Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (16.05.2021) – Chúa thăng thiên là niềm vui của chúng ta

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (13.05.2018) – Khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (20.05.2012) – Đất được nối liền với Trời

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (16.05.2021) – Chúa thăng thiên là niềm vui của chúng ta

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tại Ý và các quốc gia khác, chúng ta cử hành Lễ Chúa Thăng Thiên. Đoạn Tin Mừng (Mc 16,15-20) – phần kết của Tin Mừng thánh Marcô – trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Đấng Phục sinh với các môn đệ trước khi lên ngự bên hữu Chúa Cha. Thông thường, như chúng ta biết, những cảnh chia tay thường rất buồn. Chúng làm cho người ở lại cảm giác hoang mang, bị bỏ rơi; nhưng tất cả điều này đã không xảy ra với các môn đệ. Mặc dù phải xa Chúa, các môn đệ không tỏ ra chán nản, trái lại, các môn đệ vui vẻ và sẵn sàng ra đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta cũng phải vui mừng khi Chúa Giêsu về trời? Vì sự thăng thiên hoàn thành sứ mạng của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Thật ra, nếu vì chúng ta mà Chúa từ trời xuống, thì cũng vậy vì chúng ta, Người lên trời. Sau khi xuống với nhân loại và cứu chuộc chúng ta, giờ đây Chúa lên trời mang theo thân xác của chúng ta. Chúa Giêsu là người đầu tiên bước vào thiên đàng, vì Chúa là người thật, là Thiên Chúa thật. Thân xác chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Bên hữu Chúa Cha hiện đang có một thân xác con người, thân xác Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta suy ngẫm về đích đến tương lai của chính mình. Ở đây không phải là sự bỏ rơi, bởi vì Chúa Giêsu vẫn ở với các môn đệ, với chúng ta. Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha trong tư cách là con người và là Thiên Chúa. Chúa Giêsu tỏ cho Chúa Cha thấy những vết thương, mà nhờ đó Người cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu ở đó đang cầu nguyện. Người là một trong chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Và điều này đem lại cho chúng ta niềm vui.

Và lý do thứ hai để vui mừng là lời hứa của Chúa Giêsu. Người nói với chúng ta: “Thầy sẽ ban Thánh Thần cho anh em”. Và ở đó, với Chúa Thánh Thần, lệnh truyền được Người đưa ra khi từ biệt: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”. Và chính quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta vào thế giới để rao giảng Tin Mừng. Đó là Chúa Thánh Thần của ngày hôm đó, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa, và 9 ngày sau, Ngài sẽ đến vào Lễ Ngũ Tuần. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta ngày hôm nay có thể có được thực hiện con đường loan báo Tin Mừng. Một niềm vui lớn lao! Chúa Giêsu lên trời: con người đầu tiên trước mặt Chúa Cha.

Trong ngày lễ Thăng Thiên này, khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã thăng thiên ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm của Chúa Phục Sinh trong thế giới trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (13.05.2018) – Khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tại Italia cũng như mọi nước khác là lễ trọng mừng Chúa lên Trời. Lễ này bao gồm hai yếu tố. Một đàng nó hướng cái nhìn của chúng ta về Trời, nơi Chúa Giêsu vinh hiển ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (x. Mc 16,19). Đàng khác, nó nhắc nhớ chúng ta việc khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Tại sao? Bởi vì Chúa Giêsu phục sinh và lên Trời gửi các môn đệ ra đi phổ biến Tin Mừng trên toàn thế giới. Vì thế lễ Thăng Thiên khích lệ chúng ta hướng nhìn về Trời để rồi lập tức nhìn vào trái đất và thực thi các nhiệm vụ Chúa phục sinh tín thác cho chúng ta.

Đó là điều trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, trong đó biến cố Thăng Thiên đến ngay sau sứ mệnh Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ. Đây là một sứ mệnh vô biên giới – nghĩa là không có giới hạn – vượt quá sức lực con người. Thật thế, Chúa Giêsu nói: “Các con hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15). Xem ra thật quá táo bạo nhiệm vụ Chúa Giêsu trao phó cho một nhóm ít người đơn sơ và không có các  khả năng trí thức lớn lao! Thế nhưng nhóm người yếu đuối, vô nghĩa trước các quyền lực lớn của thế giới này, lại được mời gọi đem sứ điệp tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giê su tới mọi xó xỉnh của trái đất này.

Nhưng chương trình này của Thiên Chúa chỉ có thể được thực hiện với sức mạnh mà chính Thiên Chúa ban cho các Tông Đồ. Trong nghĩa đó Chúa Giêsu bảo đảm rằng sứ mệnh của họ sẽ được Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Chúa nói: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên các con và các con sẽ là chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong toàn vùng Giuđêa và Samaria cho tới tận cùng trái đất “ (Cv 1,8). Như thế, sứ mệnh này đã có thể được thực hiện,  và các Tông Đồ đã bắt đầu công trình này sẽ được các người kế vị tiếp tục. Sứ mệnh Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Đồ được tiếp nối qua các thế kỷ và còn được tiếp tục ngày nay: nó đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta, nhờ sức mạnh của bí tích Rửa Tội đã nhận lãnh, được phép loan báo Tin Mừng. Nghĩa là chính bí tích Rửa Tội cho phép và thúc đẩy chúng ta trở thành các thừa sai loan báo Tin Mừng.

Lễ Chúa Thăng Thiên trong khi khai mào một hình thức hiện diện mới của Chúa Giêsu giữa chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có đôi mắt và con tim để gặp gỡ Ngài, phục vụ Ngài và làm chứng cho Ngài trước các người khác. Đây là việc trở thành các người nam nữ của sự Thăng Thiên, nghĩa là những người kiếm tìm Chúa Kitô dọc dài các nẻo đường của thời đại chúng ta, đem lời cứu rỗi của Ngài cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Trong lộ trình này chúng ta gặp gỡ chính Chúa Kitô nơi các anh chị em khác, nhất là nơi các anh chị em nghèo túng nhất, nơi những người đau khổ trên thân xác, sống  kinh nghiệm khó khăn và đớn đau của các tình trạng nghèo túng cũ và mới. Như thuở ban đầu Chúa Kitô phục sinh đã gửi các tông đồ của Ngài ra đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ngày nay cũng thế Ngài gửi tất cả chúng ta ra đi với cùng sức mạnh ấy để là các dấu chỉ cụ thể hữu hình của niềm hy vọng. Bởi vì Chúa Giêsu Đấng trao ban cho chúng ta niềm hy vọng đã về Trời, và mở cửa trời ra cho chúng ta và niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ về Trời.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Chúa đã chết và sống lại đã linh hoạt đức tin của cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, giúp chúng ta nâng tâm lòng lên như phụng vụ hôm nay khuyến khích chúng ta. Đồng thời xin Mẹ giúp chúng ta có đôi chân “đứng trên mặt đất” và can đảm gieo vãi Tin Mừng trong các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống và của lịch sử.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (20.05.2012) – Đất được nối liền với Trời

Anh chị em thân mến,

Theo sách Tông Đồ Công vụ, 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu lên trời, nghĩa là trở về cùng Chúa Cha, Đấng đã sai Người xuống trần thế. Tại nhiều nước, mầu nhiệm này được cử hành không phải vào ngày thứ năm vừa qua, nhưng là hôm nay, là chúa nhật sau đó. Lễ Chúa Thăng Thiên đánh dấu sự hoàn thành công trình cứu độ đã được khởi sự với việc nhập thể. Sau khi đã dặn dò các môn đệ lần cuối cùng, Chúa Giêsu lên trời (Xc Mc 16,19). Nhưng Người “không xa lìa thân phận chúng ta” (Xc Kinh Tiền Tụng); thực vậy, trong nhân tính của Người, Người đã đón nhận nhận loại với Người vào trong vòng thân mật với Chúa Cha và qua đó Người tỏ lộ đích điểm sau cùng của cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu đã từ trời xuống và vì chúng ta Người đã chịu đau khổ, và chịu chết trên thập giá, Người cũng vì chúng ta mà sống lại và lên cùng Chúa Cha, vì thế, Người không còn xa lạ nữa, nhưng là “Thiên Chúa chúng ta”, là “Cha chúng ta” (Xc Ga 20,17).

Lễ Thăng Thiên là hành vi cuối cùng trong cuộc giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi, như thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: “Khi lên trời, Chúa đã mang theo Người các tù nhân” (Ep 4,8). Thánh Lêô Cả giải thích rằng với mầu nhiệm này “không những sự bất tử của linh hồn được công bố, nhưng cả sự bất tử của thân xác nữa. Thực vậy, ngày hôm nay, không những chúng ta được xác nhận là người sở hữu thiên đàng, nhưng còn được đi sâu vào Chúa Kitô nơi trời cao” (De Ascensione Domini, Tractatus 73, 2.4: CCCL 138 A, 451.453). Vì thế, các môn đệ, khi thấy Thầy mình nâng bổng khỏi mặt đất và đi lên trời cao, họ không buồn bã, nhưng cảm thấy một niềm vui lớn lao và được thúc đẩy công bố chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết (Xc Mc 16,20). Và Chúa phục sinh hoạt động trong họ, ban cho mỗi người một đoàn sủng riêng, để cộng đoàn Kitô, trong toàn bộ, phản ánh sự phong phú hài hòa của Trời Cao. Thánh Phaolô cũng viết: “Ngài đã ban ơn cho loài người.. người này làm tông đồ, người kia làm ngôn sứ, người khác làm thánh sử tin mừng, và người khác làm mục tử và thầy dạy.. với mục đích xây dựng thân mình Chúa Kitô.. cho đến mức độ viên mãn trong Chúa Kitô” (Ep 4,8.11-13).

Các bạn thân mến, Lễ Thăng Thiên nói với chúng ta rằng trong Chúa Kitô nhân tính của chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa; vì thế mỗi lần chúng ta cầu nguyện, đất được nối liền với Trời. Và như trầm hương, khi được đốt lên, tỏa lên cao khói hương dịu dàng, cũng vậy khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, kinh nguyện sốt sắng và tín thác của chúng ta trong Chúa Kitô, cũng vượt qua trời cao và bay đến trước ngai Thiên Chúa, được Ngài lắng nghe và chấp nhận. Trong tác phẩm nổi tiếng của thánh Gioan Thánh Giá, Lên núi Camêlô, chúng ta đọc thấy rằng “để thấy những ước muốn của tâm hồn chúng ta được thực hiện, thì không có cách nào tốt hơn là đặt sức mạnh của kinh nguyện chúng ta trong điều làm cho Chúa đẹp lòng nhất. Như thế, Ngài không chỉ ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nghĩa là ơn cứu độ, nhưng cả điều mà Ngài thấy là thích hợp và tốt lành cho chúng ta, dù chúng ta không xin Ngài” (Libro III, cap. 44, 2, Roma 1991, 335).

Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm những hồng ân trời cao, mà Chúa hứa cho chúng ta, và trở thành những chứng nhân ngày càng đáng tin cậy về đời sống thần linh.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

—————-

Nguồn: hdgmvietnam.com