Lắng nghe những suy tư của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em

1287 lượt xem

Mới đây xuất hiện trên nguyệt san Klerusblatt tại Đức Quốc một bài viết dài của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em và cơn khủng hoảng Hội Thánh Công giáo đang phải đối diện. Bài viết ngay lập tức thu hút sự chú ý của các cơ quan truyền thông và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chắc chắn những suy tư của ngài còn cần được đào sâu trong thời gian tới; ở đây trong khuôn khổ một bài báo, chỉ xin nêu lên vài cảm nghĩ ban đầu khi tiếp cận những suy tư của ngài. 

1. Một tầm nhìn rộng và sâu

Là người có kiến thức uyên bác cùng với kinh nghiệm mục tử ở tầm vóc toàn cầu, Đức Bênêđictô XVI nhìn vấn đề trong một bối cảnh lịch sử-văn hóa rộng lớn và phân tích những nguyên nhân để lý giải tình trạng hiện nay. Ngài cho thấy cuộc cách mạng 1968 ở phương Tây đã mở đường cho cuộc cách mạng tình dục vì người ta cho rằng giải phóng tình dục là một hình thái của giải phóng con người. Nhân danh cuộc giải phóng đó, người ta đòi hỏi “tự do tình dục hoàn toàn, không chấp nhận bất cứ lề luật nào”. Những gì bị coi là cấm kỵ trước đây thì bây giờ phơi bày thoải mái; phim ảnh khiêu dâm xuất hiện ngày càng nhiều; giáo dục giới tính cho học sinh không những là yêu cầu hợp lý mà còn được trình bày cách lộ liễu; hành vi tính dục với trẻ em được coi là không có vấn đề (trong thập niên 1970 người ta vẫn còn tranh cãi trên truyền hình về tính hợp pháp của hành vi tính dục với trẻ em).

Trong bối cảnh đó, đời sống Hội Thánh chịu tác động rất lớn, cả trên bình diện tư tưởng cũng như trong đời sống thực tiễn. Về mặt tư tưởng, Thần học luân lý Công giáo chao đảo. Người ta chủ trương rằng “tính luân lý chủ yếu được xác định bởi những mục đích của hành động”, một chủ trương trong thực tế chẳng khác gì lập luận “mục đích biện minh cho phương tiện”. Hệ quả là “không có bất cứ điều gì được cho là tốt lành tuyệt đối, cũng chẳng có gì là xấu từ nền tảng, chỉ có những phán quyết với giá trị tương đối mà thôi”. Về mặt thực tiễn, ơn gọi linh mục giảm sút trầm trọng, những nhóm đồng tính hình thành trong các chủng viện, số linh mục hồi tục gia tăng rất nhanh, đồng thời đây cũng là giai đoạn có nhiều linh mục vướng vào chuyện lạm dụng tình dục trẻ em. Đức Bênêđictô XVI còn nói đến vấn đề khá tế nhị là lúc đó, một trong những tiêu chuẩn để chọn Giám mục là tìm người biết “hòa hoãn” để có thể thích nghi với thời đại! Tất cả đều là những nhân tố góp phần làm nên cuộc khủng hoảng ngày nay.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhìn thấy rất rõ mối nguy hiểm này nên một trong những thông điệp quan trọng ngài ban hành là Veritatis Splendor (6-8-1993) để định hướng cho việc nghiên cứu và giảng dạy Thần học luân lý trong Hội Thánh. Phải xác tín rằng, “Có những điều tốt không bao giờ thay đổi, có những giá trị không bao giờ được hi sinh dù với lý do gì, kể cả việc bảo tồn mạng sống. Tử đạo là ở đây! Tin vào Thiên Chúa đòi hỏi những gì còn lớn lao hơn sự tồn tại thể xác. Một cuộc sống được mua bằng sự chối từ Thiên Chúa, một cuộc sống xây nền trên dối trá, đó không phải là sống” (non-life). Ngoài ra nếu có những người cho rằng Hội Thánh chỉ bất khả ngộ trong lãnh vực đức tin chứ không có quyền bất khả ngộ trong lãnh vực luân lý, thì cần cho họ thấy có những lề luật luân lý gắn chặt không thể tách rời với nguyên lý nền tảng của đức tin, do đó phải bảo vệ những luật luân lý đó; nếu không, đức tin sẽ chỉ còn là một lý thuyết chứ không đi vào đời sống cụ thể. 

2. Trở về với những điều cốt lõi

Không phải Đức Bênêđictô XVI không quan tâm đến những kế hoạch và phương thế cụ thể để ngăn ngừa, chấn chỉnh, giải quyết những vi phạm trong lãnh vực này. Đừng quên rằng khi là Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, chính ngài đã đề nghị chuyển việc giải quyết các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, trước đây do Bộ Giáo sĩ, nay đưa sang Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tuy nhiên ở đây, trong bài viết,  ngài đề nghị trở về với những điều cốt lõi.

Điều cốt lõi đầu tiên là phải xác tín rằng Thiên Chúa hiện hữu. Một thế giới không có Thiên Chúa chỉ có thể là một thế giới vô nghĩa, một thế giới không còn chuẩn mực để phân biệt đúng sai. Khi đó, chỉ có quyền lực là nguyên lý duy nhất, còn chân lý bị gạt ra bên lề. Do đó việc nhìn nhận một Thiên Chúa là Đấng tạo hóa và chuẩn mực của mọi sự, là đòi hỏi căn bản và thiết yếu. Bổn phận quan trọng nhất của Kitô hữu là phải thực sự lấy Chúa làm nền tảng cho đời sống của mình chứ không chỉ là tuyên xưng suông.

Điều cốt lõi thứ hai là vị trí trung tâm của Đức Giêsu Kitô. Đấng Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng là Đấng yêu thương nhân loại đến nỗi hiến ban Con Một của Người cho nhân loại, để Người Con ấy trở nên đường đi, sự thật và sự sống cho chúng ta. Ngày nay, sự gắn kết với Đấng Thiên Chúa nhập thể ấy được thể hiện cách cụ thể nhất nơi Bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Điều đáng buồn là tại nhiều nơi trên thế giới, Bí tích Thánh Thể không còn được tôn kính như đáng được, cụ thể là số tín hữu dự lễ Chúa nhật giảm sút nhiều hoặc coi Thánh Lễ chỉ còn như một nghi thức vô hồn. Người Công giáo phải xin Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự vĩ đại của hy tế Thánh Lễ, đồng thời phải làm mọi sự cần thiết để Bí tích cao trọng này không bị lạm dụng.

Điều cốt lõi thứ ba là tầm nhìn về Hội Thánh. Cuộc khủng hoảng ngày nay có thể làm cho một số người thất vọng và rời bỏ Hội Thánh, số khác nghĩ rằng Hội Thánh tệ hại quá và chúng ta cần phải thiết kế lại. Thế nhưng Đức Bênêđictô XVI nói: “Một Hội Thánh do con người tạo ra không thể mang lại hi vọng”. Đừng quên rằng chính Chúa Giêsu đã ví Hội Thánh như mẻ lưới, có cá tốt và có cả cá xấu; Hội Thánh như ruộng lúa có cỏ lùng chen lẫn lúa. Đúng là có cá xấu trong tấm lưới và cỏ lùng trong ruộng lúa Hội Thánh, thế nhưng “ruộng lúa vẫn là ruộng lúa của Chúa, và tấm lưới vẫn là tấm lưới của Chúa. Thời nào cũng thế, không chỉ có cỏ lùng và cá xấu, nhưng còn có lúa và cá tốt”. Ngày nay cũng thế, trong Hội Thánh đang có cỏ lùng và cá xấu nhưng đó là Hội Thánh của Chúa và chính Hội Thánh đó được Chúa dùng để cứu độ loài người. 

3. Trong mối hiệp thông của Hội Thánh

Không thể phủ nhận rằng đang có sự chia rẽ trong Hội Thánh ngày nay, cách riêng được thể hiện qua thái độ, phản ứng của người ta đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Có nhóm tung hô hết mình, cũng có nhóm tìm cách hạ bệ ngài bằng được. Trong bối cảnh đó, có thể sẽ có người vận dụng bài viết của Đức Bênêđictô XVI như khí cụ phê phán đường lối và lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong cách điều hành Hội Thánh nói chung và trong cách giải quyết vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em nói riêng. Tuy nhiên sẽ thật sai lầm và ác ý nếu khai thác bài viết của Đức Bênêđictô XVI theo hướng đó, bởi lẽ ngay từ đầu bài viết, ngài đã trình bày lý do tại sao ngài viết ra những suy tư này: cuộc khủng hoảng do việc hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em khiến cho nhiều linh mục cũng như giáo dân “đặt vấn đề về chính đức tin của Hội Thánh”, do đó “cần phải gửi một sứ điệp mạnh mẽ, tìm kiếm một khởi đầu mới, làm cho Hội Thánh lấy lại tính khả tín như ánh sáng giữa muôn dân và như nguồn lực chống lại những sức mạnh tàn phá”. Rồi ngài nói thêm: “Vì chính tôi đã từng lãnh trách nhiệm là mục tử của Hội Thánh khi cuộc khủng hoảng này nổ ra cũng như trong thời gian sau đó, tôi tự hỏi – dù nay đã về hưu, không còn chịu trách nhiệm trực tiếp nữa, tôi có thể đóng góp điều gì cho sự khởi đầu mới này”.

Những dòng chữ trên diễn tả tinh thần trách nhiệm và lòng yêu mến Hội Thánh của Đức Bênêđictô XVI. Không những thế, trước khi phổ biến bài viết, ngài còn liên lạc với Đức hồng y Quốc vụ khanh và Đức Giáo hoàng Phanxicô để hỏi ý kiến, rồi mới cho phổ biến trên Klerusblatt, nguyệt san cho hàng giáo sĩ trong hầu hết các Giáo phận vùng Bavaria, Đức Quốc. Và kết thúc bài viết là những lời không thể đẹp hơn về Đức Thánh Cha Phanxicô: “Kết thúc những suy tư này, tôi xin cảm ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô về tất cả những gì Người làm để chỉ cho thấy ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng không bao giờ biến mất. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha!”

Quả là một bài học rất lớn về sự khiêm tốn và vâng phục, cũng là một trong những điều cốt yếu mỗi chúng ta cần học hỏi để không bao giờ làm tổn thương và xói mòn sự hiệp nhất trong Hội Thánh Chúa.

 Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận