. Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh, tương tự, nếu xác bồn chồn thì hồn héo hon là điều chắc chắn.
Con người rất cần lương thực – kể cả động vật và thực vật. Chiến tranh không ngừng cũng chỉ vì giành nhau miếng cơm, manh áo. Để duy trì sự sống, người ta cần có lương thực – một phần thiết yếu. Tuy nhiên, ngày nay người ta phải cảnh giác cao độ vì các loại thực phẩm nhiễm độc vì các hóa chất, đặc biệt là thực phẩm của Trung cộng, loài quỷ đỏ đang bị cả thế giới tẩy chay. Do đó, càng văn minh thì người ta càng quan ngại về thực phẩm, nghĩa là càng cần sự an toàn về thực phẩm. Ngày xưa người ta nghèo nhưng không lo về thực phẩm, hầu như an toàn tuyệt đối: không chất bảo quản, không tẩm thuốc, không hóa chất,…
Để hỗ trợ dân nghèo vì nhân đạo, Liên Hiệp Quốc đã thành lập tổ chức FAO (Food and Agriculture Organization – Tổ chức Lương Nông) ngày 16-10-1945 tại Canada. Tổ chức này nhằm 3 mục đích chính: 1) Nâng cao mức sống và mức dinh dưỡng của nhân dân các nước thành viên; 2) Nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực và nông sản; 3) Góp phần vào việc phát triển kinh tế thế giới và giải phóng nhân dân khỏi nạn đói. Trên logo của FAO có 2 chữ “Fiat Panis” (La ngữ) – nghĩa là “Để Có Lương Thực” (let there be bread).
Là Đấng giàu lòng thương xót, Chúa Giêsu sợ người ta đói nên Ngài đã chạnh lòng thương mà hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám người “quên” cái bụng đói vì say mê nghe Ngài giảng thuyết. Các thánh sử đã ghi lại phép lạ lần một (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14), với 5 cái bánh và 2 con cá, số thực khách lên tới 5.000 người, chưa kể phụ nữ và trẻ em, phần dư còn thu được 12 thúng đầy; và lần hai (Mt 15:32-39; Mc 8:1-10), với 7 cái bánh và vài con cá nhỏ, khoảng 4.000 người no nê, cũng không tính phụ nữ và trẻ em, phần dư còn thu được 7 thúng đầy.
Đó là ngụ ý đề cập Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong buổi Dạ Tiệc Vượt Qua, trước khi Ngài chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Máu và thịt không thể tách rời, vì đó là dấu cho thấy có sự sống.
Trong cuộc sống đời thường, ăn uống là chuyện thường xuyên, nên khi đề cập cái gì thường xuyên thì người ta thường ví von “như cơm bữa.” Ăn và uống thường đi đôi. Ăn là một trong tứ khoái của con người, đặc biệt là đứng đầu, có thể gọi là “đệ nhất khoái.” Tuy nhiên, miếng ăn cũng có thể là vinh dự hoặc nhục nhã. Có lẽ vì vậy, nhất là với người có lòng tự trọng, tục ngữ Việt Nam so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Ăn cũng có nghệ thuật ăn, không phải cứ cho vô miệng là xong. Không chỉ vậy, ăn không chỉ để no bụng mà còn cần ngon miệng: Đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, và người ăn ngon (cùng ăn). Thế mới đủ độ ngon. Chuyện ăn uống quả là phức tạp!
Ngày xưa, khi dân Israel đi qua sa mạc ròng rã 40 năm để tới Miền Đất Hứa, lương thực duy nhất là manna. Suốt 40 năm chỉ một món manna thế thì ngán thật. Thảo nào vì chán ngán mà thấy thèm đồ ăn ngon ngày xưa thường ăn, thế rồi cả đám con cái Israel khóc lóc than vãn: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai Cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy manna thôi.” (Ds 11:4-6) Giữa sa mạc khô cằn hoang vu mà đòi thịt thì lấy đâu được chứ? Môsê thấy “đau đầu, nhức óc” ghê gớm. Khổ!
Theo Kinh Thánh, manna là loại “bánh từ trời,” nhìn như hạt ngò và trông như nhựa hương. Lạ quá chừng! Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, mùi vị manna cũng y như mùi vị bánh chiên dầu. Thơm phức, nức lòng. Đêm về, sương rơi trên doanh trại, và manna cũng rơi xuống. (Ds 11:7-9) Cái món manna lạ nhưng ăn hết ngày này sang tháng nọ thì cũng thấy ngán. Dân kêu réo, Môsê đành “cầu cứu” Chúa. Ngài cho gió lùa chim cút tới, lớp chim cút dày tới cả mét, dân cứ việc lượm mà ăn cho thỏa thích. Nhưng người ta tham lượm nhiều để dành, thế nên Chúa nổi trận lôi đình. (Ds 11:31-33) Tham thì thâm. Rõ ràng là “thần khẩu hại xác phàm” – cái miệng hại cái thân. Có ăn cũng khổ, chẳng sướng gì!
Dân cứng đầu cứng cổ, ngang ngược, xấc xược, thế nên Thiên Chúa thịnh nộ. Họ được ăn mà không biết cảm ơn lại còn dám nổi loạn. Loài người vô ơn bạc nghĩa thật! Nhưng Ngài vẫn luôn nhân từ, vẫn tha thiết mời gọi: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.” (Is 55:1) Thế nhưng con người “chảnh” lắm, nên ca dao cũng có tâm sự buồn: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, Đến khi nóng cứ trái tai mà sờ.”
Nói đi rồi nói lại, nhắc tới rồi nhắc lui, Kinh Thánh tiếp tục cho biết: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra.” (Ðnl 8:2-3) Chính Đức Kitô cũng đã nhắc nhở y như vậy. (x. Mt 4:4; Lc 4:4) Xác cần ăn thì hồn cũng cần ăn, có vậy mới sống và phát triển cân bằng – thể lý, tâm sinh lý, trí tuệ, đặc biệt là tâm linh.
Không thể ngưng hoặc im lặng, Kinh Thánh lại tiếp tục vừa giải thích vừa động viên: “Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh em uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết, để bắt anh em phải cùng cực và thử thách anh em, hầu làm cho anh em được hạnh phúc trong tương lai.” (Ðnl 8:14-16) Thế nhưng trái tim phàm nhân nếu không bằng đá thì cũng bị xơ cứng, nghe xong rồi quên, hứa xong rồi thôi, vậy mà vẫn tự nhận mình là “cái rốn của vũ trụ,” là “số dzách,” cho nên lúc nào cũng chỉ chực nổi loạn. Không hề oan ức. Đó là loại “ADN kiêu ngạo” di truyền từ Ông Bà Nguyên Tổ. Mệt ghê!
Không chỉ là phàm nhân mà còn là tội nhân, nhưng “cái tôi” của chúng ta to hơn cái tháp Eiffel, chẳng cần biết ai, kể cả Chúa. Vì thế, chúng ta vẫn tưởng mình “ngon lành” lắm, dám mạo nhận mình là ân nhân, mặc dù chúng ta chỉ cho người khác những thứ thừa thãi – còn tệ hơn bố thí, thay vì vứt đi! Do đó, Thánh Vịnh gia nhắc khéo bằng cách mời gọi: “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân. Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo.” (Tv 147:12-14) Đúng là tình yêu Chúa bao la, hồng ân Chúa chan hòa, lòng thương xót của Ngài vô tận.
Dân Israel là Dân Riêng của Chúa, và cũng là hiện thân của chúng ta, bởi vì chúng ta cũng là Dân Thánh của Ngài. Chúng ta cũng được “đặc cách” mà vẫn vô ân bội nghĩa. Thật vậy, Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Giacóp, chiếu chỉ luật điều cho Israel. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người.” (Tv 147:19-20) Thật thấm thía với lời xác định của bác học André Marie Ampère: “Con người chỉ vĩ đại khi quỳ gối cầu nguyện.” Đó là lúc nhận biết Chúa là ai và nhận ra mình là gì.
Dù chẳng đáng gì, nhưng chúng ta được Thiên Chúa ban tặng mọi thứ, tặng phẩm đặc biệt là chính Con Một Ngài – Đức Giêsu Kitô. Đó là hệ quả của “khối tình si” của Thiên Chúa dành cho đám tội nhân chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Vâng, Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. (Rm 5:8) Và rồi Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cr 10:16-17) Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta về việc yêu thương nhau – yêu thương bằng mọi động thái, bằng cả con người của mỗi chúng ta: Hai mắt để nhìn nhiều, hai bán cầu não để động não nhiều, hai tai để lắng nghe nhiều, hai tay để hành động nhiều, hai chân để đến với nhau, nhưng một miệng để nói ít, và một con tim để trung tín.
Đã có lần Chúa Giêsu nói với người Do Thái trong thời gian đi rao giảng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51) Nghe “chói tai” nên họ tranh luận sôi nổi, và đặt vấn đề: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52) Ừ, nghe thấy ớn thật. Nhưng họ ớn vì họ không chịu tin Ngài là Con Thiên Chúa.
Vấn đề cốt lõi là chỗ đó. Nhưng làm sao họ hiểu được. Nếu có chúng ta trực tiếp nghe Chúa Giêsu nói lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng phản đối tới cùng chứ chẳng vừa đâu. Chúa Giêsu biết hết, và Ngài nghiêm túc nói với họ, có vẻ “dài dòng” nhưng cần thiết, đồng thời cũng vừa xác định vừa giải thích: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6:53-58) Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ làm cho chúng ta sống, vì chính Ngài là Sự Sống, (Ga 14:6) mà Ngài còn cho chúng ta được sống dồi dào. (Ga 10:10) Sống đúng mức, tới đỉnh điểm của sự viên mãn.
Thật vậy, điều đó đã được Chúa Giêsu thực hiện ngay khi cùng các môn đệ ăn Bữa Tiệc Ly, và đó cũng là cách Ngài thực hiện lời hứa trước đó: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Một cách tương tự là Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14:16) Và Chúa Thánh Thần vẫn đang ở với chúng ta cùng với Thánh Thể, bây giờ và mãi đến lúc không còn thế gian này nữa.
Giống nhau mà rất khác nhau, bởi vì cũng là “bánh từ trời,” nhưng manna chỉ là lương thực bình thường, ăn để sống phần xác rồi… chết, còn Mình Máu Đức Kitô là lương thực thiêng liêng, vừa là Thần Lương vừa là Thần Dược, ăn để sống và điều trị phần hồn (kể cả phần xác), đặc biệt là Thánh Thể làm cho chúng ta bất tử và được hưởng vĩnh phúc. Thánh Thể chính là Thần Lương cho chúng ta đủ sức kiên nhẫn đi hết chặng đường lữ hành trần gian, là Của Ăn Đàng, là Nguồn Trường Sinh của chúng ta. Nhờ Thần Lương Thánh Thể, chúng ta không chỉ sống mà sống dồi dào, sống sung mãn.
Mẹ Thánh Teresa Calcutta xác định: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể.” Đối với Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải có đức tin thực sự trưởng thành, không thể dựa trên thính thị hoặc cảm giác. Chỉ có đức tin mới thực sự cảm nghiệm được Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.
Hằng ngày, mỗi khi rước lễ là chúng ta đón rước Thiên Vương Giêsu vào lòng, lúc đó Chúa Tể càn khôn đang hòa tan vào chúng ta, nên một với chúng ta, thật là đại phúc cho phàm nhân và tội nhân chúng ta. Ước gì sau khi rước lễ, chúng ta có được vài phút để cùng nhau cảm nghiệm Chúa Giêsu Thánh Thể, Vua Thương Xót. Ngài muốn lắng nghe chúng ta về mọi điều buồn vui, đặc biệt là Ngài muốn chúng ta tôn thờ và cảm tạ Ngài. Vài phút ngắn ngủi đó rất cần thiết cho đời sống của tín nhân – những người khao khát sự sống của Đức Giêsu Kitô.
Đức tin là điều rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Bí tích Thánh Thể luôn “gắn liền” với đức tin, nhưng cũng phải thận trọng lắm, vì có thể dễ trở thành cuồng tín hoặc tin lệch lạc. Vấn đề tín lý không đơn giản. Tương tự, khi nói về Kinh Thánh cũng phải thận trọng, nếu không cũng rất nguy hiểm. Chẳng hạn, mới đây có người nói trong một bài viết nói về “con tim” mà sai tín lý. Nguyên văn của tác giả: “Lạy Chúa Giêsu mến yêu! Như trái tim của Ápraham đau khổ khi vâng lời Chúa, sát tế con mình, như trái tim Môsê vâng lệnh Chúa đưa dân Israel vào sa mạc suốt 40 năm mà vẫn không vào được Đất Hứa, hoặc như trái tim vua Đavít đã hối hận ăn năn vì biết bao tội lỗi mình đã phạm, và trái tim đau khổ vô ngần khi Mẹ Maria vâng theo Thánh ý Chúa Cha để công cuộc cứu độ loài người được hoàn tất.”
Thật vô cùng nguy hiểm nếu tác giả “trực tiếp chia sẻ” với người khác như vậy, nếu người nghe là tân tòng thì càng nguy hiểm hơn. May thay bài viết này tác giả đã được thông báo và kịp sửa lại cho đúng tín lý Công giáo. Ngày xưa, khoảng vài thập niên của thế kỷ XIX cũng vẫn có các tà thuyết hoặc dị giáo, trước đó có nhiều – ví dụ: Albigensianism (thế kỷ XII–XIII), Arianism (thế kỷ IV), Donatism (năm 311), Jansenism (thế kỷ XVII), Macedonianism (khoảng năm 362), Manichaeism (khoảng 216–276), Nestorianism (giữa thế kỷ IV và V), Pelagianism (thế kỷ V), Priscillianism (thế kỷ IV–V), Calvinism (1570),… Chỉ vì họ tin sai và suy diễn lệch lạc, đối nghịch với đức tin Công giáo. Phải chăng họ muốn lập tân giáo? Ngày nay cũng vẫn có người tự xưng là giáo chủ của phái này, phái nọ. Nguy hiểm!
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, xin gia tăng đức tin, thắp Lửa Yêu Mến và biến đổi trái tim chai sạn của chúng con, để chúng con chỉ yêu mến Ngài mà thôi, yêu bằng cả con người của chúng con, xin thêm sức mạnh để chúng con vượt qua mọi mưu ma chước quỷ, để chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể Ngài mỗi ngày. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Thánh Phụ, hiệp nhất với Thánh Linh đến đời đời. Amen.
SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA-CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU CHÚA
Lm. Inhaxio Hồ Thông
Vào ngày lễ Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô, Phụng Vụ Lời Chúa cử hành sự kiện Thiên Chúa ban tặng bánh từ trời làm lương thực cho nhân loại.
Đnl 8: 2-3, 14-16
Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại ân ban bánh Man-na kỳ diệu từ trời xuống mà Đức Chúa ban cho dân Do thái để nuôi dưỡng họ trong suốt cuộc hành trình qua sa mạc khô cằn nóng cháy và thiếu thốn.
1Cr 10: 16-17
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nêu lên bí tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất mọi Ki-tô hữu khi cho họ được dự phần vào chỉ một tấm bánh là Thân Thể Đức Giê-su.
Ga 6: 51-58
Tin Mừng Gioan trích từ diễn từ về “Bánh Hằng Sống” trong đó Đức Giê-su tuyên bố Ngài chính là “Bánh Hằng Sống”, bánh ban sự sống đời đời cho nhân loại.
BÀI ĐỌC I (Đnl 8: 2-3, 14-16)
Đệ Nhị Luật là sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, được gọi chung là “Sách Luật” (Tô-ra). Tuy nhiên, thuật ngữ Tô-ra theo tiếng Do thái không có nghĩa pháp lý, nhưng là những giáo huấn giúp soi sáng, hướng dẫn cách ăn nếp ở của người tín hữu.
Nhan đề sách: “Đệ Nhị Luật”, có nghĩa “Luật thứ hai” hay “Thứ Luật” (tiếng Hy lạp: Deuteros: thứ hai, và nomos: luật). Tác phẩm này là “ôn cố tri tân”, nghĩa là nhắc lại những lời dạy của Mô-sê để dân biết phải sống như thế nào khi ở trong Đất Hứa. Thật ra, sách này được biên soạn vào thế kỷ thứ 8 hay thứ 7 tCn, khi dân Ít-ra-en đã an cư lạc nghiệp qua nhiều thế kỷ ở đất Ca-na-an và có chiều hướng quên Giao Ước cũng như những huấn lệnh tôn giáo và luân lý.
Sách Đệ Nhị Luật chủ yếu bao gồm những diễn từ, được gán cho ông Mô-sê, nhân vật được xem như đang ngỏ lời với dân Do thái trước ngưỡng cửa Đất Hứa, để cảnh giác họ về những mối nguy hiểm đang rình rập họ khi sống trong môi trường ngoại giáo tại đất Hứa, cũng như để khẩn khoản nài van họ trung thành với những giới luật của Thiên Chúa như điều kiện tiên quyết để sống dài lâu trong Đất Hứa.
Bản văn hôm nay được trích từ chương 8 của sách Đệ Nhị Luật gồm hai phần: 8: 2-3 và 8: 14-16. Phần trích dẫn thứ nhất nhấn mạnh nguồn gốc từ trời của bánh Man-na, trong khi phần trích dẫn thứ hai nhấn mạnh giá trị dấu chỉ của bánh Man-na, dấu chỉ của việc Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt, nhờ đó dân Ngài được sống trong những ngày tháng lang thang trong sa mạc. Cả hai phần trích dẫn đều bắt đầu với những nhắc nhở: “Anh em hãy nhớ lại” và “Anh em đừng quên” bánh Man-na là một thiên ân.
1.“Anh em hãy nhớ” (8: 2-3)
Phần trích dẫn thứ nhất mở ra với lời mời gọi dân Ít-ra-en “nhớ lại” những thử thách mà họ đã trải qua trong sa mạc: “Anh em hãy nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi trong sa mạc suốt bốn mươi năm qua”, vì thời gian thử thách là cách thức Thiên Chúa giáo huấn dân Ngài khỏi mọi ảnh hưởng xa lạ. Chính khi sống trong khung cảnh nghèo khó, kham khổ và gian nan vất vả mà con cái Ít-ra-en thấy mình hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa. Bánh Man-na đã là một ân ban đặc biệt, lương thực từ trời, để cho con người hiểu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi điều từ miệng Chúa phán ra”. Có một sự đồng hóa và hầu như đồng nhất giữa bánh Man-na và Lời Thiên Chúa, vì Lời Chúa cũng là lương thực ban sự sống cho con người. Đó cũng là câu trả lời của Đức Giê-su cho Xa-tan khi Ngài chịu những chước cám dỗ trong hoang địa (Mt 4: 4).
- “Anh em đừng quên”(8: 14-16)
Phần trích dẫn thứ hai kêu gọi “đừng quên” những ân phúc Thiên Chúa ban cho dân Ngài trong sa mạc khi phải đối mặt với biết bao nguy hiểm. Lời ghi nhận này cũng gợi nhớ ơn Quan Phòng lạ lùng, tức là bánh Man-na.
- Bánh Man-na
Bánh Man-na có thể từ một thứ nhựa cây rỉ ra và đông cứng lại. Loại cây sa mạc thuộc gia đình liễu bách này, khi bị côn trùng chích vào, liền tiết ra một thứ nhựa và đông cứng lại trong khí lạnh ban đêm và khi mặt trời mọc lên những hạt nhựa này rơi xuống đất như những hạt nhỏ có vị mật ong. Đây là lương thực mới lạ mà dân Do thái bất ngờ gặp thấy cho đến lúc đó, vì thế tên gọi Man-na có nghĩa “Cái gì đây?” (Xh 16: 15). Từ đó, bánh Man-na là lương thực hằng ngày của họ cho đến cuối cuộc hành trình băng qua sa mạc. Thánh vịnh 78 gợi lên bánh Man-na là “bánh của những kẻ mạnh” mà bản Bảy Mươi dịch “bánh của các thiên thần”. Văn chương kinh sư loan báo rằng bánh Man-na sẽ là thức ăn của thời thiên sai. Đức Giê-su trình bày bánh Man-na là hình ảnh báo trước bánh ban sự sống đích thật, tức là Bánh Thánh Thể.
BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 16-17)
Cùng chung một bàn ăn, cùng chia sẻ một tấm bánh, tạo nên “tình liên đới” giữa những người đồng bàn. Nghi thức Thánh Thể là một nghi thức “đồng hội đồng thuyền”, “đồng sinh đồng tử”, “sống chết có nhau”. “Bánh Thánh Thể” không là bất cứ bánh nào mà người ta chia sẻ với nhau; “rượu Thánh Thể” cũng không là bất cứ rượu nào mà người ta chuyền tay cho nhau. Bánh mà người ta ăn, chính là “Thân Thể Đức Ki-tô”, rượu mà người ta uống chính là “Máu Đức Ki-tô”, nghĩa là thiết lập mối liên hệ vừa vật chất vừa mầu nhiệm giữa các tín hữu với nhau và với Đức Ki-tô. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất tuyệt vời. Đồng bàn với Đức Kitô, Chúa chúng ta, mọi người đều được dự phần vào cùng một thực tại siêu nhiên: nên một với Đức Ki-tô. Đức Ki-tô làm cho cộng đoàn Ki-tô hữu trở nên một thực thể duy nhất.
Đây là đạo lý căn bản của thánh Phao-lô. Trong cùng thư gửi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh nhân khai triển chủ đề “liên đới” của mọi chi thể thành một thân thể với Đầu, Thủ Lãnh, là Đức Ki-tô, Ngài vừa nguyên lý của sự sống vừa là nguyên lý của sự hiệp nhất: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 27).
Thánh Phao-lô lại càng có lý do nhấn mạnh sự liên đới này hơn nữa vì các tín hữu Cô-rin-tô chia rẽ nhau. Thánh nhân muốn cho họ hiểu rằng họ không chỉ liên đới với nhau thành một cộng đồng duy nhất, nhưng còn với các cộng đoàn khác thành một Giáo Hội duy nhất bất khả phân chia.
TIN MỪNG (Ga 6: 51-58)
Ngày hôm sau Đức Giê-su trở lại Ca-phác-na-um, ở đó Ngài gặp lại đám đông mà Ngài đã cho họ ăn no nê qua dấu lạ “hóa bánh ra nhiều”. Trên bờ hồ, Đức Giê-su bắt đầu ngỏ lời với họ (Ga 6: 26); sau đó, trong hội đường Ca-phác-na-um (Ga 6: 59), Ngài hoàn tất bài diễn từ của Ngài, được gọi là diễn từ về “Bánh Hằng Sống”.
Bài diễn từ về “Bánh Hằng Sống” (6: 26-58) được chia làm hai phần. Phần thứ nhất (6: 26-51b) được gọi là “diễn từ về Lời Chúa”, trong đó Đức Giê-su tự giới thiệu Ngài là “Lời từ trời xuống ban sự sống đời đời”. Phần thứ hai (6: 51c-58) được gọi là “diễn từ về Thánh Thể”, trong đó Ngài tự giới thiệu Mình và Máu Ngài là “của ăn đích thật ban sự sống đời đời”. Toàn bộ câu 51 đóng chức năng nối kết hai phần của một diễn từ: lời công bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” kết thúc diễn từ: “Bánh Hằng Sống là Lời Ngài”; lời công bố thứ hai: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” mở ra diễn từ: “Bánh Hằng Sống là Mình Ngài”.
Đoạn trích dẫn hôm nay là phần thứ hai của diễn từ “Bánh Hằng Sống là Mình Ngài”. Trong phần thứ nhất, Đức Giê-su đòi hỏi phải tin vào Ngài như điều kiện tiên quyết, bởi vì Mặc Khải mà Ngài sắp ban lạ lùng đến nỗi nó đòi hỏi, trước hết, “phải tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến” và “tín thác vào Lời Ngài”. Tiếp đó, Đức Giê-su không úp mở khai triển phần thứ hai, phần trọng điểm lời công bố của Ngài. Đây là đoạn Tin Mừng được trích dẫn vào ngày lễ “Mình và Máu Chúa Ki-tô”.
- Bánh Hằng Sống Đức Giê-su ban chính là Mình và Máu của Ngài:
Trong suốt những lời tuyên bố gây kinh ngạc của Ngài: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”, Đức Giê-su không ngừng gợi lên nguồn gốc thiên giới của Ngài và tử hệ thần linh của Ngài. Chính vì Ngài đến từ Chúa Cha và nên một với Chúa Cha, mà Ngài có thể tự mình ban phát sự sống thần linh cho nhân loại: “Bánh tôi sẽ cho, chính là thịt tôi ban, để thế gian được sống”.
Những lời này rất gần với những lời mà Đức Giê-su sẽ công bố khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26: 26; Mc 14: 22; Lc 22: 14; 1Cr 11: 24). Chúng ta lưu ý rằng thánh Gioan không dùng từ “sôma” (thân xác) như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng từ “sarx” (nhục thể, nhân tính), bởi vì từ “sôma” rất dễ hiểu lầm, quả thật, ý nghĩa đầu tiên của từ “sôma” là xác chết, thây ma (x. Lc 17: 37). Với từ “sarx” này, thánh Gioan nối kết Bí Tích Thánh Thể với Mầu Nhiệm Nhập Thể (Ga 1: 14). Ngôi lời nhập thể để trở nên bánh ban sự sống. Mầu nhiệm Nhập Thể là căn nguyên của ơn cứu độ.
- Khó mà tin được
“Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau”. Danh xưng “người Do thái” chung chung mang nét nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng thứ tư. Danh xưng này được dùng để chỉ những người Do thái cứng lòng tin; trái lại, danh xưng “Ít-ra-en” được dành riêng cho những người gắn bó mật thiết với Đức Giê-su.
Quả thật, người Do thái càng tỏ thái độ nghi nan ngờ vực: “Ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”, Đức Giê-su càng nhấn mạnh hơn nữa. Lời công bố của Ngài càng trở nên thách thức hơn nữa, vì Ngài không chỉ kể ra thịt của Ngài mà còn cả máu của Ngài nữa: “Quả thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, thì các ông không có sự sống nơi mình…”
Đối với những người Do thái nghi nan ngờ vực, lời công bố này không thể nào tin được, nhưng còn quá kỳ chướng. Như chúng ta biết, dân Do thái bị nghiêm cấm triệt để không được ăn máu bởi vì máu là trung tâm sự sống được dành riêng cho Thiên Chúa. Vì thế, trong mỗi hy tế, máu phải được dâng hiến trọn vẹn lên Thiên Chúa.
Theo cách thức này, Đức Giê-su loan báo tính cách hy tế của Thánh Thể, cũng như mối hiệp nhất khả phân giữa ân ban thịt và máu của Ngài với cuộc Tử Nạn của Ngài.
- Thịt và máu “Con Người”
Nhưng ở bên kia cuộc Tử Nạn của Ngài, Đức Giê-su gợi lên cuộc siêu tôn của Ngài khi quy chiếu đến danh xưng “Con Người”: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống đời đời” (6: 53). “Thịt và máu Con Người” thuộc trật tự khác với trật tự trần thế: Đức Giê-su sẽ ban cho nhân loại “thịt và máu” của Ngài làm lương thực, chính là “Thân Thể vinh hiển” của Ngài. Sau diễn từ này, Ngài cũng sẽ quy chiếu theo cùng một cách như vậy khi ngỏ lời với các môn đệ đang xầm xì về vấn đề này: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6: 62).
Như vậy, khi loan báo ân ban Thánh Thể một cách hiện thực và khá mạnh bạo, Đức Giê-su thử làm cho hiểu rằng ân ban này sẽ được trình bày một cách mầu nhiệm, hoàn toàn đặc biệt (được ẩn dấu dưới kiểu nói: “bánh hằng sống từ trời xuống”).
- Lời hứa ban sự sống
Về thành quả của Bí Tích Thánh Thể, điểm nhấn được đặt trên sự sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy được sống lại… Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Qua lời này, Đức Giê-su khẳng định cách rõ ràng sự sống siêu nhiên và ý nghĩa cánh chung của nghi thức Thánh Thể.
- Hiệp thông mật thiết và nội tại
Lời công bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”, gợi lên sự hiệp thông mật thiết đến độ không gì có thể sánh ví được. Động từ “ở lại” là một động từ tâm đắc của thánh Gioan, qua đó thánh ký diễn tả tính thường hằng của sự sống siêu nhiên luân chuyển trong mỗi Ki-tô hữu, một cách nào đó, tính nội tại của Vương Quốc.
- Lễ Vượt Qua sắp đến
Dấu lạ “hóa bánh ra nhiều” và diễn từ “Bánh Hằng Sống” được thánh Gioan xác định ngay từ đầu: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do thái” (Ga 6: 4). Đó là lý do tại sao có đông đảo người ở Ca-phác-na-um. Từ khắp nơi, người ta quy tụ với nhau ở đây để theo từng nhóm hành hương lên Giê-ru-sa-lem. Như vậy, chính trong bối cảnh lễ Vượt Qua mà Đức Giê-su ban cho đám đông Mặc Khải gây xôn xao của Ngài. Trong Tin Mừng thứ tư, lễ Vượt Qua sắp đến này là lễ Vượt Qua áp chót của Đức Giê-su. Vào lễ Vượt Qua năm tới, Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài khi thiết lập lễ Vượt Qua đích thật của Ngài, lễ Vượt Qua của Ki-tô giáo.
Nguồn: giaophanxuanloc.net
Có thể bạn quan tâm
Mở Cửa Thánh Đền Thờ Latêranô: “Gieo Niềm Hy Vọng Và Xây Dựng..
Th12
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Gợi Ý Suy Niệm Chầu Thánh Thể..
Th12
Kinh Năm Thánh 2025
Th12
Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thư gửi Mẹ Thiên Chúa
Th12
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 12/2024
Th12
Năm Thánh Hy vọng 2025 chính thức khai mạc tại Giáo phận Hà..
Th12
[TRỰC TIẾP] Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh | Giáo phận Hà Tĩnh..
Th12
Chiếm Trọn Spotlight Của Đức Maria và Người Trẻ
Th12
Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm C
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa (01/01/2025)
Th12
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th12
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12