SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM B
(Mc 13,33-37)
(Nhiều tác giả)
Mục lục
- Niềm Khát Vọng Khôn Nguôi – TGM Giuse Vũ Văn Thiên
- Mùa Vọng – Mùa Của Chờ Mong – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
- Tỉnh Thức Chờ Chúa Đến – Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Hữu
- Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
- “Thế Giới Cần Thiên Chúa” – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
- Tỉnh thức – Huệ Minh
- Đời Kitô Hữu Là Đời Canh Thức Và Coi Chứng – Lm. Joshepus Quang Nguyễn
- Tỉnh thức – Thức tỉnh – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
- Khao khát Chúa – PM Cao Huy Hoàng
- Tỉnh thức – ĐGM. Nguyễn Sơn Lâm
1. Niềm Khát Vọng Khôn Nguôi – TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Thượng đế đã đặt để nơi sâu thẳm của cõi lòng con người khát vọng chân lý. Bất kể thuộc về nền văn hoá hay chủng tộc quốc gia nào, con người đau đáu một niềm đi tìm sự thật. Con người hướng về Chân lý như cây cỏ hướng về mặt trời, như dòng suối chảy về nguồn cội và như con thơ hướng về mẹ hiền. Dưới nhãn quan Kitô giáo, đích điểm mà con người đang kiếm tìm chính là Thiên Chúa. Ngài là Cội nguồn của Chân lý và cũng Cội nguồn của sự thánh thiện. Như thế, cuộc sống trần gian là một hành trình đi kiếm tìm Thiên Chúa. Chỉ khi nào gặp Thiên Chúa, con người mới tìm thấy sự bình an đích thực. Thánh Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa mới thoả mãn”. Sống ở trần gian, con người luôn hoài niệm về Thiên Chúa, luôn mang trong mình niềm khát vọng khôn nguôi và luôn cố gắng để đi tìm Chúa.
Mùa Vọng diễn tả niềm khao khát Chúa, đồng thời giúp cho chúng ta gặp gỡ Ngài. Ngôn sứ Isaia đã diễn tả nỗi mong chờ da diết của con người. Họ đang khao khát Chúa và muốn được gặp Ngài. Vẫn biết rằng Thiên Chúa chí thánh mà con người thì phàm hèn, nhưng trong lời cầu nguyện của mình, tác giả vẫn xin Chúa “xé tầng trời mà xuống” để vượt qua ranh giới giữa Thiên Chúa và con người. Bởi lẽ, ông xác tín rằng, có Chúa là có tất cả. Khi Chúa ghé mắt yêu thương thì con người sẽ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Khi suy tư về cuộc sống, con người thấy họ không thể sống mà không có Thiên Chúa. Vắng bóng Thiên Chúa, cuộc đời này sẽ trở nên vô nghĩa. Con người sẽ đi trong một hành trình vô định, tức là đi mà không biết mình đi về đâu.
“Trời cao hãy đổ sương xuống!”. Đó là nỗi khao khát của vũ trụ, của con người và của tạo vật. Như sương mai làm cho đất đai màu mỡ và làm cho muôn vật hồi sinh sau những tháng ngày khô khan hoang mạc, sự hiện diện của Chúa giúp tâm hồn tìm lại niềm vui.
Thực ra, Thiên Chúa không ở đâu xa. Ngài đang hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Phụng vụ của Mùa Vọng muốn nói với chúng ta: hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Tin Mừng Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng là lời kêu gọi tỉnh thức cầu nguyện. Giữa cuộc đời bôn ba nhiều bon chen tính toán, con người dễ bị lôi kéo theo những đam mê mà quên mất mục đích cuộc đời, để rồi lạc vào mê hồn trận của những toan tính đời thường. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã viết: “Chủ nghĩa nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một chủ nghĩa phi nhân. Chỉ có thứ nhân bản mở ra cho Tuyệt Đối mới có thể giúp ta cổ võ và đạt được những hình thức sống xã hội và dân sự – trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hoá, đạo đức -, bằng cách nó giữ ta khỏi rơi vào tình trạng nô lệ cho những cái mốt, những cái thời thượng” (Thông điệp Bác ái trong Chân lý, số 78). Đây cũng là cám dỗ lớn nhất mà loài người từ thời nguyên thủy đã gặp phải, đó là muốn nên như Thiên Chúa và tin rằng có thể thay thế Ngài (x. St chương 3). Nhân loại của chúng ta hơn bao giờ hết đang cần đến Thiên Chúa. Tình trạng xã hội hôm nay kinh nghiệm rõ về điều này: một khi khước từ Thiên Chúa, hậu quả là cuộc sống đầy bạo lực, giết chóc, tệ nạn xã hội, lừa đảo dối trá, luân thường đạo lý suy đồi.
“Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”. Mỗi chúng ta hiện hữu trên trần gian đều giống như người đầy tớ được ông chủ trao phó cho coi sóc tài sản. Người đầy tớ hay người quản lý đều phải trung thành cần mẫn với công việc. Những người chủ quan, lười biếng, thờ ơ với bổn phận chắc chắn sẽ phải lãnh nhận án phạt.
Thánh Phaolô nói với chúng ta về một khía cạnh khác của tình trạng tỉnh thức, đó là ăn rễ sâu trong giáo huấn của Chúa Giêsu, tức là đón nhận và thực thi lời dạy của Chúa. Nhờ thực thi Lời Chúa, người tín hữu luôn sẵn sàng chờ đón Chúa đến mà không phải lo sợ bất cứ điều gì, giống như một đầy tớ luôn chu toàn bổn phận thì không lo lắng về việc chủ trở về. Tác giả thư gửi giáo dân Côrinthô hài lòng về đời sống đức tin của các cá nhân cũng như của cả cộng đoàn, đồng thời khích lệ mọi người hãy gia tăng lòng mến, với niềm xác tín Chúa đang hiện diện và đồng hành với những ai tin tưởng yêu mến Người (Bài đọc II).
Mùa Vọng đã khởi đầu, chúng ta hãy thức tỉnh và ra khỏi cơn mê. Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh không chỉ thể hiện qua những điệu nhạc du dương và những trang trí lộng lẫy, nhưng phải giúp người tín hữu gặp được Chúa, là Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Người là Đấng có thể lấp đầy những khát vọng thâm sâu của nhân loại và của cá nhân mỗi người.
2. Mùa Vọng – Mùa Của Chờ Mong – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hôm nay, với Chúa nhật (tức Chúa Nhật ngày 03 tháng 12 năm 2017), chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng, mùa của sự chờ đợi chất chứa niềm vui và hy vọng. Bởi mùa này, từ phụng vụ lễ ca cho đến khung cảnh bên ngoài gợi lên trong ta những tâm tình chứa đầy niềm hy vọng và sự chờ đợi thánh thiêng, khiến tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên với niềm vui mong chờ Chúa đến và cầu xin tha thiết: “Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi”, hơn thế nữa theo dân Do Thái kêu van: “Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống” (Is 63,19).
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng.
Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức trong khi chờ đợi Chúa Kitô ngự đến lần sau hết: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13,33). Đúng thế, trong cuộc đời có những giây phút quyết định. Khi nào thì sự ấy xảy đến? Chúng ta không hay biết. Ngay cả Thiên Chúa cũng không muốn mạc khải thời điểm chung cuộc của thế giới cho chúng ta. Chúng ta phải luôn đợi chờ và ý thức như người đầy tớ đợi chủ về, vì “Ông có thể trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ” (Mc 13,36).
Phải nói rằng, mỗi phút giây chúng ta sống là những thời khắc của ân sủng, để chờ đợi cách nghiêm túc với lòng yêu mến, chứ không phải là thời gian giải trí. Đây là lúc “đính hôn” ; chuẩn bị cho “tiệc cưới” hiệp thông với Thiên Chúa và Các Thánh trong cuộc sống mai ngày.
Cuộc sống luôn bắt đầu và lại bắt đầu. Thực tế, chúng ta phải đối mặt với những khoảnh khắc quyết định: mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây có thể là những phút giây quyết định. Trong cuộc sống nói chung, trong đời sống người Kitô hữu nói riêng, điều quan trọng chính là hoán cải, khoảnh khắc độc đáo này làm người ta nhớ đến mình, và khám phá ra điều Chúa đòi hỏi cách rõ ràng nhất, nhưng quan trọng và khó khăn hơn cả theo thánh Giosemaria vẫn là tỉnh thức .
Lời Chúa nói với các môn đệ khi xưa: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13, 33), nay Chúa cũng nói với chúng ta: “Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13 37). Chúa mách bảo chúng ta phải luôn trong tư thế của người được chủ: “đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành … và căn dặn …lo tỉnh thức” (Mc 13, 34). Vì chủ về bất ngờ nên “coi chừng và tỉnh thức” là thượng sách.
Phải tỉnh thức thôi, vì chúng ta không biết lúc nào Chúa trở lại (x. Mc 12,35,37). Dụ ngôn ngắn về người chủ lên đường đi xa và về những tôi tớ đuợc trao cho trách vụ làm lợi, làm nổi bật tầm quan trọng biết là chừng nào của việc tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa, khi bất ngờ Chúa đến. Cộng đoàn Côrintô lo âu chờ đợi việc Chúa “tỏ mình ra”; thánh tông đồ Phaolô, đã viết thư khuyến khích họ “bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến” (1Cr 1, 7-9). Vì thế, thật là thích hợp, khởi đầu Mùa Vọng, Phụng Vụ đặt vào môi miệng chúng ta lời cầu khẩn như sau: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con nhìn thấy lòng nhân từ Chúa, và ban cho chúng con ơn cứu rỗi” (Tv 84,8).
Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Vì thế, việc chờ đợi không làm cho ta bị lơ là, nhưng đúng hơn khích lệ chúng ta chăm chỉ làm việc hiện tại. Những hoa thơm trái tốt của công việc chúng ta làm, chúng ta sẽ gặp lại, khi Chúa Kitô đến trao lại cho Thiên Chúa Cha vương quốc đời đời và phổ quát.
Chuẩn bị lễ Giáng Sinh năm nay, mỗi chúng ta tự hỏi: mình đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời ta, con tim ta đang hướng về đâu? Ta có tỉnh thức không? Hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Đức Giêsu ngự đến lần thứ hai, Người thấy chúng ta đang tỉnh thức vì đã không uổng công trông đợi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con ơn sống thời gian ân sủng này trong tỉnh thức và chăm lo công việc, trong khi chờ đợi Chúa ngự đến.
Lạy Chúa, “xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” (Is 63, 19). Amen.
3. Tỉnh Thức Chờ Chúa Đến – Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Hữu
Năm Phụng vụ cũ đã khép lại, để mở ra một năm phụng vụ mới. Lời Chúa trong bài Tin mừng của Chúa Nhật đầu năm phụng mới hôm nay mời gọi ta “hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức là lời nhắn nhủ cần thiết, để đón chờ Chúa đến, để làm tươi mới đời sống đạo, làm “xuân hóa” đức Tin- Cậy- Mến nơi mỗi người.
Thông thường khi ngủ, người ta mất liên lạc với thế giới chung quanh, các giác quan gần như đóng lại, tai không còn nghe thấy âm thanh, mắt không còn nhận ra màu sắc, mũi không ngửi, tay không sờ, lưỡi không nếm…
Trong đời sống tâm linh cũng thế, khi linh hồn ngủ mê, người ta sẽ không còn nhận ra tiếng nói của Chúa, lương tri sẽ đóng lại trước những nỗi khổ đau bất hạnh của cuộc đời, không còn nhận ra đâu là hạnh phúc đích thật vĩnh cửu và đâu là hạnh phúc giả tạo mong manh nữa, khiến cho phán đoán trở nên thui chột, điếc lác… không còn cảm nếm được sự ngọt ngào của tình yêu, hạnh phúc và bình an của Thiên Chúa.
Khi con người ngủ mê làm sao để con người thức tỉnh? Như một tách cà phê, một câu chuyện hấp dẫn, một cuộc đi dạo, một cuốn sách hay… có thể xua tan những cơn buồn ngủ thể xác, thì việc cầu nguyện, đọc suy niệm lời Chúa, chia sẻ đức tin và giúp đỡ những người bất hạnh… cũng có khả năng xua tan những cơn ngủ mê tâm linh của con người.
Nói khác đi, một đời sống tâm linh năng động và những mối tương giao tốt lành… có thể là những thứ thuốc chống lại “cơn buồn ngủ tâm linh”, giúp ta thức thời, tỉnh táo phân định, để đón chờ Chúa đến và nhận ra dung mạo đích thực của Người.
Người Do-thái xưa kia đã nóng lòng đón chờ Chúa đến, nóng đến nỗi thốt lên: “Lạy Chúa, phải chi Chúa xé trời mà xuống...” (x. Is 63,16-19tt) . Tuy nhiên, khi Chúa đến họ lại không nhận ra Người, bởi vì Người đã đến với một cung cách không như họ tưởng và đã làm những việc không như họ muốn. Họ khát khao, mòn mỏi đợi chờ một vị cứu tinh oai phong lẫm liệt, dẫn đưa họ lên đài vinh quang, bá chủ thiên hạ, thì Chúa lại đến trong cảnh khiêm tốn, nghèo hèn và mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người, không phân biệt kỳ thị. Họ chờ đợi một vị cứu tinh đến để chuẩn y cho Đền thờ và lòng đạo đức của họ, thì Chúa lại tuyên bố: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là để tìm kiếm và kêu gọi kẻ tội lỗi” (Mt 9,13); “Ta bảo thật các ngươi, những người tội lỗi và đĩ điếm sẽ được vào Nước Trời trước các ngươi” (Mt 21.31).
Quả thật, Chúa Ki-tô đã đến lần thứ nhất trong xác phàm nghèo hèn bé nhỏ để cứu nhân độ thế, nhưng dân Do-thái và phần đông nhân loại vẫn không tin nhận Người. Họ tẩy chay, đánh đòn, giết chết và đóng đinh Người trên cây thập giá, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, vào ngày sau hết, Người sẽ lại đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét thiên hạ.
Tuy nhiên, trước khi về trời, Người sai các môn đi làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe về Người, “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng thế giới” (Lc 24, 47tt) và hứa rằng “Thày sẽ ở cùng anh em cho đến ngày tận thế” (Mt 28,17). Từ đó trở đi Người hiện diện cách âm thầm và khiêm tốn ở khắp mọi nơi. Người ẩn thân và đồng hóa mình nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo hèn bé nhỏ, hiền lành, khiêm nhường, đói khát, khổ đau, tù tội, mẹ góa con côi, bị xã hội bỏ rơi và mọi người khinh dể (x. Mt 25,31-46). Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Chúa! Phải thức tỉnh lắm mới gặp được Chúa!
Chúa ví mình như ông chủ nhà. Khi đi vắng, Người cho ta được toàn quyền. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình, giáo xứ, địa phương, đất nước và cả thế giới này. Ta được tự do hành động và toàn quyền sử dụng những gì Chúa trao ban. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước và cả thế giới được phát triển về mọi mặt.
Trước trách nhiệm lớn lao ấy, ta phải tỉnh thức lắm mới nhìn thấy những nhu cầu của anh em và đáp ứng những nhu cầu đó. Phải nhạy bén và thức thời lắm, ta mới nhìn thấy ý Chúa trong mọi trào lưu của thời đại, mới nhận thấy Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí mà không phân biệt niềm tin, sắc tộc, màu da, tiếng nói và ý thức hệ, để cộng tác với nhau trong việc phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại, ngõ hầu ý Chúa được thể hiện, danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được hiển trị, các linh hồn được cứu rỗi.
Tóm lại: Tỉnh thức là khả năng cảm nhận Thiên Chúa và những sự thuộc về Người trong cuộc sống hàng ngày, nơi những anh chị em mình hay nơi những đổi thay của xã hội, để phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại cách hữu hiệu hơn, góp phần mở mang Nước Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Amen.
4. Tỉnh thức và cầu nguyện – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.
Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra. Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.
Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến. Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng. Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Phải tỉnh thức lắm mới gặp được Người.
Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt. Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.
Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.
Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Đức Kitô. Đừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Đừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực. Đừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang. Dung mạo đích thực của Đức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.
Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hi sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.
Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ. Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giêsu. Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.
Lạy Chúa, xin giữ hồn con tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tỉnh thức là đừng mê ngủ. Hãy kể ra những bóng tối khiến ta mê ngủ?
2) Tỉnh thức là tỉnh táo phân định. Làm thế nào để nhận ra khi Chúa đến?
3) Tỉnh thức là phải hành động. Muốn tỉnh thức, bạn phải làm những gì?
4) Mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì để tỉnh thức?
5. “Thế Giới Cần Thiên Chúa” – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Thế giới của chúng ta hiện nay, Đông cũng như Tây, đang mắc một căn bệnh trầm kha: đó là bệnh lãng quên Thiên Chúa. Không những chỉ lãng quên, mà con người còn chủ ý gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Thỉnh thoáng chúng ta nghe những anh chị em Phật giáo nói đến “thời mạt pháp”, tức là thời mà quan điểm về luân lý của con người trở nên hỗn loạn. Họ không còn giảng dạy hoặc không tuân theo giáo pháp chân chính nữa. Khi gạt bỏ Thiên Chúa, hoặc gạt bỏ vai trò của tôn giáo nói chung, thế giới trở thành một mớ hỗn độn, luân thường đạo lý suy đồi. Con người sống vô cảm, thậm chí là hoang dã đối với đồng loại. Những vụ đại án vô cùng nghiêm trọng đã và đang xảy ra ở đất nước chúng ta cho thấy: một xã hội để được văn minh phát triển, chỉ có “pháp trị” thôi thì không đủ, mà còn cần đến “đức trị” nữa! Người ta có thể tìm thấy “đức trị” ở đâu? thưa, không ở nơi các vĩ nhân, các triết gia và các lãnh đạo, mà là nơi thế giới tâm linh. Trong một xã hội chỉ quản lý và điều hành bằng luật pháp, con người dễ dàng gian dối, lừa đảo. Cần có Thượng Đế hay Thần Linh để kiểm soát hành vi tư tưởng của con người.
Trong bối cảnh thế giới như được diễn tả ở trên, chúng ta cùng bước vào Mùa Vọng. Mùa Vọng nhắc chúng ta về nhu cầu cần đến Thiên Chúa. Ngài là nền tảng của hòa bình đích thực, và là nguyên lý xây dựng tình liên đới giữa các dân tộc. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết trong Thông điệp Về niềm hy vọng Ki-tô giáo (Spe Salvi – năm 2008) như sau: “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng: không phải bất cứ thần minh nào khác, nhưng chính là Thiên Chúa Đấng có một dung mạo loài người và đã yêu thương chúng ta đến cùng, mỗi người chúng ta và nhân loại trong tổng thể của nó. Nước Ngài không phải là một hình ảnh tưởng tượng đời sau, tọa lạc đâu đó trong tương lai mà chẳng bao giờ đến; nhưng Nước Ngài hiện diện bất cứ nơi nào Ngài được yêu thương và bất cứ khi nào tình yêu của Ngài đến được với chúng ta” (Số 31).
Thiên Chúa yêu thương nhân loại và Ngài luôn hiện diện giữa trần thế. Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể làm người để ở với chúng ta. Người là bằng chứng sống động cho tình thương vô bờ của Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đức Giê-su là niềm hy vọng của thế giới. Nơi bản thân và cuộc đời của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã đến viếng thăm con người và ở lại với họ, đem cho họ niềm vui và lòng thương xót của Ngài.
Sống tinh thần Mùa Vọng cách cụ thể, trước hết là cảm nhận nhu cầu cần thiết có Thiên Chúa. Con người cần Thiên Chúa như cây cần ánh mặt trời; như cá cần nước và như thân xác cần lương thực hằng ngày. Không có Thiên Chúa, thế gian sẽ thành bãi chiến trường, như chúng ta đã kinh nghiệm trong thực tế xã hội hiện nay. Ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I đã nói lên niềm khát vọng của con người mong có Chúa: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ…” Đó là tiếng rên xiết của cả nhân loại, mong ngóng Chúa đến để được giải thoát khỏi tình trạng đoạ đầy đau khổ.
Sống tinh thần Mùa Vọng là vững tin vào Đức Giê-su, Đấng đã đến trong lịch sử và đang sống giữa chúng ta. Đức Giê-su là nguồn cậy trông và là mẫu mực lý tưởng của chúng ta. Con đường tiến tới hoàn thiện của chúng ta sẽ trở thành vô vọng, nếu không có Người trợ giúp. Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Cô-rin-tô: “Anh em hãy nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su”. Như thế, cuộc sống của chúng ta là những nỗ lực không ngừng để sống trung thành với Chúa Giê-su và được nên giống như người cách trọn vẹn.
Sau cùng, sống tinh thần Mùa Vọng là chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống cụ thể, đối với Chúa và đối với tha nhân. Mỗi người sinh ra ở đời đều có một sứ mạng. Chính Thiên Chúa là Đấng trao cho chúng ta sứ mạng ấy và Ngài kiểm soát chúng ta. Mỗi người đều phải chu toàn bổn phận mà Chúa trao. Hình ảnh một ông chủ trước khi đi xa trao cho các đầy tớ chăm sóc cơ nghiệp, diễn tả việc Thiên Chúa trao cho chúng ta sứ mạng phải hoàn thành. Chúng ta không biết lúc nào Ông Chủ về. Không biết lúc nào Chúa đến gọi chúng ta. Ở địa vị người đầy tớ hay người quản lý, chúng ta phải luôn tỉnh thức và trung thành. Đó là tinh thần sẵn sàng để có thể đón Chúa. Mỗi chúng ta đóng vai trò “người giữ cửa” để chờ đợi và đón chủ đi xa sẽ về lúc bất chợt. Người giữ cửa, không chỉ để đợi chủ, mà còn phải canh chừng để không cho những thù địch tấn công cướp phá gia nghiệp của chủ mình.
Maranatha, Amen, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến! Đó là lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Kinh Thánh (Kh 22,20). Đó cũng là niềm khát vọng của toàn thể vũ trụ. Đó là tâm tình đặc biệt của Ki-tô hữu, không chỉ trong Mùa Vọng, mà trong suốt cuộc đời, vì thế giới của chúng ta cần Thiên Chúa. Duy chỉ có Ngài là Đấng lấp đầy những khát vọng thâm sâu của chúng ta.
6. Tỉnh thức – Huệ Minh
Tin mừng Mc 13: 33-37: Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào những cái biến cố. Những biến cố trong cuộc đời này rất là bình thường, để chúng ta phát hiện ra những cái ý chỉ bên trong đó!…
Kính thưa Cộng đoàn,
Thời giờ thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.
Chúng ta bắt đầu bước vào năm Phụng Vụ mới, với Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng.
Cái hành trang để đi vào năm phụng vụ mới này, Chúa Giêsu gửi đến với mỗi người chúng ta, một cái câu chuyện để mà nhắc nhớ chúng ta về sự tỉnh thức và sẵn sàng cầu nguyện.Chúa Giêsu dùng một cái hình ảnh rất là đời thường.
Có một ông chủ kia đi xa, để nhà cửa lại , trao quyền cho đầy tớ. Và mỗi người trong các công việc của mình, trong cái bổn phận của mình. Và hết sức dễ thương, ông chủ còn căn dặn mỗi người hãy tỉnh thức. Bởi vì, ông chủ có báo trước rằng, là ông chủ không biết rằng sẽ về vào lúc nào! về chiều tối, hay nữa đêm hay là gà gáy, hay là ban sáng. Ông chủ rất thương và ông chủ dặn điều đó. Chắc có lẽ, ông chủ phải nói rằng quá tốt bụng; chứ còn nếu mà không, thì ông chủ cũng chẳng nói gì.
Ông chủ có quyền mà! Người đầy tớ thì chỉ biết ở nhà để quản gia, quản lý nhà thôi! Chứ đâu có quyền biết giờ nào mà ông chủ về. Nhưng mà ở đây, Ông chủ có lòng thương đầy tớ, và ông chủ trao nhà cho người đầy tớ như một cái nhà vắng chủ, và không biết ngày hôm nào ông chủ về.
Và nhìn vào thực tại thế giới ngày hôm nay, chúng ta thấy, một thế giới giống như một cái ngôi nhà vắng chủ, một thế giới vắng bóng Thiên Chúa.
Ngày xưa người ta còn nhìn vào thiên nhiên để người ta đọc ra, người ta khám phá ra một Thiên Chúa vô hình, một Thiên Chúa đã tác tạo nên trời đất này. Thế nhưng mà, ngày hôm nay khoa học tiến bộ và cuộc sống người ta đã phát triển quá nhiều. Người ta lên tới cung trăng, đã phát triển internet, điện thoại thông minh.
Tất cả, người ta có thể làm được. và cái sự hiện diện của Thiên Chúa dường như là vắng bóng và người ta cảm giác rằng là người ta vất Thiên Chúa ra cuộc đời người ta. Và thế rồi cái giá trị của Thiên Chúa không còn trong cuộc đời người ta nữa. Cái cảm thức linh thánh không còn, cái tình yêu thương bây giờ cũng không còn, và sự công bằng cũng không còn!
Bởi vì một thế giới vắng bóng Thiên Chúa và một thế giới bị cái đêm đen phủ đầy của sự gian ác, của sự vô cảm. Cả với Thiên Chúa người ta còn không cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, và rồi cái cảm nhận sự hiện diện của anh chị em đồng loại bên cạnh người ta càng không có.
Và chúng ta thấy, ngày hôm nay bị đánh mất một sự hiện diện của Thiên Chúa, vì không cảm thức được một Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời. Để rồi, từ cái chuyện nhỏ người ta kéo ra cái chuyện lớn, và người ta vô cảm với nhau. Và đặc biệt, người ta không còn cảm thức về tội nữa.
Đức Thánh Cha Piô thứ XXII nói rằng: “ Ngày hôm nay cái điều mà lớn nhất, lo lắng nhất, đối với thế giới đó là người ta đánh mất cảm thức về tội lỗi. Và người ta tha hồ phạm tội, người ta tha hồ xử lý anh em mình bằng mọi cách, mà không hề bị ái náy lương tâm. Lương tâm ngày hôm nay được bán với cái giá quá rẻ, một cái giá quá hời, có khi chỉ vài đồng bạc thôi.
Một thế giới bị đêm đen phủ đầy.Và chính trong thế giới đó, mỗi một người Kitô Hữu, chúng ta được mời gọi, chúng ta làm tỏa sáng hình ảnh của ĐỨC Kitô trong cuộc đời chúng ta. Và cái cách mà chúng ta làm tỏa sáng Đức Kitô trong cuộc đời chúng ta, đó là: chúng ta tỉnh thức, chúng ta cầu nguyện, chúng ta sống và chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Kitô.
Ngày hôm nay, người ta vô cảm với nhau và vô cảm với cả Thiên Chúa nữa. Chúng ta cần phải tỉnh thức bởi vì như Thánh Phaolô nói: ma quỷ lúc nào rình rập, cắn xé. Và ma quỷ lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta. Có khi không phải chỉ ở bên cạnh, ở bên ngoài, mà là chính trong nội tâm của đời sống chúng ta. Cám dỗ thật sự, chúng ta nói là ở bên ngoài nhưng chính trong nội tâm của chúng ta chứ không phải ai khác.
Nói tới đây, con nhớ tới một cái câu chuyện:
Có một anh chàng kiếm khách, đi lên trên núi để mà xin tầm sư học đạo. Lên đỉnh núi thì gặp ông thầy, ông thầy nhận làm đệ tử, làm học trò. Ngày này qua ngày khác thì, anh chàng này cứ gánh nước, quét sân chùa thôi. Chứ không được thầy dạy một cái gì cả. Anh ta nản và anh ta đòi đi xuống núi. Và ông thầy ổng nói: Thôi ráng một thời gian nữa. Ráng cố gắng lên!
Và sau đó, đang nấu cơm, có một lưỡi kiếm đâm thẳng vào cổ. Và anh ta giật mình thấy kiếm đâm vào cổ của mình. Nhưng rồi anh ta né được. May quá đó là kiếm gỗ chứ mà kiếm sắt thì chết rồi. Và đang quét nhà cũng bị một lưỡi kiếm bay vô. Anh ta né. Đang quét sân thì cũng kiếm bay. Anh ta né!
Có nghĩa rằng ông thầy ông dạy cho anh ta, kiếm có thể bay vào bất cứ lúc nào, bất cứ giờ nào khi anh ta làm việc này, việc kia.
Dĩ nhiên rằng cái câu chuyện này có thể là cái câu chuyện tôn giáo hay là cái câu chuyện xem qua nó vui nhưng mà ở bên dưới của nó, nó có mang một cái ý nghĩa về đời tinh thần, về đời sống tâm linh.
Nếu mà chúng ta muốn để Chúa Giêsu nên hình nên dạng, và khuôn mặt của chúng ta được tỏa sáng khuôn mặt của Chúa Giêsu, thì chúng ta phải lúc nào cũng tỉnh thức, bất cứ lúc nào chúng ta cũng tỉnh thức để mà lắng nghe tiếng Chúa.
Ngày hôm nay người ta đã đánh mất cảm thức “Lắng nghe tiếng Chúa” bởi vì cuộc sống quá ồn ào náo nhiệt.
Sách Khải Huyền có nói: “Này ta đứng ngoài cửa, Ta gõ cửa ai mở Ta sẽ vào và dùng bữa với người đó” rõ ràng rằng là Chúa luôn luôn đứng ngoài cửa, và Chúa gõ cửa, phần còn lại chúng ta, chúng ta có lắng nghe hay không mà thôi!
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong cái dòng nhạc của ông, trong cái tâm hồn của ông, thấy được là hay lắm! “Một hôm thấy ta là lá cỏ, ngồi hát ca tự do”. Hỏi ra cái tâm tình sáng tác bài đó ông chịu cái ảnh hưởng của nhà văn người Pháp. Qua tiếng chó sủa thôi, nhưng mà nhà văn người Pháp đó lại khám phá ra một cái điều gì đó rất là độc đáo!
Rồi Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng vậy! Ông cũng ảnh hưởng cái nhà văn Pháp đó khi ông mô tả một cái người tử tù đi ra pháp trường. Đêm cuối cùng khi anh ra pháp trường anh nhìn thấy cái ánh trăng, cái ánh trăng đó ngày hôm đó nó có ý nghĩa hơn nhiều so với những ngày trước đây. Ngày nào anh cũng đi qua cái ánh trăng, nhưng anh không thấy được cái vẻ đẹp của ánh trăng.
Có những điều rất đỗi bình thường trong cuộc đời của chúng ta, nhưng nhiều lần nhiều lúc chúng ta không thấy được, không giác ngộ ra. Chúng ta không chịu nhìn ra để thấy cái chiều sâu ở bên trong.
Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào những cái biến cố. Những biến cố trong cuộc đời này rất là bình thường, để chúng ta phát hiện ra những cái ý chỉ bên trong đó!
Không chỉ tỉnh thức trước những nguy cơ, mà chúng ta còn phải tỉnh thức trước những lời gọi thầm kín nữa, để cho Chúa Giêsu được tỏa sáng trong cuộc đời của mình. Có thể nói là lý thuyết nhưng thực tế.
Đó là một câu chuyện rất gần trong cuộc đời: Chủ đi phương xa, giao nhà cho những người tôi tớ. Tôi tớ thì mỗi người có một nhiệm vụ: Người thì nấu ăn, người thì làm vườn, người thì giữ cửa, người thì bảo vệ.
Nếu mà anh chu toàn nhiệm vụ đó thì bất cứ lúc nào nữa đêm hay trời sáng, chủ về chúng ta cũng không sợ, bởi vì, anh đó đã chuẩn bị tinh thần.
Mỗi một người chúng ta, là một người Kitô Hữu, trong cái đấng bật nào cũng vậy! Chúng ta là linh mục tu sĩ, chúng ta đã lập gia đình, chúng ta có một bổn phận của chúng ta. Là một linh mục, chúng ta có sống xứng đáng với bổn phận của một linh mục, một nhiệm vụ của một linh mục hay không? Còn là cha là mẹ, chúng ta có hoàn thành trách nhiệm của người cha người mẹ hay không?
Nói qua thì e rằng dễ lắm! Như là bản thân con thôi! Ngay như đời sống linh mục: kinh sáng, kinh tối, vì mệt mỏi, vì bận rộn; nhiều khi mình cũng quên! rồi thậm chí: mình dâng lễ, nhiều khi mình cũng muốn dâng cho nó xong thôi! chứ còn mình không có đặt cái cảm xúc sâu xa và khi đó mình đã móp méo hình ảnh của Chúa Giêsu.
Và bổn phận người Kitô Hữu, ngày hôm nay chúng ta thấy, rất đơn giản: dự lễ một tuần một lần ngày Chúa Nhật thôi!
Nhưng mà thử hỏi coi: nhiều người đã bỏ đi cái bổn phận rất đơn giản, bỏ đi cái giờ kinh chung. Và chính vì mình không hoàn thành cái trách nhiệm của mình là một người Kitô Hữu; không hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, một người cha, một người mẹ, một người vợ, trong gia đình, thì làm sao mình có thể can đảm dạy được con của mình, khi mình không làm gương mẫu cho con cái của mình.
Và chúng ta sống cái tinh thần tỉnh thức đó như thế nào?
Chúng ta còn nhớ Thánh Đa Minh Saviô rất là dễ thương! Đá banh trong nhà thờ, mà khi mà cha Sở hỏi: Khi mà Chúa đến, con phải làm gì?
Các em khác thì: đứa thì chạy vào nhà thờ để cầu nguyện, đứa thì đi xưng tội, đứa thì dọn mình nhưng mà Đa Minh Saviô nói rằng Đaminh Savio vẫn chơi. Bởi vì bất cứ lúc nào Đaminh Savio cũng tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.
Và một hình ảnh rất đẹp nên mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ Têrêsa Calcutta có ghi một cái tờ giấy ở trong cái phòng Thánh, trong Nhà nguyện của nhà dòng của Mẹ. “Lạy Chúa con dâng đây như là thánh lễ cuối cùng của con.” một cái tâm tình rất là tuyệt vời! thà rằng là mẹ ý thức rằng ngày hôm nay là thánh lễ cuối cùng của đời mẹ. Và trong tất cả hoàn cảnh sống của cuộc đời, từng giây, từng phút của mẹ, mẹ luôn luôn nghĩ: hôm nay là ngày cuối cùng.
Ước gì, mỗi người chúng ta cũng nghĩ rằng cũng sống, rằng cũng có tâm tình như Thánh Đaminh Saviô như mẹ Têrêsa Calcutta. Để bất cứ lúc nào chúng ta cũng tỉnh thức, cũng sẵn sang, vì chúng ta biết rằng: không biết ngày nào Chúa có thể đến với chúng ta.
Chúng ta thấy xung quanh nhiều biến cố. Có những người tưởng chừng là sống rất dai. sống rất thọ, nhưng chỉ vì một cái hoàn cảnh nào đó, một cái biến cố nào đó, người đó ra đi! mà đến nỗi, ta phải sững sờ. Có khi ta cũng phải ra đi như thế! Nhưng mà nhiều lần, nhiều lúc, ta lại đánh lừa: Đánh lừa cảm giác của ta, đánh lừa cái suy nghĩ của ta. Ta tưởng rằng là ta mãi sống ở cuộc đời này! Cuộc sống này, nó rất mong manh!
Và ngày hôm nay bước vào mùa vọng, xin cho mỗi người chúng ta luôn luôn tỉnh thức sẵn sàng và đặc biệt xin cho chúng ta hoàn thành cái bổn phận trách nhiệm cái nhiệm vụ sống của mỗi người chúng ta trong gia đình chúng ta. Sống như thế, chúng ta đã hoàn thành sứ vụ của chúng ta. Và sống như thế, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để Chúa đến bất cứ lúc nào, chúng ta vẫn trả lời với Chúa: này con đây. Amen.
7. Đời Kitô Hữu Là Đời Canh Thức Và Coi Chứng – Lm. Joshepus Quang Nguyễn
Trong truyện Thần thoại Hy lạp có câu chuyện: “Con Ngựa Gỗ Thành Troia” kể về cuộc chiến tranh thành Troia diễn ra ròng rã hơn 10 năm trời vẫn chưa kết thúc được vì quân đội của nhà vua Menelaus đã dùng rất nhiều cách nhưng vẫn không thể nào công phá được cổng thành Troia để vào tiêu diệt quân đối phương. Vì sao, quân đội không thể vào Thành Troia được dù quân đội rất hùng mạnh bởi vì quân địch bên trong thành canh giữ rất tỉ mĩ, nghiêm ngặt không để một sơ hở nào, hơn nữa bức tường thành rất cao to vững chắc và nguy hiểm không cách gì vượt qua được. Lúc này, quân đội nhà Vua đã nghĩ ra một cách đó là lấy gỗ ghép lại thành một con ngựa to lớn, mượn danh nghĩa đây là báu vật của thần linh ban tặng cho quân sĩ trong thành Troia để chống lại quân nhà vua bên ngoài thành. Thế là mọi người trong thành Troia tin và đã mở cửa rước ngựa gỗ vào thành. Thật không ngờ rằng trong bụng con ngựa gỗ kia chính là quân sĩ của nhà vua, thế là nhân lúc nửa đêm lính bên trong bụng con ngựa gỗ thoát ra ngoài, đánh giết quân địch, đốt phá thành, mở cửa cho quân mình vào thành và thành Troia bị thất bại mà không kịp trở tay. Vâng, chính vì sự sơ hở một tí này mà mọi sự bị phá hủy và tiêu diệt cho nên đừng coi thường mà hãy tỉnh thức luôn!
Hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Vọng, bắt đầu năm Phụng vụ mới, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: phải coi chừng thân xác và thức tỉnh tâm hồn để chúng ta trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người, khiến chúng ta không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người (Lời Chúa trong bài đọc 2 Thánh Phaolô xác quyết như thế).
Trước hết, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng thân xác”. Tại sao phải coi chừng thân xác bởi vì thân xác này, mạng sống này là do Chúa tạo ra như Lời Chúa trong bài đọc 1 khẳng định: “Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Chúa, chính tay Ngài đã làm ra tất cả cho chúng con” (Is 64,7). Hơn nữa, mỗi người là hình ảnh của Chúa và mỗi người đều được Máu Chúa Giêsu đổ ra để cho chúng ta được sống dồi dào ngay ở đời này và vĩnh hằng nữa.
Cho nên, các Đức Giám Mục Việt Nam đã đưa ra chủ đề mục vụ năm nay là: “Đồng hành với gia đình trẻ”. Trong thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa, Các Đức Giám mục nói rằng: “Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh. Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo hoá, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới” (số 2). Vì thế, Lời Chúa hôm nay như là sự cảnh tỉnh cho chúng ta về việc tôn trọng thân xác của nhau, nhất là tôn trọng sự sống, bởi: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống”. Vì thế, Chúa dạy phải coi chừng thân xác đừng vì tham lợi, háo danh hay dục vọng hay đau khổ mà hủy diệt thân xác người khác hay chính mình để rồi phải chết đời đời thì nào có lợi chi. Vì vậy, điều răn thứ 5 trong Mười Điều Răn, Chúa dạy rằng: Chớ giết người, vì Sách giáo lý Hội Thánh dạy rằng: “Mạng sống con người do Thiên Chúa ban thuộc quyền sở hữu của một mình Chúa: nó là thánh thiêng ngay từ lúc nó hiện hữu đầu tiên, và nó không chịu bất cứ con người nào kiểm soát. Cho nên, Lời Chúa nói “Trước khi ngươi được thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi (Jr 1,5). [Số 2270-2274, 2322]”. Cho nên, Chúa Giêsu dạy “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Kết án đây chính là chết muôn đời, vì vậy, chúng ta phải coi chừng thân xác của chúng khỏi phải chết đời đời coi chừng ở đây nói như lời Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 rằng vâng nghe lời chứng về Đức Ki-tô để Lời Chúa thật sự ăn sâu vững chắc vào lòng trí chúng ta, khiến chúng ta không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô đến mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho chúng ta nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được chúng ta trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Ki-tô (1Cr 1,6-9).
Cuối cùng, Chúa Giêsu dạy phải canh thức tâm hồn bởi vì tâm hồn là nơi thánh và là nơi Chúa ngự vì vậy đừng tội lỗi, đừng vì nghen tương, tức giận, ganh ghét, tham lam… mà biến tâm hồn của chúng ta thành nơi ở của quỷ dữ đầy mưu mô xảo nguyệt gian tà và độc ác. Chẳng hạn, Sáng 20.11 vừa qua, bà Phạm Thị Lan (54 tuổi), sống tại khu tập thể giáo viên Trường THPT Đoàn Kết, Tỉnh Đồng Nai, bà thấy phía trước nhà có một gói quà, tưởng quà mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, bà lan mở ra xem thì bất ngờ gói quà nổ khiến bà chết tại chỗ. Một ngày, thủ phạm ra đầu thú. Thủ phạm là Nguyễn Thanh Thanh, anh ta nói rằng anh tức bạn gái cũ của anh có quan hệ tình cảm với thầy Nam, con trai bà Lan, nên mua vật liệu về chế mìn để khử thầy Nam ai ngờ bà mẹ chết.
Mùa vọng đã bắt đầu. Đây là thời gian và mọi ngày trong đời sống chúng ta phải coi chừng và canh thức luôn vì như Lời Chúa trong bài đọc I quả quyết rằng: “Thiên Chúa sẽ ngự xuống với ai tin cậy nơi mình. Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy. Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con, nhưng khi mải đi theo các đường lối của Ngài, chúng con sẽ được cứu thoát” (Is 64,2b-4). Hôm nay, bắt đầu năm Phụng vụ mới, năm nay Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi các thành phần Dân Chúa hãy đồng hành và giúp đỡ các gia đình xây dựng hạnh phúc. Như vậy, bậc sống thánh hiến hay là bậc giáo dân đều phải coi chừng canh thức, có nghĩa rằng phải nhận ra Chúa luôn hiện diện trong ta đồng thời siêng năng lắng nghe và sống Lời Ngài dạy từng giây từng phút trong đời sống hầu tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên thánh và thiện để Chúa Giêsu sẽ giáng sinh nơi chúng ta làm cho đời ta tươi sáng và rạng ngời hạnh phúc. Amen.
8. Tỉnh Thức – Tỉnh thức – Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
Dụ ngôn nói về người chủ đi xa, giao quyền hành lại cho đầy tớ, mỗi người một việc. Tuy nhiều người nhiều việc, nhưng ông chỉ có căn dặn người canh cửa phải lo tỉnh thức để mở cửa cho ông lúc trở về. Rồi trong phần kết của bài phúc âm, lời nhắn bảo “hãy tỉnh thức” lại được gởi đến cho “hết mọi người.” Phải chăng Đức Giêsu ám chỉ tất cả các Kitô hữu đều là những người canh cửa, và họ hãy mở tung cánh cửa đời mình để đón Ngài.
Hôm nay, Dân Chúa trên khắp thế giới bắt đầu bước vào mùa Vọng với ý nghĩa chấn chỉnh lại thái độ trông ngóng, mong chờ, chuẩn bị đón mừng ngày Chúa lại đến.
Mùa Vọng luôn được nối kết với mùa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Nhưng nếu biến cố đó không gợi lên trong tôi một dư âm nào, việc Chúa sinh ra hay hồng ân cứu độ không mang một tầm quan trọng nào trong đời tôi, thì thử hỏi mùa Vọng có nghĩa lý gì, chẳng qua là một mùa lạnh hay mùa đông.
Cho nên thiết tưởng để sống trọn vẹn hơn mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Hạnh phúc của tôi đang ở nơi nào? Những gì tôi đang tìm kiếm, khao khát, mong ước có làm cho tôi thoả mãn thật sự không? Hay là cứ tìm được điều này xong, tôi lại chạy theo điều khác, và rồi cuộc đời cứ mãi kiếm tìm không nguôi?
Thử hỏi Đức Giêsu có phải là đối tượng chính trong sự tìm kiếm của tôi không, hay chỉ là một thứ phụ thuộc, là nơi tôi đến tìm yên ủi, cố vấn những lúc bị thất bại trên đường chạy theo các đối tượng khác.
Nếu không cảm nhận Chúa là lẽ sống, niềm vui, hay nguồn hy vọng của đời mình thì làm sao có thể nhớ thương và mong chờ cho đúng nghĩa được. Có ai trông đợi hay nôn nao được gặp lại một bóng hình mà họ không yêu thương cũng chẳng qúi mến chăng?
Thế cho nên sống mùa Vọng là tái xác định đối tượng chính trong cuộc đời. Khi mà tôi nhận thức Chúa chính là áng mây cho sa mạc tâm hồn, là dòng suối mát cho cánh đồng chờ nước bao năm, thì lúc ấy lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội” sẽ thấm đến tận nơi sâu thẳm của cõi lòng.
Vậy lời kêu gọi “tỉnh thức” của ngày đầu năm phụng vụ không chỉ nhắc tôi về thái độ chờ đợi và sẵn sàng, nhưng còn ngầm bảo tôi hãy “thức tỉnh”: thức tỉnh lại từ những đam mê, trăn trở, gian nan để xem Chúa có ở trong đó không; thức tỉnh từ những kiếm tìm: tìm job, tìm của, tìm tình, tìm danh dự, tìm địa vị… để xem Chúa ở trong và ở trên tất cả những sự đó không. Vì nơi đâu không có Chúa, nơi đó chỉ là những quảng cáo của thế gian, ma qủi. Tìm mọi sự mà không tìm Chúa thì rồi vẫn cứ mãi thiếu vắng và khát khao. Phải chăng là vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Thánh Augustinô).
Người ta kể rằng dưới chân lâu đài Mamara của Hoàng đế Maximilian là dòng nước trong vắt của vùng biển Adriatique. Ở chiều sâu mấy chục thước nước phía dưới có một hang động từng làm say mê nhiều thợ lặn. Điều thú vị nhất là thỉnh thoảng mấy người thợ lặn đó đã tìm được những viên ngọc đẹp nhất trong hang động này lại thuộc quyền sở hữu của Quận chúa Reiner. Thế nhưng sau một thời gian dài, người ta khám phá các viên ngọc ấy bị nhạt màu. Nhiều chuyên gia về ngọc được triệu đến. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, họ đã nhận định rằng để có được vẻ tươi đẹp nguyên thủy, các viên ngọc ấy phải được ngâm lại dưới đáy biển sâu. Và đúng vậy, sau một thời gian trầm mình dưới giòng nước trong của vùng biển này, dần dần các viên ngọc đã phục hồi được vẻ đẹp long lanh của thuở ban đầu.
Đời sống con người cũng thế! Để tìm lại niềm vui và bình an chân thật, để gột rửa những phấn bụi của dòng đời, chúng ta cũng hãy ngâm mình vào biển tình bao la của Thiên Chúa, ướp đượm hồn ta bằng hồng ân tươi mát của Ngài.
Giáng sinh là thời điểm của ân sủng và mến thương vời vợi. Thức tỉnh để được sống trọn vẹn niềm vui tìm gặp Chúa sẽ là thái độ khôn ngoan nhất của người Kitô hữu trên hành trình bước sang năm phụng vụ mới.
9. Khao Khát Chúa – PM Cao Huy Hoàng
Mở đầu Mùa Vọng, Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi chúng ta hãy “tỉnh thức và cầu nguyện”. “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc nào chủ về” (x.Mc 13, 33-37)
Mỗi người đang có một ước mơ, một khát vọng trong lòng. Có thể, không ai hiểu ai. Nhưng không ai sống mà không khát vọng. Đời người là một Mùa Vọng. Chỉ tiếc là, có những khát vọng làm cho con người ra ra hư đốn.
Chẳng hạn:
Có ai ngờ được người đang có quyền có tiền lại đang khát chia nhau một phần lợi lộc béo bở nếu cùng nhau toa rập bán được một lô đất ăn cắp. Họ bất chấp công lý, đạo đức, luật pháp, miễn là thỏa cơn khát quyền lực, cơn khát tài sản!
Có ai ngờ được người đang có nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng lại khát đổi nhà đổi xe cho sang trọng hơn giữa những người vô gia cư, bất hạnh, què quặt… đang lê la cuộc đời trước mắt mình, dưới chân mình.
Hôm nay, được mời đi chơi với các đại gia, nhìn thấy người ta quá giàu có, sang trọng, tiêu xài thoải mái, vui chơi thỏa thích, em tôi nhắn về cho tôi tin nầy: “Khi người ta quá đầy đủ, còn nhớ đến Thiên Chúa nữa không?” Lặng đi mấy phút, tôi tạ ơn Chúa vì em đang nhớ đến Chúa giữa cuộc du lịch, giữa khu du lịch ĐN ồn ào, sôi động. Tôi trả lời: “Em lầm rồi, họ chưa đầy đủ đâu. Còn khát lắm. Ai biết?”.
Có ai ngờ được người đang có một cuộc sống thiêng thánh lại khát những điều mê muội thấp hèn. Trong đó, có tôi, có bạn, có tất cả những Kitô hữu, không kể thành phần nào, vẫn không tránh khỏi nghiêng chiều về những thực tại thấp hèn, phù du, chóng vánh.
Tin mừng khai mạc Mùa Vọng nhắc nhớ cho chúng ta về khát vọng chính đáng nhất trong cuộc đời: Khát Chúa ngự trị trong căn nhà tâm hồn bé nhỏ, vì chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta thỏa cơn khát vô biên.
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình” (Tv 61)
Thánh Augustin: “Chúa là khát vọng của lòng tôi, tôi sẽ khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.
Có thể nói đoạn sách của Isaia và Thánh Vịnh 79, đáp ca hôm nay đã để cho chúng ta mẫu gương Khát Chúa rất quí giá:
Dân Chúa tha thiết kêu xin: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” (Is. 63) để phục hồi những gì đã tàn hoang, “xin Chúa thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình” (x. TV 79).
Khát vọng của Dân Chúa là một khát vọng chính đáng, một khát vọng thánh thiện: khát vọng Chúa nhìn xem, bảo vệ, củng cố công trình Ngài đã thiết lập: “vườn nho” Giáo Hội mà Chúa đã ươm trồng, “nhà cửa” linh hồn, thân xác, đức tin mà Chúa đã để lại cho chúng ta quản lý trông nom.
Như vậy,
Khát vọng chính đáng của chúng ta là khát vọng Chúa phục hồi con người chúng ta để sống đúng với danh nghĩa, với tư cách là con cái của Ngài mà chúng ta đã vì những khát vọng bất chính mà đánh mất.
Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng Chúa đến ngự giữa tâm hồn, giữa gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, để Ngài can thiệp vào đời sống chúng ta: nhìn xem, bảo vệ, củng cố Giáo Hội cơ bản của Ngài.
Khát vọng chính đáng ấy, thiết tưởng, không phải là khát vọng đối đầu thành công với thế lực gian tà của ma quỷ, nhưng là khát vọng làm chứng cho công lý cho sự thật, thức tỉnh những con người mê muội, cải tạo những con người bị ma quỷ giáo dục sớm nhận ra uy quyền của Thiên Chúa.
Khát vọng chính đáng ấy không phải là khát vọng Chúa sẽ ra tay đàn áp những người đàn áp, Chúa sẽ phỉ nhổ nhục mạ những người phỉ nhổ nhục mạ, Chúa sẽ xử luật rừng với người chơi luật rừng… nhưng là để Chúa phục hồi lại nhân phẩm tồi tệ của những con người kia cũng là con cái của Chúa, kẻo uổng công trình Chúa cứu chuộc.
Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng nên công chính cho mình và cho mọi người, cho xã hội, cho đất nước, cho cả những người đang chìm ngập trong bất công, gian tà, bạo lực.
Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng tỉnh thức trước những nguy cơ làm cho chúng ta xa cách Chúa, tỉnh thức trước nguy cơ Satan hóa bản thân, gia đình, đất nước chúng ta.
Để thực hiện được khát vọng chính đáng, “Khát Vọng Chúa”, khát vọng nên công chính, Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: dừng chân ngay những hành vi ám muội, bất chính; xóa bất công xây bình an trong lòng; mặc lấy khí giới ban sự sống; và sống công minh như giữa ban ngày. (x.Rm 13,1-14). Bởi vì, chúng ta đã và đang có những khát vọng bất chính rồi ra dững dưng ơ hờ trước lời kêu gào thống thiết với khát vọng chính đáng của dân Chúa khắp nơi nơi.
Biết không phải dễ dàng mà chúng ta buông bỏ những khát vọng bất chính, biết đôi khi khát vọng bất chính lại len lấn ẩn tàng ngay trong những hành vi tưởng như là công chính, cho nên, Thánh Phaolô lại khuyên chúng ta hãy dùng nguồn trợ lực quí giá là ân sủng của Thiên Chúa và yên tâm, kiên vững kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô: “Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến”. (1 Cr 1, 3-8)
Thiết nghĩ, khao khát Chúa, mỏi mòn khao khát Chúa, tuyệt đối khao khát Chúa, khát vọng nên công chính, khát khao hết hiệp với Chúa Giêsu, là biết tỉnh thức và cầu nguyện vậy.
Cụ Chu, người xướng kinh trong nhà thờ ở Gx tôi đã yếu liệt bỏ ăn bỏ thuốc cả tuần nay. Anh em đến thăm cụ và đọc kinh xin ơn chết lành. Sau giờ kinh, chuyện trò với cụ. Cụ vui vẻ nói “Xin Chúa đến rồi, mà mấy hôm nay Chúa bận quá. Để từ từ Chúa sắp xếp. Chờ thôi. Chắc thứ sáu”. Thiết nghĩ, cụ đã làm gương cho chúng tôi về việc tỉnh thức, cầu nguyện và sẵn sàng đón Chúa đến.
Lạy Chúa, xin cho chúng con tỉnh thức trước những nguy cơ xa cách Chúa và luôn biết khát khao kết hiệp với Chúa từng phút giây trong cuộc đời, để Chúa làm chủ mọi ý tưởng, lời nói, việc làm của chúng con.
Nguyện xin Vị Tôi Tớ Chúa Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Người đã luôn tỉnh thức cầu nguyện trong tù, phù hộ cho chúng con. Amen.
10. Tỉnh thức – ĐGM. Nguyễn Sơn Lâm
(Trích dẫn từ tập sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Mở đầu niên lịch Phụng vụ, ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay phác họa lại cho chúng ta một vài thái độ trong khung cảnh sống của Dân Chúa: ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, Dân Chúa đã cùng nhau tự thú những lỗi phạm của mình, cương quyết sống trung kiên mong chờ ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu Kitô trong niềm tin tưởng và thái độ tỉnh thức.
Quả vậy, bài đọc Isaia 63,16-64,7 trình bày lại bối cảnh của đoàn dân Thiên Chúa sau thời Lưu đày. Kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch trên phần đất ngoại bang đã đem lại cho họ một ý thức tập thể về những lỗi phạm của mình. Họ ngước mắt nhìn về Thiên Chúa là Cha để thốt lên lời khẩn nguyện: “Ôi phải chi Người xé trời ngự xuống, thì núi non cũng sẽ tiêu tan trước Nhan Ngài”. Tâm trạng hối lỗi và tha thiết khẩn nài ơn cứu độ đã giúp Dân Chúa nhận định lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người.
Bảy thế kỷ sau, khoảng 25 năm sau ngày Đức Kitô về trời, thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở lại ơn gọi thực sự của người Kitô hữu: không những chỉ ý thức những sai lỗi của mình, nhưng còn phải sống vươn lên mong chờ ngày Đức Kitô trở lại. Các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã sống trong hoàn cảnh hồi hộp, nao nức mong chờ ngày trọng đại đó. Những lời nguyện: “Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy trở lại” (1Cr 16,22) càng đặt họ vào tâm trạng xao xuyến và đầy xúc động. Ngài ở đây! Ngài ở kia! (2Th 2,2). Và có khi vì mỏi mệt đợi chờ, họ đã không ngần ngại thốt lên: “Có lẽ Ngài đến chậm”.
Tâm trạng khắc khoải đó cần bắt gặp được một cái gì vững chắc củng cố lòng tin tưởng: nếu không, thái độ tỉnh thức mong chờ của họ sẽ hão huyền, ảo vọng.
Quả vậy, mỗi lần cử hành nghi lễ bẻ bánh, cộng đoàn dân Chúa vẫn long trọng tuyên xưng lại niềm tin của mình:
“Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.
Nỗi lòng mong chờ khắc khoải đó như được xoa dịu và soi sáng bởi lời Đức Kitô trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô 13,33-37. Ngài như một chủ nhà phải ra đi, vắng xa và vắng lâu. Sau khi trao phận sự quản lý cơ nghiệp cho gia nhân, mỗi người theo chức vụ của mình, Ngài đặc biệt tín cẩn và căn dặn người canh cửa: “Hãy tỉnh thức”. Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Cuộc tái ngộ có thể xảy ra một cách rất bất ưng vào một lúc nào đó trong ban đêm. Gia nhân và nhất là người canh cửa phải tỉnh thức, luôn sống trong ánh sáng ban ngày để không ngái ngủ, không thất hứa với chủ nhà trước lúc ra đi.
Đặt đoạn văn trên vào khung cảnh lịch sử cứu độ, giữa ngày về trời và ngày trở lại của Đức Kitô, chúng ta có thể nói, thái độ tỉnh thức đó chính là thái độ của Giáo hội, của toàn dân Chúa và nhất là của những người hữu trách các cộng đoàn.
Nhưng tại sao phải tỉnh thức?
Vì trước tiên, đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Để cho cửa nhà êm ấm, an toàn và trường tồn, phận sự của người canh cửa, không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.
Ngoài ra, tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.
Hơn thế nữa, tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm, đầy thử thách. Bóng đêm đối nghịch lại ánh sáng ban ngày. Đó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ… Nó đưa đến sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.
Và tỉnh thức như thế nào?
Phải chăng là thắp đèn ngồi chờ? Là sống trong tâm trạng viễn vông! Không! Đọc lại Thánh Kinh và lịch sử dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một thái độ thụ động. Nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.
Vì thế, thái độ tỉnh thức của Giáo hội và đặc biệt của những người hữu trách dân Chúa phải sống động và đầy tính chất sáng tạo. Đó là thức tỉnh hiệp thông với người bạn của mình. Đó là thái độ của một người bạn trung thành, cởi mở để luôn lắng nghe lời nói của bạn mình. Như thế, tỉnh thức đối với Giáo hội, có nghĩa là không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Dầu xa vắng, nhưng hầu như tiếng nói, lời hứa và sự hiện diện của Ngài luôn xoáy động trong lòng Giáo hội và chi phối mọi sinh hoạt của dân Chúa. Với ánh đèn soi sáng và sưởi ấm đó, Giáo hội như có một nghị lực để cảm thông và tìm ra được ý muốn của Ngài qua mọi biến cố trong cuộc sống, qua mọi dấu chỉ thời đại.
Sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống Giáo hội một sự giằng co căng thẳng, mà chúng ta phải dùng như một đà tiến để vươn lên, Giáo hội có phận sự rút kinh nghiệm từ các sự kiện xảy ra trong lịch sử quá khứ và hiện tại để sửa chữa lỗi lầm, tự thanh luyện mình để tiến tới sự hoàn thiện như Chúa Kitô mong muốn. Đặc biệt Giáo hội phải sẵn sàng từ bỏ địa vị ưu thế trong xã hội để chấp nhận thân phận đầy tớ phục vụ chủ nhà mình và anh em.
Để tỉnh thức chờ Chúa đến, Giáo hội phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, Giáo hội thực sự đang cầm đèn trong tay sẵn sàng đợi Đức Kitô, vì ngày trở lại của Ngài sẽ xảy tới bất chợt.
Đồng thời, nếp sống của Giáo hội sẽ là ánh sáng thức tỉnh mọi người để họ nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Thế đích thực. Giáo hội đang mang trong lòng sức sống và động lực thúc đẩy chính mình và cả thế giới tiến lên gặp Đức Kitô. Thế nên, tỉnh thức là phận sự cần thiết của những con người chứng nhân cho ánh sáng. Và Giáo hội phải là kho dự trữ sức sống phong phú và sung mãn chuẩn bị cho mọi người đón nhận thời viễn lai. Vì thế, khi hướng về ngày Chúa Kitô trở lại, Giáo hội quả là niềm hy vọng cho toàn thể thế giới và vũ trụ.
BÀI GIẢNG
Đời sống con người, có thể nói, bao giờ cũng bao hàm một khía cạnh đau thương khổ sở. Không phải chỉ thời nay mới khổ; thời trước cũng đã khổ rồi và bao lâu còn sống ở trần gian thì con người vẫn phải chịu đựng hy sinh và đau khổ. Bài sách Isaia chúng ta đọc hôm nay, đã được viết ra sau thời dân Dothái bị lưu đày bên Babylon. Bài sách ấy cho ta thấy rằng: tuy hết bị lưu đày, nhưng dân Dothái vẫn tiếp tục gánh chịu đau khổ. Điều làm cho họ đau khổ nhất, chính là họ nhận thức ra rằng họ đã “đi lạc xa đường Chúa”, đã “phạm tội” và “đã bị phó mặc cho quyền lực tội lỗi”.
Tội lỗi của con người, đó chính là nguyên nhân sâu xa gây nên mọi đau khổ. Bài sách Isaia hôm nay thôi thúc ta nhìn vào khổ sở hiện tại như là tiếng gọi cảnh tỉnh ta nhận thức tội lỗi của mỗi người và của cả nhân loại để mau hoán cải trở về với Thiên Chúa. Ngài là Cha yêu thương, là Đấng cứu độ nhân từ và luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa.
Những khó khăn kinh tế hiện nay cũng gây nên cho ta những khổ sở, nhưng ta nên biết rằng đó là hậu quả không thể tránh được của một nước vừa bị 30 năm chiến tranh tàn phá như nước ta. Và chúng ta, người công giáo còn phải nhìn nhận như dân Chúa thời xưa “Này Chúa thịnh nộ vì chúng tôi đã phạm tội”. Với ý chí đổi đời và cải tạo, với quyết tâm từ bỏ mọi ích kỷ cá nhân, mọi tham lam và hận thù, Chúa sẽ ban cho ta nguồn nghị lực mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp và huynh đệ hơn.
Trong công cuộc này, chúng ta hãy lắng nghe những lời đầy an ủi trong thư thánh Phaolô: “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì anh em được đầy tràn mọi ơn, trong khi mong chờ Đức Kitô lại đến”. Thánh Phaolô ảo tưởng, không nhìn thấy thực tế sao? Ngài không ảo tưởng. Ngài biết rõ các giáo đoàn của ngài. Họ là dân không giàu có, không thế lực. Nhưng hết thảy họ là những người được kêu mời hiệp nhất với Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Phải, chúng ta là những con người như thế. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào đời sống vật chất của mình để thấy xót xa vì thiếu thốn, nhưng còn phải biết nhìn vào tâm hồn, vào tinh thần, vào thiên chức được làm con cái Thiên Chúa, được vinh dự phát huy tình yêu của Ngài đối với trần gian.
Chúng ta cũng hãy hãnh diện, tin vào ý kiên trì của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, đã khắc phục được bao khó khăn để vươn lên trong tư thế độc lập tự do, thì trong tương lai cũng sẽ thành công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, ấm no và có tình yêu thương giữa mọi người đồng bào cùng máu mủ.
Mùa Vọng nhắc lại cho ta cả hai chân lý ấy, một đàng dân Chúa như đang lầm than khổ sở, nhưng đàng khác cũng chính dân ấy đã được bảo đảm một tương lai tốt đẹp, trước hết theo ý nghĩa tinh thần, nhưng sau đó cũng kèm theo tất cả mọi khía cạnh được Chúa thánh hóa để làm nên hạnh phúc toàn diện cho con người. Thế nên, Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay dạy ta hãy tỉnh thức đừng mê ngủ. Những than vãn, thở dài, chỉ làm cho thân xác rũ xương và đời sống trở nên đen tối. Trái lại, nếu tỉnh táo, nhìn về tương lai với niềm tin vững mạnh, thì một chân trời mới đang dần dần mở ra trước mắt ta.
Người tín hữu cũng sống trong trần gian và phải hy sinh gian khổ như mọi người. Nhưng nhờ niềm tin như đèn sáng trong tay, chúng ta là những người đang tỉnh thức chờ Đức Kitô trở lại: Ngài là Chúa đem lại hòa bình, là Đấng cứu độ trần gian. Thế nên, lòng ta tràn đầy hy vọng và ta có phận sự chiếu tỏa niềm hy vọng phấn khởi ấy chung quanh ta.
Chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của Giáo hội chúng ta, trước khi đem cuộc đời lam lũ đặt vào đĩa thánh, hiến dâng sự sống và con người của ta cho vinh quang Nước Trời mà Chúa đang dành cho các con cái của Người.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Th1
Suy niệm CN III -Thường Niên C: Sứ Mạng Đấng Cứu Độ
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Các Ngày Lễ Tết Ất Tỵ 2025
Th1
Cáo phó: Linh mục Phêrô Phaolô Nguyễn Đăng Cao
Th1
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1