Đức thánh cha Phanxicô gặp các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan
Ngọc Yến – Vatican News
Thứ sáu 22/11/2019, ĐTC Phanxicô bước vào ngày thứ hai trong chuyến tông du lần thứ 32. Hoạt động đầu tiên của ĐTC diễn ra tại Giáo xứ Thánh Phêrô, đối diện với Đền thánh Chân phước Nicolas Bunkerd Kitbamrung, thuộc huyện Sam Phran, tỉnh Nakhon Pathom. Tại đây ĐTC gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên.
Đền thánh Chân phước Nicolas Bunkerd Kitbamrung được xây dựng gần nơi Chân phước được sinh ra. Ngày 13 tháng 01 năm 2001, ĐHY Michael Michai Kitbunchu đã dâng kính Đền thánh cho vị linh mục tử đạo Thái Lan đầu tiên. Việc xây dựng được hoàn thành vào tháng 5 năm 2003.
Giáo xứ Thánh Phêrô được thành lập vào năm 1840. Lúc đầu được làm bằng tre, sau đó được trùng tu lại nhiều lần, lần cuối cùng vào năm 1989.
Vào lúc 9 giờ sáng, ĐTC đến Đền thánh. Khi đến nơi, ĐTC được linh mục chánh xứ, Giáo xứ Thánh Phêrô đón tiếp ngay tại lối vào nhà thờ, và tất cả tiến vào nhà thờ. Tại bàn thờ, một linh mục, một nữ tu, một chủng sinh và một giáo lý viên dâng hoa cho ĐTC. ĐTC đặt hoa dưới chân tượng Thánh Phêrô và thinh lặng cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể.
Buổi nói chuyện với các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên được bắt đầu với lời chào mừng của Đức cha chịu trách nhiệm về tu sĩ của Giáo hội Thái Lan. Tiếp đến là lời chứng của sơ Bernadetta. Sơ chia sẻ về ơn gọi của sơ: Gia đình sơ có nguồn gốc Phật giáo, nhưng rồi một ngày kia khi theo bạn bè vào một nhà thờ, sơ đã được vẻ đẹp và ánh mắt dịu dàng của Đức Maria đánh động. Từ đó, sơ bắt đầu tìm hiểu đạo Công giáo và trở thành Kitô hữu, rồi nữ tu.
Lòng biết ơn
Đáp lại lời của Đức cha và của sơ Bernadetta, ĐTC cám ơn các tu sĩ về cuộc sống tử đạo âm thầm, thể hiện ở lòng trung thành và sự dâng hiến hàng ngày. ĐTC nhắc nhở các tu sĩ không được quên cám ơn mỗi ngày về ơn gọi của mình: “Nghĩ đến lịch sử ơn gọi của mỗi người, giúp chúng ta khám phá và nhận ra ngọn lửa của Thánh Linh. Thật là đẹp và quan trọng khi biết tạ ơn. Lòng biết ơn luôn là một ‘vũ khí mạnh mẽ’. Chỉ khi chúng ta suy gẫm và cám ơn một cách cụ thể, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta làn gió tươi mát, làm mới lại đời sống và ơn gọi của chúng ta”.
Đánh thức cái đẹp
“Sơ Bernadetta nói với chúng ta về cách Chúa thu hút anh chị em qua cái đẹp, nét đẹp của một hình ảnh Trinh Nữ. Cái nhìn đặc biệt của Trinh Nữ đã đi vào tâm hồn của anh chị em và khơi dậy ước muốn được biết thêm Trinh Nữ. Người phụ nữ này là ai? Đây không phải là lời nói, ý tưởng trừu tượng hay lý luận lạnh lùng. Tất cả bắt đầu bằng một cái nhìn đẹp khiến anh chị em say mê. Hãy đánh thức cái đẹp, vì nó có thể mở ra những chân trời mới và đưa ra những câu hỏi mới. Một cuộc đời tận hiến không thể mở ra cho sự ngạc nhiên thì nó chỉ là một cuộc sống nữa vời”.
Sứ vụ cho thế giới
Từ cuộc sống cá nhân của người tận hiến, ĐTC đề cập đến sứ vụ cho anh chị em. ĐTC nói: “Chúa không kêu gọi chúng ta, sai chúng ta vào thế giới để làm cho gánh nặng của anh chị em trở nên nặng nề hơn, nhưng để chia sẻ một niềm vui, một chân trời mới, đẹp và đáng ngạc nhiên. Chính điều này thúc đẩy chúng ta không ngại tìm kiếm những biểu tượng và hình ảnh mới, một thứ âm nhạc đặc biệt giúp người dân Thái Lan đánh thức kỳ quan mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Chúng ta không được sợ làm cho Tin Mừng ngày càng được hội nhập vào văn hóa. Cần phải tìm kiếm những hình thức mới để loan truyền Lời có khả năng rung chuyển và đánh thức ước muốn biết Chúa. Hãy can đảm tìm cách rao giảng đức tin “theo tiếng địa phương”, theo cách của một người mẹ hát ru con mình”.
Cầu nguyện
Về đời sống cầu nguyện, một yếu tố vô cùng quan trọng của đời thánh hiến, ĐTC khẳng định rằng: Thành quả tông đồ được duy trì nhờ cầu nguyện. Suy ngẫm trong hành động, cho phép Thiên Chúa đi vào những điều nhỏ nhặt mỗi ngày. Không có cầu nguyện, cả cuộc đời và sứ mệnh của chúng ta sẽ mất đi ý nghĩa, sức mạnh và lòng nhiệt thành. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của việc loan báo Tin Mừng là thiếu lòng nhiệt thành (Eveachii Nuntiandi, 80). Và lòng nhiệt thành đối với tu sĩ, linh mục và giáo lý viên được nuôi dưỡng trong cuộc gặp gỡ kép này: với Chúa và với anh chị em.
Kết thúc bài nói chuyện, ĐTC khuyên các tu sĩ đừng để mình bị rơi vào cám dỗ nghĩ rằng mình chỉ là số ít; nhưng hãy nghĩ mình là những dụng cụ bé nhỏ trong bày tay sáng tạo của Chúa. Ngài sẽ viết trên đó những trang đẹp nhất trong lịch sử cứu độ ở những vùng đất này.
Sau bài huấn dụ, ĐTC cùng cầu nguyện với cộng đoàn và ban phép lành cho tất cả.
———————
ĐTC gặp các Giám mục Thái Lan và Liên hội đồng Giám mục Á châu
Ngọc Yến – Vatican News
Sáng thứ sáu 22/11/2019, sau khi gặp các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên, từ giáo xứ Thánh Phêrô ĐTC đến nhà thờ Chân phước Nicolas. Tại đây, ĐTC có buổi nói chuyện với các Giám mục Thái Lan và Liên hội đồng Giám mục Á châu.
HĐGM Thái Lan được thành lập năm 1965, gồm các giám mục của 2 Tổng giáo phận và 9 Giáo phận. Chủ tịch là Đức cha Louis Chamniern Santisukniram, Tổng Giám mục Thare-Nonseng. Hội đồng Giám mục Thái Lan là thành viên của Liên hội đồng Giám mục Á châu.
Liên hội đồng Giám mục Á châu gồm các Hội đồng Giám mục Nam Á, Đông Nam, Đông và Trung Á, 19 thành viên, có trụ sở tại Hồng Kông và được thành lập vào năm 1970. Mục đích “để thúc đẩy tình liên đới và đồng trách nhiệm của các thành viên” trong việc phục vụ Giáo hội và xã hội của các quốc gia khu vực.
Mở đầu bài nói chuyện, ĐTC nhắc đến mẫu gương hy sinh dâng hiến cả cuộc đời của Chân phước Nicolás Bunkerd Kitbamrung, cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, đào tạo các môn đệ của Chúa tại Thái Lan, cũng như một phần Việt Nam và dọc biên giới với Lào, và được phúc tử đạo. ĐTC mời gọi các Giám mục đặt cuộc gặp gỡ này dưới cái nhìn của Chân phước, để mẫu gương của Chân phước gia tăng lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho các Giáo hội châu Á.
Liên quan tới việc năm 2020 Liên hội đồng Giám mục Á châu sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. ĐTC nhắc nhở rằng đây là một cơ hội tốt để trở về thăm những “nơi thánh thiêng”, nơi gìn giữ cội rễ truyền giáo và để Chúa Thánh Thần thúc đẩy theo bước chân của tình yêu đầu tiên.
Hiện trạng xã hội Á châu, vai trò của các vị mục tử
Đi vào thực tế xã hội Á châu, ĐTC nhận định rằng đây là một lục địa đa văn hóa và đa tôn giáo, điều này là tốt đẹp và phong phú. Nhưng bên cạnh đó tiến bộ công nghệ làm cho cuộc sống được mở ra, nhưng cũng làm cho chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng tăng, dẫn đến bất bình đẳng về kinh tế và xã hội tồn tại giữa người giàu và người nghèo. Đứng trước hiện trạng này, các vị mục tử cùng đấu tranh với dân tộc mình. Điều cần thiết là nhớ đến các vị truyền giáo đầu tiên để “học từ các ngài cách các ngài đối diện với những khó khăn của thời đại của các ngài” (Evagelii gaudium, 263), giúp chúng ta tháo bỏ mọi thứ đã “bám chặt vào chúng ta”, làm cho hành trình trở nên nặng nề.
Vai trò của Chúa Thánh Thần
Một điều quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng đối với ĐTC đó là tin tưởng, biết rằng chính Chúa Thánh Thần là Đấng đầu tiên đi trước và kêu gọi. Chúa Thánh Thần đến trước nhà truyền giáo và ở lại với họ. Chúa Thánh Thần nâng đỡ và thúc đẩy các Tông đồ và nhiều nhà truyền giáo không bỏ qua bất kỳ vùng đất, con người, văn hóa hay hoàn cảnh nào. Các vị đã không tìm kiếm vùng đất mà sẽ đảm bảo thành công; ngược lại, “sự bảo đảm” của các ngài đó là tin chắc rằng không có ai và không có văn hóa nào không có khả năng đón nhận hạt giống của sự sống, hạnh phúc và đặc biệt là tình bạn mà Chúa muốn ban cho họ.
Một phần của dân tộc mình
Tiếp đến, ĐTC nhắc nhở các Giám mục hãy nhớ rằng chúng ta cũng là một phần của dân tộc này; chúng ta được chọn như những người phục vụ, không phải là ông chủ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đồng hành những người mà chúng ta phục vụ với sự kiên nhẫn và dịu dàng, lắng nghe, tôn trọng phẩm giá của họ, luôn khuyến khích và đánh giá các sáng kiến tông đồ của họ. Chúng ta đừng đánh mất sự thật rằng, nhiều vùng đất của anh em đã được giáo dân truyền giáo.
Tương quan với các linh mục
Trong tương quan với linh mục, ĐTC nhấn mạnh cách đặc biệt: “Tôi mời gọi anh em luôn luôn mở cửa cho các linh mục của anh em. Chúng ta đừng quên rằng người thân cận gần gũi nhất của giám mục là linh mục. Hãy gần gũi, lắng nghe, nâng đỡ các linh mục trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt khi anh em thấy các linh mục nản lòng hoặc thờ ơ, đó là điều tồi tệ nhất trong những cám dỗ của ma quỷ. Và anh em làm điều đó không phải với tư cách là thẩm phán, mà là những người cha, không phải là những người quản lý sử dụng các linh mục, mà như những người anh cả. Tạo ra một bầu không khí tin tưởng, thúc đẩy cuộc đối thoại chân thành và cởi mở, tìm kiếm và xin ân sủng để có sự kiên nhẫn như Chúa có với mỗi chúng ta, điều đó thực sự tuyệt vời!”
Kết thúc bài huấn dụ ĐTC động viên: Mặc dù trong tương lai không thiếu những vấn đề chúng ta phải đối diện, nhưng tin tưởng chính Chúa là người đến với sức mạnh Phục sinh biến mọi tai ương, mọi vết thương thành nguồn sống. Chúng ta nhìn về tương lai và xác tín rằng chúng ta không đi một mình, Chúa đang chờ đợi và mời chúng ta nhận ra Ngài, trước hết trong việc bẻ bánh.
————————–
ĐTC gặp các lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác
Văn Yên, SJ – Vatican News
Chương trình buổi chiều thứ Sáu ngày 22/11 của ĐTC bắt đầu lúc 15h20 với việc gặp các lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác, các sinh viên, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok.
Tại buổi gặp gỡ, ĐTC chào thăm các đại diện lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác. Sau đó ông Bundit Eur-arporn, hiệu trưởng trường Đại học Chulalongkorn và Đức cha Chusak Sirisut, chủ tịch Uỷ ban đối thoại liên tôn, chào mừng Đức Thánh Cha.
Trong diễn văn đáp lời, Đức Thánh Cha cảm ơn về lời mời và cơ hội được nói chuyện tại nơi đây.
Từ lịch sử nhìn về hiện tại
ĐTC nhắc lại biến cố “122 năm trước, năm 1897, Vua Chulalongkorn, người được lấy tên để đặt cho trường đại học đầu tiên này, đã đến thăm Roma và có một buổi tiếp kiến với Đức Giáo hoàng Leo XIII. Đây là lần đầu tiên một người đứng đầu nhà nước ngoài Kitô giáo được đón tiếp tại Vatican.”
Ký ức về cuộc gặp gỡ quan trọng đó, cũng như thời kỳ trị vì của vua với nhiều công trạng từ việc xóa bỏ chế độ nô lệ, thách thức chúng ta và khuyến khích chúng ta đảm nhận vai trò quyết định trên con đường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, điều này nên được thực hiện trên tinh thần đoàn kết huynh đệ, giúp chấm dứt nhiều chế độ nô lệ tồn tại trong thời đại của chúng ta, tôi nghĩ đặc biệt đến thảm họa của nạn buôn người.”
Bài học về chung sống
Nhu cầu được công nhận và tôn trọng lẫn nhau, cũng như sự hợp tác giữa các tôn giáo còn cấp bách hơn nữa đối với nhân loại đương đại; thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp, như toàn cầu hóa kinh tế – tài chính và hậu quả nghiêm trọng của nó trong sự phát triển của các xã hội địa phương; sự tiến bộ nhanh chóng – tỏ ra thúc đẩy một thế giới tốt đẹp hơn – nhưng cũng tồn tại song song với các cuộc xung đột dân sự dai dẳng về người di cư, người tị nạn, nạn đói và xung đột chiến tranh; và đồng thời với sự xuống cấp và phá hủy ngôi nhà chung của chúng ta.
Tất cả những thách đố này cảnh báo và nhắc nhở chúng ta rằng không có địa hạt hay khu vực nào trong gia đình nhân loại của chúng ta có thể bị coi là cô lập và miễn nhiễm đối với khu vực khác. Tất cả những thách đố này đòi chúng ta phải can đảm tạo ra những cách thức mới để xây dựng lịch sử hiện tại, mà không chê bai hay thiếu tôn trọng người khác. Đã qua rồi thời kỳ một sự trổi vượt có thể chiếm ưu thế để giải quyết xung đột. Ngày nay đã đến lúc, bằng sự can đảm, phải nghĩ đến sự gặp gỡ và đối thoại lẫn nhau như là con đường, hợp tác chung như là thái độ, và kiến thức như một phương pháp và tiêu chí; từ đó, theo cách này, đưa ra một mô hình mới để giải quyết xung đột, góp phần hiểu biết lẫn nhau và bảo vệ công trình sáng tạo.
Người trẻ cùng nhau lãnh trách nhiệm xây dựng tương lai
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: tất cả những điều chúng ta làm theo cách này là một bước quan trọng để đảm bảo quyền tương lai cho các thế hệ trẻ, và nó cũng sẽ phục vụ cho công lý và hòa bình. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để trở thành nhân vật chính trong cách tạo lập một lối sống bền vững và toàn diện.
Đây là thời đòi chúng ta xây dựng nền tảng vững chắc, dựa trên sự tôn trọng và nhìn nhận phẩm giá con người, thúc đẩy một chủ nghĩa nhân văn toàn diện, có khả năng nhận ra và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Các truyền thống tôn giáo vĩ đại của thế giới làm chứng về một di sản tinh thần, siêu việt và được chia sẻ rộng rãi, có thể mang lại những đóng góp bền vững theo nghĩa này, nếu chúng ta có thể can đảm gặp nhau mà không sợ hãi.
Tất cả chúng ta được kêu gọi không những chú ý đến tiếng nói của những người nghèo xung quanh chúng ta, mà còn không ngại tạo ra những cơ hội đẻ làm điều đó, mà thực sự đã bắt đầu rồi, một cách âm thầm làm việc cùng nhau. Đồng thời, chúng ta được yêu cầu đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ phẩm giá con người và tôn trọng quyền của lương tâm và tự do tôn giáo, tạo ra những không gian, nơi có thể cung cấp một không khí trong lành vì chắc chắn rằng “con người có đủ khả năng để tự hạ mình đến mức cuối, cũng có thể vượt lên chính mình, quyết định cho điều thiện và tự cải hóa mình nên tốt, loại bỏ tất cả những điều kiện tinh thần và xã hội đang đè nén họ.” (Thông điệp Laudato sì, 205).
Những giá trị căn bản
Đức Thánh Cha nhấn mạnh với các bạn trẻ về những vẻ đẹp tại Thái Lan, không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn những giá trị phong phú đến nỗi có thể “xuất khẩu” được.
Trước hết, “các bạn đánh giá cao và quan tâm đến người lớn tuổi, tôn trọng và dành cho họ một vị trí ưu tiên. Với xu hướng ngày càng làm giảm các giá trị và văn hóa địa phương, bằng cách áp đặt một mô hình duy nhất, ‘chúng ta nhìn thấy một khuynh hướng đánh đồng người trẻ, làm mờ nhạt những gì là bản sắc riêng trong nguồn gốc và bối cảnh của họ, và biến họ thành một dòng hàng hóa mới dễ lèo lái. Điều này sinh ra một sự tàn phá văn hóa nghiêm trọng không kém sự diệt chủng các loài động vật hay thực vật.’” (Tông huấn Christus vivit, 186).
Kế đến, ĐTC khuyến khích: “Tôi diễn tả hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục giúp cho những người trẻ khám phá ra di sản văn hoá của xã hội mà họ đang sống. Giúp cho người trẻ khám phá ra rằng kho tàng sống động của quá khứ và ký ức, là hành động yêu thương đích thực đối với họ, nhằm giúp họ trưởng thành và biết đưa ra các quyết định. (x. nt., 187).
Đức Thánh Cha quả quyết rằng: “Tất cả viễn tượng này nhất thiết liên quan đến vai trò của các tổ chức giáo dục như Đại học này. Nghiên cứu và kiến thức sẽ giúp mở ra những cách mới để làm giảm sự bất bình đẳng giữa mọi người, thăng tiến công bằng xã hội, bảo vệ phẩm giá con người, tìm cách giải quyết các xung đột cách ôn hoà và bảo tồn tài nguyên mang lại sự sống cho vùng đất của chúng ta.”
———————-
Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ với giới trẻ Thái Lan
Hồng Thủy – Vatican
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ Thái Lan hãy sẵn sàng đi gặp Chúa Kitô với đức tin được đâm rễ sâu từ gia sản đức tin của cha ông họ, là niềm tin vào Lời Chúa, vào sự sống, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, để họ có thể đứng vững trước khó khăn và là ngọn đèn chiếu sáng cho các bạn và những người xung quanh họ.
Sau khi gặp các vị lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác tại Đại học Chulalongkorn, Đức Thánh Cha đến nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời cách đó 4 cây số để dâng Thánh lễ với giới trẻ.
Nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời
Nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời được nhà truyền giáo người Pháp, cha Pascal, khởi đầu vào năm 1809 với việc quyên góp để xây nhà thờ. Năm 1821 nhà thờ được hoàn tất. Năm 1909, do số tín hữu gia tăng, nhà thờ bắt đầu được trùng tu và mở rộng, và được hoàn tất vào năm 1918.
Nhà thờ có kiến trúc tân Roman, bằng gạch đỏ, có hai tháp vuông cao 32 mét. Nhà thờ bị hư hại một ít trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai. Là trái tim của tổng giáo phận Bangkok, nhà thờ được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm vào tháng 05/1984.
Đến gần nhà thờ, Đức Thánh Cha đổi sang xe mui trần để có thể gần gũi và chào dân chúng đứng dọc hai bên đường chờ đợi ngài.
Thánh lễ
Lúc khoảng 5 giờ chiều Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ với các bạn trẻ. Thánh lễ hôm nay kính nhớ thánh Xêxilia trinh nữ tử đạo. Bài Tin Mừng thuật lại dụ ngôn 10 cô trinh nữ đi đón chàng rể.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ Thái Lan hãy sẵn sàng đi gặp Chúa Kitô với đức tin được đâm rễ sâu từ gia sản đức tin của cha ông họ, là niềm tin vào Lời Chúa, vào sự sống, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, để họ có thể đứng vững trước khó khăn và là ngọn đèn chiếu sáng cho các bạn và những người xung quanh họ.
Hân hoan đi gặp Chúa Kitô
Bắt đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe mời gọi chúng ta lên đường, hướng về tương lai để gặp gỡ điều đẹp nhất mà nó có thể mang đến cho chúng ta: Chúa Kitô trở lại lần sau hết trong cuộc đời chúng ta và trên thế giới. Chúng ta hãy chào đón Người đến giữa chúng ta với niềm vui và tình yêu vô bờ, như chỉ có người trẻ có thể làm! Trước khi chúng ta đi tìm Người, chúng ta biết rằng Người tìm kiếm chúng ta, Người đến gặp gỡ chúng ta và mời gọi chúng ta kiến tạo và hoạch định một tương lai. Chúng ta hân hoan lên đường vì biết Người đang đợi chúng ta ở đó.”
Chúa có kế hoạch cho mỗi người trẻ
Tiếp đến Đức Thánh Cha nói rằng Chúa đang trông cậy vào những người trẻ thực hiện sứ vụ của họ: “Như Thiên Chúa có kế hoạch cho Dân tộc được tuyển chọn, Người cũng có kế hoạch cho mỗi người các con. Trước hết Người mơ ước mời gọi tất cả chúng ta đến bàn tiệc mà chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị, Người và chúng ta, như một cộng đồng: bữa tiệc của vương quốc Người, nơi mà không ai bị loại trừ.”
Không sẵn sàng: không có nhiên liệu nội tâm
Mọi người được mời gọi hướng về tương lai và tham dự vào bữa tiệc của Chúa, như mười trinh nữ trong bài Tin Mừng. Vấn đề là chỉ có một vài người trong số họ sẵn sàng nhận lời mời, còn số khác thì không, vì họ thiếu dầu cần thiết cho đèn của họ, là nhiên liệu nội tâm để giữ cho ngọn lửa tình yêu bùng cháy. Đức Thánh Cha giải thích: “Họ có động lực và rất phấn khích; họ muốn tham gia vào bữa tiệc mà vị Tôn sư đã mời. Nhưng thời gian trôi qua, họ trở nên mệt mỏi, mất năng lượng và nhiệt huyết, và họ đã đến muộn.”
Có thể xảy ra với mỗi Kitô hữu
Điều này có thể xảy ra với bất kỳ Kitô hữu nào. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tràn đầy động lực và ước mơ, chúng ta nghe thấy lời mời của Chúa tham dự vào Vương quốc của Người và chia sẻ niềm vui của Người với những người khác. Và nó thường xảy ra, như mỗi người trong các con đều biết, khi đối mặt với những vấn đề và trở ngại như đau khổ của những người thân yêu, hoặc sự bất lực mà chính chúng ta cảm thấy trước những tình huống dường như không thể thay đổi được, sự không tin và cay đắng có thể chiếm lấy và âm thầm ngấm vào các giấc mơ của chúng ta, khiến trái tim chúng ta trở nên lạnh lẽo, khiến chúng ta mất đi niềm vui và đến muộn.”
Những câu hỏi
Vì thế, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi cho các bạn trẻ: “Các con có muốn giữ cho ngọn lửa bùng cháy, có thể soi sáng cho các con giữa những đêm đen và trước các khó khăn không? Các con có muốn chuẩn bị cho mình đáp lại lời mời gọi của Chúa không? Các con có muốn sẵn sàng làm theo ý Chúa không? Làm thế nào để có được dầu giúp các con tiến bước và khuyến khích các con tìm kiếm Chúa trong mọi tình huống?”
Gia sản đức tin của cha ông
Đức Thánh Cha nhắc đến gia sản quý giá mà người trẻ Thái Lan được thừa hưởng từ các nhà truyền giáo, từ cha ông họ: “Nhà thờ chính tòa tuyệt đẹp này là chứng tá của đức tin vào Chúa Kitô của tổ tiên các con: lòng trung thành được đâm rễ chắc chắn của họ đã thúc đẩy họ làm việc tốt, xây dựng một ngôi đền khác, thậm chí còn đẹp hơn, bao gồm những viên đá sống động để mang tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với người dân cùng thời với họ. Họ đã có thể làm điều này bởi vì họ tin chắc về điều mà ngôn sứ Hô-sê tuyên bố trong bài đọc thứ nhất hôm nay: Thiên Chúa đã nói với họ bằng sự dịu dàng, Người đã ôm họ với tình yêu mãnh liệt, mãi mãi (x. Hs 2,16,21).”
Chỉ nơi Chúa Kitô chúng ta tìm được sự hạnh phúc và an toàn
Và ngài nhắn nhủ giới trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, để ngọn lửa của Chúa Thánh Linh không bị tắt, và để các con có thể giữ cho đôi mắt và trái tim của các con tỉnh thức, chúng cần phải được đâm rễ sâu từ đức tin của cha ông chúng ta: cha mẹ, ông bà và giáo viên. Không phải là để chúng ta trở thành tù nhân của quá khứ, nhưng để học cách có lòng can đảm có thể giúp chúng ta ứng phó với các tình huống lịch sử mới. Cuộc đời của họ chịu đựng nhiều thử thách và nhiều đau khổ. Nhưng trên đường đi, họ đã khám phá ra bí mật của một trái tim hạnh phúc là sự an toàn mà chúng ta tìm thấy khi chúng ta neo đậu, đâm rễ nơi Chúa Kitô: trong sự sống của Người, trong lời nói của Người, trong sự chết và sự phục sinh của Người.”
Đức tin không đâm rễ sâu sẽ bị sóng gió vùi dập
Nhắc lại tông huấn về người trẻ ‘Chúa Kitô hằng sống”, Đức Thánh Cha nói đến những cây non, vươn cao, đầy hy vọng, nhưng sau một cơn bão, chúng bị gãy đổ, không còn sự sống, bởi vì chúng có ít rễ, các nhánh của chúng vươn rộng mà không ăn rễ sâu xuống đất, và vì vậy chúng bị khuất phục trước sự tấn công của thiên nhiên. Ngài chia sẻ: “Đây là lý do tại sao cha đau lòng khi thấy một số người đề nghị với những người trẻ xây dựng một tương lai không có cội rễ, như thể thế giới bắt đầu từ lúc này. Bởi vì người ta không thể nào phát triển nếu không có những gốc rễ mạnh mẽ giúp nó đứng vững và bám chặt vào đất. Thật dễ dàng bị ‘cuốn trôi’ khi không có gì để bám vào, để giữ chặt” (Tông huấn Christus vivit, 179).”
Đức Thánh Cha cảnh giác rằng nếu không ý thức mạnh mẽ về sự đâm rễ sâu này, chúng ta có thể bị những “tiếng nói” của thế giới này cuốn đi. Nhiều thứ có vẻ ngoài hấp dẫn và thú vị, nhưng về lâu về dài, chúng sẽ chỉ khiến chúng ta cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi, cô đơn và bất mãn (xem ibid., 277), và dần dần dập tắt tia sáng của cuộc sống mà Chúa từng thắp lên trong trái tim mỗi người trong chúng ta.
Tình bạn với Chúa Giêsu là dầu thắp sáng đèn của chúng ta và của tha nhân
Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ hãy duy trì niềm vui sinh động và đừng sợ hãi nhìn về tương lai cách tự tin. “Được đâm rễ sâu trong Chúa Kitô, các con hãy nhìn tất cả mọi thứ với niềm vui và sự tự tin khi biết rằng Chúa tìm kiếm, gặp gỡ chúng ta và vô cùng yêu thương chúng ta. Tình bạn được vun đắp với Chúa Giêsu là dầu cần thiết để thắp sáng con đường của các con và cả hành trình của những người xung quanh: bạn bè và hàng xóm, bạn học và đồng nghiệp, kể cả những người không cùng suy nghĩ như các con.”
Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy đi gặp Chúa Kitô, vì Người đang đến! Đừng sợ tương lai hoặc để các con bị đe dọa. Thay vào đó, hãy biết rằng Chúa đang chờ đợi các con ở đó, để chuẩn bị và cử hành bữa tiệc trong Vương quốc của Người.”
Đức Hồng y tổng giám mục Bangkok cám ơn Đức Thánh Cha
Cuối Thánh lễ, Đức Hồng y tổng giám mục Bangkok, chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái lan, đại diện chào Đức Thánh Cha. Ngài nói rằng những người trẻ luôn ở trong tim của Đức Thánh Cha. Họ là hiện tại và tương lai của Giáo hội và xã hội. Họ là “thời khắc hiện tại” của Thiên Chúa. Giáo hội Công giáo Thái tin rằng họ có vai trò quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng. Do đó Giáo hội dấn thân đào luyện họ trở thành những nhà lãnh đạo, cho họ tham gia vào đời sống và giúp họ phân định giữa những thách đố xã hội có ảnh hưởng đến tôn giáo.
Giáo hội Thái sẽ trở thành cộng đoàn chứng nhân của một nhân loại huynh đệ
Tiếp đến, Đức Hồng y cám ơn Đức Thánh Cha về những ngày tuyệt vời và tốt đẹp trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Ngài cầu mong dịp tạ ơn này sẽ biến thành hành động và cuộc sống tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn Đức Thánh Cha, vì cuộc sống của Đức Thánh Cha làm chứng về tình yêu cụ thể của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo hội Thái từ bây giờ, từng bước, ngày từng ngày, sẽ trở thành cộng đoàn chứng nhân của một nhân loại huynh đệ.
Lời cám ơn của Đức Thánh Cha
Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng cảm ơn những người đã giúp cho chuyến viếng thăm của ngài có thể thực hiện và những người cộng tác cho việc tổ chức. Ngài cám ơn quốc vương Rama X và chính quyền đã đón tiếp ngài nồng nhiệt. Đức Thánh Cha chân thành cám ơn các Giám mục, đặc biệt Đức Hồng y Phanxicô Xaviê, các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân và đặc biệt các bạn trẻ yêu quý!
Đức Thánh Cha không quên cám ơn các tình nguyện viên đã quảng đại cộng tác cho việc tổ chức chuyến viếng thăm; và ngài cám ơn những người đã đồng hành với ngài bằng lời cầu nguyện và những hy sinh của họ, cách đặc biệt là các bệnh nhân và các tù nhân.
Đức Thánh Cha xin Chúa trả công cho mọi người và ban cho họ niềm an ủi và bình an mà chỉ có Chúa có thể ban. Và ngài xin họ thực hiện một điều: xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Tại phòng thánh, Đức Thánh Cha đã làm phép 25 viên đá để xây dựng một nhà thờ mới ở Thái Lan. Sau đó, ngài trở về Tòa Sứ thần cách đó 3 cây số để dùng bữa và nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Thái Lan.
BBT tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11