Chuyến tông du của Đức Thánh Cha: Sự kiện thế kỷ đối với Giáo hội non trẻ Mông Cổ

1362 lượt xem

CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA:
SỰ KIỆN THẾ KỶ ĐỐI VỚI GIÁO HỘI NON TRẺ MÔNG CỔ

WHĐ (02.09.2023) – Sau chuyến bay kéo dài hơn 9 tiếng đồng hồ từ Roma, chiếc máy bay của hãng ITA Airways đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Chinggis Khaan, thủ đô Ulaanbaatar lúc 10 giờ sáng giờ địa phương ngày mồng 01.09.2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã góp phần vào trang sử của Mông Cổ khi là vị Giáo hoàng đầu tiên đến đất nước này, một quốc gia rộng lớn nhưng lại là một trong những cộng đồng Công giáo nhỏ nhất thế giới.

Được biết, Đức Hồng y Parolin – Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Tagle – Bộ trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng – cùng với phái đoàn Tòa Thánh Vatican cũng đã đến Mông Cổ trước đó 1 ngày, và ở tại Tòa Phủ doãn tông tòa thủ đô Ulaanbaatar.

Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ, bà Battsetseg Batmunkh, đã chào đón Đức Thánh Cha ngay dưới chân máy bay, và một thiếu nữ đã mời ngài món Aaruul -sữa đông khô- vốn là món ăn truyền thống của các dân tộc du mục Mông Cổ. Cùng với phái đoàn chính phủ, chào đón Đức Thánh Cha tại sân bay có phái đoàn Tòa Thánh, Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn tông tòa thủ đô Ulaanbaatar, một số giám mục của Á Châu, các nhà thừa sai, và đại diện giáo dân Mông Cổ.

Video Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam

Tiếp đến, Bộ trưởng Ngoại giao và Đức Thánh Cha cùng thành viên của hai phái đoàn Mông Cổ và Toà Thánh hội đàm trong ít phút tại sảnh VIP của sân bay.

Sau đó, đoàn xe đưa Đức Thánh Cha đến Phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar, nơi ngài sẽ lưu trú trong suốt chuyến tông du.

Video Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam

Các em học sinh và nhiều nhóm tín hữu háo hức chờ đợi sự xuất hiện của Đức Thánh Cha bên ngoài Phủ doãn tông tòa. Khi phái đoàn đến nơi, hai em bé biểu diễn các điệu múa truyền thống của Mông Cổ dâng tặng Đức Thánh Cha, và rất vui mừng khi nhận được quà tặng là chuỗi tràng hạt Mân côi.

Video Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam

Trên chuyến bay, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói với khoảng 70 nhà báo trong đoàn rằng ngài đến thăm Mông Cổ là để gặp gỡ “một dân tộc nhỏ bé nhưng có một nền văn hóa lớn.

Tôi nghĩ sẽ tốt cho chúng ta nếu hiểu được sự tĩnh lặng này… hiểu được ý nghĩa của nó, nhưng không phải bằng trí tuệ, mà bằng cảm thức. Mông Cổ có thể được thấu hiểu bằng cảm thức.

Trong chuyến bay dài hơn 8.000 cây số từ Roma đến thủ đô Ulaanbaatar, máy bay của Đức giáo hoàng đã ngang qua hơn 10 quốc gia, trong đó có: Bosnia Herzegovina, Montenegro, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Azerbaijan, Kazakhstan và Trung Quốc. Theo lệ thường, khi bay qua không phận của các quốc gia, Đức Thánh Cha luôn gửi một điện tín tới các nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia này. Lần này, cũng không phải ngoại lệ, Đức Thánh Cha đã gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một Thông điệp ngắn, trong đó, ngài hứa cầu nguyện cho sự an sinh của quốc gia Trung Quốc và cầu xin “phúc lành của Thiên Chúa cho sự hiệp nhất và hòa bình trên Chủ tịch và toàn dân”.

Sau chặng bay dài, Đức Thánh Cha dành ngày đầu tiên để nghỉ ngơi. Sự kiện công khai đầu tiên của ngài sẽ là buổi lễ chào mừng vào sáng mồng 02 tại Quảng trường Sükhbaatar với Tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng của Mông Cổ. Sau đó, ngài sẽ gặp cộng đồng Công giáo nhỏ bé của đất nước tại Nhà thờ Chính toà hai thánh Phêrô và Phaolô.

Được biết, chiều tối cùng ngày, Phái đoàn Tòa thánh, các Đức Hồng y Pietro Parolin, Luis Antonio Tagle, Kurt Koch, và Đức Hồng y tân cử Stephen Chow; các Giám mục, linh mục, tu sĩ, và các quan khách tham gia trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đã được mời trải nghiệm văn hóa Mông Cổ qua lễ hội “Besreg Naadam” tại Công viên Quốc gia Gorkhi-Tereg cách thủ đô Ulaanbaatar khoảng 40 cây số.

Video Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam

Lễ hội tràn ngập các điệu nhảy truyền thống của người Mông Cổ, biểu diễn âm nhạc, đấu vật, bắn cung, cưỡi ngựa nhào lộn hết sức ngoạn mục.

Đức Hồng y Giorgio Marengo, lãnh đạo Phủ doãn tông toà Ulaanbaatar nói rằng, ở Mông Cổ, Tin Mừng được rao giảng “thì thầm” với những mối tương quan thầm lặng, giữa các cá nhân, thì, với chuyến tông du của Đức Thánh Cha, sẽ cho cộng đồng Công giáo nhỏ bé của đất nước này, chỉ với khoảng 1300 tín hữu, biết rằng họ là một phần của một cộng đồng Công giáo hoàn vũ, lớn hơn nhiều.

Với dân số hiện nay vào khoảng 3,3 triệu người, Mông Cổ có “lịch sử hòa bình phong phú và lòng khoan dung đáng chú ý“, đây cũng là vùng đất có “nền văn hóa du mục tồn tại liên tục lâu đời nhất trên thế giới, sống hòa hợp với thảo nguyên“, coi trọng môi trường và không có vũ khí hạt nhân.

Chuyến viếng thăm 4 ngày của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Mông Cổ được mô tả là “sự kiện thế kỷ đối với giáo hội non trẻ đang phát triển tại đây”.

Sự hiện diện của Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ gián tiếp gửi một thông điệp khích lệ đến các cộng đồng Công giáo có mặt ở các quốc gia này. Đây sẽ là một cách thế để Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với đoàn chiên nhỏ bé ở vùng ngoại biên: “Hãy can đảm lên, tôi đang ở gần anh chị em”.

Với Khẩu hiệu “Cùng nhau hy vọng”, vừa là chuyến viếng thăm mục vụ vừa là chuyến viếng thăm nhà nước, Đức Thánh Cha còn nhằm khuyến khích cộng đồng Công giáo địa phương, đồng thời củng cố mối tương quan liên tôn trong một quốc gia nơi tất cả các tôn giáo đang dần khôi phục sau thời kỳ Cộng sản kết thúc vào đầu thập niên 1990.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholicnewsagency.com(01.09); 
ncronline.org (01.09.2023)

Để lại một bình luận