Suy Niệm Lời Chúa Lễ Mẹ Dâng Chúa Vào Đền Thánh – Ánh Sáng Thánh Cung

78 lượt xem

Lễ Mẹ dâng Chúa vào đền thánh (02.02)

(Ml 3,1-4; Tv 23; Lc 2,22-40)

Bài đọc 1 Ml 3,1-4

Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người.

Bài trích sách ngôn sứ Ma-la-khi.

1 Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này : Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, – Đức Chúa các đạo binh phán. 2 Ai chịu nổi ngày Người đến ? Ai đứng được khi Người xuất hiện ? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. 3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc ; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. 4 Lễ vật của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.

Đáp ca     Tv 23,7.8.9.10 (Đ. c.10b)

Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.

7Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.

Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.

8Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
Là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng
Đức Chúa oai hùng khi xuất trận.

Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.

9Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.

Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.

10Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
Là Chúa Tể càn khôn :
chính Người là Đức Vua vinh hiển.

Đ.Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.

Bài đọc 2 Hr 2,14-18

Đức Giê-su đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành vị thượng tế nhân từ.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

14 Thưa anh em, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, 15 và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. 16 Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham. 17 Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. 18 Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.

Tung hô Tin Mừng   Lc 2,32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Đức Ki-tô là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Chúa.

Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng hôm nay

Chính mắt con được thấy ơn cứu độ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 2,22-40

22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Ánh sáng thánh cung

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ hay còn gọi là lễ Nến. Tục lệ đạo đức Lễ Nến ăn sâu trong cuộc sống người tín hữu. Ở nhiều nơi, giáo dân tín hữu mang nến đến nhà thờ để được làm phép trong ngày này. Họ mang nến đã làm phép về thắp lên mỗi khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện khi có người ốm đau hoặc trẩy đi xa, trong những dịp vui mừng cưới hỏi hay tang chế. Đâu là ý nghĩa đích thực của Lễ Nến hay Lễ Mẹ Dâng Chúa vào đền thờ?

  1. Để chu toàn luật buộc

Theo luật Môse (x. Xh 13,11-16; Lv 12,1-8) có chép: trẻ em sơ sinh trong thời hạn luật định phải mang đến đền thờ dâng hiến cho Thiên Chúa; sản phụ sau khi sinh con được 40 ngày phải mang lễ vật vào đền thờ Thiên Chúa, để được thanh tẩy; người con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Vì thế có tục lệ dâng con và lễ vật cho Thiên Chúa để chuộc người con. Bởi thế, Luca đã viết: “Khi đủ ngày thanh tẩy theo luật Môse, cha mẹ Chúa Giêsu đưa Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa” (c.1).

Đức Giêsu khi mạc lấy thân phận con người trong xã hội Do thái, đã thi hành những gì luật dạy, để trở nên khuôn mẫu cho chúng ta. Năm Sự Vui, thứ tư thì ngắm: ‘Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy’ là vậy. Vậy nên thánh Phaolô trong viết trong thư gửi tín hữu Galata: “Khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa sai con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (4,4-5).

  1. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người

Không chỉ là việc thi hành luật buộc, việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh trở nên cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa cứu độ và Dân của Người, những người nghèo, công chính, sống trong niềm hy vọng của Israel, mà đại diện là ông cụ Simeon và bà Anna. Hai thế hệ con người gặp gỡ nhau. Già trẻ gặp nhau. Hai vị trưởng lão Simeon và Anna gặp gỡ trẻ Giêsu. Cựu ước gặp Tân ước, hình ảnh đối diện với thực tại. Qua cuộc tương ngộ này, họ đã nhận ra Hài nhi Giêsu là “ánh sáng cho mọi dân tộc” ( Lc 2,22-40).

Chúa được dâng vào đền thờ, nơi mà con người gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm tự hủy, Thiên Chúa đến gặp gỡ Dân của Người. Đó là cuộc tương ngộ trời – đất. Thiên Chúa trở nên người, trong cuộc trò chuyện và mang lại cho con người niềm vui hạnh ngộ, thỏa khát mong đợi chờ. Đền thờ, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cuộc gặp gỡ không phải trong một nơi chốn được xây cất bằng gỗ đá mà trong một con người, trong chính con người Đức Giêsu Kitô. Người là Đền thờ đích thực, nơi con người thực hiện việc tôn thờ, hiến dâng cho Thiên Chúa trọn vẹn.

  1. Ánh sáng thật được khải thị

Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng bởi ánh sáng, là “Vầng Hồng từ chốn cao vời viếng thăm, soi sáng những ai ngồi trong bóng tối tử thần”. Đó là vinh quang của Israel. Và đây là ý nghĩa của mầu nhiệm: Nơi Trẻ Giêsu, niềm hy vọng của Dân Chúa đã thành hiện thực, “vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ”, cụ Simeon đã thốt lên như vậy, và không chỉ cho Dân Chúa mà là “dành sẵn cho muôn dân”.

Lễ Nến, người ta mang theo nến như là dấu chỉ của Ánh sáng được thắp lên, được thông dự vào Đấng là ánh sáng thật. Chúng ta cầm nến trong tay để cho mọi người thấy vẻ huy hoàng thần thiêng của Đấng đã đến và đang đến. Người đẩy lùi bóng tối tội lỗi, làm cho hoàn vũ nên rực rỡ huy hoàng và ngập tràn ánh sáng vĩnh cửu. Thánh thi Kinh sáng lễ Mẹ dâng Chúa vào Đền thờ diễn tả thực tại này:

Lạy Đức Kitô, thiều quang xán lạn,

Chúc tụng Ngài là ánh sáng thiên thu

Đến xua tan màn đêm tối mịt mù

Khắp thiên hạ bừng lên ngày sáng chói.

Đây Cứu Chúa, Đấng ở cùng nhân loại

Đã bước vào đền thánh tiến dâng Cha

Lễ hy sinh là Thánh Thể chói lòa

Nhân thế rõ lòng Cha yêu trọn vẹn.

Lạy Đức Kitô, thiều quang bất biến

Tán dương Ngài là Ánh sáng muôn dân,

Vị Cứu Tinh đem lửa xuống cõi trần,

Ngài thắp sáng niềm tin trong vũ trụ.

Mỗi chúng ta, qua phép rửa, được xức dầu Thánh Thần để trở nên đền thờ sống động, thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19). Vì thế, “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).

 Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn: dcvphanxicoxavie.com

Có thể bạn quan tâm