Giáo xứ Tĩnh Giang: Thập Giá – Cội nguồn của tình yêu

2342 lượt xem

Hôm nay, tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn tất cả mọi người được cứu rỗi nơi Người Con yêu dấu, đã đi đến tận cùng bằng cái chết đau thương nhục nhã trên thập giá. Giáo Hội cũng mời gọi con cái mình sống lại giây phút tang thương Núi Sọ, để chiêm ngắm và thờ lạy Đấng Cứu Độ trần gian, đồng thời, qua đó, nhắc nhở con cái mình cũng biết chia sẻ thập giá với Người trong cuộc sống thường nhật, bằng cách can đảm nhận lấy thánh giá đời mình trong hân hoan và hy vọng, tháp nhập vào đời sống của Người, để như hạt lúa mì gieo xuống đất, mục nát đi, nảy mầm và sinh hoa kết trái.

Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 19/04/2019, cùng với toàn thể Giáo Hội hoàn vũ cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu và cái chết của Ngài trên thập giá, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đến cử hành các nghi thức phụng vụ tại Giáo xứ Tĩnh Giang. Hợp ý cử hành nghi thức có sự hiện diện của cha Giuse Nguyễn Viết Nam, quản xứ Tĩnh Giang, quý tu sỹ nam nữ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài Giáo xứ.

Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh chiều hôm nay gồm có ba phần:

Phần thứ nhất: Phụng vụ Lời Chúa, gồm hai bài đọc và bài Thương Khó theo Thánh Gioan đều nói lên ý nghĩa về cái chết của Chúa Giêsu.

Trong bài chia sẻ, Đức cha Phaolô đã gợi lại cho cộng đoàn hình ảnh Chúa Giêsu khi đứng trước phủ toàn quyền của đế quốc Rôma – tượng trưng cho một thế lực chính trị có quyền quyết định tuyệt đối trên mạng sống của con người, Chúa Giêsu đối chất với họ về chân lý: Tôi đến trong thế gian để làm chứng về chân lý, ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng Tôi…. Philatô nêu thắc mắc “chân lý là gì?” Quả thật, chân lý không thể là gì đối với những kẻ chỉ coi trọng địa vị, công lý cũng trở thành trò cười cho những kẻ chỉ coi trọng bạc tiền, dù biết Chúa Giêsu là nạn nhân của những tố giác bất công nhưng họ vẫn buộc tội Chúa, họ ngang nhiên quyết định tuyên án tử hình Chúa…, lý lẽ buộc tội của họ chỉ là nếu họ không kết án Chúa họ sẽ là kẻ đồng lõa chống lại Hoàng đế Rôma.

Con người ngày nay, cách riêng các bạn trẻ, vẫn luôn ngại dấn thân, ngại những hy sinh, gian khổ, khó chấp nhận từ bỏ, cho nên nói đến thập giá là điều họ khó đón nhận, vì thánh giá tượng trưng cho sự vất vả, hy sinh gian khổ, gánh nặng đau thương, sự hiểu lầm bất công, sức nặng của tội lỗi, giới hạn của thân phận con người. Bản tính tự nhiên ai cũng tìm cách tránh né. Nhưng nếu không đón nhận thì không phải là đang yêu mến Thiên Chúa, không phải là môn đệ Chúa.

Phần thứ hai: Nghi thức Kính thờ Thánh Giá. Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã chịu hiến tế, Thánh Giá là trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu, là then chốt của đức tin. Thánh Giá là hình thức tủi nhục dành cho tội nhân hèn hạ, nhưng khi Đấng Cứu Thế chịu treo trên đó nhân loại đã nhờ vào Thánh giá mà được cứu độ, Thánh Giá được cha chủ tế cung nghinh từ cuối nhà thờ lên cung thánh trong sự chiêm bái thờ lạy của cộng đoàn.

Sau cùng là phần rước lễ. Hiến tế Tiệc ly giờ đây đã được hoàn tất do cái chết của Chúa Kitô trên Thánh giá. Khi được rước lấy Mình và Máu Chúa cũng là lúc mỗi Kitô hữu được thông hiệp trong Tình yêu Hiến tế của Chúa. Bởi một lẽ, chúng ta không chỉ dừng lại nơi mầu nhiệm Khổ nạn mà còn phải đi đến ngày Phục sinh, không dừng lại nơi Thánh giá mà còn tham dự vào sự sống của Đức Kitô Phục sinh nữa.

Nghi thức Tưởng niệm cuộc Thương khó và suy tôn Thánh giá khép lại, cộng đoàn lặng lẽ trật tự cùng lên hôn kính Thánh Giá. Từ trong tâm hồn của mỗi người đều thấm thía được giây phút đại tang đau buồn này.

Hôm nay trên Thánh giá, Chúa Giêsu đang nài van mỗi chúng ta thôi đừng giết Chúa và đừng chất nặng thập giá lên vai nhau nữa. Hãy sống theo Chúa, hãy luôn tìm thánh ý Chúa Cha và hãy học bài học hy sinh, yêu thương tha thứ cho nhau. Giữa những một thế giới bị thống trị bởi ích kỷ và thù hận, chúng ta, những người kitô hữu, được mời gọi để công bố vinh quang của Tình Yêu Thương.

Peter Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận