Hàng năm, một tuần trước ngày lễ thánh Phaolô trở lại, từ ngày 18-25/01, Giáo hội Công giáo cùng với nhiều Giáo hội Kitô khác cùng nhau cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các tín hữu Kitô đã có những chia rẽ, nhưng vẫn luôn cầu nguyện để xin ơn hiệp nhất và để hàn gắn những vết thương trong quá khứ.
Tài liệu hỗ trợ cho tuần cầu nguyện năm 2020 này được soạn thảo bởi các Kitô hữu Malta và Gozo, cùng với sự cộng tác của một Uỷ ban quốc tế bao gồm đại diện của Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Sự Hiệp nhất Kitô hữu và của Hội đồng Giáo hội Đại kết.
Chủ đề năm nay “họ đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28,2), được lấy cảm hứng từ đoạn Kinh Thánh liên quan đến sự cố đắm tàu của thánh Phaolô tại Malta (Cv 27,18 – 28,10). Đoạn Kinh Thánh giúp nhóm suy tư về đức tin của Thánh Phaolô trong sự Quan phòng của Thiên Chúa và về các nhân đức đại kết của lòng hiếu khách.
Bản văn được dùng cho Tuần cầu nguyện được đăng trên website của Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Sự Hiệp nhất Kitô hữu, như một tài liệu để nhìn bao quát về bối cảnh hiện tại của cuộc đối thoại đại kết và những gợi ý để cử hành phụng vụ và cầu nguyện theo từng ngày.
Mở đầu phần giới thiệu, bản văn viết: “Tại Malta vào ngày 10/2, nhiều Kitô hữu cử hành lễ đắm tàu của thánh Phaolô tông đồ để tưởng nhớ và tạ ơn về hồng ân đức tin đã đến trên đảo này. Câu Kinh Thánh được trích từ sách Công vụ Tông đồ được dùng trong phụng vụ ngày lễ đã được chọn để làm chủ đề cho tuần cầu nguyện năm nay.”
Đoạn viết về việc đắm tàu “gợi lại thảm kịch của con người đứng trước sức mạnh khủng khiếp của các yếu tố thiên nhiên”, và về hình ảnh của thánh Phaolô như “một ngọn hải đăng hòa bình giữa những biến động”, bởi vì “ngài biết rằng sự sống của ngài đang ở trong bàn tay Thiên Chúa.” Bản văn hỗ trợ cho tuần cầu nguyện cũng trình bày về việc làm thế nào, trong vụ đắm tàu, “những người khác nhau và bất đồng nhau lại có thể cùng nhau cập bến an toàn và được cứu”, “được ôm lấy bởi tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa”.
Bản văn cũng liên tưởng đến sự tương đồng với các vấn đề hiện tại, khi viết: “Ngày nay, nhiều người phải đối mặt với những nguy hiểm tương tự trong cùng một vùng biển. Những nơi tương tự được đề cập trong Kinh Thánh cũng liên hệ đến những câu chuyện của những người di cư ngày nay. Tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều người phải đối mặt với những hành trình nguy hiểm không kém, bằng đường bộ và đường biển, để thoát khỏi thiên tai, chiến tranh và nghèo đói. Ngay cả cuộc sống của họ cũng bị đặt dưới những thế lực vô cùng to lớn và hết sức thờ ơ, không chỉ tự nhiên, mà cả chính trị, kinh tế và con người”.
Sự thờ ơ này của con người có nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như những người bán chỗ trên những con tàu không an toàn cho những người tuyệt vọng để ra khơi; hoặc những người quyết định không gửi xuồng cứu sinh; hoặc những người đẩy lùi các thuyền di cư”. Do đó, trình thuật của sách Công vụ Tông đồ, “thách thức chúng ta, trong tư cách là Kitô hữu, cùng nhau đối diện với cuộc khủng hoảng liên quan đến di cư”. “Chúng ta thông đồng với những thế lực thờ ơ hay chúng ta chào đón con người, từ đó trở thành nhân chứng của sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa đối với mỗi người?”. Đây là câu hỏi được đặt ra, trong khi nhắc lại rằng “lòng hiếu khách là một nhân đức rất cần thiết trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”.
Trong Tuần lễ cầu nguyện, được tổ chức hàng năm từ 18-25/01, tám chủ đề sẽ được đào sâu trong năm nay, với mỗi ngày một chủ đề: hòa giải, ánh sáng, hy vọng, tin tưởng, sức mạnh, lòng hiếu khách, sự hoán cải và lòng quảng đại. Tài liệu hỗ trợ cũng giải thích các giai đoạn chuẩn bị của tài liệu này: nhóm soạn thảo bản văn đã gặp nhau tại Đại chủng viện của Tổng giáo phận ở Tal-Virtù bốn lần trong năm. Hồi tháng 9 năm ngoái, các tài liệu chuẩn bị đã được trình lên Ủy ban quốc tế bao gồm các đại diện của Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Sự Hiệp nhất Kitô hữu và của Hội đồng Giáo hội Đại kết, để phê chuẩn.
Tài liệu hỗ trợ cũng nêu ra thực tế đại kết của các đảo Malta và Gozo: “Mặc dù dân số hiện tại, với khoảng 430 ngàn người, chủ yếu là Công giáo, nhưng cũng có một số đáng kể các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác. Do đó, kinh nghiệm đại kết không phải mới đối với cư dân tại đây. Vị trí của Malta, ngã tư của các nền văn minh, tôn giáo, thương mại và di cư, đã làm người dân cởi mở và hiếu khách đặc biệt”.
Tài liệu còn ghi: “Sự đa dạng của các Giáo hội Kitô làm cho bối cảnh đại kết của Malta trở nên thực sự sống động”. Các cuộc gặp gỡ đại kết đầu tiên ở Malta diễn ra vào những năm 1960, “khi một nhóm linh mục Công giáo bắt đầu gặp gỡ thường xuyên với một nhóm giáo sĩ của lực lượng quân đội Anh đóng quân tại Malta để thảo luận về các vấn đề quan tâm chung và họ cầu nguyện cùng nhau”. Và chính tại Malta, các cuộc gặp gỡ đầu tiên trong cuộc đối thoại chính thức giữa Công giáo và Anh giáo, cũng như giữa Công giáo và Lutherano đã được tổ chức.
Ngày nay, nhóm Kitô hữu Cùng nhau, hay Hội đồng Đại kết của Malta, được thành lập năm 1995 bởi một linh mục Dòng Tên Maurice Eminyan, SJ., bao gồm đại diện của nhiều Giáo hội khác nhau, gặp nhau hai tháng một lần để thảo luận về các vấn đề đại kết, đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại và cầu nguyện. Các mối quan hệ giữa nhau được thiết lập dựa trên “sự tôn trọng sâu xa và cộng tác đích thực”. Ví dụ: “sự giúp đỡ hết sức quý giá của Giáo hội Công giáo trong việc tìm những nơi thích hợp cho nhiều Giáo hội Chính thống, hay Giáo hội Công giáo ở Gozo đã mở cửa, giúp cho các tín hữu Anh giáo và các Kitô hữu thuộc các truyền thống Cải cách có địa điểm để thờ phượng.” Ngoài những giây phút cầu nguyện cùng nhau, các Giáo hội cùng nhau thực hiện một dự án phục vụ chung – diaconia – qua nhiều sáng kiến khác nhau; các hoạt động liên đới dành cho người già và người bệnh; tổ chức Ngày cầu nguyện cho thụ tạo được tổ chức vào ngày 1 tháng 9.
Tài liệu hỗ trợ cho tuần cầu nguyện kết luận: “Sự hợp tác đại kết ở nhiều cấp độ là một công cụ hợp thức để thúc đẩy công cuộc hiệp nhất các tín hữu Kitô ở Malta. Người ta có thể hít thở một bầu khí đại kết hết sức tích cực và Malta có thể đại diện cho một cuộc đối thoại đại kết ở tầm mức quốc tế”.
Tài liệu hỗ trợ việc cầu nguyện đại kết năm nay có sẵn bằng các thứ tiếng Ý, Anh và Pháp. Các giáo hội có thể chuyển ngữ về các ngôn ngữ địa phương để sử dụng trong sự hiệp thông với mọi Kitô hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác nhau trên thế giới trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. (CSR_7610_2019)
Văn Yên, SJ
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12