Người mục tử phục vụ Dân Chúa theo tinh thần hiệp hành

4436 lượt xem

NGƯỜI MỤC TỬ PHỤC VỤ DÂN CHÚA
THEO TINH THẦN HIỆP HÀNH

LM Antôn Hà Văn Minh

Vào ngày 17/02/2022, tại điện Vatican trong bài phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề về chức linh mục Đức Phanxicô đã đưa ra đề nghị mang tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ linh mục: Sự gần gũi với dân Chúa, một sự gần gũi, được phong phú bởi những hình thức gần gũi khác, mời gọi và thực sự đòi hỏi chúng ta phải bắt chước “phong cách” riêng của Chúa. Phong cách đó thể hiện sự gần gũi, từ bi và dịu dàng, trong đó chúng ta đóng vai trò không phải là thẩm phán, mà là những người Samaritanô nhân hậu, những người thừa nhận những vết thương của anh chị em của chúng ta, những đau khổ thầm lặng của họ, sự từ bỏ bản thân và hy sinh của rất nhiều người cha và người mẹ để hỗ trợ những gia đình của họ. Cần phải nhớ rằng con dân Chúa đang hy vọng tìm thấy những người chủ chăn theo phong cách của Chúa Giêsu. Không phải “những người làm chức năng giáo sĩ” hay “những chuyên gia tâm linh”, mà là những người mục tử đầy lòng trắc ẩn và quan tâm.[1]

Từ ngày 16-18/02/2023, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức hội nghị với chủ đề: Các mục tử và người tín hữu giáo dân được mời gọi cùng nhau tiến bước (Pastors and lay faithful called to go forward together) tại Vatican. Thật vậy, Giáo hội mà chủ thể của Giáo hội là cộng đoàn có cùng một tinh thần, cùng một đức tin và cùng một sứ mạng, do đó Giáo hội là một cộng đoàn duy nhất. Vì thế, mọi người trong Giáo hội phải là một “chủ thể” tích cực: tất cả được mời gọi cùng nhau tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Hội nghị này mong muốn các mục tử đón nhận và đồng hành với các sáng kiến của người giáo dân với sự tin tưởng rằng, tất đều mong muốn cho Tin mừng của Chúa Kitô được lan tỏa đến với muôn dân, và Giáo hội Chúa chính là nhà đáng tin cậy để mọi người tìm đến.

Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về tính hiệp hành đã chỉ rõ: “Các linh mục và phó tế có vai trò then chốt trong việc cùng nhau cất bước hành trình giữa Dân Chúa, khi họ hiệp nhất với giám mục và phục vụ các tín hữu. Họ có thể nhân danh giám mục thông truyền ý ngài cho các tín hữu và ngược lại họ cũng có thể thông đạt ý của các tín hữu cho giám mục. Họ là những tác nhân hiệp thông và hiệp nhất trong việc xây dựng Thân thể Chúa Kitô, giúp các tín hữu đồng hành với nhau, cùng nhau tiến bước giữa lòng Hội thánh. Tương tự như vậy, các giáo sĩ là những người loan báo về sự đổi mới, chú ý đến nhu cầu triển nở của đàn chiên họ coi sóc, và chỉ cho thấy cách thức Chúa Thánh Thần đang mở ra những nẻo đường mới. Cuối cùng, họ là những con người cầu nguyện, vốn là những người thúc đẩy kinh nghiệm hiệp hành thiêng liêng thực sự, nhờ đó dân Chúa có thể chú ý hơn đến Chúa Thánh Thần và cùng nhau lắng nghe thánh ý Thiên Chúa”[2].

1/ Nền tảng của sự hiệp hành trong sứ vụ của người linh mục: Lắng nghe tiếng Chúa

2/ Ở giữa đàn chiên

       a. Kiến tạo sự hiệp thông cộng đoàn

       b. Mang lấy mùi chiên

3/ Mục vụ bí tích

4/ Mục vụ tông đồ giáo dân

1/ Nền tảng của sự hiệp hành trong sứ vụ của người linh mục: Lắng nghe tiếng Chúa

“Linh mục trước hết là thừa tác viên của Lời Chúa, được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin mừng nước Trời cho mọi người, kêu gọi mọi người vâng theo đức tin và dẫn dắt tín hữu tới việc hiểu biết và tham dự mỗi ngày một hơn vào sự thông hiệp mầu nhiệm Thiên Chúa”[3].

Thế nhưng, trong bối cảnh xã hội hôm nay, người linh mục luôn đứng trước một thách đố lớn lao: làm sao để có thể sống trọn căn tính linh mục như là thừa tác viên của Lời Chúa? Thật vậy, có thể nói, chưa có thời đại nào mà âm thanh trở nên hỗn loạn như ngày nay. Trong xã hội náo động hỗn loạn hôm nay, người ta đang rơi vào căn bệnh “nghiền tiếng ồn”, và đôi khi họ dùng tiếng ồn như là phương thế để khẳng định mình[4].

Đứng trước hiện trạng đó, người linh mục phải loan báo Tin mừng như thế nào? Phải chẳng lấy tiếng ồn để áp đảo tiếng ồn? Để có thể loan báo Lời Chúa trong thế giới ồn ào hôm nay, trước tiên chúng ta hãy lắng nghe và suy nghĩ về lời Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ qua trong Tông huấn Lời Chúa mới nhất vừa được công bố vào ngày 11/11/2010: “Lời Chúa chỉ có thể nói và nghe trong im lặng, cả bề ngoài lẫn bề trong. Thời đại ta không phải là thời đại người ta cổ vũ việc tĩnh tâm; có lúc, ta có cảm tưởng người ta sợ phải tách mình, dù chỉ là giây lát, ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày nay, vì lý do đó, điều cần thiết là phải giáo dục dân Chúa biết giá trị của sự im lặng. Tái khám phá tính trung tâm của lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo hội cũng có nghĩa là tái khám phá cảm thức tĩnh tâm và thanh thản nội tâm. Truyền thống vĩ đại của các giáo phụ dạy ta rằng các mầu nhiệm của Chúa Kitô đều bao gồm sự im lặng. Chỉ trong im lặng, Lời Chúa mới tìm được nơi cư ngụ trong ta, như đã tìm được nơi Đức Maria, người phụ nữ của lời nhưng một cách không thể tách biệt, cũng là người phụ nữ của im lặng”[5]. Vâng, người linh mục thực thi căn tính của mình như thừa tác viên Lời Chúa trước tiên phải tiếp cận Lời Chúa trong sự thinh lặng “với một tâm hồn ngoan ngoãn và năng cầu nguyện, để lời ấy vào sâu trong tư tưởng, trong xúc cảm của ngài và tạo ra một cái nhìn mới ở trong ngài, tức ‘tâm trí Chúa Kitô’ (1Cor 2,16)”[6].

Lắng nghe tiếng Chúa là khởi điểm của sứ vụ Linh mục mang tính hiệp hành, Đức Phanxicô đã khẳng quyết, phải biết lắng nghe tiếng Chúa để “hiểu thấu được sự hiện diện của Người, nhận ra đường đi và hơi thở ban sự sống của Người”[7]. Cho nên điều cốt yếu của đời sống linh mục chính là “ở với” và “ở lại” với Chúa Giêsu. Căn tính ấy hệ tại ở “là” linh mục hơn là “làm” linh mục. Mỗi linh mục được Chúa Kitô chọn, gọi và phong chức, do đó thuộc về Chúa Kitô và sống cho Chúa Kitô. Không có linh mục nào ở ngoài Chúa Kitô (x. Ga 15,1-11).

Chính khi tìm lắng nghe tiếng Chúa, người linh mục đặt mình vào “một cuộc đối thoại trưởng thành với Chúa” và lo lắng cho dân được trao phó cho chính các ngài và tránh khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa là khuynh hướng nói rằng “đây là dân của tôi”. Vâng, đó là dân của anh em nhưng “chỉ là được ủy nhiệm thôi”, Đức Thánh cha giải thích: “Dân không phải là dân của chúng ta, họ thuộc về Chúa”[8].

Sự hiệp hành trong sứ vụ linh mục được thực hiện từ những cuộc gặp gỡ với Chúa. Nói như Đức Phanxicô: “Sự thân mật với Chúa sinh ra từ lời cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe lời Người, cử hành thánh lễ, thinh lặng tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể, phó thác cho Mẹ Maria, sự đồng hành dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của một cha linh hướng và việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải… Nếu không có những điều này ‘các hình thức gần gũi’, một linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi không được lợi ích gì với tư cách là người bạn thân thiết của Chúa”[9].

2/ Ở giữa đàn chiên

Trong tập Chỉ nam linh mục 1989, Bộ Rao giảng Tin mừng đã triển khai về tính hiệp hành trong sứ vụ linh mục:

a. Kiến tạo sự hiệp thông cộng đoàn

“Việc hiệp thông với các tín hữu đòi hỏi các linh mục phải coi mình như những người cùng với các tín hữu xây dựng dân Chúa, những người được thánh hiến tận căn để lo việc phát triển cộng đoàn, những người hoạt động bằng một đức ái mục tử đích thực: được chọn giữa loài người, nên được đặt lo việc Thiên Chúa vì ích lợi của loài người. Do đó, các linh mục phải kiên trì cầu nguyện cho các tín hữu của mình, hết lòng khuyên bảo họ yêu mến Thiên Chúa là Cha chung; phải biết rõ thực trạng của họ như Chúa Kitô Mục Tử biết các chiên của mình; phải biết sống giữa họ như những người anh em ở giữa các anh em mình phải đồng tiến với họ trên con đường đức tin, trổi vượt và nêu gương sáng cho họ về đời sống Kitô hữu; phải lo tránh tất cả những gì có thể gây nên gương xấu; phải hiệp cùng cộng đoàn làm chứng xác thực về sự trung tín của người Kitô hữu để những người ‘ở xa’ và còn chưa tin Đức Kitô nhận ra được ý nghĩa của sự trung tín đó; phải cảnh giác đừng làm cho mình xa lạ với dân chúng do một lối sống, dù mình không muốn, nhưng lại đặt mình vào một giai cấp xã hội khác”[10].

Tính hiệp hành nói lên Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông, mọi người hiệp thông với nhau trong cùng một đức tin và một tình yêu. Vì thế, sự hiệp thông Giáo hội được thắt chặt và triển nở qua các cuộc đối thoại trong tinh thần đức tin. Đối thoại là cách thế để chia sẻ nhằm giúp Giáo hội thi hành đúng đắn sứ vụ loan báo của mình. Do đó, tính hiệp hành trong sự hiệp thông chính là mời gọi các thành phần dân Chúa dành thời gian cho việc chia sẻ. Mỗi người được mời gọi “can đảm nói thẳng nói thật (parrhesia) để có thể phối hợp giữa tự do, sự thật và bác ái. Qua đối thoại mỗi người có thể hiểu biết hơn”[11]. Trong cuộc đối thoại với tinh thần hiệp thông Giáo hội thì “mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người”[12].

Thế nhưng làm sao để có lắng nghe và đón nhận những phát biểu xem ra chói tai và khó chịu? Trước tiên phải phân định rõ ràng đây là cuộc đối thoại trong đức tin, bởi đức tin và vì đức tin cho nên “bước đầu tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ”[13], vì thế, phải can đảm đi ra khỏi “cái tôi” “bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn”, để khiêm cung nhận ra rằng, tất cả mọi người, giáo sĩ và giáo dân, giám mục, linh mục, và mọi tín hữu cùng ngồi chung trong một con thuyền của Hội thánh, cùng bước đi trên một con đường Giêsu, cho nên mỗi người trong chúng ta đều học hỏi lẫn nhau, “đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục…”[14]. Và kế đến mỗi người đều được mời gọi học cách lắng nghe trong sự kiên nhẫn. Đức Phanxicô trong bài giảng thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đã nói: “Chúng ta có giỏi lắng nghe không? ‘Thính giác’ của trái tim chúng ta tốt đến mức nào? Chúng ta có cho phép mọi người bộc lộ bản thân, bước đi trong đức tin dù họ gặp khó khăn trong cuộc sống, và trở thành một phần của đời sống cộng đồng mà không bị cản trở, từ chối hoặc phán xét không? Học cách lắng nghe lẫn nhau là một bài tập chậm và có lẽ mệt mỏi…. Chúng ta đừng làm cách âm trái tim chúng ta; nhưng phải làm sao để chúng ta không bị bao vây trong những điều chắc chắn của chúng ta. Quá thường là những điều chắc chắn của chúng ta có thể khiến chúng ta đóng cửa. Chúng ta hãy lắng nghe lẫn nhau”[15].

