Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56

1193 lượt xem

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP
CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ 56

 Ngọc Yến

Vatican News (24.01.2022)  Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56, có chủ đề “Hãy lắng nghe bằng con tim”, được công bố ngày 23/01, ngày lễ kính nhớ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh những điểm quan trọng: lắng nghe bằng con tim, lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt, và lắng nghe trong Giáo hội.

Lắng nghe bằng con tim

Trích dẫn sách Đệ Nhị Luật “Nghe đây, hỡi Israel!” (Đnl 6, 4), Đức Thánh Cha nói: từ Kinh Thánh chúng ta học được rằng lắng nghe không chỉ mang ý nghĩa của một nhận thức âm học, nhưng là sự liên kết đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Chính vì thế, Thánh Phaolô khẳng định: “Có đức tin là nhờ nghe giảng” (Rm 10, 17).

Đức Thánh Cha cảnh báo: “Chúng ta có đôi tai, nhưng nhiều khi ngay cả những người có thính giác tốt vẫn không có khả năng lắng nghe người khác, do họ bị điếc nội tâm, điều tệ hại hơn điếc thể lý. Thực tế, lắng nghe không chỉ liên quan đến thính giác nhưng đến toàn thể con người, như Thánh Augustinô mời gọi hãy lắng nghe bằng con tim. Vì thế, để có thể truyền thông tốt, trước hết cần phải lắng nghe chính mình, với những nhu cầu của chính mình, những nhu cầu đã được khắc sâu trong mỗi người”.

Lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt

Đức Thánh Cha nói đến thực tế xã hội hiện nay là trong nhiều cuộc đối thoại,  chúng ta không giao tiếp gì cả. Chúng ta chỉ đợi cho người khác nói xong để áp đặt quan điểm của mình. Đây không phải là đối thoại thực sự, mà là một cuộc độc thoại có hai tiếng nói. Trái lại, một cuộc giao tiếp thực sự là cả hai, tôi và người kia đều “đi ra” hướng về nhau.

Vì thế, lắng nghe là bước đầu tiên không thể thiếu của đối thoại và giao tiếp tốt. Người ta không thể làm truyền thông nếu không lắng nghe trước và không thể trở thành một nhà báo tốt nếu không có khả năng lắng nghe. Hơn thế nữa, cần phải lắng nghe nhiều nguồn để có độ chính xác của thông tin muốn truyền tải. Và điều đặc biệt là phải lắng nghe kiên nhẫn, điều này không dễ, như Đức Hồng y Agostino Casarli, một nhà ngoại giao lớn của Tòa Thánh đã nói về “tử đạo của kiên nhẫn”. Đối với Đức Hồng y, trong các cuộc đàm phán cần lắng nghe và được lắng nghe kiên nhẫn để đem lại lợi ích tốt nhất có thể trong điều kiện tự do bị giới hạn.

Lắng nghe trong Giáo hội

Đức Thánh Cha đi đến điểm cuối cùng liên quan đến việc lắng nghe trong Giáo hội. Ngài mời gọi trong Giáo hội, mọi người cần phải lắng nghe người khác và lắng nghe nhau, vì đây là món quà quý giá nhất mà các tín hữu có thể dành cho nhau. Và điều này phải được thể hiện cụ thể trong hoạt động mục vụ, như Thánh Tông đồ Giacôbê khuyên: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói” (Gc 1, 19). Dành thời gian để lắng nghe người khác là cử chỉ đầu tiên của bác ái.

Hướng đến tiến trình hiệp hành của toàn thể Giáo hội đang thực hiện, Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện để đây là một cơ hội tuyệt vời cho mọi người lắng nghe nhau. Thực tế, hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trong sự lắng nghe nhau. Như trong một dàn hợp xướng, sự hiệp nhất không đòi hỏi phải giống nhau, đơn điệu nhưng là sự đa dạng của các giọng khác nhau. Mỗi người khi hát cần lắng nghe người khác để tạo nên sự hòa hợp tổng thể. Sự hòa hợp các giọng ca là ý tưởng của nhà soạn nhạc, nhưng hiện thực nó thì phụ thuộc vào mỗi giọng ca. Trong Giáo hội, Thánh Thần là nhà soạn nhạc.

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận