Chúa Nhật XXXIV – Thường Niên A: Kính Trọng Thể Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

9972 lượt xem

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 34 – THƯỜNG NIÊN NĂM A
CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ  (MT 25,31-46)

Mục lục

  1. Vương Quyền Để Phục Vụ Và Yêu Thương – Giuse Vũ Văn Thiên
  2. Lãnh Nhận Phần Phúc – Jos Dđh
  3. Vua Giêsu – Jorathe Nắng Tím   
  4. Phán Xét– Thái Nguyên
  5. Giêsu Là Vua – Anna Cỏ May
  6. Vị Vua Thẩm Phán – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
  7. Vương Quyền Và Vinh Quang – Lm Vũ Đình Tường
  8. Đức Vua Công Minh Chính Trực
  9. Vị Thẩm Phán Nhân Từ Và Công Minh – Gm Giuse Vũ Văn Thiên
  10. Vương Quốc Tình Yêu – Ngô Quang Kiệt
  11. Giêsu Vua Tình Yêu – Antôn Nguyễn Văn Độ
  12. Vua Mục Tử – Văn Hào
  13. Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Là Vua- Giuse Nguyễn Văn Nam

 1. VƯƠNG QUYỀN ĐỂ PHỤC VỤ VÀ YÊU THƯƠNG
TGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong những ngày này, cả thế giới hồi hộp theo dõi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ, một vị thuộc đảng Cộng hoà, một vị thuộc đảng Dân chủ. Cuộc đua càng gay cấn khi có những cáo buộc từ phía đảng Cộng hoà, cho rằng Đảng Dân chủ đã có những gian lận trong việc bầu cử, nhất là từ những lá phiếu gửi qua đường bưu điện. Những phê phán nặng lời đến từ hai phía, làm cho nước Mỹ hỗn loạn. Đã có nhiều cuộc biểu tình và bạo động đến từ những người ủng hộ các ứng viên tổng thống. Chắc chắn nước Mỹ phải có tổng thống trong vài tuần tới. Tuy vậy, những lùm xùm xung quanh việc bầu cử đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước quyền lực nhất thế giới. Nó cũng cho thấy cơn cám dỗ quyền lực thật ghê gớm và mạnh mẽ. Những hứa hẹn khi tranh cử, những thủ đoạn trong bầu cử, đều cho thấy người ta dùng mọi cách để đạt được quyền lực, mà đó lại là quyền lực nhất thời.

Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ trụ. Danh hiệu “Vua” được coi như quy tóm những lời danh xưng mà Giáo Hội đã dành để tôn vinh Ngôi Lời nhập thể trong suốt một năm. Danh hiệu “Vua” dễ gây ngộ nhận, đồng thời có thể là cơ hội để những người thiếu thiện cảm với Kitô giáo suy diễn công kích. Thực sự, khi tôn vinh Đức Giêsu Kitô là “Vua”, truyền thống Giáo Hội khẳng định: Người là Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo. Người cũng là Đấng Cứu chuộc và xoá bỏ tội lỗi trần gian. Người là Đấng khai mở kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công bình, chân lý và tình yêu. Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, Người luôn nhấn mạnh đến những yếu tố này. Cũng như một vị vua thống trị cõi sơn hà, Đức Giêsu là Vua của hoà bình như lời tiên báo của các ngôn sứ trong Cựu ước. Người thiết lập hoà bình giữa các dân tộc, và nhất là hoà bình trong tâm hồn con người. Vương quốc của Người rộng lớn bao la và hiện diện trong trái tim của những ai thành tâm tìm kiếm Chúa và chuyên cần thực thi giáo huấn của Người.

Lời Chúa trong lễ Chúa Kitô Vua diễn tả Người là một vị Vua hoàn toàn khác với quan niệm trần gian. Ngôn sứ Edêkien diễn tả vị vua như một mục tử. Đây là hình ảnh rất quen thuộc trong xã hội Do Thái thời xưa. Vị vua này có đủ các đức tính của một mục tử, luôn ân cần săn sóc đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Hình ảnh người mục tử trong ngôn sứ Edêkien sẽ được tròn đầy ý nghĩa qua cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Người đã chấp nhận chết để nhân loại được sống. Người rảo khắp xứ Palestina để chữa lành con người tổn thương do tội lỗi và do bệnh tật thể xác cũng như tinh thần gây nên. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã quy tụ muôn dân, làm cho nhân loại trở thành gia đình của Thiên Chúa. Người đã phá bỏ bức tường ngăn cách giữa dân ngoại và dân Do Thái, làm cho thế giới này trở thành vương quốc của tình huynh đệ. Thánh Phaolô đã quảng diễn điều này trong thư gửi giáo dân Côrintô (Bài đọc II). Đức Giêsu được tôn vinh là Vua, vì Người đã chấp nhận cái chết để ban cho nhân loại sự sống, như một mục tử hy sinh mạng sống để đàn chiên được bình an. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: quyền lực vương đế của Người không phải để thống trị, mà là để phục vụ và yêu thương.

Cũng hoàn toàn khác với quan niệm một vị vua trần gian hay một tổng thống ngoài đời, hình ảnh về vị Vua khiến chúng ta ngỡ ngàng hơn nữa, qua trình thuật của sử gia Matthêu về ngày phán xét chung. Lúc đó, vị Vua xuất hiện như một vị thẩm phán công minh. Người xét xử kẻ dữ và kẻ lành, trả công cho mỗi người theo công việc họ đã làm khi sống trên dương gian. Những người chịu phán xét ngạc nhiên trước lời tuyên bố của vị Thẩm phán: “Tôi bảo thật anh em: những gì anh em làm cho một trong các người bé mọn nhất này của Tôi, là anh em đã làm cho chính Tôi” (Mt 25,40). Thì ra, Đức Giêsu đồng hoá mình với những kẻ bé mọn, cơ nhỡ và bất hạnh trong cuộc đời, để rồi những ai giúp đỡ họ là giúp đỡ Chúa; những ai bỏ rơi họ là bỏ rơi Chúa. Vị Vua của chúng ta là như thế đó. Những ai chuyên tâm làm việc thiện và giúp đỡ anh chị em mình, xứng đáng được hưởng hạnh phúc đời đời.

Ngày hôm nay, vị Vua Giêsu vẫn đang cùng đi với chúng ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống, để khích lệ, thêm sức cho chúng ta trên đường đời. Mỗi khi thực thi giáo huấn của Người là chúng ta góp phần làm cho vương quốc tình yêu của Người được triển nở và lan rộng. Lời cầu nguyện “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, cần phải đi đôi với những nỗ lực cố gắng làm cho vương quốc hoà bình mà Đức Giêsu khai mở được thực hiện. Là Kitô hữu cũng là công dân của vương quốc vĩnh cửu. Xin cho chúng ta sống xứng đáng với danh hiệu cao quý này, để đáng được Chúa chúc phúc, hôm nay cũng như vào giờ phán xét cuối cùng

2. LÃNH NHẬN PHẦN PHÚC
Lm. Jos DĐH

Phần thưởng cao quý là gì, đối tượng sẽ nhận giải là ai ? Sống lâu trăm tuổi có phải là phúc đức không ? Lộc trời ban phát, đất nước khang an, gia đình trên thuận dưới hoà, phải chăng điều đó nên dừng lại ở mơ ước ? Thực ra, thích được khen thưởng, muốn mong sống trường thọ, được phúc lộc của tổ tiên dòng tộc, không phải là thao thức vô lý. Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có công danh gì với núi sông (Nguyễn Công Trứ). Con người tự nhiên hướng tới thành đạt, vừa có tiếng, vừa có miếng, được “cả chì lẫn chài”, ước muốn như thế cũng chẳng ai vội lên án là sai trái, tội lỗi. Xã hội phát triển, đất nước phồn vinh, từng thành viên gia đình tiếp nối tinh thần ái quốc, cũng là ba điều làm nên giá trị một đời người: chăm chỉ, chân thật, yêu thương.

Phần phúc của người tin theo Thầy Giêsu là gì, các tín hữu kitô sẽ lãnh nhận phần thưởng thế nào ? Tất cả đã có lời giải: “khi Con Người đến trong vinh quang, … Người sẽ phân chia họ ra như mục tử tách chiên ra khỏi dê, chiên thì Người cho ngự bên phải, dê thì Người cho ở bên trái”. Thầy Giêsu đến trong vinh quang, có phải là Đấng Ktiô đã hoàn tất sứ mạng trần thế mà Chúa Cha uỷ thác không ? Những ai tin theo Thầy Giêsu cách triệt để, hiển nhiên họ được gọi là chiên, là môn đệ của Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ, hẳn không ai phản đối ? Sống ở đâu, thế hệ nào, người ta cũng dễ dàng hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: một người làm quan, cả họ được nhờ, hoặc con vua thời lại làm vua.

Phần phúc người kitô hữu không phải ở trần thế này, quả quyết đó thuộc về những ai sống niềm tin kitô giáo, vẫn tuyên xưng hàng ngày, hàng tuần: lạy Cha chúng con ở trên trời ; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại…. Kitô Vua, Đức Kitô Vua vũ trụ, không có gì xa lạ: “Bấy giờ Vua sẽ phán với người bên hữu rằng, hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy nhận lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi ngay từ khi tạo thành vũ trụ …”. Ở trần thế này, cuộc sống hiện tại lúc này, Lời Thầy Giêsu, giáo huấn Đức Giêsu: “người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”. Tương lai của người tín hữu, hạnh phúc của những ai sống giới luật yêu thương, chắc chắn không phải là được giầu có vật chất, mà là được ghi nhận vào số đoàn chiên của Vua Giêsu.

Hãy nhận lãnh phần phúc, hãy nhận lấy gia nghiệp đời đời, bao giờ cũng là lời người người thích nghe, muốn nghe, nhất là lời: Vua Giêsu, Vua Tình Yêu, dù ở hiện tại hay tương lai. Để trở thành người tốt: phụ nữ đừng ỷ vào nhan sắc, vì nó sẽ tàn phai theo thời gian, phụ nữ có tâm hồn đẹp, mới đáng gọi là người phụ nữ tuyệt vời. Là Đấng mày râu: đừng ỷ vào tài trí thông minh, vì thành công hạnh phúc, ở đời này, bạn phải để lại cho người thân, cho hậu thế một hình ảnh thật. Là thần dân của Vua Giêsu, bạn không thể sống niềm tin trên môi miệng, không thể chia sẻ tình bác bái với kẻ nghèo hèn xung quanh mình bằng lời nói suông. Ngày quang lâm, Vua Giêsu sẽ ban phần phúc và nhắc lại lời đáng yêu: “những gì các con đã làm cho những kẻ bé mọn nhất của Ta đây, là đã làm cho chính Ta”.

Bạn sẽ nhận lãnh phần phúc thế nào, bạn đã nghe, đã từng có cơ hội để gẫm để suy: gieo gì gặt nấy ; khôn thì trong trí lượng ra, dại thì học lỏm người ta bề ngoài. (tục ngữ). Ước muốn được gặt hái hạnh phúc là đúng rồi: có lý trí tự do hành động khôn ngoan, người anh chị em đau khổ ở xung quanh, ta cư xử và đang sống đức ái thế nào, khi ta vẫn nói mỗi người đều mang hình ảnh của Chúa ! Vua Giêsu, Vua Tình Yêu, Ngài là sự thật: bao lâu tâm tính của ta chưa được biến đổi, chưa thấm nhuần tình yêu Giêsu, không thể là thần dân của Vua Giêsu, không thể nói đến phần phúc phần thưởng làm gì ! Cuộc sống hiện tại người tín hữu được sánh ví như một cuốn sách, mỗi ngày của bạn là một trang sách, có càng nhiều trang sách hay, quyền sách càng ý nghĩa.

Ngôn ngữ người trẻ hôm nay, họ lạc quan cho rằng: phụ nữ đẹp, không cần phải nghiêng nước nghiêng thành, chỉ cần một nam nhân quân tử nghiêng về cô ấy trọn đời là đủ. Vì chưng: lời nói gió bay, hứa càng hay chia tay càng thấm. Ngôn ngữ của Vua Giêsu mãi mãi là Tình Yêu, là sự nhạy bén trước người thật, việc thật, minh chứng bằng việc làm: “cho không, biếu không”. Lãnh nhận phần thưởng, phần phúc, một mơ ước đẹp, Vua Giêsu “đồng hoá” Ngài với kẻ nghèo hèn, tù tội, đói cơm bánh, khát tình thương: “vì xưa Ta đói, các người cho ăn, Ta khát các người cho uống, Ta là khách lạ, các người tiếp rước, …”. Cánh cửa Nước Trời chưa qua chưa biết, nhưng lãnh nhận phần phúc đời đời đã được Chúa Giêsu lưu ý chúng ta bằng lời rõ ràng: “còn người lành sẽ được vào hưởng hạnh phúc ngàn thu”. Amen

3. VUA GIÊSU
Jorathe Nắng Tím   

Trong bối cảnh xã hội, chính trị hiện nay, người ta ngao ngán khi nghe hai chữ “vua chúa”, vì càng ngày “vua chúa” càng chen chúc nhau mọc lên như nấm làm đám dân lành đã khổ nay càng khổ hơn.

Hiện tượng vua một vùng, chúa một cõi, bất kể vùng ấy bé như thôn ấp, chẳng trừ vùng ấy chỉ to bằng khu phố nhỏ đã làm nhiều người dị ứng với hai từ Vua – Chúa. Chính trong tâm trạng ngán ngẩm, sợ hãi cảnh vua chúa xưng hùng xưng bá, tham ô, trấn lột, đàn áp đám dân đen nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, mà chúng ta mừng lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ, Vua các tâm hồn.

Một chi tiết mang tính lịch sử đó là lễ Chúa Kitô vua đã được Giáo Hội thiết lập vào năm 1925, thời điểm mà nhiều chế độ vua chúa ở Âu Châu đột nhiên đồng loạt biến mất, cũng là lúc Kitô giáo bị nhiều học thuyết vô thần tấn công dữ dội. Chính trong bối cảnh này lễ Chúa Kitô Vua được cử hành với hình ảnh Đức Kitô Vua là Mục Tử nhân lành, Vua nhân hậu giầu lòng thương xót, Vua khiêm hạ “đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống vì mọi người”, một hình ảnh Vua hoàn toàn khác các vua chúa thế gian chỉ “dùng uy mà thống trị, dùng quyền mà cai quản” (Mt 20,25).

Vua Giêsu như Mục Tử nhân lành:

Ngôn sứ Êdêkien đã mô tả chân dung Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu : “Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm… Ta sẽ kéo chúng ra mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt… Ta sẽ tập hợp chúng… Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi, và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ítraen. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ítraen. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm ; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh…” (Ed 34,11-16).

Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu đã nhận mình là “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Vương quyền của Vua Giêsu là lòng thương xót :

Vương quyền của Chúa Giêsu Vua đến từ Thiên Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót đã ban cho Ngài mọi quyền “cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết”. Ngài đã tiêu diệt sự chết khi sống lại vinh quang, để “mọi người, vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người, nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng đuợc Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22).

Như thế, vương quyền của Vua Giêsu là để thương xót, cứu chuộc mọi người khỏi án tử đời đời do tội lỗi mang lại. Chính lòng thương xót của Chúa Cha đã phong vương cho Ngài, để Ngài trở nên Vua Cứu Độ nhân hậu, mà nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, tất cả những ai phải chết vì một người đã đem tội lỗi vào thế gian sẽ được Ngài cứu sống. Nói cách khác, Đức Giêsu là dung mạo đích thực của Thiên Chúa giầu lòng thương xót và chính Ngài đã thực hiện lòng thương xót ấy trên nhân loại, với vương quyền của Thiên Chúa Cha khi bắt thù địch cuối cùng là sự chết phải quy phục dưới chân Ngài.

Một Đức Vua đã dùng vương quyền để cứu sống con dân bằng hiến mình làm Của Lễ chuộc tội dân hẳn phải là Đức Vua vô cùng nhân hậu và bao la lòng thương xót.

Đức Giêsu là Vua Tình Yêu:

Quang cảnh ngày phán xét chung trong Tin Mừng Matthêu được bao trùm bởi Công Lý tình thương, khi “Con Người đến trong vinh quang của Người” (Mt 25,31) để xét xử mọi người về tình yêu của họ, về nén bạc yêu thương Thiên Chúa đã trao cho mỗi người.

Đức Vua Giêsu đã không hỏi bất cứ ai về bất cứ sự gì, ngoài những việc làm của tình yêu trong suốt cuộc đời dương thế, những việc làm thường ngày, những đối tượng thường gặp, những con người thường thấy. Không có gì xa lạ, xa xôi, trắc trở, nhưng tất cả đều gần gũi, quen thuộc, kề bên. Chỉ có một điều, một tiêu chuẩn để quyết định đó là việc sử dụng khả năng yêu thương để yêu thương.

Khi nói đến “khả năng yêu thương để yêu thương” là nói đến phục vụ, vì phục vụ là hành động cụ thể, thiết thực của tình yêu, như đôi tay là hành động biểu lộ ý muốn và quyết định chọn lựa của tim óc.

Phục vụ tha nhân, phục vụ người thân, phục vụ nguời bần hàn, cơ nhỡ. Tất cả là mục tiêu của lệnh truyền “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con” (Ga 15,12), mà ngày phán xét, mỗi người sẽ phải trả lời về việc thực hiện nghiã vụ yêu thương không thể bỏ qua này.

Cũng chính vì yêu Thương là khả năng Thiên Chúa ban cho hết mọi người, nên ai cũng có thể yêu, người nào cũng có thể phục vụ. Chẳng thế mà những người lành đã ngỡ ngàng, chưng hửng khi Đức Giêsu nói với họ : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đới, ccá ngươi đã cho ăn ; Ta khát ; các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Và tất nhiên, kẻ dữ đứng bên trái cũng giật mình hốt hoảng khi bị luận phạt, vì đã không làm như những người lành.

Thực vậy, cả người lành và kẻ dữ đều ngạc nhiên, sững sờ vì không một ai trong họ đã có thể ngờ : khả năng yêu thương được Thiên Chúa ban, cũng như nén bạc Tình Yêu được trao phó lại quan trọng đến thế!

Là Vua Tình Yêu, Đức Giêsu muốn thần dân của Ngài tiếp tay với Ngài để biến đổi thế giới hận thù, bạo lực thành thế giới yêu thương, an bình. Ngài muốn xây dựng một thế giới mới của Tình Yêu, một thế giới, ở đó mọi người nhận biết nhau là anh em, con cùng một Cha trên trời, một thế giới của lòng thương xót được chính Thiên Chúa giầu lòng xót thương qủan cai, chăm sóc như Mục Tử chăm sóc, quản cai đòan chiên yêu qúy của mình.

Đức Giêsu là Vua khiêm hạ :

Đức Giêsu đến trong thế gian để làm Vua, như Ngài đã khẳng định trước quan Philatô (x. Mt 27,11), nhưng Vương Quyền của Ngài không như vương quyền của các vua chúa thế gian, vì Ngài làm Vua “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mang sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Sứ vụ “Đức Vua” của Ngài thật khác “một trời một vực » với việc làm của các vua chúa thời nay : tham lạm, hưởng thụ, lợi dụng chức quyền hà hiếp, bóc lột dân đến tận xương tủy đến vô cảm, vô tâm, vô đạo đức…

Sự khiêm hạ của Vua Giêsu còn đuợc biểu hiện qua cung cách, thái độ bên ngoài như qùy xuống rửa chân cho môn đệ, ngồi trên lưng lừa con bé nhỏ, đơn sơ tiến vào thành thánh giữa rừng người dậy sóng “Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Mc 11,9) như ngôn sứ Dacaria đã tuyên sấm : “Hỡi thuếu nữ Giêrusalem hãy vui sướng reo hò! Vì kià Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dc 9,9) ; và đặc biệt hơn cả là Ngài  đã khiêm hạ “tự đồng hoá mình” với những người nghèo đói, đau ốm, tù đầy, tha hương, bị bạc đãi, bỏ rơi, bị khước từ, nguyền rủa, như Ngài đã qủa quyết trước những người lành đã yêu thương, phục vụ anh chị em bất hạnh, kém may mắn của họ : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Thời nay, dân được gặp quan huyện, quan xã đã là chuyện hiếm hoi, qúa khó, nói gì đến Vua Chúa xuống với dân. Thế mà Đức Vua “Ngôi Lời” đã khiêm hạ tự nguyện xuống thế làm người, mà còn làm người yếu đuối, nghèo nàn, hèn mọn nhất trong những người hèn mọn, nghèo nàn, yếu đuối…

Xin Đức Giêsu, Vua nhân hậu, Vua khiêm hạ, Vua tình yêu, Vua Lòng Thương Xót ban cho Giáo Hội nhiều mục tử có trái tim của Chúa để  dân Chúa ngày càng được “sống và sống dồi dào” như đoàn chiên “chẳng thiếu thốn gì, được nằm nghỉ trong đồng cỏ xanh tươi, bên dòng nước trong lành” (Tv 22,1-2), vì “có lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ suốt cuộc đời, và được ở đền Người  những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 2,6).

4. PHÁN XÉT
Lm. Thái Nguyên

Đoạn Tin Mừng hôm nay đã thay đổi định hướng sống và trở thành chương trình hành động của người nữ tu Têrêsa Calcutta. Lời Chúa hôm nay cũng chính là Lời Chúa mà mẹ đã từng nghe, từng đọc, từng suy gẫm, nhưng nay mới nhận ra một điều thật mới lạ làm chấn động trái tim mình. Đó là những người nghèo khổ, xấu số, bất hạnh… không chỉ là những người đáng thương cần cứu giúp mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Mẹ đã “tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”. Từ đó, mẹ đã say mê phục vụ những bệnh nhân tồi tàn, đã cúi xuống bên những người kiệt sức, đã cứu giúp những người  tàn tật, đã ôm về những người bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi đêm tối của những cuộc đời không còn nước mắt nữa, mà khóc thương cho sự khốn cùng của mình.

Mỗi người khốn cùng cũng là một bí tích, là nơi mà chúng ta có thể thực sự gặp gỡ chính Đức Giêsu. Trong dụ ngôn ngày phán xét, Vua Giêsu đã đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay tù đày, mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua những người hèn kém đáng thương nhất.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh chị em bé mọn nhất của Ngài: những người lầm than khốn khổ và bệnh tật nghèo hèn; những người dốt nát và mù chữ; những người đang sống nơi đầu đường xó chợ; những người bị suy sụp tinh thần; những người không nơi nương tựa và đang sống cô đơn buồn tủi; những người góa bụa con côi: những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê; những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác, và bị đẩy ra bên lề xã hội.

Sự tổn thương nặng nề nhất của người nghèo hôm nay là bị tuốt lột nhân phẩm, bị bóc lột nhân cách, bị trấn lột nhân tính, để rồi cuối cùng bị khinh khi chế giễu, bị coi là vô dụng, thừa thãi. Và như vậy, sự ác lớn nhất của con người hôm nay là mất tình yêu, là dửng dưng, vô cảm.

Thế giới ngày càng văn minh tiến bộ, nhưng vẫn còn đầy bất công và tội ác, không chỉ do những kẻ ác gây ra mà còn do người ta im lặng trước sự ác. Martin Luther King đã lên án: “Thế giới đang chìm đắm trong đau khổ, không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Hóa ra những người tốt cũng là những kẻ xấu, vì đã đồng lõa hay thỏa hiệp với sự dữ: khi chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến tha nhân; khi không dám nói lên sự thật; không dám lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng, không dám che chở những người thất thế cô thân,v.v…

Có thể nói mỗi người chúng ta đang xây dựng hạnh phúc hay bất hạnh vĩnh cửu cho mình ngày qua ngày. Chúng ta sẽ bị xét xử không phải về những gì đã nghĩ hoặc đã nói, nhưng về những gì đã làm hay không làm cho chính anh em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp được Ngài, đó là nẻo đường “các việc từ bi thương xót”; là các việc Ngài đã làm, và ai làm như thế cho tha nhân là làm cho chính Ngài.

Bài học của đoạn Tin Mừng hôm nay đã quá rõ: đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu; tình yêu đối với tha nhân cũng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm được gọi là “tốt” đối với anh chị em, ta hãy làm mọi việc cho họ như làm cho chính Chúa. Hãy thay đổi định hướng sống và chương trình hành động một cách cụ thể, cho phù hợp với lòng thương xót Chúa trên cuộc đời mình, để góp phần với Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng đang qui tụ những người lành để làm nên một thế giới tình yêu tinh ròng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tha nhân cũng chính là bản thân con
trong mọi liên hệ của đời sống,
vì cũng được cứu chuộc bởi giá máu của Ngài.

Con chỉ kiện toàn được bản thân,
trong tình liên đới với tha nhân,
từ những trắc trở và khổ sở buồn rầu,
hay những vui mừng và lo âu của họ;
từ những thất bại đến thành công,
hay những hy vọng và chờ mong của họ;
từ những sa lầy và đau thương tội lỗi,
hay những sám hối và vươn lên của họ.

Lạy Chúa Giêsu!
Vua vũ trụ, cũng là Vua tình yêu muôn thuở,
Cho con trở nên nhịp đập của trái tim Chúa,
biết cùng rung cảm chân tình và sâu lắng
về từng hiện trạng cay đắng của con người

Chúa đã cúi xuống trên cuộc đời con,
cuộc đời tăm tối và hư vô vì tội lỗi,
xin cho con biết cúi xuống thật sâu,
để đỡ nâng những người khốn khổ u sầu,
vì họ cũng chính là Chúa chịu thương đau,
để cho cuộc sống con được đẹp mầu.

Xin cho con một trái tim cảm thấu,
một trái tim nung nấu sống tình yêu,
để con dám hành động thật nhiều,
cho bao người đang lầm than túng thiếu,
góp phần cho cuộc sống bớt tiêu điều,
để ngày Chúa đến vui mừng biết bao nhiêu! Amen. 

5. GIÊSU LÀ VUAAnna Cỏ may

Chúng ta thường đánh giá nhau theo vẻ bề ngoài. Một người ăn mặc lụa là, trang sức long lanh, giàu có, chúng ta coi trọng họ. Chúng ta cũng thường mặc định: một ông vua phải là người có thế có quyền, luôn có người hầu kẻ hạ, mọi người phải kính trọng và phục tùng. Tư tưởng dẫn đến hành động. Những cái nhìn đó làm cho chúng ta rơi vào những hành động, lời nói sai lầm và dễ xét đoán người khác. Có người giàu có thật, nhưng cuộc sống họ giản dị, ăn mặc bình thường. Cũng có những vị vua thường vi hành thăm dân. Và có một vua không chỉ là vi hành mà còn trở nên như thần dân của mình. Đó là vua Giêsu.

Vua Hêrôđê đã không tin Chúa Giêsu là vua, ông chỉ nhìn thấy con người hiện tại của Ngài: chẳng còn gì ngoài sợi dây xích và thân mình tả tơi. Ông cũng không tin Chúa Giêsu là vua, bởi ông nghe các Thượng tế tố cáo Ngài, ông biết hoàn cảnh cùng thân thế của Ngài (x. Mt 27, 11-14). Nhưng Chúa Giêsu thật là vua, không chỉ vua của một nước mà là Vua cả vũ trụ này. Ngài là Con Thiên Chúa- Đấng đã dựng nên vũ trụ này. Chúa Cha đã trao mọi sự cho Chúa Con. Chúa Con luôn sống theo ý Chúa Cha và nên một với Chúa Cha. Ngài là vua vũ trụ, vị vua đã sống kiếp người, mặc lấy những đau khổ và gánh tội cho muôn người. Ngài gánh tội cho đến chết trên thánh giá. Tại Núi Sọ, Chúa Giêsu bị hành hình. Viên đại đội trưởng đang thi hành công việc của mình, ông đã thấy Chúa Giêsu trong giờ phút cuối cùng ấy. Ông đã thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Ông công nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cũng có nghĩa ông công nhận Chúa Giêsu thật là Vua. Một vị vua đã hy sinh tính mạng mình để đem ơn cứu độ và sự hòa bình cho mọi người. Ngài là Vị Vua luôn xem xét và thực hành mọi việc trong tình yêu thương. Ngài xét xử mọi người không theo kiểu thế gian nhưng dựa vào những việc mọi người đã làm cho nhau. Ngài thấy rõ tâm can của mọi người (x.Tv 139). Những ai sống mến Chúa yêu người, Ngài sẽ cho hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho họ. Còn những ai không mến Chúa yêu người, họ sẽ phải vào lửa đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Qủy và các sứ thần của nó (x. Mt 25,34-43). Ngài không chỉ là vị vua phán xét ở thế gian mà phán xét cả cuộc sống mai sau.

Hãy đến với vua Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, trong Thánh lễ. Một vị vua đã dùng chính mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng thần dân của mình. Trong ngày lễ Chúa Giêsu-Vua Vũ Trụ, chúng ta hãy cầu xin Ngài tiếp tục yêu thương chúng ta và giúp chúng ta nhận ra và tin Ngài là vị vua của mình để chúng ta biết sống xứng đáng là một người dân, người con của Ngài.

Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ! Ngài là Vị Vua của chúng con. Chúng con nguyện tán dương chúc tụng Thánh danh Ngài đến muôn đời muôn thuở. Xin cho chúng con nhận ra Chúa là Vua của chúng con ngay ở đời này qua những người nghèo, người đau khổ bệnh tật. Nhờ đó, chúng con sẽ được chung hưởng hạnh phúc trên Nước Trời, nơi Chúa đã dọn sẵn cho con. Amen.

6. VỊ VUA THẨM PHÁN
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu, Vua tình yêu.

Bài Tin mừng hôm nay mô tả ngày cánh chung. Khi đó Đức Giêsu xuất hiện như một vị Vua-Thẩm phán. Tất cả mọi người đều tập họp trước nhan Ngài để chịu xét xử. Tiêu chuẩn mà vị Vua-Thẩm phán ấy dựa vào để xét xử là cách sống yêu thương. Ngài cho rằng ai thể hiện tình yêu cụ thể với những người khốn khổ bé mọn tức là thể hiện tình yêu đối với Ngài và sẽ được trọng thưởng. Ngược lai, ai không yêu thương những người khốn khổ bé mọn cũng có nghĩa là không yêu thương Chúa nên bị trừng trị.

Núi Corcovado bên Brazil, có bức tượng Cristo Redentor – Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Vua cao 30 mét, dang tay đứng trên đỉnh núi hùng vĩ. Núi Tao Phùng, Tượng Chúa Giêsu Vua, cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét, uy nghi. Chúa Giêsu Vua giang đôi tay ôm trọn nhân loại trong tình thương cứu rỗi.Trái tim của Ngài mở ra để yêu thương mỗi người và mọi người, cánh tay của Ngài mở rộng để vươn đến mọi người. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp của người Mục Tử.

Vua Giêsu, Mục Tử

Chúa Giêsu là Vua Mục Tử Nhân Lành. Ngài tụ họp những con chiên bị phân tán, tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương tích, chữa lành chiên bị đau ốm, chăn dắt chăm sóc đoàn chiên theo đường công chính (Bài đọc I). Ngài tuyên bố : “Ta là mục tử nhân lành, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta”(Ga 10,10); Ta đến để cho chiên Ta được sống và được sống dồi dào. Chính Ta là mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì chiên”. Vua Mục Tử thiết lập Vương Quốc Tình Thương. Vị Vua ấy đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn nghèo khổ : “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tiêu chuẩn để xác định một người thuộc vương quốc của Ngài là chính những hành động của tình thương. Vua Giêsu làm Thẩm phán xét xử mỗi người theo tiêu chuẩn của tình thương.

Vua Giêsu, Thẩm Phán

Để diễn tả vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, bài Tin Mừng mỗi năm Phụng vụ khai triển về một khía cạnh đặc biệt. Năm A với bài Tin Mừng Matthêu (25,31-46), đề cao Vua Giêsu như vị Thẩm phán xét xử muôn loài. Năm B với bài Tin Mừng Gioan (18,33-37), một cái nhìn thần học về uy quyền của Vua Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể đến để làm chứng cho sự thật rằng Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại và chờ đợi con người đáp lại tình yêu ấy bằng cách tin vào Đấng được sai đến. Năm C với bài Tin Mừng Luca (23,35-43) trình bày Vua Giêsu hiển trị từ trên thập giá. Ngai vàng là thập giá, vương miện là mão gai. Vua Giêsu tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để đem lại sự tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Ngài không là vị Vua Cứu Độ bảo đảm cho con người ta những sự thiện hảo thế tạm. Ngài chẳng giải thoát ngay cả chính bản thân Ngài khỏi cái chết thảm thương trên thập giá. Ngài cũng chẳng hứa sẽ giải thoát con người khỏi bệnh tật hay đói nghèo. Quyền bính của Ngài là ơn cứu độ và sự sống trong Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Ngài đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương loài người đến nỗi sẵn sàng chết cho loài người ngay chính lúc loài người từ chối Ngài, chế giễu Ngài, thậm chí thách thức Ngài.

Vương quốc của Chúa Kitô Vua là vương quốc của tình yêu. Muốn vào vương quốc của Ngài, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.

Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân

Thánh Matthêu tường thuật quang cảnh ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu tái giáng và Ngài phân xử, mọi người tốt xấu, lành dữ đều có mặt và được xét xử rõ ràng. Tiêu chuẩn để xét xử là tình yêu mỗi người thực hiện cho tha nhân.

Nội dung cuộc xét xử thật bất ngờ.Đấng Thẩm Phán chỉ xét hỏi người ta về tình thương. Một tình thương cụ thể được chứng tỏ bằng việc làm thiết thực đối với những con người bằng xương bằng thịt “Cho kẻ đói được ăn, cho kẻ được khát uống, viếng thăm kẻ bệnh tật và tù đày, tiếp rước khách lạ bơ vơ…”. Điều bất ngờ hơn nữa chính là lời Đức Kitô tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một kẻ bé nhỏ là các ngươi làm cho chính Ta”. Những người bị xét xử đều nhất loạt thắc mắc: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói khát, rách rưới, bệnh tật, bị cầm tù hay là khách lạ đâu?”. Mặc cho người tốt kẽ xấu thắc mắc, lời Chúa dạy thật rõ ràng: người khốn khổ bất cứ dưới hình thức nào đều là hiện thân của Chúa. Ngài tự đồng hóa mình với họ. Vậy thì rõ ràng mọi việc chúng ta làm vì tình thương đối với đồng loại đều là việc đạo đức.Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Như thế, việc làm chứ không phải lời nói hay cái gì khác quyết định chúng ta thuộc chiên hay dê.

Thánh Gioan Kim Khẩu dạy: đừng phân biệt đối xử giữa Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ. Chúa trong nhà thờ và Chúa ngoài nhà thờ, tức là những anh chị em khác, phải được tôn trọng như nhau. Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng hiện diện thực sự trong mỗi một con người.

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị đeo đuổi chỉ trích, hành hạ và bị treo trên Thập giá. Ngôi Lời Thiên Chúa đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị chỉ trích lại trừ, bị hành hạ và chết treo trên Thập giá. Vì thế, Ngài đã kinh qua mọi khổ đau và cái chết trong thân phận con người, Ngài cảm thông với hết thảy mọi người. Chúa bảo rằng, những ai cho người đói khát một ly nước, một chén cơm là họ cho Chúa ăn uống. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo là họ đã cho Ngài mặc áo. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian là họ đã cho Chúa trọ nhà… Điều vĩ đại trong Phúc Âm về ngày Phán xét đó là giá trị những việc nhỏ bé hàng ngày của tình yêu thương. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi.

Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu thì thuộc công dân Nước Thiên Chúa.Tình yêu là “thẻ căn cước”của công dân Nước Trời. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực và sống động. Việc bác ái là chứng chỉ duy nhất để được nhận vào số những người được Chúa Cha chúc phúc.

Nếu Chúa Giêsu chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng Ngài là vua có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của Tổng thống Bush: “Show, but don’t tell!”: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!

Trong ngày sau cùng, khi Vua Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính bản thân ta không?

Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là “người khôn ngoan xây nhà trên đá” (Mt 7,24).

Lạy Chúa Giêsu, nhìn thấy Chúa trong người khác là điều không dễ, nhưng đó là điều mà Chúa đề cao: mỗi lần giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ, thiện cảm, vui cười, nói dễ nghe, cư xử tốt, cầu nguyện cho người khác…đó là chúng con làm cho chính Chúa, xin cho chúng con luôn biết thực hành đức ái trong đời sống hàng ngày. Amen.

7. VƯƠNG QUYỀN VÀ VINH QUANG
Lm Vũ Đình Tường

Ngày lễ mừng kính Đức Kitô Vua, xin được nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất mọi tạo vật trên trời, dưới đất đều run sợ, phủ phục trước vinh quang Chúa; thứ hai Đức Kitô là vua toàn thể vũ trụ.

Trong ngày phán xét, Đức Kitô đến trong vinh quang. Thiên Thần Chúa quy tụ muôn dân, muôn nước trước Con Thiên Chúa. Mọi tạo vật đều run sợ, phủ phục trước vinh quang Con Thiên Chúa để nghe Ngài đưa ra phán quyết sau cùng. Điều này cho biết Đức Kitô là Đấng duy nhất có tiếng nói cuối cùng về cuộc sống trường sinh. Thần dữ là ma quỉ có sức mạnh, ảnh hưởng cám dỗ bao lâu con người còn hơi thở, còn bị chúng cám dỗ, mua chuộc. Chúng tung hoành, tác oai, tác quái khi con người cộng tác với chúng. Khi con người lìa cõi thế không còn khả năng cộng tác với chúng nữa. Chúng câm lặng trong ngày phán xét bởi chính chúng bị Thiên Chúa tuyên án phạt. Sức mạnh của thần chết xem ra có tiếng nói trên thân xác con người. Đây là một hiểu lầm rất lớn do ma quỷ ngụy tạo. Con người sinh ra trên mặt đất, con người sống hay chết, ngày giờ ra đi đều do quyền năng Thiên Chúa. Ngài cho người nào sống bao lâu nơi trần gian đều do Ngài quyết định. Việc ra đi, thời gian giã từ cõi thế của mỗi cá nhân đều nằm trong tay Thiên chúa. Thần chết tự nhận có tiếng nói đó. Thực ra chúng không có. Sau khi linh hồn lìa khỏi xác, giã từ trái đất, Đức Kitô là Đấng duy nhất đưa ra phán quyết thưởng, phạt, công minh về cuộc sống con người. Trước tôn nhan Thiên Chúa, mọi loài thụ tạo đều run sợ. Run sợ vì nhiều lí do. Thứ nhất, đây là đầu và cũng là lần cuối cùng mọi thụ tạo nhìn thấy Vinh quang Con Thiên Chúa. Thứ hai, Vinh Quang Chúa cao sang hùng vĩ vượt qua diễn tả của con người. Tựa như bình nhựa không thể đựng acid, mà phải là bình sành. Nhân loại không thể đón nhận vinh quang Thiên Chúa mà không run sợ, phủ phục bởi nhân loại không được tạo dựng để trực tiếp đón nhận vinh quang Chúa. Kinh nghiệm của các tông đồ trên núi thánh Khi Đức Kitô biến hình. Các ông không nhìn thấy vinh quang Chúa, chỉ nghe tiếng Ngài phán ra trên không trung như tiếng sấm gầm, các ông thấy khuôn mặt Đức Kitô sáng rực và áo Ngài trở nên tuyết trắng. Chính những biến đổi này khiến các ông run sợ, phủ phục, cúi mặt xuống mặt đất Mt 17,2.

Trong ngày phán xét, nhiều linh hồn vừa run sợ, vừa nhảy mừng, hoan ca, vui vẻ, vì ngày vinh quang đang đến để được kết hợp với Đức Kitô, Đấng mà họ một đời chuyên tâm trung thành. Cũng trong ngày đó một số vừa run sợ, vừa vỡ lẽ. Run rẩy, vỡ lẽ bởi giờ đây họ nhận biết tính kiêu căng, tự phụ, tự mãn đã lừa dối họ. Họ tự chọn từ chối sống theo hướng dẫn của Con Thiên Chúa. Họ tự chọn đặt í riêng họ lên trên í Chúa. Chính cái hiểu biết, sự khôn ngoan, thông thái của họ lừa dối, gạt gẫm họ đi đến tình trạng chối bỏ Một Thiên Chúa hiện hữu. Giờ phút này họ mới nhận biết sai lầm thì đã quá trễ. Sợ hãi dồn dập tâm hồn họ như những cơn sóng, cơn sau mạnh hơn cơn trước, áp đảo tâm thần họ, xô lấp tâm can, vùi dập cuộc đời họ. Nơi trần thế có thời họ lập mưa dìm người nọ. Họ tạo gió, đè người này. Họ lập mưu ép người kia. Giờ đây chính họ nhận hậu quả do họ gây nên cho tha nhân, tác oai, tác quái trên đồng loại. Nạn nhân của họ được Đức Kitô đón vào Thiên quốc. Trong giây phút họ biết rõ bạc phận, vô phước đời họ gây nên. Con Thiên Chúa cũng không đáp ứng lời họ khóc than, bởi trước đó họ từng từ chối tiếng khóc than, kêu oan của tha nhân. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta Jn 10. Họ từ chối nghe tiếng gọi Chủ Chiên. Họ chọn cuộc sống hoang dại, vì thế họ bị từ chối vào chung đàn chiên. Họ sống ngoài chuồng chiên và lang thang vào vùng tăm tối.

Đức Kitô an ủi chiên Ngài. Bởi các ngươi đã trung tín rong việc nhỏ Mt 25,12. Sống đời sống cố gắng phục vụ tha nhân, trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa. Giờ đây Kitô hữu vào hưởng cuộc sống trường sinh, tràn đầy hạnh phúc, Hãy vào hưởng gia nghiệp Cha Ta đã dành sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên, lập địa c.3. Nơi trần thế Kitô hữu sống cho Thiên Chúa nhiều hơn cho chính họ. Kitô hữu làm cho giáo huấn của Đức Kitô sống động trong đời sống tha nhân. Đức Kitô trao cho Kitô hữu trách nhiệm chăm sóc kẻ ốm đau, nâng đỡ người già cả, an ủi kẻ sầu khổ và thăm viếng kẻ ốm đau. Kitô hữu đã hoàn thành trách nhiệm trao phó. Trách nhiệm mà khi còn tại thế Chính Đức Kitô thực hiện điều đó và Kitô hữu nối tiếp tốt đẹp công việc Ngài khởi sự. Giờ đây Kitô hữu vào hưởng phúc trường sinh, nơi không còn lệ rơi; tang thương bỏ lại trần gian; đau khổ bị tiêu diệt. Thay vào đó là hoà bình vĩnh cửu, tình yêu chan hoà.

Điểm thứ hai. Chúng ta có thể khẳng định Đức Kitô không phải chì là vua cho một thiểu số, cho dân riêng Chúa. Đức Kitô là vua toàn thể vũ trụ. Điều này được xác định bởi Ngài có toàn quyền trên trật tự thiên nhiên. Ngài ra lệnh cho sóng biển êm dịu và chúng vâng phục Ngài Mt 14. Ngài ra lệnh cho gió bão êm lại và chúng liền vâng phục. Đối với bệnh tật và các chứng nan i, bất trị. Ngài lên tiếng là chúng biến mất, bệnh nhân lành như chưa hề mắc bệnh. Người què đi được, câm ca hát, điếc nghe tiếng chim hót đầu ngành, mù thấy mặt trời mọc và kẻ chết sống lại. Ma quỉ trông thấy bóng dáng Ngài chúng than trách sợ bị tiêu diệt Mt 8,29. Ngài phá tan xiềng xích tội lỗi trói buộc con người. Mọi quyền lực, sức mạnh trong vũ trụ đều phủ phục dưới chân Ngài. Vua vũ trụ kêu gọi các môn đệ học từ Ngài để trở nên công chính. Công chính trong lời nói, công chính trong hành động. Công chính bắt nguồn từ lối sống khiêm nhường, phục vụ khiêm nhường bằng các hành động nhỏ mọn, tầm thường. Việc tầm thường đến độ môn đệ không nhận ra, khi họ thực hiện điều đó cho tha nhân chính là thực hiện điều đó cho chính Đức Kitô Mt 11,29. Điều đó thành sự thực bởi chính Đức Kitô đồng hoá Ngài với kẻ hèn mọn, nghèo hèn, kẻ vô gia cư, kẻ xã hội làm ngơ. Cuộc sống trần thế Đức Kitô hiểu rõ điều đó. Ngài bị chối bỏ, bị xua đuổi, thành dân tị nạn, bị đói khát ngay cả trong giờ chết. Những ai tự chọn sống theo í riêng sẽ không thể sống chung với những ai chọn sống theo í Chúa. Chọn sống yêu thương, theo í Chúa sẽ được Chúa yêu thương; chọn sống theo í riêng sẽ sống trong đêm đen.

8. ĐỨC VUA CÔNG MINH CHÍNH TRỰC

Thiên Chúa “xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người, và xét xử muôn dân theo lẽ công bình.” (Tv 96:13 và Tv 98:9)

Trình thuật Mt 25:31-46 nói về thời điểm Vua Kitô xét xử nhân loại. Về cuộc phán xét chung, Chúa Giêsu dùng hình ảnh thực tế: Chiên và Dê. Hình ảnh gần gũi với đời sống. Chiên là loài động vật hiền, mỗi lần bị xén lông rất đau nhưng nó không hề kêu hoặc phản ứng và có hình dáng “bắt mắt,” còn dê là loài động vật có thể phản ứng dữ dội và có hình dáng “khó nhìn.” Chiên là người lành, dê là kẻ dữ. Rất dễ hiểu.

Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và chịu chết để cứu độ nhân loại, thế nên Ngài có quyền phân xử, nhưng hoàn toàn công minh chính trực. Khi Ngài đến thế gian lần thứ hai có các thiên sứ theo hầu, và Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Ngài tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Ngài cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Thiên Vương Giêsu nói với những người ở bên phải: “Nào những người được Cha Tôi chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho quý vị ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã cho ăn; Tôi khát, quý vị đã cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã cho mặc; Tôi đau yếu, quý vị đã thăm viếng; Tôi ngồi tù, quý vị đã đến hỏi han.” (Mt 25:34-37)

Nghe Vua Kitô nói vậy, họ ngạc nhiên vì họ chưa hề thấy Chúa gặp hoạn nạn mà giúp đỡ, nhưng Chúa Giêsu xác định: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy.” (Mt 25:41) Thật lạ lùng quá chừng!

Tương tự, Đức Vua nói với những người ở bên trái những điều như đã nói với những người bên phải, chỉ khác chữ KHÔNG. (Mt 25:42-44) Và họ cũng ngạc nhiên và phân bua, nhưng Ngài nói thẳng: “Mỗi lần quý vị KHÔNG làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là quý vị đã KHÔNG làm cho chính Tôi vậy.” (Mt 25:46) Hết lý lẽ để biện minh, họ đành lủi thủi ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Đó là công bình: Tốt được thưởng, xấu bị phạt. Có điều lạ là không thấy Chúa đề cập tội này hay tội nọ, Ngài chỉ thẩm vấn HAI điều: Sử dụng vốn sống thế nào để sinh lời, (Mt 25:14-30) và thực hành đức ái. (Mt 25:31-46)

Đức Vua không thiên vị ai, không thể lấy cớ mình là “ông này” hay “bà nọ” để được ưu tiên. Có lẽ chúng ta nghe nhiều và nhàm tai, rồi cứ tưởng Chúa vui tính, thích đùa dai. Số phận thành Sôđôma và Gômôra bị thiêu rụi đã quá hiển nhiên, rồi hằng năm có nhiều vụ “thiên tai” nhưng người ta vẫn “bình chân như vại,” thích những “sự lạ” chứ không muốn hiểu “triệu chứng” của một căn bệnh trầm kha bất trị. Thiên tai hay nhân tai? Việt Nam cũng không loại trừ. Người ta cứng lòng, tự mãn, hay giả mù sa mưa?

Thực sự không hề dễ để có thể nhận ra Chúa nơi người khác, nhưng đó là điều Chúa Giêsu đề cao: Mỗi lần chúng ta giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ, thiện cảm, vui cười, nói dễ nghe, cư xử tốt, cầu nguyện cho người khác,… đó là chúng ta làm cho chính Thiên Chúa. Người khác là tha nhân, là bất kỳ ai, dù không quen biết, thậm chí là kẻ thù. Thật tuyệt vời với cách suy luận của đại văn hào Victor Hugo: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vay.”

Yêu thương là xót thương, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến cùng, (Ga 13:1) Ngài không phạt nhãn tiền vì Ngài nhẫn nại chờ chúng ta sám hối, đợi chúng ta tín thác vào Lòng Thương Xót vô biên và sâu thẳm của Ngài, điển hình là qua Bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Không được tha thứ là tại chúng ta cố chấp mà thôi. Alfred Mortier nói: “Mọi người đều nói đến quyền lợi, không mấy ai nói đến bổn phận.” Thật vậy, chúng ta van xin Chúa ban “miễn phí” cho chúng ta đủ điều, nhưng lại không muốn hy sinh, chỉ muốn tránh né “cái khó” càng nhiều càng tốt. Như vậy thì chúng ta không công bằng với Chúa, cũng có nghĩa là chúng ta bất công với Ngài.

Chúa Giêsu là Vua các vua nhưng không được tiền hô hậu ủng, không xa giá, chỉ một lần duy nhất được tung hô vạn tuế khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem trước dịp lễ Quá Hải (Vượt Qua), thế nhưng chỉ vài ngày sau là họ lật mặt mau hơn trở bàn tay: “Đóng đinh nó vào Thập Giá.” (Mt 27:22-23; Mc 15:13-14; Lc 23:21; Ga 19:6; Ga 19:15) Quả thật, chúng ta cũng chẳng hơn gì dân xưa.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, suốt ba năm hoạt động công khai, hằng ngày Ngài đích thân rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đến tận các hang cùng ngõ hẻm để giáo huấn và chia sẻ nỗi đau khổ của những người nghèo khổ nhất, đặc biệt là Ngài luôn tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của mọi người. Là Vua với đầy quyền lực trong tay, nhưng Ngài đã thực hiện đúng như đã nói: “Ai làm lớn phải phục vụ.” (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45) Ngài không cậy quyền, không ỷ thế, nói và làm gì cũng dựa trên nền tảng yêu thương, ngôn hành luôn song song, thậm chí Ngài còn làm nhiều hơn nói. Thật diễm phúc khi chúng ta là thần dân của Vua Kitô Giêsu!

Lạy Đức Vua Kitô Giêsu, xin tỏ cho con thấy tình thương của Ngài và ban ơn cứu độ cho con. (Tv 85:8) Xin Ngài nhớ đến con bởi lòng thương dân Ngài, xin ngự đến viếng thăm mà ban ơn cứu độ. (Tv 106:4) Xin Ngài đứng dậy mà xét xử địa cầu, vì chính Ngài làm chủ muôn dân. (Tv 82:8) Xin thương tha thứ, nâng đỡ, che chở, độ trì, soi sáng và hướng dẫn con trong Chân Lý và Tình Yêu cao cả. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, hằng sinh, đồng hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

9. VỊ THẨM PHÁN NHÂN TỪ VÀ CÔNG MINH
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Quyền lực là một cám dỗ có ma lực ghê gớm đối với con người ở mọi thời đại, vì nó đem cho người ta nhiều bổng lộc, giúp họ vinh thân phì gia. Trong xã hội Việt Nam của chúng ta, những tham vọng quyền lực đã và đang làm nghèo đất nước và gây bức xúc cho người dân. Nhiều người tìm cách đút lót hối lộ để được vào guồng máy lãnh đạo của nhà nước, thậm chí vào Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia (Thông tin trên một số trang mạng điện tử, trong đó có BBC, cho thấy bà Châu Thị Thu Nga khai đã đút lót 30 tỷ để được làm đại biểu Quốc hội). Trong bối cảnh này, tôn vinh Đức Giêsu với tước hiệu “Vua” dễ làm cho người đương thời hiểu sai về sứ vụ của Người. Chính Chúa đã nói với quan Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Đức Giêsu là Vua vũ trụ, nhưng là vị Vua đến để phục vụ con người và đem cho họ sự sống, niềm vui và hạnh phúc. Là Thiên Chúa quyền năng, Đức Giêsu cũng là vị thẩm phán nhân từ và công minh. Người sẽ xét xử nhân loại về hành vi và đời sống của họ, vào lúc tận cùng của thời gian.

Vị thẩm phán này không chỉ xuất hiện vào thời tận thế, nhưng Người luôn đồng hành với con người trong hành trình dương thế. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với Dân riêng Ngài đã chọn. Những chi tiết được nêu giúp chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của một người mẹ, luôn hiểu thấu tình trạng của mỗi người con trong những đứa con của mình. Chúa Giêsu đến trần gian đã thực hiện những gì Cựu ước đã loan báo. Người tuyên bố, Người là Mục tử nhân lành. Người chăm sóc các tội nhân, chữa lành những người bệnh, giúp những người bị gạt ra bên lề trở lại hòa nhập cuộc sống xã hội. Không một con chiên nào bị quên lãng hay bỏ rơi, dù là những con chiên bệnh tật còm cõi. Người mục tử còn cất công lặn lội đi tìm những con chiên bị lạc.  Ông vui niềm vui của đoàn chiên, ưu tư trăn trở khi thấy lợi ích của đàn chiên bị đe dọa. Chúa Giêsu đã thể hiện vương quyền của người không phải để thống trị, nhưng để yêu thương và phục vụ con người. Chúa cũng khẳng định: Người không đến trần gian để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu rỗi con người. Trọn vẹn cuộc sống và nhất là cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh điều đó. Chúa chấp nhận sự chết để cho con người được sống. Người chấp nhận đau khổ để con người được hạnh phúc. Đó là vương quyền đích thực của Người. Vương quyền này, hoàn toàn khác với vương quyền thế gian.

Một cách đặc biệt, vương quyền của Đức Giêsu thể hiện qua cuộc phán xét cuối cùng, hay còn gọi là phán xét chung. Đó là ngày tận thế, khi vũ trụ này sẽ qua đi, nhường chỗ cho trời mới đất mới.  Lúc đó, hậu vận tương lai của mỗi người cũng được quyết định. Chính Chúa Giêsu đã diễn tả cuộc phán xét chung, với những chi tiết cụ thể và dễ hiểu. Hình ảnh cuộc phán xét chung cũng là câu trả lời cho biết bao vấn nạn được đặt ra về sự công bằng, về đời sống thánh hiện hoặc gian ác, về sự sống bên kia sự chết. Vị Vua của ngày phán xét chung  là vị thẩm phán nhân từ nhưng cũng rất công minh. Người sẽ dựa vào thái độ của mỗi người đối với người nghèo mà quyết định tương lai hậu vận của họ. Tác giả Tin Mừng nói đến sự ngạc nhiên của những người có mặt trong phiên tòa, cả những người tốt cũng như người xấu, khi họ thấy Chúa tự đồng hóa mình với những người đói khát, trần trụi, tù đày, đau yếu, cơ nhỡ… Thì ra ai giúp người nghèo là giúp Chúa. Ai bỏ rơi người nghèo là bỏ rơi Chúa. Trong ngày phán xét chung, không thấy vị Vua đề cập tới những chức tước, địa vị đạo đời của chúng ta hoặc những công lao lẫy lừng chúng ta đã làm khi sinh thời, nhưng Người nhấn mạnh đến  cách chúng ta đối xử với anh chị em mình. Người tín hữu sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Họ là công dân của một vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc ấy đang hiện diện trên thế gian như “vương quốc của Tình yêu, vương quốc của Sự thật”. Vương quốc ấy sẽ tỏ hiện hoàn toàn khi mọi sự được đặt dưới chân Chúa Giêsu là Vua muôn loài (Bài đọc II).

Là người tín hữu, chúng ta thuộc về đàn chiên của Chúa. Đây là một trong những hình ảnh thường được dùng để diễn tả Giáo Hội. Tuy vậy, so sánh nào cũng khập khiễng. Hình ảnh “con chiên” dễ gây hiểu lầm, vừa coi giáo dân như những người mù quáng  mê muội phục quyền, vừa tạo cho người tín hữu lối sống thụ động, thiếu cộng tác tích cực trong việc xây dựng và điều hành cộng đoàn. Ơn gọi Kitô hữu trao trách nhiệm cho chúng ta cộng tác phần mình làm cho vương quyền của Đức Kitô lan tỏa trên thế gian này.

Sống trên đời, đừng quên sẽ có ngày phải đứng trước tòa phán xét. Hình ảnh phán xét sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, để không phải hổ thẹn, và nhất là không bị kết án trầm luân trước vị Thẩm phán nhân từ và công minh là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta.

10. VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU
Tgm. Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.

Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt. Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi. Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.

Sự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai. Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ. Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày. Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối. Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.

Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới. Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới. Thế giới không còn thời gian. Thế giới vĩnh cửu. Thế giới không còn đau khổ. Thế giới hạnh phúc tràn đầy. Vì Chúa sẽ thiết lập một vươn quốc mới: vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào. Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất: luật tình yêu. Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất: tình yêu. Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.

Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất. Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới. Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời. Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa. Sẽ đi đến chung cuộc. Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.

Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa: thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể. Cho người đói ăn. Cho người khát uống. Cho người rách rưới ăn mặc. Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy. Đây là những việc vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng cho thấy những sự thật nào?

2- Ta có thể làm chủ vận mạng mình được không?

3- Điều kiện để được vào Nước Chúa có khó khăn gì không?

4- Nếu mọi người đều thực hiện Lời Chúa, bạn nghĩ thế giới này sẽ như thế nào? Có trở thành vương quốc của Chúa được không?

11. GIÊSU VUA TÌNH YÊU
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua Tình Yêu và là Chúa chúng ta. Vua của Vương Quốc Yêu Thương và An Bình. Hôm nay, Vị Vua ấy nói với chúng ta về cuộc phán xét tình yêu. Khi sử dụng ẩn dụ chiên – dê, Người cho chúng ta thấy rằng đây sẽ là cuộc phán xét về tình yêu.

Chỉ có tình yêu là điều đáng kể, nên thánh Ignatiô Loyola chiêm niệm để đạt được tình yêu, và ngài khuyên chúng ta cần phải đặt tình yêu vào trong lời nói và việc làm của mỗi người. Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa: ” Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với” (Mt 25,34-36). Hơn nữa, “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Cuộc phán xét tình yêu, đưa chúng ta trở về với thực tại chân đặt trên đất, đầu ngẩng lên nghe Chúa Kitô phán xét. Vương triều của Chúa Kitô rất khác với chuyên quyền trần thế, bởi tình yêu là tiếng nói cuối cùng còn tồn tại.

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ý nghĩa của vương quốc hay quyền lực là để phục vụ người khác. Người khẳng định rằng Người là Chúa, là Thầy (Ga 13,13), và là Vua (Ga18,37), nhưng Người đã thi hành chức năng Thầy của mình bằng cách rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,4 ), và trao ban mạng sống mình. Chúa là Vua cai trị bằng sự khiêm nhường nằm trong (máng cỏ!) và bước lên ngai vàng là Cây Thập Giá.

Trên Thánh Giá có một bảng chữ viết rằng : “Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19,19), cái bên ngoài khẳng định mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu cai trị trên cây Thánh Giá và phán xét chúng ta bằng tình yêu, như thánh Gioan Thánh Giá đã nói:  “Anh chị em sẽ bị xét xử về tình Yêu“.

Câu hỏi được đặt ra : Vua Tình Yêu phán xét thế nào ? Khi Chúa Giêsu giáng lâm, tất cả mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt để Người xét xử. Tiêu chuẩn là tất cả những gì chúng ta thực hiện cho anh em. Chính người tuyên án: “Mỗi lần các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho chính Ta” (Mt 25, 40.45). Vì thế, cái gì sẽ xảy ra cho những kẻ không những không cho kẻ đói ăn, mà còn cướp lương thực khỏi họ; không những không tiếp rước khách lạ, mà còn là nguyên nhân làm cho người khác trở nên khách lạ.

Chúng ta không thể chiếm lấy gia nghiệp nước trời đã chuẩn bị từ tạo tiên lập địa cho những ai phục vụ trong yêu thương. Chỉ người sống yêu thương mới có chỗ trong triều đại sự sống và chân lý, ân sủng và thánh thiện, công chính, yêu thương và an bình.

Ai trong chúng ta cũng muốn vào Vương Quốc ấy. Lời cầu nguyện Ca hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin: cho hết mọi loài thọ sinh (…) biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng.

Để được vào, chúng ta phải phấn đấu. Nếu Đức Kitô Vua đã chiến đấu cho đến chết, thì các thần dân cũng phải chiến đấu. Vì thể chế xã hội loài người không muốn Đức Kitô cai trị trên họ nên họ chiến đấu chống lại Đức Kitô.

Nếu chúng ta là thần dân của Đức Kitô, chúng ta phải cầm vũ khí tốt để chiến đấu, vũ khí ấy là: tình yêu, chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích, sự chúc lành của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta trước cuộc chiến đấu, biết chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa và của Đức Kitô trên mọi sức mạnh của sự dữ.

Chúng ta chỉ còn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Kitô, sống trung thành với Người như những tôi tớ, can trường trong đức tinh, nhiệt thành trong đức mến, để một ngày kia, chúng ta có thể nghe Vua Kitô nói với chúng ta rằng : “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ” (Mt 25, 34).

Chắc một điều là Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (2Tim 4,8), thì Người sẽ là Ðấng Cứu độ và là vinh quang. Còn khi chúng ta từ chối lẫn nhau và quay lưng trước những bất hạnh tinh thần và thể xác của anh em đồng loại thì cũng là lúc chúng ta rời xa Chúa Giêsu, rời xa Thiên Chúa trong ngày sau hết.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, là Vua trên hết các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ. Xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua vũ hoàn với cả tình yêu, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, xin dâng Chúa quyền lực, vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.

12. VUA MỤC TỬLm. Văn Hào

 “Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển, như một mục tử” (Mt 25,31-32).

Những công trình nghệ thuật và văn chương cổ điển, như những bức họa của Michelangelo tại đền thờ Sixtine hay của họa sĩ Dante, rất cuốn hút người xem với những cảnh vẽ về ngày phán xét sau cùng. Sự pha trộn  những nét tương phản được diễn tả rất sống động, như sự đối kháng giữa thiên thần và quỷ dữ, giữa lửa và mây, giữa những con người vui sướng vì được cứu thoát và những kẻ bị chúc dữ đầy khiếp sợ. Các bức họa muốn diễn bày ý tưởng, là trong ngày chung thẩm, người tốt lành sẽ được ân thưởng, và kẻ gian ác sẽ bị luận phạt. Các họa sĩ cũng mô tả chân dung của Đấng phán xử như một vị Vua uy lực, đấng sẽ ra phán quuyết tối hậu về số phận của mọi người, người tốt cũng như kẻ xấu. Những hình ảnh này chắc chắn làm an tâm những ai đang cố gắng sống ngay lành, tuy còn phải nỗ lực hoàn thiện, đồng thời cũng gợi nhắc những ai làm điều xấu phải cố gắng hoán cải để nên hoàn thiện hơn.

