Chúa nhật 03/10/2021, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương. Trong bài giáo lý ngắn trước khi Đọc Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha tập trung vào phần thứ hai Tin Mừng Chúa nhật XXVII thường niên năm B: Chúa Giêsu lấy làm khó chịu các môn đệ vì ngăn cản các trẻ em đến với Chúa.
Chúa bực mình vì trẻ nhỏ bị ngăn cản khi đến với Chúa
Trong Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy một phản ứng hơi khác thường của Chúa Giêsu: Chúa lấy làm khó chịu. Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là Chúa thấy khó chịu không phải do những người Pharisêu thử thách Chúa với những câu hỏi về tính hợp pháp của việc ly hôn, nhưng do các môn đệ, những người, để bảo vệ Chúa khỏi đám đông, đã rầy la các trẻ em được đưa đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa không khó chịu với những người tranh luận với Chúa, nhưng với những người, để làm Chúa bớt mệt mỏi, đã ngăn cấm các trẻ em đến với Chúa. Tại sao? Một câu hỏi hay: nhưng tại sao Chúa lại khó chịu vì điều này?
Chúng ta nhớ Tin Mừng của hai Chúa nhật trước đây, khi ôm một em nhỏ, Chúa Giêsu đồng hoá mình với các em nhỏ: Chúa đã dạy rằng chính những trẻ nhỏ, là những người phụ thuộc và cần người khác, và không thể hoàn trả lại, các em là những người phải được phục vụ trước (Mc 9,35-37). Ai tìm kiếm Thiên Chúa, sẽ thấy Người nơi những người nhỏ bé, những người cần được giúp đỡ. Những người cần được giúp đỡ không chỉ là những người thiếu vật chất, nhưng cả những người thiếu sự chăm sóc và an ủi, như những người bệnh tật, những người bị sỉ nhục, những người bị giam giữ, những người nhập cư, những tù nhân. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu lấy làm khó chịu: mọi điều lăng nhục đối với một người nhỏ bé, người nghèo, người không có khả năng tự vệ, nghĩa là đang xúc phạm đến Chúa.
Không chỉ phục vụ người bé nhỏ nhưng phải nhận ra mình là người bé nhỏ
Hôm nay Chúa lấy lại giáo huấn này và hoàn tất nó. Thật vậy, Chúa nói thêm: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Đây là điểm mới lạ: môn đệ không chỉ phải phục vụ những người nhỏ bé, nhưng phải nhận ra mình là người bé nhỏ. Mỗi người trong chúng ta có nhận ra mình bé nhỏ trước Chúa không? Hãy suy nghĩ về điều này, Chúa sẽ giúp chúng ta. Biết mình nhỏ bé, biết mình đang cần ơn cứu độ, là điều thiết yếu để đón nhận Chúa. Đó là bước đầu tiên để mở lòng với Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường quên điều đó. Trong giàu có, sung túc, chúng ta có ảo tưởng chúng ta có thể tự lo cho chính mình, không cần đến Chúa. Đó là sự lừa dối, bởi vì mỗi chúng ta là một người bé nhỏ, cần được trợ giúp. Chúng ta phải tìm ra chính sự bé nhỏ của mình và nhận ra nó. Và ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.
Nhận mình nhỏ bé, điểm khởi đầu trở nên lớn lao
Trong cuộc sống, nhận ra mình bé nhỏ là điểm khởi đầu để trở nên lớn lao. Nếu chúng ta nghĩ được như vậy, chúng ta sẽ lớn lên không dựa vào quá nhiều những thành công và những gì chúng ta có, nhưng trên hết là những lúc chúng ta đấu tranh và yếu đuối. Trong những giây phút đó, chúng ta trưởng thành. Ở đó khi chúng ta thiếu thốn, chúng ta trưởng thành, mở rộng tâm hồn với Chúa, với tha nhân, với ý nghĩa của cuộc sống. Khi chúng ta cảm thấy nhỏ bé trước một vấn đề, một thập giá, một căn bệnh, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và cô đơn, chúng ta đừng nản lòng. Bề ngoài của sự hời hợt đang dần mất đi và sự yếu đuối tận căn của chúng ta đang tái xuất hiện: đó là nền tảng chung của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, bởi vì với Chúa, yếu đuối không phải là một trở ngại, nhưng là cơ hội. Và đây là lời cầu nguyện đẹp: “Lạy Chúa, xin hãy nhìn đến sự yếu đuối của con”, và liệt kê chúng trước mặt Người. Đây là một thái độ tốt trước mặt Chúa.
Thực vậy, chính trong yếu đuối, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa chăm sóc chúng ta rất nhiều. Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu rất dịu dàng với những người bé mọn: “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (v. 16). Những nghịch cảnh, những hoàn cảnh bộc lộ sự yếu đuối của chúng ta là những dịp đặc biệt để trải nghiệm tình yêu Chúa.
Cầu nguyện trong thử thách sẽ cảm thấy sự dịu dàng của Chúa
Chúa biết rõ ai cầu nguyện với sự kiên trì: trong những giây phút tăm tối hoặc cô đơn, chúng ta càng cảm thấy sự dịu dàng của Chúa. Khi chúng ta trở nên bé nhỏ, chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng của Chúa nhiều hơn. Sự dịu dàng này mang lại cho chúng ta sự bình an, làm cho chúng ta lớn lên, bởi vì Chúa đến với chúng ta theo cách của Người, đó là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Và khi chúng ta cảm thấy nhỏ bé, vì bất cứ lý do gì, thì Chúa gần gũi chúng ta hơn. Nó mang lại cho chúng ta sự bình yên, Người cho chúng ta bình an và lớn lên. Trong cầu nguyện, Chúa ôm lấy chúng ta vào lòng, như một người cha với người con. Nhờ đó, chúng ta trở nên vĩ đại: không phải trong sự giả tạo hão huyền về khả năng tự phụ của chúng ta, nhưng trong sức mạnh để đặt tất cả hy vọng vào Chúa Cha, như trẻ nhỏ làm.
Hôm nay, chúng ta cầu xin Đức Trinh Nữ Maria một ân sủng lớn lao, đó là trở nên bẻ nhó: trở thành những người con tin cậy nơi Cha, chắc chắn rằng Người luôn chăm sóc chúng ta.
Ngọc Yến – Vatican News
Có thể bạn quan tâm
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1
Sống tinh thần Năm Thánh trong thực hành cụ thể của Giáo xứ..
Th1
Hành Hương Thời Tân Ước – Phần 2: Tại Sao Hành Hương Cần..
Th1
Nước Đóng Vị Trí, Vai Trò Gì Trong Kinh Thánh?
Th1
Cáo Phó: Ông Cố Phêrô – Thân Phụ Của Linh Mục Phêrô Nguyễn..
Th1
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025
Th1