Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B

11679 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM B

 Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B:

Đức Phanxicô:

14.03.2021 – Ba danh xưng của Chúa Giêsu

11.03.2018 – Hân hoan vì được Thiên Chúa yêu thương cứu rỗi

15.03.2015 – Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Đức Bênêđictô XVI:

18.03.2012 – Thái độ của mỗi người trước ơn cứu độ của Chúa

Bài Ðọc I: 2Sb 36, 14-16. 19-23

Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10

Phúc Âm: Ga 3, 14-21

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 14.03.2021 – Ba danh xưng của Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa nhật thứ tư Mùa Chay này, phụng vụ Thánh Thể bắt đầu với lời mời gọi: “Mừng vui lên, Giêrusalem hỡi” (Is 66,10). Đâu là lý do của niềm vui này? Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’. (Ga 3, 16). Sứ điệp vui mừng này là trung tâm đức tin Kitô giáo: Tình yêu Thiên Chúa đã đạt tuyệt đỉnh khi ban tặng Người Con cho nhân loại yếu đuối và tội lỗi. Thiên Chúa đã ban Con Ngài cho chúng ta, cho từng người chúng ta.

Đây là những gì xuất hiện trong cuộc đối thoại ban đêm giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô (Ga 3, 14-21). Ông Nicôđêmô cũng như mọi người dân Israel khác, đang mong đợi Đấng Mêsia, xác định Người là một người mạnh mẽ, có quyền xét xử thế gian. Trong cuộc đối thoại này, Chúa Giêsu đã làm cho Nicôđêmô hiểu đúng ý nghĩa của sự chờ mong này, bằng cách bày tỏ chính Người dưới ba khía cạnh: Con Người được tôn vinh trên thập giá; Con Thiên Chúa được sai đến thế gian để cứu độ; và ánh sáng phân biệt những người theo sự thật với những người theo những lời dối trá. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh này: Con người, Con Thiên Chúa và ánh sáng.

Trước hết, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình với tư cách là Con Người (câu 14-15). Bản văn ám chỉ con rắn đồng (Ds 21, 4-9), đã được ông Môsê giương cao trong sa mạc theo ý Thiên Chúa, khi dân Israel bị rắn độc tấn công; ai bị rắn cắn và ngước nhìn con rắn đồng này thì sẽ được chữa khỏi. Chúa Giêsu cũng như vậy, Người được gương cao trên thập giá và ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Khía cạnh thứ hai là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người: Thiên Chúa thực hiện điều này trong việc nhập thể của Con Một và đã trao ban Con Một cho đến chết. Mục đích của việc trao ban này là sự sống đời đời của con người: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ cứu độ tất cả mọi người.

Danh xưng thứ ba Chúa Giêsu tự đặt cho mình là “ánh sáng” (câu 19-21). Tin Mừng cho biết: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (câu 19). Việc Chúa Giêsu đến thế gian đưa đến một chọn lựa: ai chọn bóng tối phải đối diện với sự xét xử, ai chọn ánh sáng sẽ được ơn cứu độ. Bản án là hậu quả của việc lựa chọn tự do của mỗi người: ai làm điều ác thì tìm bóng tối, ai thực hành sự thật, bác ái thì tìm đến ánh sáng. Ai bước đi trong ánh sáng, ai đến gần ánh sáng, thì làm điều tốt. Đây là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện với sự dấn thân nhiều hơn trong Mùa Chay: đón nhận ánh sáng vào lương tâm của chúng ta, để mở rộng tâm hồn chúng ta trước tình thương vô biên của Thiên Chúa, với lòng thương xót đầy dịu dàng và nhân hậu của Người. Nhờ đó, chúng ta sẽ tìm được niềm vui đích thực và có thể vui mừng trong sự tha thứ của Thiên Chúa, Đấng tái tạo và ban sự sống.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta không sợ để Chúa Giêsu “đặt mình vào khủng hoảng”. Đó là một cuộc khủng hoảng lành mạnh, vì sự chữa lành của chúng ta; để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 11.03.2018 – Hân hoan vì được Thiên Chúa yêu thương cứu rỗi

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật thứ tư này của Mùa Chay cũng gọi là Chúa Nhật “laetare”, nghĩa là “hãy vui lên” vì ca nhập lễ mời gọi chúng ta vui lên như thế: “Hỡi Giêrusalem, hãy vui lên… – như vậy đây là một lời mời gọi hân hoan – Hãy reo hò và mừng vui, hỡi các ngươi là những kẻ đã ưu phiền”. Đâu là lý do của niềm vui này? Lý do là tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, như Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta: “Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16). Các lời này đã được Chúa Giêsu nói lên trong cuộc gặp gỡ với ông Nicodemo, tóm gọn một đề tài trung tâm của lời loan báo kitô; cả khi tình hình xem ra có tuyệt vọng đi nữa, Thiên Chúa can thiệp và cống hiến cho con người ơn cứu độ và niềm vui. Thật thế, Thiên Chúa không đứng riêng ra, nhưng bước vào trong lịch sử của nhân loại, Ngài “xen mình vào” cuộc sống chúng ta, Ngài bước vào để linh hoạt nó với ơn thánh và cứu rỗi nó.

Chúng ta được mời gọi lắng nghe lời loan báo này, bằng cách đẩy lui cám dỗ cho mình là chắc chắn, muốn hành động một mình không có Thiên Chúa, bằng cách đòi cho mình một sự tự do tuyệt đối khỏi Ngài và khỏi Lời Ngài. Khi chúng ta tìm lại được lòng can đảm nhận biết điều chúng ta là – cần phải có can đảm cho điều này – chúng ta nhận ra mình là những người được mời gọi tính sổ với sự dòn mỏng và các hạn hẹp của chúng ta. Khi đó có thể xảy ra là chúng ta bị âu lo, sợ hãi cho ngày mai, sợ hãi bệnh tật và cái chết. Điều này giải thích tại sao có nhiều người khi tìm một lối thoát, đôi khi lại rơi vào các ngõ tắt nguy hiểm, chẳng hạn như vào con đường hầm của ma tuý hay mê tín dị đoan hoặc các lễ nghi tàn phá của ma thuật. Thật là tốt, khi thừa nhận các hạn hẹp, các dòn mỏng của mình, chúng ta phải hiểu biết chúng, nhưng không phải để tuyệt vọng, mà là để dâng chúng lên cho  Chúa ; và Ngài giúp chúng ta trong con đường chữa lành, Ngài cầm tay chúng ta và không bao giờ bỏ chúng ta một mình, không bao giờ! Thiên Chúa ở với chúng ta, và vì thế tôi vui mừng, hôm nay chúng ta hân hoan: “Hãy vui lên hỡi Giêrusalem” Ngài nói, bởi vì Thiên Chúa ở với chúng ta.

Và chúng ta có niềm hy vọng đích thật và lớn lao nơi Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót, là Đấng đã ban Con Ngài cho chúng ta để cứu rỗi chúng ta, và đó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta cũng có biết bao nhiêu buồn sầu, nhưng khi chúng ta là các kitô hữu đích thực, thì có niềm hy vọng là một niềm vui bé nhỏ lớn lên và trao ban an ninh cho bạn. Chúng ta không được chán nản ngã lòng, khi trông thấy các hạn hẹp, các tội lỗi, các yếu đuối của mình: Thiên Chúa ở gần, Chúa Giêsu ở trên thập giá để chữa lành chúng ta. Đó là tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đinh và tự nhủ: “Thiên Chúa yêu tôi”. Đúng thật là có các hẹn hẹp, các yếu đuối, các tội lỗi này, nhưng Thiên Chúa lớn lao hơn các cạn hẹp, các yếu đuối và các tội lỗi. ĐTC nhắn nhủ mọi người như sau:

Anh chị em đừng quên điều này: Thiên Chúa lớn lao hơn các yếu đuối, các bất trung, các tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta hãy nắm lấy tay Chúa, hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đanh và hãy tiến tới.

Ước chi Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên  Chúa yêu thương.  Xin Mẹ ở gần bên chúng ta trong những lúc chúng ta cảm thấy cô đơn, khi chúng ta bị cám dỗ đầu hàng các khó khăn của cuộc sống. Xin Mẹ thông truyền cho chúng ta các tâm tình của Chúa Giêsu Con Mẹ, để con đường muà Chay của chúng ta trở thành kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 15.03.2015 – Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Anh chị em thân mến,

Phúc Âm hôm nay tái đề nghị với chúng ta các lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Khi nghe các lời này, chúng ta hướng cái nhìn của con tim lên Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh và cảm thấy trong chúng ta  rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta thật sự và yêu thương chúng ta biết bao! Đó là kiểu diễn tả đơn sơ nhất tóm gọn toàn Tin Mừng, toàn đức tin, toàn thần học: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn.

Tình yêu ấy Thiên Chúa chứng minh nó trước hết trong việc tạo dựng, như phụng vụ loan báo trong kinh nguyện Thánh Thể 4: “Cha đã tác thành vũ trụ để đổ tình thương của Cha xuống trên tất cả mọi tạo vật và khiến chúng vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”. Ở nguồn gốc thế giới chỉ có tình yêu tự do và nhưng không của Thiên Chúa Cha. Thánh Ireneo viết rằng: “Thiên Chúa đã không tạo dựng nên Ađam vì Ngài cần đến con người, nhưng để có ai đó mà ban các ơn phúc” (Adversus haereses, IV 14,1). Và Kinh nguyện Thánh Thể 4 viết tiếp: “Và khi, vì bất phục tùng, con người đã mất tình nghĩa với Cha, Cha đã không bỏ mặc con người trong quyền lực sự chết, nhưng trong lòng thương xót Cha đã đến gặp gỡ mọi người”. Như trong việc tạo dựng cả trong các chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ nổi bật lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa: Chúa chọn dân Người không phải vì họ xứng đáng, nhưng chính vì họ là dân bé nhỏ nhất trong tất cả mọi dân tộc. Và khi đến thời viên mãn, mặc dầu con người đã nhiều lần bẻ gẫy giao ước , Thiên Chúa, thay vì bỏ rơi họ, đã ký kết với họ một dây cột buộc mới, trong máu Chúa Giêsu – mối dây của giao ước mới vĩnh cửu – mà không có gì có thể bẻ gẫy được.

Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người cũng đã cho chúng ta được sống lại với Đức Kitô” (Ep 2, 4). Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta cho tới cùng” (Ga 13,1), nghĩa là không phải chỉ cho tới phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, nhưng cho tới mức tột đỉnh của tình yêu. Nếu trong việc tạo dựng Thiên Chúa Cha đã trao ban bằng chứng tình yêu vô biên của Người bằng cách ban cho chúng ta sự sống, thì trong cuộc khổ nạn của Con Ngài Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của các bằng chứng: Người đã đến để đau khổ và chết cho chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa thật lớn lao: Ngài yêu thương chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta; Thiên Chúa tha thứ tất cả và Thiên Chúa luôn tha thứ.

Sau cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, thánh Phaolô nói “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ trên con tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội bảo đảm ký ức sống động của Chúa Kitô và Người hoạt dộng khắp mọi nơi, cả ngoài Giáo Hội nữa, bằng cách làm cho các giá trị nhân bản đích thực lớn lên. Thần Khi của tình yêu làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên Chúa và các anh chị em khác. Dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu này là bí tích Thánh Thể, tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu: mỗi khi chúng ta cử hành nó, là chúng ta sống lại biến cố Núi Sọ, tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Xin Mẹ gần gũi chúng ta trong những lúc khó khăn và ban cho chúng ta các tâm tình của Con Mẹ, để cho lộ trình mùa chay của chúng ta là kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 18.03.2012 – Thái độ của mỗi người trước ơn cứu độ của Chúa

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang ở vào tuần thứ tư trên hành trình tiến về lễ Phục Sinh, hành trình mà nơi đó chúng ta tiến bước cùng với Chúa Giêsu trong “hoang địa”. Đây là quãng thời gian chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và cũng là để vạch trần mặt nạ của những cám dỗ trong lòng chúng ta. Ở phía chân trời của hoang địa này chúng ta thấy nổi lên cây thập giá. Chúa Giêsu biết đích điểm sứ vụ của Ngài và thực ra, thập giá Chúa Kitô là đỉnh điểm của tình yêu, tình yêu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu khẳng định điều này trong trình thuật Tin Mừng: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Trình thuật này nhắc lại một điểm trong cuộc xuất hành của người Do Thái từ đất Ai Cập. trong hành trình đó, một số người bị rắn độc cắn và bị chết. Khi đó, Thiên Chúa ra lệnh cho ông Môsê làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây sào: ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa lành (x. Ds 21,4-9). Đức Giêsu sẽ được giương cao trên thập giá để bất cứ ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Ngài với lòng tin thì sẽ được cứu độ. Thánh Gioan đã nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Thánh Âutinh từng suy niệm rằng: “Người thầy thuốc là người đến để chữa bệnh. Nếu người bệnh không tuân theo đơn thuốc và chỉ dẫn của thầy thuốc, anh ta tự làm hại mình. Đấng Cứu Thế đến thế gian… nếu anh không muốn được Ngài cứu chuộc, anh tự phán xét chính mình” (Sul Vangelo di Giovanni, 12,12: PL 35, 1190). Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và Người đã ban Con Một để chuộc tội cho con người. Phần chúng ta, mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về mình. Thực vậy, mỗi người phải nhận biết tình trạng đau bệnh của mình để được cứu chữa; từng người phải nhìn nhận chính tội của mình để ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã thể hiện trên Thập giá, hiện thực trong tâm hồn và cuộc sống mỗi người. Thánh Âutinh viết tiếp: “Thiên Chúa lên án tội lỗi và nếu anh cũng làm tương tự, anh được hiệp thông với Thiên Chúa. Khi anh bắt đầu tách mình khỏi những gì đã làm, khi đó anh khởi sự nhưng việc tốt lành bởi đã từ bỏ những việc bất chính. Nên hoàn thiện bắt đầu từ việc nhận ra những sai sót của mình”. Đôi khi con người chuộng bóng tối hơn ánh sáng bởi đã bị tội lỗi ràng buộc; nhưng chỉ khi con người mở ra với ánh sáng, chỉ khi xưng thú cách chân thành lỗi phạm của mình với Thiên Chúa, khi đó con người tìm thấy bình an đích thực. Như thế, điều tiên quyết là hãy thường xuyên đến với bí tích hoà giải, đặc biệt trong Mùa Chay thánh, để nhận ơn tha thứ của Chúa và tiến bước vững mạnh trên đường hoán cải.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng trọng thể lễ thánh Giuse. Tôi chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã nhớ đến tôi qua lời cầu nguyện trong ngày lễ bổn mạng. Đặc biệt, xin cầu nguyện cho tôi trong chuyến viếng thăm mục vụ đến Mêxicô và Cuba vào thứ sáu tuần tới. Chúng ta cùng phó thác chuyến viếng thăm cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm, người được tôn kính cách đặc biệt nơi hai quốc gia này.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Nguồn:hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm