Đức Thánh Cha gặp giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên Indonesia

316 lượt xem

Đức Thánh Cha bắt đầu chương trình buổi chiều thứ Tư 4/9, với cuộc gặp gỡ các Giám mục, linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ chính toà Jakarta.

Vatican News

Buổi gặp gỡ bắt đầu với lời chào mừng Đức Thánh Cha của Đức cha chủ tịch Hội đồng giám mục Indonesia, sau đó là chứng từ của một linh mục, một nữ tu và hai giáo lý viên.

Trước khi bắt đầu diễn văn đáp lời, Đức Thánh Cha đã chào chị giáo lý viên Agnes Natalia sau chứng từ của chị, và ngài đã nói về tầm quan trọng của giáo lý viên. Ngài nói rằng trong Giáo hội, giáo lý viên là những người đi trước, rồi đến các sơ, rồi đến linh mục, giáo mục. Giáo lý viên là sức mạnh của Giáo hội. Ngài cảm ơn tất cả các giáo lý viên.

Những lời của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn đáp lời, trước hết ĐTC chào Đức Hồng Y, các Giám mục, các linh mục, các phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và giáo lý viên hiện diện. Ngài cũng cảm ơn Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục về những lời chào mừng, và cảm ơn những người đã chia sẻ các chứng từ.

Sau đó, ĐTC nhắc lại khẩu hiệu được chọn cho chuyến tông du này là “Đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn”. Ngài nói: Tôi nghĩ đó là ba nhân đức thể hiện rõ ràng hành trình của anh chị em với tư cách là Giáo hội cũng như bản sắc của anh chị em với tư cách là dân tộc, rất đa dạng về mặt sắc tộc và văn hóa, nhưng đồng thời cũng luôn có sự giằng co tự nhiên hướng tới sự hiệp nhất và chung sống hòa bình, như được thể hiện qua các nguyên tắc truyền thống của Pancasila. Tôi muốn cùng anh chị em suy ngẫm về ba từ này.

Sống đức tin trong cuộc sống

Đầu tiên là đức tin. Indonesia là một quốc gia rộng lớn, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú về hệ thực vật, động vật, tài nguyên năng lượng và nguyên liệu thô, v.v. Sự giàu có lớn lao như vậy có thể dễ dàng trở thành, nếu nhìn cách hời hợt, một lý do để kiêu hãnh và tự phụ, nhưng ngược lại, nếu được xem xét với lý trí và trái tim rộng mở, thì nó có thể là một lời nhắc nhớ về Thiên Chúa, về sự hiện diện của Người trong vũ trụ và trong cuộc sống của chúng ta, như Kinh Thánh dạy chúng ta (xem St 1; Hc 42,15-43,33). Thật vậy, chính Chúa là Đấng ban tất cả những điều này. Không một tấc lãnh thổ tuyệt vời nào của Indonesia, không một khoảnh khắc nào trong cuộc sống của mỗi người trong số hàng triệu cư dân của đất nước mà không phải là món quà của Người, một dấu hiệu của tình yêu vô vị lợi và có trước của người Cha. Và nhìn tất cả những điều này bằng đôi mắt khiêm tốn của trẻ thơ giúp chúng ta tin tưởng, nhận ra mình nhỏ bé và được yêu thương (xem Tv 8), và nuôi dưỡng những cảm nhận về lòng biết ơn và trách nhiệm.

Chị Agnes đã nói với chúng ta về điều đó, liên quan đến mối tương quan của chúng ta với thụ tạo và với anh chị em chúng ta, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất, để có một kiểu sống cá nhân và cộng đoàn đầy tôn trọng, văn minh và nhân bản, với sự điều độ và lòng bác ái theo mẫu gương thánh Phanxicô.

Xây dựng tình huynh đệ

Sau đức tin, từ thứ hai của khẩu hiệu là tình huynh đệ. Một nhà thơ thế kỷ XX đã dùng một cách diễn đạt rất hay để mô tả thái độ này: bà viết rằng là anh chị em nghĩa là yêu thương nhau bằng cách nhận ra nhau “khác nhau như hai giọt nước”. Và đó chính xác là như vậy. Không có hai giọt nước nào giống nhau, cũng không có hai anh em, thậm chí cả anh em sinh đôi, hoàn toàn giống hệt nhau. Vì thế, sống tình huynh đệ có nghĩa là chào đón nhau, nhìn nhận mình bình đẳng trong sự đa dạng.

Đây cũng là một giá trị quý giá đối với truyền thống của Giáo hội Indonesia, được thể hiện ở sự mở ra với những thực tế khác nhau hình thành và bao quanh Giáo hội, trên bình diện văn hóa, dân tộc, xã hội và tôn giáo, đánh giá cao sự đóng góp và cống hiến của mọi người và trao ban chính mình cách quảng đại trong mọi bối cảnh. Điều này rất quan trọng, vì việc loan báo Tin Mừng không có nghĩa là áp đặt hay đối chiếu đức tin của mình với đức tin của người khác, nhưng là trao ban và chia sẻ niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô (xem 1Pt 3,15-17), luôn luôn với lòng tôn trọng và tình cảm huynh đệ với bất kỳ ai. Và ở điều này, tôi mời gọi anh chị em hãy luôn như thế này: mở ra và làm bạn với mọi người – “tay trong tay”, như cha Maxi đã nói – là những ngôn sứ của sự hiệp thông, trong một thế giới mà xu hướng chia rẽ, áp đặt và đề cao chính mình dường như ngày càng gia tăng (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 67).

Điều quan trọng là phải cố gắng đến với mọi người, như sơ Rina đã nhắc chúng ta, với hy vọng có thể phiên dịch không chỉ các bản văn Lời Chúa mà còn cả những lời dạy của Giáo hội sang tiếng Bahasa Indonesia, để giúp nhiều người tiếp cận nhất có thể. Và Nicholas cũng nhấn mạnh điều này khi mô tả sứ mạng của giáo lý viên bằng hình ảnh “cây cầu” hiệp nhất. Điều này làm tôi ấn tượng và khiến tôi nghĩ đến cảnh tượng tuyệt vời, trong quần đảo Indonesia vĩ đại, với hàng nghìn “cây cầu trái tim” nối liền tất cả các hòn đảo, và thậm chí còn có hàng triệu “cây cầu” như vậy gắng kết tất cả những người dân sống ở đó! Đây là một hình ảnh đẹp khác của tình huynh đệ: một bức thêu rộng lớn của những sợi chỉ tình yêu vượt qua biển cả, vượt qua rào cản và đón nhận mọi sự đa dạng, làm cho mọi người trở nên “một lòng một ý” (x. Cv 4:32).

Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn

Và chúng ta đến từ thứ ba: lòng trắc ẩn, rất gắn liền với tình huynh đệ. Thật vậy, như chúng ta biết, lòng trắc ẩn không hệ tại ở việc cho của bố thí đối với anh chị em túng thiếu, coi thường họ, từ “tháp” an toàn và đặc quyền của riêng mình, mà trái lại là khiến chúng ta gần gũi nhau, lột bỏ tất cả những gì có thể ngăn cản chúng ta cúi xuống để thực sự tiếp xúc với những người đang ngã quỵ, từ đó nâng họ lên và mang lại cho họ niềm hy vọng (xem Thông điệp Fratelli tutti, 70). Và không chỉ vậy: nó còn có nghĩa là ôm lấy những ước mơ và ước muốn cứu chuộc và công lý của họ, chăm sóc họ, trở thành những người thúc đẩy và cộng tác, cùng với những người khác, mở rộng “mạng lưới” và các biên giới trong một năng động bác ái rộng lớn (xem ibid ., 203).

Có người sợ lòng trắc ẩn, vì coi đó là điểm yếu, mà lại đề cao, như thể đó là nhân đức, sự xảo quyệt của những kẻ chỉ lo lợi ích cho mình và giữ khoảng cách với mọi người, không để mình bị “đụng chạm” bởi bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai, nghĩ rằng thư thế là trở thành sáng chói hơn và tự do hơn trong việc đạt được mục tiêu của mình. Nhưng đây là một cách thức sai lầm khi nhìn đến thực tế. Điều khiến thế giới tiếp tục phát triển không phải là những tính toán về lợi ích – điều thường kết thúc bằng việc phá hủy sự sáng tạo và chia rẽ các cộng đoàn – mà là lòng bác ái được trao đi. Lòng trắc ẩn không che khuất tầm nhìn thực sự về cuộc sống, trái lại, nó khiến chúng ta nhìn mọi thứ tốt hơn, dưới ánh sáng của tình yêu.

Tóm kết bằng lời mời gọi sống đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn

Để tóm tắt nội dung, ĐTC đã dùng hình ảnh cổng Nhà thờ Chính tòa của Jakarta để nói về ba ý ngài vừa khai triển: đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn.

Đức Thánh Cha kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách nhắc lại những gì Thánh Gioan Phaolô II, người đã đến đây cách đây mấy thập kỷ, đã nói khi trò chuyện với các giám mục, linh mục và tu sĩ. Ngài trích dẫn câu Thánh Vịnh: “Laetentur insulae Multae” – “vui đi nào, ngàn muôn hải đảo” (Tv 96,1) và mời gọi những người nghe nhận ra điều đó, “làm chứng cho niềm vui Phục Sinh và trao ban […] sự sống để ngay cả những hòn đảo xa xôi cũng có thể ‘vui mừng’ khi nghe Tin Mừng, mà anh chị em là những người rao giảng, là những người dạy và những chứng nhân đích thực” (Cuộc Gặp gỡ các Giám mục, linh mục và tu sĩ Indonesia, Jakarta, ngày 10 tháng 10 năm 1989).

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng lập lại lời khuyên này cho anh chị em, và tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục sứ mạng của mình một cách mạnh mẽ trong đức tin, mở ra với mọi người trong tình huynh đệ và gần gũi với mỗi người trong lòng trắc ẩn. Tôi chúc lành cho anh chị em và cảm ơn anh chị em vì nhiều điều tốt đẹp anh chị em làm mỗi ngày! Tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.”

Cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả mọi người và bắt tay chào một số đại diện. Sau đó, ngài đến Nhà Giới trẻ “Grha Pemuda” để gặp gặp những người trẻ của Phong trào Scholas Occurrentes.

Nguồn:

Có thể bạn quan tâm