Người linh mục được mời gọi xây dựng đặc tính duy nhất của hiệp thông giữa các phần tử trong Giáo hội, đặc biệt trong cộng đồng Giáo hội địa phương, đồng thời mở rộng hiệp thông tới những ai còn ở ngoài cộng đồng Giáo hội bằng tinh thần hăng say loan báo Tin mừng qua những phương thế và sáng kiến mục vụ thích hợp, điều mà Đức Thánh cha Phanxicô đã chia sẻ: “Đôi khi chúng ta bị cám dỗ để trở thành loại người Kitô hữu sống thờ ơ với các thương tích của Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Người hy vọng rằng chúng ta sẽ ngừng tìm kiếm những ngóc ngách cá nhân hoặc cộng đồng, nơi che chở chúng ta khỏi ma trận của sự bất hạnh của con người và thay vào đó, bước vào thực tế cuộc sống của người khác và biết sức mạnh của sự dịu dàng. Bất cứ khi nào chúng ta làm như vậy, cuộc sống của chúng ta trở nên diệu kỳ, và chúng ta trải nghiệm một cách mãnh liệt thế nào là trở thành con người, là một phần của cộng đồng con người”[16].

b. Mang lấy mùi chiên

Trong bài giảng thánh lễ Truyền Dầu ngày 28/3/2013, Đức Phanxicô đã nói: “Các linh mục, những người chăn chiên, phải có mùi chiên. Mùi của chiên hoà quyện vào sư vụ của người linh mục qua sự hiện diện của người giữa đoàn chiên để cảm nhận được nỗi thống khổ của đàn chiên, sự khát vọng, và nỗi âu lo, niềm vui cũng như những hy vọng của đoàn chiên. Để được như thế, người linh mục phải đi ra khỏi chính mình, nỗ lực canh tân chính mình để trở thành “những người có khả năng biết sống, biết cười và khóc với anh chị em giáo dân, nói một cách dễ hiểu, biết giao tiếp với họ”[17].

Khi thi hành sứ vụ của người mục tử, người linh mục “mạnh dạn có sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề”[18], can đảm “dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động…; đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu”[19].

3/ Mục vụ bí tích

Như thừa tác viên bí tích, bổn phận trước tiên của các linh mục là cung ứng một sự hiểu biết đức tin về các bí tích, đặc biệt qua việc dạy giáo lý, cho biết các bí tích có một ý nghĩa Giáo hội và quy hướng về Thánh thể, cho biết ý nghĩa của điều kiện căn bản cần có ở nơi người tín hữu để lãnh nhận bí tích và để sống ơn riêng của mỗi bí tích nhờ vào chức tư tế chung của mọi tín hữu. Như thế sẽ tránh cho họ ý tưởng sai lầm coi bí tích như một ảo thuật tự nó phát sinh hiệu lực không liên hệ gì đến đời sống Kitô hữu.

Khi cử hành mục vụ bí tích, người linh mục thể hiện rõ nét tính hiệp hành trong sư vụ của mình. Vì là hiện thân của Chúa Giêsu, người linh mục biểu tỏ tính cách của Tin mừng. “Tin mừng chứng thực cho cách thức Chúa Giêsu thường xuyên tìm đến những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị lãng quên. Một đặc điểm chung trong suốt sứ vụ của Chúa Giêsu là đức tin luôn nảy sinh khi con người được quý trọng: lời cầu xin của họ được lắng nghe, khi gặp khó khăn họ được trợ giúp, sự quảng đại của họ được đánh giá cao, phẩm giá của họ được Thiên Chúa nhìn nhận và được phục hồi trong cộng đồng”.

– Việc cử hành bí tích Thánh thể

“Tất cả các giáo sĩ với các thánh ân và đặc sủng được phú ban và lãnh nhận qua việc truyền chức, đều có vai trò quan trọng để bảo đảm rằng kinh nghiệm hiệp hành này là cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô Phục Sinh nhờ đắm mình trong cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng việc cử hành Thánh thể, và được soi dẫn khi lắng nghe Lời Chú”[20].

Chính nơi việc cử hành bí tích Thánh thể, người linh mục thực thi tính hiệp hành Giáo hội cách cụ thể qua việc qui tụ Dân Chúa, cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, và cùng nhau hiệp thông Thánh thể và qua đó mọi người được hiệp nhất với nhau làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô. Vì kết hợp với Chúa Kitô, cộng đoàn Thánh thể tiếp nối sứ vụ của Người. Qua việc cử hành Thánh thể, người linh mục dẫn đưa các tín hữu kín múc sự sống nơi bí tích Thánh thể như suối nguồn, và tiếp tục bước theo gót chân Chúa Giêsu trên con đường loan báo Tin mừng, vì mục tiêu của bí tích Thánh thể là “sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và trong Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần” (x PO, Presbyterorum ordinis, số 5). Khi thi hành sứ vụ mang tính hiệp hành, “các linh mục xác lập vị trí mầu nhiệm Thánh thể ở trung tâm đời sống của mình và của cộng đoàn. Các ngài sẽ không quên rằng chính từ cái nhân sống động ấy là Thánh thể, các ngài mới có thể rao giảng Lời Chúa có hiệu quả và tập hợp cộng đoàn đã được giao phó cho các ngài. Các ngài cố gắng dẫn đưa các tín hữu đến một sự tham dự thánh lễ cách tích cực bằng việc hiến dâng hy lễ thánh lên Chúa Cha và bằng việc kết hợp chính đời sống của họ với hiến lễ”[21].

– Cử hành bí tích Hoà giải

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài dạy giáo lý về bí tích Hòa giải ngài nói: “Trong việc cử hành bí tích thống hối, vị linh mục không chỉ đại diện Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn đại diện toàn thể cộng đoàn nhìn nhận mình ở trong sự mỏng manh yếu đuối của mỗi phần tử, Giáo hội cảm động lắng nghe sự thống hối của phần tử ấy, hòa giải với hối nhân, khích lệ và tháp tùng họ trong hành trình hoán cải và trưởng thành về mặt con người và Kitô”[22]. Chính đây là cách thế hiệp hành của linh mục khi cử bí tích Hoà giải: lắng nghe với tâm tình của người mục tử, khích lệ, ủi an và nâng đỡ hối nhân và phục vụ sự tha thứ của Thiên Chúa.

– Cử hành bí tích Xức dầu

Mỗi khi chúng ta cử hành bí tích này, Chúa Giêsu, trong con người của vị linh mục, đến gần những người đau khổ và bị bệnh nặng hoặc người già cả. “Linh mục và những người có mặt trong lúc cử hành bí tích Xức dầu đại diện cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu, như một thân thể kết hợp chặt chẽ chung quanh những người đau ốm và các phần tử của gia đình họ, nuôi dưỡng đức tin và hy vọng của họ, cùng nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và tình huynh đệ nồng nàn. Nhưng niềm an ủi lớn nhất phát sinh từ thực tại là chính Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích, là Đấng cầm tay chúng ta, vuốt ve chúng ta như Người đã làm với những người bệnh và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta giờ đây đang thuộc về Người và rằng không bao giờ có gì – ngay cả sự dữ và cái chết – có thể tách chúng ta ra khỏi Người được”[23].

4/ Mục vụ tông đồ giáo dân

Tính hiệp hành trong sứ vụ linh mục được thể hiện rõ nét khi người linh mục đặc biệt quan tâm và cổ võ vai trò của người giáo dân trong sứ vụ tông đồ. “Mục vụ đối với giáo dân trước tiên phải để ý đến tính chất giữa đời của họ. Do ơn gọi, người giáo dân tìm kiếm nước Thiên Chúa qua cách gánh vác những việc trần thế, họ sống giữa đời, trong hoàn cảnh thông thường của đời sống gia đình và xã hội, nhưng họ được Thiên Chúa gọi trở thành men trong lòng thế gian, thánh hoá thế gian nhờ được hướng dẫn bởi tinh thần Tin mừng”[24]“Trong phạm vi tông đồ giáo dân, các linh mục phải là người xác tín cổ võ giáo dân, huấn luyện giáo dân bằng phương cách thích hợp, động viên họ nhiệt thành dấn thân theo sự thúc đẩy của tinh thần Kitô giáo chân thật. Các linh mục hãy đưa giáo dân vào cơ chế tổ chức và trao cho họ những chức vụ trong cộng đoàn phù hợp với ơn gọi riêng và đặc sủng của họ. Các linh mục không thay thế giáo dân, mà khích lệ họ trong các hoạt động của họ, xác tín rằng sự lớn mạnh của Giáo hội, đặc biệt ở các xứ truyền giáo, phải xuyên qua sự hiện diện năng động của giáo dân có tinh thần trách nhiệm thật và luôn được chuẩn bị chu đáo hơn”[25].

Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh về vai trò quan trọng của người linh mục trong đời sống của Giáo hội (x PO 1). Quả thật người linh mục vừa là hiện thân của Chúa Kitô, vừa là người mục tử giữa đoàn chiên. Bởi đó, khi thi hành nhiệm vụ linh mục của mình, người linh mục luôn được mời gọi kiến tạo sự gặp gỡ, đối thoại trong đức tin, sẵn sàng lắng nghe với tinh thần khiêm cung, và “dùng cảm thức đức tin mà phát hiện, vui mừng tiếp nhận, và nhiệt tình phát huy những đặc sủng đa dạng của giáo dân, từ ơn nhỏ bé nhất đến ơn cao cả nhất” (PO 6). Đức Thánh cha Phanxicô đã kết thúc hội nghị vào ngày 18/02/2023 với tâm tình chia sẻ: “Giáo hội còn một chặng đường dài phía trước để sống như một thân thể, như một dân tộc chân chính được hiệp nhất bởi cùng một niềm tin vào Chúa Kitô Cứu Thế, được làm sống động bởi cùng một Thần Khí thánh thiện và hướng đến cùng một sứ vụ loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa chúng ta”. Và Đức Thánh cha tỏ bày nỗi ưu tư: “Bi kịch hôm nay trong Giáo hội là Chúa Giêsu cứ gõ cửa, nhưng chúng ta đẩy Người vào trong! Và cuối cùng chúng ta trở thành một Giáo hội ‘cầm tù’, không cho Chúa ra ngoài, giữ Người như ‘của riêng mình’, trong khi Chúa đến để truyền giáo và muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo. Theo quan điểm này, chúng ta có thể tiếp cận đúng đắn vấn đề chia sẻ trách nhiệm cho người giáo dân”. Vì thế, Đức Thánh cha nhấn mạnh: “chúng ta phải hiểu đúng đắn về vấn đề chia sẻ trách nhiệm cho người giáo dân trong Giáo hội. Nhu cầu nâng cao vai trò của giáo dân không phải dựa trên một số mới lạ về thần học, hoặc do thiếu linh mục, càng không phải là mong muốn bù đắp cho sự bỏ bê của họ trong quá khứ. Thay vào đó, nó dựa trên một tầm nhìn đúng đắn về Giáo hội, là dân Thiên Chúa, trong đó giáo dân, cùng với các thừa tác viên được thụ phong, hoàn toàn là một thành phần Dân Chúa. Do đó, các thừa tác viên được thụ phong không phải là ông chủ, họ là những người phục vụ: mục tử, không phải ông chủ. Điều này có nghĩa là tái khám lại về một ‘Giáo hội học toàn diện’, giống như Giáo hội học của các thế kỷ đầu tiên, khi mọi người với tư cách thành viên trong Chúa Kitô đều hợp nhất với nhau, nhờ sự hiệp thông siêu nhiên với Người và với anh chị em của chúng ta”. Sự chia sẻ trách nhiệm giữa giáo dân và mục tử sẽ giúp vượt qua sự phân rẽ, nỗi sợ hãi và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Bây giờ là lúc để các mục tử và giáo dân cùng nhau tiến bước, trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội và ở mọi nơi trên thế giới! Giáo dân không phải là ‘khách’ trong Giáo hội; đó là nhà của họ và họ được kêu gọi chăm sóc ngôi nhà của họ. Giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ, phải được đánh giá cao hơn về các kỹ năng cũng như về những món quà có tính nhân bản và tinh thần mà họ mang lại cho đời sống của các giáo xứ và giáo phận. Họ có thể hỗ trợ bằng ngôn ngữ ‘hàng ngày’ của mình trong việc loan báo Tin mừng bằng cách tham gia vào các hình thức rao giảng khác nhau. Họ có thể hợp tác với các linh mục trong việc đào tạo trẻ em và thanh thiếu niên, giúp đỡ các cặp đính hôn chuẩn bị cho hôn nhân, và đồng hành với các cặp vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Họ phải luôn luôn được hỏi ý kiến bất cứ khi nào các sáng kiến mục vụ mới được lên kế hoạch ở mọi cấp độ, địa phương, quốc gia và toàn cầu. Họ nên có tiếng nói trong các hội đồng mục vụ của các Giáo hội địa phương và nên có mặt trong các văn phòng giáo phận. Họ có thể hỗ trợ trong việc đồng hành thiêng liêng với các giáo dân khác và đóng góp vào việc đào tạo các chủng sinh và tu sĩ.

Cuối cùng Đức Thánh cha tỏ bày: “Tôi ước ao biết bao rằng, tất cả chúng ta có thể ấp ủ trong trí óc và tấm lòng của chúng ta về Giáo hội! Một Giáo hội hướng tới sứ mệnh, nơi mọi người hiệp lực và cùng nhau bước đi loan báo Tin mừng. Một Giáo hội gắn kết chúng ta lại với nhau qua việc chúng ta là Kitô hữu đã được rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu. Một Giáo hội được đánh dấu bởi tình huynh đệ giữa giáo dân và các mục tử, khi tất cả cùng làm việc với nhau mỗi ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống mục vụ, vì tất cả họ đều đã được rửa tội. Tôi khuyến khích anh chị em cổ võ trong các Giáo hội của mình tất cả những gì anh chị em đã nhận được trong những ngày này, để cùng nhau tiếp tục canh tân Giáo hội và hoán cải truyền giáo”.

Nguồn: hdgmvietnam.com


[1] Đức Phanxicô, Bài Phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề về chức Linh mục tại Vatican ngày 17/02/2022, LM Phêrô Trần Mạnh Hùng phỏng dịch, nguồn https://www.tonggiaophanhanoi.org

[2] Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục tiến tới một Giáo hội mang tính Hiệp hành, số 4.3

[3] Nt, số 26

[4] X. Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lấy tiếng ồn áp đảo tiếng ồn, trong: Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-17.

[5] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 66.

[6] Nt, số 80.

[7] Nt

[8] https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2019/march/documents/papa-francesco_20190307_liturgiapenitenziale-presbiteriroma.html

[9] Đức Phanxicô, Bài Phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề về chức Linh mục tại Vatican ngày 17/02/2022

[10] Thánh Bộ Rao giảng tin Mừng cho các Dân tộc, Chỉ nam linh mục 1989,  số 5h.

[11] Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục tiến tới một Giáo hội mang tính Hiệp hành, số 2.3

[12] Nt

[13] Nt

[14] Nt

[15] Đức Thánh cha Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng về tính Hiệp hành ngày 10/10/2021 tại Romahttps://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-cua-duc-thanh-cha-phanxico-trong-thanh-le-khai-mac-thuong-hoi-dong-ve-tinh-hiep-hanh-44833

[16] Đức Phanxicô, Bài Phát biểu khai mạc hội nghị chuyên đề về chức linh mục tại Vatican ngày 17/02/2022

[17] Đức Phanxciô, bài nói chuyện với các linh mục người Pháp đang nghiên cứu tại học viện “San Luigi Dei Francesi, ngày 07/6/2021, nguồn: www.vatican.va/content/francesco/de/speeches/2021/june/documents/papa-francesco_20210607_sacerdoti-sanluigi-deifrancesi.html

[18] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 24

[19] Nt

[20] Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục tiến tới một Giáo hội mang tính Hiệp hành, số 4.3, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941#_Toc86001800

[21] Thánh Bộ Rao giảng Tin mừng cho các Dân tộc, Chỉ nam linh mục 1989, số 8d.

[22] Đức Thánh cha Phanxicô, bài giáo lý về bí tích Hoà giải vào ngày 19-4-2014, tại Roma

[23] ĐTC Phanxicô, Bài Giáo lý về bí tích Xức dầu vào ngày  26/02/2014, tại Quảng trường thánh Phêrô

[24] Thánh Bộ Rao giảng Tin mừng cho các Dân tộc, Chỉ nam linh mục 1989, số 14 b.

[25] Thánh Bộ Rao giảng Tin mừng cho các Dân tộc, Chỉ nam linh mục 1989, số 14 e.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận