Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác, phần 5 – Đời sống hôn nhân Kitô giáo

1941 lượt xem

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC
TÌNH YÊU PHÀM NHÂN TRONG KẾ HOẠCH THẦN LINH
Sự cứu chuộc thân xác và tính bí tích của hôn nhân trong các huấn giáo ngày thứ Tư (1979-1984)

Chuyển ngữ: Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn

Tác phẩm “Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh” là một Thần học về Thân xác của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Ngài đã nói “con người trở thành ‘hình ảnh và họa ảnh’ của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu”. Một tiếp cận mới thuyết phục về vấn đề tính dục con người và đạo đức tính dục. Có người đã nói đức Gioan-Phaolô II là nhà cách mạng tính dục lảm đảo lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỉ vừa qua, đổi hướng qui nó về Nguồn và Cùng đích thật của nó.

Xin được gửi đến quý độc giả bản dịch Việt ngữ của Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn về tác phẩm này.

* * *

PHẦN NĂM:
ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN KITÔ GIÁO

LXXXVII – HÔN NHÂN BÍ TÍCH THEO THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ GỬI TÍN HỮU ÊPHÊSÔ

LXXXVIII – MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ TRONG HỘI THÁNH VÀ LỜI MỜI GỌI BẮT CHƯỚC THIÊN CHÚA

LXXXIX – ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN MẠCH VÀ LÀ NGƯỜI MẪU CHO TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CẶP VỢ CHỒNG

XC – HỘI THÁNH VÀ HÔN NHÂN ĐƯỢC HIỂU BIẾT SÂU SẮC HƠN QUA THƯ GỬI CÁC TÍN HỮU ÊPHÊSÔ

XCI – MỐI QUAN HỆ ĐỨC KITÔ – HỘI THÁNH VÀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CHỒNG – VỢ CỐT YẾU LÀ NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA HAI CHỦ THỂ

XCII – TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU KIỆN TẠO NÊN SỰ HỢP NHẤT VỢ CHỒNG TRÊN BÌNH DIỆN LUÂN LÍ

XCIII – QUAN HỆ GIỮA HỘI THÁNH NHƯ LÀ BÍ TÍCH VỚI MỘT BÍ TÍCH RẤT XA XƯA: HÔN PHỐI

XCIV – NHỮNG KHÍA CẠNH LUÂN LÍ CỦA ƠN GỌI KITÔ HỮU

XCV – TÌNH YÊU PHU THÊ VÀ GIAO ƯỚC TRONG TRUYỀN THỐNG CÁC TIÊN TRI

XCVI – HÌNH ẢNH LOẠI SUY TÌNH YÊU PHU THÊ BIỂU LỘ TÍNH CÁCH TRIỆT ĐỂ CỦA ÂN SỦNG

XCVII – HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH SỰ TRỌN VẸN CỦA BÍ TÍCH TẠO THÀNH

XCVIII – SỰ THẤT BẠI CỦA BÍ TÍCH NGUYÊN THỦY ĐƯỢC PHỤC HỒI NHỜ ƠN CỨU CHUỘC CỦA HÔN PHỐI-BÍ TÍCH

XCIX – HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA NHIỆM CUỘC BÍ TÍCH MỚI

C – TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LI CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI TRONG MẦU NHIỆM «CỨU CHUỘC THÂN XÁC»

CI – TRONG HÔN NHÂN CON NGƯỜI DỤC VỌNG ĐƯỢC BAN CHO «ĐẠO ĐỨC CỦA ƠN CỨU CHUỘC THÂN XÁC»

CII – HÔN NHÂN-BÍ TÍCH ĐƯỢC HOÀN TẤT TRONG VIỄN TƯỢNG CỦA NIỀM HI VỌNG CÁNH CHUNG

CIII – HÔN NHÂN-BÍ TÍCH SOI SÁNG CHO Ý NGHĨA HÔN PHỐI VÀ Ý NGHĨA CỨU CHUỘC CỦA TÌNH YÊU

CIV – «NGÔN NGỮ THÂN XÁC» ẨN CHỨA NỀN DẤU CHỈ BÍ TÍCH CỦA SỰ HIỆP THÔNG VỢ CHỒNG

CV – Ý NGHĨA HỢP HÔN CỦA THÂN XÁC CON NGƯỜI TƯƠNG HỢP VỚI Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA GIAO ƯỚC

CVI – DẤU CHỈ «SẤM NGÔN CỦA THÂN XÁC » TRONG LỜI TUYÊN BỐ ƯNG THUẬN VỢ CHỒNG

CVII – SỬ DỤNG ĐÚNG ĐẮN «NGÔN NGỮ CỦA THÂN XÁC» LÀ BẰNG CHỨNG XỨNG HỢP CỦA TIÊN TRI THẬT

CVIII – DỤC VỌNG KHÔNG CẢN NGĂN TA ĐỌC LẠI TRONG SỰ THẬT «NGÔN NGỮ THÂN XÁC»

CIX – QUAY LẠI CHỦ ĐỀ VỀ TÌNH YÊU CỦA CON NGƯỜI TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

CX – TIẾP TỤC GIÁO LÍ VỀ DẤU CHỈ BÍ TÍCH CỦA HÔN NHÂN

CXI – KẾT THÚC GIÁO LÍ VỀ TÌNH YÊU THEO «DIỄM TÌNH CA»

CXII – TÌNH YÊU THÌ ĐÁNG TIN CẬY TRONG CUỘC CHIẾN THẮNG CỦA SỰ THIỆN

CXIII – “MẦU NHIỆM CAO CẢ” CỦA TÌNH YÊU PHU THÊ

LXXXVII – HÔN NHÂN BÍ TÍCH THEO THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ GỬI TÍN HỮU ÊPHÊSÔ

(Ngày 28 tháng 7 năm 1982)

  1. Bây giờ chúng ta bắt đầu một chương mới về đề tài hôn nhân, bằng cách đọc Thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu Êphêsô:

«Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng Cứu Chuộc Hội Thánh, thân thể Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh! Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng».[1]

  1. Bây giờ là lúc thích hợp để ta phân tích sâu xa hơn bản văn trích dẫn trên đây từ chương năm Thư gửi tín hữu Êphêsô, như trước đây chúng ta đã phân tích những lời độc đáo của Đức Kitô, những lời vốn có một ý nghĩa chủ chốt đối với thần học về thân xác. Đó là những lời lẽ Đức Kitô đã nói khi đề cập tới cái «thuở ban đầu»,[2]khi nói về «lòng dạ» con người trong Diễn từ trên Núi[3]và về sự phục sinh tương lai.[4] Nội dung ẩn chứa trong đoạn thư Êphêsô này như «hoàn thiện» các lời lẽ then chốt súc tích kia. Nếu như từ những lời lẽ đó mà xuất hiện một phác thảo đại cương, tuy đơn sơ mà có nền tảng phúc âm, của thần học về thân xác, thì theo một nghĩa nào đó, cũng cần phải giả thiết tiên thiên thần học này khi chú giải đoạn thư Êphêsô nói trên. Như thế, nếu ta muốn chú giải đoạn thánh kinh này, thì cần phải chú giải nó dưới ánh sáng những gì Đức Kitô đã nói với ta về thân xác con người. Người nói về thân xác con người, không những về con người «lịch sử», nghĩa là con người «đương thời» của chúng ta vốn «lòng dạ» còn đầy tham dục, nhưng còn liên hệ đến viễn tượng «nguyên khởi», tức con người nguyên thủy vốn còn đơn sơ vô tội và công chính và, viễn tượng tối hậu, tức con người với thân xác phục sinh khi mà ở đó người ta không còn chuyện «lấy vợ lấy chồng».[5] Tất cả những điều này làm thành nhãn quan thần học về «sự cứu chuộc thân xác chúng ta».[6]
  2. Cả những lời lẽ của tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô[7]cũng qui về chủ đề thân xác. Thân xác ở đây hàmnghĩa ẩn dụ[8] (nghĩa là ám chỉ Thân Mình Đức Kitô, tức Hội Thánh), cũng như nghĩa đen, tức là chỉ chính thân xác cụ thể của con người với giới tính nam hoặc nữ thường trực, thường xuyên hướng đích hợp hôn. Như sách Sáng thế nói: «Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt».[9]

Hai ý nghĩa này của thân xác xuất hiện và hội nhập lại với nhau như thế nào trong đoạn văn Thư Êphêsô mà chúng ta đang xem xét? Và tại sao chúng xuất hiện và hội nhập lại với nhau ở đó? Đây chính là những câu hỏi cần phải đặt ra và ta không trông mong có được những giải đáp trực tiếp cho bằng là giải đáp khả dĩ ở chiều sâu và «về lâu về dài». Về điều đó, chúng ta đã được chuẩn bị bởi các phân tích trước đây. Quả thật, đoạn Thư Êphêsô ấy có thể sẽ không được hiểu đúng, nếu không được đặt trong bối cảnh thánh kinh rộng lớn, và xem nó như là một «sự hoàn thiện» của các đề tài và chân lí vốn trào ra như sóng từ Lời Chúa mạc khải trong Kinh Thánh. Đó là những đề tài trung tâm và là những chân lí cốt yếu. Do đó, bản văn trích từ Thư Êphêsô này cũng là một bản văn mấu chốt và «kinh điển».

  1. Đây là một bản văn được biết đến nhiều trongphụng vụvà luôn thấy nó xuất hiện ở những chỗ liên hệ tới bí tích hôn nhânLuật cầu nguyện (lex orandi) của Hội Thánh nhìn thấy đó như là một tham chiếu minh nhiên tới bí tích hôn nhân. Thế nhưng luật cầu nguyện giả thiết và đồng thời luôn diễn tả luật đức tin (lex credendi)[10]. Khi chấp nhận tiền đề ấy, lập tức chúng ta phải tự hỏi: trong bản văn «kinh điển» Thư Êphêsô này, chân lí về tính bí tích của hôn nhân xuất hiện ra như thế nào? Nó được diễn tả ra hay được xác nhận ở đó theo cách thức nào? Một điều rõ ràng là giải đáp những câu hỏi này không thể trực tiếp và nhanh chóng, mà phải dần dần và «về lâu về dài». Điều đó được chứng minh từ ngay trong cái thoạt nhìn đầu tiên khi mới đọc bản văn, nó dẫn chúng ta trở lại sách Sáng thế và trở lại «thuở ban đầu», và, trong lúc mô tả tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh, nó cũng dùng đến hình ảnh loại suy tình yêu phu thê[11] lấy lại từ các sách Tiên Tri trong Cựu ước để diễn tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa với Dân Ngài tuyển chọn. Không khảo sát những mối quan hệ này thì có lẽ sẽ khó trả lời cho câu hỏi về cách thức hiểu về tính bí tích của hôn nhân mà Thư Êphêsô nói tới. Người ta sẽ thấy giải đáp dự kiến sẽ phải đi qua toàn bộ lãnh vực các vấn đề ta đã phân tích trước đây, tức là đi qua thần học về thân xác.
  2. Theo nghĩa chung nhất, người ta gặp thấy bí tích ở nơi thân xác và tính bí tích ấy giả thiết suy tư «thần học về thân xác» có trước. Quả thật,bí tích, theo nghĩa chung nhất mà ta biết, là một«dấu chỉ hữu hình». Vì thế, thân xác có ý nghĩa là cái gì đó hữu hình, ám chỉ đến «tính hữu hình» của thế giới này và của con người. Bởi thế, một cách nào đó, và ngay cả trong trường hợp chung nhất, thân xác đi vào trong định nghĩa về bí tích, vì nó là «dấu chỉ hữu hình của một thực tại vô hình», tức thực tại thiêng liêng, siêu việt, thần linh. Trong dấu chỉ này (và nhờ dấu chỉ này) Thiên Chúa tự hiến ban mình cho con người trong chân lí siêu việt của Người và trong tình yêu của Người. Bí tích là dấu chỉ của ân sủng và là dấu chỉ hữu hiệu[12]. Nó không những chỉ đến và diễn tả cách hữu hình, theo cách thức của một dấu hiệu, mà còn tạo ra, và góp phần hữu hiệu để sao cho ân sủng được dự phần vào con người, và công trình cứu độ, vốn được tiền định từ muôn thuở bởi Thiên Chúa và được mạc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô, được thực hiện và hoàn thành.
  3. Cái nhìn sơ khởi ban đầu về bản văn «kinh điển» Thư Êphêsô này cho ta một hướng đi phải theo để tiếp tục phân tích về sau. Việc phân tích cần phải bắt đầu từ việcnắm bắt ý nghĩa sơ thủy từ ngay bản văn.Thế nhưng, sau đó nó phải dẫn chúng ta, có thể nói là, vượt qua bên kia biên giới của nó để có thể hiểu đến «tận chiều sâu» rất phong phú của chân lí Thiên Chúa mạc khải ở trong trang sách tuyệt diệu ấy. Nếu sử dụng cách diễn tả nổi tiếng của Hiến chế Gaudium et spes, ta có thể nói rằng đoạn văn của Thư Êphêsô mà chúng ta chọn «giúp con người hiểu biết cách riêng về chính con người, và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quí của mình»[13]: vì con người tham dự vào kinh nghiệm của ngôi vị nhập thể. Thật vậy, Thiên Chúa khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, từ thuở ban đầu Ngài đã tạo dựng họ «là nam và là nữ».[14]

Qua các phân tích kế tiếp sau đây chúng ta sẽ cố gắng – dưới ánh sáng của bản văn Thư Êphêsô được trích dẫn – tìm hiểu sâu xa hơn về bí tích (cách riêng về hôn nhân như là bí tích): trước hết, theo chiều kích của Giao ước và ân sủng, và rồi sẽ đến chiều kích của dấu chỉ bí tích.

LXXXVIII – MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ TRONG HỘI THÁNH VÀ LỜI MỜI GỌI BẮT CHƯỚC THIÊN CHÚA

(Ngày 4 tháng 8 năm 1982)

  1. Trong bài nói chuyện lần trước tôi đã trích dẫn chương năm Thư gửi tín hữu Êphêsô.[15]Giờ đây, sau khi giới thiệu sơ qua bản văn «kinh điển» này, đến lúc chúng ta phải khảo sát cách thức mà bản văn rất quan trọng (đối với mầu nhiệm Hội Thánh cũng như đối với Bí tích Hôn nhân) này được cấu thành trongcái khung cảnh trực tiếp của cả bức Thư như thế nào.

Dẫu biết rằng có một số vấn đề các nhà Kinh thánh còn đang tranh luận liên quan đến độc giả được Thư này nhắm đến, liên quan đến tác giả cũng như thời điểm sáng tác bức Thư, cũng cần phải nhận thấy Thư Êphêsô có một cấu trúc rất ý nghĩa. Tác giả khởi đầu Thư bằng việc trình bày kế hoạch đời đời cứu độ con người trong Đức Giêsu Kitô.

«… Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta …đã chọn ta [trước cả khi tạo thành vũ trụ] trong Người … để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người…. để đưa thời gian tới hồi viên mãn: hoàn tất kế hoạch đã định là qui tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô …».[16]

Sau khi giới thiệu, với lời lẽ tràn đầy tâm tình biết ơn, ý định từ thuở đời đời của Thiên Chúa và đã được thực hiện trong cuộc sống của loài người, Tác giả Thư Êphêsô khẩn nguyện Chúa cho loài người (và cách trực tiếp cho những độc giả của bức Thư) được nhận biết trọn vẹn Đức Kitô là Đầu. «Thiên Chúa đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, … và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn».[17] Nhân loại tội lỗi được kêu gọi sống một đời sống mới trong Đức Kitô, trong đó người ngoại và người Do thái phải hợp nhất với nhau như ở trong cùng một đền thánh.[18] Thánh Phaolô là người phục vụ (loan báo) Tin mừng Đức Kitô giữa dân ngoại, họ là đối tượng đặc biệt bức Thư hướng đến, ngài «quì gối trước mặt Chúa Cha» và nguyện xin Chúa, «thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho họ được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi họ được vững vàng».[19]

  1. Sau khi đã trình bày mạc khải rất sâu sắc và gợi ý về mầu nhiệm Đức Kitô trong Hội Thánh như thế, Tác giả chuyển qua phần hai của bức Thư gồmnhững chỉ dẫn chi tiếtnhằm xác định đời sống Kitô hữu như một ơn gọi xuất phát từ ý định Thiên Chúa mà ta đã nói trên đây, tức là từ mầu nhiệm Đức Kitô trong Hội Thánh. Cả ở đây nữa Tác giả cũng đụng đến các vấn đề khác nhau luôn hợp lí đối với đời sống Kitô hữu. Ngài cổ vũ giữ vững sự hiệp nhất, và đồng thời nhấn mạnh sự hiệp nhất ấy được xây dựng dựa trên sự phong phú đa dạng của các ơn huệ của Đức Kitô. Mỗi người được ban cho một ơn huệ khác nhau, nhưng tất cả mọi người, như là Kitô hữu, phải «mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện».[20] Cùng với điều ấy, ngài còn quyết liệt nhắc nhở phải từ bỏ những tính mê nết xấu và tập tành những đức tính hợp với ơn gọi mà mọi người nhận được từ Đức Kitô.[21] Tác giả viết: «Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là những con cái được Ngài yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, Người đã tự nộp mình làm hiến lễ».[22]
  2. Trong chương năm Thư Êphêsô những lời nhắc nhở này còn trở nên đặc biệt hơn nữa. Tác giả nghiêm khắc lên án những lạm dụng theo tập tục ngoại giáo và viết: «Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng».[23]Và kế đến: «Anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè (tham chiếu sáchChâm ngôn 23,31)…, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa».[24] Với những lời lẽ ấy, Tác giả bức Thư muốn phác họa nên bầu khí của đời sống thiêng liêng ngài phải khơi dậy cho sống động trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu. Từ đây, ngài bước sang cộng đoàn hội thánh tại gia, tức là gia đình. Quả thật, ngài viết: «Anh em hãy thấm nhuần Thần Khí… và không ngừng cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau».[25] Và chính từ đây chúng ta bước vào đoạn văn của bức Thư nói về đề tài mà chúng ta muốn phân tích. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng nội dung cốt yếu của bản văn «kinh điển» này nằm ở giao điểm của hai mạch dẫn chính của cả bức Thư gửi Tín hữu Êphêsô. Mạch thứ nhất là mầu nhiệm Đức Kitô, như là diễn tả ý định Thiên Chúa muốn cứu độ con người, được thực hiện trong Hội thánh. Mạch thứ hai là ơn gọi Kitô hữu, xét như là mẫu mực đời sống của các tín hữu đã rửa tội, cho từng cá nhân cũng như cho mỗi cộng đoàn, phù hợp với mầu nhiệm Đức Kitô, nghĩa là hợp với ý định của Thiên Chúa muốn cứu độ con người.
  3. Trong văn mạch trực tiếp của bản văn mà ta trích dẫn, tác giả của bức Thư đã cố gắng giải thích ơn gọi Kitô hữu được quan niệm như thế phải được thực hiện và thể hiện ra như thế nào trong các mối tương quangiữa tất cả các thành viên trong một gia đình.Không những giữa vợ và chồng (mà đoạn 5,22-33 đã chọn nói tới), mà còn giữa cha mẹ và con cái. Tác giả viết: «Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha, đừng làm cho con cái oán giận, nhưng hãy giáo dục chúng bằng khuyên răn và sửa dạy theo tinh thần của Chúa».[26] Kế đến, người ta nói về các bổn phận của các gia nhân đối với người chủ, và ngược lại, của các người chủ đối với gia nhân, tức là các nô lệ của mình,[27] đây cũng là điều cần được nhắc đến trong những chỉ thị liên hệ đến gia đình theo nghĩa rộng. Quả thế, gia đình không chỉ gồm cha mẹ và con cái (theo sự tiếp nối các thế hệ do truyền sinh), nhưng theo nghĩa rộng còn bao gồm các người ăn kẻ ở, những người nô lệ nam cũng như nữ.
  4. Như thế, bản văn Thư Êphêsô mà chúng ta đưa ra để đào sâu phân tích, nằmtrong văn mạch trực tiếp của giáo huấn về các bổn phậnluân lí trong gia đình (cái gọi là «Hausteflen» hay Luật gia đình, theo định nghĩa của Lutêro). Những chỉ dẫn tương tự cũng có trong các Thư khác.[28] Cách rõ ràng hơn, bối cảnh trực tiếp đó hiện ở trong đoạn văn của chúng ta, vì bản văn «kinh điển» mà chúng ta chọn bàn đến các nghĩa vụ của người chồng và người vợ đối với nhau. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng đoạn Thư Êphêsô 5,22-33 đơn thuần tập trung chỉ vào đề tài vợ chồng và hôn nhân, còn về gia đình đã sẵn là chủ đề thuộc văn mạch rộng lớn hơn. Nhưng trước khi đi sâu vào phân tích bản văn ta cũng nên lưu ý thêm rằng cả bức Thư đi đến điểm kết là một lời khuyên nhủ tuyệt vời về chiến đấu thiêng liêng,[29] với vài lời giới thiệu ngắn[30] và một lời chào chúc cuối thư.[31] Lời kêu gọi chiến đấu thiêng liêng như được đặt trên nền tảng hợp lí của lập luận toàn bức Thư. Có thể nói, lời kêu gọi ấy là rõ ràng là đã hoàn tất các mạch dẫn chính yếu của bức Thư.

Với cấu trúc toàn thể của bức Thư gửi tín hữu Êphêsô rõ như thế, trong phần phân tích đầu tiên chúng ta sẽ thử làm sáng tỏ ý nghĩa của lời sau đây hướng đến những người làm chồng và làm vợ: «Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau».[32]

LXXXIX – ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN MẠCH VÀ LÀ NGƯỜI MẪU CHO TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CẶP VỢ CHỒNG

(Ngày 11 tháng 8 năm 1982)

  1. Giờ đây chúng ta bắt đầu phân tích một cách đặc biệt hơn đoạn Thư gửi tín hữu Êphêsô 5,21-33. Hướng về các cặp vợ chồng, Tác giả khuyên họ«hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô».[33]

Vấn đề ở đây là một tương quan mang hai chiều kích hay hai cấp độ: tính hỗ tương và tính cộng đoàn. Cái này xác định và là đặc trưng cho cái kia. Tương quan giữa vợ và chồng phải xuất phát từ quan hệ chung của họ với Đức Kitô. Tác giả của bức Thư nói đến «lòng kính sợ Đức Kitô» theo nghĩa loại suy như khi nói đến «lòng kính sợ Chúa». Trong trường hợp này, điều chính yếu không phải là sự sợ hãi, tức thái độ tự vệ đứng trước đe dọa của cái ác, nhưng trước hết đó là lòng kính tôn đối với sự thánh, tức thực tại thánh thiêng (sacrum). Đó là lòng đạo đức (pietas), mà theo kiểu diễn tả của Cựu ước cũng là sự «kính sợ Chúa».[34] Thực ra, lòng mộ đạo ấy, vốn xuất phát từ ý thức thẳm sâu về mầu nhiệm Đức Kitô, phải là nền tảng cho các mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau.

  1. Như văn mạch trực tiếp của nó, bản văn chúng ta chọn cũng có đặc tính «khuyến thiện», nghĩa là dạy dỗ luân lí. Tác giả bức Thư ước muốn chỉ dẫn cho các đôi vợ chồng phải xây dựng mối tương quan của họ với nhau như thế nào và cả lối ăn cách ở của họ. Ngài rút ra những chỉ thị và hướng dẫn riêng từ mầu nhiệm Đức Kitô, trình bày từ đầu bức Thư. Mầu nhiệm này phải hiện diện cách thiêng liêng trong mối tương quan giữa vợ chồng. Đi sâu vào lòng họ, làm nảy sinh trong họ «lòng kính sợ Đức Kitô» thánh thiêng (tức là lòng đạo đức), mầu nhiệm Đức Kitô phải dẫn họ tới chỗ «tùng phục lẫn nhau». Mầu nhiệm Đức Kitô, nghĩa là mầu nhiệm chọn lựa mỗi người, từ trước muôn đời, được «làm con cái Chúa» trong Đức Kitô.[35]
  2. Đoạn vănEp5,22-33 mà chúng ta đã phân tích văn mạch xa cũng như gần hay trực tiếp, bắt đầu với một diễn ngữ với ấn tượng rất đặc biệt. Tác giả nói đến sự kiện vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau, và từ đó giúp ta hiểu cần phải hiểu thế nào những lời được viết sau đó về sự người vợ hãy tùng phục chồng. Thật vậy, ta đọc thấy: «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa».[36] Nói thế tác giả không có ý hiểu rằng người làm chồng thì làm «chúa» vợ mình và giao ước liên vị của hôn nhân là một thứ hợp đồng bảo đảm quyền sở hữu (tức thống trị) của người chồng đối với người vợ. Trái lại, điều đó muốn diễn tả một khái niệm khác, đó là: người làm vợ, trong tương quan với Đức Kitô – là Đức Chúa duy nhất đối với cả hai vợ chồng – có thể và phải tìm thấy được cái lí do của mối quan hệ với người làm chồng, một quan hệ xuất phát từ chính yếu tính của hôn nhân và của gia đình. Nhưng tương quan đó không phải là sự phục tùng một chiều. Theo đạo lí của Thư Êphêsô, hôn nhân loại bỏ yếu tố vốn làm cho giao ước nên nặng trĩu và, có khi, hay nặng về thể chế pháp lí. Thật ra, người làm chồng và người làm vợ «tùng phục lẫn nhau», người này tự hạ mình phục vụ người kia. Nguồn mạch của sự tùng phục lẫn nhau này là ở nơi lòng đạo đức kitô giáo, và diễn tả của nó là tình yêu.
  3. Tác giả của bức Thư nhấn mạnh cách đặc biệt đến tình yêu này, khi hướng về người làm chồng. Quả thật, ngài viết: «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình…», và với cách thức diễn tả này ngài tước bỏ mọi yếu tố của sự sợ hãi (là điểm nhạy cảm của con người thời đại) có thể được gợi lên từ câu nói trước đó: «Người làm vợ hãy tùng phục chồng». Tình yêu loại trừ mọi kiểu phục tùng trong đó người làm vợ trở nên như người đày tớ hay nô lệ của người chồng, đối tượng của một sự phục tùng trước thái độ độc đoán. Tình yêu thì không như thế, vì trong tình yêu cảngười làm chồng cũng phục tùngvợ, và đó là vì phục tùng chính Chúa, như vợ đã đối với chồng vậy. Cộng đoàn gia đình hiệp nhất mà họ phải xây dựng vì hôn nhân, được thành hiện thực là nhờ họ dâng hiến cho nhau, cũng có nghĩa là họ tùng phục lẫn nhau. Đức Kitô là nguồn mạch và cũng là mẫu mực của sự phục tùng ấy, một sự phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô», điều ấy làm cho sự kết hợp vợ chồng trở nên sâu sắc và chín muồi. Nhiều yếu tố mang tính tâm lí hay phong tục, trong nguồn mạch ấy và trước mẫu mực ấy, được biến đổi sâu xa đến nỗi làm xuất hiện một «tổng hợp» các hành vi và các mối quan hệ hai chiều, mới mẻ và quí giá.
  4. Tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô không e ngại nhận lấy các quan niệm riêng của não trạng và tập tục thời ấy; ngài không ngại nói đến sự phục tùng của người làm vợ đối với người chồng; và rồi cũng không ngại (trong câu cuối cùng của đoạn Kinh thánh ta đang trích dẫn) khuyên người vợ «hãy kính sợ chồng mình»[37]. Quả thật, hẳn là khi người chồng và người vợ mà cư xử trong sự phục tùng lẫn nhau«trong sự kính sợ Đức Kitô», thì mọi sự sẽ bình yên ổn thỏa, hòa hợp với ơn gọi kitô hữu của họ trong mầu nhiệm Đức Kitô.
  5. Thế nhưng, chắc chắn là tâm thức của con người chúng ta ngày nay thì khác, cả não trạng và tập tục hiện nay cũng khác xưa, và vị thế xã hội của người phụ nữ đối với nam giới cũng khác. Tuy nhiên, nguyên lí nền tảng vững bền ta có từ Thư Êphêsô vẫn thế và vẫn sinh hoa kết quả. Phục tùng lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô» – một sự phục tùng phát sinh trên nền tảng của lòng đạo đức – luôn tạo nên cấu trúc sâu xa và chắc chắn chocộng đoàn hôn nhân,trong đó sự «hiệp thông» các ngôi vị đích thực được thực hiện.
  6. Tác giả của bản văn gửi cho các tín hữu Êphêsô đó, khởi đầu bức Thư đã giới thiệu một viễn ảnh về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa dành cho loài người, ngài không chỉ lưu ý hạn chế vào các khía cạnh tập tục truyền thống hay đạo đức của hôn nhân mà thôi, nhưng vượt trên phạm vi giáo huấn luân lí. Thật vậy, trong khi viết về tương quan giữa vợ chồng với nhau ngài khám phá một chiều kích, là chính mầu nhiệm Đức Kitô, và ngài trở thành người loan báo và là tông đồ của mầu nhiệm ấy. «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh…».[38]Như thế,giáo huấn của phần khuyến thiện này của bức Thư, cách nào đó, được tháp vào trong chính thực tại mầu nhiệm được giấu kín tự muôn thuở trong Thiên Chúa và được mạc khải cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Trong Thư Êphêsô, chúng ta nhận thấy một cuộc gặp gỡ, có thể nói là, đặc biệt của mầu nhiệm ấy với chính yếu tính của ơn gọi hôn nhân. Nhưng cần phải hiểu như thế nào về sự gặp gỡ này ?
  7. Trong bản văn của Thư Êphêsô, nó được trình bày trước hết như là mộtloại suyphóng đại. Chúng ta đọc thấy rằng: «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa…»: đó là yếu tố loại suy đầu tiên. «Vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh…»: đó là yếu tố loại suy thứ hai, yếu tố này giải thích và nêu lí do cho loại suy thứ nhất. «Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy…»: như mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh được trình bày trước đây, giờ đây mối quan hệ của Hội Thánh đối với Đức Kitô được diễn tả, và ở đây hàm chứa yếu tố tiếp nối của loại suy. Sau cùng: «Và hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như chính Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh…»: đó là yếu tố loại suy cuối cùng. Phần kế tiếp của bản văn trong bức Thư khai triển tư tưởng nền tảng của đoạn ta trích dẫn ở đây. Toàn thể bản văn chương Năm[39] của Thư Êphêsô tràn ngập cùng một kiểu loại suy: đó là, mối tương quan hôn phối giữa vợ và chồng các kitô hữu cần phải hiểu theo hình ảnh của mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh.[40]

 

XC – HỘI THÁNH VÀ HÔN NHÂN ĐƯỢC HIỂU BIẾT SÂU SẮC HƠN QUA THƯ GỬI CÁC TÍN HỮU ÊPHÊSÔ

(Ngày 18 tháng 8 năm 1982)

  1. Phân tích các thành phần của Thư gửi các tín hữu Êphêsô, chúng ta đã nhận thấy rằng tương quan giữa vợ chồng cần phải được Kitô hữu hiểu như là họa theo hình ảnh của mối quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Quan hệ này mạc khải và thực hiện trong thời gian mầu nhiệm cứu độ và tuyển chọn bởi tình yêu, vốn «ẩn kín» từ muôn thuở trong Thiên Chúa. Trong công cuộc mạc khải và thực hiện này, mầu nhiệm cứu độ hàm chứa trong tương quan của Đức Kitô với Hội Thánh nét đặc thù của tình yêu Phu Thê, và do đó, nó chỉ có thể được diễn tả ra một cách phù hợp nhất bằng thể loại suy nhờ mối tương quan vốn có và lí tưởng giữa vợ và chồng trong hôn nhân. Hình ảnh loại suy đó làm sáng tỏ mầu nhiệm, ít nhất cũng ở một cấp độ nào đó. Đúng hơn, đối với tác giả của Thư gửi các tín hữu Êphêsô, dường như hình ảnh loại suy này là sự bổ túc cho hình ảnh «Thân Mình Huyền Nhiệm»,[41] trong khi chúng ta cố diễn tả mầu nhiệm tương quan của Đức Kitô và Hội Thánh (mầu nhiệm vốn được diễn tả và thực hiện trong thời gian nhờ tương quan của Đức Kitô với Hội Thánh) và, xa hơn nữa, là mầu nhiệm tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa đối với con người, đối với nhân loại.

  1. Nếu, như đã nói, hình ảnh loại suy này làm sáng tỏ mầu nhiệm hơn, thì phần mình, nó cũngđược soi sáng bởi mầu nhiệm ấy. Quan hệ phu thê kết hợp đôi phối ngẫu, vợ và chồng, theo tác giả Thư Êphêsô, phải giúp ta hiểu tình yêu Đức Kitô kết hợp với Hội Thánh. Chính trong tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh đó, mà kế hoạch cứu độ đời đời của Thiên Chúa dành cho con người được thực hiện. Tuy nhiên, ý nghĩa của loại suy này chưa bộc lộ hết ở đây. Hình ảnh loại suy được sử dụng trong Thư Êphêsô này làm sáng tỏ mầu nhiệm tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, cũng đồng thờimạc khải sự thật cốt yếu về hôn nhân[42]. Đó là, hôn nhân là ơn gọi của các Kitô hữu chỉ khi nó phản chiếu tình yêu của Đức Kitô Đấng Phu Quân hiến ban mình cho Hội Thánh Hiền Thê của Người, và Hội Thánh (họa lại nơi hình ảnh người vợ hiền «tùng phục» và hiến thân cho chồng) cố đáp lại tình yêu ấy của Đức Kitô. Đó là tình yêu cứu chuộc, tình yêu cứu độ, mà con người đã được yêu từ trước muôn đời trong Đức Kitô: «Trong Người, Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện…».[43]
  2. Hôn nhân là ơn gọi của các Kitô hữu trong tư cách như là vợ chồng chỉ khi nào tình yêu đó thật sự được phản chiếu và được hiện thực hóa nơi họ. Điều đó sẽ rõ ràng hơn nữa nếu chúng ta tìm cáchđọc lại loại suy ấycủa thánh Phaolô theo chiều ngược lại, nghĩa là bắt đầu từ tương quan của Đức Kitô và Hội Thánh rồi hướng về tương quan chồng vợ trong hôn nhân. Bản văn biểu lộ giọng văn khuyến thiện: «Người làm vợ hãy tùng phục chồng… như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô». Và đàng khác, cũng nói: «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh…». Đó là một nghĩa vụ luân lí. Thế nhưng, để có thể khuyên dạy như thế ta phải nhìn nhận rằng chính trong yếu tính của hôn nhân đã có một mẩu của mầu nhiệm. Nếu không, toàn bộ hình ảnh loại suy đó vẫn chỉ là huyễn tượng trống không. Lời mời gọi của tác giả Thư Êphêsô động viên đôi bạn rập khuôn tương quan của họ theo tương quan của Đức Kitô và Hội Thánh («cũng như … cũng thế…») sẽ thiếu một nền tảng thực, như người ta thiếu nền đất cho chân đứng. Đó là luận điểm của loại suy dùng trong bản văn trích từ Thư Êphêsô.
  3. Như ta thấy, loại suy này hoạt động theo hai hướng. Một đàng, nó giúp ta hiểu rõ hơn yếu tính của mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh, đàng khác, đồng thời giúp ta đi sâu vào bản chất của hôn nhân mà những người Kitô hữu được kêu gọi để sống. Nó biểu lộ, như thế nào đó, cách thức mà cuộc hôn nhân này trong yếu tính sâu xa nhất của nóxuất hiện ra từ mầu nhiệmtình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa đối với con người, đối với nhân loại. Từ mầu nhiệm cứu độ được thể hiện ra trong thời gian nhờ tình yêu phu thê của Đức Kitô với Hội Thánh. Khởi đi từ những lời của Ep 5,22-23, chúng ta có thể tuần tự triển khai tư tưởng trong cách loại suy của thánh Phaolô theo hai hướng: theo hướng hiểu sâu hơn bản chất của Hội Thánh, cũng như theo hướng hiểu sâu hơn bản chất của hôn nhân. Chúng ta sẽ xem xét trước hết hướng thứ hai, và cần nhớ rằng, ở nền tảng của nội hàm hôn nhân trong bản tính sâu xa nhất của nó hàm chứa tương quan phu thê của Đức Kitô với Hội Thánh. Tương quan đó còn cần phải được phân tích cách chính xác hơn nữa hầu có thể thiết lập quan hệ hôn nhân như thế nào để nó trở thành dấu chỉ hữu hình của mầu nhiệm Thiên Chúa vĩnh cửu, họa theo hình ảnh của Hội Thánh kết hợp với Đức Kitô. Bằng cách đó, Thư gửi Tín hữu Êphêsô dẫn chúng ta đến nền tảng của tính bí tích của hôn nhân[44].
  4. Vậy chúng ta sẽ phân tích bản văn cách đặc biệt hơn. Khi chúng ta đọc trong Thư Êphêsô rằng «chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể Người»,[45]thì ta có thể giả thiết rằng tác giả đã tuyên bố trước hết rằng việc vợ tùng phục chồng như là đầu của mình cần được hiểu đó là sự tùng phục lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô». Cách nói phụ thuộc vào cách nghĩ và quan niệm của thời đại. Điều quan trọng trước hết là để diễn tả sự thật về mối quan hệ của Đức Kitô và Hội Thánh, nghĩa là Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh. Người là Đầu xét như là «Đấng Cứu Chuộc Hội Thánh, thân thể Người». Hội Thánh là chính thân thể, tùng phục Đức Kitô như là Đầu trong mọi sự, đón nhận từ Người tất cả những gì làm nên thân thể Người. Đó là ơn cứu độ viên mãn do Đức Kitô Đấng «đã hiến mình vì Hội Thánh» cho đến tận cùng. Việc Đức Kitô hiến mình cho Chúa Cha nhờ sự vâng phục cho đến chết trên thập giá có một ý nghĩa Giáo hội học chính xác:«Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh».[46] Bởi đã hiến mình hoàn toàn vì yêu thương Người đã tạo nên Hội Thánh như thân thể Người và liên tục xây dựng, trở thành Đầu của Hội Thánh. Là Đầu và là Đấng Cứu Chuộc của Hội Thánh, Người cũng là Hôn Phu của Hội Thánh Hôn Thê.
  5. Hội Thánh càng là chính mình, thì với tư cách như là thân mình, càng đón nhận từ Đức Kitô, là Đầu, toàn thể tặng phẩm ơn cứu độ như hoa quả của tình yêu và sự tự hiến của Đức Kitô dành cho Hội Thánh: hoa quả của sự trao hiến của Đức Kitô cho đến tận cùng. Sự tự hiến đó cho Thiên Chúa Cha bởi vâng phục cho đến chết,[47]theo Thư gửi các tín hữu Êphêsô, cũng đồng thời là một sự «trao hiến chính mình cho Hội Thánh». Nói như thế có nghĩa làtình yêu cứu chuộc, có thể nói là, biến hình thành tình yêu phu thê: Đức Kitô, trong khi tự hiến mình cho Hội Thánh, cũng qua hành động cứu chuộc ấy, kết hợp mãi mãi với Hội Thánh, như Hôn phu kết hợp với Hôn thê, như chồng với vợ, bằng sự hiến thân cho Hội Thánh một lần dứt khoát. Bằng cách đó, mầu nhiệm cứu chuộc thân xác ẩn chứa trong mình, theo một nghĩa nào đó, mầu nhiệm «hôn lễ của Con Chiên».[48] Vì Đức Kitô là Đầu của thân thể, toàn thể tặng phẩm ơn cứu chuộc thấm nhập vào Hội thánh xét như là thân mình của Đầu ấy, và không ngừng hình thành nên bản thể cốt yếu và sâu xa nhất của sự sống Hội Thánh. Và Hội Thánh được hình thành như thế là theo cách thức của một sự kết hợp hôn phối, bởi vì trong bản văn trích dẫn hình ảnh loại suy Thân mình-Đầu được thông qua bởi loại suy tương quan vợ-chồng. Những đoạn văn tiếp theo chúng ta cần xem xét sẽ cho thấy điều đó.

XCI – MỐI QUAN HỆ ĐỨC KITÔ – HỘI THÁNH VÀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CHỒNG – VỢ CỐT YẾU LÀ NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA HAI CHỦ THỂ

(Ngày 25 tháng 8 năm 1982)

  1. Trong những suy tư trước về chương năm của Thư gửi tín hữu Êphêsô,[49]chúng ta đã đặc biệt lưu ý đến cách thức loại suy của tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh và tương quan giữa người chồng và người vợ kết hợp với nhau trong hôn nhân. Trước khi phân tích những đoạn kế tiếp của bản văn đang tìm hiểu, chúng ta phải biết điều này, rằng trong phạm trù loại suy cơ bản của thánh Phaolô: một đàng, quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh, và đàng khác, quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, xét như là chồng vợ, còn cómột loại suy bổ túc, đó là loại suy tương quan giữa đầu và thân mình. Chính so sánh loại suy này cho lời tuyên bố mà ta đang phân tích một ý nghĩa chính yếu về giáo hội học: Hội Thánh, xét như là Hội Thánh, được tạo nên bởi Đức Kitô; được hình thành bởi Người nơi thành phần cốt yếu nhất, như là thân mình bởi đầu. Sự kết hợp thân mình với đầu trước hết là sự kết hợp hữu cơ, là sự kết hợp, nói cho đơn giản, của các cơ quan trong thân thể con người. Chính trên nền tảng của sự kết hợp hữu cơ này mà sự kết hợp về mặt sinh học trực tiếp diễn ra, bởi vì người ta có thể nói rằng «thân mình sống nhờ đầu» (dẫu đồng thời, theo cách nào đó khác, đầu cũng sống nhờ thân mình). Hơn nữa, nếu nói về con người, chính trên nền tảng sự kết hợp hữu cơ này mà có sự kết hợp về mặt tâm lí hiểu theo nghĩa trọn vẹn của nó và, xét cho cùng cũng là nền tảng cho cả toàn thể nhân vị thống nhất.
  2. Như đã nói (ít nhất là trong đoạn văn đang được phân tích), tác giả của Thư gửi tín hữu Êphêsô đã giới thiệu hình ảnh loại suy bổ sung về đầu và thân mình trong lãnh vực loại suy của hôn nhân. Xem ra tác giả đã dùng loại suy thứ nhất «đầu-thân mình» như là trung tâm điểm quan niệm của mình từ quan điểm của chân lí mà ông tuyên bố về Đức Kitô và về Hội Thánh. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng ông đã khôngđặt loại suy này đứng ở bên cạnh hay ở bên ngoài loại suy hôn nhânnhư dây liên kết vợ-chồng. Đúng hơn, còn ngược lại là đàng khác. Trong toàn thể bản văn của Thư gửi tín hữu Êphêsô,[50] và nhất là trong phần đầu mà chúng ta đang xem xét,[51] tác giả nói trong hôn nhân cả người chồng cũng là «đầu của vợ», và người vợ là «thân mình của chồng», và hai vợ chồng còn nên một như sự hợp nhất của hai cơ phận đó trong thân thể. Có thể thấy cơ sở Kinh thánh cho điều ấy nơi bản văn sách Sáng thế nói đến con người và vợ mình nên «một xương một thịt»,[52] và cũng bản văn ấy được tác giả Thư Êphêsô tham chiếu đến trong khuôn khổ của hình ảnh loại suy hoành tráng của nó. Thế nhưng, trong sách Sáng thế rõ ràng vấn đề là người đàn ông và người đàn bà được xem như hai chủ thể ngã vị khác biệt quyết định kết hôn với nhau một cách có ý thức, sự kiện ấy được bản văn cổ xác định qua cách nói nên «một xương một thịt». Và trong Thư Êphêsô điều này cũng rất rõ ràng. Tác giả dùng hai loại suy: đầu-thân mình, chồng-vợ, để minh họa cách rõ ràng bản tính của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Theo một nghĩa nào đó, cách riêng trong phần đầu của bản văn Êphêsô 5,22-33 này, chiều kích giáo hội học xem ra có tính quyết định và phổ dụng[53].
  3. «Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng Cứu Chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh…».[54]Cách loại suy bổ sung «đầu-thân» này được dùng trong toàn văn cảnhEp 5,22-33 diễn tả hai chủ thể khác biệt, nhờ một mối tương quan đặc biệt, theo một nghĩa nào đó đã trở nên một chủ thể duy nhất. Đầu cùng với Thân làm thành một chủ thể (theo nghĩa thể lí và siêu hình), một cơ thể, một nhân vị, một hữu thể. Chắc chắn Đức Kitô là một chủ thể khác biệt với Hội Thánh, thế nhưng, bởi một tương quan đặc biệt, Người phối kết với Hội Thánh theo cách thức như trong mối kết hợp giữa đầu và thân trong một cơ thể. Hội Thánh càng là chính mình mạnh mẽ hơn và cốt yếu hơn nhờ một kết hợp (thần nhiệm) với Đức Kitô. Ta có thể nói cách tương tự như thế về đôi bạn nam-nữ là chồng-vợ phối giao với nhau trong quan hệ hôn nhân được không ? Nếu như tác giả của Thư Êphêsô nhìn thấy cách loại suy kết hợp đầu với thân cả ở trong hôn nhân nữa, thì kiểu loại suy này, theo nghĩa nào đó, xem ra khi liên hệ trong hôn nhân loài người phải đồng thời được xét trong mối kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi thế, loại suy này liên hệ trước hết đến chính hôn nhân xét như là một sự kết hợp bởi đó «cả hai sẽ thành một xương một thịt».[55]
  4. Tuy nhiên, kiểu loại suy nàykhông làm lu mờ đi tính cá biệt của chủ thể: cá vị tính của người chồng và cá vị tính của người vợ. Có nghĩa là, ở nền tảng của hình ảnh «một thân thể duy nhất» chủ yếu vẫn là hai chủ thể: người chồng và người vợ, trong dây liên kết hôn phối vốn kết hợp họ lại thành «một thân thể duy nhất». Nay trong bối cảnh bản văn chúng ta đang khảo sát[56]loại suy ấy chuyển thành hình ảnh của Hội Thánh – Thân Mình kết hợp với Đức Kitô như là Đầu. Điều này sẽ được thấy cách đặc biệt trong phần tiếp theo của bản văn, tác giả mô tả mối tương quan giữa Đức Kitô với Hội Thánh qua chính hình ảnh quan hệ của người chồng với người vợ. Trong bức mô tả đó, Hội Thánh – Thân Mình của Đức Kitô hiện ra rõ ràng như là chủ thể thứ hai trong mối liên kết hôn phối này, và Đức Kitô chủ thể thứ nhất tỏ lộ tình yêu của Người dành cho Hội Thánh qua việc «hiến mình vì Hội Thánh». Tình yêu ấy là hình ảnh và là mẫu mực cho tình yêu mà người làm chồng dành để yêu thương vợ mình trong đời hôn nhân, khi cả hai người tùng phục lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô».
  5. Chúng ta hãy cùng đọc tiếp: «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể Người. Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt».[57]
  6. Dễ nhận thấy rằng trong khắp phần này của đoạn vănEp5,22-33 nổi rõ lên hai chủ thể: hoặc qua tương quan Đức Kitô – Hội Thánh, hoặc qua tương quan vợ – chồng. Điều đó không có nghĩa là hình ảnh về một chủ thể duy nhất biến mất đi: hình ảnh «một thân thể duy nhất». Duy nhất tính ấy cũng được bảo toàn trong đoạn văn của chúng ta, và theo nghĩa nào đó, nó còn được hiểu rõ hơn nữa. Điều đó sẽ còn được thấy rõ hơn khi chúng ta phân tích đoạn trích dẫn trên đây một cách đặc biệt. Như thế, tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô nói về tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, đồng thời giải thích cách thức tình yêu ấy được diễn tả, và trình bày tình yêu ấy như mẫu mực mà người làm chồng phải theo khi yêu thương vợ mình. Tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh chủ yếu nhằm mục đích thánh hóa Hội Thánh: «Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… để thánh hóa Hội Thánh».[58] Khởi thủy của sự thánh hóa này là phép Rửa, hoa quả đầu tiên và cốt yếu của sự hiến thân của Đức Kitô cho Hội Thánh. Trong đoạn văn này phép Rửa không được gọi đích danh nhưng được định nghĩa như là việc thanh tẩy «nhờ tắm rửa bằng nước và lời».[59] Sự tắm rửa (nơi Giếng Rửa tội) này, với quyền năng xuất phát từ sự hiến thân cứu chuộc của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, thực hiện việc tẩy sạch cơ bản nhờ đó tình yêu của Người dành cho Hội Thánh, trong con mắt của tác giả Thư này, mang tính chất hôn phối.
  7. Chúng ta biết rằng chủ thể tham dự bí tích Rửa tội là một cá nhân trong Hội Thánh. Tuy nhiên, tác giả bức Thư qua chủ thể cá nhân này của phép Rửa nhìn thấy toàn thể Hội Thánh. Tình yêu hôn phu của Đức Kitô hướng đến Hội Thánh, mỗi khi có một ai đó lãnh nhận trong Hội Thánh sự thanh tẩy cơ bản này qua phép Rửa. Ai đón nhận phép Rửa, nhờ quyền năng của tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô, cũng đồng thời tham dự vào tình yêu hôn phu của Người dành cho Hội Thánh.«Sự tắm rửa bằng nước và lời», trong đoạn văn của chúng ta,diễn tả tình yêu phu phụ theo nghĩa nó chuẩn bị vị hôn thê (Hội Thánh) cho Hôn Phu, nó làm Hội Thánh thành hôn thê của Đức Kitô, «trong hành động đầu tiên» («in actu primo»). Một vài học giả Kinh thánh nhận xét trong bản văn ta trích dẫn ở đây «sự tắm rửa bằng nước» (hay Giếng nước) gợi nghi thức tắm rửa trước lễ cưới – là một nghi thức tôn giáo quan trọng trong xã hội Hi lạp bấy giờ.
  8. Xét như là bí tích, phép Rửa tội «bằng nước và lời»[60]làm Hội Thánh thành hôn thê không những như là «hành động đầu tiên», mà còn ở trong một viễn tượng xa hơn, đó làviễn tượng cánh chung. Viễn tượng này mở ra trước mắt chúng ta, trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, khi chúng ta đọc thấy Hội Thánh «được tắm rửa bằng nước» bởi vị Hôn Phu «để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền».[61] Thành ngữ «xuất hiện trước mặt» như muốn ám chỉ đến yếu tố trong lễ cưới, lúc cô dâu, được trang điểm và trong trang phục lễ cưới, được dẫn đến trước mặt chú rể. Bản văn mà chúng ta trích dẫn nêu lên điểm này, là chính Đức Kitô – Chàng rể chăm chút điểm trang cho Cô dâu – Hội Thánh, để nàng nên xinh đẹp lộng lẫy nhờ cái đẹp của ân sủng, xinh đẹp nhờ quà tặng ơn cứu độ viên mãn, được trao ban kể từ bí tích Rửa tội. Nhưng phép Rửa chỉ mới là khởi đầu, từ đó còn phải làm cho xuất hiện diện mạo xinh đẹp lộng lẫy của Hội Thánh, và hoa quả cuối cùng của tình yêu cứu chuộc và hôn phối chỉ chín muồi khi Chúa Kitô lại đến trong vinh quang lần cuối cùng (Ngày Quang lâm).

Chúng ta thấy tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô nhìn thật sâu thực tại bí tích khi tuyên bố hình ảnh loại suy tuyệt vời của nó. Cả cuộc phối kết của Đức Kitô với Hội Thánh, lẫn phối hôn giữa người nam và người nữ trong hôn nhân đều được soi sáng bằng một ánh sáng siêu nhiên đặc biệt như thế đó.

XCII – TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU KIỆN TẠO NÊN SỰ HỢP NHẤT VỢ CHỒNG TRÊN BÌNH DIỆN LUÂN LÍ

(Ngày 1 tháng 9 năm 1982)

  1. Khi chỉ ra tính loại suy giữa mối liên kết hôn phối giữa Đức Kitô và Hội Thánh và tương quan giữa chồng với vợ trong hôn nhân, tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô viết như sau: «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitôyêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, đểtrước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền».[62]
  2. Điều có ý nghĩa là bản văn giới thiệuhình ảnh của Hội Thánh lộng lẫy như một Cô dâu rất đẹp về vẻ xác thể bên ngoài.Hẳn đây là một ẩn dụ; thế nhưng nó rất hiệu quả trong lí luận, và minh chứng việc yếu tố thân xác được khắc ghi trong loại suy tình yêu phu thê sâu tới mức nào. Hội Thánh «xinh đẹp lộng lẫy» là Hội Thánh «không tì ố, không vết nhăn». Vết «tì ố» có thể hiểu như là một nét xấu xí, «vết nhăn» hiểu như là một dấu hiệu của già nua tuổi tác, lão suy. Theo nghĩa ẩn dụ, cả hai diễn ngữ này đều chỉ những khuyết điểm luân lí, tội lỗi. Có thể nói thêm, nơi thánh Phaolô, «con người cũ» có nghĩa là con người tội lỗi.[63] Do đó, với tình yêu phu thê cứu độ của mình Đức Kitô biến Hội Thánh, không những không còn tội lỗi, mà còn vẫn «trẻ mãi muôn đời».
  3. Lãnh vực ẩn dụ như ta thấy thì rất rộng. Những diễn ngữ tham chiếu trực tiếp đến thân xác con người như để biểu lộ đặc trưng của tương quan giữa hôn phu và hôn thê, giữa chồng và vợ, cũng đồng thời chỉ cho thấy những thuộc tính và phẩm chất thuộc bình diện luân lí, tâm linh và siêu nhiên. Đó là điểm cốt yếu của hình thức loại suy này. Bởi thế, tác giả bức Thư có thể định nghĩa tình trạng «xinh đẹp lộng lẫy» của Hội Thánh bằng cách liên hệ với tình trạng thân xác của một vị hôn thê, không một nét xấu xí và già nua («hoặc bất cứ một khuyết điểm nào»), nói cho đơn giản, đó là tình trạng thánh thiện và không tội lỗi: Hội Thánh«thánh thiện và tinh tuyền»là thế. Do đó, vấn đề rõ ràng chính là xác định vẻ đẹp nào đây của vị Hôn thê, hiểu Hội Thánh là Thân Mình của Đức Kitô theo nghĩa nào, Thân Mình – Hôn Thê ấy đón nhận tặng phẩm của Hôn Phu Đấng «yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh» theo nghĩa nào. Thế nhưng rất ý nghĩa khi thánh Phaolô giải thích toàn thể thực tại vốn cốt yếu có tính chất thiêng liêng và siêu nhiên thông qua so sánh loại suy của thân xác và của tình yêu, nhờ đó các đôi vợ chồng nên «một xương một thịt».
  4. Nguyên tắchai chủ thể: Đức Kitô-Hội Thánh, Hôn Phu-Hôn Thê (chồng-vợ) được bảo toàn rõ ràng trong toàn thể bản văn. Tác giả trình bày tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh – là tình yêu biến Hội Thánh thành Thân Mình của Đức Kitô và Đức Kitô là Đầu – như là mẫu mực tình yêu của các cặp vợ chồng và như là mẫu của lễ hôn phối tác hợp nên vợ nên chồng. Tình yêu đòi hỏi vị hôn phu hay người làm chồng phải quan tâm mau mắn biết chăm lo đến nhu cầu của hôn thê hay người vợ mình, nó thúc đẩy người ấy khao khát sở hữu sắc đẹp của nàng và chăm sóc nàng. Vấn đề ở đây cũng là vẻ đẹp hữu hình, tức là sắc đẹp. Hôn phu âu yếm nhìn ngắm chăm chú người bạn trăm năm và như thao thức muốn nhận ra mọi nét đoan trang, duyên sắc mới mẻ nơi nàng và mọi sự ước muốn cho nàng. Điều tốt đẹp tạo ra bởi người đang yêu cho người mình yêu như là một bằng chứng kiểm nghiệm của tình yêu và mức độ sâu sắc của tình yêu người ấy. Trong khi trao hiến chính mình cách vô cầu, người đang yêu không thể hiện tình yêu mình ở ngoài tầm mức và sự minh chứng này.
  5. Khi tác giả Thư Êphêsô – trong những câu tiếp theo của bản văn[64]– chỉ hướng đến chính đôi vợ chồng, loại suy của tương quan của Đức Kitô với Hội Thánh còn vang sâu hơn nữa và khiến tác giả phải biểu lộ như sau: «Chồng phảiyêu vợ như yêu chính thân thể mình».[65] Bởi thế, ở đây ta gặp lại lí do của diễn ngữ «một xương một thịt», mà trong câu trên và những câu tiếp theo được nhắc lại và hơn nữa, còn được làm sáng tỏ hơn. Nếu những người chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân xác mình, thì điều đó có nghĩa là: tính chất “là một” (một xương một thịt hay một chủ thể) kia được đặt trên nền tảng “là hai” chủ vị và nó không có thực tính mà chỉ thuộc ý hướng tính. Thân xác người vợ thực ra không là thân xác của người chồng, nhưng phải được người chồng yêu thương như chính thân xác của mình. Vậy nên, vấn đề ở đây là sự hợp nhất của đôi vợ chồng, không theo nghĩa bản thể, mà theo nghĩa luân lí. Hiệp nhất vì yêu thương.
  6. «Yêu vợ là yêu chính mình».[66]Câu này còn xác nhận hơn nữa tính chất sự hợp nhất ấy giữa chồng với vợ. Theo nghĩa nào đó, tình yêu làm chocái «tự ngã» (hay cái «tôi») của tha nhân thành cái «tự ngã» của chính mình. Cái «tôi» của người vợ, có thể nói là, nhờ tình yêu đã trở thành cái «tôi» của người chồng. Thân xác biểu lộ ra cái «tôi» ấy và là nền tảng cho căn tính hay nhân dạng của cái «tôi». Sự hợp nhất vợ-chồng trong tình yêu thương còn được diễn tả qua thân xác. Điều ấy được diễn tả trong mối quan hệ tương hỗ giữa cả hai người, cho dẫu tác giả Thư Êphêsô nói trước hết về phía người làm chồng. Đó là do hệ quả từ cấu trúc toàn thể của hình ảnh. Dẫu vợ chồng phải «tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô» (điều này đã được lưu ý trong câu đầu tiên của bản văn trích dẫn)[67], nhưng tiếp theo đó người làm chồng trước hết chủ động là người yêu thương và đối lại, vợ là người được yêu thương. Và người ta thậm chí cũng có thể dám nghĩ rằng sự «tùng phục» của vợ đối với chồng ở đây (đặt trong văn mạch toàn thể của bản văn)[68] mang ý nghĩa trước hết là để cho mình được «hưởng nếm tình yêu». Sự «phục tùng» này liên hệ đến hình ảnh Hội Thánh tùng phục Đức Kitô, và còn muốn diễn tả hơn thế, rằng Hội Thánh được hưởng nếm tình yêu hiến thân của Người. Hội Thánh, là Tân nương được Đức Kitô Tân Lang yêu thương cứu chuộc, đã trở nên Thân xác của Người. Người vợ, là hiền thê được đức Lang quân yêu thương phối giao, đã trở nên «một xương một thịt» với chàng, như thế theo nghĩa nào đó trở nên chính thân xác của chàng. Tác giả sẽ còn lặp lại ý tưởng này một lần nữa trong câu cuối cùng của đoạn văn phân tích: «Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình».[69]
  7. Đây là sự hợp nhất vợ chồng về luân lí, vốn được xây dựng nhờ tình yêu. Tình yêu không chỉ kết hợp làm một hai chủ thể, nhưng còn đưa họ thâm nhập sâu xa vào bản thân của nhau, đồng thời khiến họ thuộc về nhau cả ở chiều kích tâm linh đến độ tác giả Thư có thể nói rằng: «Ai yêu vợ là yêu chính mình».[70]«Tôi» theo nghĩa nào đó (về luân lí) trở thành là «Em», và «Em» là «Tôi». Và như thế bản văn mà chúng ta phân tích tiếp nối với lời này: «Quả vậy có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người».[71]Câu văn này, ban đầu còn ám chỉ đến các tương quan vợ chồng, sau đó minh nhiên quay về với tương quan Đức Kitô – Hội Thánh, và như thế, nhờ ánh sáng của mối tương quan này, chúng ta có thể xác định ý nghĩa của toàn thể đoạn văn. Sau khi giải thích đặc tính của mối tương quan của người chồng với vợ của mình khi họ thành «một xương một thịt», tác giả còn muốn tái khẳng định mạnh mẽ câu nói trước của mình («Ai yêu vợ là yêu chính mình») và, theo nghĩa nào đó, bảo vệ lời đó bằng cách chối bỏ và loại trừ trường hợp đối nghịch («Quả vậy có ai ghét thân xác mình bao giờ»).[72] Khi kết hợp với nhau bởi tình yêu, thân xác «của người khác» kia trở thành thân xác «của mình» theo nghĩa ta quan tâm chăm sóc đến thiện ích của thân xác người kia như của mình vậy. Những lời trên đây, vốn diễn tả một tình yêu «xác thịt» kết hợp vợ chồng, diễn tả một nội dung tổng quát hơn và, đồng thời cũng rất là cốt yếu. Xem ra những lời ấy nói về tình yêu này trước hết bằng ngôn ngữ của «agape» (tình yêu dâng hiến).
  8. Diễn ngữ thứ hai, theo đó người đàn ông«nuôi nấng và chăm sóc» thân xác của mình – tức là người chồng «nuôi nấng và chăm sóc» thân xác của người vợ như của mình – xem ra muốn ám chỉ nhiều đến sự chăm sóc như của mẹ cha, tức mối quan hệ bảo hộ, hơn là sự ân cần trong tương quan của vợ chồng. Sở dĩ có tính chất đó là vì ở đây tác giả rõ ràng chuyển từ mối tương quan kết hợp vợ chồng sang tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Những diễn ngữ liên hệ đến sự chăm sóc thân xác, trước hết nhưnuôi nấng, hay dưỡng nuôi, gợi cho nhiều nhà nghiên cứu Kinh thánh liên tưởng đến Thánh Thể, mà Đức Kitô với tình yêu của đấng lang quân đã dùng để «nuôi nấng» Hội Thánh. Nếu những diễn ngữ này, dù chỉ với một âm điệu nhỏ hơn, chỉ đặc tính của tình yêu vợ chồng, cách riêng chỉ tình yêu làm cho đôi vợ chồng trở nên «một xương một thịt», chúng cũng đồng thời giúp ta hiểu, ít là cách chung, phẩm giá của thân xác và mệnh lệnh luân lí phải chăm sóc cho thiện ích của thân xác mình: nghĩa là mưu cầu thiện ích tương xứng với phẩm giá của nó. Sánh ví Hội Thánh với Thân Mình của Đức Kitô, Thân Mình mà Người yêu thương và cứu chuộc bằng một tình yêu phu thê, như thế hẳn phải để lại trong lòng độc giả của đoạn Thư Êphêsô này một ý nghĩa thâm sâu về «đền thờ» thân xác con người nói chung, và cách riêng trong hôn nhân, như là một «cảnh vực» trong đó ý nghĩa «đền thờ» ấy xác định thật sâu xa tương quan giữa các ngôi vị, và nhất là tương quan giữa người đàn ông và người phụ nữ, xét như người vợ và là mẹ của những đứa con của họ.

XCIII – QUAN HỆ GIỮA HỘI THÁNH NHƯ LÀ BÍ TÍCH VỚI MỘT BÍ TÍCH RẤT XA XƯA: HÔN PHỐI

(Ngày 8 tháng 9 năm 1982)

  1. Tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô viết: «Quả thật, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người».[73]Sau câu này, tác giả cho đây là lúc cần trích dẫn lại câu được xem là đoạn văn, trong toàn thể Kinh thánh, nền tảng về hôn nhân:Sáng thế, chương 2, 24: «Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt».[74] Từ chính văn mạch này của Thư Êphêsô có thể nhận thấy rằng việc trích dẫn sách Sáng thế[75] ở đây là cần thiết, trước hết không phải để nhắc nhớ sự hợp kết nên một của đôi vợ chồng như được xác định «từ thuở ban đầu» trong công trình tạo dựng, cho bằng là để trình bày mầu nhiệm Đức Kitô với Hội Thánh, để rồi từ đó tác giả rút ra chân lí về sự kết hợp của vợ chồng. Đây là điều quan trọng nhất của toàn thể bản văn, và theo nghĩa nào đó nó là mấu chốt của sự chuyển hướng bản văn. Tác giả Thư Êphêsô gói ghém trong những lời này tất cả những gì ngài đã nói trong phần trước, bằng sự sánh ví loại suy và trình bày sự giống nhau giữa sự kết hợp vợ chồng và sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh. Khi tham chiếu những lời từ sách Sáng thế,[76] tác giả lưu ý rằng nền tảng của loại suy ấy cần phải tìm theo hướng, trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nối kết hôn phối như mạc khải (và «biểu lộ») cổ xưa nhất của kế hoạch ấy trong thế giới tạo thành, với mạc khải và «biểu lộ» sau cùng, đó là «Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh»,[77] như thế là gán đặc tính và ý nghĩa hợp hôn cho tình yêu cứu chuộc của Người.
  2. Như thế loại suy này ngấm lan trong cả đoạn Thư Êphêsô[78]có nền tảng cuối cùng nơi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều đó còn rõ ràng và hiển nhiên hơn khi đặt câu mà ta đã phân tích trong toàn văn mạch của Thư Êphêsô. Bấy giờ ta sẽ dễ hiểu hơn lí do tại sao tác giả, sau khi trích dẫn lời của sách Sáng thế,[79]viết: «Mầu nhiệm này thật là cao cả: tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh».[80]

Trong bối cảnh toàn thể của Thư gửi tín hữu Êphêsô và trong bối cảnh rộng hơn nữa những lời Sách Thánh mạc khải kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa «thuở ban đầu», cần phải nhìn nhận rằng từ «mystèrion» ở đây có nghĩa là mầu nhiệm được ẩn dấu trong tâm tưởng Thiên Chúa từ trước, nay được mạc khải ra trong lịch sử của con người. Quả thật, đó là một mầu nhiệm «cao cả» rất hệ trọng: mầu nhiệm ấy, nhìn như là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, theo một nghĩa nào đó, là đề tài trung tâm của toàn thể mạc khải, là thực tại trung tâm mạc khải. Đó chính là điều Thiên Chúa, như Đấng Tạo Hóa và là Cha, muốn thông truyền trên hết cho con người trong Lời của Ngài.

  1. Vấn đề không chỉ là thông truyền «tin mừng» về ơn cứu độ, nhưng làđồng thời khởi động công trình cứu độ, xét như hoa quả của ân sủng thánh hóa con người cho đời sống vĩnh cửu kết hợp với Thiên Chúa. Chính trên lộ trình mạc khải–thực hiện này thánh Phaolô nêu bật sự liên tục giữa Giao ước rất xa xưa, trong đó hôn nhân vốn đã được Thiên Chúa thiết lập trong công trình tạo dựng, và Giao ước cuối cùng, trong đó Đức Kitô vì đã yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh kết hôn với Hội Thánh, như hình ảnh của hôn phối vợ chồng.Sáng kiến cứu độ liên tục này của Thiên Chúa là cơ sở cốt yếu cho sự so sánh loại suy tuyệt vời trong Thư gửi tín hữu Êphêsô. Sự liên tục của sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa cũng là sự liên tục và căn tính của «mầu nhiệm cao cả» được mạc khải và «biểu lộ» cũng đồng thời thực hiện, qua những giai đoạn khác nhau. Giai đoạn «xa xưa nhất» từ quan điểm lịch sử con người và lịch sử cứu độ và giai đoạn «thời gian viên mãn».[81]
  2. Ta có thể hiểu «mầu nhiệm cao cả» ấy như là «bí tích» hay không? Phải chăng có lẽ tác giả của Thư Êphêsô nói, trong đoạn trích của chúng ta, về bí tích hôn phối? Nếu như tác giả không nói trực tiếp về bí tích hôn phối, và theo nghĩa chặt – ở đây ta cũng nên đồng ý với ý kiến khá phổ biến của các nhà Kinh thánh và thần học – thì xem ra trong văn mạch ở đây cũng nói đếnnền tảng của tính bí tíchcủa toàn thể đời sống Kitô hữu, và cách riêng về nền tảng của tính bí tích của hôn nhân. Như thế, tác giả nói về tính bí tích của toàn thể đời sống Kitô hữu trong Hội Thánh và cách riêng nói về tính bí tích của hôn nhân một cách gián tiếp, nhưng lại có tính nền tảng nhất.
  3. «Bí tích» không đồng nghĩa với «mầu nhiệm».[82]Thật vậy, mầu nhiệm thì vẫn còn được «ẩn dấu» – che dấu chính ở nơi Thiên Chúa –, cả sau khi công bố (tức là được mạc khải) vẫn luôn được gọi «mầu nhiệm», và vẫn còn được rao giảng như là mầu nhiệm. Bí tích thì giả thiết có mạc khải mầu nhiệm rồi và cũng giả thiết là đã được chấp nhận nhờ đức tin từ phía con người. Tuy nhiên, bí tích đồng thời còn là một cái gì đó còn hơn là sự công bố mầu nhiệm và đón nhận mầu nhiệm nhờ đức tin. Bí tích hệ tại ở sự«biểu lộ» mầu nhiệm ấy qua một dấu chỉ vốn không chỉ dùng để công bố mầu nhiệm, mà còn thực hiện mầu nhiệm ấy nơi con người. Bí tích là dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của ân sủng. Nhờ bí tích mà mầu nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở nơi Thiên Chúa ấy được thực hiện nơi con người, Thư gửi tín hữu Êphêsô[83] nói đến mầu nhiệm ấy ngay sau khi khởi đầu – mầu nhiệm của ơn gọi hướng đến sự thánh thiện của Thiên Chúa kêu gọi con người trong Đức Kitô, và mầu nhiệm sự tiền định làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Điều đó được thực hiện một cách mầu nhiệm, bên dưới tấm màn che của một dấu chỉ; thế nhưng dấu chỉ ấy luôn là một sự «làm cho thấy được» mầu nhiệm siêu nhiên đang hoạt động nơi con người dưới tấm màn che.
  4. Khi nghiên cứu đoạn văn của Thư gửi tín hữu Êphêsô mà ta phân tích ở đây, và đặc biệt là câu: «Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh», ta cần nhận thấy rằng tác giả của Thư không chỉ viết về mầu nhiệm cao siêu được ẩn dấu nơi Thiên Chúa, nhưng còn – và nhất là – về mầu nhiệm được thực hiện bởi sự kiện Đức Kitô, Đấng đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh bằng một hành động yêu thương cứu chuộc; bởi cũng chính hành động ấy Người kết hợp như hôn phối với Hội Thánh, nghĩa là giống như hai vợ chồng kết hợp nên một với nhau trong hôn phối mà Đấng Tạo Thành đã thiết định. Những lời lẽ của Thư Êphêsô xem ra là lí do đủ để Hiến chế «Lumen Gentium»nói những lời sau đây ở đầu văn kiện: «…Trong Đức Kitô Hội Thánh như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người».[84] Bản văn này của Vatican II không nói: «Hội Thánh là bí tích» nhưng nói «Hội Thánh như là bí tích», điều đó muốn nói rằng cần phải nói đến tính bí tích của Hội Thánh một cách loại suy chứ không đồng nhất với thực tại được hiểu khi ta nói về bảy bí tích do Hội Thánh quản lí và do Đức Kitô thiết lập[85]. Nếu có cơ sở nào để nói Hội Thánh như là một bí tích, thì phần lớn đã nằm ở trong Thư Êphêsô.
  5. Người ta có thể nói rằng tính bí tích đó của Hội Thánh là do tất cả các bí tích nhờ đó mà Hội Thánh mới thực hiện được sứ vụ thánh hóa của mình. Hơn nữa người ta có thể nói rằng tính bí tích của Hội Thánh là nền hậu cảnh cho các bí tích, nhất là cho bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, như đoạn văn Thư Êphêsô[86]ta đã phân tích cho thấy. Sau cùng cần phải nói rằngtính bí tích của Hội Thánh vẫn có một liên quan đặc biệt với bí tích hôn phối, là bí tích xa xưa nhất[87].

XCIV – NHỮNG KHÍA CẠNH LUÂN LÍ CỦA ƠN GỌI KITÔ HỮU

(Ngày 15 tháng 9 năm 1982)

  1. Chúng ta đang xem xét bản văn Thư gửi tín hữu Êphêsô 5,22-33, và đã phân tích nó trong những bài suy tư trước đây bởi lí do nó quan trọng đối với vấn đề hôn nhân và bí tích. Trong toàn thể nội dung, từ chương thứ nhất, Thư nói đến trước hết mầu nhiệm«được giữ kín nơi Thiên Chúa»«từ muôn thuở», như ơn huệ đã tiền định từ thuở đời đời cho con người. «Chúc tụng Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu».[88]
  2. Cho đến giờ người ta nói về mầu nhiệm được giữ kín«từ muôn thuở» nơi Thiên Chúa.[89]

Những đoạn kế tiếp dẫn độc giả vào thời thực hiện mầu nhiệm ấy trong lịch sử con người: ơn huệ tiền định cho con người «từ muôn thuở» trong Đức Kitô (nay đã) trở nên sự thực cho con người cũng trong chính Đức Kitô: «… trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lành là Đức Kitô».[90]

  1. Như thế, mầu nhiệm vĩnh cửu chuyển tiếp từ tình trạng «kín ẩn nơi Thiên Chúa» sang hồi mạc khải và thực hiện. Đức Kitô là Đấng mà nơi Người nhân loại «từ muôn thuở» đã đượcchọn và chúc phúc bằng «mọi phúc lành thiêng liêng» của Chúa Cha. Đức Kitô, theo ý định đời đời của Thiên Chúa, đã được định như là một thủ lãnh mà trong Người «muôn loài trong trời đất sẽ được qui tụ về»trong viễn ảnh cánh chung. Chính Người mạc khải mầu nhiệm vĩnh cửu ấy và thực hiện mầu nhiệm ấy giữa loài người. Do đó tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô, tiếp theo sau đó, khuyên nhủ những ai đã được mạc khải mầu nhiệm này và đã đón nhận trong đức tin, hãy rập khuôn đời mình trong tinh thần của chân lí đã tường. Một cách đặc biệt, ngài cũng khuyên như thế những đôi vợ chồng Kitô hữu.
  2. Phần lớn bức Thư ở trong bối cảnh giáo huấn, như là lời dạy bảo của bậc làm cha mẹ. Xem ra tác giả như nói trước hết về những khía cạnh luân lí của ơn gọi Kitô hữu, nhưng đồng thời liên tục tham chiếuđến mầu nhiệm, vốn đã hoạt động trong họnhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô – và sinh hiệu quả đặc biệt nhờ phép Rửa. Sách Thánh viết: «Trong Đức Kitô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lí là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa».[91] Như thế, các khía cạnh luân lí của ơn gọi Kitô hữu vẫn được kết nối không chỉ với mạc khải mầu nhiệm thần linh vĩnh cửu trong Đức Kitô và đức tin người đón nhận, mà còn với trật tự bí tích, dẫu không được đặt ở hàng đầu trong Thư nhưng hiện diện cách âm thầm kín đáo. Hơn nữa, bởi sự thể không thể khác, là thánh Phaolô Tông đồ viết Thư này cho các Kitô hữu, là những người vốn nhờ phép Rửa họ đã trở nên là thành phần của cộng đoàn Hội Thánh. Từ cái nhìn này, đoạn Thư Êphêsô 5,22-33 được phân tích cho đến hiện giờ, xem ra có một tầm quan trọng đặc biệt. Quả thật, nó đặc biệt soi sáng cho mối tương quan cốt yếu giữa mầu nhiệm với bí tích và cách riêng, soi sáng cho tính bí tích của hôn nhân.
  3. Tại trung tâm của mầu nhiệm này là Đức Kitô.Trong Người – chính trong Người – mà tự muôn thuở và mãi mãi nhân loại đã được giáng phúc thi ân «bằng mọi ơn phúc của Thánh Thần». Trong Người – trong Đức Kitô – nhân loại đã được chọn «từ trước cả khi tạo thành vũ trụ», được chọn «nhờ tình thương» của Người và được tiền định làm nghĩa tử. Rồi khi thời gian đến «thời viên mãn», mầu nhiệm vĩnh cửu này được thực hiện trong thời gian, nghĩa là trở thành hiện thực trong Người và nhờ Người; trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ. Nhờ Người và trong Người, mầu nhiệm đó được hoàn tất: trong Người «chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi…».[92] Bằng cách đó, những người mà bởi tin đã đón nhận các ơn huệ được ban cho trong Đức Kitô được tham dự thực sự vào mầu nhiệm vĩnh cửu, mặc dù mầu nhiệm hoạt động trong họ bên dưới bức màn của đức tin. Sự hiến ban những hoa quả siêu nhiên của ơn cứu chuộc bởi Đức Kitô đó, theo Thư gửi tín hữu Êphêsô 5,22-33, mang tính chất của một sự tự hiến trong hôn nhân của chính Đức Kitô dành cho Hội Thánh, tương tự như quan hệ hôn phối giữa chồng với vợ. Vì thế, không chỉ những hoa quả của cứu chuộc là ơn huệ được ban tặng, mà trên hết đó là chính Đức Kitô. Người tự hiến ban chính mình cho Hội Thánh, như Hiền Thê của Người[93].
  4. Chúng ta phải đặt câu hỏi có phải về điểm nàyloại suy đó không giúp ta thâm nhậpsâu hơn và hiểu biết chính xác hơn nội dung cốt yếu của mầu nhiệm hay chăng. Chúng ta càng phải tự hỏi như thế là vì đoạn Thánh kinh «kinh điển» Ep 5,22-33 này xem ra không trừu tượng và tách biệt độc lập, nhưng tiếp nối theo một nghĩa nào đó những lời phát biểu của Cựu ước vốn trình bày Tình thương của Thiên Chúa là Đức Chúa đối với Dân Israel Ngài đã chọn theo cùng một lối loại suy ấy. Trước hết, những bản văn các sách Tiên tri có những diễn tả kiểu loại suy tình yêu phu thê để giới thiệu cách đặc biệt Tình yêu của Đức Chúa dành cho Israel, nhưng từ phía dân được chọn họ lại không đáp lại bằng một tình yêu xứng hợp và cảm thông; nói cho đúng, Thiên Chúa chỉ gặp phải một sự bất trung và bội phản. Sự bất trung và bội phản ấy được diễn tả trước hết qua việc thờ ngẫu thần, sùng bái các thần thánh ngoại lai.
  5. Nói cho đúng, đa số các trường hợp đều nêu bật nỗi bi đát của chính sự bội phản và bất trung ấy khi gọi đó là một sự «ngoại tình» của Israel.Tuy nhiên,tất cả những phát biểu này của các Tiên tri về cơ bản đều xác tín minh nhiên rằng tình yêu của Đức Chúa dành cho dân Ngài chọn có thể và phải so sánh với kiểu tình yêu kết hợp giữa vợ với chồng, tức là tình yêu phu thê. Đây là lúc thích hợp để trích dẫn ra nhiều đoạn Thánh kinh như của Isaia, Hôsê, Êzêkiel (một số đoạn này đã được kể đến trước đây khi phân tích ý niệm «ngoại tình» ở trên nền những lời của Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi). Không thể quên được rằng trong di sản của Cựu ước còn có sách Diễm Ca trong đó hình ảnh tình yêu phu thê đã được phác họa, quả đúng như vậy, mà không có điều tương tự tiêu biểu trong các văn bản sách tiên tri, nghĩa là trình bày trong tình yêu ấy hình ảnh của tình yêu Đức Chúa dành cho dân Israel mà không lẫn trong đó yếu tố tiêu cực của «ngoại tình», tức là sự bất trung. Như thế hình ảnh loại suy về hôn phu và hôn thê, phù hợp với hình tượng tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô dùng để xác định mối quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh, đã có một truyền thống phong phú trong các sách Cựu ước. Trong khi phân tích hình ảnh loại suy này nơi bản văn «kinh điển» đoạn Thư Êphêsô, chúng ta không thể không tham khảo truyền thống ấy[94].
  6. Để mô tả truyền thống ấy chúng ta sẽ tự giới hạn chỉ trích dẫn một đoạn văn của Isaia. Tiên tri Isaia nói:«Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ; chớ e thẹn: người sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân, và không còn nhớ bao nhục nhằn thời góa bụa. Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. “Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?”, Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp […]. Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy».[95]

Trong lần gặp gỡ kế tiếp chúng tôi sẽ bắt đầu phân tích bản văn trích dẫn của Isaia này.

XCV – TÌNH YÊU PHU THÊ VÀ GIAO ƯỚC TRONG TRUYỀN THỐNG CÁC TIÊN TRI

(Ngày 22 tháng 9 năm 1982)

  1. Qua việc so sánh tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh với tương quan phu thê của các đôi vợ chồng, Thư gửi tín hữu Êphêsô đã tham khảo truyền thống các Tiên tri của Cựu ước. Để minh họa cho điều đó, chúng tôi trích dẫn bản văn sau đây của Isaia: «Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ; chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân, và không còn nhớ bao nhục nhằn thời góa bụa. Quả thế,Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. “Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?”, Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng Cứu Chuộc ngươi, phán như vậy. Ta cũng sẽ làm như thời Noê: lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm dọa ngươi đâu. Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy».[96]
  2. Bản văn của Isaiatrường hợp ở đây không có trách mắng Israel như một hôn thê bất trung, như ở trong các bản văn khác vốn vọng lại rất nhiều, đặc biệt là Hôsê hay Êzêkiel. Nhờ thế, nội dung cốt yếu của loại suy Thánh kinh trở nên trong suốt hơn: tình yêu của Thiên Chúa – là Đức Chúa đối với Israel – dân được chọn được diễn tả như tình yêu của người đàn ông – hôn phu đối với người đàn bà được chọn làm vợ anh qua khế ước hôn nhân. Bằng cách đó, Isaia giải thích các biến cố làm nên dòng lịch sử của Israel, đồng thời leo lên tận mầu nhiệm được giữ kín như ngay chính tâm lòng Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, tác giả dẫn dắt chúng ta theo cùng một hướng của tác giả Thư Êphêsô, nhiều thế kỉ sau, đặt trên cơ sở ơn cứu chuộc đã được hoàn tất bởi Đức Kitô, tác giả Thư này sẽ mạc khải trọn vẹn hơn nhiều chính mầu nhiệm sâu thẳm.
  3. Bản văn của vị Tiên tri này thể hiện hoàn toàn màu sắc của truyền thống và của não trạng con người Cựu ước. Vị Tiên tri, trong khi nói nhân danh Thiên Chúa và như nói bằng lời lẽ của Ngài, hướng về Israel ngỏ lời như vị hôn phu ngỏ với hôn thê do Ngài tuyển chọn. Những lời lẽ này ứ tràn và cháy bỏng tình thương yêu thật sự và đồng thời phản chiếu toàn thể đặc trưng của hoàn cảnh lịch sử cũng như não trạng đặc thù của thời đại ấy. Những lời đó nhấn mạnh điều này, rằngsự chọn lựa từ phía người đàn ônglàm cho người phụ nữ hết nỗi hổ thẹn, mà theo suy nghĩ của xã hội khi đó xem ra sự hỗ thẹn này gắn liền với tình trạng không có chồng: do còn độc thân đồng trinh, hoặc do góa bụa, hoặc do người vợ không đẹp lòng chồng bị chồng rẫy[97] hay có thể vì người vợ bất trung. Tuy nhiên, bản văn trích dẫn không đề cập đến sự bất trung; nhưng nêu ra lí do vì «lòng mến yêu khoan dung»,[98] nói như thế muốn ám chỉ không những bản tính xã hội của hôn nhân trong Cựu Ước, mà còn muốn nói chính tính chất ơn ban là tình thương của Thiên Chúa đối với Israel: ơn huệ ban tặng hoàn toàn do sáng kiến của Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là ám chỉ đến chiều kích ân sủng mà từ nguyên thủy đã sẵn có trong tình yêu ấy. Đây có lẽ là «lời tỏ tình yêu» mạnh mẽ nhất từ phía Thiên Chúa, gắn liền với lời thệ ước long trọng trung thành mãi mãi.
  4. Hình ảnh loại suy tình yêu kết hợp các đôi vợ chồng trong đoạn văn này được làm nổi bật mạnh mẽ. Isaianói «… Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người làĐức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất».[99] Như thế, trong bản văn này chính Thiên Chúa, trong sự uy nghi của một Đấng Tác Thành và là Chúa của tạo thành, được gọi minh nhiên như là «hôn phu» (đấng sánh duyên cầm sắt) của dân được tuyển chọn. Vị «hôn phu» này nói về «tình yêu» vĩ đại của Người, một tình nghĩa sẽ không bao giờ «thay đổi» đối với Israel-hôn thê, nhưng sẽ là nền tảng vững chắc cho «giao ước hòa bình» với Người. Như thế, cái lí do cho tình yêu phu thê này và cho cuộc hôn phối này được kết hợp với nền tảng giao ước. Hơn nữa, «Đức Chúa các đạo binh» tự gọi mình không những là «Đấng Tác Thành», nhưng còn là «Đấng Cứu Chuộc». Bản văn mang một nội dung thần học hết sức là phong phú.
  5. Trong khi đối chiếu bản văn của Isaia với Thư gửi tín hữu Êphêsô và nhận thấy tính liên tục về hình ảnh loại suy của tình yêu phu thê và hôn nhân, chúng ta phải lưu ý ngay sự khác biệt trong nhãn giới thần học. Tác giả Thư Êphêsô trong chương thứ nhất đã nói đến mầu nhiệm của Tình yêu và sự Tuyển chọn, trong đó «Thiên Chúa, Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta» ôm ấp con người trong Người Con của Người, đặc biệt nói đến như một mầu nhiệm «được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa». Đó là mầu nhiệm Tình yêu của một Thiên Chúa là Cha tuyển chọn từ trước muôn đời để ta được nên thánh («để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện»)[100]và nên con của Người trong Đức Kitô («đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô»)[101]. Trong bối cảnh đó, loại suy về hôn nhân nơi Isaia («Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh»)[102]xem ra như là một toát lược làm nên thành phần của viễn tượng thần học. Chiều kích đầu tiên của tình yêu và chọn lựa, như mầu nhiệm được giữ kín nơi Thiên Chúa tự muôn thuở, là một chiều kích của tương quan phụ tử chứ không phải «phu thê». Theo Thư gửi tín hữu Êphêsô, đặc tính đầu tiên của mầu nhiệm ấy vẫn luôn nối kết với chính tình phụ tử của Thiên Chúa, được các Tiên tri đặc biệt làm nổi bật.[103]
  6. Hình ảnh loại suy về tình yêu phu thê và hôn nhân chỉ xuất hiện khi «Đấng Tác Thành» và là «Đức Thánh của Israel» của bản văn Isaia tự tỏ lộ như là «Đấng Cứu Chuộc». Isaia nói: «Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel.[104]Trong bản văn này chúng ta đã có thể, theo một nghĩa nào đó, đọc song song giữa «Đấng Hôn phu» và «Đấng Cứu Chuộc». Chuyển sang Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta phải thấy rằng tư tưởng này đã được phát triển rất đầy đủ ở đây. Dung mạo của Đấng Cứu Chuộc[105]đã được phác họa từ trong chương I như là của riêng Đấng là «Thánh Tử yêu dấu» đệ nhất của Chúa Cha,[106] Con yêu dấu tự muôn đời; của Đấng mà trong Người tất cả chúng ta đã được Thiên Chúa Cha yêu thương «từ muôn thuở». Người là Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha «trong Người nhờ máu Người đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người».[107] Cũng chính Chúa Con, với tư cách như Đấng Kitô (hay Messia), «đã yêu mến Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh».[108]

Lối nói tuyệt vời này của Thư Êphêsô tóm lược lại và đồng thời làm sáng tỏ hơn những yếu tố của Bài Ca về Người Tôi Trung của Yahvêh và Bài Ca của Sion.[109]

Như thế, hiến mình vì Hội Thánh đồng nghĩa với hoàn tất công trình cứu chuộc. Bằng cách đó, «Đấng tác thành, là Đức Chúa các đạo binh» của bản văn Isaia trở thành «Đức Thánh của Israel», của «Israel mới», cũng là Đấng Cứu Chuộc. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô viễn tượng thần học của bản văn tiên tri vẫn được bảo tồn và hơn nữa, còn được đi sâu hơn và có sự biến đổi. Có những yếu tố mới xuất hiện, như là chiều kích ba ngôi và kitô luận[110] và cuối cùng là cánh chung luận.

  1. Như vậy, thánh Phaolô khi viết thư cho dân Chúa, dân Giao ước mới, và chính xác là cho Hội Thánh tại Êphêsô, không còn lặp lại: «Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi» nữa, mà sẽ minh thị cách thức «Đấng Cứu Chuộc», là Trưởng Tử và là Con «yêu dấu của Chúa Cha» tự muôn đời, tỏ lộtình yêu cứu độcủa Người, vốn hệ tại ở sự hiến thân mình cho Hội Thánh, như là tình yêu phu thê trong đó Người kết hợp với Hội Thánh và biến Hội Thánh thành Thân Mình Người. Như thế đó, hình ảnh loại suy của các bản văn tiên tri Cựu ước (ở đây là của Sách Tiên tri Isaia) vẫn được lưu giữ trong Thư Êphêsô nhưng đồng thời rõ ràng có một sự thay đổi. Ứng với loại suy ấy và nhờ đó mà mầu nhiệm được diễn tả và giải thích theo một nghĩa nào đó. Trong bản văn Thư Êphêsô mầu nhiệm này chỉ vừa mới được phác họa, như thể «hé lộ» một chút; ngược lại, trong Thư Êphêsô mầu nhiệm được vén tỏ ra trọn vẹn (theo nghĩa là mầu nhiệm vẫn luôn là mầu nhiệm). Trong Thư Êphêsô có sự phân biệt rõ ràng chiều kích vĩnh cửu của mầu nhiệm xét như nó được giữ kín nơi Thiên Chúa (là «Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta») với chiều kích lịch sử nơi mầu nhiệm được thực hiện theo chiều kích Kitô học và Giáo hội học. Loại suy hôn nhân liên hệ trước hết theo chiều kích thứ hai này. Trong các sách Tiên tri (Isaia) loại suy hôn nhân cũng trực tiếp liên hệ đến một chiều kích lịch sử: nó được kết nối với lịch sử của dân được tuyển chọn của Cựu Ước, nghĩa là với lịch sử của dân Israel. Còn chiều kích Kitô học và Giáo hội học trong hiện thực lịch sử Cựu Ước chỉ hiện diện như tiềm thể, nghĩa là chỉ được loan báo cách tiên trưng.

Tuy nhiên, dù sao cũng rõ ràng là bản văn Isaia đã giúp ta hiểu rõ hơn Thư gửi tín hữu Êphêsô và loại suy tuyệt diệu về Tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh.

XCVI – HÌNH ẢNH LOẠI SUY TÌNH YÊU PHU THÊ BIỂU LỘ TÍNH CÁCH TRIỆT ĐỂ CỦA ÂN SỦNG

(Ngày 29 tháng 9 năm 1982)

  1. Trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô[111]– cũng như trong các sách Tiên tri của Cựu Ước, ví dụ như trong Isaia – ta thấy hình tượng hôn phối hay tình yêu phu thê được dùng như loại suy tuyệt vời để chỉ mối quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Loại suy này có chức năng gì liên hệ tới mầu nhiệm được mạc khải trong Cựu ước và Tân ước? Cần phải trả lời câu hỏi này cách từ tốn. Trước hết, hình tượng loại suy tình yêu phu thê giúp ta đi sâu vào chính yếu tính của mầu nhiệm. Nó giúp ta hiểu mầu nhiệm sâu tới một mức nào đó, theo cách thức loại suy. Dĩ nhiên, hình tượng loại suy tình yêu phu thê trần tục, phàm nhân, tình yêu của một người chồng đối với vợ mình, tức là một thứ tình yêu của người phàm không thể cho ta một sự hiểu biết thích đáng và đầy đủ được về Thực Tại hoàn toàn siêu việt, tức là mầu nhiệm Thiên Chúa, cả điều được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa, lẫn những gì được thể hiện trong «lịch sử» và thời gian, khi mà «Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh».[112] Mầu nhiệm vẫn luôn là siêu việt so với hình tượng loại suy này cũng như bất kì một loại suy nào khác mà chúng ta cố dùng để diễn tả mầu nhiệm theo ngôn ngữ loài người. Thế nhưng, hiện giờ loại suy này cho ta khả năng «hiểu biết sâu hơn» tới một mức nào đó chính yếu tính của mầu nhiệm.

  1. Loại suy tình yêu phu thê giúp cho ta hiểu cách nào đó về mầu nhiệm vốn được giữ kín ẩn nơi Thiên Chúa từ muôn thuở, và đã được thực hiện trong thời gian nhờ Đức Kitô, như là một tình yêu đặc thù Thiên Chúa tự hiến, hoàn toàn và không lấy lại, cho con người trong Đức Kitô. Vấn đề là «con người» với các chiều kích đồng thời cá nhân và cộng đoàn (chiều kích cộng đoàn này được diễn tả trong sách Isaia và trong các Tiên tri như là «Israel», trong Thư gửi tín hữu Êphêsô như là «Hội Thánh»; có thể nói được rằng đó như là dân Thiên Chúa của Cựu ước và của Tân ước). Chúng tôi nói thêm rằng trong cả hai quan niệm, chiều kích cộng đoàn được đặt ra, theo một nghĩa nào đó, ở hàng đầu, nhưng không đề cao tới mức hoàn toàn che phủ chiều kích cá vị, cũng vốn đơn giản là thuộc về chính yếu tính của tình yêu phu thê. Trong cả hai trường hợp nói cho đúng đều có liên quan đến một«sự qui giản tính cộng đoàn vào chiều kích cá vị»[113]hết sức ý nghĩa: Israel và Hội Thánh được đối xử như là một hiền thê – ngã vị từ phía vị hôn phu – ngã vị («Yahvêh» và «Đức Kitô»). Mỗi «cái tôi» cụ thể phải tìm lại chính mình trong «cái chúng ta» đó của Kinh Thánh.
  2. Như thế, thể loại suy mà chúng ta đang nói tới cho ta hiểu, trong mức độ nào đó, mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống được mạc khải, là Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng Cứu Chuộc (và với tư cách ấy Ngài cũng đồng thời là Thiên Chúa của Giao ước); giúp ta hiểu mầu nhiệm ấy theo kiểu cách của một tình yêu phu thê, cũng như còn cho ta hiểu mầu nhiệm theo kiểu cách một tình yêu «từ bi lân ái» (theo bản văn sách Isaia), hoặc theo kiểu của một tình yêu «phụ tử» (theo Thư Êphêsô, chủ yếu ở chương 1). Những cách hiểu mầu nhiệm như trên hẳn cũng là hiểu theo lối loại suy. Loại suy theo kiểu tình yêu phu thê tự nó đã mang một đặc tính mầu nhiệm, vốn không trực tiếp nổi bật trong trong loại suy tình yêu từ bi lân ái cũng như trong loại suy tình yêu phụ tử (hay trong bất kì một loại suy nào khác mà Kinh Thánh có sử dụng đến và chúng ta có lẽ đã nói đến).
  3. Loại suy tình yêu phu thê xem ramuốn làm nổi bậttrước hết yếu tố Thiên Chúa tự hiến cho con người, là kẻ «từ muôn thuở» được chọn trong Đức Kitô (nói theo sát mặt chữ, Ngài tự hiến cho «Israel», cho «Hội Thánh»); đó là một sự trao hiến hoàn toàn (hay «triệt để») và không hồi lại trong tính chất cốt yếu nhất của tình yêu ấy, nghĩa là như một sư tận hiến. Sự trao hiến này chắc chắn là «triệt để» và như thế, nó cũng «trọn vẹn». Ở đây không thể là một sự trọn vẹn theo nghĩa «toàn thể tính» của siêu hình. Thật vậy, con người xét như là một thụ tạo không thể «đón nhận» trọn vẹn thần tính siêu việt của Thiên Chúa hiến ban. Một sự «trao hiến trọn vẹn» như thế (của Đấng chủ tạo chứ không phải là thụ tạo) chỉ có thể được thông dự bởi chính Thiên Chúa trong «mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi». Còn sự tự hiến của Thiên Chúa cho con người, điều mà loại suy tình yêu phu thê muốn nói tới, chỉ có thể là hình thức tham dự vào bản tính thần linh[114] như thần học đã giải thích rất xác đáng. Tuy nhiên, theo tầm mức đó, thì sự tự hiến của Thiên Chúa cho con người trong Đức Kitô là một hiến thân «hoàn toàn» theo nghĩa «triệt để», như chính loại suy tình yêu phu thê muốn diễn tả. Nghĩa là, một sự hiến dâng, theo một nghĩa nào đó, «tất cả» những gì Ngài «có thể» hiến ban chính mình cho con người, có xét tới khả năng hạn hẹp của con người – thụ tạo. Theo cách như thế đó, loại suy tình yêu phu thê diễn tả đặc tính «triệt để» của ân sủng: «triệt để» của toàn thể bình diện ân sủng thụ tạo.
  4. Tất cả những gì ở trên đây xem ra có thể nói khi liên hệ đến chức năng đầu tiên của loại suy kì diệu này của ta, vốn được chuyển từ các sách Tiên tri của Cựu ước đến Thư gửi tín hữu Êphêsô, trong đó loại suy này đã phải chịu một thay đổi quan trọng. Loại suy hôn phối, xét như một thực tại nhân loại, trong đó tình yêu phu thê được mặc lấy, trong một mức độ và theo một nghĩa nào đó, giúp tahiểu mầu nhiệm của ân sủngnhư thực tại vĩnh cửu nơi Thiên Chúa và như một hoa quả «lịch sử» của ơn cứu chuộc nhân loại trong Đức Kitô. Tuy nhiên, chúng ta đã nói trước đây rằng loại suy này của Kinh Thánh không chỉ «giải thích» mầu nhiệm, nhưng ở một mặt khác, mầu nhiệm này còn xác định và quyết định cách hiểu thích đáng loại suy ấy, và xác định chính xác thành phần này của nó, trong đó các tác giả Kinh Thánh nhìn thấy «hình ảnh và họa ảnh» của mầu nhiệm Thiên Chúa. Như thế, hình tượng hôn phối (do tình yêu phu thê) trong tương quan «Yahvêh-Israel» của Cựu ước, và «Đức Kitô-Hội Thánh» của Tân ước, quyết định cả về cách hiểu hôn nhân và đồng thời xác định cách thức này.
  5. Sau đây làchức năng thứ haicủa loại suy này. Trong viễn tượng của chức năng này, thực tế chúng ta tiếp cận với vấn đề «bí tích và mầu nhiệm», hay theo một nghĩa tổng quát và cơ bản, tiếp cận vấn đề về tính bí tích của hôn nhân. Điều đó xem ra có lí do đặc biệt khi phân tích Thư gửi tín hữu Êphêsô.[115] Khi giới thiệu mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh theo hình ảnh của sự kết hợp hôn phối giữa người chồng với người vợ, Tác giả của bức Thư này nói một cách tổng quát và cơ bản không những về sự thực hiện mầu nhiệm Thiên Chúa vĩnh cửu, mà còn nói về cách thức mầu nhiệm ấy được diễn tả ra trên bình diện hữu hình, về cách thức nó trở nên hữu hình, và bởi thế nó bước vào lãnh vực của Dấu chỉ.
  6. Từ «dấu chỉ» ở đây được hiểu đơn giản là «phần thấy được của Cái (hay Đấng) Không Thấy Được». Mầu nhiệm từ muôn thuở được giữ kín nơi Thiên Chúa – nghĩa là phần vô hình – đã trở nên hữu hình trước hếtnơi biến cố lịch sử của Đức Kitô.Và mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, mà trong Thư Êphêsô xác định là «mysterium magnum » (mầu nhiệm cao cả), là sự thực hiện và cụ thể hóa làm cho chính mầu nhiệm ấy nên hữu hình. Ngoài ra, Tác giả Thư Êphêsô so sánh mối tương quan bất khả phân li giữa Đức Kitô và Hội Thánh với tương quan giữa chồng và vợ (nghĩa là hôn nhân) trong khi tham chiếu những lời trong sách Sáng thế[116] nói Thiên Chúa khi tạo dựng thuở ban đầu đã thiết lập hôn nhân. Điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ đến điều đã trình bày trước đây (trong bối cảnh của chính mầu nhiệm tạo dựng) như là «phần thấy được của Cái Không Thấy Được», làm nghĩ đến chính «nguồn gốc» của lịch sử thần học của con người.

Chúng ta có thể nói rằng dấu chỉ hữu hình của hôn nhân «từ thuở ban đầu», xét như kết nối với dấu chỉ hữu hình của Đức Kitô và Hội Thánh thuộc đỉnh cao của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, chuyển thông kế hoạch tình yêu vĩnh cửu vào chiều kích «lịch sử» và làm cho nó thành nền tảng của toàn bộ trật tự bí tích. Công lao đặc biệt của Tác giả thư gửi tín hữu Êphêsô là ở chỗ đã sáp nhập hai dấu chỉ này lại để thành một dấu chỉ kì diệu duy nhất, tức là một nhiệm tích cao cả (sacramentum magnum).

XCVII – HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH SỰ TRỌN VẸN CỦA BÍ TÍCH TẠO THÀNH

(Ngày 6 tháng 10 năm 1982)

  1. Chúng ta tiếp tục phân tích bản văn kinh điển chương năm Thư gửi Tín hữu Êphêsô các câu 22-33. Tiện thể chúng ta cần trích lại một vài đoạn từ một trong những phân tích rất tinh tế trước đây về đề tài này: «Con người xuất hiện trong thế giới hữu hình này như một diễn tả cao nhất của tặng phẩm thần linh, bởi lẽ nó mang trong mình chiều kích nội tâm của tặng phẩm. Và với nó, con người đem vào thế giới cái họa ảnh đặc biệt của Thiên Chúa nơi bản thân mình. Với nó, con người siêu vượt và thống trị trên cả cái “sắc tướng” (hữu hình) của mình trong thế gian, trên cả xác thịt của mình, giới tính nam-nữ của mình, sự trần truồng của mình. Một phản ảnh của họa ảnh này còn là sự ý thức nguyên thủy về ý nghĩa hợp hôn của thân xác, thấm nhập bởi mầu nhiệm vô tội nguyên thủy».[117]Những lời này tóm kết trong đôi dòng kết quả của phân tích qui chiếu vào các chương đầu của sách Sáng thế, kết hợp với những lời (trong cuộc đối thoại với những người Pharisêu về chủ đề hôn nhân và tính chất bất khả phân li của hôn nhân) Đức Kitô có tham chiếu tới «thuở ban đầu». Đoạn khác cũng của cùng bài phân tích đó đã đề ravấn đề về bí tích nguyên thủy: «Như thế, trong chiều kích đó, một bí tích nguyên thủy được thiết lập, được hiểu như là dấu chỉ thông truyền một cách hữu hiệu mầu nhiệm vô hình ẩn giấu nơi Thiên Chúa từ muôn thuở, vào trong thế giới hữu hình này. Đây là mầu nhiệm của Sự Thật và Tình Yêu, mầu nhiệm của sự sống thần linh, mà con người được tham dự thực sự. … Chính sự vô tội nguyên thủy khai mào sự tham dự này…».[118]
  2. Cần xem lại nội dung của những khẳng định nàydưới ánh sáng của đạo lí của thánh Phaolô diễn tả trong Thư gửi tín hữu Êphêsô,nhất là chương 5, 22-33, đặt trong bối cảnh toàn diện của bức Thư. Hơn nữa, bức Thư cho phép chúng ta làm như thế, bởi vì chính Tác giả trong chương năm, câu 31, đã nói đến «thuở ban đầu», hay nói cách chính xác hơn, ngài đã nói về sự thiết lập định chế hôn nhân trong sách Sáng thế.[119] Chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong những lời lẽ ấy một tuyên bố về bí tích, bí tích nguyên thủy, nhưng theo nghĩa nào? Những phân tích trước đây về diễn ngữ «thuở ban đầu» của Kinh Thánh đã dần dần đưa chúng ta đến chỗ này, nhìn đến tình trạng con người nguyên thủy sống trong ân sủng, vốn là tình trạng vô tội và công chính nguyên thủy. Thư gửi tín hữu Êphêsô thôi thúc ta tiếp cận với tình trạng ấy – tức tình trạng con người trước khi phạm tội nguyên tổ – từ quan điểm mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta hãy đọc những đoạn đầu của bức Thư: «Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta … trong Đức Kitô từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người …».[120]
  3. Thư Êphêsô mở ra trước mắt chúng ta một thế giới siêu nhiên của mầu nhiệm vĩnh cửu, của thiên ý nhiệm mầu từ muôn thuở của Thiên Chúa là Cha dành cho con người. Thiên ý này có từ trước khi «tạo thành vũ trụ», như thế có nghĩa là có trước khi tạo thành con người. Hơn nữa, ý định ấy đã bắt đầu thực hiện rồi trong toàn thể thực tại tạo thành. Nếu như mầu nhiệm tạo thành bao gồm cả tình trạng vô tội nguyên thủy của con người, được tạo dựng như là người nam và như là người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì điều đó có nghĩa là ơn huệ nguyên thủy Thiên Chúa trao ban cho con người tự nó đã làhoa quả của một tuyển chọn,điều ta có đọc thấy trong Thư Ephêsô: «Người đã chọn ta … để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện».[121] Điều đó dường như nhắc đến những lời của sách Sáng thế, lúc Thiên Chúa – Đấng Tạo Thành nhận thấy nơi con người, cả nam và nữ, xuất hiện «trước thánh nhan Người» quả là một kì quan Người rất hài lòng: «Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!».[122] Chỉ sau khi phạm tội rồi, sau khi Giao ước nguyên thủy với Đấng Tạo Thành đổ vỡ, con người mới cảm thấy phải lẩn trốn «Đức Chúa là Thiên Chúa»: «Con nghe thấy tiếng Ngài đi trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn».[123]
  4. Nhưng trước khi phạm tội, con người mang hoa quả của sự tuyển chọn tự muôn đời trong Đức Kitô, Người Con vĩnh cửu của Chúa Cha, trong linh hồn mình. Bởi ân sủng của sự tuyển chọn này, con người, nam cũng như nữ, vốn là «tinh tuyền thánh thiện» trước thánh nhan Thiên Chúa. Sự thánh thiện và tinh tuyền nguyên thủy này còn được diễn tả bởi sự kiện là, cả hai ông bà dẫu «trần truồng…, mà không cảm thấy xấu hổ»,[124]như chúng ta đã thử phân tích trước đây để làm sáng tỏ hơn. Khi đối chiếu chứng cứ của «thuở ban đầu», do các chương đầu sách Sáng thế thuật lại, với chứng từ của Thư gửi tín hữu Êphêsô, ta phải rút ra điều này làthực tại tạo thành con người đã được thẩm thấu bởi sự tuyển chọn con người trong Đức Kitô từ muôn thuở rồi[125]họ được kêu gọi nên thánh qua ân sủng được nhận làm nghĩa tử («theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu»).[126]
  5. Con người, cả nam và nữ, tự «thuở ban đầu» được tham dự vào ân huệ siêu nhiên này. Sự gia ân này đã được thực hiện nhờ phúc đức của Đấng là Con yêu dấu vĩnh cửu, dẫu xét trên bình diện thời gian và lịch sử việc ấy đi trước sự Nhập thể của Đấng «Thánh Tử yêu dấu» này và trước cả sự cứu chuộc chúng ta «nhờ máu Thánh Tử đổ ra».[127]

Ơn cứu chuộc này là nguồn mạch siêu nhiên được thông ban cho con người sau khi phạm tội và, theo một nghĩa nào đó, cũng không phụ thuộc vào tội phạm của con người. Ân sủng siêu nhiên này đã được rộng ban trước tội nguyên tổ, nghĩa là ơn công chính và vô tội nguyên thủy. Đó là hoa quả của sự tuyển chọn con người trong Đức Kitô tự trước muôn đời. Ân ban này được hoàn tất nhờ Người Con Một Yêu Dấu, dù có trước sự kiện Người đến đây mặc lấy xác phàm trong thời gian. Trong chiều kích của mầu nhiệm tạo dựng, việc được tuyển chọn lên phẩm giá làm nghĩa tử của Thiên Chúa là thuộc về chỉ riêng của «Ađam thứ nhất», tức là của con người, người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa.

  1. Trong bối cảnh đó thực tại bí tích(bí tích nguyên thủy) được chứng thực như thế nào? Khi phân tích cái «thuở ban đầu», một trích đoạn vừa được nhắc lại trên đây, chúng tôi đã nói rằng «bí tích, như là dấu chỉ hữu hình, được thiết lập với con người xét như là một «thân xác», nhờ giới tính nam và giới tính nữ «hữu hình» của mình. Thật vậy, thân xác và chỉ có thân xác, mới có khả năng làm cho điều vô hình – như cái tâm linh và thần linh – thành hữu hình. Thân xác đã được tạo dựng để chuyển giao vào trong cái thực tại hữu hình của thế giới, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa, và như thế nó là dấu chỉ của mầu nhiệm ấy».[128]

Hơn nữa, dấu chỉ này có tính hữu hiệu của nó, như tôi đã nói: «Sự vô tội nguyên thủy, vốn nối kết với kinh nghiệm về ý nghĩa hợp hôn của thân xác» giúp cho «con người, nơi thân xác mình, thân xác của một người nam hay một người nữ, cảm thấy mình là chủ thể của sự thánh thiện».[129] Con người «cảm thấy mình thánh thiện» và đúng là như thế từ «thuở ban đầu». Sự thánh thiện ấy được Đấng Tạo Thành ban cho con người tự nguyên thủy thuộc về thực tại «bí tích của tạo thành». Những lời của Sáng thế 2,24, «con người … gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt» được công bố trên nền hậu cảnh của thực tại nguyên thủy này theo nghĩa thần học, làm cho cuộc hôn nhân trở thành là thành phần cấu thành và, theo một nghĩa nào đó, là thành phần trung tâm của «bí tích của tạo thành». Những lời ấy làm nên – hoặc đúng hơn có lẽ chỉ xác nhận – đặc tính của nguồn gốc của nó. Theo những lời này, thì hôn nhân là bí tích xét như là vì nó là thành phần thuộc cơ cấu toàn bộ, và có thể nói, là trung tâm điểm của «bí tích của tạo thành». Theo nghĩa ấy, hôn nhân là bí tích nguyên thủy[130].

  1. Định chế hôn nhân,theo sách Sáng thế 2,24, không những diễn tả bước khởi đầu của cộng đoàn nhân loại cơ bản (bởi năng lực «truyền sinh» vốn là của riêng hôn nhân [cf. «hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều»[131]], như là phương thế tiếp tục công trình sáng tạo), nhưng đồng thời còn diễn tả sáng kiến cứu độ của Đấng Tạo Thành, tương ứng với việc tuyển chọn con người tự muôn thuở mà Thư Êphêsô đã nói tới. Sáng kiến cứu độ ấy xuất phát từ Thiên Chúa Đấng Tạo Thành và hiệu quả siêu nhiên của sáng kiến ấy đồng nhất với chính hành động tạo dựng con người trong tình trạng vô tội nguyên thủy. Trong tình trạng đó, từ nơi hành động tạo dựng con người đã có hoa trái là sự tuyển chọn trong Đức Kitô tự muôn đời rồi. Như thế, ta cần phải nhìn nhận rằng bí tích tạo thành nguyên thủy có được hiệu quả của nó là nhờ «Người Con yêu dấu».[132] Nếu nói về hôn nhân (được thiết định trong bối cảnh của bí tích tạo thành trong toàn thể tính của nó, nghĩa là trong tình trạng vô tội nguyên thủy), ta có thể đi tới kết luận rằng nó phải phục vụ không những cho mục đích nối tiếp công trình sáng tạo, qua việc sinh sản, nhưng còn mở rộng ra trên các thế hệ sau của con người cũng với bí tích tạo thành ấy, tức là hoa quả siêu nhiên của sự tuyển chọn con người tự muôn thuở bởi Chúa Cha trong Người Con vĩnh cửu. Hoa quả ấy đã được Thiên Chúa ban cho trong chính hành động tạo dựng[133].

Thư gửi tín hữu Êphêsô như cho phép ta hiểu theo cách thức như thế đó về sách Sáng thế và sự thật về «thuở ban đầu» của con người và trong đó có hôn nhân.

XCVIII – SỰ THẤT BẠI CỦA BÍ TÍCH NGUYÊN THỦY ĐƯỢC PHỤC HỒI NHỜ ƠN CỨU CHUỘC CỦA HÔN PHỐI-BÍ TÍCH

(Ngày 13 tháng 10 năm 1982)

  1. Trong suy tư lần trước – nhờ ánh sáng của Thư gửi tín hữu Êphêsô – chúng ta đã cố gắng đi sâu vào «khởi nguyên» bí tích của con người và hôn nhân trong tình trạng của sự công chính (hoặc vô tội) nguyên thủy.

Thế nhưng, ai cũng biết rằng gia sản ân sủng ấy đã bị con người vứt bỏ vào chính lúc con người làm đổ vỡ giao ước đầu tiên với Đấng Tạo Hóa. Viễn tượng sinh sản, thay vì được ngời sáng bởi gia sản ân sủng nguyên thủy, vốn được Thiên Chúa trao cho lúc hồn lí tính được phú ban, lại bị làm mờ tối đi bởi di sản tội nguyên tổ. Có thể nói rằng hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy, đã bị tước mất hiệu quả siêu nhiên, mà vào lúc thiết lập đã được múc lấy từ nơi bí tích tạo thành toàn vẹn. Tuy nhiên, ngay cả trong tình trạng này, tức là tình trạng tội lỗi di truyền của con người, hôn nhân không bao giờ ngưng là hình ảnh của bí tích ấy, về điều đó chúng ta đọc trong Thư gửi tín hữu Êphêsô[134] và tác giả của Thư ấy không ngần ngại xác định đó là «mầu nhiệm cao cả». Chúng ta không thể rút ra kết luận rằng hôn nhân vẫn luôn là căn cứ để thực hiện các kế hoạch đời đời của Thiên Chúa (theo đó thì bí tích tạo thành đã nên gần gũi với con người và đã chuẩn bị cho họ đón nhận bí tích Cứu chuộc, đồng thời đưa dẫn họ vào trong chiều kích của công trình cứu độ) hay sao? Xem ra khi phân tích Thư gửi tín hữu Êphêsô, và đặc biệt là đoạn văn «kinh điển» của chương 5, 22-33, cho phép ta rút ra một kết luận như thế.

  1. Khi tác giả đề cập tới định chế hôn nhân, với những lời lấy từ sách Sáng thế (2,24:«Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt»), và ngay sau đó tuyên bố: «Mầu nhiệm này thật là cao cả; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh»,[135]thì xem ra như muốn ám chỉ không những danh tính của Mầu nhiệm ẩn giấu nơi Thiên Chúa tự muôn đời, mà còn muốn chỉ sự thực hiện liên tục mầu nhiệm ấy, kết nối giữa bí tích nguyên thủy với ân sủng siêu nhiên ban cho con người trong tạo thành và trong tạo thành mới – vốn là ơn được thông ban khi «Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, để Người thánh hóa Hội Thánh …»[136] – ơn có thể được định nghĩa trong toàn thể của nó là Bí tích ơn Cứu chuộc. Trong hồng ân cứu chuộc «vì» Hội Thánh này, còn bao gồm – theo suy tư của thánh Phaolô – sự hiến mình của Đức Kitô cho Hội Thánh, theo hình ảnh của mối tương quan phu thê kết hợp người chồng với người vợ trong hôn nhân. Theo cách thức đó, Bí tích ơn Cứu chuộc mặc lấy, theo nghĩa nào đó, diện mạo và hình thái của bí tích nguyên thủy. Tương ứng với hôn phối của người chồng đầu tiên và người vợ đầu tiên, dấu chỉ của ơn siêu nhiên được phú ban cho con người trong bí tích tạo thành, là cuộc hôn phối (hay đúng hơn là, hình ảnh loại suy của cuộc hôn phối) giữa Đức Kitô với Hội Thánh. Quan hệ sau là dấu chỉ «cao cả» và nền tảng của ơn siêu nhiên được ban tặng cho con người trong Bí tích Cứu chuộc, trong đó Giao ước mới được kí kết vĩnh cửu vì Giao ước của ân sủng tuyển chọn xưa bị phá vỡ «tự ban đầu» bởi tội lỗi.
  2. Hình ảnh chất chứa ở trong đoạn trích dẫn từ Thư Êphêsô xem ra nói trước hết đến Bí tích Cứu chuộc như là bí tíchcủa sự thực hiện dứt khoát Mầu nhiệm vốn được ẩn giấu tự muôn thuở nơi Thiên Chúa.Trong mysterium magnum (mầu nhiệm cao cả) này mà tất cả những gì cũng chính Thư Êphêsô ấy đã đề cập trong chương I được thực hiện dứt khoát. Thật vậy, chúng ta nhớ Thư ấy không những nói: «Trong Người (tức trong Đức Kitô) Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện…».[137] Mà còn nói rằng: «Trong Người (Đức Kitô), nhờ máu Người đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng Người đã rộng ban cho ta…».[138] Ân sủng siêu nhiên mới được trao ban cho ta trong «Bí tích Cứu chuộc» cũng chính là một sự thực hiện mới mẻ Mầu nhiệm ẩn giấu tự muôn thuở nơi Thiên Chúa, mới là so với bí tích tạo thành. Trong giai đoạn mới này, ân sủng được trao ban, theo một nghĩa nào đó, là một «tạo thành mới». Thế nhưng, nó khác bí tích tạo thành ở chỗ ân sủng nguyên thủy được phú ban, kết hợp với sự tạo dựng con người, tác thành con người «từ thuở ban đầu», bởi ân sủng, trong tình trạng vô tội và công chính nguyên thủy. Còn ân sủng mới được trao ban cho con người trong Bí tích Cứu chuộc thì trước hết là ban cho họ «ơn tha tội». Tuy nhiên, cả ở đây có thể ân sủng cũng chứa chan như thánh Phaolô đã nói ở một chỗ khác: «Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội».[139]
  3. Bí tích Cứu chuộc – hoa quả của tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô –dựa trên cơ sở tình yêu phu thê của Ngườidành cho Hội Thánh, trở nên một chiều kích thường trực của đời sống của chính Hội Thánh, một chiều kích nền tảng và mang hiệu quả tác sinh. Đó là mầu nhiệm cao cả của Đức Kitô và Hội Thánh: mầu nhiệm vĩnh cửu thực hiện bởi Đức Kitô, Người «đã hiến mình vì Hội Thánh»;[140] mầu nhiệm được thực hiện không ngừng trong Hội Thánh, vì Đức Kitô «đã yêu thương Hội Thánh»,[141] kết hợp với Hội Thánh bằng một tình yêu bất khả phân li, như sự kết hợp trong hôn nhân giữa người vợ và người chồng. Bằng cách thức đó Hội Thánh sống Bí tích Cứu chuộc, và về phần mình Hội Thánh hoàn tất bí tích này trong tư cách như là vị Hôn thê, bởi tình yêu phu thê, bổ túc cho Hôn phu của mình, người mà «thuở ban đầu» cách nào đó đã được nêu lên, khi mà người đàn ông đầu tiên khám phá nơi người phụ nữ đầu tiên là «một trợ tá tương xứng với mình».[142] Dẫu sự loại suy trong Thư gửi tín hữu Êphêsô không có xác định, nhưng chúng ta cũng có thể nói thêm rằng cả Hội Thánh trong khi kết hợp với Đức Kitô, như Hôn thê kết hợp với Hôn phu của mình, cũng kín múc từ bí tích Cứu chuộc toàn thể mẫu tính phong nhiêu thiêng liêng của mình. Thư của thánh Phêrô một cách nào đó làm chứng cho điều đó, viết rằng chúng ta đã «được tái sinh không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống tồn tại mãi mãi».[143] Như thế Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở nơi Thiên Chúa – Mầu nhiệm mà «thuở ban đầu», nơi bí tích tạo thành, đã thành một thực tại hữu hình nhờ sự kết hợp của người nam và người nữ đầu tiên trong viễn cảnh của hôn nhân – trở nên trong bí tích Cứu chuộc một thực tại hữu hình trong sự kết hợp bất khả phân li của Đức Kitô với Hội Thánh, mà Tác giả Thư Êphêsô trình bày như sự kết hợp hôn phối giữa vợ và chồng.
  4. Mầu nhiệm cao cả(tiếng Hi lạp: tò mysterion toûto méga estín) của Thư Êphêsô nói Mầu nhiệm được giấu kín tự muôn thuở nơi Thiên Chúa nay được thực hiện cách mới mẻ. Nói từ quan điểm của lịch sử của ơn cứu độ thế giới này, đây là một sự thực hiện cuối cùng. Ngoài ra, còn có ý nói rằng «mầu nhiệm được làm cho trở thành thấy được». Nghĩa là Đấng Vô Hình trở nên hữu hình. Trở nên hữu hình không có nghĩa là mầu nhiệm ngưng không còn mầu nhiệm nữa. Điều đó trước muốn ám chỉ đến hôn nhân được thiết lập từ «thuở ban đầu», trong tình trạng vô tội nguyên thủy, trong bối cảnh của bí tích tạo thành. Giờ đây cũng ám chỉ đến sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh, đó là «mầu nhiệm cao cả» của bí tích Cứu chuộc. Nói Đấng Vô Hình trở nên hữu hình không có nghĩa là – nếu có thể nói được – mầu nhiệm đã trở nên hoàn toàn tỏ tường. Như là đối tượng của đức tin, mầu nhiệm vẫn còn được che phủ ngay cả khi được biểu lộ ra và được thực hiện. Cái hữu hình hiển thị Cái Vô Hình vốn thuộc bình diện các dấu chỉ, mà «dấu chỉ» duy chỉ đến thực tại mầu nhiệm chứ không «tỏ hiện» thực tại ấy. Cũng như «Ađam thứ nhất» – con người, nam cũng như nữ – vốn được tạo dựng trong tình trạng vô tội nguyên thủy và được kêu gọi kết hôn trong tình trạng này (theo nghĩa này ta nói đến bí tích tạo thành), là dấu chỉ của Mầu Nhiệm vĩnh cửu, cũng thế «Ađam thứ hai», tức là Đức Kitô, kết hợp với Hội Thánh qua Bí tích Cứu chuộc bằng một dây bất khả phân li, giống như Giao ước bất khả phân li của vợ chồng, cũng là dấu chỉ cuối cùng của chính Mầu Nhiệm vĩnh cửu ấy. Vậy khi nói đến việc thực hiện mầu nhiệm vĩnh cửu, là chúng ta cũng nói đến sự mầu nhiệm trở thành hữu hình bằng tính hữu hình của một dấu chỉ. Như thế là nói đến tính bí tích của toàn bộ gia sản của bí tích Cứu chuộc, liên hệ đến toàn thể công trình Tạo Thành và Cứu Chuộc, và càng liên hệ nhiều hơn đến hôn nhân, thiết lập trong bối cảnh của bí tích tạo thành, và cũng như còn liên hệ đến Hội Thánh như là Hôn thê của Đức Kitô, như kết hợp với Người trong một Hôn ước vậy.

XCIX – HÔN NHÂN LÀ THÀNH PHẦN CẤU THÀNH TRỌN VẸN CỦA NHIỆM CUỘC BÍ TÍCH MỚI

(Ngày 20 tháng 10 năm 1982)

  1. Thứ tư vừa qua chúng ta đã nói về gia sản toàn thể của Giao ước với Thiên Chúa, và của ân sủng vốn thuở ban đầu hợp nhất với công trình tạo thành của Chúa. Gia sản toàn thể này – như từ Thư gửi tín hữu Êphêsô 5,22-33 ta có thể rút ra – gồm cả thành phần hôn nhân, như bí tích nguyên thủy, được thiết lập «từ thuở ban đầu» và được liên kết với bí tích tạo thành trong tổng thể của nó. Tính bí tích của hôn nhân không cốt chỉ làmẫu mực và là diện mạocủa bí tích của Hội Thánh (của Đức Kitô và Hội Thánh), nhưng còn là thành phần cốt yếu của gia sản mới: bí tích của ơn Cứu chuộc, là phần thưởng cho Hội Thánh trong Đức Kitô. Ở đây, một lần nữa, ta cần nhắc lại lời của Đức Kitô trong Matthêu 19,3-9,[144] trong lúc đối chất với những người Pharisêu và trả lời câu hỏi của họ về hôn nhân và đặc tính của hôn nhân, Đức Kitô chỉ tham chiếu đến duy nhất định chế nguyên thủy của hôn nhân từ phía Đấng Tạo Thành ở «thuở ban đầu». Suy tư về ý nghĩa của câu trả lời này dưới ánh sáng của Thư gửi tín hữu Êphêsô, và cách riêng đoạn Ep 5,22-33, chúng ta đi đến kết luận quan hệ hôn nhân theo nghĩa kép của nó liên quan đến toàn thể bình diện bí tích, mà trong Giao ước Mới, nó xuất hiện ra từ chính bí tích Cứu Chuộc.
  2. Hôn nhân xét như là bí tích nguyên thủy, một đàng, làhình ảnh(họa ảnh, biểu trưng loại suy), theo đó cấu trúc nền tảng khung kết thành nhiệm cuộc cứu độ và trật tự bí tích mới được xây dựng (trật tự có nguồn gốc từ ân ban hôn phối Hội Thánh đón nhận từ Đức Kitô cùng với tất cả mọi phúc lành của ơn Cứu chuộc, hoặc có thể nói như theo Thư Êphêsô: «với muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần»[145]). Như thế, hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy, được đảm nhận và đưa vào trong cấu trúc toàn thể của nhiệm cuộc bí tích mới, vốn xuất phát từ ơn Cứu chuộc với mô thức của «nguyên mẫu» («prototipo»): nó được đảm nhận và đưa vào như thể từ cùng một nền tảng. Chính Đức Kitô, trong cuộc đối chất với những người Pharisêu,[146] khẳng định lại trước hết sự hiện hữu của hôn nhân. Suy cho kĩ về chiều kích này, ta phải kết luận rằng mọi Bí tích của Giao ước mới, theo nghĩa nào đó, đều gặp nơi hôn nhân, bí tích nguyên thủy, cái nguyên mẫu của chúng. Điều đó có vẻ lộ hiện nơi đoạn văn kinh điển của Thư Êphêsô, chúng ta sắp nói tới sau đây.
  3. Thế nhưng, quan hệ hôn phối với toàn thể trật tự bí tích, vốn xuất phát từ ơn ban cho Hội Thánh với muôn phúc lành của sự Cứu chuộc, không bị giới hạn chỉ ở trong chiều kích kiểu mẫu. Đức Kitô, trong cuộc trao đổi với những người Pharisêu,[147]không chỉ xác nhận lại sự hiện hữu của hôn nhân định chế có «từ thuở ban đầu» bởi Đấng Tạo Hóa, mà còn tuyên bố nó làthành phần cấu thành trọn vẹn của nhiệm cuộc bí tích mới, trật tự mới của những «dấu chỉ» cứu độ, vốn có nguồn gốc từ bí tích ơn Cứu chuộc, như thể nhiệm cuộc nguyên thủy xuất phát từ bí tích tạo thành; và thực ra Đức Kitô tự giới hạn mình vào Bí tích duy nhất, vốn xưa rày đã là cuộc hôn phối được thiết lập trong tình trạng vô tội và công chính nguyên thủy của người nam và người nữ, tạo dựng «theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa».
  4. Nhiệm cuộc bí tích mới, hình thành trên cơ sở của bí tích ơn Cứu chuộc, vốn xuất hiện từ ân ban hôn phối Hội Thánh nhận được từ Đức Kitô,thì khác với nhiệm cuộc nguyên thủy.Thật vậy, nhiệm cuộc bí tích mới không hướng đến con người công chính và vô tội nguyên thủy, nhưng hướng đến con người mang di sản tội nguyên tổ khắc ghi trong mình và trong tình trạng tội lỗi (status naturae lapsae). Nó hướng đến con người với ba thứ dục vọng (theo kiểu nói cổ điển của Thư thứ nhất của Thánh Gioan,[148] hướng tới con người mang tính xác thịt, vốn «… ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt»,[149] theo thần học (và nhân học) của Phaolô, mà chúng tôi đã dành rất nhiều chỗ cho nó trong những suy tư trước đây.
  5. Những nhận định này, được tiếp thêm bởi phân tích sâu sắc ý nghĩa của lời Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi về «cái nhìn đầy dục vọng» của kẻ «ngoại tình trong tư tưởng», chuẩn bị cho ta hiểu hôn nhân như là thành phần cấu thành toàn vẹn của trật tự bí tích mới, trật tự có nguồn gốc từ Bí tích Cứu chuộc, tức là «mầu nhiệm cao cả» (Đức Kitô và Hội Thánh) xác định tính bí tích của chính Hội Thánh. Hơn nữa, những nhận định này chuẩn bị cho ta hiểuHôn nhân như là Bí tích của Giao ước Mới,mà công trình cứu độ của Giao ước ấy cần phải được kết hợp hữu cơ làm một với toàn thể nền đạo đức (ethos), trước đây được định nghĩa như là đạo đức của ơn cứu chuộc. Thư gửi tín hữu Êphêsô, theo cách thức của mình, diễn tả cùng một chân lí đó: nói đến hôn nhân như là bí tích «cao cả» trong một bối cảnh đạo đức rộng lớn, tức là trong văn mạch của những lời khuyên mang tính chất luân lí, liên quan đến chính nền đạo đức chuẩn mực làm nên phẩm chất của đời sống các Kitô hữu, tức là những con người ý thức về sự được tuyển chọn trong Đức Kitô và trong Hội Thánh.
  6. Trên nền hậu cảnh lớn của những suy tư nảy sinh từ việc đọc Thư gửi tín hữu Êphêsô,[150]mà rốt cuộc ta có thể và phải còn chạm đến một vấn đề, là các Bí tích của Hội Thánh. Bản văn trích từ Thư Êphêsô chỉ nói cách gián tiếp và thứ yếu về bí tích thôi, mặc dầu cũng đủ để cho vấn đề này được xem xét đến ở đây. Tuy nhiên, chỉ nên xác định ít là cách vắn tắt thôi,ý nghĩa mà chúng tôi chấp nhận khi dùng từ ngữ «bí tích», rất có ý nghĩa cho những nhận định của chúng ta.
  7. Thật vậy, cho đến nay, chúng ta đã dùng chữ «bí tích» (phù hợp với toàn bộ truyền thống Kinh thánh-Giáo phụ)[151]theo một nghĩa rộng hơn nghĩa của thần học truyền thống và đương đại. Hiểu đó là những dấu chỉ do Đức Kitô thiết lập và Hội Thánh quản lí, diễn tả và thông ban ân sủng của Chúa cho người lãnh nhận bí tích liên hệ. Theo nghĩa này, mỗi bí tích trong bảy bí tích của Hội Thánh được đặc trưng bởi một hành động phụng vụ nhất định, được hình thành nhờ lời (mô thể) và «chất thể» bí tích riêng – theo lí thuyết mô-chất của thánh Thomas Aquinô và tất cả truyền thống Kinh viện.
  8. So với ý nghĩa giới hạn này, trong các nhận định ở đây chúng ta đã sử dụng từ «bí tích» với một nghĩa rộng hơn và có lẽ còn cổ hơn và nền tảng hơn[152]. Thư gửi tín hữu Êphêsô, và cách riêng đoạn5,22-33,một cách đặc biệt như cho phép chúng ta hiểu như thế. Ở đây, bí tích có nghĩa là chính mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn được giữ kín tự muôn thuở, nhưng không giấu ẩn mãi mãi mà được mạc khải ra nhờ thực hiện. Theo nghĩa đó, người ta cũng nói đến bí tích tạo thành và Bí tích Cứu chuộc. Phải trên cơ sở của bí tích tạo thành, ta mới hiểu tính bí tích nguyên thủy của hôn nhân. Từ đó, trên cơ sở của bí tích Cứu chuộc ta mới hiểu tính bí tích của Hội Thánh, hay đúng hơn, tính bí tích của sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh, mà tác giả Thư Êphêsô đã trình bày bằng hình ảnh loại suy hôn phối, sự kết hợp của vợ chồng. Phân tích kĩ bản văn cho thấy ra rằng trường hợp này không chỉ là một so sánh theo nghĩa ẩn dụ, nhưng là một sự đổi mới thực sự (một sáng tạo mới) nội dung ơn cứu độ (theo nghĩa nào đó là «bản thể cứu độ») của bí tích nguyên thủy. Nhận định này có một ý nghĩa cơ bản, làm sáng tỏ tính bí tích của Hội Thánh (chương thứ nhất của Hiến chế «Lumen Gentium» đã tham chiếu đến), cũng như để hiểu tính bí tích của hôn nhân, xét như một trong bảy bí tích của Hội Thánh.

C – TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LI CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI TRONG MẦU NHIỆM «CỨU CHUỘC THÂN XÁC»

(Ngày 27 tháng 10 năm 1982)

  1. Đoạn văn của Thư gửi tín hữu Êphêsô[153]nói đến các bí tích của Hội Thánh – cách riêng về Phép Rửa và Thánh Thể – nhưng chỉ một cách gián tiếp và hàm ý nào đó thôi, khi người ta triển khai loại suy hôn phối liên hệ đến Đức Kitô và Hội Thánh. Từ đầu chúng ta đã đọc thấy rằng Đức Kitô, Đấng «yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh»,[154]«Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống».[155] Vấn đề ở đây chắc chắn muốn nói đến bí tích Rửa tội, do Đức Kitô thiết lập ngay từ đầu và ban cho những ai sám hối trở lại với Người. Những lời trích dẫn chứng tỏ với một sự rất uyển chuyển Phép Rửa đạt tới ý nghĩa cốt yếu của nó và sức mạnh bí tích của nó múc lấy từ tình yêu phu thê của Đấng Cứu Chuộc, nhờ đó mà trước hết ta có tính bí tích của chính Hội Thánh, mầu nhiệm cao cả (sacramentum magnum). Tương tự như thế, có lẽ ta cũng nói được về Thánh Thể, như đã được nhắc đến qua những lời sau đó nói đến sự nuôi dưỡng thân xác mình, mà mỗi người phải lo nuôi nấng và chăm sóc «như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể Người».[156] Thật vậy, Đức Kitô nuôi dưỡng Hội Thánh bằng chính Mình Thánh Người trong bí tích Thánh Thể.
  2. Tuy nhiên, ta nhận thấy rằng cả trường hợp thứ nhất cũng như trường hợp thứ hai đều không thể nói về một hệ bí tích được hiểu theo nghĩa rộng. Người ta cũng không thể nói về điều đó cả khi bàn vềbí tích hôn phối như là một trong những bí tích của Hội Thánh.Thư gửi tín hữu Êphêsô, khi diễn tả mối tương quan phu thê của Đức Kitô với Hội Thánh, cho phép ta hiểu rằng, dựa trên cơ sở mối quan hệ này, Hội Thánh chính là «bí tích cao cả», dấu chỉ mới của giao ước và ân sủng, đâm rễ sâu từ bí tích Cứu chuộc, cũng như hôn nhân – dấu chỉ nguyên thủy của giao ước và ân sủng – phát xuất từ chiều sâu của bí tích tạo thành. Tác giả Thư Êphêsô tuyên bố rằng bí tích nguyên thủy ấy được thực hiện cách mới mẻ trong «bí tích» của Đức Kitô và Hội Thánh. Cũng vì thế mà thánh Phaolô Tông đồ, trong cũng đoạn văn kinh điển Ep 5,21-33 ấy, nói với các đôi vợ chồng để «vì lòng kính sợ Đức Kitô họ tùng phục lẫn nhau»[157] và để họ khuôn đúc cuộc sống hôn nhân của họ dựa trên nền bí tích được Đấng Tạo Thành thiết lập từ «thuở ban đầu»: bí tích vốn có sự cao cả và thánh thiện cuối cùng ở nơi hôn ước của ân sủng giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
  3. Cho dẫu Thư Êphêsôkhông nói trực tiếp và nói ngayvề hôn phối như về một trong các bí tích của Hội Thánh, nhưng tính bí tích của hôn nhân trong đó được xác nhận và đào sâu cách đặc biệt. Trong «bí tích cao cả» của Đức Kitô và Hội Thánh các đôi vợ chồng Kitô hữu được mời gọi khuôn đúc đời sống và ơn gọi của họ trên nền tảng bí tích.
  4. Sau khi đã phân tích bản văn kinh điểnEp5,21-33, nói về các đôi vợ chồng Kitô hữu, trong đó thánh Phaolô loan báo họ là «mầu nhiệm cao cả» (sacramentum magnum) của tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh, bây giờ đến lúc chúng ta quay lại với những lời rất ý nghĩa của Tin mừng mà trước đây chúng ta đã phân tích, vì thấy ở đó những lời tuyên bố chủ chốt cho thần học về thân xác. Đức Kitô tuyên bố những lời ấy, có thể nói là, phát xuất tự nơi sâu thẳm của ơn «cứu chuộc thân xác»[158] của Thiên Chúa. Tất cả những lời này đều có ý nghĩa nền tảng cho con người chính vì con người là thân xác – như là người nam hay là người nữ. Chúng có một ý nghĩa đối với hôn nhân, vốn là nơi người nam và người nữ kết hợp với nhau đến mức cả hai nên «một xương một thịt», theo diễn tả của sách Sáng thế,[159] nhưng đồng thời, những lời của Đức Kitô cũng còn chỉ đến ơn gọi sống tiết dục «vì Nước Trời».[160]
  5. Trong mỗi bậc sống này sự «cứu chuộc thân xác» không những là niềm trông đợi lớn lao của những kẻ đã có được «ân huệ mở đầu của Thần Khí»,[161]mà còn là suối nguồn hi vọng bất tận, rằng tạo thành sẽ «được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, nhưng được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang».[162]Những lời của Đức Kitô, được công bố từ mầu nhiệm Cứu chuộc sâu thẳm của Thiên Chúa và sự «cứu chuộc thân xác», là men của niềm hi vọng này, những lời ấy mở ra viễn tượng cả trong chiều kích cánh chung cũng như chiều kích cuộc sống thường nhật. Thật vậy, những lời ấy hướng tới các thính giả trực tiếp tại chỗ nhưng đồng thời cũng hướng tới con người «lịch sử» trong mọi lúc mọi nơi. Chính con người này, kẻ đã có «ân huệ mở đầu của Thần Khí … rên siết … trông đợi thân xác được cứu chuộc».[163] Nơi họ còn tập chú vào niềm hi vọng của muôn loài thụ tạo, những đang ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người».[164]
  6. Trong cuộc đối chất những người Pharisêu hỏi Đức Kitô: «Thưa Thầy, người ta có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lí do nào không?»[165]. Họ hỏi Người như thế chính vì luật Môsê cho phép cấp cái gọi là«chứng thư li dị».[166]Đức Kitô trả lời: «Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li».[167] Về «chứng thư li dị», Đức Kitô trả lời như sau: «Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình».[168] «Ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy cũng phạm tội ngoại tình».[169]
  7. Viễn tượng «cứu chuộc thân xác» mở ra trước những lời này, vốn là giải đáp cho một câu hỏi cụ thể có tính pháp lí – luân lí; nó mở ra, trước hết, bởi sự kiện làĐức Kitô tự đặt mình trên bình diện của bí tích nguyên thủy,là di sản mà những kẻ chất vấn Người đã thừa hưởng cách riêng, bởi lẽ họ cũng thừa hưởng mạc khải mầu nhiệm tạo thành, ghi trong những chương đầu sách Sáng thế.

Những lời này đồng thời cũng là câu trả lời chung nói với mọi con người «lịch sử» thuộc mọi nơi mọi thời đại, vì chúng quyết định đối với mọi cuộc hôn nhân và bởi tính bất khả phân lí của nó. Quả thật, chúng nhắc nhở một điều không thể thay đổi được nữa, đó là con người, cả người nam và người nữ, đã được tạo dựng «theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa»: họ luôn là như thế cả sau khi nguyên tổ đã phạm tội, cho dẫu tội nguyên tổ đã lấy đi của họ sự vô tội nguyên thủy và sự công chính. Trong câu trả lời cho những người Pharisêu, Đức Kitô tham chiếu đến «thuở ban đầu», Người làm thế dường như để nhấn mạnh đặc biệt sự kiện Người nói từ sâu thẳm của mầu nhiệm Cứu chuộc và cứu chuộc thân xác. Quả thật, Cứu Chuộc có nghĩa như là một cuộc «tạo thành mới» – có nghĩa là đảm nhận lấy tất cả những gì được tạo dựng: để diễn tả trong tạo thành nét viên mãn của sự công chính, của công lí và sự thánh thiện, được Thiên Chúa định, và để diễn tả sự viên mãn đó trước hết ở nơi con người, kẻ được tạo dựng «theo hình ảnh của Thiên Chúa» có nam có nữ.

Trong nhãn quan của những lời Đức Kitô nói với những người Pharisêu về hôn nhân «thuở ban đầu», chúng ta cũng đọc lại bản văn kinh điển Thư Êphêsô[170] như là chứng từ cho tính bí tích của hôn nhân, căn cứ trên «mầu nhiệm lớn lao» của Đức Kitô và Hội Thánh.

CI – TRONG HÔN NHÂN CON NGƯỜI DỤC VỌNG ĐƯỢC BAN CHO «ĐẠO ĐỨC CỦA ƠN CỨU CHUỘC THÂN XÁC»

(Ngày 24 tháng 11 năm 1982)

  1. Chúng ta đã phân tích Thư gửi tín hữu Êphêsô, và đặc biệt làchương 5,22-33,từ quan điểm bí tích hôn phối. Giờ đây chúng ta cũng khảo sát chính bản văn ấy trong nhãn quan những lời Tin Mừng.

Những lời Đức Kitô nói với những người Pharisêu[171] đề cập đến hôn nhân như là bí tích, hay đúng hơn, như là mạc khải nguyên thủy về ý muốn và hoạt động cứu độ của Thiên Chúa «thuở ban đầu», trong chính mầu nhiệm tạo dựng. Nhờ ý muốn và hoạt động cứu độ đó của Thiên Chúa, mà người nam và người nữ trong khi kết hợp với nhau nên «một xương một thịt»,[172] họ cũng được định phải hợp nhất với nhau trong «trong chân lí và trong tình yêu» như là các con cái Thiên Chúa,[173] những nghĩa tử trong Trưởng Tử yêu dấu vĩnh cửu. Sự hợp nhất ấy, sự hiệp thông giữa các ngôi vị ấy, có nét tương tự như sự hợp nhất giữa các ngôi vị Thiên Chúa,[174] là điều mà những lời Đức Kitô (nói về hôn nhân như bí tích nguyên thủy và đồng thời xác nhận bí tích ấy trên cơ sở mầu nhiệm Cứu chuộc) muốn nói tới. Quả thật, sự «kết hợp nơi thân xác» nguyên thủy giữa người nam và người nữ không ngừng hình thành nên lịch sử con người trên trái đất, cho dẫu họ đã mất đi sự trong sáng của bí tích, của dấu chỉ cứu độ mà họ vốn có từ «thuở ban đầu».

  1. NếuĐức Kitô,trước các thính giả trong Tin mừng theo thánh Matthêu và thánh Marcô,[175] xác nhận hôn nhân là bí tích do Đấng Tạo Thành thiết lập từ «thuở ban đầu» – và do đó hôn nhân phải là bất khả phân li – thì chính từ đó hôn nhân mở ra với hành động cứu độ của Thiên Chúa, mở ra với một sức mạnh phát xuất từ mầu nhiệm «cứu chuộc thân xác», sức mạnh giúp vượt thắng những hệ lụy tội lỗi hầu xây dựng sự hợp nhất giữa người nam và người nữ theo ý định muôn thuở của Đấng Tạo Thành. Hành động cứu độ xuất phát từ mầu nhiệm Cứu chuộc tự thân cũng mang lấy hành động thánh hóa nguyên thủy của Thiên Chúa trong chính mầu nhiệm Tạo Thành.
  2. Lời Chúa trong Tin mừng Matthêu[176]cũng là một diễn từ thuyết phục về đạo đức rất có ý nghĩa. Những lời ấy xác nhận – trên nền tảng mầu nhiệm Cứu chuộc – bí tích nguyên thủy và đồng thờithiết lập một nền đạo đức thích đáng, mà trong các bài phân tích trước đây chúng ta gọi là «đạo đức của ơn cứu chuộc». Đạo đức phúc âm và Kitô giáo, trong yếu tính thần học của nó, là đạo đức của ơn cứu chuộc. Hẳn là chúng ta có thể thấy được một lí giải hữu lí, một lí giải triết học duy nhân vị cho nền đạo lý đó. Tuy nhiên, trong yếu tính thần học của nó, đó là một đạo đức của ơn cứu chuộc, hay đúng hơn, là một đạo đức của ơn cứu chuộc thân xác. Ơn cứu chuộc cũng đồng thời trở thành nền tảng để hiểu phẩm giá đặc thù của thân xác con người, vốn đâm rễ sâu từ trong phẩm giá nhân vị của người nam và người nữ. Lí lẽ của phẩm giá này có nền tảng dựa trên sự bất khả phân li của giao ước phu thê.
  3. Đức Kitô nhắc tới đặc tính bất khả phân li của hôn nhân như là bí tích nguyên thủy và, trong khi xác nhận bí tích này trên cơ sở của mầu nhiệm cứu chuộc, và đồng thời rút ra từ đó các kết luận đạo đức: «Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình».[177]Chúng ta có thể xác định rằng như thếơn cứu chuộc được thông ban cho con người như ân sủng của giao ước mới với Thiên Chúa trong Đức Kitô – và đồng thời nó được qui gán cho họ như là một đạo đức phải sống: như là mô thể của nền luân lí tương ứng với hành động của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Cứu chuộc. Nếu hôn nhân-bí tích là một dấu chỉ hữu hiệu của hành động cứu độ của Thiên Chúa «từ thuở ban đầu», thì đồng thời – trong ánh sáng của Lời Đức Kitô đang được suy tư ở đây – bí tích này cũng là một lời động viên con người, nam cũng như nữ, để họ tham dự một cách ý thức vào ơn cứu chuộc của thân xác.
  4. Chiều kích đạo đức của ơn cứu chuộc thân xác được mô tả thật sâu sắc, khi chúng ta suy niệm lời Đức Kitô nói trong Diễn từ trên Núi liên quan đến giới răn «Chớ ngoại tình». «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình, Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi».[178]Trước đây chúng ta đã chú giải khá rộng lời tuyên bố sắt đá này của Đức Kitô, và xác tín rằng lời ấy có một ý nghĩa nền tảng cho toàn bộ nền thần học về thân xác, đặc biệt là cho con người «lịch sử». Và mặc dầu những lời này không nói đích danh trực tiếp về hôn nhân như là bí tích, thế nhưngkhông thể tách biệt chúng ra khỏi toàn thể nền tảng bí tích, trong đó diễn ra cuộc sống giao ước hôn nhân của con người, nam và nữ. Dù ở trong bối cảnh nguyên thủy của mầu nhiệm Tạo thành, hay ở trong bối cảnh của mầu nhiệm Cứu chuộc. Tầng bí tích này luôn liên hệ đến những nhân vị cụ thể, nó thấm sâu vào trong nam tính và trong nữ tính (hay nói đúng hơn, thấm sâu vào con người là nam và là nữ) trong phẩm giá độc đáo riêng của con người vốn là hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa khi tạo thành, và cũng trong chính phẩm giá được di truyền (mặc dù tội lỗi) và không ngừng được «chuyển giao» như một nghĩa vụ cho con người nhờ sự Cứu chuộc.
  5. Trong Diễn từ trên NúiĐức Kitô đã đưa ra lời giải thích giới răn «Chớ ngoại tình» của Người – là một giải thích nền tảng của nền đạo đức mới – cũng với những lời sắt đá ấy Người trao nghĩa vụ phải giữ gìn phẩm giá của mỗi người nữ cho mỗi người nam; đồng thời (dù chỉ gián tiếp rút ra từ văn mạch) Người cũng trao cho mỗi người nữ phẩm giá của mỗi người nam[179]. Sau cùng, Người cũng trao cho mỗi người – cả nam lẫn nữ – phẩm giá của chính mình. Theo nghĩa nào đó, đó là «nơi thánh thiêng» («sacrum») của một nhân vị, xét như là «thân xác» của một người nữ hay của một người nam. Dễ thấy rằng những lời Đức Kitô nói trong Diễn từ trên Núi ấy liên hệ đến đạo đức học. Đồng thời, cũng không khó xác định, sau khi suy nghĩ thật sâu, rằng những lời lẽ ấy tuôn trào từ chính mạch suối sâu xa của ơn cứu chuộc thân xác. Cho dẫu những lời ấy không nói trực tiếp đến hôn nhân xét như là bí tích, cũng không khó nhận ra rằng chúng chỉ bộc lộ hết đầy đủ ý nghĩa của chúng khi liên hệ với bí tích. Dù là bí tích nguyên thủy, gắn liền với mầu nhiệm Tạo Dựng, hay là bí tích cứu chuộc, trong đó con người «lịch sử», sau khi phạm tội và vì tội di truyền, phải tìm gặp lại phẩm giá và sự thánh thiện của sự kết hợp vợ chồng «trên thân xác», trên nền tảng của mầu nhiệm Cứu Chuộc.
  6. Trong Diễn từ trên Núi – cũng như trong bối cảnh cuộc trao đổi với những người Pharisêu về hôn nhân bất khả phân li – Đức Kitô nói từ mầu nhiệm sâu thẳm ấy của Thiên Chúa. Và đồng thờiNgười cũng đi vào trong chính chiều sâu của mầu nhiệm con người.Bởi thế, Người nhắc đến «lòng dạ», «chốn thâm cung» trong con người, nơi thiện và ác, tội lỗi và sự công chính, dục vọng và sự thánh thiện chiến đấu với nhau. Nói đến dục vọng (cái nhìn thèm muốn),[180] Đức Kitô giúp thính giả của Người ý thức rằng, cùng với mầu nhiệm tội lỗi, mỗi người mang nơi mình cái chiều kích «con người của dục vọng» nội giới («dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói kiêu căng».[181] Chính con người dục vọng này trong hôn nhân được thông ban cho bí tích Cứu chuộc, như là ân sủng và là dấu chỉ của Giao ước với Thiên Chúa – và được chuyển giao cho họ như là một nền đạo đức. Đồng thời, trong quan hệ hôn nhân xét như là bí tích, bí tích Cứu chuộc ấy cũng được trao cho mỗi người, nam cũng như nữ, như là một đạo đức. Đạo đức ấy được giao phó cho «lòng dạ» con người, cho lương tâm con người, cho cách nhìn của họ, cho động thái hay lối sống của họ. Theo lời của Đức Kitô,[182] hôn nhân là bí tích từ chính «thuở ban đầu» nhưng cũng đồng thời, bởi tội lỗi của con người «lịch sử», hôn nhân là bí tích phát xuất từ mầu nhiệm «cứu chuộc thân xác».

CII – HÔN NHÂN-BÍ TÍCH ĐƯỢC HOÀN TẤT TRONG VIỄN TƯỢNG CỦA NIỀM HI VỌNG CÁNH CHUNG

(Ngày 1 tháng 12 năm 1982)

  1. Chúng ta đã phân tích Thư gửi tín hữu Êphêsô, cách riêng đoạn 5,22-33, trong viễn tượng của Bí tích Hôn nhân. Giờ đây một lần nữa, chúng ta lại xem xét cũng bản văn ấy dưới ánh sáng của Phúc âm và các Thư Phaolô gửi tín hữu Côrintô và Rôma.

Hôn nhân – như là bí tích sinh ra từ mầu nhiệm Cứu chuộc và được tái sinh, theo một nghĩa nào đó, trong tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh – là một biểu lộ hữu hiệu của quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, Ngài vẫn thực hiện kế hoạch đời đời của Ngài cả sau khi loài người phạm tội và mang trong mình các dục vọng ẩn tàng trong trái tim con người, nam cũng như nữ. Như là một biểu lộ bí tích của quyền năng cứu độ ấy, hôn nhân cũng là một lời động viên biết làm chủ dục vọng (như Đức Kitô đã nói trong Diễn từ trên Núi). Hoa quả của sự biết làm chủ như thế chính là sự đơn nhất và bất khả phân li của hôn nhân, và hơn nữa, còn là một sự ý thức sâu xa về phẩm giá của người nữ trong tâm hồn của người nam (và phẩm giá của người nam trong tâm hồn của người nữ), cả trong đời sống chung của vợ chồng, và trong mọi lãnh vực khác của tương quan con người với nhau.

  1. Sự thật, theo đó hôn nhân bí tích của ơn Cứu chuộc được ban cho «con người dục vọng», như ân sủng và như là đạo đức, còn được diễn tả cách riêng trong giáo huấn của thánh Phaolô, đặc biệt trongchương 7 của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô.Thánh Phaolô Tông đồ, trong khi so sánh song đối giữa hôn nhân với bậc sống đồng trinh (đúng hơn với bậc sống «trinh khiết vì Nước Trời») và tuyên bố sự «trổi vượt» của bậc đồng trinh, cũng xác định «mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác».[183] Trên cơ sở mầu nhiệm Cứu chuộc, hôn nhân là một «đặc sủng», là ân sủng. Trong cùng ngữ cảnh ấy thánh Tông đồ, trong khi khuyên nhủ các tín hữu, đã đề xuất hôn nhân như giải pháp «để tránh hiểm họa dâm ô»,[184] và sau đó khuyên các đôi vợ chồng: «chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy».[185] Và ngài còn nói tiếp rằng «thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt».[186]
  2. Dựa trên những tuyên bố này của Phaolô mà có ý kiến nói rằng hôn nhân là một thứthuốc chữa dục vọng (remedium concupiscentiae).Thế nhưng, thánh Phaolô, như chúng ta biết, dạy cách minh nhiên rằng hôn nhân là một «đặc sủng» và trong mầu nhiệm Cứu chuộc hôn nhân được ban cho người nam và người nữ như một ân sủng, và với những lời lẽ hàm ý và nghịch lí, ngài diễn tả tư tưởng của ngài cách đơn sơ rằng hôn nhân được chuyển giao cho đôi vợ chồng như một đạo đức. Trong những lời của Phaolô «thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt», động từ «thiêu đốt» ám chỉ các đam mê vô trật tự, có nguồn gốc từ chính dục vọng của tính xác thịt (trong Cựu ước cũng có trình bày tương tự về dục tình từ sách Huấn ca)[187]. Còn «hôn nhân» lại có ý nghĩa là một trật tự đạo đức, được giới thiệu cách ý thức trong lãnh vực này. Có thể nói rằng hôn nhân là nơi của sự gặp gỡ giữa ái tình (eros) và đạo đức (ethos) và để chúng thẩm thấu vào nhau trong «tâm hồn» của người nam và người nữ, cũng như trong mọi tương quan của họ.
  3. Hơn nữa, chân lí này – tức là hôn nhân bí tích phát sinh từ mầu nhiệm Cứu chuộc được ban cho con người «lịch sử» vừa như là ân sủng vừa như là đạo lý – còn xác định tính chất hôn nhân như là một trong các bí tích của Hội Thánh.Như là bí tích của Hội Thánh, hôn nhân có bản tính là bất khả phân li. Như là bí tích của Hội Thánh, hôn nhân cũng là lời của Thần Khí, động viên người nam và người nữ khuôn đúc toàn thể đời sống chung của họ nhờ kín múc sức mạnh từ mầu nhiệm «cứu chuộc của thân xác». Như thế, họ được kêu gọi sống khiết tịnh như là tình trạng sống «theo Thần Khí» của riêng họ.[188]Trong trường hợp này, sự cứu chuộc thân xác cũng có nghĩa là «niềm hi vọng» kia, mà trong chiều kích của hôn nhân, có thể định nghĩa là niềm hi vọng đời thường, niềm hi vọng của thế gian. Trên cơ sở của niềm hi vọng đó mà dục tình được chế ngự như là nguồn mạch của xu hướng nhằm một sự thỏa mãn ích kỉ, và chính «xác thịt», trong giao ước bí tích giữa nam giới và nữ giới, trở thành «tầng nền» riêng của một sự hiệp thông bền vững và bất khả phân li của những nhân vị (communio personarum) theo một cách xứng hợp với nhân vị.
  4. Những ai, như các đôi vợ chồng, theo ý định đời đời của Thiên Chúa đã kết hợp với nhaunên«một xương một thịt» theo nghĩa nào đó, thì cũng được kêu gọi, qua bí tích, hướng đến một đời sống «theo Thần Khí», phù hợp với «ơn sủng» nhận được trong bí tích. Nhờ «ơn sủng» đó, đôi vợ chồng được dẫn đến một đời sống «theo Thần Khí», họ có thể tái khám phá ân sủng thánh hóa đặc biệt mà họ đã thông dự. Cũng như, vì «dục vọng» đã làm mờ tối đi tầm nhìn nội giới, những ước muốn và khát vọng nơi tâm hồn con người không còn trong sáng, cũng thế, đời sống «theo Thần Khí» (hay đúng hơn là, ân sủng của bí tích hôn nhân) cho phép người nam và người nữ tìm lại được sự tự do đích thực của ơn ban, vốn kết hợp làm một với ý thức về ý nghĩa hợp hôn của thân xác người nam và người nữ.
  5. Do đó, đời sống «theo Thần Khí» cũng được biểu lộ trong sự «ăn ở» với nhau,[189]qua đó đôi vợ chồng, một khi nên «một xương một thịt», họ tự đặt giới tính khác biệt nam và nữ của họ dưới phép lành của sáng tạo: «Ađam ăn ở với Evà, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Cain. Bà nói: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người”».[190]

Đời sống «theo Thần Khí» cũng biểu lộ ở đây qua ý thức sống trong ơn thánh hóa, từ đó mà có phẩm giá của chính các đôi bạn trong tư cách làm cha mẹ, nghĩa là, biểu lộ trong ý thức sâu xa về tính thánh thiêng của sự sống (sacrum), mà cả hai người là đồng tác giả khi tham dự (trong tư cách cha mẹ) vào quyền năng của mầu nhiệm sáng tạo. Dưới ánh sáng của niềm hi vọng đó, vốn được nối kết với mầu nhiệm cứu chuộc thân xác,[191] sự sống mới này, con người mới này kẻ được thụ thai và sinh hạ từ sự kết hợp vợ chồng của người cha và người mẹ đó, mở ra với «Thần Khí như ân huệ mở đầu»[192] «để được giải thoát cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang».[193] Và nếu như «muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở»,[194] thì vẫn có một niềm hi vọng đặc biệt kèm theo những đớn đau như của người mẹ đang cơn sinh nở, nghĩa là hi vọng đến ngày được «mạc khải vinh quang của hàng con cái Thiên Chúa »,[195] niềm hi vọng mà mọi trẻ mới chào đời đều mang theo với mình một tia sáng lấp lánh.

  1. Niềm hi vọng này ở«trong thế gian», và như lời thánh Phaolô dạy, nó thấm nhập vào trong muôn loài thụ tạo, nhưng lại không «phát xuất từ thế gian». Hơn nữa, niềm hi vọng này trong lòng con người phải chiến đấu với những gì «phát xuất từ thế gian», với những gì «trong thế gian». «Vì mọi sự trong thế gian, như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói kiêu căng, tất cả không xuất phát từ Chúa Cha, nhưng từ thế gian».[196]Hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy và đồng thời như là bí tích sinh ra từ mầu nhiệm cứu chuộc thân xác bởi tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh, «phát xuất từ Chúa Cha». Không phát xuất «từ thế gian», nhưng «từ Chúa Cha». Do đó, cả hôn nhân, xét như là bí tích, cũng là cơ sở của niềm hi vọng cho con người, nghĩa là cho người nam và người nữ, cho các cha mẹ và con cái, cho các thế hệ loài người. Quả thật, một đàng, «thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó», đàng khác, «ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi».[197] Bởi hôn nhân-bí tích, căn nguyên của con người trong thế gian được hợp nhất với nhau, và trong đó còn ghi dấu tương lai của họ, và điều đó không chỉ ở trên bình diện lịch sử, mà cả bình diện cánh chung.
  2. Về vấn đề này,có lời của Đức Kitô nhắc đến sự phục sinh của thân xác– cả ba Tin mừng nhất lãm đều có trình thuật.[198] «Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời». Matthêu đã thuật lại như vậy và Marcô cũng tương tự; và Luca thì như sau: «Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, còn những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại».[199] Các bản văn này đã được phân tích cách đặc biệt trước đây.
  3. Đức Kitô khẳng định rằnghôn nhân – bí tích của nguồn gốccon người trong thế giới hữu hình tạm thời này – không thuộc về thực tại cánh chung của «thế giới mai sau». Tuy nhiên, con người được kêu gọi tham dự vào tương lai cánh chung ấy nhờ sự phục sinh thân xác, cũng là chính con người, nam và nữ, mà nguồn gốc trong đời tạm hữu hình này được gắn liền với hôn nhân, bí tích nguyên thủy của chính mầu nhiệm tạo thành. Đúng hơn, mỗi người, được kêu gọi tham dự vào thực tại của phục sinh tương lai, trong thế giới đều có ơn gọi này, bởi lẽ trong đời tạm hữu hình này họ được sinh ra bởi hành động hôn phối của cha mẹ họ. Như vậy, những lời của Đức Kitô, vốn loại hôn nhân ra khỏi thực tại «thế giới tương lai», đồng thời lại mạc khải cách gián tiếp ý nghĩa của bí tích này đối với việc tham dự vào sự phục sinh tương lai của con người, cả con trai lẫn con gái.
  4. Hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy – được tái sinh theo một nghĩa nào đó trong tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh – không thuộc về «sự cứu chuộc thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng cánh chung.[200]Cũng hôn nhân ấy được ban cho con người như ân sủng, như «ơn huệ» Thiên Chúa thông ban cho đôi vợ chồng, và trao phó cho họ, cùng với lời của Đức Kitô, như là đạo lí – hôn nhân bí tíchđược thành tựu và thực hiện trong viễn tượng của niềm hi vọng cánh chung. Nó có một ý nghĩa cốt yếu đối với «sự cứu chuộc thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng này. Quả thật, nó xuất phát từ Chúa Cha, và nguồn gốc của nó trong thế giới cũng bởi Ngài. Và nếu như «thế gian này đang qua đi», và nếu như cùng với điều ấy, dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, thói kiêu căng (là những cái vốn thuộc thế gian) cũng đang qua đi, thì hôn nhân – bí tích sẽ kiên trung phục vụ để cho con người, nam cũng như nữ, trong khi làm chủ được dục vọng mình, thi hành thánh ý Chúa Cha. Mà «Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi».[201]
  5. Theo nghĩa đó, thì tự nơi hôn nhân-bí tích còn mang một mầm giống cho tương lai cánh chung của con người, tức là viễn tượng «cứu chuộc của thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng cánh chung, ứng với lời của Đức Kitô nói về sự phục sinh: «Trong ngày sống lại… người ta chẳng lấy vợ lấy chồng».[202]Thế nhưng, ngay cả những người «được cho là con cái của sự sống lại… ngang hàng với các thiên thần và là con cái Thiên Chúa»,[203]thì nguồn cội của họ ở đời tạm hữu hình này cũng nhờ con đường của hôn nhân và sinh sản của người nam và người nữ mà có. Hôn nhân, như là bí tích của «khởi nguồn» nhân loại, như là bí tích của thời gian của con người lịch sử, bằng cách đó chu toàn một việc phục vụ không thể thay thế được liên hệ tới một tương lai ngoài thời gian của nó, liên hệ tới mầu nhiệm «cứu chuộc thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng cánh chung.

CIII – HÔN NHÂN-BÍ TÍCH SOI SÁNG CHO Ý NGHĨA HÔN PHỐI VÀ Ý NGHĨA CỨU CHUỘC CỦA TÌNH YÊU

(Ngày 15 tháng 12 năm 1982)

  1. Như chúng ta đã biết, tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô nói đến một«mầu nhiệm cao cả», kết hợp với bí tích nguyên thủy nhờ sự liên tục của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài cũng nhắc đến «thuở ban đầu», như Đức Kitô đã nói đến trong cuộc đối chất với những người Pharisêu[204]khi trích dẫn: «Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt».[205] «Mầu nhiệm cao cả» ấy trước hết là mầu nhiệm Chúa Kitô kết hợp với Hội Thánh, mà thánh Phaolô Tông đồ giới thiệu như thực tại của họa ảnh sự kết hợp phu thê: «Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh».[206] Đây là một lãnh vực của phép loại suy tầm cỡ, trong đó hôn nhân với tư cách như là bí tích một đàng được xem là tiên đề và, đàng khác lại được tái khám phá. Nó được giả thiết tiên thiên như là bí tích của «khởi nguồn» nhân loại, gắn liền với mầu nhiệm tạo thành. Nó còn được tái khám phá như hoa quả của tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh, liên kết với mầu nhiệm Cứu chuộc.
  2. Tác giả Thư Êphêsô, hướng trực tiếp đến các cặp vợ chồng, khuyên bảo họ hãy khuôn đúc đời sống tương quan vợ chồng của họ theo mẫu của sự kết hợp phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh. Người ta có thể nói rằng – với giả thiết tiên thiên hôn nhân là bí tích theo nghĩa nguyên thủy của nó – ngài truyền cho họ hãyhọc sống lại bí tích nàytheo kiểu mới mẻ của cuộc hôn phối của Đức Kitô và Hội Thánh: «Những người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh…».[207] Lời mời gọi này của thánh Phaolô Tông đồ, hướng đến các cặp vợ chồng, có lí do đầy đủ của nó, là bởi vì, nhờ hôn nhân-bí tích, đôi vợ chồng tham dự vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô, cũng đồng thời được diễn tả như là tình yêu phu thê của Người đối với Hội Thánh. Dưới ánh sáng của Thư Êphêsô – chính nhờ tham dự vào tình yêu cứu độ ấy của Đức Kitô – mà hôn nhân xét như là bí tích «khởi nguồn» nhân loại (tức là bí tích trong đó người nam và người nữ một khi được gọi để nên «một xương một thịt» tham dự vào tình yêu tạo dựng của chính Thiên Chúa) được xác nhận và đồng thời được đổi mới. Họ tham dự vào tình yêu ấy, hoặc là vì, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, họ được kêu gọi nhờ hình ảnh đó hướng tới một sự kết hợp đặc biệt (communio personarum), hoặc vì chính sự kết hợp này ngay từ thuở ban đầu đã được Thiên Chúa chúc lành với phúc lành phong nhiêu.[208]
  3. Toàn thể cấu trúc nguyên thủy và vững bền của hôn nhân, xét như là bí tích của mầu nhiệm tạo thành – theo bản văn «kinh điển» Thư gửi tín hữu Êphêsô[209]– được canh tân trong mầu nhiệm Cứu chuộc, khi mầu nhiệm ấy đảm nhận lấy dung mạo của một Hôn thê là chính Hội Thánh được trao hiến bởi Đức Kitô. Hình thức nguyên thủy và vững bền ấy của hôn nhân được làm cho nên mới khi đôi bạn đón nhận nó như là bí tích của Hội Thánh, đồng thời từ tận nguồn mạch sâu thẳm mới con người được Thiên Chúa hiến trao, Đấng tự mạc khải mình và mở lòng ra với mầu nhiệm cứu chuộc, khi «Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, và như thế Người thánh hóa Hội Thánh…».[210]Hình ảnh nguyên thủy và vững bền ấy của hôn nhân xét như là bí tích được làm cho nên mới, khi đôi bạn Kitô hữu – ý thức mầu nhiệm sâu thẳm đích thật của sự «cứu chuộc thân xác» – kết hợp nên một «vì lòng kính sợ Chúa».[211]
  4. Hình ảnh hôn nhân, mà thánh Phaolô diễn tả vốn được ghi khắc trong «mầu nhiệm cao cả» của Đức Kitô và Hội Thánh, tháp nhập chiều kích cứu chuộc của tình yêu vào trong chiều kích hôn phối. Theo nghĩa nào đó, nó kết hợp hai chiều kích này lại thành một. Đức Kitô đã trở thành Hôn phu của Hội Thánh và đã cưới Hội Thánh làm Hiền thê Người, vì «Người đã hiến mình vì Hội Thánh».[212]Nhờ bí tích hôn phối (như một trong các bí tích của Hội Thánh)cả hai chiều kích này của tình yêu (hôn phối và cứu chuộc), cùng với ân sủng của bí tích, thấm nhập vào trong đời sống của đôi vợ chồng. Ý nghĩa hợp hôn của thân xác với giới tính nam hay nữ của nó, vốn được biểu lộ lần đầu tiên trong mầu nhiệm tạo thành trên nền của sự vô tội nguyên thủy của con người, được gắn liền với hình ảnh của Thư gửi tín hữu Êphêsô với ý nghĩa cứu chuộc, và như thế nó được xác nhận và theo nghĩa nào đó «được tái tạo» nên mới.
  5. Đây là điều quan trọng về hôn nhân, về ơn gọi làm chồng làm vợ của Kitô giáo. Bản văn Thư Êphêsô[213]hướng trực tiếp đến các đôi vợ chồng Kitô hữu và nói trước hết với họ. Tuy nhiên, sự kết nối ý nghĩa hợp hôn của thân xác với ý nghĩa «cứu chuộc» của nó cũng quan yếu vàhợp pháp đối với sự thông diễn (ermeneutica) con người nói chung: đối với vấn đề cơ bản là sự hiểu biết về con người và sự con người tự hiểu mình như một hữu thể ở trong thế giới. Dĩ nhiên, ta không thể bỏ ở bên ngoài vấn đề này câu hỏi về ý nghĩa của thân xác, về ý nghĩa của người nam và người nữ, xét như là một thân xác. Những câu hỏi này đã được đặt ra lần đầu tiên khi ta phân tích cái «thuở ban đầu» ấy của con người, trong ngữ cảnh của sách Sáng thế. Chính ngữ cảnh đó, theo nghĩa nào đó, đã đòi phải nêu ra những câu hỏi ấy. Đoạn văn «kinh điển» của Thư Êphêsô cũng đòi hỏi như thế. Và nếu như «mầu nhiệm cao cả» của sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh đòi buộc ta phải kết nối ý nghĩa hợp hôn của thân xác với ý nghĩa cứu chuộc của nó, thì nhờ đó đôi vợ chồng có được giải đáp cho câu hỏi đâu là ý nghĩa của «xác thể», mà không chỉ họ mà thôi, dẫu chính yếu bản văn Thư này của thánh Tông đồ nói với họ.
  6. Một cách gián tiếp, hình ảnh «mầu nhiệm cao cả» mà thánh Phaolô nói về Đức Kitô và Hội Thánh, còn nói về bậc sống «khiết tịnh vì Nước Trời», trong đó cả hai chiều kích hôn phối và cứu chuộc của tình yêu cũng được kết hợp với nhau, nhưng theo một tỉ lệ khác, khác với đời hôn nhân. Không phảitình yêuphu thê, với tình yêu ấy Đức Kitô «đã yêu thương Hội Thánh» Hiền Thê của Người và «đã hiến dâng mạng sống mình vì Hội Thánh», cũng nhập thể trọn vẹn nhất nơi lí tưởng «khiết tịnh vì Nước Trời»[214] hay sao? Không phải tất cả những ai, nam cũng như nữ, khi chọn lí tưởng ấy, khao khát được kết nối chiều kích hôn phối của tình yêu với chiều kích cứu chuộc theo mẫu gương của chính Đức Kitô, đã được một hỗ trợ thực sự nơi bậc sống ấy hay sao? Họ ước muốn xác nhận bằng đời sống của họ rằng ý nghĩa hợp hôn của thân xác – nam cũng như nữ – vốn được ghi dấu sâu đậm trong cấu trúc cốt yếu của nhân vị, đã được mở ra cách mới mẻ, từ Đức Kitô với mẫu gương cuộc sống của Người, mở ra với niềm hi vọng gắn liền với sự cứu chuộc của thân xác. Thế nên, ân sủng của mầu nhiệm cứu chuộc cũng sinh hoa kết quả – thậm chí còn sinh hoa kết quả một cách đặc biệt – với ơn gọi độc thân khiết tịnh «vì Nước Trời».
  7. Bản văn Thư gửi tín hữu Êphêsô[215]không nói minh nhiên điều ấy, mà hướng đến đôi vợ chồng và xây dựng theo hình ảnh của hôn nhân, và nhờ phép loại suy mà giải thích sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh. Đó là một sự kết hợp đồng thời trong tình yêu cứu chuộc và tình yêu hôn nhân. Không phải chính tình yêu này, một tình yêu diễn tả sinh động mầu nhiệm cứu chuộc,bởi phép loại suy hôn phối nhắm các đối tượng xa hơn vượt quá phạm vi các độc giả của bức Thư hay sao? Không phải nó bao gồm mọi con người và, theo một nghĩa nào đó, gồm toàn thể các thọ tạo, như thánh Phaolô đã cho thấy khi nói về «thân xác được cứu chuộc» trong Thư gửi tín hữu Rôma[216] hay sao? «Mầu nhiệm cao cả» (sacramentum magnum) theo nghĩa đó quả thật là một bí tích mới của con người trong Đức Kitô và trong Hội Thánh. Đó là bí tích «của con người và của thế giới», giống như là sự tạo dựng con người, nam và nữ, theo hình ảnh của Thiên Chúa vốn là bí tích nguyên thủy của con người và của thế giới. Hôn nhân được ghi vào trong cấu trúc bí tích mới này của ơn cứu chuộc, cũng như đã được ghi vào bí tích nguyên thủy của tạo dựng.
  8. Con người, từ «thuở ban đầu» vốn có nam có nữ, phải tìm ý nghĩa của cuộc sống mình và ý nghĩa của nhân tính của mình bằng cách chạm tới mầu nhiệm tạo dựng ngang qua thực tại cứu chuộc. Ở đó người ta còn gặp được giải đáp cho câu hỏi về ý nghĩa của thân xác con người, ý nghĩa của nam tính và nữ tính của nhân vị. Sự kết hợp của Đức Kitô với Hội Thánh giúp cho ta hiểu ý nghĩa hợp hôn của thân xác con người được kiện toàn bởi ý nghĩa cứu chuộc như thế nào. Điều ấy diễn ra trong muôn con đường cuộc sống khác nhau và hoàn cảnh khác nhau: Không chỉ trong hôn nhân hoặc đời độc thân khiết tịnh, mà trong cả muôn vàn cảnh ngộđau khổcủa con người chẳng hạn, như trong chính khi sinh hạ và giờ chết. Nhờ «mầu nhiệm cao cả», mà Thư Êphêsô đề cập tới, qua Giao ước mới của Đức Kitô với Hội Thánh, hôn nhân được ghi dấu cách mới mẻ vào «bí tích của con người» vốn ôm lấy cả vũ hoàn, trong bí tích của con người và của thế giới, nhờ sức mạnh của «sự cứu chuộc thân xác» được mô phỏng theo tình yêu hôn phối của Đức Kitô và Hội Thánh cho đến tầm vóc cánh chung trong nước Chúa Cha.

Hôn nhân như là bí tích vẫn còn là một thành phần sống động và mang lại sự sống của tiến trình cứu độ này.

CIV – «NGÔN NGỮ THÂN XÁC» ẨN CHỨA NỀN DẤU CHỈ BÍ TÍCH CỦA SỰ HIỆP THÔNG VỢ CHỒNG

(Ngày 5 tháng 1 năm 1983)

  1. «ANH… NHẬN EM … làm vợ»; «Em… nhận anh… làm chồng» – những lời này ở ngay trung tâm phụng vụ bí tích hôn phối của Hội Thánh. Những lời đó được các người đính hôn loan báo trong công thức diễn tả sự ưng thuận kèm theo những lời như sau: «… và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh». Qua những lời ấy các người đính hôn đã kí kết hôn ước và đồng thời đón nhận hôn phối như là bí tích, trong đó cả hai người là thừa tác viên.Cả hai người nam và người nữlà người thực thi bí tích. Họ làm trước mặt các chứng nhân. Chứng nhân có thẩm quyền là linh mục, ngài cũng đồng thời chúc lành cho đôi hôn phối và chủ tọa toàn bộ phụng vụ bí tích. Hơn nữa, theo một nghĩa nào đó, các chứng nhân còn là tất cả những người tham dự lễ cưới, nhưng một cách «chính thức» vài người (thông thường là hai) trong đó được chủ định gọi làm chứng nhân. Họ phải làm chứng rằng hôn phối đã được kí kết trước mặt Chúa và được Hội Thánh xác nhận. Trong trật tự bình thường của sự vật, hôn phối bí tích là một hành vi công khai, bởi đó, hai người, một nam một nữ, trở thành vợ chồng trước mặt xã hội là Hội Thánh, nghĩa là họ là chủ thể thực sự của ơn gọi và đời sống hôn nhân.
  2. Hôn nhân bí tích được kí kết nhờlờituyên bố, như là dấu chỉ bí tích do nội dung của nó: «Anh nhận em làm vợ / Em nhận anh làm chồng – và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em / anh khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau ốm cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em / anh mọi ngày suốt đời anh / em». Tuy nhiên, lời bí tích này tự thân chỉ là dấu chỉ của sự hiện thực hóa hôn nhân. Hiện thực hóa hôn nhân được phân biệt với sự hoàn hợp hôn nhân, vì nếu chưa hoàn hợp hôn phối vẫn chưa thành một thực tại đầy đủ. Hôn phối đã được kí kết về mặt pháp lí mà chưa hoàn hợp (ratum – non consummatum) thì chưa trọn vẹn là hôn phối. Thật vậy, chính những lời «Anh nhận em làm vợ / Em nhận anh làm chồng» không chỉ tham chiếu tới một thực tại nhất định, mà còn được hoàn tất chỉ nhờ sự giao hợp vợ chồng (copula coniugale). Hơn nữa, thực tại ấy được xác định ngay từ thuở ban đầu bởi định chế của Đấng Tạo Hóa: «Người đàn ông lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt».[217]
  3. Như thế,từ những lờimà người nam và người nữ tuyên bố sẵn sàng trở nên «một xương một thịt», theo chân lí vĩnh cửu được thiết lập trong mầu nhiệm tạo dựng, chúng ta chuyển sang thực tại tương ứng. Cả hai yếu tố này đều quan trọng đối với cấu trúc của dấu chỉ bí tích, mà chúng tôi dành ra để suy xét ở phần sau đây. Vì bí tích là dấu chỉ nhờ đó thực tại cứu độ của ân sủng và Giao ước được biểu lộ ra và đồng thời được thực hiện, cho nên giờ đây cần phải xem xét nó về mặt dấu chỉ, trong khi trước đây chúng ta đã suy tư về thực tại ân sủng và Giao ước.

Hôn nhân, xét như là bí tích của Hội thánh, được kí kết nhờ những lời của các thừa tác viên, tức là của đôi tân hôn. Những lời, trên bình diện ý hướng tính, mang ý nghĩa và chỉ ra đúng điều mà cả hai người đã quyết định từ nay trở thành cho nhau và cùng với nhau. Những lời của đôi tân hôn là thành phần của cấu trúc toàn vẹn của dấu chỉ bí tích, không chỉ vì điều chúng muốn nói, mà còn theo một nghĩa nào đó, với điều mà những lời ấy muốn nói và xác định. Dấu chỉ bí tích được làm thành trên bình diện ý hướng, là vì nó đồng thời được cấu thành trên bình diện thực tại.[218]

  1. Do vậy, dấu chỉ của bí tích hôn phối tạo nên bởi những lời của đôi tân hôn, vì «thực tại» do chính họ cấu thành tương ứng với những lời ấy.Cả hai người, nam và nữ,vốn như là thừa tác viên của bí tích trong thời gian kí kết hôn ước, đồng thời làm thành dấu chỉ hữu hình trọn vẹn và đích thực của chính bí tích. Những lời đôi tân hôn tuyên bố tự chúng không làm nên dấu chỉ của bí tích hôn phối, nếu chủ thể người của hai kẻ đính hôn kia không tương xứng và đồng thời họ thiếu ý thức đầy đủ về thân xác người đàn ông và thân xác người đàn bà của hai người hôn phu và hôn thê ấy. Ở đây cần khơi gợi lại toàn bộ các phân tích trước đây về sách Sáng thế.[219] Cấu trúc của dấu chỉ bí tích, thực ra, trong yếu tính của nó vẫn như «thuở ban đầu». Nó được xác định, theo một nghĩa nào đó, bởi «ngôn ngữ của thân xác», bởi lẽ người nam và người nữ, do hôn phối phải nên một xương một thịt, biểu lộ qua dấu chỉ này sự trao hiến bản thân của người nam và người nữ cho nhau, đây cũng là nền tảng của sự kết hợp các ngôi vị trong hôn phối.
  2. Dấu chỉ của bí tích hôn phối được thiết lập bởi sự kiện là những lời tuyên bố của đôi tân hôn dùng lại cùng «ngôn ngữ thân xác» như «thuở ban đầu», và trong mọi trường hợp chúng đều diễn tả cách cụ thể và độc nhất. Chúng diễn tả ý hướng về một kế hoạch của trí khôn và ý chí, của ý thức và con tim. Những lời phát biểu như: «tôi nhận em làm vợ – nhận anh làm chồng», tự chúng mang «ngôn ngữ thân xác» vốn hằng hữu (đã có từ thuở ban đầu, hiện vẫn đang có và còn mãi mãi), luôn luôn duy nhất và độc đáo, và đồng thời đặt ngôn ngữ ấy vào trong bối cảnh của sự hiệp thông các ngôi vị: «và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh». Như thế đó, cái «ngôn ngữ thân xác» vốn hằng hữu và luôn luôn mới đó,không chỉ là «nền tảng» nhưng, theo một nghĩa nào đó, còn là nội dung cơ bản của sự hiệp thông các ngôi vị.Những con người – cả nam và nữ – tự trở nên là tặng phẩm cho nhau. Họ trở thành tặng phẩm cho nhau nơi nam tính và nơi nữ tính của mình, đồng thời khám phá ý nghĩa hợp hôn của thân xác và qui chiếu ý nghĩa ấy về nhau một cách không thể khác hơn được: trong chiều kích của toàn thể cuộc sống.
  3. Như thế, về mặt dấu chỉ bí tích hôn phối cho ta hiểu những lời tuyên bố của đôi tân hôn, là những lời lẽ trao gởi một khía cạnh mới mẻ cho cuộc sống của đôi bạn trong chiều kích của ngôi vị (và liên ngôi vị:communio personarum) đúng nghĩa, trên cơ sở «ngôn ngữ thân xác». Việc áp dụng bí tích ấy như thế này: vào lúc kí kết hôn ước, bằng những lời lẽ thích hợp và sử dụng lại «ngôn ngữ thân xác» vốn vẫn có từ ngàn xưa, người nam và người nữ cùng làm nên một dấu chỉ, dấu chỉ thật độc đáo và cũng có ý nghĩa hướng đến viễn tượng tận cùng: «mọi ngày suốt đời anh (em)», nghĩa là cho đến chết. Đây làdấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của Giao ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô, nghĩa là của ân sủng, nơi dấu chỉ đó ân sủng phải là thành phần của họ như «đặc sủng riêng» (theo cách nói của Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô).[220]
  4. Khi đặt vấn đề trong phạm vi xã hội – pháp lý, người ta có thể nói rằng một giao ước hôn phối được ký kết giữa những người tân hôn với một nội dung xác định rõ ràng. Hơn nữa, người ta có thể nói rằng, với giao ước này họ đã thành vợ thành chồng được xã hội nhìn nhận, và bằng cách ấy họ cũng thành một cốt lõi gia đình với tư cách như là tế bào xã hội căn bản. Cách hiểu như thế rõ ràng phù hợp với thực tại hôn nhân về mặt nhân loại, và hơn nữa, cũng là nền tảng theo nghĩa tôn giáo và luân lý. Tuy nhiên, từ quan điểm của thần học bí tích,chìa khóa để hiểuhôn nhân nằm ở nơi thực tại về dấu chỉ, mà với nó hôn nhân được xây dựng trên cơ sở của Giao ước của con người với Thiên Chúa trong Đức Kitô và trong Hội thánh: được thiết lập trên bình diện siêu nhiên của dây liên kết thánh thiêng đòi hỏi ân sủng. Trên bình diện này, hôn nhân là một dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu. Xuất phát từ mầu nhiệm tạo dựng, hôn nhân có nguồn gốc mới của nó từ mầu nhiệm cứu chuộc, khi phục vụ cho «sự kết hợp con cái Thiên Chúa trong chân lí và trong bác ái».[221] Phụng vụ bí tích hôn phối trao cho dấu chỉ này một mô thể: một cách trực tiếp, trong suốt nghi thức bí tích, dựa trên cơ sở toàn thể những diễn tả sống động của nó; một cách gián tiếp, trong không gian của toàn bộ cuộc sống. Người nam và người nữ, với tư cách như vợ chồng, mang dấu chỉ này vào trong cuộc đời họ và giữ gìn dấu chỉ ấy cho tới chết.

CV – Ý NGHĨA HỢP HÔN CỦA THÂN XÁC CON NGƯỜI TƯƠNG HỢP VỚI Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA GIAO ƯỚC

(Ngày 12 tháng 1 năm 1983)

  1. Bây giờ chúng ta sẽ phân tích tính bí tích của hôn phối dưới khía cạnh dấu chỉ. Khi xác định rằng trong cấu trúc của hôn phối, xét như là dấu chỉ bí tích, một cách cốt yếu còn có «ngôn ngữ thân xác», là chúng ta đã tham chiếu đếntruyền thống lâu đời của Thánh Kinh.Truyền thống ấy có nguồn gốc phát xuất từ sách Sáng thế[222] và đạt đến cao đỉnh cuối cùng trong Thư gửi tín hữu Êphêsô.[223] Các tiên tri của Cựu ước đã đóng một vai trò cốt yếu hình thành nên truyền thống này. Phân tích các bản văn của Hôsê, Êzêkiel, Isaia đệ II, và các tiên tri khác, ta thấy mình đang bước đi trên lối đường loại suy, mà diễn tả cuối cùng là việc loan báo giao ước mới dưới hình thức của một lễ tân hôn giữa Đức Kitô và Hội thánh.[224] Trên cơ sở của truyền thống lâu đời này, người ta có thể nói về một «trào lưu tiên tri về thân xác» đặc biệt, hoặc bởi sự kiện chúng ta gặp phép loại suy này trước hết nơi các Tiên tri, hoặc liên quan đến chính nội dung của nó. Ở đây, «trào lưu tiên tri về thân xác» chính xác có nghĩa là «ngôn ngữ của thân xác».
  2. Phép loại suyxem ra có hai tầngTrong tầng thứ nhất và là nền tảng, các Tiên tri nhìn giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và Israel ví như một cuộc hôn nhân (vẫn hiểu hôn nhân như một giao ước giữa người chồng và người vợ).[225] Trong trường hợp này, Giao ước xuất phát từ sáng kiến của Thiên Chúa, Đức Chúa của Israel. Trong tư cách là Đấng Tạo Thành và là Đức Chúa, Ngài kí kết giao ước trước tiên với Abraham và rồi với Môsê, điều đó đã xác nhận một sự tuyển chọn đặc biệt rồi. Và từ đó đến các Tiên tri, giả thiết trước là toàn thể nội dung về pháp lí – luân lí của Giao ước đi sâu xa hơn, đồng thời tỏ lộ một chiều kích tuyệt đối sâu hơn chiều kích «hợp đồng» thông thường. Thiên Chúa, khi tuyển chọn dân Israel, kết hợp làm một với dân Ngài bởi tình yêu và ân sủng. Mối dây kết hợp đặc biệt này mang tính liên vị ở chiều sâu, và bởi thế, Israel, dẫu là một dân, được trình bày trong nhãn quan tiên tri của Giao ước này như là một «Tân nương» hay «người vợ», nghĩa là, theo nghĩa nào đó, như một ngôi vị:

«… Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, / tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; / Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, / tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. […] Thiên Chúa ngươi phán như vậy. […] Tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, / giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay».[226]

  1. Yahvêh là Đức Chúa của Israel, nhưng cũng là Tân lang của nàng.Các sách Cựu ước xác nhận Yahvêh là Đấng duy nhất hoàn toàn làm «chúa tể» (thống trị trên) dân Ngài. Ngoài các mặt khác của quyền chúa tể của Yahvêh, Đức Chúa của Giao ước và là Cha của Israel, còn có một nét mới lạ của dung mạo vị chúa tể này được các Tiên tri mạc khải, đó là chiều kích tương quan hôn phối. Như thế, sự thống trị tuyệt đối là do tình yêu tuyệt đối. Trong tương quan với đấng tuyệt đối đó, Giao ước mà bị phá vỡ không chỉ có nghĩa là một «khế ước» với đấng Lập Luật quyền uy tối thượng bị đổ vỡ, nhưng còn là một sự bất trung và phản bội, như đâm một nhát gươm vào trái tim của người Cha, người Chồng và là Đức Chúa.
  2. Trong phép loại suy các Tiên tri dùng, nếu như người ta có thể nói đến các tầng lớp, thì đây theo một nghĩa nào đó là tầng thứ nhất và nền tảng. Bởi vì Giao ước của Yahvêh với Israel có tính chất như dây liên kết hôn phối giống như khế ước vợ chồng,tầng thứ nhất của loại suy vén tỏ cho thấy tầng thứ hai,đó chính là «ngôn ngữ của thân xác». Chúng ta nghĩ đến ở đây trước hết là ngôn ngữ theo nghĩa khách quan. Các vị Tiên tri sánh Giao ước như với hôn ước, liên hệ tới bí tích đệ nhất mà St 2,24 nói đến, trong đó người nam và người nữ, bởi chọn lựa tự do, trở nên «một xương một thịt». Thế nhưng, cách thức diễn tả của các Tiên tri có đặc trưng là, khi giả định «ngôn ngữ của thân xác» theo nghĩa khách quan họ đồng thời chuyển tiếp qua nghĩa chủ quan của nó. Nghĩa là, có thể nói, họ cùng thuận ý cho rằng chính thân xác có thể lên tiếng. Trong các bản văn tiên tri về Giao ước, trên cơ sở của phép loại suy về sự kết hợp hôn nhân của đôi vợ chồng, chính thân xác «cất tiếng nói»; nói bằng nam tính và nữ tính của thân xác, nói bằng thứ ngôn ngữ mầu nhiệm của sự trao hiến bản thân, và sau cùng nó nói – điều này xảy ra rất thường xuyên – khi thì bằng ngôn ngữ của sự trung tín, nghĩa là của tình yêu, khi thì bằng ngôn ngữ của sự bất trung, nghĩa là «ngoại tình».
  3. Đáng chú ý là chính các thứ tội lỗi của dân được tuyển chọn (nhất là những tội bất trung thường xuyên không phụng thờ Đức Chúa Thiên Chúa duy nhất, tức là những hình thái khác nhau thờ ngẫu thần) đã trở thành dịp cho các Tiên tri tố cáo. Đặc biệt, Hôsê làvị Tiên tri tố cáo về sự «ngoại tình» của Israel,ông nói không những bằng lời mà, theo nghĩa nào đó, còn biểu lộ cách bí nhiệm bằng những hành động mang ý nghĩa biểu trưng: «Hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm, vì cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm».[227] Hôsê chiếu tỏa toàn bộ ánh rạng rỡ của Giao ước – của hôn ước mà trong đó Yahvê tự biểu lộ như một người phối ngẫu tinh tế, trìu mến, bao dung, nhưng đồng thời cũng rất đòi hỏi và nghiêm khắc. Israel «ngoại tình» và «làm điếm» là điều trái nghịch rõ ràng với dây liên kết hôn ước, mà Giao ước vốn xây dựng trên đó, giống như một cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông với một người đàn bà.
  4. Êdêkielcách bí nhiệm cũng diễn tả tội thờ ngẫu tượng bằng biểu trưng giống như vậy, và sử dụng biểu trưng về sự ngoại tình của thành Giêrusalem,[228] và ở một nơi khác, về sự ngoại tình của Giêrusalem và của Samaria:[229] «Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi yêu đương… Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – và ngươi thuộc về Ta».[230] «Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách qua đường».[231]
  5. Trong các bản văn tiên tri, thân xác con người nói một «ngôn ngữ» mà nó không là tác giả.Tác giả của ngôn ngữ ấy là con ngườivới tư cách như là người nam hay người nữ, với tư thế như là người chồng hay là vợ (con người với ơn gọi trường cửu hướng đến sự hiệp thông các ngôi vị). Thế nhưng, theo một nghĩa nào đó, con người không thể diễn tả mà không có thân xác ngôn ngữ đặc biệt ấy về cuộc sống riêng tư và ơn gọi của mình. Con người, ngay từ «thuở ban đầu», đã được thiết định cách thế sao cho những lời sâu thẳm nhất của tâm linh – lời của yêu thương, dâng hiến, trung thành – đòi hỏi có một «ngôn ngữ của thân xác» thích đáng. Thiếu ngôn ngữ của thân xác thích đáng những lời yêu thương sâu thẳm ấy không thể bộc lộ trọn vẹn được. Từ Tin Mừng chúng ta biết rằng điều ấy muốn nói đến hoặc đời sống hôn nhân hoặc đời sống độc thân khiết tịnh «vì Nước Trời».
  6. Như là những phát ngôn nhân được linh hứng cho Giao ước của Yahvê với Israel, các Tiên tri chính xác là tìm cách diễn tả, qua «ngôn ngữ của thân xác» này, khi thì chiều sâu hôn phối của Giao ước nói trên, khi tất cả những gì nghịch cùng Giao ước ấy. Các ngài ca tụng sự trung thành, ngược lại gọi bất trung như là một sự «ngoại tình» – bởi thế họ nói theo các phạm trù đạo đức, và đặt hai sự thiện và ác luân lí đối kháng nhau. Tính cách đối nghịch giữa thiện và ác là điều cốt yếu đối với đạo đức (ethos). Các bản văn tiên tri trong lãnh vực này một có ý nghĩa quan yếu, như chúng tôi đã nêu lên trong những suy tư trước đây. Thế nhưng, xem ra «ngôn ngữ của thân xác» theo các Tiên tri không là ngôn ngữ chỉ nói duy về đạo đức, một lời ca tụng sự trung thành và sự thanh khiết, mà còn gồm cả những kết án «ngoại tình» và «đàng điếm». Thật vậy, đối với mỗi ngôn ngữ, tức là thể thức diễn tả nhận thức, các phạm trù chân lí và phi-chân-lí (giả) là rất cốt yếu. Trong các bản văn Tiên tri vốn nhận thấy tính cách loại suy của Giao ước giữa Yahvêh với Israel như là hôn ước, thìthân xác nói sự thậtqua sự trung tín và tình yêu vợ chồng, còn khi phạm tội «ngoại tình», thì đó là một sự giả trá, thân xác phạm sai lầm.
  7. Vấn đề ở đây không phải là thay thế những dị biệt đạo đức học bằng những dị biệt luận lí. Nếu như các bản văn tiên tri cho thấy sự trung tín trong hôn nhân và sự khiết tịnh được xem như là «chân lí», và ngược lại, sự bất trung hay đàng điếm, như là phi-chân-lí, như là «giả trá» của ngôn ngữ của thân xác, đó là vì trong trường hợp thứ nhất, chủ thể ( = Israel như hiền thê ) sống phù hợp với ý nghĩa hợp hôn tương ứng với thân xác con người (do nam tính và nữ tính của thân xác này) trong cấu trúc toàn vẹn của nhân vị; trong trường hợp thứ hai, trái lại, cũng chủ thể ấy sống mâu thuẫn và chống nghịch với ý nghĩa ấy.

Vậy, chúng ta có thể nói rằng điều cốt yếu đối với hôn nhân bí tích là «ngôn ngữ của thân xác», phản chiếu chân lí. Chính nhờ đó mà thực có dấu chỉ bí tích.

CVI – DẤU CHỈ «SẤM NGÔN CỦA THÂN XÁC » TRONG LỜI TUYÊN BỐ ƯNG THUẬN VỢ CHỒNG

(Ngày 19 tháng 1 năm 1983)

  1. Các bản văn tiên tri có một tầm rất quan trọng để hiểu hôn nhân như là một Giao ước giữa các ngôi vị (theo hình ảnh của Giao ước của Yahvêh với Israel) và, cách riêng, để hiểu Giao ước bí tích của người nam và người nữ về phương diện dấu chỉ. Như chúng ta đã xem xét trước đây, «ngôn ngữ thân xác» bước vào trong cấu trúc toàn vẹn của dấu chỉ bí tích, mà chủ thể chính yếu là con người, người nam và người nữ. Những lời tuyên bố ưng thuận làm vợ/chồnglàm nên dấu chỉ này,bởi lẽ chúng diễn tả ý nghĩa hợp hôn của thân xác với nam tính và nữ tính của nó. Ý nghĩa ấy được diễn tả trên hết bởi những lời sau đây: «Anh… nhận em… làm vợ…/ Em … làm chồng». Hơn nữa, với những lời ấy «sự thật» cốt yếu của ngôn ngữ thân xác được xác nhận và cái «không phải sự thật» bản chất, tức là sự giả trá của ngôn ngữ thân xác, bị loại bỏ (ít là một cách gián tiếp, được ngầm xác nhận). Quả thật, thân xác diễn tả sự thật qua tình yêu, sự trung tín, sự chân thật vợ chồng, cũng như cái không là sự thật, tức là sự giả trá, được bộc lộ qua tất cả những gì chối bỏ tình yêu, bội phản, bất chính trong hôn phối. Bởi thế, người ta có thể nói rằng khi người ta tuyên bố lời ưng thuận làm vợ làm chồng, đôi tân hôn tự đứng vào hàng ngũ của các Tiên tri xưa tuyên bố chính «sấm ngôn của thân xác». «Ngôn ngữ của thân xác», vốn được diễn tả qua miệng các thừa tác viên của bí tích hôn phối của Hội Thánh, thiết lập cùng một dấu chỉ hữu hình của Giao ước và ân sủng, – có nguồn gốc lên tận mầu nhiệm tạo dựng – được nuôi dưỡng liên tục bằng sức mạnh của «ơn cứu chuộc thân xác», mà Đức Kitô đã ban cho Hội Thánh.
  2. Theo các văn bản tiên tri, thân xác con người nói bằng một thứ «ngôn ngữ» mà bản thân nó không phải là tác giả. Tác giả làcon người,với tư cách như là một người nam và một người nữ, như là một người chồng và một người vợ, đọc lại cách đúng đắn ý nghĩa của «ngôn ngữ» này. Người ấy đọc lại ý nghĩa hợp hôn đó của thân xác như được ghi khắc vào trong cấu trúc toàn vẹn của chủ vị người nam hay người nữ. Việc đọc lại chính xác «trong sự thật» là điều kiện cần yếu để công bố sự thật đó, hay đúng hơn, để thiết lập dấu chỉ hữu hình của bí tích hôn nhân. Các đôi vợ chồng công bố chính «ngôn ngữ thân xác» này, được đọc lại trong sự thật, cũng là nội dung và nguyên lí của đời sống mới của họ trong Đức Kitô và trong Hội Thánh. Trên cơ sở của «sấm ngôn của thân xác» các thừa tác viên của bí tích hôn phối hoàn tất một hành động mang tính tiên tri. Họ xác nhận theo cung cách ấy sự tham dự của họ vào sứ vụ tiên tri của Hội Thánh nhận từ Đức Kitô. «Tiên tri» là người diễn tả bằng lời lẽ nhân phàm chân lí xuất phát từ Thiên Chúa, là người thay mặt Thiên Chúa trao ban cho chân lí ấy, nhân danh Ngài, và theo nghĩa nào đó, với thẩm quyền của Ngài.
  3. Tất cả những điều này liên hệ đến các đôi tân hôn, là những người mà, với tư cách như là thừa tác viên của bí tích hôn phối, bằng lời ưng thuận thành vợ thành chồng họ thiết lập nên dấu chỉ hữu hình, đồng thời tuyên bố «ngôn ngữ thân xác» được đọc lại trong sự thật như nội dung và nguyên lí của đời sống mới của họ trong Đức Kitô và trong Hội Thánh.Lời tuyên bố«tiên tri» này có một đặc tính phức hợp. Lời ưng thuận nên vợ nên chồng đồng thời cũng là lời công bố và là nguyên nhân cho sự kiện là, từ nay, cả hai người trước mặt Hội Thánh và xã hội là vợ là chồng. (Một lời công bố như thế chúng ta hiểu như là «dấu chỉ đường» theo nghĩa thông thường của từ ngữ ấy). Tuy nhiên, sự ưng thuận hôn phối trên hết có tính chất của một lời tuyên hứa với nhau của đôi tân hôn, làm trước mặt Chúa. Chỉ cần dừng lại chú ý vào bản văn, là người ta thấy chắc chắn rằng lời tuyên bố tiên tri ấy của ngôn ngữ thân xác, được đọc lại trong sự thật, trực tiếp hướng từ «tôi» sang «em/anh»: từ người nam sang người nữ, và ngược lại từ người nữ sang người nam. Tại vị trí trung tâm của lời ưng thuận vợ chồng là những lời xác định chủ thể ngôi vị, các đại từ «tôi» và «em/anh». «Ngôn ngữ của thân xác», được đọc lại trong sự thật của ý nghĩa hợp hôn của nó, nhờ những lời của đôi tân hôn tạo nên sự kết hợp-hiệp thông các ngôi vị. Nếu sự ưng thuận kết hôn có đặc tính tiên tri, nếu đó là lời tuyên xưng chân lí đến từ Thiên Chúa, và theo một nghĩa nào đó lời loan báo chân lí này nhân danh Thiên Chúa, điều đó được thực hiện trên hết trong chiều kích của sự hiệp thông liên vị, và chỉ một cách gián tiếp thôi «trước mặt» những người khác và «vì» những người khác.
  4. Trên cơ sở của lời tuyên bố của các thừa tác viên bí tích Hôn phối, «ngôn ngữ thân xác» tồn tại mãi mãi, là điều mà Thiên Chúa đã «khởi sự» khi tạo dựng con người có nam có nữ. Ngôn ngữ ấy đã được Đức Kitô đổi mới. «Ngôn ngữ thân xác» vĩnh cửu này mang toàn thể sự phong phú và chiều sâu của mầu nhiệm: trước hết là mầu nhiệm tạo dựng rồi đến mầu nhiệm cứu chuộc. Khi đôi bạn thực hiện dấu chỉ hữu hình của bí tích qua những lời trao đổi sự ưng thuận hôn phối, họ diễn tả qua đó «ngôn ngữ thân xác», với tất cả chiều sâu của mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc (phụng vụ bí tích hôn phối cho ta một bối cảnh phong phú). Khi đọc lại «ngôn ngữ thân xác» theo cách thức đó, đôi bạn không chỉ gồm thâu trong những lời tuyên bố ưng thuận hôn phối đó sự viên mãn chủ quan của lời tuyên bố, vốn cần thiết cho sự thực thi dấu chỉ riêng của bí tích này, nhưngcòn, theo một nghĩa nào đó, đạt đến chính những nguồn mạchtừ đó dấu chỉ ấy thỉnh thoảng kín múc sấm ngôn tiên tri và sức mạnh bí tích của nó. Không được quên rằng «ngôn ngữ thân xác», trước khi được tuyên bố từ miệng đôi vợ chồng, vốn là các thừa tác viên của hôn nhân bí tích của Hội Thánh, đã được công bố bởi Lời Chúa hằng sống, khởi đầu từ sách Sáng thế, qua các sách Tiên tri của Cựu ước, cho đến tác giả của Thư gửi tín hữu Ȇphêsô.
  5. Chúng ta đã dùng diễn ngữ «ngôn ngữ thân xác» rất nhiều lần ở đây, đồng thời chúng ta cũng quay về với các bản văn sách tiên tri. Trong các bản văn này, như chúng ta đã nói, thân xác con người nói bằng một «ngôn ngữ» mà thân xác không phải là tác giả theo nghĩa đen của từ ấy. Tác giả là con người – người nam và người nữ – đọc lại ý nghĩa đích thật của «ngôn ngữ» ấy, đưa ra ánh sáng trở lại ý nghĩa hợp hôn của thân xác như được viết cách trọn vẹn trong chính cấu trúc của nam tính và nữ tính của con người chủ thể. Đọc lại «ngôn ngữ thân xác» theo cách thức như thế «trong sự thật» là tự thân đã làm cho những lời ưng thuận hôn phối mang tính tiên tri, qua đó người nam và người nữ mới thực hiện dấu chỉ hữu hình của hôn phối như là bí tích của Hội Thánh. Tuy nhiên, những lời này còn chất chứa điều gì đó còn hơn là một sự đọc lại đơn giản trong sự thật của ngôn ngữ ấy, mà nữ tính và nam tính của đôi tân hôn trong tương quan của họ đã nói lên: «Anh nhận em làm vợ – Em nhận anh làm chồng». Những lời nói lên sự ưng thuận hôn phối hàm chứa: một đề nghị, một quyết định và chọn lựa. Cả hai ngườiquyết địnhhành động phù hợp với ngôn ngữ của thân xác, được đọc lại trong sự thật. Nếu con người, nam cũng như nữ, là tác giả của ngôn ngữ ấy, thì họ là thế trước hết vì họ muốn mặc cho và thực sự đã mặc cho cách sống và hành động của mình một ý nghĩa phù hợp với sự thật hùng hồn của nam tính và nữ tính trong tương quan phu thê.
  6. Trong lãnh vực nàycon ngườilà tác nhân của những hành động tự chúng có ý nghĩa xác định. Bởi thế, con người là tác nhân của những hành động và đồng thời là tác giả của ý nghĩa của những hành động ấy. Tổng thể các ý nghĩa ấy, theo một nghĩa nào đó, là toàn thể «ngôn ngữ của thân xác», qua đó đôi tân hôn quyết định nói với nhau như là thừa tác viên của bí tích hôn phối. Dấu hiệu họ thực hiện qua những lời ưng thuận ấy không đơn thuần là một dấu hiệu trực tiếp và tạm thời, nhưng là một dấu hiệu mang viễn ảnh sản sinh một hiệu quả bền vững, đó là dây liên kết phu thê, đơn nhất và bất khả phân ly («mọi ngày suốt đời anh (em)», tức là cho đến chết). Trong viễn ảnh này đôi bạn phải hoàn tất dấu chỉ đó vốn mang nhiều nội dung do tình hiệp thông giữa các nhân vị trong hôn nhân và gia đình xác định, và cả những nội dung bắt nguồn từ «ngôn ngữ của thân xác», được liên tục đọc lại trong sự thật. Bằng cách đó «sự thật» cốt yếu của dấu chỉ vẫn còn được gắn kết hữu cơ với đạo đức (ethos) của đạo phu thê. Trong sự thật này của dấu chỉ và, tiếp đến trong đạo vợ chồng, ý nghĩa truyền sinh của thân xác, tức là việc làm cha và làm mẹ đã được đề cập đến trước đây, cũng có mặt trong viễn tượng. Trước câu hỏi: «Anh chị có sẵn sàng mang lấy trách nhiệm yêu thương và đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban cho anh chị và dạy dỗ chúng theo luật của Chúa Kitô và Hội Thánh không?», đôi bạn đáp: «thưa con sẵn sàng».

Và giờ đây chúng ta sẽ quay sang những chương khác đi sâu hơn vào chủ đề này.

CVII – SỬ DỤNG ĐÚNG ĐẮN «NGÔN NGỮ CỦA THÂN XÁC» LÀ BẰNG CHỨNG XỨNG HỢP CỦA TIÊN TRI THẬT

(Ngày 26 tháng 1 năm 1983)

  1. Dấu chỉ của hôn phối xét như là bí tích của Hội Thánh được lập thành lúc này lúc kia theo chiều kích riêng của nó «từ thuở ban đầu», và đồng thời được thiết lập trên nền tảng của tình yêu phu thê của Đức Kitô với Hội Thánh, như là một diễn tả duy nhất và độc đáo của Giao ước giữa người đàn ông «này» và người phụ nữ «kia», những thừa tác viên của hôn nhân bí tích của ơn gọi và đời sống của họ. Khi nói rằng dấu chỉ của bí tích hôn nhân của Hội Thánh được thiết lập trên nền tảng của«ngôn ngữ thân xác», là chúng ta đã sử dụng phép loại suy (analogia attributionis), mà chúng ta đã cố gắng giải thích trước đây rồi. Thân xác xét như chỉ là thân xác dĩ nhiên là không có «nói», nhưng là con người mới nói, qua việc đọc lại những gì đòi phải được diễn tả ra chính trên cơ sở «thân xác» của người nam hay của người nữ, là chủ thể nhân vị, đúng hơn, trên cơ sở những gì có thể được biểu lộ duy chỉ bởi con người qua thân xác.

Theo nghĩa đó, con người – là nam hay nữ – không chỉ nói bằng ngôn ngữ của thân xác, mà còn theo một nghĩa nào đó chấp nhận cho thân xác mình nói «thay cho mình» và «từ phía mình»: nghĩa là, nhân danh mình và với thẩm quyền cá nhân của mình. Như thế, khái niệm «sấm ngôn của thân xác» xem ra cũng có nền tảng: thật vậy, «tiên tri» («pro-phetes») là người nói «thay cho» và «từ phía» một Ai đó, nghĩa là nhân danh và với thẩm quyền của người ấy.

  1. Đôi tân hôn ý thức điều ấy khi họ thiết lập dấu chỉ hữu hình trong lúc kết ước hôn phối. Trong viễn ảnh của đời sống chung và của ơn gọi phu thê, dấu chỉ khởi đầu ấy, dấu chỉ nguyên thủy của hôn nhân như là bí tích của Hội Thánh, sẽ không ngừng được hoàn thành bởi «sấm ngôn của thân xác». Các thân xác của đôi vợ chồng sẽnói «thay cho» và «từ phía»mỗi người, sẽ nói nhân danh và với thẩm quyền của con người, của mỗi con người, bằng cách triển khai đối thoại giữa vợ chồng vốn thuộc về ơn gọi hôn nhân của họ và dựa trên cơ sở ngôn ngữ của thân xác, được đọc lại vào thời điểm thích hợp và liên tục – và nó cần được đọc lại trong sự thật ! Các đôi vợ chồng được mời gọi tác thành nên cuộc sống của họ, đời sống chung của họ, như là «sự hiệp thông các ngôi vị» trên cơ sở ngôn ngữ ấy. Vì lẽ ngôn ngữ ấy ứng với cả một hệ ý nghĩa, các đôi vợ chồng – qua lối sống và cách thế ứng xử của họ, qua các hành động và cử chỉ của họ («những cử chỉ dịu dàng»)[232] – được mời gọi trở thành là tác giả của những ý nghĩa của «ngôn ngữ thân xác» đó, được dần xây dựng và liên tục đào sâu bởi tình yêu, sự trung tín, sự chân thật giữa vợ chồng và sự kết hợp bất khả phân ly cho đến chết.
  2. Dấu chỉ của hôn nhân xét như bí tích của Hội Thánh hình thành nên bởi chính các ý nghĩa ấy do đôi vợ chồng thực hiện. Tất cả những ý nghĩa này được khai mở và theo nghĩa nào đó được «lập trình» cách tổng hợp trong lời nói ưng thuận hôn phối, hướng tới xây dựng về sau đó trong những chi tiết từng ngày chính dấu chỉ ấy, bằng cách đồng nhất với nó trong toàn thể cuộc sống.Có một mối liên kết hữu cơ giữa việc đọc lạitrong sự thật ý nghĩa toàn vẹn của «ngôn ngữ thân xác» và việc sử dụng ngôn ngữ ấy về sau trong đời sống vợ chồng. Trong cảnh vực cuối cùng này con người – nam cũng như nữ – là tác nhân thực thi những ý nghĩa của «ngôn ngữ thân xác». Điều đó hàm nghĩa muốn nói rằng ngôn ngữ này, mà tác giả là con người đó, phải tương ứng với sự thật đã được đọc lại. Trên cơ sở truyền thống thánh kinh, ở đây chúng ta nói tới «sấm ngôn của thân xác». Nếu con người – nam cũng như nữ – trong hôn nhân (và cách gián tiếp trong mọi hoàn cảnh người ta sống chung với nhau như vợ chồng) gắn kết cho hành xử của mình một ý nghĩa phù hợp với sự thật nền tảng của ngôn ngữ thân xác, thì chính con người ấy cũng «ở trong sự thật». Trường hợp ngược lại, con người ấy phạm tội dối gian và biến ngôn ngữ của thân xác ra giả trá.
  3. Nếu chúng ta tự đặt mình trong hướng của viễn cảnh của lời ưng thuận hôn phối – như chúng ta đã từng nói – vốn trao ban cho đôi bạn được tham dự đặc biệt vào sứ vụ tiên tri của Hội Thánh do chính Đức Kitô sai phái, thì chúng ta về việc này có thể cũng phục vụ cho sự phân biệt mà Thánh Kinh nói tới giữa các tiên tri «thật» và các tiên tri «giả». Qua bí tích hôn nhân, người nam và người nữ được mời gọi cách minh nhiên làm chứng – bằng cách sử dụng một cách đúng đắn «ngôn ngữ thân xác» – cho tình yêu hôn nhân và truyền sinh, mộtchứng tá xứng hợp của «tiên tri thật».Đây chính là ý nghĩa đúng đắn và sự cao cả của lời ưng thuận nơi bí tích của Hội Thánh.
  4. Vấn đề dấu chỉ bí tích hôn phối có một tính nhân học rất cao. Chúng ta xây dựng nó trên cơ sở của nhân học thần luận và cách riêng trên điều mà ngay từ đầu những khảo sát này chúng ta đã định nghĩa như là «thần học về thân xác». Bởi thế, khi tiếp tục những phân tích này, chúng ta luôn luôn phải tham chiếu tới những khảo sát trước đây, chúng liên hệ tới phân tích những lời chủ chốt của Đức Kitô (gọi là «những lời chủ chốt» vì chúng mở ra cho ta – như chiếc chìa khóa mở cánh cửa – những chiều kích riêng của nhân học thần luận, và cách đặc biệt của thần học về thân xác). Khi xây dựng trên nền tảng đó sự phân tích dấu chỉ bí tích của hôn phối, một thực tại mà cả sau khi nguyên tổ phạm tội người nam và người nữ là những «con người lịch sử» luôn tham dự, chúng ta phải nhớ thường xuyên rằng con người «lịch sử», nam cũng như nữ,cũng đồng thời là những «con người với lòng dạ đầy tham dục»;như thế đó mỗi người nam cũng như nữ bước vào lịch sử cứu độ và liên hệ đến nó bằng bí tích, dấu chỉ hữu hình của Giao ước và ân sủng.

Do đó, trong bối cảnh của những suy tư hiện giờ về cấu trúc bí tích của dấu chỉ hôn phối, chúng ta không chỉ quan tâm tới những gì Đức Kitô nói về sự đơn nhất và bất khả phân li của hôn nhân qua liên hệ tới «thuở ban đầu» nhưng còn (và quan tâm hơn nữa) những gì Người đã diễn tả trong bài diễn từ trên núi, khi Người nói đến «lòng dạ con người».

CVIII – DỤC VỌNG KHÔNG CẢN NGĂN TA ĐỌC LẠI TRONG SỰ THẬT «NGÔN NGỮ THÂN XÁC»

(Ngày 9 tháng 2 năm 1983)

  1. Chúng ta đã nói trước đây – nhưng lặp lại cũng có ích – rằng trong bối cảnh của những suy tư hiện giờ về cấu trúc của hôn phối như dấu chỉ của bí tích, chúng ta không chỉ quan tâm tới những gì Đức Kitô đã tuyên bố về sự đơn nhất và bất khả phân li của hôn nhân qua việc liên hệ tới «thuở ban đầu» nhưng còn (và còn quan tâm hơn nữa) những gì Người đã nói trong bài Diễn từ trên Núi, khi Người nhắc đến «lòng dạ con người». Khi nhắc lại giới răn: «Chớ ngoại tình», Đức Kitô nói đến sự «ngoại tình trong lòng»: «Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi».[233]

Như vậy, khi khẳng định dấu chỉ bí tích hôn nhân – dấu chỉ của giao ước phu thê của người nam và người nữ – hình thành dựa trên «ngôn ngữ của thân xác» khi được đọc lại trong sự thật (và được đọc lại liên tục), chúng ta nhận thấy rằng kẻ nào đọc lại «ngôn ngữ» này và rồi diễn tả nó ra, mà không theo những đòi hỏi riêng của khế ước và cũng là bí tích hôn nhân, đó là con người của dục vọng xét về tự nhiên cũng như mặt luân lí. Cả hai, đàn ông cũng như đàn bà, đều được hiểu như là «con người của dục vọng». Các tiên tri của Cựu ước chắc hẳn nghĩ tới con người này khi, dùng một phép loại suy, các ngài tố cáo tội «ngoại tình của Israel và Giuđa». Phân tích những lời tuyên bố của Đức Kitô trong Diễn từ trên Núi giúp chúng ta hiểu sâu hơn chính sự «ngoại tình» này. Và đồng thời cũng tin tưởng rằng « lòng dạ » con người không bị Chúa Kitô «kết án» vì dục vọng xác thịt (concupiscentia carnis) cho bằng là trước hết được Người «kêu gọi». Ở đây có một sự dị biệt xác định giữa khoa nhân học (hay thông diễn nhân học) và một vài đại biểu uy tín của khoa thông diễn hiện đại về con người (những người được gọi là các bậc thầy của hoài nghi).

  1. Trở về những phân tích hiện tại của chúng ta, chúng ta có thể nhận thấy rằng dẫu con người, dù mang dấu chỉ bí tích của hôn nhân, dù đã tuyên bố ưng thuận vợ chồng và sống điều đó, tự nhiên vẫn còn là «con người của dục vọng», nhưng con người đồng thời cũngcon người của «ơn gọi».Nó «được gọi» qua mầu nhiệm cứu chuộc của thân xác, một mầu nhiệm thần linh, mà đồng thời – trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô trong mỗi người – cũng là một thực tại nhân linh. Hơn nữa, mầu nhiệm ấy bao hàm một nền đạo lý xác định với cốt yếu là «nhân văn», mà trước đây chúng ta đã gọi là đạo đức của ơn cứu chuộc.
  2. Dưới ánh sáng của những lời Đức Kitô tuyên bố trong Diễn từ trên Núi, dưới ánh sáng của toàn bộ Phúc âm và Tân ước, bộ ba thứdục vọng(cách riêng dục vọng của xác thịt) không hủy hoại khả năng đọc lại trong sự thật «ngôn ngữ của thân xác» – và đọc lại liên tục mỗi ngày một chín chắn hơn và viên mãn hơn –, nhờ đó dấu chỉ bí tích được thiết lập trong phụng vụ, là yếu tố đầu tiên của nó, và cả ở trong toàn bộ đời sống đôi bạn về sau đó. Trong ánh sáng đó cũng cần nhận thấy rằng, nếu dục vọng tự thân làm phát sinh muôn vàn «sai lầm» trong khi đọc lại «ngôn ngữ của thân xác» và cùng với điều đó còn sinh ra «tội lỗi», sự dữ luân lý, nghịch với nhân đức khiết tịnh (trong hay ngoài hôn nhân), tuy nhiên trong lãnh vực của nền đạo đức của ơn cứu chuộc người ta luôn có thể vượt qua từ «sai lầm» đến «sự thật», như là một khả năng trở lại hay hoán cải, từ tội lỗi đến khiết tịnh, diễn tả một đời sống theo Thần Khí.[234]
  3. Bằng cách đó, trong nhãn quan phúc âm và kitô giáo của vấn đề, con người «lịch sử» (sau khi nguyên tổ phạm tội), trên cơ sở của «ngôn ngữ thân xác» được đọc lại trong sự thật, có khả năng – trong tư cách như một người nam và một người nữ – thiết lập dấu chỉ bí tích của tình yêu, của lòng trung tín và sự chân thật của vợ chồng, và đây như là dấu chỉ thường trực: «anh sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh». Điều đó có nghĩa là con người, trong thực tế, là tác giả của các ý nghĩa mà nhờ đó, sau khi đã đọc lại trong sự thật «ngôn ngữ thân xác», cũng có khả năng hình thành trong sự thật cái ngôn ngữ của sự hiệp thông giữa các ngôi vị trong hôn nhân và gia đình. Con người cũng có khả năng ấy xét như là «con người của dục vọng», đồng thời lại được «kêu gọi» từ thực tại của ơn Cứu Chuộc của Đức Kitô (simullapsus et redemptus).
  4. Nhờ chiều kích của dấu chỉ, tức là chiều kích của hôn nhân bí tích, mà khoa nhân học thần luận đặc thù được xác nhận, khoa thông diễn đặc thù về con người (ermeneutica dell’uomo), trong trường hợp này cũng có thể được gọi là«thông diễn về bí tích» (ermeneutica del sacramento),bởi vì nó chấp nhận hiểu con người trên cơ sở của dấu chỉ bí tích. Con người – nam cũng như nữ – như là thừa tác viên của bí tích, tác giả (hay đồng tác giả) của dấu chỉ bí tích, là chủ thể có ý thức và có khả năng tự xác định mình. Chỉ trên cơ sở này họ mới có thể là tác giả của «ngôn ngữ thân xác», cũng có thể là tác giả (đồng tác giả) của hôn nhân xét về mặt dấu chỉ: dấu chỉ của công trình tạo thành và của «ơn cứu chuộc thân xác» của Thiên Chúa. Sự kiện con người (nam và nữ) là con người của dục vọng không gây nguy hại cho việc họ có thể đọc lại ngôn ngữ thân xác trong sự thật. Họ là «con người của dục vọng», nhưng đồng thời lại có khả năng phân định sự thật với sự giả trá trong ngôn ngữ của thân xác và có thể là tác giả của các ý nghĩa thật (hay giả) của ngôn ngữ ấy.
  5. Họ là con người của dục vọng,nhưng khônghoàn toàn bị quy định bởi những «xung năng tình dục» («libido»). Bị quy định như thế có nghĩa là toàn bộ các hành xử của con người chỉ được hiểu, ngay cả chẳng hạn như đối với chọn lựa tiết dục vì lí do tôn giáo, qua các biến chuyển đặc thù của những «xung năng tình dục» này. Trong trường hợp đó – trong lãnh vực ngôn ngữ của thân xác – theo nghĩa nào đó, con người đã bị lên án từ trong bản chất làm những điều gian trá. Trường hợp đó có lẽ chỉ xảy ra đối với những người nào tỏ ra mình bị quy định cách riêng bởi những «xung năng tình dục» và không hề diễn tả sự thật của tình yêu vợ chồng và sự hiệp thông các ngôi vị, cho dù họ nghĩ mình diễn tả nó. Do đó, họ bị kết án ngờ vực chính mình và người khác, về sự thật của ngôn ngữ thân xác. Bởi nguyên nhân dục vọng xác thịt thì chỉ có thể «bị kết án», nhưng không thể «được gọi» thật sự.

Khoa «thông diễn về bí tích» cho ta kết luận rằng con người luôn chủ yếu là được «kêu gọi» chứ không chỉ bị «kết án», và điều đó như là cho một «con người của dục vọng».

CIX – QUAY LẠI CHỦ ĐỀ VỀ TÌNH YÊU CỦA CON NGƯỜI TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

(Ngày 23 tháng 5 năm 1984)

  1. Trong suốt Năm Thánh tôi đã tạm ngưng việc luận bàn chủ đề tình yêu con người trong kế hoạch của Thiên Chúa lại. Giờ đây tôi muốn kết thúc luận giải này bằng cách xem xét đặc biệt về giáo huấn của «Humanae Vitae», qua việc dẫn nhập một chút suy tư về sách «Diễm tình ca» và sách Tôbia. Quả thật, những gì tôi định trình bày trong những tuần lễ sắp tới xem ra như là đỉnh điểm của những gì tôi đã minh họa.

Chủ đề tình yêu phu thê, kết hợp người nam và người nữ, theo nghĩa nào đó, kết nối phần này của Thánh Kinh với toàn bộ truyền thống «loại suy cao cả», mà qua các công trình văn chương của các tiên tri được hợp lưu lại trong Tân ước và đặc biệt trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô[235], việc chú giải Thư ấy tôi đã tạm ngưng lại từ đầu Năm Thánh.

Chủ đề này là đối tượng của nhiều nghiên cứu trong khoa chú giải, của những phê bình và giả thuyết. Ứng với nội dung của nó vốn có vẻ «phàm tục» có nhiều quan điểm giải thích khác nhau. Một đàng, thường cũng đã có những ý kiến khuyên ngăn đọc tác phẩm ấy, đàng khác nó đã từng là nguồn kín múc cho nhiều văn sĩ thần bí lớn và các đoạn của Diễm tình ca đã được đưa vào trong Phụng vụ của Giáo hội.[236]

Thật thế, mặc dù việc phân tích bản văn sách này buộc ta phải đặt nội dung của nó ở bên ngoài phạm trù của dòng loại suy lớn của truyền thống tiên tri, thế nhưng không thể tách nó ra khỏi thực tại của bí tích nguyên thủy. Không thể đọc lại nó bên ngoài hướng đi của những chương đầu sách Sáng thế, như chứng từ của «thuở ban đầu» – cái thuở ban đầu mà Đức Giêsu đã nhắc đến trong cuộc đàm đạo quyết định với những người Pharisêu.[237] «Diễm tình Ca» chắc chắn thuộc về lằn vết tích của bí tích nguyên thủy ấy, trong đó, nhờ «ngôn ngữ của thân xác» mà thiết lập nên dấu chỉ hữu hình của sự tham dự của người nam và người nữ vào giao ước ân sủng và tình yêu, do Thiên Chúa trao ban cho con người. «Diễm tình Ca» cho thấy sự phong phú của «ngôn ngữ» ấy, có biểu lộ đầu tiên ta đã thấy trong Sáng thế 2,23-25.

  1. «Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng! Ân ái của anh còn ngọt ngào hơn rượu… Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng mau bước!… ngài sẽ là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em. Ân ái của ngài chúng em quí hơn rượu. Thương yêu ngài phải lẽ biết bao nhiêu!».[238]

Ngay những câu đầu tiên của «Diễm tình Ca» đã dẫn chúng ta trực tiếp vào khung cảnh của toàn bộ «bài thi ca», trong đó chàng rể và cô dâu xem ra di chuyển trong vòng vây của tình yêu ngời sáng của họ. Những lời lẽ, hành động, cử chỉ của đôi tình nhân tương ứng với những chuyển biến cảm xúc nội tâm. Chỉ qua lăng kính của cảm xúc đó thì ta mới có thể hiểu «ngôn ngữ thân xác», trong đó thể hiện sự khám phá của người đàn ông đầu tiên khi đứng trước người phụ nữ được tạo dựng như là «một trợ tá tương xứng»[239] với chàng, và được rút ra từ một chiếc xương sườn của chàng («xương sườn» xem ra cũng ám chỉ con tim) như bản kinh thánh nói.

Sự khám phá này – mà chúng ta đã phân tích dựa trên đoạn St 2 – trong «Diễm tình Ca» lại mặc lấy toàn bộ nét phong phú của ngôn ngữ tình yêu của con người. Điều trong chương 2 sách Sáng thế[240] diễn tả, ngắn gọn và đơn giản nhưng cốt yếu, được triển khai ở đây như trong một cuộc đối thoại sâu rộng hay đúng hơn một cuộc nói chuyện tay đôi, trong đó lời của Hôn phu đan dệt với lời của Hôn thê và bổ túc cho nhau. Những lời đầu tiên của người đàn ông trong Sáng thế, chương 2,23, khi nhìn thấy người phụ nữ Chúa dựng nên biểu lộ sự kinh ngạc và tán thưởng, đúng hơn đó là sự ngây ngất. Và một cảm giác ngây ngất tương tự – vừa kinh ngạc vừa tán thưởng – biểu lộ ra trong một hình thức rộng hơn qua các câu chữ của «Diễm tình Ca». Tâm trạng ấy chảy vào làn sóng yên ả và đồng chất từ đầu cho đến cuối của bài thi ca.

  1. Chỉ một phân tích tổng lược bản văn «Diễm tình Ca» sẽ cho ta cảm nhận «ngôn ngữ của thân xác» được diễn tả trong sự say mê lẫn nhau đó. Đam mê ngất ngây khởi đầu cũng mãnh liệt như lúc kết thúc – nỗi kinh ngạc và tán thưởng lẫn nhau – quả thật chính là nữ tính của người vợ và nam tính của người chồng trong kinh nghiệm trực tiếp về xác thân của họ. Những lời tuyên bố yêu thương của cả hai người đều qui về «thân xác», không chỉ vì thân xác tự nó là nguồn của nỗi say mê đối với nhau, mà còn là và nhất là vì chính nơi thân xác cách trực tiếp và tức thời người ta bị hấp dẫn bởi người kia, bởi cái «tôi» bản vị kia – là một người nam hay là người nữ – trong nội tâm xung năng tạo nên tình yêu.

Hơn nữa tình yêu phát sinh một kinh nghiệm đặc biệt về vẻ đẹp, tập trung vào những gì thấy được, nhưng đồng thời cũng liên hệ đến toàn thể con người. Kinh nghiệm về cái đẹp tạo nên một sự vui thỏa lẫn nhau.

«Này hỡi trang tuyệt thế giai nhân …»[241], chàng rể nói, và nàng cũng nói những lời âm vang cảm xúc tương tự: «da tôi đen, nhưng nhan sắc mặn mà, này hỡi các thiếu nữ Giêrusalem»[242]. Những lời ngây ngất của chàng trai cứ lặp lại liên tục, trong tất cả năm bài thi ca:

«Giữa đôi khuyên, má nàng xinh đẹp quá,
cổ nàng đeo chuỗi ngọc»;[243]

«Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá !
Đôi mắt nàng là một cặp bồ câu».[244]

Và lập tức, ta nghe nàng đáp lại:

«Người tôi yêu thuộc trọn về tôi
và tôi trọn vẹn thuộc về chàng».[245]

Trong bài ca thứ hai ta thấy trở lại cũng những lời như thế nhưng phong phú thêm bởi những nét mới:

«Dậy đi em, bạn tình của anh,
người đẹp của anh, hãy ra đây nào !
Bồ câu của anh ơi…
Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng,
vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng» (Dc 2,13-14).

Cũng hình ảnh ấy – hình ảnh về kinh nghiệm và hình ảnh về con người đang trải nghiệm – lại xuất hiện nhưng to rộng hơn trong bài ca thứ tư:

«Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá !
Sau tấm mạng the, đôi mắt nàng, cặp bồ câu xinh đẹp.
Tóc nàng gợn sóng như đàn sơn dương
tự trên ngàn Galaat tủa xuống.
Răng nàng trắng tựa đàn vật sắp xén lông,
đàn vật vừa lên từ suối tắm,
hai hàng sao đều đặn, không chiếc nào lẻ đôi !
Môi thắm chỉ hồng, miệng duyên dáng,
má đỏ hây hây màu thạch lựu
thấp thoáng sau tấm mạng the.
Cổ nàng đẹp như tháp ngà Đavít
xây lên để trưng bày chiến lợi phẩm.

[…]

Bộ ngực khác nào cặp nai tơ,
cặp nai sinh đôi của nai mẹ,
gặm cỏ non giữa vườn huệ thắm.

[…]

Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp,
nơi nàng chẳng một chút vết nhơ».[246]

  1. Phép ẩn dụ ngày nay vẫn có thể làm ta ngỡ ngàng. Nhiều ẩn dụ đã được lấy ra từ đời sống của các mục tử (những người chăn đàn vật); và những ẩn dụ khác dường như ám chỉ đến phận vua chúa của chàng rể[247].Việc phân tích ngôn ngữ thi ca ấy ta nên để cho các nhà chuyên môn. Chính việc dùng ẩn dụ cho thấy làm sao, trong trường hợp của chúng ta ở đây, «ngôn ngữ thân xác» tìm nền móng trụ đỡ và xác nhận trong toàn thể thế giới hữu hình. Chắc chắn đây là một «ngôn ngữ» được đọc lại đồng thời với con tim và con mắt của chàng rể, trong hành động tập chú đặc biệt trên toàn thể cái «tôi» nữ giới của cô dâu. Cái «tôi» này nói với chàng qua mọi nét nữ tính, khuấy động tâm hồn chàng, có thể nói là, quyến rũ và làm chàng mê mẩn. Người nữ này bộc lộ mình ra gần như không bằng ngôn từ lời nói; tuy nhiên «ngôn ngữ thân xác» được diễn tả không lời có một âm vang phong phú trong những lời lẽ của chàng rể, đầy tính thi ca và ẩn dụ, chứng tỏ chàng sống kinh nghiệm về vẻ đẹp, một tình yêu vui thỏa. Nếu những ẩn dụ của «Diễm tình ca» tìm một loại suy cho cái đẹp này trong các sự vật khác nhau của thế giới hữu hình (trong thế giới này, «thế giới của riêng» chàng rể), thì đồng thời xem ra cũng cho thấy mỗi sự vật ấy cách riêng là không đủ. «Bạn tình ơi toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ»[248]: chàng rể kết thúc bài ca bằng những lời lẽ ấy, bỏ mọi ẩn dụ để quay về người đẹp độc nhất của chàng, bởi đó «ngôn ngữ thân xác» xem ra diễn tả cái thuộc tính riêng của người nữ và toàn thể ngôi vị.

«… Hãy quay về, hỡi người yêu của em,
hãy làm linh dương, làm nai nhỏ trên dãy núi Bethe»[249].

Lần khác, nàng tâm sự vơi các bạn nữ đồng liêu:

«… Tướng mạo chàng tựa núi Libăng,
kiêu hùng như ngàn cây hương bá.
Miệng chàng êm ái ngọt ngào;
cả con người như dạt dào hương yêu.
Người tôi yêu là như thế, tình quân tôi là như vậy,
hỡi thiếu nữ Giêrusalem !»[250]

Chúng ta sẽ tiếp tục phân tích «Diễm tình Ca» trong các buổi yết kiến chung sắp tới.

CX – TIẾP TỤC GIÁO LÍ VỀ DẤU CHỈ BÍ TÍCH CỦA HÔN NHÂN

(Ngày 30 tháng 5 năm 1984)

[…]

  1. Chúng ta trở lại việc phân tích «Diễm tình Ca», nhằm để hiểu cho đúng và thấu triệt dấu chỉ bí tích của hôn nhân, mà ngôn ngữ thân xác biểu lộ, vốn là một thứ ngôn ngữ độc đáo của tình yêu phát sinh từ con tim.

Chàng rể, ở mức nào đó, trong khi diễn tả một kinh nghiệm riêng về các giá trị, tỏa sáng ra nơi tất cả những gì liên quan đến con người (nhân vị) chàng, nói rằng:

«Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới,
trái tim anh, em đã chiếm mất rồi !
Mắt em, chỉ một liếc nhìn thôi,
cổ em, chỉ một vòng kiềng trang điểm,
đã đủ chiếm trọn vẹn trái tim anh.
Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới,
ân ái của em dịu ngọt dường nào, …».[251]

Từ những lời lẽ ấy ta thấy nổi lên một điều, đó là đối với thần học về thân xác – ở đây là đối với thần học về dấu chỉ bí tích hôn nhân – điều quan trọng cốt yếu là sự nhận biết «em» tức người nữ kia là ai đối «tôi» là một người nam và ngược lại.

Chàng rể của sách «Diễm tình Ca» reo lên: «Bạn tình ơi toàn thân nàng xinh đẹp»[252] và gọi nàng «này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới»[253]. Chàng không gọi nàng bằng tên riêng, mà dùng một diễn ngữ nói lên nhiều điều hơn.

Dưới một khía cạnh nào đó, so với hô ngữ (appellativo) «bạn tình ơi», diễn ngữ «này em gái» được áp dụng cho cô dâu, xem ra có tác dụng hơn và bám sâu trong toàn bộ bản Tình Ca, biểu lộ tình yêu mạc khải tha nhân kia như thế nào.

  1. Từ ngữ «bạn» chỉ ra điều luôn cốt yếu đối với một tình yêu, vốn để cái «tôi» thứ hai bên cạnh cái «tôi» bản thân. Tình bạn – nghĩa bằng hữu (amor amicitiae) – trong «Diễm tình Ca» mang một ý nghĩa cảm giác gần gũi đặc biệt được kinh nghiệm như một sức mạnh hiệp nhất bên trong. Điều đặc biệt là trong sự gần gũi thân tình này người nữ kia tỏ mình ra cho đức lang quân như một người «em gái» – và bản thân em gái lại là hiền thê – gây ấn tượng. Diễn ngữ «em gái» diễn tả một sự hợp nhất trong nhân tính đồng thời diễn tả sự dị biệt và độc đáo của nữ tính của nàng không chỉ về khía cạnh phái tính (sex) nhưng còn về cách thức «làm người» (being person), nghĩa là cả về mặt «chủ thể» lẫn về mặt «tương quan». Từ ngữ «em gái» xem ra muốn diễn tả, một cách rất đơn giản, chủ thể tính của người con gái ấy trong tương quan liên vị với chàng trai kia, tức là nàng cởi mở ra với tha nhân, một tha nhân được nàng hiểu và nhận như anh em. Người «em gái» theo một nghĩa nào đó giúp người đàn ông kia tự xác định bản thân và ý thức về mình, bằng cách tạo cho chàng một thứ thách thức theo hướng đó.
  2. Chàng rể của Diễm tình Ca đón nhận thách thức ấy và tìm quá khứ chung, như thể chàng với người phụ nữ của chàng xuất thân từ cùng một gia phả, như thể từ thuở ấu thơ hai người đã nối kết với nhau bởi những kỉ niệm chung ấm áp gia đình. Họ cảm thấy gần gũi nhau như anh em một nhà đến nỗi cuộc đời họ như phát sinh từ cùng một mẹ. Từ đó họ cảm thấy đặc biệt thuộc về chung một nguồn cội. Cảm giác mình là anh em khiến họ an tâm sống gần gũi nhau và biểu lộ tình thân ấy ra, thấy đó là điểm tựa mà không sợ người khác dị nghị dèm pha.

Những lời lẽ của chàng rể gọi nàng là «em gái», có thể nói, hướng đến tái tạo lại lịch sử trở thành thiếu nữ của người yêu, xem nàng vẫn như thuở bé con và ôm ấp toàn thể cả xác hồn cái «tự ngã» thơ ngây ấy của chàng bằng một tình cảm dịu dàng vô tư. Cảm giác bình yên từ đó mà phát sinh như người con gái nói. Đây là «sự bình yên của thể xác», có vẻ tựa như một giấc mơ («xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu, cho đến khi tình yêu ưng thuận»)[254]. Đây đặc biệt là sự bình yên của cuộc hội ngộ trong nhân tính theo hình ảnh của Thiên Chúa – và cuộc hội ngộ ấy nhờ sự trao hiến cho nhau trong thơ ngây («trước mắt chàng, em đã như người gặp được bình yên»)[255].

  1. Liên hệ với màn trước đó, có lẽ chăng nên được gọi là màn kịch «huynh đệ», có một màn khác của đôi song ca uyên ương trong Diễm tình Ca: một tầng nền khác của nội dung. Chúng ta có thể xem xét nó bắt đầu từ một số diễn ngữ xem ra có ý nghĩa chủ chốt trong thi ca. Màn này không bao giờ lộ hiện rõ ràng, nhưng qua toàn thể tác phẩm và chỉ bộc lộ qua một vài đoạn. Đây là một đoạn đấng hôn phu nói:

«Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, /
em là khu vườn cấm, /
là dòng suối canh phòng nghiêm mật, /
là giếng nước niêm phong»[256].

Các ẩn ngữ mới đọc ở đây như «khu vườn cấm, giếng nước niêm phong» tỏ lộ sự hiện diện của một cái nhìn khác về cùng vị hôn thê cái «tự ngã» nữ tính ấy, chủ nhân của mầu nhiệm của mình. Có thể nói rằng cả hai ẩn ngữ đều diễn tả phẩm giá ngôi vị của người phụ nữ, xét như là chủ thể thiêng liêng sở hữu và có thể quyết định không chỉ chiều sâu siêu hình, mà còn cả sự thật cốt yếu và tính chân thực của sự tự hiến, hướng tới sự kết hợp ân ái mà sách Sáng thế nói đến.

Ngôn ngữ ẩn dụ – ngôn ngữ của thi ca – trong lãnh vực này xem ra rất phù hợp và xác đáng. Người «em gái-hôn thê» đối với người đàn ông là chủ mầu nhiệm của mình được xem như là «khu vườn cấm» và «giếng nước niêm phong». «Ngôn ngữ thân xác» được đọc lại trong sự thật bước đi đồng nhịp với sự khám phá ngã vị bên trong bất khả xâm phạm. Đồng thời chính sự khám phá này diễn tả chiều sâu đích thật của sự cả hai thuộc về nhau, ý thức mình thuộc về nhau, mình được tiền định dành cho nhau: «Người yêu tôi thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng»[257].

  1. Ý thức thuộc trọn về nhau này được cất tiếng lên đặc biệt từ miệng của hôn thê. Theo nghĩa nào đó là nàng trả lời như thế đáp lại lời của phu quân nhìn nhận nàng là bà chủ mầu nhiệm của mình. Khi hôn thê nói: «Người yêu tôi thuộc trọn về tôi», là đồng thời có nghĩa là: chàng là người mà em trao thân, và do đó nói rằng: «tôi thuộc trọn về chàng». Tính từ sở hữu «của tôi» ở đây khẳng định toàn bộchiều sâu của sự trao thân,tương ứng với sự thật bên trong của nhân vị.

Hơn nữa nó tương ứng với ý nghĩa hợp hôn của nữ tính trong quan hệ với cái «tự ngã» nam tính, tức là tương ứng với «ngôn ngữ thân xác» vốn được đọc lại trong sự thật của phẩm giá nhân vị.

Sự thật này đã được loan báo bởi hôn phu với ẩn ngữ «khu vườn cấm» và «giếng nước niêm phong». Hôn thê đáp lời chàng bằng những lời lẽ của dâng hiến, tức là của sự trao thân. Như bà chủ của chính chọn lựa của mình, nàng nói: «tôi hiện hữu vì người yêu của tôi». Diễm tình Ca tỏ lộ cách tinh tế sự thật bên trong của lời đáp trả này. Tự do của trao hiến là đáp trả của ý thức sâu thẳm của sự dâng hiến được diễn tả ra bằng lời của hôn phu. Nhờ sự thật ấy và tự do ấy mà tình yêu thiết lập, cần được xác định là một tình yêu chân thật.

CXI – KẾT THÚC GIÁO LÍ VỀ TÌNH YÊU THEO «DIỄM TÌNH CA»

(Ngày 6 tháng 6 năm 1984)

[…]

  1. Hôm nay chúng ta cũng suy niệm về Diễm tình Ca để hiểu rõ hơn nữa dấu chỉ bí tích của hôn phối.

Sự thật về tình yêu, được công bố bởi Diễm tình Ca, không thể bị tách rời khỏi «ngôn ngữ thân xác». Sự thật về tình yêu đòi hỏi ta phải đọc lại «ngôn ngữ thân xác» trong sự thật. Đây cũng là sự thật về tiến trình ngày một gần gũi nhau hơn của đôi hôn phối nhờ tình yêu lớn dần lên: sự gần gũi có nghĩa là khởi đầu bước vào mầu nhiệm ngôi vị, nhưng không bao hàm sự xâm phạm[258].

Sự thật đôi bạn ngày càng gần gũi nhau hơn bởi tình yêu, được phát triển trong chiều kích chủ quan của «con tim», của tình cảm và cảm xúc, điều đó giúp ta khám phá nơi bản thân tha nhân như là một tặng phẩm và, theo một nghĩa nào đó, cho phép ta «hưởng nếm» chính tự thân con người đó[259].

Qua sự gần gũi này hôn phu sống tràn trề hơn kinh nghiệm về sự trao hiến từ phía «tự ngã» nữ tính kia kết hợp với sự biểu lộ và ý nghĩa hợp hôn của thân xác. Những lời lẽ của chàng[260] không chỉ là mô tả thi ca về người yêu, về sắc đẹp nữ tính của nàng, chỉ dừng lại ở cảm nhận giác quan, nhưng diễn tả sự trao hiến chính tặng phẩm ngôi vị.

Hôn thê biết chàng «ham muốn» nàng và đến gặp gỡ cùng sẵn sàng dâng hiến[261] vì tình yêu nối kết hai người có tính vừa thiêng liêng vừa nhục thể. Và chính trên cơ sở tình yêu này mà ta phải đọc lại ý nghĩa của thân xác trong sự thật, bởi lẽ người nam và người nữ phải cùng thiết lập chung dấu chỉ tự hiến cho nhau, được đóng ấn trên toàn thể cuộc sống của hai người.

  1. Trong Diễm tình Ca «ngôn ngữ thân xác» được lồng vào trong tiến trình độc đáo hai người nam và nữ hấp dẫn nhau, vốn được diễn tả trong các điệp khúc nói đến sự kiếm tìm toàn thể hoài niệm, sự ân cần lo lắng[262], đôi bạn lại tìm thấy nhau.[263]Điều đó mang lại cho họ niềm vui sướng và an tâm và xem ra khiến họ không ngừng tìm kiếm nhau. Người ta có cảm tưởng rằng, khi gặp nhau khi đã có nhau, khi đã trải nghiệm cùng nhau sự gần gũi riêng tư,đôi bạn không ngừng hướng mãi tới một điều gì đó: buông mình theo tiếng gọi của cái gì đó ở bên trên nội dung của khoảnh khắc hiện tại và vượt trên những hạn hẹp của dục tình (eros), vốn cần được đọc lại trong những lời của «ngôn ngữ thân xác» dành cho nhau[264]. Cuộc tìm nhau này thuộc chiều kích nội tâm: «trái tim tỉnh thức» cả trong khi mơ ngủ. Khát khao này phát sinh từ tình yêu trên cơ sở của «ngôn ngữ thân xác» là một cuộc tìm kiếm vẻ đẹp toàn diện, nét tinh khôi không vương nhiễm tì ố. Đó là cuộc tìm kiếm sự hoàn hảo hàm chứa, có thể nói là, vẻ đẹp nhân văn tổng hợp, nét đẹp của thân xác và linh hồn.

Trong Diễm tình Ca ái tình (eros) của con người biểu lộ dung mạo của một tình yêu luôn luôn kiếm tìm và gần như không bao giờ thỏa mãn. Nỗi băn khoăn lo lắng này phản chiếu rải khắp các câu thơ:

«Tôi mở cửa cho người tôi yêu, /
nhưng chàng đã quay đi khuất dạng. /
Chàng đi rồi, hồn tôi như đã mất, /
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp, /
tôi mãi gọi chàng, không một tiếng đáp».[265]

hoặc:

«Này thiếu nữ Giêrusalem, tôi van nài các bạn, /
gặp người tôi yêu dấu, các bạn sẽ cho biết tin gì? /
Xin cho nhắn rằng: tôi đang ốm tương tư.»[266]

  1. Thế nên một số đoạn của Diễm tình Ca trình bày ái tình như một hình thức của tình yêu của con người, trong đó các năng lượng của lòng ham muốn hoạt động. Và chính nơi các xung lực này bắt nguồn cho ý thức hay niềm xác tín mình chỉ thuộc về nhau và chung thủy với nhau. Nhưng đồng thời cũng có nhiều đoạn khác của bài thi ca khiến ta phải suy tư về nguyên nhân của cuộc kiếm tìm và băn khoăn lo lắng đi kèm theo ý thức thuộc về nhau đó. Phải chăng cả niềm băn khoăn lo lắng này cũng là thành phần thuộc bản chất của ái tình? Nếu quả là thế, nỗi lo lắng ấy cho thấycần thiết phải vượt lên chính mình.Sự thật của tình yêu được bộc lộ trong ý thức thuộc về nhau, hoa quả của nỗi khát khao và cuộc tìm kiếm nhau và ý thức về sự tất yếu của khát khao và kiếm tìm, kết quả của sự thuộc về nhau.

Trong tâm trạng tất yếu và năng động ấy của tình yêu, gián tiếp bộc lộ ra điều này là, hầu như người này không thể đồng hóa và chiếm hữu người kia. Ngôi vị là một ai đó vượt trên mọi phương kế đồng hóa và làm chủ, chiếm hữu và thỏa mãn, vốn xuất hiện từ chính «ngôn ngữ của thân xác». Nếu đôi tân hôn đọc lại «ngôn ngữ» này trong sự thật đầy đủ của ngôi vị và tình yêu, họ sẽ mỗi ngày một xác tín sâu xa hơn rằng tầm cỡ rộng lớn của sự hai người thuộc về nhau là quà tặng họ dành cho nhau trong đó tình yêu tỏ hiện «mãnh liệt như tử thần», nghĩa là nó vươn lên đến những giới hạn sau cùng của «ngôn ngữ của thân xác» để rồi vượt qua chúng. Sự thật của tình yêu trong lòng họ, sự thật của tặng phẩm trao hiến cho nhau mời gọi, theo một nghĩa nào đó, liên tục hai người hôn phu và hôn thê – qua những phương thế diễn tả sự thuộc về nhau và thậm chí không cần đến những phương thế đó nữa – vươn tới cái tâm điểm của tặng phẩm ngôi vị dành cho ngôi vị.

  1. Theo những con đường do lời các đoạn thơ Diễm tình Ca vạch ra xem ra chúng ta tiếp cận chiều kích mà trong đó ái tình (eros) tìm cách hoàn thiện mình, nhờ một sự thật khác nữa của tình yêu. Nhiều thế kỉ sau – dưới ánh sáng của cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô – Phaolô thành Tarsô loan báo sự thật này, bằng những lời của Thư gửi Tín hữu Côrintô sau đây: « Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được»[267].

Sự thật về tình yêu, diễn tả trong các đoạn của Diễm tình Ca phải chăng được xác nhận dưới ánh sáng của lời trong Thư thánh Phaolô? Trong Diễm tình Ca chúng ta đọc, chẳng hạn như về tình yêu, thấy rằng «lòng ghen tương» của nó «dữ dội như âm phủ»,[268] còn trong Thư của thánh Phaolô thì «đức mến không ghen tương». Cả hai bên đều diễn tả về tình yêu vậy chúng có quan hệ với nhau thế nào? Chúng quan hệ với nhau ra sao, khi một đàng Diễm tình Ca diễn tả tình yêu «mãnh liệt như tử thần», đàng khác Thư thánh Phaolô nói đức mến «không bao giờ mất được» ? ở đây chúng ta không đặt thêm nhiều thắc mắc như vậy, chúng ta không đi vào phân tích đối chiếu. Nhưng xem ra như tình yêu mở ra trước mắt chúng ta hai viễn tượng. Một là, như thể điều đó, trong khi ái tình của con người (eros) khép chân trời của nó lại, lại còn mở ra, qua lời thánh Phaolô, một chân trời tình yêu khác nói bằng một thứ ngôn ngữ khác. Hai là, tình yêu như xuất hiện từ một chiều kích khác của ngôi vị và mời gọi hướng đến một tình hiệp thông khác. Tình yêu này xưa nay được gọi bằng một cái tên là «đức mến» (agape) và đức mến agape hoàn tất đồng thời thanh luyện ái tình eros.

Vậy là chúng ta đã kết thúc những suy tư ngắn ngủi về Diễm tình Ca, hướng sắp tới đào sâu chủ đề «ngôn ngữ của thân xác». Trong lãnh vực này, Diễm tình Ca đã có một ý nghĩa hoàn toàn độc đáo.

CXII – TÌNH YÊU THÌ ĐÁNG TIN CẬY TRONG CUỘC CHIẾN THẮNG CỦA SỰ THIỆN

(Ngày 27 tháng 6 năm 1984)

  1. Trong khi chú giải trong các tuần lễ trước về sách Diễm tình Ca, tôi đã nhấn mạnh dấu chỉ bí tích của hôn nhân được thiết lập trên cơ sở của «ngôn ngữ thân xác», mà người nam và người nữ diễn tả trong sự thật của chính mình. Dưới khía cạnh đó tôi có ý giờ đây phân tích vài đoạn của Sách Tôbia.

Trong trình thuật kể lại cuộc kết hôn của Tôbia cùng Sara, ta thấy có, ngoài diễn ngữ «em gái» – nhờ đó dường như có một tính chất huynh đệ nào đó bén rễ từ trong tình yêu hôn phối – còn có một diễn ngữ khác tương tự như những diễn ngữ trong Diễm tình Ca nói trên.

Như anh chị em nhớ, trong lời đối đáp của đôi tân hôn tình yêu, mà họ tuyên bố dành cho nhau, thì «mãnh liệt như tử thần».[269] Trong sách Tôbia chúng ta thấy câu nói chàng yêu Sara tha thiết đến mức «lòng cậu gắn bó với cô»[270], câu nói ấy trình bày một hoàn cảnh xác nhận sự thật của những lời lẽ nói về tình yêu «mãnh liệt như tử thần».

  1. Để hiểu rõ hơn ta cần phải tham khảo vài đoạn đặc biệt giải thích dựa trên nền hậu cảnh đặc thù của Sách Tôbia. Chúng ta đọc thấy rằng Sara, con gái của ông Raguel, trước đó «đã được gả cho bảy người rồi»[271],nhưng tất cả đều đã chết ngay trước khi động phòng với nàng. Việc đó xảy ra là do quỷ sứ và, vì thế ngay chàng trai trẻ Tôbia cũng sợ rằng mình có thể chết giống như thế là điều dễ hiểu.

Tình yêu của Tôbia, như thế, ngay từ đầu đã phải đối diện với thử thách giữa sống và chết. Những lời lẽ của đôi tân hôn trong Diễm tình Ca mang trong con tim họ vốn loan báo về tình yêu «mãnh liệt như tử thần», ở đây mang tính chất của một sự thử thách thực sự. Nếu tình yêu tỏ ra mãnh liệt như tử thần, điều ấy xảy ra trước hết theo nghĩa Tôbia cùng với Sara không ngần ngại hướng đến thử thách này. Thế nhưng, trong cuộc thử thách này giữa cái sống và cái chết, sự sống chiến thắng, bởi lẽ, trong suốt cuộc thử thách của đêm tân hôn, tình yêu nhờ cầu nguyện tỏ ra mãnh liệt hơn sự chết.

  1. Nhưng thử thách giữa sống và chết này có một ý nghĩa khác giúp ta hiểu tình yêu và hôn phối của đôi tân hôn. Quả thật, khi ân ái vợ chồng họ thấy mình rơi vào trong một hoàn cảnh trong đó sức mạnh của cái thiện và cái ác đang chiến đấu và lượng định chống lại nhau. Dường như cuộc đối thoại của đôi bạn tânhôn không thực sự biết đến chiều kích này của thực tại. Đôi bạn trong Diễm tình Ca sống và thể hiện mình ra trong một thế giới lí tưởng hay «trừu tượng», trong đó như thể là không hề có đấu tranh giữa các lực lượng khách quan giữa thiện và ác. Có lẽ chăng chính sức mạnh và sự thật nội tâm của tình yêu đã làm giảm thiểu đi cuộc chiến đấu này trong con người và quanh con người?

Tuy nhiên, sự thật đầy đủ này và sức mạnh trọn vẹn của chính tình yêu xem ra thì khác và có vẻ hướng nhiều hơn đến nơi mà kinh nghiệm của Sách Tôbia dẫn chúng ta đến. Sự thật và sức mạnh của tình yêu được biểu lộ ra trong cái khả năng mình đứng giữa các lực lượng của thiện và ác, đang chiến đấu nhau trong con người và quanh con người, vì tình yêu thì đáng tin cậy trong cuộc chiến thắng của sự thiện và sẵn sàng làm tất cả để sự thiện chiến thắng. Vì thế, sự thật của tình yêu của đôi hôn phối của Sách Tôbia không được xác nhận bởi những lời lẽ nói bằng ngôn ngữ phong tình như trong Diễm tình Ca, nhưng bởi những chọn lựa và hành động nhận lấy tất cả sức nặng của hiện sinh con người trong sự kết hợp của hai người. «Ngôn ngữ thân xác» ở đây xem ra sử dụng những lời lẽ của những chọn lựa và hành động xuất phát từ tình yêu chiến thắng do cầu nguyện.

  1. Lời cầu nguyện của Tôbia,[272]trước hết là lời nguyện ca tụng và tạ ơn, và kế đến là cầu xin, đặt «ngôn ngữ thân xác» trên mảnh đất ngôn ngữ chủ yếu của thần học về thân xác. Đó là một ngôn ngữ «được khách thể hóa», lan tỏa không phải bởi sức mạnh của cảm xúc kinh nghiệm, cho bằng là bởi sự thật thâm sâuvà trang trọng của chính cuộc sống.

Đôi tân hôn đồng thanh tuyên xưng cùng nhau trước mặt Thiên Chúa của Giao ước: «Thiên Chúa của tổ tiên chúng con». Có thể nói rằng dưới khía cạnh này «ngôn ngữ thân xác» trở thành ngôn ngữ của các thừa tác viên của bí tích ý thức rằng trong khế ước hôn nhân mầu nhiệm, vốn nhiệm xuất tự chính Thiên Chúa, được biểu lộ và thực hiện. Quả thật, khế ước hôn nhân của họ là hình ảnh – và là bí tích nguyên thủy của Giao ước của Thiên Chúa với con người, với loài người – của Giao ước có cội nguồn từ Tình Yêu vĩnh cửu.

Tôbia và Sara kết thúc cầu nguyện với những lời sau đây: «Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già».[273]

Dựa trên văn mạch người ta có thể nhìn nhận rằng đôi tân hôn nhìn thấy viễn ảnh trước mắt họ phải kiên trung sống chung hòa hợp cho đến ngày cuối cuộc đời – một viễn ảnh mở ra trước mắt họ với thử thách về sống và chết đã có mặt suốt ngay từ đêm tân hôn. Đồng thời bằng con mắt đức tin họ nhìn thấy sự thánh thiện của ơn gọi này, trong đó – bởi sự kết hợp của hai người xây dựng trên sự thật tương hỗ của «ngôn ngữ thân xác» – họ phải đáp lại tiếng gọi của chính Thiên Chúa, vốn hàm ẩn trong mầu nhiệm của thuở ban đầu. Và bởi thế mà họ cầu xin: «Xin Chúa đoái thương con và em con».

  1. Đôi tân lang và tân nương của Diễm tình Ca bày tỏ tình yêu với nhau, một tình yêu là ái tình phàm nhân, bằng những lời lẽ bốc lửa. Đôi tân hôn của sách Tôbia cầu xin được biết đáp trả tình yêu. Cả hai người thấy nhiệm vụ của họ là tạo nên dấu chỉ bí tích hôn phối. Cả hai người tham dự vào việc tạo nên dấu chỉ này.

Có thể nói rằng nhờ cả hai người «ngôn ngữ thân xác», được đọc lại hoặc trên phương diện chủ quan của sự thật trong tâm hồn con người, hoặc trên phương diện «khách quan» của sự thật sống trong hiệp thông, trở thành ngôn ngữ phụng vụ.

Lời cầu nguyện của đôi tân hôn trong Sách Tôbia xem ra xác nhận chắc chắn điều đó một cách khác với Diễm tình Ca, và chắc chắn gây cảm kích sâu sắc hơn.

CXIII – “MẦU NHIỆM CAO CẢ” CỦA TÌNH YÊU PHU THÊ

(Ngày 4 tháng 7 năm 1984)

  1. Chúng ta quay trở lại với đoạn sách kinh điển chương V Thư gửi Tín hữu Êphêsô, đoạn thánh kinh mạc khải nguồn mạch vĩnh cửu của Giao ước trong Tình yêu của Chúa Cha và đồng thời mạc khải việc thiết lập Giao ước mới và đời đời trong Đức Giêsu Kitô.

Bản văn này đưa chúng ta đến một chiều kích của «ngôn ngữ thân xác» có thể được gọi là «thần bí». Quả thật, đoạn văn nói về hôn nhân như một «mầu nhiệm cao cả». «Mầu nhiệm này thật là cao cả».[274] Và cho dẫu mầu nhiệm này được thực hiện trong cuộc hôn phối của Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc với Hội Thánh và trong Hội Thánh-Hiền Thê với Chúa Kitô («Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh»),[275] cho dẫu mầu nhiệm này được thực hiện dứt khoát trong các chiều kích cánh chung luận, nhưng Tác Giả của Thư Êphêsô không ngần ngại mở rộng loại suy của sự kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh trong tình yêu hôn phối, vốn có tính «tuyệt đối» và «cánh chung», ra đến dấu chỉ bí tích của khế ước hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là những người «tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Chúa».[276] Ngài không ngần ngại mở rộng sự loại suy thần bí ra đến tận «ngôn ngữ của thân xác», đọc lại trong sự thật của tình yêu hôn phối và kết hợp phu thê của hai con người.

  1. Cần phải nhận ra cái lôgich của bản văn tuyệt vời này. Nó giải phóng cách triệt để lối suy nghĩ của chúng ta khỏi các yếu tố của chủ nghĩa Manikê hoặc coi thân xác con người là phi ngã vị, đồng thời đưa «ngôn ngữ thân xác», vốn nằm trong dấu chỉ bí tích hôn phối, tới gần chiều kích sự thánh thiện đích thật.

Các bí tích đem sự thánh thiện vào mảnh đất nhân linh của con người: chúng thâm nhập vào linh hồn và thể xác, vào nam tính và nữ tính của chủ vị, với sức mạnh của sự thánh thiện. Tất cả những điều đó được diễn tả trong ngôn ngữ phụng vụ: diễn tả và đồng thời thực hiện ở đó.

Phụng vụ, ngôn ngữ phụng vụ, nâng khế ước phu thê của người nam và người nữ (dựa trên «ngôn ngữ thân xác» được đọc lại trong sự thật) lên các chiều kích của «mầu nhiệm» và, đồng thời cho phép khế ước ấy được thể hiện trong những chiều kích trên qua «ngôn ngữ của thân xác».

Dấu chỉ của bí tích hôn nhân nói đến chính điều đó, trong ngôn ngữ phụng vụ dấu chỉ ấy diễn tả một biến cố liên vị, với một nội dung đậm tính nhân vị, được qui gán cho hai người «cho đến chết». Dấu chỉ bí tích không những chỉ điều «đã thành» sự («fierī»), tức là sinh ra dây hôn phối, mà còn thiết lập «hữu thể» («esse ») tức là sự tồn tại của nó: cả hai người như là thực tại thánh thiêng và bí tích, bén rễ từ trong chiều kích Giao ước và Ân sủng, trong chiều kích của Sáng tạo và Cứu chuộc. Bằng cách đó, ngôn ngữ phụng vụ ấn định cho cả hai người, người nam và người nữ, tình yêu, sự trung thành, và sự đoan chính phu thê nhờ «ngôn ngữ thân xác». Nó định cho họ phải hiệp nhất với nhau và hôn phối của họ là bất khả phân li, trong «ngôn ngữ thân xác». Nó qui gán toàn thể cái «thánh thiêng» của nhân vị và của hiệp thông các ngôi vị, và tương tự, của toàn thể nam tính và nữ tính của họ, ngay trong chính ngôn ngữ này như một nhiệm vụ của họ.

  1. Theo nghĩa đó, chúng ta khẳng định rằng ngôn ngữ phụng vụ trở thành «ngôn ngữ thân xác». Điều đó có nghĩa một chuỗi các sự kiện và nhiệm vụ làm thành «linh đạo» hôn nhân, nền «đạo đức» của hôn nhân. Trong đời sống hằng ngày của đôi vợ chồng, những sự kiện này trở thành nhiệm vụ, và những nhiệm vụ được thực thi trở nên sự kiện. Những sự kiện này – cũng như các bổn phận – có tính thiêng liêng, nhưng được diễn tả vào một lúc nào đó bằng «ngôn ngữ thân xác».

Tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô viết về điều này như sau: «… Chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình …»[277] (= «như yêu chính mình»)[278], «còn vợ thì hãy kính trọng chồng»[279]Hơn nữa, cả hai «hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô»[280].

«Ngôn ngữ thân xác», tiếp nối liên tục ngôn ngữ phụng vụ, được biểu lộ không chỉ như sự say mê và vui thú lẫn nhau như trong Diễm tình Ca, nhưng còn như là một kinh nghiệm sâu xa về cái «thánh thiêng» («sacrum»), dường như đã được phú ban trong chính giới tính người nam và người nữ xuyên qua chiều kích «mầu nhiệm»: «mầu nhiệm cao cả» («mysterium magnum») của Thư Êphêsô, được đặt nền tảng trên chính «thuở ban đầu», nghĩa là trong mầu nhiệm sáng tạo con người: con người được tạo dựng là nam là nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa, được gọi ngay từ «thuở ban đầu» làm dấu chỉ hữu hình cho tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa.

  1. Như thế, niềm «kính sợ Đức Kitô» và sự «kính trọng» đối với nhau, điều mà Tác giả Thư Êphêsô nói tới, không gì khác hơn là một hình thức trưởng thành về mặt thiêng liêng của sự say mê lẫn nhau kia: nghĩa là, say mê của người nam đối với người nữ, và của người nữ đối với người nam, vốn được mạc khải lần đầu tiên trong Sách Sáng thế[281]. Rồi cũng chính sự say mê đó tuôn chảy như dòng thác lũ diễn qua các câu thơ Diễm tình Ca để sau cùng đọng lại, trong các bối cảnh hoàn toàn khác, nơi diễn từ cô kết và qui tập trong sách Tôbia.

Sự trưởng thành về mặt thiêng liêng của nỗi niềm say mê này không chi khác hơn là hoa quả sinh ra từ ơn biết kính sợ, một trong bảy ơn của Đức Chúa Thánh Thần, mà Thư thứ nhất gửi tín hữu Texalônica của thánh Phaolô đã nói[282].

Tuy nhiên, đạo lí của thánh Phaolô về đức khiết tịnh, như là «đời sống theo Thần Khí»[283], cho phép ta (đặc biệt dựa trên Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, ch. 6) diễn giải sự «kính trọng» theo nghĩa đặc sủng, nghĩa là một ơn huệ của Đức Chúa Thánh Thần.

  1. Thư Êphêsô – khi khuyên nhủ các đôi vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau «vì lòng kính sợ Chúa»[284]và rồi thúc đẩy họ hãy biết «kính trọng» nhau trong quan hệ vợ chồng dường như tỏ lộ (phù hợp với truyền thống Phaolô) đức khiết tịnh như là một nhân đức và như là một ơn ban.

Như thế, nhờ nhân đức và hơn nữa còn nhờ ơn Chúa («đời sống theo Thần Khí») mà nỗi say mê nhau ấy, do dị biệt giới tính giữa nam và nữ, trưởng thành dần theo hướng thiêng liêng (hay về mặt tinh thần). Cả người nam và người nữ, một khi xa dần dục vọng, sẽ tìm được chiều kích đích thật của sự dâng hiến trong tự do, kết hợp làm một người nữ với người nam trong ý nghĩa hợp hôn thật sự của thân xác.

Như thế, ngôn ngữ phụng vụ, tức là ngôn ngữ của bí tích và của «mầu nhiệm», trong đời sống của đôi bạn, trong cuộc sống chung của họ, trở thành «ngôn ngữ thân xác» với sự thống nhất toàn thể chiều sâu, sự đơn giản và vẻ đẹp của nó cho đến những gì ta còn chưa biết được.

  1. Ýnghĩa toàn vẹn của dấu chỉ bí tích hôn nhân xem ra là như thế. Trong dấu chỉ ấy, nhờ «ngôn ngữ thân xác», người nam và người nữ đi đến gặp gỡ «mầu nhiệm» cao cả, để mà chuyển thông ánh sáng của mầu nhiệm ấy, ánh sáng của sự thật và của cái đẹp, vốn được diễn tả trong ngôn ngữ phụng vụ, trong «ngôn ngữ thân xác», trong ngôn ngữ của thực hành tình yêu, sự trung tín và sự đoan chính phu thê, nghĩa là trong nền đạo đức xuất phát cơ bản từ trong «sự cứu chuộc thân xác».[285] Trên con đường này, cuộc sống phu thê theo nghĩa nào đó trở thành một phụng vụ.

(Còn tiếp)

Đọc thêm các phần khác trong tác phẩm: “Thần học về thân xác – Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh” của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II:

Phần giới thiệu: Các nét chính của thần học về thân xác

Phần I: Thuở ban đầu (Giáo lí về sách Sáng Thế)

Phần II: Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi)

Phần III: Xác thể phục sinh

Phần IV: Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo

Phần V: Đời sống hôn nhân Kitô giáo

Phần Cuối: Tình yêu và sự phong nhiêu

[1] Ep 5, 22-32.

[2] Mt 19,4; Mc 10,6

[3] Mt 5,28.

[4]  X. Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20,35.

[5]  X. Lc 20,35.

[6]  Rm 8,23.

[7] Một số nhà chú giải, khi xét về nguồn gốc Thư Êphêsô, nhìn nhận Phaolô chính là tác giả, nhưng một số khác thì không. Vấn đề này có thể được giải quyết nhờ một giả thuyết trung gian chấp nhận rằng ở đây có một sự làm việc thêm của một vị thư kí mà thánh Phaolô tin tưởng giao phó tiếp tục triển khai và hoàn tất một vài quan niệm của ngài truyền dạy. Đó là giải đáp tạm thời cho vấn đề của chúng ta, biểu lộ qua việc khi thì nói «tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô», khi thì «Vị Tông Đồ», hay «thánh Phaolô».

[8] Thân Mình của Đức Kitô, vốn là Hội Thánh đó, có một ý nghĩa ẩn dụ, không phải theo nghĩa một hình ảnh thuần túy bên ngoài không liên hệ gì tới một thực tại nào cả, nhưng xét như là nó khác với thân xác cụ thể/cá biệt và cũng không đồng nhất với thân xác của Đức Kitô. Được biết rằng truyền thống các giáo phụ và cả thời trung cổ dành ý nghĩa «thần nhiệm» cho Thân mình Thánh Thể (Mình Thánh) Chúa Kitô, với một cảm thức duy thực đặc biệt riêng cho định nghĩa Hội Thánh như Thân Mình Chúa Kitô.

[9] St 2,24.

[10] Suy tư của đức Giáo hoàng cụ thể còn giúp «biện minh» thêm cho chú giải đoạn thư Êphêsô trên theo hướng mô thức bí tích của luật cầu nguyện. Chú giải đó trực tiếp và hữu lí rút ra từ  sự kiện chữ  “bí tích” hay “mầu nhiệm” (sacramentum /mysterion) được dùng ở đó (Ep 5, 32).

[11] Khái niệm loại suy là rất quan trọng và hay được dùng trong các diễn từ của đức Thánh Cha. Nó dùng để minh họa và để hiểu các bình diện và yếu tố khác nhau mà hôn nhân tham chiếu đến lịch sử cứu độ.

[12] Định nghĩa bí tích kinh điển này đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II hợp pháp hóa và đào sâu thêm khi ngài nói về bí tích hôn nhân, được hiểu khởi đi từ mầu nhiệm Đức Kitô. Nhờ đó, ta có một định nghĩa nguyên thủy hơn về bí tích xem đó trước hết như là dấu chỉ hữu hiệu của Đức Giêsu Kitô và của lịch sử cứu độ được thực hiện trong Người.

[13] Gaudium et Spes, 22.

[14] St 1,27.

[15] Ep 5,22-33.

[16] Ibid. 1,3.4-7.10.

[17] Ibid. 1,22-23

[18] X. ibid. 2,11-21.

[19] Ibid. 3,14.16.

[20] Ibid. 4,24.

[21] X. Ibid. 4,24-32.

[22] Ibid. 5,1-2.

[23] Ibid. 5,8.

[24] Ibid. 5,17-19.

[25] Ibid. 5,20-21.

[26] Ibid. 6,1-4.

[27] X. ibid. 6,5-9

[28] X. vd. Cl 3,18-24; và 1Pr 2,13 – 3,7.

[29] X. Ep 6,10-20.

[30] Ibid. 6,21-22.

[31] X. ibid. 6,23-24.

[32] Ibid. 5,21.

[33] Ep 5,21.

[34] X. vd. Tv 103,11; Cn 1,7; 23,17; Hc 1,11-16.

[35] Chính tình trạng được «làm con cái Chúa» này làm cho hôn phối của các Kitô hữu trở thành bí tích. Con cái Thiên Chúa chỉ có thể có một mối quan hệ bí tích với Đức Kitô và với Hội Thánh. Không có bí tích những người «con cái Chúa» «không hợp thức hóa» được dây liên kết hôn phối.

[36] Ep 5,22.

[37] Ibid. 5,33.

[38] Ibid. 5,22-25

[39] Ibid. 5, 22-23.

[40] Đức Kitô và Hội Thánh là điểm qui chiếu hay động lực nguyên thủy của tính bí tích hay tính chất đặc trưng của hôn nhân kitô giáo. Xem số 4 của bài học Giáo lí LXXXVII.

[41]  X. Ep 1,21-23.

[42] Sự thật cốt yếu, là sự thật xác định hôn nhân như là bí tích hay, là mối quan hệ đặt nền tảng cuối cùng cho hôn nhân và làm cho hôn nhân nên trọn hảo. Đó là sự thật của hôn nhân kitô giáo.

[43] Ep 1,4.

[44] Nghiên cứu chính nền tảng của tính bí tích là ý định của đức Gioan-Phaolô II muốn trình bày trong phần này của «khảo luận» của ngài, như thế một thần học bí tích «giản lược» có khả năng bị vượt qua.

[45] Ep 5,23.

[46] Ibid. 5,25.

[47] X. Pl 2,8.

[48] X. Kh 19,7.

[49] Ep 5,21-33.

[50] Ep 5,22-33.

[51] Ibid. 5,22-23.

[52] St 2,24.

[53] Cần lưu ý tính cách «tương đối» của việc sử dụng những hình ảnh và so sánh loại suy đó của Kinh thánh. Cần phải áp dụng chúng sao cho «thích hợp» với thực tế.

[54] Ep 5,22-25.

[55] Ibid. 5,31; x. St 2,24.

[56] Ep 5,22-33.

[57] Ibid. 5,25-31.

[58] Ibid. 5,25-26.

[59] Ibid. 5,26.

[60] Ibid. 5,26.

[61] Ibid. 5,27.

[62] Ep 5,25-27.

[63] X. Rm 6,6.

[64] Ep 5,28-29.

[65] Ibid. 5,28.

[66] Ibid.

[67] Ep 5,22-33.

[68] Ibid.

[69] Ibid. 5,33.

[70] Ibid. 5,28.

[71]Ibid. 5,29-30.

[72] Ibid. 5,29.

[73] Ep 5,29-30.

[74] Ibid. 5,31; St 2,24.

[75] St 2,24.

[76] Ibid.

[77] Ep 5,25.

[78] Ibid. 5,22-33.

[79] St 2,24.

[80] Ep 5,32.

[81] Gl 4,4.

[82] Ý niệm «bí tích», là trung tâm khảo sát của chúng ta, có một cuộc hành trình dài dọc theo các thể kỉ. Lịch sử ngữ nghĩa của từ ngữ «bí tích» phải khởi đầu từ từ Hi lạp mystèrion, mà nói cho ngay sách Giuđitha còn dùng để chỉ các quyết định quân sự bí mật của nhà vua («quyết định bí mật»: cf. Gđt 2,2), nhưng trong các sách Khôn Ngoan (2,22) và tiên tri Đaniel (2,27) từ ấy dùng để chỉ các kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa và cùng đích mà Ngài gán định cho thế giới, và chúng chỉ được mạc khải cho các chứng nhân trung thành.

Với nghĩa đó «mystèrion» chỉ xuất hiện một lần trong các sách Tin mừng: «Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em» (Mc 4,11 và ss.). Trong các Thư quan trọng của thánh Phaolô từ đó xuất hiện trở lại bảy lần, mà đỉnh điểm là nơi Thư gửi tín hữu Rôma: «… theo Tin mừng mà tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin mừng đó mạc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ…» (Rm 16,25-26).

Trong các Thư về sau có sự đồng nhất «mystèrion» với Tin Mừng (x. Ep 6,19) và thậm chí với cả chính Đức Giêsu Kitô (x. Cl 2,2; 4,3; Ep 3,4). Người tạo nên một bước ngoặt cho nội hàm của từ «mystèrion», không những chỉ đến kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, nhưng còn là sự thực hiện kế hoạch đó trên mặt đất này được tỏ lộ trong Đức Giêsu Kitô.

Do đó, thời các Giáo phụ «mystèrion» bắt đầu còn dùng để chỉ các sự kiện lịch sử qua đó bộc lộ ý định cứu độ con người của Thiên Chúa. Thế kỉ thứ II trong các văn phẩm của thánh Inhaxiô thành Antiôkia, của thánh Giustinô và Mêlitone, các mầu nhiệm cuộc đời của Đức Giêsu, các sấm ngôn và những hình ảnh biểu tượng của Cựu ước được xác định bởi từ ngữ «mystèrion».

Thế kỉ III bắt đầu xuất hiện những bản dịch Kinh Thánh cổ nhất bằng tiếng La tinh, trong đó từ Hi lạp được chuyển dịch, khi thì với từ «mystèrion», khi thì với từ «sacramentum» (ví dụ như Kn 2,22; Ep 5,32), có lẽ là để tách biệt rõ ràng khỏi các nghi lễ bí nhiệm ngoại giáo và khỏi các nghi lễ khai tâm bí nhiệm của phái ngộ đạo theo hướng tân Platon.

Tuy nhiên, từ «sacramentum» nguyên thủy có nghĩa là lời thề do những người lính trong quân đội La mã tuyên thệ. Trong nội hàm từ này người ta có thể nhận thấy khía cạnh «sự khai tâm vào một lối sống mới», «một sự dấn thân hoàn toàn», «phụng sự trung thành đến mức chấp nhận nguy tử». Từ đó Tertullinaô mới biểu lộ những chiều kích này ra trong bí tích Kitô giáo của phép Rửa, Thêm Sức và Thánh Thể. Thế kỉ III từ «sacramentum» được dùng để chỉ kế hoạch cứu độ mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Đức Kitô (x. vd. Ep 5,32), hoặc chỉ sự thực hiện cụ thể kế hoạch ấy nhờ bảy nguồn của ân sủng, ngày nay gọi là bảy «bí tích của Hội Thánh».

Thánh Augustinô dùng từ này với nhiều nghĩa khác nhau, ngài gọi những nghi lễ tôn giáo của Cựu ước cũng như Tân ước, những biểu tượng và hình ảnh Thánh kinh như mạc khải Kitô giáo, đều là các bí tích. Tất cả các «bí tích» này, theo Thánh Augustinô, đều thuộc về Bí tích siêu vời nhất, là mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh. Thánh Augustinô có ảnh hưởng trên sự xác định ý nghĩa sau đó của từ ngữ «bí tích» này, ngài nhấn mạnh các bí tích là những dấu chỉ thánh thiêng; tự thân chúng là hình ảnh giống như thực tại chúng chỉ hay biểu thị và thông truyền thực tại ấy. Như thế ngài đã đóng góp nhờ những phân tích từ đó hình thành nên một định nghĩa súc tích của thời Kinh viện: bí tích là «dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng» («signum efficax gratiae»).

Thánh Isidoro thành Sevilla (thế kỉ VII) một thời gian sau đó nhấn mạnh một khía cạnh khác: bản tính mầu nhiệm của bí tích, bên dưới những tấm màn phủ vật chất kia ẩn chứa hành động của Chúa Thánh Thần trong linh hồn con người.

Những tổng luận thần học của thế kỉ XII và XIII đã tạo nên những định nghĩa hệ thống các bí tích, thế nhưng định nghĩa của thánh Tôma là quan trọng nhất: «Non omne signum rei sacrae est sacramentum, sed solum ea quae significant perfectionem sanctitatis humanae» (S. Th., III, q. 60, a. 2).

Từ đó trở đi «bí tích» chỉ được hiểu là một trong bảy nguồn mạch ân sủng, và các nghiên cứu của các nhà thần học chủ yếu tập trung đào sâu yếu tính và hành động của bảy bí tích, bằng cách thiết lập nên một cách có hệ thống những nét chính yếu trong truyền thống Kinh viện.

Chỉ trong thế kỉ sau cùng người ta mới chú ý đến các khía cạnh khác của bí tích mà các thế kỉ trước không quan tâm cho đủ, chẳng hạn như chiều kích Giáo hội học của bí tích, sự gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, những điểm này được nói đến trong Hiến chế về Phụng vụ (số 59). Tuy nhiên, Công đồng Vatican II quay trở lại trước hết ý nghĩa nguyên thủy của «sacramento-misterium», bằng việc xác định Hội Thánh chính là «bí tích phổ quát của ơn cứu độ» (LG 48), bí tích có nghĩa là «dấu chỉ và là khí cụ của sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa và sự hợp nhất của toàn thể nhân loại» (LG 1).

Ở đây bí tích được hiểu – hợp với ý nghĩa nguyên thủy – như là sự thực hiện kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa liên hệ tới ơn cứu độ của nhân loại.

[83] X. Ep 1,9.

[84] Lumen Gentium, 1.

[85] Điều Đức thánh cha lưu ý là quan trọng. Thật vậy, sử dụng phạm trù «bí tích» mà thiếu sự phân biệt rõ ràng rốt cuộc sẽ làm cho ý niệm bí tích liên hệ đến bảy bí tích – vốn đã tốn nhiều thời gian công sức để đạt được như thế – mất đi nét đặc trưng và sự sáng sủa của nó. Trộn lẫn ý niệm khiến nó thêm hàm hồ không là thành quả tiến bộ mà là một sự thụt lùi.

[86] Ep 5,25-30.

[87] Hôn phối được gọi là «bí tích cổ xưa nhất» theo nghĩa tự nguyên thủy nó đã có một vai trò biểu thị rất ý nghĩa, và và ý nghĩa đó sau cùng đạt tới cao điểm nơi mối quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

[88] Ep 1,3-6.

[89] Ibid. 3,9.

[90] Ibid. 1,7-10.

[91] Ibid. 1,13

[92] Ibid. 1,7.

[93] Cần phải nhấn mạnh sự tự hiến bản thân Đức Kitô cho Hội Thánh. Đó là đối tượng tham chiếu đầu tiên của các bí tích – và cũng là của bí tích hôn nhân – là chính Đức Kitô trong tư cách như Người tự ý hiến dâng bản thân mình. Bí tích không phải là một sự  miễn cưỡng bị giam hãm ở bên trong dấu chỉ.

[94] Phương pháp diễn từ của đức thánh cha là: ghép quan hệ hôn phối vào trong toàn thể nhiệm cuộc cứu độ, và một cách riêng vào trong nhiệm cuộc của mối quan hệ Đức Chúa – Israel được diễn dịch bằng ngôn ngữ phu thê và với một lối chú giải kế hoạch của Thiên Chúa theo lối nói hôn phối.

[95] Is 54,4-7.10.

[96] Is 54,4-10.

[97] X. Đnl 24,1.

[98] Trong bản Hipri chúng ta thấy có những từ ngữ hesed-rahamim xuất hiện đồng thời nhiều lần.

[99] Is 54,5.

[100] Ep 1,4.

[101] Ibid. 1,5.

[102] Is 54,5.

[103] X. Hs 11,1-4; Is 63,8-9; 64,7; Ml 1,6.

[104] Is 54,5.

[105] Mặc dù trong các bản văn thánh kinh cổ xưa hơn «Đấng Cứu Chuộc» (Hr. gō’ēl) có nghĩa là một nhân vật bởi quan hệ máu mủ buộc phải trả thù cho người bà con thân thích mình bị giết chết («Người đòi nợ máu») (x. vd. Ds 35,19), hoặc là phải giúp đỡ người thân tộc bất hạnh («Người bảo tồn dòng dõi») (x. vd. R 4,6), đặc biệt, hoặc là chuộc người ấy từ «phận nô lệ» về (x. vd. Lv 25,48), nhưng dần dần theo thời gian danh từ này được áp dụng một cách loại suy cho Đức Chúa Yahvêh, «Ngài đã đưa Israel ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay của Pharaon, vua Ai cập» (Đnl 7,8). Cách riêng, trong Isaia đệ nhị  trọng tâm dịch chuyển từ hành động cứu chuộc sang con người Đấng Cứu Chuộc, đã đích thân giải cứu Israel hầu như chỉ nhờ chính sự hiện diện của Người mà thôi mà «không đòi quà cáp hay tiền chuộc» (Is 45,13). Bởi thế, chuyển tiếp từ «Đấng Cứu Chuộc» của tiên tri Isaia 54 sang Thư gửi tín hữu Êphêsô có cùng lí do để áp dụng trong thư nói trên các bản văn Bài Ca về Người Tôi Trung của Yahvêh (x. Is 53,10-12; Ep 5,23.25-26).

[106] Ep 1,6.

[107] Ibid. 1,7.

[108] Ibid. 5,25.

[109] X. vd. Is 42,1; 53,8-12; 54,8.

[110] Thay cho quan hệ «Thiên Chúa–Israel» thánh Phaolô đưa vào quan hệ «Đức Kitô–Hội Thánh», ngài áp dụng vào Đức Kitô tất cả những gì Cựu Ước nói về Yahvêh (hay Adonai – Kýrios). Đức Kitô là Thiên Chúa, nhưng thánh Phaolô cũng áp dụng cho Người những gì Sách Thánh nói về Người Tôi trung của Yahvêh trong bốn Thánh thi về Người Tôi Trung (Is 42; 49; 50; 52-53), những Thánh thi này được diễn dịch trong thời kì chuyển tiếp giữa hai Giao ước cũ và mới theo nghĩa gắn với Đấng Cứu Thế (Messia). «Đầu» và «Thân Mình»  không có nguồn gốc từ Kinh Thánh nhưng có lẽ từ môi trường văn hóa Hi lạp bấy giờ (có thể chịu ảnh hưởng bởi phái Khắc Kỉ chăng?). Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô chủ đề này được sử dụng trong bối cảnh về hôn nhân (trong khi trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chủ đề «Thân Mình» được dùng để phô diễn trật tự trong xã hội). Từ quan điểm của Kinh Thánh việc đưa vào lí do này là hoàn toàn mới mẻ.

[111] Ep 5,22-33.

[112] Ibid. 5,25.

[113] Vấn đề không chỉ là nhân vị hóa xã hội con người, vốn là một hiện tượng khá là chung trong văn chương thế giới, nhưng là một tính «nhân vị tập thể» («corporate personality») đặc thù của Kinh Thánh, đặc trưng bởi một tương quan liên tục giữa cá nhân với nhóm (x. H. Wheeler Robinson, The Hebrew Conception of Corporate Personality: BZAW 66 [1936] 49-62; xt. J. L. McKenzie, Aspects of Old Testament Thought, in «The Jerome Biblical Commentary», vol. 2, London 1970, p. 748).

[114] X. 2 Pr 1,4.

[115] Ep 5,22-33.

[116] X. St 2,24.

[117] Gioan Phaolô II, Tình yêu phàm nhân trong Kế hoạch thần linh (Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ từ bản tiếng Ý), bài 19, số 3.

[118] Ibid., 19, 4.

[119] St 2,24.

[120] Ep 1,3-4.

[121] Ibid. 1,4.

[122] St 1,31.

[123] Ibid. 3,10.

[124] Ibid. 2,25.

[125] «Sự tuyển chọn con người trong Đức Kitô từ muôn thuở», chính là sự hợp nhất trong kế hoạch Thiên Chúa, nó cho phép ta sử dụng hình ảnh loại suy và hiểu các giai đoạn khác nhau của biểu tượng hôn phối và hình tượng hôn nhân.

[126] Ep 1,5-6.

[127] Ibid. 1,7.

[128] Gioan Phaolô II, Tình yêu phàm nhân … op.cit., 19, 4

[129] Ibid. 19, 5.

[130] Bí tích «nguyên thủy» không có nghĩa là bí tích «tự nhiên», quả thật bởi vì bình diện được tuyển chọn bởi Thiên Chúa là một bình diện trong Chúa Kitô, và như thế nó siêu nhiên. «Nguyên thủy» ở đây có nghĩa là trong hành động tạo dựng đi vào «nhiệm cuộc» (lịch sử) xét như là dấu chỉ của «mầu nhiệm» vốn muốn hiển lộ ra trong tạo thành.

[131] St 1,28.

[132] X. Ep 1,6: «ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu».

[133] Xem ra sự sinh sản cũng không chỉ có ý nghĩa thuần túy tự nhiên nhưng mà còn mang ý nghĩa phục vụ cho sự bành trướng các «hoa quả siêu nhiên của sự tuyển chọn con người tự muôn thuở bởi Chúa Cha trong Người Con vĩnh cửu».

[134] Ep 5,22-33.

[135] Ibid. 5,32.

[136] Ibid. 5,25-26.

[137] Ibid. 1,4.

[138] Ibid. 1,7-8.

[139] Rm 5,20.

[140] Ep 5,25.

[141] Ibid.

[142] St 2,20.

[143]1Pr 1,23.

[144] Xt. Mc 10,5-9.

[145] Ep 1,3.

[146] Mt 19,3-9.

[147] X. ibid. 19.

[148] 1Ga 2,16.

[149] Gl 5,17

[150] X. đặc biệt đoạn Ep 5,22-33.

[151] Cf. Leonis XIII, Acta, vol. II, 1881, p. 22.

[152] Cf. Ioannis Pauli PP. II, Allocutio in Audientia Generali, die 8 sept. 1982, chú thích 1: bài 93 trên đây.

[153] Ep 5,22-33.

[154] Ibid. 5,25.

[155] Ibid. 5,26.

[156] Ibid. 5,29-30.

[157] ibid. 5,21.

[158] Rm 8,2.

[159] St 2,24.

[160] Mt 19,12.

[161] Rm 8,23.

[162] Ibid. 8,21.

[163] Ibid. 8,23.

[164] Ibid. 8,19.

[165] Mt 19,3.

[166] Đnl 24,1.

[167] Mt 19,4-6.

[168] Ibid. 19,8-9.

[169] Lc 16,18.

[170] Ep 5,22-33.

[171] X. Mt 19.

[172] St 2,24.

[173] X. Gaudium et Spes, 24.

[174] Ibid.

[175] X. Mt 19; Mc 10.

[176] X. Mt 19,3-9; và Mc 10,2-12.

[177] Mc 10,11t; cf. Mt 19,9.

[178] Mt 5,27-28.

[179] Bản văn của thánh Marcô về hôn nhân bất khả phân li xác định cách rõ ràng rằng cả người nữ cũng có thể là (chủ thể) tội phạm ngoại tình, nếu như người ấy bỏ chồng mà đi lấy chồng khác (x. Mc 10,12).

[180] X. Mt 5,28.

[181] 1 Ga 2,16.

[182] X. Mt 19,4.

[183]1 Cr 7,7.

[184] Ibid. 7,2.

[185] Ibid. 7,3.

[186] Ibid. 7,9.

[187] X. Hc 23,17.

[188] X. Rm 8,4-5; Gl 5,25.

[189] X. St 4,1.

[190] Ibid..

[191] X. Rm 8,19-23.

[192] Ibid. 8,23.

[193] Ibid. 8,21.

[194] Ibid. 8,22.

[195] Ibid. 8,19.

[196] 1 Ga 2,16.

[197] Ibid. 2,17.

[198] X. Mt 22,23-32; Mc 12,18-27; Lc 20,34-39.

[199] Lc 20,34-36.

[200] X. Rm 8,23.

[201] 1 Ga 2,17.

[202] Mt 22,30.

[203] Lc 20,36.

[204] X. Mt 19,8.

[205] St 2,24.

[206] Ep 5,32.

[207] Ibid. 5,25-26.

[208] X. St 1,28.

[209] Ep 5,21-33.

[210] Ibid. 5,25-26.

[211] Ibid. 5,21.

[212] Ibid. 5,25.

[213] Ibid. 5,21-33.

[214] X. Mt 19,12.

[215] Ep 5,22-33.

[216] X. Rm 8,23.

[217] St 2,24.

[218] Mô thể của bí tích cho ta ý nghĩa của chất thể tạo nên bí tích. Xác thể của đôi vợ chồng được minh họa như đôi hôn phối bởi những lời lẽ minh định thiết đặt hai thân xác ấy có mối quan hệ (“một xương một thịt”) giữa họ với nhau. Xét cho kỳ cùng, đến tận căn, mô thể của bí tích mang ý nghĩa Kitô học, và ý nghĩa Giáo hội học. Điều này đúng với mọi bí tích. Trong Hôn nhân mô thể làm sáng tỏ và thấy rõ ý nghĩa hơn việc trao hiến cho nhau như thể hiện nối tiếp ý muốn thuộc về nhau giữa Đức Kitô – Hội Thánh.

[219] X. St 1; 2.

[220] 1Cr 7,7.

[221] Gaudium et Spes, 24.

[222] Nhất là St 2,23-25.

[223] X. Ep 5,21-33.

[224] X. Ibid..

[225] X. Cn 2,17; Ml 2,14.

[226] Is 54,5.6.10.

[227] Hs 1,2.

[228] X. Ed 16.

[229] X. Ibid. 23.

[230] Ibid. 16,8.

[231] Ibid. 16,15.

[232] X. Gaudium et Spes, 49.

[233] Mt 5,28.

[234] X. Gl 5,16.

[235]  X. Ep 5,21-23.

[236] «Bởi thế sách Diễm tình Ca cần được xem cách đơn giản như nó vốn có hiển nhiên: một bản tình ca của tình yêu con người». Câu này của J. Winandy, OSB, nói lên xác tín ngày càng nhiều của các nhà chú giải (J. Winandy, Le Cantique des Cantiques. Poème d’amour mué en écrit de Sagesse, Maredsous 1960, 26).

Ông Dubarle còn nói thêm: «Khoa Chú giải Thánh kinh Công giáo, vốn thỉnh thoảng tham chiếu đến ý nghĩa minh nhiên của các bản văn kinh thánh đối với các đoạn có tầm quan trọng tín lý đặc biệt, không nên xem thường chuyện ấy khi bàn đến Diễm tình Ca». Tham khảo câu nói của G. Gerleman, Dubarle nói tiếp: «Diễm tình Ca ca ngợi tình yêu của con người, của người nam và người nữ, không có kết hợp một yếu tố huyền thoại nào, nhưng xem xét nó đơn giản như tầm mức vốn có và nét đặc thù riêng của nó. Không nhấn mạnh yếu tố giáo huấn luân lý và ẩn chứa một niềm tin như theo truyền thống Yahvist (vì các sức mạnh tính dục đã không được đặt dưới sự làm chủ của đấng thần linh xa lạ, và không được gán cho chính Đức Yahwêh vốn biểu hiện là Đấng siêu việt vượt trên phạm trù này). Bởi thế tác phẩm thi ca này hòa hợp im ắng với các xác tín nền tảng của niềm tin Israel.

«Chính thái độ cởi mở, khách quan, không lộ vẻ đạo đức tôn giáo đối với vẻ đẹp thể chất và ái tình cũng thấy có trong trong một số trình thuật của tài liệu truyền thống Yahvist. Những điều tương tự như vậy đây đó cho thấy rằng tiểu phẩm này không bị cô lập trong tổng thể văn chương kinh thánh như đôi khi có người khẳng định» (A.-M. Dubarle, «Le Cantique des Cantiques dans l’exégèse recente», in Aux grands carrefours de la Révélation et de l’exégèse de l’Ancien Testament, «Recherches bibliques» VIII, Louvain 1967, pp. 149, 151).

[237] Cf. Mt 19,4.

Dĩ nhiên điều này không loại trừ khả năng nói về một «ý nghĩa đầy đủ hơn» trong sách Diễm tình Ca.

  1. vd.: «Những bạn tình trong cơn ngây ngất yêu đương xem ra như chiếm chỗ trọn cuốn sách, như những nhân vật chính duy nhất… Bởi thế, Phaolô khi đọc những dòng sách Sáng thế “Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với người vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt» (Ep5,31) đã không chối bỏ ý nghĩa thực và trực tiếp của những lời lẽ nói trực tiếp đến hôn nhân của con người; nhưng ngoài ý nghĩa đầu tiên này ngài còn chỉ ra một ý nghĩa sâu xa hơn và cũng trực tiếp: “Tôi muốn nói đến Đức Kitô và Hội Thánh” đồng thời tuyên bố “mầu nhiệm này thật cao cả” (Ibid.5,32).

Một vài độc giả Diễm tình Ca dấn sâu vào cách đọc trực tiếp xem đó như một tình yêu phi nhập thể. Họ bỏ quên những người bạn tình, hoặc biến họ thành nhân vật giả tưởng như những tượng đá, đọc theo lối thuần trí, … họ phóng ra nhiều điểm ám dụ chi li trong từng câu chữ hoặc hình ảnh … Đó không phải là con đường đúng đắn. Ai không tin tưởng vào tình yêu con người của đôi hôn phối, kẻ phải xin sự tha thứ của thân xác, thì không có quyền được nâng mình lên … Bằng ngược lại, nếu khẳng định tình yêu phàm nhân ta có thể khám phá ở đó mạc khải của Thiên Chúa» (L. Alonso- SchÖkel, «Cantico dei Cantici – Introduzione», in La Bibbia, Parola di Dio scritta per noi. Testo ufficiale della CEI, vol.II, Torino 1980, Marietti, pp. 425-427).

[238]Dc 1,2.4.

[239] X. St 2,20.23.

[240] X. ibid. 2,23-25.

[241] Dc 1,8.

[242] Dc 1,5.

[243] Dc 1,10.

[244] Dc 1,15.

[245] Dc 1,16.

[246] Dc 4,1-5.7.

[247] Để giải thích việc một bài tình ca lại được bao gồm ở trong bản Kinh Thánh chính lục, các nhà chú giải Do thái từ những thế kỉ đầu sau Công nguyên đã nhìn Diễm tình Ca như là một ám dụ của tình yêu của Đức Chúa đối với dân Israel, hoặc như một ám dụ của lịch sử dân được tuyển chọn, trong đó tình yêu này bộc lộ, và trong thời trung cổ đó là ám dụ nói về Đức Khôn Ngoan thần linh và con người đang đi tìm Ngài.

Khoa chú giải Kitô giáo ngay từ những vị Giáo phụ đầu tiên đã mở rộng ý tưởng đó ra đến Đức Kitô và Hội Thánh Người (cf. Ippolito và Origene), hoặc đến một linh hồn cá nhân Kitô hữu (cf. San Gregorio di Nissa) hoặc đến Đức Mẹ Maria (cf. S. Ambrogio) và thậm chí ám chỉ Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội (cf. Ricardo da San Vittore). Thánh Bênađô nhìn «Diễm tình Ca» như cuộc đối thoại của Ngôi Lời với linh hồn, và từ đó dẫn đến có quan niệm của thánh Gioan Thánh Giá về hôn ước thần bí.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất, trong truyền thống dài lâu này, là trong thế kỉ thứ tư Teodoro da Mopsuesta đã xem «Diễm tình Ca» như một bài thơ ca tụng tình yêu nhân bản của vua Salomon đối với nàng con gái của vua Pharaon.

Còn Luthero ám chỉ vua Salomon và vương triều của ngài. Trong các thế kỉ sau cùng này xuất hiện các giả thuyết mới. Chẳng hạn như «Diễm tình Ca» được xem như là một vở kịch nói về lòng chung thủy giữ trọn của một người vợ đối với chồng mình là một mục tử, dù trải qua tất cả những cám dỗ, hoặc như là một sưu tập các bài ca được trình diễn trong suốt các nghi lễ đám cưới bình dân hoặc nghi lễ – huyền thoại phản chiếu phụng tự Adonis-Tammuz. Có người còn thậm chí nhìn Diễm tình Ca như một mô tả về một giấc mơ, nhắc đến hoặc những ý tưởng cổ xưa về ý nghĩa của các giấc mơ, hoặc ngay cả phân tâm học.

Trong thế kỉ XX người ta quay trở lại với các truyền thống ám dụ cổ xưa hơn (cf. Bea), lại xem «Diễm tình Ca» như là lịch sử Israel (cf. Jouon, Ricciotti), và một midrash phát triển (như Robert đã gọi trong phê bình của ông, tạo nên một «tổng hợp» các giải thích Diễm tình Ca).

Tuy nhiên, hiện nay người ta bắt đầu đọc quyển sách này theo ý nghĩa hiển nhiên nhất của nó như một bài thơ ca tụng tình yêu tự nhiên của con người (cf. Rowley, Young, Laurin).

Karl Barth là người đầu tiên đã cho thấy ý nghĩa ấy nối kết như thế nào với ngữ cảnh Thánh Kinh của Sáng thế chương 2. Dubarle khởi đi từ phần dẫn nhập mà một tình yêu con người trung thành và hạnh phúc tỏ lộ cho con người thấy những thuộc tính của tình yêu Thiên Chúa, và Van den Oudenrijn nhìn «Diễm tình Ca» như một tiền đề cho ý nghĩa tiêu biểu xuất hiện trong Thư Êphêsô 5,23. Murphy, loại bỏ mọi lối giải thích ám dụ cũng như ẩn dụ, mà nhấn mạnh rằng tình yêu con người, được tạo dựng và được Thiên Chúa chúc phúc, có thể là một chủ đề cho một quyển Kinh thánh linh hứng.

  1. Lys nhận thấy rằng nội dung của «Diễm tình Ca» vừa là về ái tình (mang sắc thái tính dục) vừa có tính thánh thiêng. Khi nào mà ta tách ra khỏi tính chất thứ hai thì ta xem «Diễm tình Ca» chỉ như là một tác phẩm khiêu dâm thuần túy trần tục, và khi nào ta bỏ qua tính chất thứ nhất thì ta rơi vào trường hợp xem nó chỉ như là hình bóng ẩn dụ. Chỉ khi ta đặt cả hai khía cạnh đó nằm chung với nhau, thì mới có thể đọc quyển sách này một cách đúng đắn như nó vốn là.

Ngoài các công trình của các tác giả kể ra trên đây, và đặc biệt về phác thảo của lịch sử chú giải của Diễm tình Ca, nên tham khảo H. H. Rowley, «The Interpretation of the Song of Songs», in The Servant of the Lord and other Essays on the Old Testament, London 1952 (Lutterworth), pp. 191-233; A.-M. Dubarle, «Le Cantique des Cantiques dans l’exégèse de l’Ancien Testament», in Aux grands carrefours de la Révélation et de l’exégèse de l’Ancien Testament, «Recherches bibliques» VIII, Louivain 1967, Desclée de Brouwer, pp.139-151; D. Lys, Le plus beau chant de la création – Commentaire du Cantique des Cantiques, in «Lectio divina» 51, Paris 1968, Editions du Cerf, pp. 31-35; M. H. Pope, Song of Songs, The Anchor Bible, Garden City N.Y. 1977, Doubleday, pp. 113-234.

Nguồn:hdgmvietnam.com

——————–

[248] Dc 4,7.

[249] Dc 2,17.

[250] Dc 5,15-16.

[251] Dc 4,9-10.

[252] Dc 4,7.

[253] Dc 4,9.

[254] Dc 8,4.

[255] Dc 8,10.

[256] Dc 4,12.

[257] Dc 2,16; cfr. 6,3.

[258] Cf. Dc 1,13-14.16: «Người tôi yêu là chùm mộc dược  nằm gọn trên ngực tôi. / Người tôi yêu là khóm móng rồng / trong vườn nho Engheđi. / […] Giường chúng ta là cánh đồng xanh ngát.»

[259] Cf. ibid. 2,3-6.

[260] Cf. ibid. 7,1-8.

[261] Cf. ibid. 7,9-10.11-13.

[262] Cf. ibid. 2,7.

[263] Cf. ibid. 5,2.

[264] Cf. ibid. 1,7-8; 2,17.

[265] Cf. ibid. 5,6.

[266] Cf. ibid. 5,8.

[267] 1Cr 13,4-8.

[268] Dc 8,6.

[269] Dc 8,6.

[270] Tb 6,19.

[271] Ibid. 6,14.

[272] Tb 8,5-8.

[273] Ibid. 8,7.

[274] Ep 5,32.

[275] Ibid.

[276] Ep 5,21.

[277] Ep 5,28.

[278] Ibid. 5,33.

[279] Ibid.

[280] Ep 5,21.

[281] Cf. St 2,23-25.

[282] Cf. 1Tx 4,4-7.

[283] Cf. Rm 8,5.

[284] Ep 5,21.

[285] Cf. Rm 8,23.

Có thể bạn quan tâm