Gia đình – Cái nôi của văn hoá sự sống

1941 lượt xem

GIA ĐÌNH – CÁI NÔI CỦA VĂN HOÁ SỰ SỐNG

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

“Trong việc xây dựng nền văn hóa sự sống, gia đình đóng vai trò quyết định và không thể thay thế” (Evangelium vitae, 92). Bằng hai tính từ “quyết định” và “không thể thay thế”, thánh Gioan Phaolô II làm nổi bật tầm quan trọng của gia đình đối với văn hóa sự sống. Không thể nói đến văn hóa sự sống mà lại không nói đến gia đình, vì gia đình chính là nơi đón nhận, vun trồng và loan truyền văn hóa sự sống.

Nói về gia đình như cái nôi đón nhận sự sống, tôi không gặp được ở đâu dòng văn đẹp đẽ và thánh thiện cho bằng những lời sau đây trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu: “Mỗi đứa trẻ thành hình trong dạ mẹ đều thuộc kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa và tình yêu vĩnh cửu của Ngài. ‘Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi’ (Gr 1,5). Từ muôn đời, mỗi đứa trẻ đã có một chỗ trong trái tim Thiên Chúa, và vào lúc nó thành thai là lúc giấc mơ vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa trở thành hiện thực. Mỗi sinh linh phôi thai quý giá biết bao ngay từ giây phút bắt đầu được cưu mang! Cần phải nhìn sinh linh ấy bằng chính ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha, vượt trên mọi dáng vẻ bên ngoài” (số 168).

Thai nhi là phúc lành của Thiên Chúa chứ không chỉ là sản phẩm của tự nhiên. Con cái là quà tặng của tình yêu thần linh chứ không chỉ là tính toán của con người. Chính vì thế, “một đứa con được cha mẹ yêu thương chỉ vì nó là con, không bởi vì nó đẹp hay nó thế này thế kia; không, đơn giản chỉ vì nó là con mình… Tình yêu của cha mẹ là phương thế Thiên Chúa Cha dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài”.

Gia đình quây quần quanh bàn ăn

Đón nhận sự sống như quà tặng của Thiên Chúa gắn liền với việc vun trồng sự sống ấy về mọi phương diện. Gia đình thực hiện công việc cao quý ấy không phải bằng những bài giảng lý thuyết nhưng bằng chính những sinh hoạt hằng ngày trong gia đình: tương quan cha mẹ với con cái, tương quan giữa anh chị em với nhau, tương quan với hàng xóm láng giềng. Qua những sinh hoạt đời thường ấy, con cái học được những bài học cụ thể và sống động về tình yêu thương, sự công bằng, kính trọng người già, tôn trọng tha nhân, tha thứ và chịu đựng lẫn nhau… Những giá trị căn bản ấy là nền tảng cho đứa trẻ bước vào đời sống xã hội với tâm thế của người biết quý trọng văn hóa sự sống.

Không chỉ là nơi vun trồng văn hóa sự sống, gia đình Công giáo còn là diễn đàn loan báo văn hóa sự sống. Trong Lễ Thánh Gia Thất năm A, Hội Thánh đọc Tin Mừng Matthêu kể lại việc Thánh Gia phải trốn sang Ai Cập vì vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi. Suy niệm bài Tin Mừng này, một tác giả nói về vấn đề phá thai ngày nay bằng những từ ngữ thật nhức nhối.

Ông nhắc lại câu nói của Ronald Reagan, Tổng thống Hoa Kỳ: “Tất cả những kẻ đòi hỏi phá thai đều là những người đã được sinh ra”! Đúng thế, nếu cha mẹ họ đã phá thai thì làm sao họ có mặt hiện nay để hô hào phá thai! Họ đã được sống nhưng họ đang đòi hỏi quyền được tước đoạt sự sống của người khác! Rồi tác giả viết tiếp: “Họ là những Hêrôđê thời nay. Giống như Hêrôđê xưa đã sử dụng quân lính hùng mạnh và thiện chiến để giết các hài nhi vô tội, những Hêrôđê ngày nay sử dụng các kỹ năng chuyên nghiệp để hành sự. Sự khác biệt giữa Hêrôđê xưa và những Hêrôđê ngày nay là ở vũ khí sử dụng và số nạn nhân. Hêrôđê xưa dùng gươm giáo để giết các hài nhi. Các Hêrôđê ngày nay dùng thuốc và các chất hóa học khác. Hêrôđê xưa giết một số tương đối các trẻ thơ, còn những Hêrôđê ngày nay khai tử hằng trăm triệu thai nhi và vẫn chưa biết bao giờ mới ngừng!” (Samuel D Baite).

Trong bối cảnh đó, thánh Gioan Phaolô II nói rằng: “Các gia đình Kitô hữu có sứ mạng đặc biệt là làm chứng và loan báo Tin Mừng sự sống. Qua việc phục vụ Tin Mừng sự sống, gia đình góp phần khẳng định rằng luật pháp và các định chế không được vi phạm quyền sống (của con người) từ khi thành thai đến khi chết, nhưng phải bảo vệ và thúc đẩy quyền ấy” (EV 57-58).

Nguồn: giaophanmytho.net

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận