DẪN NHẬP
Từ năm 2021 đến năm 2023, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới XVI được tổ chức với chủ đề: “Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ.” Quả thế, con đường hiệp hành là dấu chỉ thời đại, như Đức Giáo hoàng Phanxicô quả quyết rằng: “Con đường hiệp hành chính là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh trong thiên niên kỷ thứ ba.”[1] Mọi tổ chức và mọi thành viên của Hội thánh được mời gọi tham gia, canh tân và lên đường theo con đường ấy để thi hành tốt sứ vụ truyền giáo cho con người ngày hôm nay.
Hội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia, nghĩa là tất cả những ai thuộc về Dân Chúa (giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ), đều được mời gọi dấn thân vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh. Nền tảng thực sự của việc tham gia này là: Mọi người được rửa tội đều bình đẳng với nhau, đều có quyền lợi và bổn phận trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.[2]
Trong Hội thánh hiệp hành, tuỳ theo khả năng, địa vị và sự đa dạng về đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho các thành viên, toàn thể cộng đồng Dân Chúa được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, đối thoại, phân định để đưa ra quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi tích cực cộng tác vào việc xây dựng đời sống và sứ vụ loan báo Tin mừng của Hội thánh cho con người hôm nay. Đó là hình ảnh của một Hội thánh đồng tham gia và đồng trách nhiệm. Vì lý do này, Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn chủ đề mục vụ cho năm 2024 là: “Thúc đẩy sự tham gia vào đời sống Hội thánh.” Với chủ đề này, Hội đồng Giám mục Việt Nam muốn thúc đẩy các tín hữu Công giáo tích cực tham gia vào mọi lãnh vực của Hội thánh, như phụng vụ, dạy giáo lý, đào tạo nhân sự, sinh hoạt giáo xứ, giáo dục, y tế, bác ái và truyền giáo…
Một trong những bổn phận quan trọng mang tính sống còn của Hội thánh là sứ vụ đào tạo linh mục. Từ xưa tới nay, Hội thánh luôn luôn xem công cuộc đào tạo linh mục là mối quan tâm hàng đầu và là sứ vụ quan trọng nhất của mình. Nhờ đó, Hội thánh tiếp tục chu toàn sứ vụ Tin mừng hoá con người và thế giới. Bởi lẽ, tương lai của Hội thánh tuỳ thuộc một cách chủ yếu vào công cuộc đào tạo linh mục hôm nay.
Lịch sử Hội thánh là lời chứng hùng hồn về điều đó. Khi phân tích những nguyên nhân khiến Hội thánh rơi vào khủng hoảng ở cuối thế kỷ XIX, Chân phước Antonio Rosmini đã chỉ ra năm nguyên nhân chính như là năm vết thương làm cho Hội thánh phải ốm yếu, thiếu sức sống, trì trệ và bị bại liệt. Một trong năm nguyên nhân chính là do việc đào tạo yếu kém hàng giáo sĩ. Đó là vết thương bên tay phải của Hội thánh.[3]
Nhìn lại lịch sử, với thái độ chân thành, khiêm tốn và khôn ngoan, các nghị phụ Công đồng Vaticanô II (1962-1965) xác định mối liên hệ mật thiết của việc canh tân Hội thánh gắn liền với công cuộc đào tạo linh mục, khi cho rằng: “Việc canh tân toàn thể Hội thánh tuỳ thuộc phần lớn vào thừa tác vụ linh mục.”[4] Bởi thế, ngay ở lời mở đầu của Sắc lệnh về Đạo tạo Linh mục, Thánh Công đồng Vaticanô II quả quyết: “Đào tạo linh mục là việc vô cùng quan trọng… Vì tính cách duy nhất của chức linh mục Công giáo, nên việc đào tạo linh mục là cần thiết cho tất cả các linh mục dòng cũng như triều, thuộc bất cứ lễ chế nào.”[5]
Sau 25 năm, trong hoàn cảnh mới với nhiều đổi thay của thế giới, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới để suy nghĩ về “việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay.” Ngài quả quyết rằng nếu không có linh mục, Hội thánh sẽ không thể nào thực thi được lệnh truyền của Chúa (x. Mt 28,19 và Lc 22,19). Vì thế, ngài mời gọi mọi thành phần trong Hội thánh, không trừ một ai, ý thức trách nhiệm và cộng tác vào việc đào tạo ơn gọi linh mục như là “nhu cầu bức bách nhất của Hội thánh hiện nay.”[6]
Ngày hôm nay, sau gần 30 năm kể từ ngày Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Pastores Dabo Vobis, thì công cuộc đào tạo linh mục vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, nếu không muốn là càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, hiện tượng tục hoá, chủ nghĩa thế tục, duy vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy tương đối và nền văn hoá tính dục đang thịnh hành và lên ngôi như những cơn lốc xoáy lôi cuốn con người hôm nay đi vào trong quỹ đạo của chúng. Những trào lưu và lối sống này đang ảnh hưởng trực tiếp vào đời sống con người và Hội thánh. Thống kê năm 2023 của Toà thánh cho thấy sự giảm sút nghiêm trọng về ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến trên thế giới.[7] Hiện tượng ấy đã kéo dài trong nhiều thập niên qua. Tại Việt Nam gần đây, một số giáo phận ở thành phố cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm sút ơn thiên triệu. Hiện tượng các Kitô hữu bỏ đạo ngày càng gia tăng. Cơn khủng hoảng vì gương xấu của các giáo sĩ trong việc lạm dụng tính dục, lạm dụng quyền và kinh tế ở trên thế giới vẫn đang đè nặng trong tâm trí của nhiều tín hữu và của Mẹ Hội thánh. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh đầy những trở ngại và triển vọng mới này, hơn lúc nào hết, Hội thánh càng phải chú tâm vào chất lượng của việc đào tạo linh mục, để làm sao có thể đào tạo các linh mục thực sự ngang tầm với hoàn cảnh hiện nay, thực sự có khả năng Phúc Âm hoá thế giới này nay. Vì tính chất quan trọng và nhu cầu cấp thiết này, trong Hội thánh hiệp hành, mọi tín hữu được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục theo vai trò, địa vị và khả năng của mình.
Trong phạm vi của bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến: 1) Đào tạo linh mục, công trình của Thiên Chúa; 2) Những tác nhân tham gia vào sứ vụ đào tạo; 3) Những nguyên tắc đào tạo linh mục trong bối cảnh hôm nay.
I. ĐÀO TẠO LINH MỤC, CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI
Trước khi nói về những tác nhân trung gian và trực tiếp của việc đào tạo linh mục, tiên vàn chúng ta cần tìm hiểu về những tác nhân đầu tiên, đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi lẽ, việc đào tạo linh mục phải được khởi phát và đặt trong “khung hình” mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thật vậy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo… Vì đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng soi chiếu các mầu nhiệm ấy.[8] Suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khám phá nguồn gốc và cùng đích sâu xa nhất của chúng ta. Bởi lẽ, chúng ta phát xuất từ Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi như là cùng đích đời mình, như nước dòng sông phát xuất từ biển cả mênh mông và rồi trở về với nguồn gốc của nó. Theo ý nghĩa ấy, Ba Ngôi là nguồn mạch và cùng đích của ơn gọi và sứ vụ linh mục. Ba Ngôi là Nhà Đào tạo đầu tiên và đích thực của công trình đào tạo linh mục. Hay nói cách khác, công trình đào tạo linh mục trước hết và trên hết là công trình của Ba Ngôi. Trong tiến trình đào tạo linh mục, “chủ thể đầu tiên hay tác giả của tiến trình huấn luyện… là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.”[9] Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành. Đó là hành động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đồng hành với một tín hữu, huấn luyện một tín hữu chỉ có thể là một hành động của Ba Ngôi. Giống như mọi hành động mà Thiên Chúa thực hiện giữa chúng ta, Người cần có con người làm trung gian, chính vì con người làm trung gian mà chúng ta suy nghĩ, và đừng quên rằng mình chỉ là một trung gian thôi; nếu chúng ta là trung gian thì chúng ta không phải là nhân vật chính, người hoạt động chính,[10] nhưng chính là Thiên Chúa. Vì tầm quan trọng của vai trò này, chúng ta cần khám phá chiều kích Ba Ngôi như là nền tảng và “khuôn mẫu” của quá trình đào tạo linh mục, theo tiến trình “Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành.”
1. Chúa Cha kêu gọi và giáo dục (education)
Trong chương trình cứu độ, mỗi Ngôi vị Thiên Chúa nắm giữ một sứ mạng riêng, nhưng lại cộng tác và hiệp thông nên một với nhau cách tuyệt hảo. Với tư cách của mình, Chúa Cha nắm giữ vai trò nguyên nhân đầu tiên và sáng tạo; Chúa Con nắm giữ vai trò nguyên nhân tác thành, trung gian và cứu độ; Chúa Thánh Thần đảm nhận vai trò nguyên nhân hoàn tất và thánh hoá. Nói cách khác vắn hơn, Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, còn Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hoá. Ba Ngôi là một cộng đoàn hiệp thông và tham gia.
Liên quan đến vai trò của Ba Ngôi trong đào tạo ơn gọi linh mục, Thánh Luca ghi lại sự kiện này: “Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13). Như thế, ơn gọi của họ phát xuất và cắm rễ sâu trong cuộc đối thoại của Chúa Con và Chúa Cha. Trước khi quyết định chọn những cộng sự viên là các Tông đồ, Đức Giêsu phải cầu nguyện và đàm đạo với Chúa Cha nhiều giờ để xin Người sai những kẻ Người muốn cho sứ vụ này.
Tin mừng Mátthêu để lại cho chúng ta một chứng tá rất ý nghĩa, khi tường thuật sự kiện:
“Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ gặt ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).
Từ nền tảng Kinh thánh, chúng ta có thể đưa ra những xác tín sau đây:
Xác tín thứ nhất: Chúa Cha là Đấng đưa ra ánh sáng sự hiện hữu của chúng ta. Mọi ơn gọi trong Hội thánh đều phát xuất từ Chúa Cha, vì Người là suối nguồn của mọi ơn lành, đặc biệt ơn gọi linh mục. Nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần xuống trần gian, thì cũng chính Người kêu gọi và sai mỗi người chúng ta lên đường theo tiếng gọi tình yêu của Chúa. Chính Chúa Cha là nhà huấn huyện đầu tiên, Người làm cho những ai được kêu gọi trở thành “môn đệ đích thực Đức Kitô.”
Xác tín thứ hai: Hội thánh phải cầu xin “chủ mùa gặt,” là Chúa Cha sai các thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo hôm nay. Bởi lẽ, người ta không thể đi tìm “các thợ gặt của Thiên Chúa,” như ông chủ đi tìm lao công, như một giám đốc tuyển các chuyên viên cho công ty. Hay nói cách khác, Hội thánh không làm nên ơn gọi, nhưng chỉ là trung gian. Hội thánh cũng không phải là “xưởng sản xuất các ơn gọi.” Hội thánh được giao phó nhiệm vụ trung gian phân định, hướng dẫn và đồng hành với ơn gọi. Việc tuyển chọn ơn gọi linh mục không được phép giảm thiểu như là việc tuyển chọn nghề nghiệp, khám bệnh hoặc khảo cứu như những chuyên gia tâm lý.
Vì thế, do trách vụ được Hội thánh ủy thác, khi làm công tác chọn lựa và đào tạo linh mục, những người hữu trách đóng một vai trò quan trọng trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh: là cùng với ứng sinh tìm ra thánh ý Chúa Cha và chương trình của Người nơi từng ứng sinh để phân định và sống. Trách nhiệm này rất quan trọng và nghiêm túc. Vì trung tâm điểm của quá trình tuyển chọn và đào tạo ứng sinh cho ơn gọi linh mục là quá trình giúp phân định ơn gọi và tìm Thiên Ý. Quá trình này đòi hỏi tất cả những ai tham gia vào sứ vụ này phải là những người biết thực hiện nó trong cầu nguyện và đức tin, với lương tâm ngay thẳng và sự công bằng theo những tiêu chuẩn khách quan mà Giáo luật đòi hỏi.
Xác tín thứ ba: Đối với ứng sinh, người ta không thể tự mình trở thành linh mục nếu không được Chúa Cha kêu gọi. Thiên Chúa kêu gọi những ai Người muốn (x. Mc 3,13). Điều này làm nên sự huyền nhiệm của ơn gọi. Người ta không thể thủ đắc chức linh mục chỉ nhờ tài cán nhân loại hay nhờ tiền bạc của cải thế gian. Ơn gọi phải đến từ Thiên Chúa như là một sự kiện được tuyển chọn và mời gọi bởi Người, đồng thời vừa là một quyết định đáp trả của con người trong ý thức và tự do theo tiếng mời gọi và ý muốn đó.
Chúng ta trở lại với vai trò của Chúa Cha trong quá trình đào tạo ơn gọi linh mục. Có một thực tế làm chúng ta phải suy nghĩ lại đó là vai trò của Chúa Cha ít được đề cập trong môi trường đào tạo. Khuôn mặt của Chúa Cha bị quên lãng hay bị che khuất! Vậy Chúa Cha nắm giữ vai trò nào? Xin thưa: Chúa Cha nắm giữ vai trò giáo dục. Dĩ nhiên, chúng ta không thể giới hạn cách cứng nhắc vai trò của Người. Theo nghĩa của từ “educere” trong tiếng Latinh, giáo dục có nghĩa là dẫn ra, phân biệt ra, làm cho rõ, đưa ra ánh sáng sự thật con người thụ huấn, là giúp nhận biết mình, khám phá những ưu và khuyết điểm để hướng tới sự thay đổi. Chúa Cha là Nhà Giáo dục đầu tiên theo nghĩa này. Đây là cách giáo dục điển hình của Chúa Cha, Đấng Tạo dựng, vì Người đã lôi kéo muôn vật ra từ chỗ hỗn mang và tạo dựng các thụ tạo từ hư không, để đưa ra ánh sáng, cho hiện hữu, thiết lập trật tự và ban sự sống cho chúng. Chúa Cha còn là mẫu mực của tiến trình sư phạm này, khi Người giáo dục Dân Người, bằng cách sử dụng bàn tay uy quyền và cánh tay mạnh mẽ mà kéo họ ra khỏi vòng nô lệ bên Ai Cập. Dù bị làm nô lệ, nhưng họ vẫn cảm thấy thoải mái với đời sống như thế, vì được ăn uống no nê. Phần đông họ không muốn rời bỏ Ai Cập, không muốn lên đường, không muốn đi xa để được tự do. Nhưng Thiên Chúa lấy lòng nhân lành và dịu hiền mà lôi kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ, lên đường tiến về Đất hứa. Người cũng khiển trách và sửa dạy họ như người cha khiển trách và sửa dạy con cái, Người phải kiên nhẫn và cần 40 năm để giáo dục họ, để đem họ vào Đất hứa (x. Đnl 1,31; 6,21; 9,26…).
Trong Tân ước, Đức Giêsu mạc khải về Chúa Cha: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy, và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,44-46). Như thế, ở đây vai trò của Chúa Cha được mạc khải như là Đấng ban ơn “lôi kéo” con người tin vào Chúa Giêsu và đến với Người.
Một mạc khải khác minh chứng Chúa Cha hướng dẫn con người nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Tin mừng Mátthêu tường thuật sự kiện Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai? Ông Simon trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Vì là một câu trả lời đúng, nên Chúa Giêsu khen ngợi và nói rằng: “Simon con Gioan, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay huyết nhục đã cho con biết, nhưng là Chúa Cha trên Trời” (Mt 16,17).
Như thế, chủ thể hay tác giả đầu tiên của tiến trình đào tạo không là ai khác nếu không phải là Chúa Cha, Đấng uốn nắn người thụ huấn theo hình ảnh và tâm tình của Chúa Con nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Những ai tham gia vào công tác giáo dục là tham gia vào hoạt động sáng tạo của Chúa Cha. Công việc này thường được thực hiện trong thời gian dài. Nó đòi hỏi một tình yêu mãnh liệt và dịu hiền, cho nên nhà đào tạo phải có thái độ như Chúa Cha có, là vô cùng kiên nhẫn, hy vọng và nhân ái. Nhà đào tạo phải có lòng kiên nhẫn, cần mẫn và hy vọng như người nông dân, để có thể luôn biết “semina in spes – gieo trong hy vọng.” Ông biết chờ đợi và tôn trọng quy luật thời tiết và thời gian, chấp nhận vất vả nhọc nhằn để hy vọng có một mùa gặt bội thu.
2. Chúa Con là mô mẫu và huấn luyện (formation)
Nếu giáo dục là công việc của Chúa Cha, thì huấn luyện dường như là hoạt động chính của Chúa Con. Nếu Chúa Cha là nguồn gốc của ơn gọi, thì Chúa Con là khuôn mẫu của ơn gọi. Huấn luyện (formare) là giới thiệu cho người thụ huấn một hình mẫu cụ thể, như một cách sống mới, hoặc một “khuôn mẫu” làm cho người thụ huấn hình thành một căn tính mới, đó là cái tôi lý tưởng mà họ được mời gọi trở thành.
Quả thế, Đức Kitô đã hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại, trở thành hình ảnh sống động về Thiên Chúa và con người. Thật vậy, mô hình tiêu biểu của công việc huấn luyện chính là Chúa Kitô, là “tâm tình Chúa Con.” Ai có thể thay thế một mô hình khác ngoài mô hình huấn luyện là Chúa Kitô, Chúa chúng ta?
Theo ý nghĩa đó, Công đồng Vaticanô II quả quyết:
“Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, Ađam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Ađam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi cao quý của mình.”[11]
Cũng theo cái nhìn này, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI có một diễn tả khác:
“Thiên Chúa là Đấng bảo đảm cho sự phát triển đích thực của con người, vì khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Người cũng thiết lập phẩm giá siêu việt của con người và nuôi dưỡng ước muốn bẩm sinh của họ tới trưởng thành hơn nữa.”[12]
Qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu không chỉ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, mà còn là hình ảnh lý tưởng của con người. Nơi Người, chúng ta tìm được câu trả lời cho vấn nạn về con người, về căn tính và lời mời gọi trở thành của chúng ta. Con Thiên Chúa đã làm người và trở thành con người hoàn hảo. Các Giáo phụ đã nhìn thấy nơi Đức Giêsu “mô mẫu” của con người mới.[13] Tất cả mọi người được tiền định trong Đức Kitô (x. Ep 1,1-6), để tham dự tất cả những gì thuộc về Người. Vì thế, Đức Kitô trở thành nền tảng thần học nhân học của việc huấn luyện.
Quả vậy, huấn luyện là một quá trình để đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong hiểu biết về Con Thiên Chúa, đạt tới sự trưởng thành và “tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13). Theo đó, Đức Giêsu Kitô là khuôn mẫu lý tưởng mà người thụ huấn luôn được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Người.[14] Như lời Thánh Augustinô nói: “Chúng ta không chỉ thuộc về Chúa Kitô, mà còn được mời gọi trở nên như Chúa Kitô.”[15] Huấn luyện phải là quá trình thực hiện lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,7). Cũng theo quan điểm của Thánh Phaolô, huấn luyện là một quá trình dẫn đưa người thụ huấn tới một sự đồng hóa tiệm tiến con người của mình với con người của Đức Kitô: “Mặc lấy Đức Kitô” (Rm 13,14); “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5); “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20); và cuối cùng là “Chúng ta sống là sống cho Chúa” (Rm 14,8).
Vì thế, chúng ta có thể nói rằng mục đích căn bản của quá trình đào tạo là chuẩn bị cho các ứng sinh đạt tới sự hiến dâng hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa trong việc “bước theo Chúa Kitô” (Sequela Christi), trở thành môn đệ của Người, trở nên giống Người. Con người đó được biến đổi trong tất cả các chiều kích: thể lý, tâm lý, con tim, tình cảm, suy nghĩ, phán đoán, đam mê, động lực, hành vi, cách sống và thái độ sống… Đó là con người mới, nhân cách mới trong Đức Kitô.
Nói cách khác, việc đào tạo linh mục không được hiểu là một sự bắt chước bên ngoài, nhưng là quá trình biến đổi toàn bộ con người của người thụ huấn, để họ có thể trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Kitô và nhờ đó họ có khả năng chu toàn sứ vụ tông đồ sẽ được ủy thác sau này.
3. Chúa Thánh Thần thánh hóa và đồng hành (accompagnement)
Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò thánh hóa và đồng hành với mỗi con người cũng như mỗi ơn gọi. Người là Thiên Chúa “bị quên lãng,” một khuôn mặt dù ẩn giấu nhất, nhưng lại rất gần gũi với chúng ta hơn cả chính chúng ta gần gũi với mình.[16]
Thật vậy, Kinh thánh minh chứng rằng: Thánh Thần là Đấng Bảo trợ, Đấng An ủi, Đấng Bào chữa (Paraclitus). Theo nguyên nghĩa Hy Lạp, Paracletos là “người đi bên cạnh, người đồng hành, người bảo vệ.” Thánh Thần của lòng tốt, mà Thiên Chúa ban như quà tặng của Chúa Cha và Chúa Con cho chúng ta (x. Ga 14,16). Thánh Thần của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, rồi từ Người, được ban cho mỗi người và ở trong lòng, nơi sâu thẳm nhất, để thánh hóa và đồng hành với mỗi người chúng ta (x. Rm 5,5). Thánh Phaolô đã có lý khi khẳng định: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần đó sao?” (1 Cr 9,16).
Về điều này, nhà thần học người Pháp Yves Congar viết:
“Chúa Thánh Thần là sự nội tâm, sự tự do. Thánh Thần được đổ vào lòng mỗi người, chúng ta khẩn cầu Người như là Vị khách dịu hiền và rất khả ái của tâm hồn chúng ta, dulcis hospes animae – hỡi vị khách dịu hiền của tâm hồn ta.”[17]
Chúa Thánh Thần được ban cho mỗi Kitô hữu, để thiết lập sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai biết đón nhận Người. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa hiện diện và cư ngụ trong con người, khi thông ban cho họ chính đời sống và tình yêu của Người.
Trong Thánh Thần, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và trở nên những “người em của Chúa Giêsu.” Thánh Thần biến đổi tận căn con người khi Người “thần hóa” chúng ta. Chính Người làm cho chúng ta được tham dự vào chính bản tính và đời sống của Thiên Chúa. Thánh Thần làm cho chúng ta hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Thần làm cho chúng ta kêu lên rằng: “Ápba, Cha ơi! Như thế, anh em không còn là nô lệ, nhưng là con, và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế” (Gl 4,6-7). Thánh Thần làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên Chúa như Người đáng được yêu mến (theo Gioan Thánh Giá). Những ai sống theo Thánh Thần hướng dẫn thì đời sống của họ sẽ mang lại nhiều hoa trái: “Đây là những hoa trái của Thánh Thần: Tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, lòng tốt, nhân hậu, trung thành, hiền lành, làm chủ chính mình” (Gl 5,22). Chính vì thế, Thánh Thần vừa là Ân huệ và là Tình yêu của Thiên Chúa. Người trở thành nguyên lý sự sống, hiệp nhất nơi chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.
Nếu hiểu đồng hành là đi bên cạnh, chia sẻ, dạy dỗ, hướng dẫn tới chân lý và sự biến đổi, thì đây là hoạt động đặc trưng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là người dẫn đường và là bạn đường giúp người thụ huấn nhận ra Chúa Giêsu khi “Người bẻ bánh và giải thích Kinh thánh” (x. Lc 24,13-35). Người là “nghệ nhân thần linh” và là nhà điêu khắc nội tâm, Đấng uốn nắn khuôn mặt mỗi người theo hình ảnh Chúa Kitô một cách vô cùng sáng tạo. Khi nói về vai trò đặc trưng này, Ủy ban Trực thuộc Giáo hoàng Đặc trách Ơn gọi Hội thánh diễn tả:
“Chúa Thánh Thần luôn hiện diện bên cạnh mọi người nam nữ, để giúp họ nhận ra căn tính của mình là những kẻ tin và được kêu gọi, để nhào nặn và tạo cho họ có một căn tính rập theo kiểu mẫu của tình yêu Thiên Chúa. Là Thánh Thần thánh hóa, Người tìm cách tái tạo dấu ấn thần linh nơi mỗi người, giống như một người thợ điêu luyện và kiên nhẫn của linh hồn chúng ta, và là Đấng an ủi tuyệt vời.”[18]
Do đó, điều quan trọng trong quá trình huấn luyện là giúp người thụ huấn có được cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần như là bạn đồng hành gần gũi nhất của họ. Người đi bên cạnh họ để nhắc lại Lời của Chúa Giêsu, dẫn họ tới chân lý toàn vẹn (x. Ga 16,13), biến đổi họ thành những kẻ “thờ phượng đích thực của Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật” (x. Ga 4,23-24), và làm cho họ trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu.
Tất cả những ai tham gia đồng hành ơn gọi là tham dự vào sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Cũng thế, những ai cảm nhận và nhận biết Chúa Thánh Thần là “người đồng hành” của mình, thì cũng sẵn sàng đón nhận những người trực tiếp đồng hành với mình mà không đòi hỏi họ phải hoàn hảo. Vì hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần, thì cũng tin cậy vào trung gian của Người.
Vì vậy, trong quá trình huấn luyện, các ứng sinh được mời gọi hãy mở ra với Chúa Thánh Thần, để cho Chúa Thánh Thần hoạt động và hướng dẫn, lắng nghe tiếng nói của Người trong thinh lặng, suy niệm và cầu nguyện, qua linh hướng và gặp gỡ các nhà đào tạo, để tìm ý Chúa, phân định ơn gọi để được biến đổi trong Người.
Như vậy, theo đường hướng mà chúng ta vừa suy nghĩ, nếu giáo dục có nghĩa là đào bới sự thật của chủ thể, huấn luyện là hình thành con người mới của chủ thể, thì đồng hành là quy tụ của chủ thể. Người thụ huấn được mời gọi hướng tất cả cơ cấu nội tâm, con tim, lý trí và ý chí lại với nhau để đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần. Nếu có thể ví quá trình đào tạo linh mục bằng một hình ảnh bình dị từ cảnh nhà nông làm ruộng, thì giáo dục là vun xới đất đai, huấn luyện là gieo hạt giống tốt vào lòng đất, còn đồng hành là chăm sóc, vun tưới, bón phân cho cây lớn lên, trổ bông và kết trái.
II. ĐÀO TẠO LINH MỤC, SỨ VỤ CỦA MỌI TÍN HỮU
Như đã đề cập ở trên, tác nhân chính yếu của tiến trình đạo tạo linh mục chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, sứ vụ này được Thiên Chúa uỷ thác cho Hội thánh như là tác nhân trung gian và trực tiếp qua việc cổ vũ, tuyển chọn và đào tạo ơn gọi linh mục. Đào tạo linh mục là trách vụ chung của toàn thể Hội thánh, đòi hỏi mọi thành phần Dân Chúa tham gia và cộng tác. Theo mô mẫu Ba Ngôi, tất cả đều hiệp nhất và liên kết với nhau để đào tạo nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu những tác nhân đào tạo trong giáo phận.
Công đồng Vaticanô II nói về công cuộc đào tạo linh mục là trách nhiệm của toàn dân Thiên Chúa như sau:
“Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận cổ võ các ơn thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn; các gia đình và cả các giáo xứ góp phần quan trọng vào việc đó: Những gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi, còn những giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình. Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nhất là những Hội đoàn Công giáo, phải chú tâm đào luyện các thanh thiếu niên được uỷ thác cho mình, để họ có thể nhận ra ơn thiên triệu và sẵn lòng bước theo. Mọi linh mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến chức linh mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhượng, cần mẫn, vui tươi, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục. Các giám mục có nhiệm vụ thúc đẩy đoàn chiên mình cổ võ ơn thiên triệu, và phải lo phối hợp chặt chẽ mọi năng lực cũng như mọi cố gắng… Như thế, việc toàn dân Thiên Chúa hăng say hiệp lực cổ võ các ơn thiên triệu sẽ đáp ứng hành động của Chúa Quan phòng.”[19]
Tiếp tục đường hướng canh tân của Công đồng, Giáo luật năm 1983 quy định nghĩa vụ này như sau:
“Toàn thể cộng đoàn Kitô giáo có nghĩa vụ cổ võ ơn gọi, hầu cung cấp đủ cho nhu cầu các tác vụ thánh trong toàn thể Hội thánh. Nghĩa vụ này bó buộc cách riêng các gia đình Kitô giáo, các nhà giáo dục và đặc biệt là các linh mục, nhất là các cha sở. Các giám mục giáo phận, những người phải lo cổ võ ơn gọi hơn ai hết, hãy dạy cho dân đã được trao phó cho mình về sự cao trọng của tác vụ thánh và sự cần thiết của các thừa tác viên có chức thánh trong Hội thánh; các vị hãy phát động và nâng đỡ các sáng kiến cổ võ ơn gọi, nhất là qua các cơ sở đã được thành lập nhằm mục tiêu ấy.”[20]
Gần đây, chính xác là vào năm 2016, Bộ Giáo sĩ nói đến những tác nhân tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục rất cụ thể:
“Những thành viên của cộng đoàn giáo phận, nơi chủng sinh tuỳ thuộc, đồng chịu trách nhiệm về việc đào tạo linh mục, ở những mức độ và theo những cách thức và khả năng khác nhau: Giám mục, với tư cách là mục tử chịu trách nhiệm về cộng đoàn giáo phận; linh mục đoàn, nơi hiệp thông huynh đệ trong việc thi hành thừa tác vụ thánh chức; cộng đoàn các nhà đào tạo trong chủng viện như trung gian thiêng liêng và giáo dục; các giáo sư với phần đóng góp tri thức vào sự thành công của việc đào tạo toàn diện; các nhân viên hành chánh, các diễn giả chuyên môn đến từ bên ngoài với những chứng tá của họ về đức tin và đời sống, cũng như với những khả năng chuyên môn của họ; sau hết, chính các chủng sinh với tư cách là những người chủ chốt trong tiến trình trưởng thành toàn diện của mình, cùng với gia đình, giáo xứ gốc của họ, và có thể cả những hội đoàn, đoàn thể hoặc cơ sở giáo dục khác của Hội thánh.”[21]
Chúng ta cần nói rõ hơn và chi tiết hơn những vai trò đào tạo này theo Ratio của Bộ Giáo sĩ.
1. Giám mục giáo phận
Trong giáo phận, giám mục là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc tuyển sinh vào chủng viện và việc đào tạo cho chức linh mục. Vì giám mục là cha và là mục tử của mọi người, nhất là của linh mục.[22] Trách nhiệm này được cụ thể hoá qua việc chọn lựa giám đốc và thành viên của cộng đoàn đào tạo,[23] soạn thảo và phể chuẩn các quy chế, dự án đào tạo và nội quy chủng viện.[24]
Bộ Giáo sĩ nói về vai trò của giám mục đối với công cuộc đào tạo linh mục như sau:
“Giám mục cần phải tạo được sự tin tưởng trong đối thoại để chủng sinh có thể chân thành cởi mở. Thật vậy, ‘giám mục giáo phận, hoặc, nếu là chủng viện liên giáo phận, thì các giám mục có liên quan, phải thường xuyên đích thân đến thăm chủng viện; các ngài phải chăm lo việc đào tạo chủng sinh của mình và việc giảng dạy triết học và thần học tại chủng viện; các ngài còn phải tìm hiểu về ơn gọi, tính tình, lòng đạo đức và sự tiến bộ của chủng sinh, nhất là để truyền các chức thánh.’ Giám mục phải hết sức chú ý trong hành động để không vô tình tước đi thẩm quyền của giám đốc và các nhà đào tạo khác trong việc phân định ơn gọi, cũng như việc chuẩn bị ứng sinh cho thích đáng; trái lại, ‘để tỏ lòng tin tưởng, giám mục phải thương xuyên tiếp xúc riêng với những người có trách nhiệm ở chủng viện, nhằm khuyến khích họ trong công việc và hành động, đồng thời, nhằm tạo ra giữa họ một tinh thần hoà hợp, hiệp thông và hợp tác.’’[25]
Ngoài ra, giám mục không được nhận bất cứ ai vào chủng viện mà không có một quá trình phân định ơn gọi cách khôn ngoan và áp dụng một tiến trình đào tạo có chất lượng. Trong trường hợp chủng viện liên giáo phận, các giám mục cần đối thoại với nhau để có sự đồng thuận về phương pháp đào tạo và sự tin tưởng đối với những người có trách nhiệm ở chủng viện, là những tiền đề cần thiết để hoạt động giáo dục được thành công mỹ mãn.[26]
2. Linh mục đoàn
Sau khi nói về vai trò đào tạo linh mục của giám mục, Ratio của Bộ Giáo sĩ đề cập đến vai trò của linh mục đoàn trong giáo phận. Đó là sự mới mẻ và cần lưu ý. Vì thực tế, nhiều người, trong đó có cả những linh mục, vẫn nghĩ công cuộc đào tạo linh mục là bổn phận của các cha giáo và của chủng viện, nên nhiều lúc khoán trắng cho chủng viện mà không hề có sự cộng tác nào. Một cách mới mẻ, Bộ Giáo sĩ đề cập đến vai trò của linh mục đoàn liền sau vai trò của giám mục. Theo đó, tài liệu này viết:
“Giáo sĩ của Hội thánh địa phương hiệp thông sâu xa với giám mục giáo phận, bằng cách chia sẻ mối bận tâm của họ về việc đào tạo ứng sinh, bằng lời cầu nguyện, tình mến chân thành, sự nâng đỡ và việc đi thăm chủng viện. Mỗi linh mục phải ý thức về trách nhiệm riêng của mình trong đào tạo chủng sinh; cha sở, nói riêng, và các linh mục đón tiếp chủng sinh đến thực tập mục vụ, nói chung, sẽ cộng tác cách quảng đại với cộng đoàn các nhà đào tạo ở chủng viện, trong một sự đối thoại thẳng thắn và cụ thể. Những phương thức cộng tác thực tiễn giữa các linh mục và chủng viện có thể thay đổi tuỳ theo các giai đoạn của tiến trình đào tạo.”[27]
3. Chủng sinh
Mỗi ứng sinh linh mục đóng vai trò chủ động và quan trọng của công cuộc đào tạo, nên họ được gọi là “chủ lực đào tạo.” Ứng sinh linh mục chính là chiến hữu tiên phong cần thiết và bất khả thay thế cho nền đào tạo của mình: Mọi nền đào tạo, kể cả đào tạo linh mục, cuối cùng là một công cuộc tự đào tạo. Quả vậy, không ai có thể trám chỗ cho tự do hữu trách của mỗi người với tính cách là ngôi vị độc nhất.[28] Mỗi chủng sinh là người chủ chốt để đào tạo bản thân mình.
Liên quan đến vai trò này, Bộ Giáo sĩ hướng dẫn:
“Các chủng sinh được mời gọi kiên trì làm tiến bộ về mặt nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, tuỳ theo lịch sử cá nhân và lịch sử gia đình mình. Chủng sinh cũng có trách nhiệm tạo ra và duy trì một bầu khí đào tạo phù hợp với giá trị Tin mừng.”[29]
Các chủng sinh phải được huấn luyện để có sự hiểu biết sâu xa về đời sống, sứ vụ linh mục. Họ cũng được huấn luyện để trở nên con người mới trong Đức Kitô nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, trưởng thành, quân bình, và toàn vẹn về mọi phương diện nhân cách linh mục như biết mình, khám phá những khả năng và biết giải thoát mình khỏi những bất nhất và bất toàn…
Để được như thế, các chủng sinh tập sống khiêm tốn, kỉ luật, có trách nhiệm, sẵn sàng học hỏi, sống cởi mở, trung tín, vâng phục và phó thác.
4. Cộng đoàn các nhà đào tạo
Nếu Thiên Chúa được xem là “nguồn lực đào tạo,” chủng sinh là “chủ lực đào tạo,” thì các nhà đào tạo là “trợ lực đào tạo.” Cộng đoàn các nhà đào tạo gồm những linh mục được tuyển chọn và có năng lực,[30] được uỷ thác cộng tác vào sứ vụ cao cả là đào tạo linh mục. Vì trọng trách tế nhị và khó khăn này, cần phải chọn những linh mục có đời sống gương mẫu và sở đắc một tập hợp những đức tính như: “Sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, kinh nghiệm mục vụ, uy thế nghiệp vụ, sự ổn định trong ơn gọi của riêng mình, sự đào luyện về mặt lý thuyết trong những khoa học nhân văn (đặc biệt tâm lý học) tương ứng với trách nhiệm được giao phó, sự thành thạo về những phương pháp làm việc tập thể”[31] để có thể thực hiện chương trình đào tạo trong một mối dây hiệp nhất rất chặt chẽ, sao cho luôn luôn bảo toàn được sự thống nhất trong hoạt động mục vụ của chủng viện dưới sự điều hành của cha giám đốc.[32]
Số nhà đào tạo nhất thiết phải tương xứng với số chủng sinh. Vì vậy, thông thường, chủng viện cần có một giám đốc, phó giám đốc, một quản lý, các cha linh hướng và những nhà đào tạo khác, tất cả là những người phải điều phối các chiều kích khác nhau trong đào tạo.[33]
Các nhà đào tạo cần được dành trọn cho nhiệm vụ này, để họ có thể tận tâm tận lực cho công việc. Vì thế, họ phải ở trong chủng viện. Cộng đoàn các nhà đào tạo thường xuyên gặp gỡ nhau cùng với giám đốc chủng viện, để cầu nguyện, lập chương trình cho đời sống chủng viện và thường xuyên theo dõi sự phát triển của mỗi chủng sinh.[34] Bộ Giáo sĩ hướng dẫn việc tuyển chọn và vai trò từng tác nhân đào tạo rất chi tiết và cụ thể như sau:
Trước hết, giám đốc là một linh mục cẩn trọng, khôn ngoan, quân bình và có năng lực để điều hành chủng viện bằng cách phối hợp hoạt động giáo dục. Giám đốc cộng tác sâu xa và chân thành với các nhà đào tạo khác trong tình bác ái huynh đệ. Giám đốc là người đại diện pháp lý của Chủng viện trên bình diện Hội thánh cũng như dân sự.[35]
Thứ đến, phó giám đốc phải có những phẩm chất cần thiết trong lãnh vực đào tạo. Người trợ giúp giám đốc một cách kín đáo trong nhiệm vụ giáo dục và thay thế giám đốc khi vị này vắng mặt. Nói chung, phó giám đốc “phải cho thấy được mình có những phẩm chất giáo dục đích thực, mình vui vẻ hiến thân cho công việc phục vụ và có tinh thần cộng tác.”[36]
Về cha linh hướng, giám mục phải lo việc chọn linh mục có năng lực và kinh nghiệm cho việc linh hướng để đồng hành với mỗi chủng sinh trong việc phân định ơn gọi và đào tạo trưởng thành tâm linh. Vị linh hướng phải là người thầy đích thực về đời sống nội tâm và cầu nguyện, phải là người có thể giúp chủng sinh đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa và đáp trả cách chín chắn, tự do và quảng đại. Vị linh hướng “chịu trách nhiệm về tiến trình thiêng liêng của chủng sinh ở toà trong, cũng như sắp xếp và phối hợp những việc thi hành đạo đức khác nhau và đời sống phụng vụ của chủng viện.”[37] Trong chủng viện có nhiều vị linh hướng, một người trong họ sẽ là “người điều phối chiều kích thiêng liêng.” Vị này sắp xếp đời sống phụng vụ, phối hợp hoạt động của các vị linh hướng khác và của cha giải tội đến từ bên ngoài, nếu có; vị này dự kiến chương trình tĩnh tâm năm, những kỳ tĩnh tâm tháng và những cử hành của năm phụng vụ; cùng với giám đốc, vị này còn phải lo việc thường huấn cho các vị linh hướng khác.
Bộ Giáo sĩ còn hướng dẫn rằng: Trong số các nhà đào tạo của chủng viện, mỗi chiều kích đào tạo (như nhân bản, tri thức và mục vụ), nên bố trí một vị đảm nhận trách nhiệm của “người điều phối” để các ứng sinh được đồng hành và đào tạo một cách toàn vẹn và đầy đủ hơn theo các chiều kích ấy.
Để đời sống chủng viện được tốt đẹp, cần có vị quản lý. Vị này giữ vai trò giáo dục đích thực bên trong cộng đoàn chủng viện qua cách xử lý các vấn đề hành chánh. Vị này phải ý thức rằng khung cảnh sống có thể tác động trên chủng sinh đang được đào tạo, và việc sử dụng tài sản vật chất một cách lương thiện và hợp với Tin mừng giúp giáo dục chủng sinh có được tinh thần nghèo khó của người linh mục như thế nào.[38]
5. Các giáo sư
Giáo sư chủng viện phải được giám mục bổ nhiệm, hoặc, nếu là chủng viện liên giáo phận, được các giám mục có liên quan bổ nhiệm. Giám mục nên tham khảo ý kiến của giám đốc chủng viện và của ban giáo sư trước khi bổ nhiệm. Vì chức vụ này có trách nhiệm quan trọng, nên cần có một bổ nhiệm chính thức. Giảng viên và chủng sinh được mời gọi trung thành vâng nghe Lời Chúa, Thánh truyền và Huấn quyền. Các giáo sư phải chăm lo để việc học tập của từng chủng sinh được tiến triển tốt đẹp. Các giáo sư phải xem mình là thành phần của một cộng đoàn giảng dạy duy nhất và là những nhà giáo dục thực sự. Họ cố gắng hướng dẫn chủng sinh đi đến sự thống nhất trong tri thức, một tri thức đạt đến viên mãn trong Đức Kitô.
Cần phải đào tạo đủ giảng viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và cân xứng với số chủng sinh. Thật lý tưởng nếu đa số giảng viên là linh mục, họ sẽ đưa được chiều kích mục vụ vào trong môn học dựa trên kinh nghiệm riêng của mình. Ngoài ra, sự đóng góp giáo dục của thành viên các hội dòng tu trì hay của giáo dân, có thể là hữu ích vì tính đang dạng của đặc sủng và chứng tá riêng của họ cho chủng sinh.
Bộ Giáo sĩ yêu cầu các giáo sư phải có học vị thích hợp:[39] Đối với các ngành thần học và triết học, họ phải có ít nhất là bằng cử nhân được Toà thánh công nhận hoặc một học vị tương đương; đối với các ngành học khác, cũng phải có học vị tương ứng. Họ là người có sự hiểu biết thích đáng về các ngành liên quan, đầy kinh nghiệm và có khả năng sư phạm.[40]
6. Nhà chuyên môn
Các nhà chuyên môn khác cũng có thể được mời để đóng góp phần mình; ví dụ trong lĩnh vực y tế, sư phạm, nghệ thuật, sinh thái, hành chính, và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Trong tiến trình đào tạo linh mục, sự hiện diện và đóng góp của các nhà chuyên môn trong một số môn học là rất hữu ích, vì họ có thể mang lại những khả năng chuyên môn và sự trợ giúp cần thiết trong những hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, khi chọn các nhà chuyên môn, ngoài các phẩm chất nhân bản và khả năng chuyên môn, còn phải lưu ý đến đời sống Kitô hữu của họ.[41] Họ được khuyên chỉ lo đóng góp theo phạm vi của mình và không lấn sâu vào những phần không thuộc thẩm quyền mình.
Trong lĩnh vực tâm lý, sự đóng góp của nhà chuyên môn thật quý giá, cả cho nhà đào tạo lẫn chủng sinh, đặc biệt là trên hai điểm: Đánh giá nhân cách, với ý kiến về sức khoẻ tâm lý của ứng sinh; và đồng hành trị liệu để phát hiện những vấn đề nếu có và giúp phát triển sự trưởng thành nhân bản.[42]
7. Gia đình, giáo xứ và những thực tại khác của Hội thánh
Gia đình là “chủng viện đầu tiên,”[43] trong đó các ứng sinh sẽ có thể đạt được ngay từ buổi đầu, ý thức về đạo đức, cầu nguyện và tình yêu đối với Hội thánh. Ơn gọi thường được phát sinh từ gia đình và trong bối cảnh giáo xứ, là nơi mà chủng sinh đã có kinh nghiệm đức tin quan trọng. Vì thế, sự đào tạo khởi đầu cần lưu ý đến bối cảnh này. Gia đình, giáo xứ góp phần đáng kể trong việc nâng đỡ ơn gọi của người được gọi làm linh mục, không chỉ trong thời gian đào tạo, mà con trong chính đời sống linh mục.[44] Cha mẹ, gia đình và giáo xứ được mời gọi đóng góp phần đào tạo con em mình trở thành linh mục bằng sự hy sinh, cầu nguyện, khích lệ và hướng dẫn. Hội thánh ước mong gia đình đồng hành với con của mình trong suốt đời linh mục.[45]
Thật vậy, “các mối liên hệ gia đình là chủ yếu để chủng sinh càng nhận ra các giá trị của mình hơn một cách lành mạnh. Bởi thế, thật quan trọng khi gia đình đi cùng với con em trong suốt hành trình ở chủng viện và khi làm linh mục, vì gia đình giúp củng cố hành trình này một cách thực tế.”[46]
Bộ Giáo sĩ mời gọi chủng viện quan tâm mục vụ đối với gia đình ứng sinh linh mục, để họ hiến dâng người con với tinh thần thanh thoát của Tin mừng và không vướng bận nhiều vì gia đình.[47]
Ngoài ra, sự hiện diện của các nhà chuyên môn là nữ tu và nữ giáo dân có một vai trò quan trọng đặc thù trong đào tạo. Họ cống hiến một chứng từ đầy tính xây dựng về sự khiêm tốn phục vụ, về lòng quảng đại và vô vị lợi.[48]
Như vậy, tất cả những tác nhân này làm nên “cộng đoàn giáo dục” rộng lớn hơn và phải lưu ý điều này khi thi hành sứ vụ. “Cộng đoàn giáo dục” có nghĩa là toàn thể các tác nhân dấn thân vào việc đào tạo linh mục: Giám mục, các nhà đào tạo, các giáo sư, nhân sự hành chánh, các nhân viên, các gia đình, các giáo xứ, các người sống đời thánh hiến, các nhà chuyên môn đến thuyết trình, và thêm vào đó, dĩ nhiên là chính các chủng sinh, vì không thể đào tạo tốt mà không có sự hợp tác hoàn toàn của chủng sinh.[49] Mọi người đều phải ý thức về vai trò giáo dục mình đang thi hành và quan trọng là phải sống nhất quán.[50] Chúng ta có thể kết luận rằng: Công trình đào tạo linh mục là công trình chung của Hội thánh, nên mọi tín hữu được mời gọi tham gia và đóng góp phần mình để đào tạo những mục tử như lòng Chúa mong ước cho cánh đồng truyền giáo hôm nay, như Thánh Phaolô từng xác tín: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1 Cr 3,6).
III. NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐÀO TẠO LINH MỤC
Việc đào tạo linh mục là một nghệ thuật của các nghệ thuật. Để có kết quả tốt đẹp và hiệu quả, cần có sự hiểu biết chuyên môn về huấn luyện, biết phương pháp huấn luyện và có chiến lược huấn luyện. Dựa trên những hướng dẫn của Huấn quyền Hội thánh từ xưa đến nay, xin được tóm tắt 9 nguyên tắc đào tạo linh mục:
1. Đào tạo linh mục mang tính toàn vẹn
Linh mục không phải là một thứ nghề nghiệp, địa vị hay quyền lực để tìm kiếm. Nhưng linh mục là một ơn gọi, một lý tưởng và một sứ vụ cao đẹp. Trở thành linh mục đòi hỏi một sự dấn thân toàn bộ con người và cuộc sống cho Thiên Chúa và con người. Đào tạo linh mục là đào tạo các ứng sinh biến đổi và trưởng thành toàn vẹn về các phương diện nhân bản, tu đức, tri thức, mục vụ. Mỗi phương diện đào tạo đều quan trọng trong suốt hành trình huấn luyện, kể cả khi đã là linh mục. Thế nên, không được xem nhẹ một phương diện nào và tránh nguy cơ quá nhấn mạnh một phương diện, để không rơi vào lối đào tạo “duy tu đức,” “duy tri thức” hay “duy hoạt động”… Đặc biệt ngày nay, cần tránh lối đào tạo linh mục trở thành “những công chức tôn giáo,” nhưng huấn luyện ứng sinh trở thành “mục tử” của Dân Chúa.
2. Đào tạo linh mục là tiến trình tiệm tiến theo từng giai đoạn
Công cuộc đào tạo linh mục là một tiến trình tiệm tiến, dài thăm thẳm, “được hiểu như hành trình đào tạo người môn đệ truyền giáo duy nhất và không gián đoạn”[51] với các giai đoạn trước, trong và sau chủng viện. Theo đó, một cách tóm tắt, tiến trình này được thực hiện và phân chia theo nhiều giai đoạn: Trước chủng viện gồm thời gian của những năm dự bị, dự tu và những năm tiền chủng viện; tại chủng viện có 2 (hay 3) năm triết, 1 năm thử và 4 năm thần học; sau chủng viện với 1 năm mục vụ, 5 năm đầu đời linh mục và những năm mục vụ tiếp theo với việc thường huấn, về hưu dưỡng…
Vì mỗi giai đoạn có những nét đặc trưng riêng, nên cần tránh sự lẫn lộn, chồng chéo, hay đốt giai đoạn. Ví dụ, việc huấn luyện giai đoạn ở tiền chủng viện sẽ khác với giai đoạn ở đại chủng viện. Ratio của Bộ Giáo sĩ (2016) hướng dẫn việc huấn luyện theo từng giai đoạn trong chủng viện: Giai đoạn triết học là giai đoạn đào tạo “người môn đệ Chúa Kitô,” bước theo Người (sequela Christi); giai đoạn thần học: Đào tạo “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” là Tôi tớ và là Mục tử; giai đoạn tập vụ (hay tổng hợp ơn gọi) là giai đoạn học hỏi mục vụ, thực tập sứ vụ phó tế và linh mục. Vì thế, mỗi giai đoạn, mỗi năm, trong chương trình, Ban Đào tạo cần đưa ra những mục tiêu, những chủ đề riêng biệt và phù hợp cho việc huấn luyện theo tiến trình này.
3. Đào tạo linh mục trở nên “người của Thiên Chúa”
Đào tạo là hướng người thụ huấn tới sự siêu việt và tuyệt đối. Đây là năng động kép: Một đàng, Thiên Chúa đến với con người và tự thông ban chính mình cho con người. Đàng khác, mỗi người được phú bẩm khả năng tự siêu việt để hướng về Người. Nói theo ngôn ngữ của Karl Rahner, đó là sự hiện sinh siêu nhiên (supernatural existential).[52] Theo đó, đào tạo là hướng các ứng sinh tới Thiên Chúa, kinh nghiệm, gần gũi, bước theo và yêu mến Người. Đào tạo là giúp ứng sinh trở thành “người của Thiên Chúa.” Tài liệu “Đào tạo Linh mục” của Hội đồng Giám mục Việt Nam nói đến việc đào tạo ứng sinh trở thành “con người của mầu nhiệm.”[53] Việc nghiên cứu triết học và thần học dẫn người thụ huấn tới Thiên Chúa để sống chiều kích dọc của mình một cách ý nghĩa nhất, để họ có kinh nghiệm sống động và hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa, biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và hiến thân cho Người.
4. Đào tạo linh mục trở nên “người của Hội thánh”
Đào tạo cũng là giúp người thụ huấn biết yêu mến Hội thánh và phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi. Ơn gọi linh mục ở trong Hội thánh và cho người khác, chứ không phải cho mình. Nên việc đào tạo đích thực là giúp ứng sinh biết yêu mến Hội thánh và có khả năng phục vụ tha nhân, trở thành “người của Hội thánh.” Theo đó, các ứng sinh được đào tạo để trở thành những linh mục tử tế, gần gũi, thân thiện với Dân Chúa, biết tôn trọng kẻ khác, biết đối thoại, biết cộng tác, biết làm việc nhóm và có tâm hồn Tông đồ… cũng như nắm vững giáo huấn của Hội thánh để thi hành tốt sứ vụ mình theo cảm thức và tinh thần Hội thánh (Sentire cum Ecclesia).
5. Đào tạo linh mục là hướng tới giá trị
Đào tạo là hướng người thụ huấn tới giá trị hơn là cấm đoán. Mục tiêu huấn luyện là giúp ứng sinh biến đổi. Nếu không biến đổi là không có kết quả trong đào tạo. Mà con người chỉ thực sự biến đổi nhờ nội tâm hoá và sống các giá trị. Do đó, đào tạo là giới thiệu hệ giá trị đích thực cho ứng sinh. Đó là lý do tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên: “Đừng huấn luyện theo kiểu cảnh sát!” Các chủng sinh chỉ có thể trở nên những mục tử khi sống các giá trị Tin mừng. Nếu không sống các giá trị sẽ không có giá trị bản thân.
6. Đào tạo linh mục bao gồm mọi phạm vi
Đào tạo bao gồm mọi phạm vi, không chỉ ở phạm vi chính thức (formal) mà cả phạm vi không chính thức (informal). Nghĩa là, không chỉ huấn luyện trong môi trường nghiêm túc (như ở lớp học, nhà thờ), nhưng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực (như thể thao, âm nhạc, hoạt động văn hóa, lao động chân tay, nơi sân cỏ, tại bàn ăn, ngoài đường, khi giao tiếp, đi dã ngoại, khi nghỉ hè…). Tất cả đều được nhìn như là phương tiện và cơ hội để đào tạo.
7. Đào tạo linh mục theo nguyên tắc bao gồm
Đào tạo phải theo nguyên tắc bao gồm (inclusive) và loại bỏ não trạng loại trừ (exclusive). Đây là lối tiếp cận huấn luyện một con người bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai; bao gồm những khả năng, tiềm năng và cả những yếu đuối, giới hạn cũng như những tổn thương của người thụ huấn. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho nhiều lãnh vực như nghiên cứu, mục vụ, tổ chức và lượng giá… Nó mở ra cho ta góc nhìn mới và nhiều cơ hội mới. Ngày nay, lối tiếp cận loại trừ đã lỗi thời và không được áp dụng trong môi trường đào tạo.
8. Đào tạo là can đảm đi xa hơn
Đào tạo là giúp người thụ huấn dám can đảm đi từ vùng an toàn tới vùng rủi ro, cần mạo hiểm để đi sâu hơn, đi xa hơn tới vùng mới lạ trong con người và cả chân trời tri thức. Nghĩa là không chỉ dừng lại ở khu vực an toàn, nhưng phải thám hiểm vào vùng rủi ro. Đức Giáo hoàng Phanxicô có trực giác rất hay: “Người ta không thể giáo dục ở vùng an toàn. Không! Điều này ngăn chặn nhân cách phát triển. Cần phải đi vào vùng rủi ro. Hãy giữ sự quân bình giữa các bước đó thật tốt.”[54] Hầu hết, người ta chỉ thích dừng lại ở vùng an toàn, thoả mãn với những gì đã có và bề ngoài, nên ít biến đổi và ít tiến bộ thực sự. Đào tạo là dám mạo hiểm đặt chân đến những vùng ẩn khuất, tới tận tiềm thức, nơi chứa dựng những bất nhất và những vấn đề ‘giấu mặt’ để được uốn nắn, biến đổi từ bên trong cốt tuỷ, chứ không chỉ hài lòng và dừng lại ở những thay đổi bên ngoài.
9. Cuối cùng, lối tiếp cận và tinh thần đào tạo
Bối cảnh thế giới hôm nay đòi hỏi những người môn đệ của Đức Giêsu đa diện trong cách nhìn, gia tăng đối thoại và mềm dẻo trong cách hành xử. Các ứng sinh linh mục phải được đào tạo toàn vẹn về mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống và sứ vụ linh mục. Bởi thế, lối tiếp cận và hướng đào tạo ngày nay phải mang tính chuyên môn (speciality), xuyên môn (interdisciplinarity) thì mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Nghĩa là, phải nghiên cứu sâu rộng từng lãnh vực và nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng phải có sự liên kết và đối thoại giữa chúng theo nhãn quan duy nhất và toàn thể. Nên, các chủng sinh được mời gọi theo sát chương trình đào tạo, học tốt tất cả các môn, không coi nhẹ một phương diện hay một môn học nào.
Ban Đào tạo mời gọi các chủng sinh luôn biết vượt thắng tâm thức đào tạo cho qua chuyện, đối phó, hay “nín thở qua sông,” nhưng luyện tập ý chí không ngừng học hỏi, với tư duy logic, độc đáo và sáng tạo, phát huy tối đa tinh thần tự đào tạo, biết quản trị hiệu quả thời gian, sử dụng thư viện nhiều hơn, tạo nên sự mới mẻ và độc đáo cho từng công việc nghiên cứu của mình. Trong thời đại hôm nay, chúng ta đừng để mình bị lạc hậu về tư duy và tầm nhìn! Do đó, các chủng sinh mặc lấy nếp sống thinh lặng, khiêm tốn, lắng nghe và suy tư, tận dụng tốt nhất điều kiện Chúa ban để thủ đắc cho mình hành trang đủ đầy và phong phú cho sứ vụ mai ngày.
KẾT LUẬN
Để kết thúc những suy tư về chủ đề này, thiết tưởng sẽ rất phù hợp nhắc lại câu nói nổi tiếng của Tổng thống Nelson Mandela, trong chuyến thăm trường đại học Nam Phi vào năm 1990:
“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.
– Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy;
– Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy;
– Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy;
– Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy;
– Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy;
– Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.”[55]
Như thế, nếu tương lai của một quốc gia hệ tại ở nơi nền giáo dục, thì tương lai của Hội thánh hệ tại nơi công cuộc đào tạo linh mục. Thiên chức linh mục là kết tinh của nhiều yếu tố: Thiên Chúa khởi sự, ứng sinh đáp trả và mỗi người cộng tác để đào tạo nên những mục tử “như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15) phù hợp với bối cảnh xã hội hôm nay. Đó cũng là niềm vui chung của toàn thể Dân Chúa khi được cùng nhau tham gia vào sứ vụ cao cả này.
Thư mục tham khảo
1. Công đồng Vaticanô II (Học viện Piô X dịch), Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục, Optatam Totius (1965); Hiến chế Lumen Gentium (1965); Hiến chế Gaudium et Spes (1965).
2. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992).
3. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009).
4. Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục. Hồng ân Ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, 2017.
5. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đào tạo Linh mục. Định hướng và Chỉ dẫn, Nxb. Tôn Giáo, 2012.
6. Amedeo Cencini, (Nguyễn Ngọc Kính, ofm. và Nguyễn Văn Khoan, ofm. dịch), Tâm tình Chúa Con. Hành trình Huấn luyện Đời sống Thánh hiến, Nxb. Tôn Giáo, 2012.
7. Amedeo Cencini, (Damiano ofm. dịch), Giáo dục, Huấn luyện và Đồng hành, Nxb. Đông Phương, 2011.
8. Yves Congar, Spirito dell’uomo, Spirito di Dio, Queriniana, Brescia 1987.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 140 (Tháng 03 & 04 năm 2024)
Nguồn:hdgmvietnam.com
________
[1] ĐGH Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập định chế Thượng Hội đồng Giám mục (17/10/2015), AAS 107 (2015), 1139.
[2] x. Công đồng Vaticanô II (Học viện GH Piô X dịch), Hiến chế Lumen Gentium, 32.
[3] https://rosminipublications.com/wp-content/uploads/2018/10/The-Five-Wounds-of-Holy-Church.pdf. Truy cập ngày 20/01/2024. Trong cuốn sách “The Five Wounds of Holy Church,” Chân phước Antonio Rosmini chỉ ra năm vết thương của Hội thánh như năm vết thương của Chúa Giêsu. Ngài nêu ra những vấn đề rất nóng bỏng tồn tại trong Hội thánh vào cuối thế kỷ XIX. Vết thương thứ nhất nơi tay trái là hố ngăn cách giữa giáo dân và giáo sĩ trong việc cử hành phụng thờ chung; vết thương thứ hai nơi tay phải là sự đào tạo yếu kém của hàng giáo sĩ; vết thương thứ ba nơi cạnh sườn là sự chia rẽ giữa các giám mục; vết thương thứ tư nơi chân phải là việc bổ nhiệm giám mục nằm trong tay chính quyền dân sự; vết thương thứ năm nơi chân trái là sự hạn chế việc sử dụng tài sản của Hội thánh. Cuốn sách này vẫn còn tính thời sự đối với Hội thánh ngày nay.
[4] Công đồng Vaticanô II (Học viện GH Piô X dịch), Sắc lệnh Optatam Totius, số 1.
[5] Công đồng Vaticanô II (Học viện GH Piô X dịch), Sắc lệnh Optatam Totius, số 1.
[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 1 và 65.
[7] x. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-ke-giao-hoi-cong-giao-nam-2023-52864. Truy cập ngày 20/01/2024.
[8] x. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 234.
[9] Amedeo Cencini, (Nguyễn Ngọc Kính, ofm. và Nguyễn Văn Khoan, ofm. dịch), Tâm tình Chúa Con. Hành trình Huấn luyện Đời sống Thánh hiến, Nxb. Tôn Giáo, 2012, 54.
[10] x. Amedeo Cencini, (Damiano ofm. dịch), Giáo dục, Huấn luyện và Đồng hành, Nxb. Đông Phương, 2011, 12.
[11] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 22.
[12] ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, số 44 (2009).
[13] Thánh Irênê nói rằng: “Thiên Chúa làm người, để con người trở thành con Thiên Chúa.”
[14] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 3 tt.
[15] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, tr. 109.
[16] Nhà thần học Moltmann cho rằng: “Chúng ta biết rất ít về Chúa Thánh Thần không phải vì Người ở quá xa, nhưng vì Người ở quá gần gũi với chúng ta.”
[17] Yves Congar, Spirito dell’uomo, Spirito di Dio, Queriniana, Brescia 1987, 25.
[18] Fontificia Opera per le Vocazioni Ecclesiastiche, Nuove vocazione per una nuova Europa. Documento finale del Congresso sulle Vocazioni al Sacerdozio e alla vita Consecrata in Europa, Roma 5-10 Maggio 1997, số. 18b.
[19] Công đồng Vaticanô II (Học viện GH Piô X dịch), Sắc lệnh Optatam Totius, (1965), số 2.
[20] Bộ Giáo luật, điều 233, § 1.
[21] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục. Hồng ân Ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 127, 108.
[22] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 65.
[23] x. Bộ Giáo luật, điều 239.
[24] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 128, 109 và Bộ Giáo luật, điều 242-243.
[25] Apostolorum sucessores, số 89: Enchiridion Vaticanum 22 (2006), 1780.
[26] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 128, 109-110.
[27] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 129, 110-111.
[28] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 69.
[29] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 129, 111.
[30] x. Chỉ thị đối với việc chuẩn bị nhà giáo dục cho chủng viện, số 1: Enchiridion Vaticanum 13 (1996), 3151-3152.
[31] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 66.
[32] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 66.
[33] x. Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 133, 112.
[34] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 132, 112.
[35] x. Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 134, 112-113.
[36] Bộ Giáo dục Công giáo, Chỉ thị đối với việc chuẩn bị nhà giáo dục cho chủng viện, số 1: Enchiridion Vaticanum 13 (1996), 3228.
[37] Sđd., số 44.
[38] x. Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 136-138, 113-115.
[39] x. Bộ Giáo luật, điều 253, § 1.
[40] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 140-142, 115-117.
[41] Bộ Giáo dục Công giáo, Chỉ thị đối với việc chuẩn bị nhà giáo dục cho chủng viện, số 64: Enchiridion Vaticanum 13 (1996), 3258.
[42] Bộ Giáo dục Công giáo, Định hướng cho việc sử dụng tâm lý học trong tuyển sinh và đào tạo ứng sinh linh mục: Enchiridion Vaticanum 25 (2011), 1239-1289.
[43] x. Công đồng Vaticanô II, Optatam Totius, số 2.
[44] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 68. Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 148-149, 119-120.
[45] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 79.
[46] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 203.
[47] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 149, 120.
[48] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 66; Id., Christifideles Laici (30/12/1988), số 49 và 51.
[49] x. Bộ Giáo luật, điều 233, §1.
[50] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, op. cit., số 139, 115.
[51] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục. op. cit., số 54, 53.
[52] x. Peter Phan et alii, The Trinity, Cambrigde University Press, 2011, 194.
[53] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đào tạo Linh mục. Định hướng và Chỉ dẫn, Nxb. Tôn Giáo, 2012, 41.
[54] ĐGH. Phanxicô, Discorso agli studenti delle scuole Gesuiti in Italia e Albania, 7 tháng 6 năm 2013.
[55] https://steemit.com/nelsonmandela/@deepti/the-collapse-of-education-is-the-collapse-of-nation-356f2e272ad73. Truy cập ngày 20/02/2024.
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1