Những Cánh Cửa Của Hy Vọng

399 lượt xem

NHỮNG CÁNH CỬA CỦA HY VỌNG

Phêrô Nguyễn Bảo, Ofm.Conv

Mùa Vọng 2024, điểm nhấn trong Mùa Phụng vụ, khởi đầu và mang theo nhiều hy vọng cho Năm Phụng vụ mới. Giữa rất nhiều âu lo của con người – các thảm họa thiên nhiên với sức tàn phá kinh hoàng liên tục kéo đến, chiến tranh ngày một thêm khốc liệt tại nhiều nơi trên thế giới – Mùa Vọng lại càng trở nên dấu chỉ cho sự “phục hồi” (x. Cv 3,21) bởi sự ngự đến của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đồng thời, Năm Thánh thường lệ 2025, khai mạc vào ngày 24.12.2024 với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng” cũng lại là một sự tái khẳng định của Giáo Hội về niềm hy vọng của việc được đổi mới, được quan phòng trước các “biến chuyển” đầy lo âu và sợ hãi[1]. Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican và tất cả các cửa Thánh tại các Nhà thờ Chính tòa địa phương sẽ được mở. “Đoàn người hành hương bước theo sau Thánh Giá Chúa Kitô, tiến vào các cánh cửa được mở rộng như là dấu chỉ của con đường hy vọng”.[2]

Ngưỡng vọng về Trời cao với niềm hy vọng về một sự tốt đẹp lớn lao

“Là những người hành hương của hy vọng”, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của việc sống có hy vọng. Hy vọng của những người có Đức tin như chúng ta không là hy vọng hão huyền nhưng là hy vọng được đặt nền trên Đấng luôn mang lại hy vọng cho chúng ta. “Trong một thế giới đang diễn ra tình trạng đan xen giữa tiến bộ và thụt lùi, Thánh giá của Chúa Kitô luôn là chiếc neo của ơn cứu độ: dấu chỉ của đức cậy trông không làm thất vọng, vì được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và trung tín.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Buổi Tiếp Kiến Chung, 21.9.2022).  Quả vậy, Đấng nhân hậu và trung tín luôn chờ đợi chúng ta phía sau các cánh cửa được mở rộng. Đây thật sự là những sự mở ra đầy “bí ẩn” và ngọt ngào.

Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9). Đây không chỉ là lời hứa nhưng còn là sự thật bởi Ngài là sự thật (x. Ga 14,6). Vì thế, sự thật này sẽ giải phóng chúng ta (x. Ga 8,32) và mang lại cho chúng ta những hy vọng thật chắc chắn.

Hồng Y Newman đã viết: “Trong linh đạo Mùa Vọng, Đức Kitô xuất hiện như một người đã có mặt đó rồi, và đồng thời vẫn không ngừng được chờ mong. Và Kitô hữu sống linh đạo này như một người chờ đợi Đức Kitô.” Sự chờ đợi và hy vọng của chúng ta được ví von như việc thực hành một nhân đức (nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện, GLHTCG số 1803) nghĩa là chúng ta luôn kiên trì ở lại trong sự chờ đợi và hy vọng vào điều mà Thiên Chúa đã hứa ban.

Lắng nghe “tiếng vọng”

Chúng ta đã ngưỡng vọng Trời cao vì hy vọng chắc chắn về lời hứa của Thiên Chúa. Và lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng sẽ luôn sẵn sàng bước qua các cánh cửa của hy vọng để tiến vào quê Trời nơi chúng ta hằng mong đợi. Dẫu vậy, bước chậm lại để lắng nghe “tiếng vọng” của cuộc đời và “tiếng vọng” của chính mình thì cũng là sự chuẩn bị cần thiết để “bước qua ngưỡng cửa hy vọng” (Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II).

“Tiếng vọng” là lời mời gọi chúng ta nhìn lại những gì đã nghe, đã làm, và cả những gì đang dự định làm trong tương lai. Dường như mỗi ngày, “tiếng vọng” luôn vang lên quanh ta, mời gọi ta suy tư sâu sắc hơn về chính mình và thế giới xung quanh. Mỗi lần đồng hành với anh chị em, liệu chúng ta có cảm nhận được lời mời gọi mang đến bình an và niềm vui cho họ? Mỗi khi bước đi trong sân vườn, liệu chúng ta có thấy mình được nhắc nhở bảo vệ và làm cho hệ sinh thái cây cỏ, hoa lá, chim cá trở nên phong phú hơn? Mỗi khi đến với Chúa, liệu chúng ta có nghe tiếng gọi mời kết hợp mật thiết hơn với tình yêu của Người? Và qua mỗi ngày sống, liệu “tiếng vọng” ấy có thôi thúc chúng ta sám hối, để hoàn thiện bản thân mình không?

Có lẽ, chúng ta thường trả lời “có” cho tất cả các câu hỏi trên nhưng “tiếng vọng” vẫn không ngừng cất lên, như muốn nhắc nhở: “Tại sao đã có, mà mọi thứ chưa tốt hơn? Hoặc: “Chúng ta đã làm những điều đó đến mức nào?” “Tiếng vọng” chính là sự tự vấn lương tâm, giúp chúng ta không rơi vào sự “vọng tưởng” về khả năng của bản thân, mà thay vào đó, giúp ta chân thành nhìn nhận giới hạn và cố gắng vượt qua chúng.

Tạm kết như sự mở ra

Cùng lúc với việc ngưỡng vọng về Trời cao và lắng nghe “tiếng vọng”, chúng ta nhận ra sự dở dang của chính mình. Sự dở dang ấy cần được “phủ đầy” bởi viễn tượng về thực tại Nước Trời, là quê hương thật của chúng ta. “Đoàn hành hương của hy vọng” đang chờ đợi chúng ta cùng bước để tiến về ngày của Chúa ngang qua những cánh cửa của hy vọng. Hình ảnh này thật đẹp và giúp chúng ta ý thức hơn về việc sống tinh thần hiệp hành một cách chắc chắn và đầy tính gắn kết.

Như những lều trại đã bị cắm chặt vào “thế gian” theo dòng thời gian, Mùa Vọng mời gọi ta hãy sẵn sàng nhổ trại để lên đường[3] trong tâm thế của những người bước đi có trách nhiệm như lời thánh Phaolô căn dặn: “Anh em thân mến! Anh em biết rằng đã đến lúc chúng ta phải thức dậy, vì giờ đây phần rỗi chúng ta đã gần đến hơn lúc chúng ta mới tin đạo, đêm sắp tàn, ngày gần đến, chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng, hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày” (Rm 13,11-13).

Mùa Vọng, với tất cả sự chờ đợi và hy vọng, chính là những cánh cửa mở ra để chúng ta bước vào thực tại của Nước Trời. Mỗi bước đi trong hành trình hy vọng ấy nhắc chúng ta về sự chuẩn bị cho ngày Chúa đến, và cũng là lời mời gọi chúng ta sống với trách nhiệm và niềm tin vững chắc. Những cánh cửa của hy vọng luôn rộng mở, chờ đợi chúng ta dũng cảm bước qua, mang theo ánh sáng của tình yêu và sự thức tỉnh trong từng hành động để hướng về một tương lai tràn đầy niềm tin và bình an.

 

[1] x. Gaudium et Spes, số 1.

[2]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nghi-thuc-khai-mac-nam-thanh-2025-tai-cac-hoi-thanh-dia-phuong

[3] x. Nguyễn Hồng Giáo OFM – Viết theo J. Daniélou: Le Mystère de l’Avent, Paris 1948.

Có thể bạn quan tâm