Hình ảnh một vị Vua thần thánh đầy uy quyền, công bố những phán quyết để xử phạt, hoàn toàn đối nghịch với hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương qua dáng dấp một vị mục tử nhân lành, mà bài đọc thứ nhất cũng như Thánh vịnh đáp ca hôm nay gợi tả. Dung mạo của Đấng Chăn Chiên nhân hậu luôn chăm sóc đoàn chiên, đi tìm kiếm các con chiên lạc, thu gom chúng về đàn để không bị tản mát, chữa trị những con bị đau yếu , dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi đầy ắp thức ăn bổ dưỡng, cho chúng thư thái nghỉ ngơi và được no khát nơi dòng suối trong – hoàn toàn đối nghịch với một Đấng uy quyền ngồi trên tòa cao ngất ngưởng để xét xử và ra những phán quyết nhằm nghiêm phạt. Trong Tin mừng Matthêu, nhiều lần Đức Giêsu đã nói với các  môn đệ hãy bắt chước Ngài, sao chép lại tình yêu mục tử giống như Ngài. Ngài chạnh lòng thương cảm trước đám đông như bầy chiên lang thang không người chăn dắt (Mt 9,36). Ngài sai các môn đệ đi “tìm các con chiên lạc nhà Israel (10,6). Ngài cũng khuyến mời các học trò hãy thực hành giống như Ngài, một người chăn chiên liều lĩnh, đã bỏ lại 99 con trên đồng vắng để đi kiếm tìm con chiên lạc mất (18, 10-14).

Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu dung hòa cả hai chiều kích xem ra có vẻ đối nghịch này, để khải thị chủ đề về cánh chung. Một đàng, là vào giờ phút chung thẩm sau hết, sự chọn lựa cuộc sống nơi mỗi người chúng ta mang tính chất quyết định và không thể thay đổi. Đàng khác, Đức Giêsu, đấng ngồi trên ngai phán xử lại là một Người Chăn Chiên giàu lòng nhân hậu. Đức Giêsu vừa là một Vị Vua uy quyền, ngự trên ngai tòa cao sang, nắm trong tay toàn quyền sinh sát trên tất cả sinh linh, đồng thời, Ngài cũng là một mục tử hiền lành, rất mực bao dung và đầy lòng thương xót. Hình ảnh sống động nhất nơi dụ ngôn không phải là dung mạo một ông vua với vinh quang chói sáng theo quan điểm trần gian, nhưng là một Đức Vua cao cả được đồng hóa với khuôn mặt của những con người cùng khổ đang đói, đang khát, đang lang thang nơi đầu đường xó chợ, đang rét mướt trần trụi không manh áo che thân, đang quằn quại bi thương trong bệnh hoạn hay đang bị giam giữ chốn lao tù. Những con người khốn khổ này được đồng hóa với chính Đức Giêsu. Điệp khúc đó được lập đi lập lại bốn lần trong câu truyện dụ ngôn, như muốn làm vang lên những tiếng thét gào ai oán của những người khốn khổ nhất. Họ giống như những con chiên thương tích và ốm yếu trong đàn đang cần được chăm sóc. Những học trò của Đức Giêsu khi thực hành giáo huấn này, biết bày tỏ lòng thương cảm đến các cận nhân chung quanh, chính là họ đang hiển thị dung mạo yêu thương của Đức Giêsu – Vua Mục Tử, một  cách rõ nét nhất.

Trong Tin Mừng Gioan, quyền uy của Đấng chăn chiên hiện lộ  trong việc kết hợp thân tình giữa chủ chăn và đoàn chiên (10,14), khi người mục tử biết từng con chiên(10,3), và người chăn chiên hy sinh ngay cả mạng sống mình cho đoàn chiên (10,11). Đây là uy quyền được diễn bày bằng tình yêu, một thứ uy quyền được sẻ chia, được trao ban để đi vào lòng người, chứ không phải là một thứ uy lực đứng ngạo nghễ trên cao, chỉ để công bố những phán quyết trừng phạt  cách nghiêm khắc.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cảnh báo chúng ta. Đương nhiên, chúng ta không khiếp sợ trước một vị vua oai phong nghiêm trị các thần dân khi chúng ta sao lãng bổn phận do lơ là hay yếu đuối. Nhưng những ai vẫn ngoan cố đóng khép lòng mình lại, chối từ lòng thương xót của Đấng Chăn Chiên nhân hậu, chính họ đã tự chuốc lấy án phạt cho chính mình.

Mỗi người chúng ta có tự do để chọn lựa số phận muôn đời. Sự định đoạt đó tùy vào thái độ chúng ta hôm  nay có biết đón nhận hay khước từ tình yêu của Vị Chăn Chiên nhân hậu, đấng luôn yêu thương và muốn cứu độ chúng ta.

13. SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU LÀ VUA
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam

Tin mừng Chúa nhật lễ Đức Giêsu Kitô vua vũ trụ trình bày ngày Chúa quang lâm, Người đến trong vinh quang để phán xét nhân loại. Khi ấy, Người sẽ thi hành quyền bính như một vị vua: “Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người và Người sẽ phân chia họ ra”. Người Do Thái quan niệm ngai uy linh chỉ dành cho Thuên Chúa để xác nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Ngài là vua tình thương. Ngày sau hết, Đức Giêsu chỉ xét xử chúng ta về giới luật yêu thương, bởi đạo Ngài thiết lập là đạo tình thương, đạo bác ái:

“Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn. Hãy yêu thương anh em như chính mình” (Mt 22, 37.39).

“Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25, 45).

Trong viễn cảnh ngày tận thế, ngày mà Đức Giêsu sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Tin mừng Matthêu đề cập tới vương quyền của Chúa Giêsu: Ngài là vua không như những vua chúa trần gian cai trị dân bằng sức mạnh của vũ khí, quyền lực, kinh tế, tiền bạc… Đức Giêsu cai trị bằng tình yêu, hy sinh và phục vụ. Đức Giêsu là vua tình thương: “Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20, 28). Vương quốc của Người gồm những người nghèo khó, cùng cực, đói khát, bị bỏ rơi, bị tù đày… Những ai săn sóc, phục vụ, giúp đỡ, an ủi những người bé nhỏ nghèo khổ thì thuộc về vương quốc của Đức Giêsu, là công dân của Nước Trời:

“Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta”

Như thế, Đưc Giêsu đã đồng hóa tình Chúa và tình người. Yêu Chúa là yêu người; yêu người là thước đo lòng mến của chúng ta đối với Thiên Chúa. Trong hoạt cảnh ngày phán xét, thánh Matthêu muốn trình bày việc người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên là những người lành được hưởng hạnh phúc quê trời. Dê là những người bất lương sẽ bị luận phạt. Điều làm cho chúng ta vô cùng ngạc nhiên: Đã có những người không nhận ra điều này, là họ đang phục vụ Đức Kitô khi họ cho những người đói khát ăn uống, cho kẻ trần truồng mặc, đón tiếp khách lỡ đương, thăm viếng người đau yếu, tù đày… Cũng có nhiều người đã không nhận ra rằng, họ đã thực sự chểnh mảng không phục vụ Đức Giêsu Kitô, khi họ làm ngơ, vô cảm trước những nhu cầu của những người nghèo khổ (GLCG 2443). Chính khi chúng ta làm phước giúp đỡ những người nghèo khổ là làm cho chính Chúa. Chính khi chúng ta từ chối không giúp đỡ anh em là chúng ta đã từ chối không làm cho Chúa. Tất cả người lành, kẻ dữ đều ngạc nhiên nói: “Lạy Chúa, chúng con có bao giờ thấy Chúa đói khát, đau yếu hay ở tù…, mà chẳng giúp Chúa đâu…!”.

Tin mừng nói rất rõ người được cứu và người không được cứu, chiên và dê sẽ bị phân chia bởi tiêu chuẩn căn bản là tình thương, bác ái, chứ không dựa vào danh giá, chức vụ, địa vị trong xã hội. Những hoạt động từ thiện, những việc phục vụ tha nhân trong tình yêu sẽ có giá trị vĩnh cửu và đạt được hạnh phúc Nước Trời. Ngược lại, vô cảm, hờ hững trước những khổ đau của anh em là từ chối Thiên Chúa, phản bội Ngài… sẽ bị luận phạt.

Trong thế giới văn minh hôm nay với nền kinh tế thị trường, nền đạo đức đang xuống cấp trầm trọng trong gia đình, học đường và xã hội, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi mọi người xây dựng một nền văn minh tình thương, chống lại nền văn minh sự chết qua việc phục vụ tha nhân, công bằng, thực thi công lý, sống lương thiện.

Đứng trước nhu cầu của thế giới hôm nay với 80% dân số toàn cầu là thành phần nghèo. Theo báo cáo của Hội nghị Quốc tế về các trẻ em nghèo trên thế giới. Mỗi năm, có 14 triệu trẻ em chết oan uổng vì đói ăn, suy dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc về thuốc men. Hiện nay, một số nước ở Châu Phi đang chịu cảnh đói và thiếu lương thực (ở Somali…). Trong khi đó, thế giới dư thừa thực phẩm. Con người hôm nay sơ cứng, lãnh đạm, hờ hững trước những khổ đau của anh em mình.

Giáo hội luôn khẳng định vai trò của mình là tiếp nối sứ mạng cứu độ của Đức Kitô, luôn dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo, những kẻ bị bỏ rơi. Giáo hội không ngừng lên tiếng, kêu gọi, đấu tranh chống lại sự nghèo đói, bất công xã hội dưới mọi hình thức để động viên mọi người thực hiện một nền văn minh tình thương.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận