Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?

2219 lượt xem

Về câu hỏi tại sao hang đá Giáng sinh khơi dậy sự ngạc nhiên và xúc động nơi chúng ta? ĐTC giải thích: “Hang đá khơi dậy rất nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa…

Mỗi dịp mừng lễ kỷ niệm Chúa Giáng sinh làm người, tại hầu hết các giáo xứ và các gia đình tín hữu Ki-tô giáo, người ta trưng bày cây thông, làm hang đá, giăng đèn lấp lánh đầy màu sắc. Đó là cơ hội để bày tỏ niềm vui bên ngoài vì trong đức tin chúng ta xác tín rằng “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9, 5). Và rõ ràng hơn nữa, “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2, 11).

Chúa Giê-su đã giáng sinh. Lời hứa của Thiên Chúa đã thành hiện thực. Ơn cứu thoát đã được ban cho chúng ta. Theo truyền thống Ki-tô giáo, trong việc tổ chức lễ Giáng Sinh, ngoài việc dựng cây thông, treo đèn trang trí, người ta quan tâm nhất là làm hang đá máng cỏ, trưng bày các tượng ảnh liên hệ biến cố Chúa giáng sinh, với mục đích truyền thông ý nghĩa của sự kiện Chúa Cứu Thế giáng sinh làm người.

Thánh sử Lu-ca đã mô tả sự kiện trọng đại về việc Đấng Cứu Thế đã ra đời vào thời khắc và nơi chốn có thực trên trần gian này. “Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. (Lc 2, 1-7)

1- ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VÀ TÔNG THƯ “DẤU CHỈ TUYỆT VỜI”

Truyền thông Công giáo cho hay, vào chiều ngày Chúa nhật 1-12, khi đến thăm thị trấn Greccio, cách Roma 96 km về phía bắc và cầu nguyện ngay tại nơi thánh Phanxicô đã dựng hang đá Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, ĐTC Phan-xi-cô đã ký Tông thư “Admirabile Signum” (Dấu chỉ tuyệt vời) để giải thích về ý nghĩa của hang đá Giáng sinh. [1]

Mở đầu Tông thư “Admirabile Signum”, ĐTC nhấn mạnh rằng dấu chỉ tuyệt vời của hang đá, rất thân thương đối với dân Kitô giáo, luôn gợi lên sự kinh ngạc và suy tư. Hang đá là lời rao giảng Tin Mừng cần được tái khám phá và hồi sinh. Ngài giải thích rằng: “Mô tả sự kiện Chúa giáng sinh là công bố mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa với sự đơn giản và niềm vui… Khi chúng ta chiêm ngắm khung cảnh Giáng sinh, chúng ta được mời gọi tham gia vào một cuộc hành trình thiêng liêng, được lôi cuốn bởi sự khiêm nhường của Người, Đấng đã làm người để gặp gỡ mọi người. Và chúng ta khám phá ra rằng Người yêu thương chúng ta đến mức liên kết với chúng ta, để chúng ta cũng có thể liên kết với Người”.

Về câu hỏi tại sao hang đá Giáng sinh khơi dậy sự ngạc nhiên và xúc động nơi chúng ta? ĐTC giải thích: “Hang đá khơi dậy rất nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với sự nhỏ bé của chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó để mời gọi chúng ta đi theo con đường khiêm nhường để gặp và phục vụ Người với lòng thương xót dành cho những anh chị em nghèo khổ nhất”.

Về các mục đồng là những người thấp kém và nghèo hèn nhất và biết cách chào đón sự kiện Nhập thể, ĐTC giải thích là “Thực sự là người nghèo là những người được ưu tiên của mầu nhiệm này và, thông thường, họ là những người có khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta trong khi cung điện của vua Hê-ro-đê nằm ở xa xa, đóng chặt cửa, không nghe được lời loan báo tin vui”. Đức Thánh Cha khẳng định tiếp: “Được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu cuộc cách mạng thực sự và duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề, đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng”.

ĐTC cũng không quên nhắc đến những nhân vật quan trọng và trung tâm của mầu nhiệm nhập thể. Đó là Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se và Chúa Giê-su. Ngài giải thích: Trong hang đá có Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se. Mẹ Ma-ri-a là “chứng tá của sự hoàn toàn phó thác trong đức tin theo thánh ý Chúa” và thánh Giu-se cũng thế, “là người không mệt mỏi chăm sóc và bảo vệ Thánh gia”.

Đặc biệt nhất, trong máng cỏ có Chúa Giê-su bé nhỏ. ĐTC nhận xét rằng việc làm của Thiên Chúa thì không thể đoán trước được, nằm ngoài kế hoạch của chúng ta và “Người tỏ mình ra như một đứa trẻ, để chúng ta ôm nhận Người trong vòng tay của mình. Bên dưới sự yếu đuối và mong manh, Người che giấu sức mạnh của mình, sức mạnh tạo ra và biến đổi mọi thứ bằng tình yêu. Hang đá làm cho chúng ta thấy, khiến chúng ta chạm vào sự kiện độc đáo và phi thường này, đã thay đổi tiến trình lịch sử”.

Để kết thúc Tông thư này, ĐTC kết luận: “Hang đá là một phần của quá trình quý giá và đòi hỏi của việc loan truyền đức tin, không quan trọng là nó được làm như thế nào, điều quan trọng là nó nói với cuộc sống của chúng ta, nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để nói với chúng ta rằng Người gần gũi với con người, dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào và nói với chúng ta rằng hạnh phúc ở nơi chính điều này”.

Quả thực nội dung bức Tông thư trên của ĐTC Phan-xi-cô được coi như một bài suy niệm dài, thật sâu sắc và nhiều ý nghĩa. Đó cũng góp phần gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về cách sống đạo của mình trong dịp lễ Giáng sinh này. Từ việc chiêm ngắm hang đá máng cỏ nơi Chúa Hài Nhi sinh ra, chúng ta có thể rút ra bài học về nếp sống khó nghèo theo Tin Mừng, về sự khiêm hạ của người môn đệ của Chúa và về lòng bác ái yêu thương của Ki-tô giáo.

2- NHỮNG THÔNG ĐIỆP TỪ HANG ĐÁ MÁNG CỎ

Hiện nay, hầu hết các nơi đều đang rộn ràng chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Sự chuẩn bị này giống như một dòng chảy, lôi cuốn hấu hết mọi người, mọi nhà, mọi ngõ ngách, mọi không gian vào một sự bận rộn ồn ào, huyên náo. Những đua tranh về mặt hình thức bề ngoài có thể sẽ góp phần ảnh hưởng không tốt tới sự chuẩn bị nội tâm vốn cần thiết hơn, đó là sự hoán cải bên trong nhờ chuỗi ngày tĩnh tâm và việc lãnh nhận bí tích hòa giải để đón Chúa vào lòng mình. Chúa cần điều đó nơi chúng ta hơn là những đầu tư lãng phí bên ngoài.

ĐGM GB Bùi Tuần trong bài viết ngày 14-12-2019 vừa qua có tựa đề “Thiện tâm mà Chúa muốn” đã chia sẻ như sau:

“Khắp nơi đang bận rộn đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Tôi cũng bận rộn theo. Chính trong tình trạng đó, Đức Mẹ nhắn nhủ tôi một điều quan trọng, đó là: Các con đừng để ý đến việc đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Nhưng hãy để ý đến việc đón Chúa giáng sinh vào tâm hồn mình.

“Thực vậy, Chúa Giêsu đến, không phải để được ở trong hang đá, nhưng là để được ở trong tâm hồn từng người. Ngài muốn vào lòng từng người để cứu họ. Chúa cứu họ theo cách của Ngài. Nghĩa là bằng sự khiêm hạ của Ngài, sự khó nghèo của Ngài, những đớn đau của Ngài, những tiếng khóc và nước mắt của Ngài, tình yêu của Ngài.

“Ngài muốn những kẻ đón Ngài cũng hãy chia sẻ sự khiêm hạ, sự khó nghèo và những đớn đau của Ngài, nhất là tình thương của Ngài. [2]

* Chúa giáng sinh khó nghèo

Chúa Cứu Thế đã sinh ra làm người nhưng là một người nghèo khó, trong một gia đình nghèo nàn. Ngài đã giáng sinh nơi máng cỏ bò lừa, một nơi nghèo hèn cùng cực trong nhân loại. Đó không phải là sự ngẫu nhiên, tình cờ nhưng là một chọn lựa có chủ đích. Đúng như thánh Phao-lô đã nói: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9).

Chúa cứu chúng ta bằng sự nghèo khó của Ngài. Nay đến lượt chúng ta, chúng ta loan báo và làm chứng cho Tin Mừng cũng thông qua đời sống khó nghèo của mình, thông qua sự đồng cảm và quan tâm của chúng ta đối với người nghèo.

Trong dịp mừng lễ Giáng sinh, thay vì chúng ta đầu tư quá nhiều công sức cho những hình thức phô trương bên ngoài, thì hãy nghĩ tới những người nghèo, quan tâm tới họ, cầu nguyện cho họ, thăm viếng họ, tham gia các nhóm từ thiện đến với họ để chia sẻ của cải vật chất và tinh thần. Đó là cách hành xử đúng ý Chúa, đẹp lòng Chúa nhất.

ĐTC Phan-xi-cô trong dịp chuẩn bị lễ No-en năm 2018, đã có bài chia sẻ tựa là “Đừng tục hóa lễ Giáng Sinh” trong đó ngài đã nhắc nhở các tín hữu:

“Sẽ là lễ Giáng sinh nếu – như thánh Giuse – chúng ta dành chỗ cho thinh lặng; nếu – như Mẹ Maria – chúng ta thưa với Chúa “Này con đây”; nếu – như Chúa Giêsu – chúng ta sẽ ở gần bên những người cô đơn; nếu – như các mục đồng – chúng ta sẽ đi ra khỏi những tường rào cản trở chúng ta để ở với Chúa Giêsu. Sẽ là lễ Giáng sinh, nếu chúng ta tìm thấy ánh sáng nơi hang đá đơn hèn ở Bêlem. Nó sẽ không phải là lễ Giáng sinh nếu chúng ta tìm những ánh sáng lung linh của thế giới, nếu chúng ta chỉ chất đầy quà cáp, những bữa ăn tiệc tùng mà không giúp đỡ ít nhất là một người nghèo, giống như Thiên Chúa, bởi vì vào đêm Giáng sinh, Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó”. [3]

* Chúa giáng sinh khiêm hạ

Trong dịp mừng lễ Giáng sinh này, hầu như mọi nhà, mọi nơi trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta đều có chung một phấn đấu, đó là làm sao cho đơn vị của mình làm hang đá thật hoành tráng, thực hiện những mô hình thật quy mô, sáng tạo, giăng đèn lấp lánh tràn khắp muôn lối, thật hoành tráng, thật mới lạ, thật hấp dẫn. Đó có lẽ phần nào xuất phát từ cái não trạng thích phô trương, là một trong mười căn bệnh làm băng hoại người Công giáo mà Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã từng nhắc đến. Ngài đã nói như sau: [4]

“Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là triomphalisme; người Mỹ cũng có từ ngữ show up. Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế vv…Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về !

“Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm? Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, Cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”.

Xin nhắc lại câu nói của ĐTC Phan-xi-cô trong Tông thư “Dấu chỉ tuyệt vời” mà chúng ta đã nói ở trên, đó là: “Hang đá khơi dậy rất nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với sự nhỏ bé của chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó để mời gọi chúng ta đi theo con đường khiêm nhường để gặp và phục vụ Người với lòng thương xót dành cho những anh chị em nghèo khổ nhất”.

Chúng ta hãnh diện về ngày lễ Giáng sinh là một đại lễ không chỉ đối với Ki-tô hữu chúng ta mà còn đối với cả thế giới. Nhưng một khi đại lễ tôn giáo đã bị tục hóa và trở thành một lễ hội khiến cho nhiều người sa đà vào việc ăn chơi, mua sắm, tiêu xài hoang phí thì chúng ta phải cảnh giác. Bởi vì, nếu chúng ta bị lôi kéo vào vòng xoáy của thế gian thì vô tình chúng ta đã làm mất ý nghĩa tôn giáo và tác động truyền giáo của đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh làm người.

Chúng ta sẽ rao giảng làm sao cho người lương dân về Chúa Cứu Thế làm người trong thân phận khó nghèo? Chúng ta sẽ là chứng nhân làm sao cho người chưa biết Chúa về sự khiêm hạ của một Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta? Chúng ta sẽ giới thiệu làm sao cho thế giới biết rằng vì yêu, Chúa muốn đến trong cung lòng mỗi con người để cứu họ, chứ không phải đến để “ngự” trong những hang đá máng cỏ giàu sang thời hiện đại?

* Chúa giáng sinh yêu thương

Có thể nói thông điệp chủ yếu của mầu nhiệm và biến cố Thiên Chúa giáng sinh làm người, đó là yêu thương. Thánh sử Gio-an đã khẳng định thế này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Thiên Chúa yêu chúng ta quá đỗi và nhờ biến cố Ngôi Lời nhập thể làm người, Người đã cứu sống chúng ta. Đó Tin Mừng của tình yêu.

Khi mừng lễ kỷ niệm việc Chúa giáng sinh ra đời, một mặt chúng ta vui mừng tạ ơn, vì nhờ tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa mà chúng ta được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Một mặt chúng ta chia sẻ niềm vui của Tin Mừng cứu rỗi cho những anh em chưa biết, chưa tin và chưa đón nhận Chúa. Thiết tưởng chúng ta đừng để cho những hào nhoáng của lễ hội bên ngoài che lấp niềm vui ơn cứu độ, ở tận thâm sâu tâm hồn ta. Vì chỉ có niềm vui ấy mới tồn tại bền vững lâu dài còn những thứ khác thì phù du, mau qua và vô bổ.

Thực vậy, “Chúng ta là những người sống trong hạnh phúc, hãy ủi an những kẻ bất hạnh. Chúng ta là những người đang được yêu thương, hãy chia sẻ những nỗi đau khổ của những ai buồn phiền. Chúng ta là những kẻ được ơn cứu độ, hãy đi rao giảng cho những người chưa biết Chúa. Hãy kéo họ lên khỏi vũng lầy của dốt nát, nghèo khó, thiếu thốn và dẫn đưa họ vào ánh sáng bất diệt là Đức Kitô Giáng Sinh như Ngài đã nói: ‘Tôi là ánh sáng thế gian’ “ (Ga 8,12)./. [5]

Aug. Trần Cao Khải

—————————–

[1] conggiao.info

[2] Nguồn: FB linh mục Nguyễn Mễn, Gp Long Xuyên

[3] Nguồn: Hồng Thủy Vatican News ngày 19-12-2018

[4] Bài nói chuyện của Đức cố HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ VN hải ngoại tại Strasbourg (Pháp) chiều ngày 12-9-1998 mà chúng ta rất đáng đọc khi đón chờ mừng Lễ Giáng Sinh

[5] LM Phaolô Đậu Văn Pháp SVD – Sống nghèo với Chúa Giáng Sinh -Nguồn: cgvdt.vn

Có thể bạn quan tâm