Mùa Chay: Cùng với Đức Giêsu trên hành trình sám hối, trở về

2191 lượt xem

Mùa Chay bắt đầu với thứ tư lễ tro biểu hiện tinh thần sám hối, trở về: sám hối lỗi lầm xưa, và trở về với Thiên Chúa là Cha khoan dung, nhân hậu. Mùa Chay còn là thời điểm Đức Giêsu mời gọi mỗi người cùng Vượt Qua với Ngài: vượt qua cám dỗ để lớn lên trong ân sủng, vượt qua sự chết để được sống lại với Ngài trong ngày Phục Sinh vinh hiển.

Trong suốt mùa chay, chúng ta đi với Đức Giêsu trên hành trình sám hối, trở về, và với Đức Giêsu, chúng ta vào sa mạc để chiến đấu với cám dỗ, lên núi để chiêm ngưỡng Chúa biến hình, theo Chúa đến giếng Giacóp trò chuyện với người phụ nữ Samaria, tận mắt thấy người mù từ lúc mới sinh được Chúa cho sáng mắt và bỡ ngỡ, kinh ngạc khi Chúa gọi Ladarô, bạn của Ngài từ cõi chết sống lại, để qua những dấu chỉ và phép lạ, chúng ta nhận biết Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Đặc biệt trên đường vào thành thánh Giêrusalem khi đám đông lấy lá và áo choàng lót bước chân Ngài, và với Ngài trên đường Thánh Giá, chúng ta sẽ không còn nghi ngờ sứ mệnh Cứu Thế của Ngài, và cùng với Ngài chúng ta được chết và sống lại với Ngài.

Mùa Chay như thế chính là con đường từ bỏ những gì làm chúng ta xa Thiên Chúa, và gắn bó với những gì đem chúng ta lại gần Chúa hơn, trong tình yêu và ánh sáng cứu độ của Ngài.

Là con đường sám hối, Mùa Chay kêu gọi chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của mình, nhưng việc nhìn lại không đơn thuần chỉ là nhìn lại rồi thôi, nhìn lại rồi để đó, hay nhìn lại để thất vọng, tuyệt vọng, nhưng nhìn lại để lên đường trở về với ơn tha thứ, trở về với nguồn tình yêu, trở về trong vòng tay Cha giầu lòng thương xót.

1. Sau đây là những lý do thúc bách chúng ta sám hối, trở về:

a. Sám hối trở về để thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa

Ngôn sứ Giôen đã năn nỉ dân sám hối trở về với Đức Chúa, để mong được Đức Chúa rút lại hình phạt sắp đổ xuống trên dân:

Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương. Người hối tiếc vì đã giáng họa. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc” (Ge 2,12-14).

Và ngay cả không phạm tội, chúng ta cũng được kêu gọi trở về, vì cuộc đời người Kitô hữu hệ tại ở việc liên lỉ trở về với Đức Giêsu bằng từ bỏ lối sống thế gian không phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng. Chính cuộc trở về không ngơi nghỉ này là sứ mệnh phải chu toàn của người môn đệ Đức Giêsu, bởi trở về với Ngài là ơn gọi của người tin yêu và có Đức Giêsu trong cuộc đời.

b. Sám hối, trở về để Giao Hoà

Hành trình mùa chay, cũng là hành trình của người đi theo Đức Giêsu là hành trình trở về Hòa Giải: hoà giải với Thiên Chúa, hoà giải với anh em, hoà giải với chính mình.

Nhưng để hoà giải được với anh em, và với bản thân, trước hết và trên hết, chúng ta phải hoà giải với Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã tha thiết kêu gọi, bởi không hoà giải với Thiên Chúa, không có ơn hoà giải của Ngài, chúng ta không hoà giải được với ai, cũng không hoà giải được với chính mình, vì chỉ một mình Chúa mới bảo đảm và gìn giữ hồng ân Hoà Giải, như hoa trái của lòng sám hối, trở về:

“Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa… Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa …” (2 Cr 5, 19 -20). 

2. Và để hoà giải một cách thiết thực, Tin Mừng đề nghị chúng ta:

a. Cầu nguyện để hoà giải với Thiên Chúa

Cầu nguyện với lòng khiêm tốn, chân thành, và “đừng làm như bọn đạo đức giả”, thích phô trương, khoe khoang khi cầu nguyện (x.Mt 6,5), nhưng “khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo…” (Mt 6, 6).

b. Chia sẻ, bố thí để hoà giải với anh em

Chia sẻ với tha nhân, bố thí, giúp đỡ người thiếu thốn là “làm việc lành phúc đức”, nhưng khi làm việc lành này, “anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1), nhưng “khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,4). 

c. Ăn chay để hoà giải với chính mình

Ăn chay là trở về với mình, trở lại lòng mình, để thấy mình rõ hơn, nhận ra mình chính xác hơn, hầu tìm lại bình an, thư thái, hạnh phúc cho tâm hồn.

Rất nhiều người “mất ăn mất ngủ”, lo lắng, bồn chồn, sầu khổ, thất vọng không vì thiếu ăn, thiếu mặc, hay cơ hàn, khốn khổ, cho bằng vì không làm hoà được với chính mình, “cái tôi” không làm hoà được với “cái mình”, “cái tôi” không nhất trí, hoà thuận được với “cái ta”. Và cái khổ, cái khó là khi đối kháng ở ngay tâm hồn, đối nghịch ở ngay nội tâm, đối chọi có ngay trong lòng, thì ai có thể hoà giải, giải hoà, nếu không phải là chính bản thân.

Vì thế, ăn chay không chỉ là chuyện không ăn thịt, hay không ăn nhiều bữa, nhưng chính yếu là từ bỏ những gì làm cho “cái tôi” hư hỏng, những gì làm “cái tôi” không còn quy hướng về Chân Thiện Mỹ, những gì làm “cái tôi” không còn biết yêu thương, chia sẻ, phục vụ tha nhân, những gì làm “cái tôi” ngạo mạn chống lại Thiên Chúa như những tính hư tật xấu: kiêu căng, ích kỷ, tham lam, ganh ghét, nhỏ mọn, lười biếng, hưởng thụ…

Tóm lại, ăn chay chính là tu thân, sửa mình, từ bỏ tính hư, tập tành nhân đức. Cũng như cầu nguyện và bố thí, Đức Giêsu căn dặn chúng ta phải kín đáo khi ăn chay, và “chớ làm bộ thiểu não như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6,16), vì Thiên Chúa, “Đấng hiện diện nơi kín đáo… thấu suốt những gì kín đáo” sẽ rộng lòng  yêu thương, chúc phúc (x. Mt 6, 18).

3. Sám hối, trở về để đón nhận Nước Trời

Tất cả sứ điệp của Tin Mừng đều tập trung ở lời kêu gọi sám hối, trở về để được đón nhận Nước Thiên Chúa

Đức Giêsu đã không ngừng chỉ cho môn đệ Ngài và tất cả những ai tin theo Ngài một lối sống mới đặt trên lời mời gọi và lệnh truyền của Thiên Chúa, chứ không đặt trên bản thân mình và những gì thuộc xã hội trần gian, và Thiên Chúa mới thực là Gia Nghiệp, Cùng Đích; Nước Trời mới là chốn ước mong trở về, như tác giả  Thánh Vịnh 50 đã cảm tác:

“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tâm hồn cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con  niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần qủang đại đỡ nâng con” (Tv 50,12-14).

Vâng, Mùa Chay là thời kỳ thuận tiện, là thời gian thuận lợi, là thời điểm Thiên Chúa chọn để tỏ lòng thương xót chúng ta là dân Ngài.

Cũng như đám đông ngày xưa đã kéo đến gặp Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Giôđan “xin chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3), chúng ta cũng khiêm tốn xin Chúa thương xót tha thứ, bằng sống tinh thần sám hối, trở về với Thiên Chúa là Cha vô cùng quyền năng và bao dung, nhân hậu, để với ơn Hoà Giải của Ngài, chúng ta được hoà giải với mình và với anh em.

Hằng năm, vào thứ Tư Lễ Tro, khi cùng cộng đoàn khiêm tốn tiến lên để được chủ tế và các thừa tác viên xức Tro trên trán, tôi lại cảm thấy trong tim dạt dào một niềm xúc động rất đặc biệt của người có tội được Thiên Chúa yêu thương, và niềm vui khôn tả được đồng hành với mọi người trong Giáo Hội lên đường Sám Hối.

Niềm xúc động ấy phong phú đến kỳ diệu, khi duy nhất một lần trong năm phụng vụ, cả nhà thờ từ cụ già đến trẻ thơ, từ linh mục chủ tế đến người còn đang học giáo lý tân tòng, nam nữ, lớn bé bất kể, nghiã là không trừ một người nào, không loại bỏ một ai, nhưng tất cả đều “bình đẳng” nối đuôi nhau tiến lên, để được xức Tro, mở đầu một Mùa Trở Về.

Cả nhà thờ hôm ấy cùng “xé lòng” ăn năn, khóc lóc và thống thiết nài xin ơn thương xót (x.Ge 2,12-13).

Cả cộng đoàn cùng một trái tim hối tiếc vì tội cũ, lỗi xưa và đấm ngực thân thưa: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 50,6).

Cả tập thể cùng lên đường trở về, vì “trông cậy vào lòng nhân hậu xót thương và lượng hải hà xoá tội” (Tv 50,3).

Cả đoàn người cùng cúi đầu nhận tội và “xin tha tội chết”, vì “biết tội mình đã phạm, và lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 50,5).

Và toàn dân cùng tha thiết nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin dùng cành hương thảo rẩy nước thanh tẩy con, để con được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (Tv 50,9).

Vâng, chỉ ngày Lễ Tro, tôi mới nhận ra mình cùng chung một thân phận với mọi người: thân bụi tro, vì được dựng nên từ tro bụi, và phận “người có tội”, vì “ngay lúc chào đời đã vương lầm lỗi, và mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 50,7); chỉ khi trán được xức tro, tôi mới khám phá ra mình đồng cảnh, đồng thuyền với mọi người: đồng cảnh bị xua đuổi, không cho gần Nhan Thánh, đồng thuyền mong manh, dễ vỡ sắp bị Thiên Chúa dìm sâu, nghiền nát vì bất tín, bất trung (x. Tv 50, 10.13).  

Nhưng không chỉ cảm xúc dạt dào trong tim người có tội được tha thứ, tôi còn hớn hở vui mừng trong ngày lễ tro, khi không một người nào có mặt trong thánh đường đã bị “mất quyền” hay bị “tước quyền” được xức tro sám hối, và ai nấy, theo thứ tự bước ra khỏi hàng ghế, nghiêm trang, khiêm nhuờng tiến lên xin được xức tro trên trán, dấu chỉ của thống hối, ăn năn.

Tôi vui khôn tả khi cả những người bị phạt vạ và “treo quyền” rước lễ từ nhiều năm, hôm nay cũng lên chịu tro cùng mọi người; tôi hạnh phúc dạt dào khi thấy nhiều đôi bạn trẻ “sống chung” ngoài bí tích, những ngày lễ Chúa Nhật thường lấm lét, lủi thủi kiếm một chỗ kín đáo sau hàng cột để nép mình, hôm nay phấn khởi xếp hàng theo mọi người tiến về Cung Thánh để được xức Tro; và tôi sung sướng đến bật khóc, khi không một người trong nhà thờ đã ngồi lì tại chỗ, nhưng tất cả đứng dậy, cất bước cùng Giáo Hội lên đường Sám Hối, Trở Về với Thiên Chúa.

Vâng, với tôi, ý nghiã đẹp và sâu sa của Lễ Tro chính là tất cả chúng ta cùng khiêm tốn nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa; cùng chia sẻ thân phận yếu đuối, mỏng dòn, dễ bể, dễ gẫy trước cám dỗ, cạm bẫy của ma qủy, thế gian; cùng biết mình không có gì cao qúy, cao trọng, cao cả đến độ tự cho phép mình hống hách, kiêu căng “lên mặt, lên lớp, lên giọng, lên gân” trước anh em, bởi tất cả chúng ta là chi thể của cùng một Thân Thể Đức Kitô, mà đã cùng một Thân Thể, thì không có chia rẽ, phân bì, kỳ thị, tranh giành, đấu đá, “trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau, một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1 Cr 12,25 -27), để sẽ không chỉ một ngày Lễ Tro trong năm, nhưng là mọi ngày trong năm, mọi người trong cộng đoàn, mọi thành phần Dân Chúa, cùng toàn thể Hội Thánh chiến thắng, thanh tẩy, lữ hành cùng sốt sắng cất lời cầu xin:

“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tâm hồn cho con nên thủy chung. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con nguồn vui vì được Ngài cứu độ, lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 50, 12-14), bởi vì “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và giầu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2,13), để suốt đời “con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 50,17).

Jorathe Nắng Tím

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận