Catholic việt – Dòng văn hóa đơn côi (Bài 3)

955 lượt xem

Một cộng đồng ngót chục triệu tín hữu, có chung đức tin, có lịch sử hơn 400 năm, hiển nhiên phải có một nền văn hóa giàu có, phong phú và đa dạng. Vậy nhưng, ở Việt Nam, đa số công chúng ngoại đạo dường như chỉ biết đến văn hóa Công giáo thông qua kiến trúc nhà thờ và ngày Thiên Chúa giáng sinh (Noel). Nhà thờ là vật thể có thể nhìn thấy, có thể cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các phong cách kiến trúc khác nhau trên thế giới mà không phải đi đâu xa. Noel từ nhiều năm nay đã là ngày hội chung của cả nước, không phân biệt tôn giáo/tín ngưỡng. Với các bạn trẻ ngoại đạo, Noel là cơ hội “xuống đường ăn chơi nhảy múa”, khoe quần áo đẹp. Họ chả có đức tin gì, vui là chính. Điều ấy chả sao. Còn trẻ là phải vậy. Mai này có gia đình, sấp mặt với cơm áo gạo tiền, tính sau.

Nhưng văn hóa Công giáo Việt không chỉ có vậy. Đó còn là một nền tảng giáo lý có tính định hướng với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa (ba ngôi). Đó còn là một hệ thống giáo luật chặt chẽ với những điều khoản rất cụ thể, khắt khe nhưng không hà khắc. Đó còn là một cấu trúc xã hội hoàn bị, bao gồm nhiều mắt xích khác nhau, cả quan phương và phi quan phương. Tổ chức quan phương Công giáo gồm 3 cấp: giáo hội hoàn vũ (Tòa Thánh), giáo hội địa phương (Tòa Giám mục) và giáo xứ. Trong hệ thống này, còn có các mắt xích trung gian liên kết như giáo miền, giáo tỉnh, hạt đạo (giáo hạt) và hội đồng giám mục. Cấu trúc phi quan phương dễ nhận thấy nhất là các dòng tu, tu hội/tu đoàn.

Sâu xa hơn, rất ít người ngoại đạo hiểu được, đó là các nguyên lý chính tạo nên cấu trúc sinh hoạt thường ngày của các tín hữu Công giáo Việt: hiệp thông và phụng vụ. Hiệp thông được hiểu là sự tham dự, chia sẻ, trao ban và lãnh nhận. Phụng vụ, thoạt kỳ thủy chỉ được hiểu là “nghi thức phụng thờ Thiên Chúa”. Nhưng sau này, Tân ước chỉ rõ, ngoài mối liên hệ với Thiên Chúa, phụng vụ còn bao hàm một nghĩa khác, đó là “sự phục vụ trong anh em”. Nói một cách rõ ràng hơn, phụng vụ còn là “sự tham dự, chia sẻ, trao ban và lãnh nhận” giữa các tín hữu với nhau (giữa người với người). Đây chính là những điểm mấu chốt, quy định phương thức ứng xử hàng ngày của mỗi giáo dân.

Theo giáo lý Công giáo, Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Và Người mời gọi mỗi tín hữu phải luôn ý thức về ba sự hiện diện chính: (i) sự hiện diện của mỗi tín hữu đối với Thiên Chúa, (ii) sự hiện diện của mỗi tín hữu đối với các tín hữu khác; và (iii) sự hiện diện của mỗi tín hữu đối với thế giới thụ tạo. Như vậy, chúng ta có thể hình dung rằng, trong cuộc sống của mình, mỗi tín hữu Công giáo đều có 3 điểm tựa chính: Thiên Chúa, đạo hữu, và “thế giới thụ tạo”. “Thế giới thụ tạo” được nhắc đến ở đây chính là môi trường thiên nhiên quanh ta, cho chúng ta những điều kiện sống cần thiết tối thiểu. Để đảm bảo cuộc sống luôn bình hòa, ổn định và phát triển, hàng ngày mỗi tín hữu thường xuyên phải hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với nhau, và hiệp thông cả với “thế giới thụ tạo”.

Một thành tựu quan trọng không thể không kể đến của văn hóa Công giáo Việt, chính là sự sáng tạo, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ. Đây là sự kiện có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển dân trí và văn hóa Việt. Thậm chí, chữ Quốc ngữ còn góp phần rất lớn vào quá trình thống nhất đất nước, nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới.

Mặc dù phong phú, đa dạng và có ảnh hưởng lớn như vậy, văn hóa Công giáo Việt vẫn mang một thân phận côi cút. Công giáo vẫn được coi là “vấn đề nhạy cảm”. Tầng sâu văn hóa còn ẩn tàng trong cuộc sống hàng ngày của giáo dân vẫn chưa được tìm hiểu/giới thiệu một cách hệ thống. Tiếng nói của người trong cuộc chưa được lắng nghe đầy đủ. Ngay cả với chữ Quốc ngữ, một thành tựu văn hóa mà mỗi người chúng ta đều sử dụng hàng ngày, nhà nước vẫn chưa có một định hướng hay chương trình nghiên cứu xứng tầm. Ít người biết được rằng, trong các hội Khoa học Lịch sử, hội Ngôn ngữ học, Viện Sử học và Viện Ngôn ngữ học đều không có bất cứ chuyên gia nào nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Cuốn lịch sử chữ Quốc ngữ đầu tiên được đông đảo độc giả biết đến là do một vị linh mục viết. Cũng ít người biết được rằng, tác giả của tập lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ là Bento Thiện, một giáo dân người Việt. Và ông viết nó từ năm 1659, sớm hơn rất nhiều so với các bộ sách lịch sử viết bằng chữ Quốc ngữ được biết đến hiện nay.

Mai Thanh Sơn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận