Ngày 20/08: Thánh Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội thánh

471 lượt xem

Ngày 20 tháng 8

THÁNH BERNAĐÔ
TU VIỆN PHỤ TIẾN SĨ HỘI THÁNH

1. Đôi hàng tiểu sử

Thánh Bernađô sinh năm 1090 tại lâu đài Fontaine-les-Dijon, nước Pháp. Nhờ sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu và gia giáo, Bernađô sau này đã trở thành người bặt thiệp biết xử sự khôn ngoan với mọi người. Trong số 7 anh em, Bernađô là người con thứ ba. Cậu được gia đình cưng chiều hơn cả vì có tư cách nết na và đạo hạnh hơn các anh em.

Tới tuổi khôn, Bernađô được cha mẹ cho theo học tại trường các thầy kinh sĩ ở Chatillon-sur-Seine. Nhờ sự rèn cặp của các thầy, Bernađô đã dần dần bỏ được tính rụt rè và câu nệ thái quá. Năm 16 tuổi giữa lúc cuộc đời đang lên với nhiều hứa hẹn thì bà thân mẫu của Bernađô từ trần khiến cậu phải trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần nặng nề khiến cậu trở nên trầm lặng và suy tư. Nhưng rồi bỗng người ta thấy cuộc đời của chàng thanh niên ấy xoay hẳn một góc 180o. Chàng đứng lên, cương quyết chống lại mọi thử thách và quyến rũ của gia đình và bạn bè để dâng mình phụng sự Chúa trong dòng Xi-tô. Không những thế Bernađô còn lần lượt lôi cuốn được các anh em và cả ông thân sinh cùng nhiều người khác theo gương mình vào dòng.

Năm 1115 thầy được cử làm tu viện trưởng Clairvaux một chi nhánh của dòng Xi-tô. Đây là một dịp để thầy hy sinh hãm mình nhiều hơn, dù yếu đuối và sức khỏe rất mỏng manh thầy cũng không chịu thua kém ai trong sự ăn uống kham khổ. Ngài còn mắc chứng đau bụng kinh niên. Tuy nhiên Ngài vẫn cố gắng tham dự các buổi phụng vụ như mọi người khác. Chỉ khi nào không chịu nổi cơn đau Ngài mới bỏ cộng đồng.

Nhận thấy tu viện trưởng Bernađô là người có đầy nhân đức và uy tín nên đức Giám mục Guillaume de Champeaux cho ngài được nhận chức linh mục và sai ngài đi giảng thuyết ở nhiều nơi. Ngài đã vâng lời vui vẻ ra đi. Nhờ đức khiêm nhường sâu thẳm, Chúa đã ban cho Ngài nhiều ơn lạ như nói tiên tri, làm nhiều phép lạ. Hết nhiệm vụ Ngài lại trở về nhà dòng phục vụ. Trong 38 năm làm bề trên, Ngài lập thêm được 68 tu viện chi nhánh của Clervaux. Ngài viết nhiều tác phẩm để bênh vực đức tin, truyền bá lòng yêu mến Chúa và đức bác ái.

Sau khi tận tụy và nỗ lực làm việc cho sáng danh Chúa, thánh nhân đã qua đời tại Clairvaux ngày 20 tháng 8 năm 1153 lúc ba giờ chiều ngày thứ năm, thọ 63 tuổi.

Mười năm sau, các tu viện trưởng họp lại lập án xin phong thánh cho cha Bernađô. Ngày 18 tháng 1 năm 1174, án được đức Alexandro III châu phê. Và năm 1830 Đức Piô VIII tôn phong Ngài lên hàng tiến sĩ Giáo hội.

2. Cuộc sống chứng nhân

Như đã nói ở trên, Bernađô là một người rất khiêm nhường và thánh thiện cho nên Chúa đã thưởng công cho Ngài. Chúa đã ban cho Ngài nhiều ơn lạ như nói tiên tri, làm nhiều phép lạ.

Đây là một giai thoại nổi tiếng khi Ngài ở Clairvaux. Hôm ấy nhà dòng hết muối. Cha Bernađô liền gọi một thầy tên là Guibert đến và bảo:

– Con hãy lấy con lừa (vì đây là con vật duy nhất mà tu viện sở hữu) và đi ra phố mua muối.

– Xin Cha con tiền để trả – thấy Guiber nói.

– Con ơi thánh – Bernađô trả lời -, đã khá lâu Cha không còn tiền cũng không còn vàng. Nhưng trên cao kia có Đấng giữ túi tiền và kho tàng của Cha!

Nghe nói thế thầy Guiber suýt nữa phì cười, nhưng thầy không thể không lưu ý Cha thánh điều này:
– Thưa Cha, nếu con đi với hai bàn tay không thì con cũng trở về chắc chắn với hai bàn tay không.

– Đừng sợ con ạ, hãy tin tưởng. Đấng giữ kho báu của Cha sẽ ở với con và người sẽ tìm cách giúp con có những gì cần thiết để làm xong công tác.

Guiber cúi đầu nhận phúc lành từ tay vị tu viện trưởng và dẫn con lừa ra đi. Các mối nghi ngờ của thầy không hoàn toàn tan biến. Nhưng khi thấy sắp băng qua cửa thành thì có một vị Linh mục đến gần và hỏi:

– Thầy từ đâu đến và đi đâu vậy?

Guiber không do dự thú nhận sự túng thiếu tột độ của tu viện sự bối rối hiện nay của thầy. Rất cảm động, vị Linh mục dẫn thầy về nhà và cho thầy nửa thùng muối và một số tiền là 30 xu (tương đương với 300 quan Pháp thời nay).

Hãy tưởng tượng xem niềm vui của thầy Guiber lớn như thế nào. Thầy trở về lại tu viện và chỉ còn việc phải làm là ngay lập tức kể lại câu chuyện cho bề trên của thầy nghe.

– Cha đã nói rõ với con, cha Bernađô đáp, và cha lặp lại với con điều đó: Đối với người Kitô hữu không có cái gì khác ngoài đức tin!

Lịch sử cũng còn ghi, Ngài lòng sùng kính Mẹ Maria rất lạ lùng. Truyền thuyết cho hay: Mỗi khi đi ngang qua ảnh tượng Đức Mẹ, thánh nhân thường hay chào Mẹ bằng câu: “Kính chào Mẹ Maria!” và một ngày kia, Đức Mẹ đã đáp lại lời chào của ngài: “Chào con, Bernađô!” Bằng cách này, Đức Mẹ cho biết tình yêu và lòng sùng kính thánh Bernađô đã dành cho Đức Mẹ thật lớn lao chừng nào; và Đức Mẹ cũng hài lòng biết bao!

Xin được kết thúc bằng chính lời của thánh Bernađô trích trong bài giảng về sách Diễm Ca Của Ngài: “Khi Thiên Chúa yêu, thì Người không muốn điều gì khác hơn là được yêu: Thật vậy, Thiên Chúa yêu, thì Người không nhằm điều gì khác ngoài việc được yêu lại, vì Người biết ai yêu mến Người thì sẽ được hạnh phúc nhờ chính tình yêu đó.”

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

————————————————–

Ngày 20/08:

Thánh Bênađô
Viện phụ, Tiến sĩ Hội thánh

Với ơn Chúa người ta có thể làm được mọi sự miễn là con người biết cộng tác hữu hiệu với ơn Chúa. Thực vậy ơn Chúa đã hướng dẫn Bênađô tìm kiếm những giá trị cao siêu nhất, đã hun đúc Ngài thành một tu sĩ chiêm niệm thời danh và thành một chiến sĩ nhiệt thành hoạt động cho Giáo hội.Bênađô sinh ra trong một lâu đài tại Fontaine-les-Dijon năm 1090. Nhờ sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu và gia giáo. Bênađô sau này đã trở thành người bạn bặt thiệp biết xử sự khôn ngoan với mọi người. Trong số 7 anh em, Bênađô là thứ ba ; cậu được gia đình chiều đãi hơn cả vì có tư cách nết na và đạo hạnh hơn các anh em. Đàng khác Bênadô còn được bà thân mẫu A-let quý mến cách riêng vì một câu chuyện chiêm bao có liên quan tới con bà. Câu chuyện mộng mị đó như sau:

Một tối kia bà Alét mơ thấy trẻ Bênadô đang nô đùa, bỗng hoá thành một con chó cất tiếng sủa vang. Bà đem hiện tượng chiêm bao đó kể lại cho mọi người nghe và ai nấy đều nghĩ đó là điềm báo sau này sẽ trở thành một nhà giảng thuyết đại tài.

Tới tuổi khôn, Bênadô được cha mẹ cho theo học tại trường các thầy kinh sĩ ở Chatillon-sur-Seine. Nhờ sự rèn cặp của các thầy, Bênadô đã dần dần bỏ được tính rụt rè và câu nệ thái quá. Tính nhút nhát đó đã khiến cậu rất sợ hãi khi phải ra trước công chúng; vì thế mà có lần Bênadô đã phải bực mình kêu lên: “Thà rằng tôi chết đi còn hơn nói trước công chúng hay đến trước mặt một người ngoại quốc”. Năm 16 tuổi, giữa lúc cuộc đời đang lên với nhiều hứa hẹn thì thân mẫu của Bênadô từ trần khiến cậu phải trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần khiến Bênadô càng trở nên thầm lặng và suy tư. Nhưng rồi người ta thấy chàng thiếu niên cương quyết đó chống lại mọi thử thách và quyến rũ của gia đình để vào dòng Xi-tô. Không những thế Bênadô còn lần lượt lôi cuốn được các anh em và cả ông thân sinh cùng nhiều người khác theo gương mình vào dòng.

Người ta kể lại rằng: Ngày kia người em út của Bênadô là Nivard đang chơi đùa với các trẻ em thì người anh cả bảo cậu rằng: “Các anh đi đây và nhường lại cho các em cả gia nghiệp, em có bằng lòng không?” Người em đáp lại: “Em không muốn thế, sao các anh chiếm nước trời còn để đất đai lại cho em”. Ít lâu sau người em cũng vào dòng.

Bênadô từ ngày dấn thân vào đời sống mới, luôn luôn tự hỏi mình: “Hỡi Bênadô, người vào đây để làm gì?”. Để nhắc nhở mình sống đúng với lý tưởng đã chọn, câu hỏi vắn tắt làm như phương châm cho đời sống, đã giúp thầy Bênadô siêng năng làm việc và làm một cách chu đáo. Một hôm các thầy xin Bênadô nghỉ ngơi để cho các thầy khác gặt lúa bởi vì thấy thầy yếu và không quen. Nhưng thầy khóc lóc xin Chúa cho mình có thể gặt lúa với anh em. Năm 1115 thầy được cử làm tu viện trưởng Clairvaua, một chi nhánh của dòng Xi-tô. Đây là một dịp để thầy hy sinh hãm mình nhiều hơn, dù yếu đuối và sức khỏe rất mỏng manh, thánh nhân cũng không chịu thua kém ai trong sự ăn uống kham khổ. Ngài còn mắc chứng đau bụng kinh niên. Tuy nhiên, Ngài cũng cố gắng theo các buổi phụng vụ như mọi người khác. Chỉ khi nào không chịu nổi cơn đau Ngài mới bỏ cộng đồng.

Nhận thấy tu viện trưởng Bênadô là người có đầy nhân đức và uy tín nên Đức Giám mục Guillaume de Champeaux truyền chức linh mục cho Ngài và ủy đi giảng thuyết ở nhiều nơi. Tuy thích sống trầm lặng trong tu viện nhưng Ngài đã vâng lời ra đi vui vẻ. Nhờ đức khiêm nhường sâu thẳm, Chúa đã ban cho Ngài nhiều ơn lạ như nói tiên tri, làm nhiều phép lạ. Hết nhiệm vụ, Ngài lại trở về nhà dòng phục vụ. Nhờ thánh nhân, nhà dòng thêm số và hợp thời. Trong 38 năm làm bề trên, Ngài lập thêm được 68 tu viện chi nhánh của Cơ-lec-vô. Ngài cũng viết nhiều tác phẩm để bênh vực đức tin, truyền bá lòng yêu mến Chúa và đức bác ái. Từ bé, Ngài vốn có lòng tôn sùng mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người thì bây giờ Ngài cũng năng suy niệm mầu nhiệm ấy. Nhận thấy thánh nhân là người có trí thông minh và tài giảng thuyết cũng như giảng hòa nội bộ. Năm 1145 – Ngài kịch liệt phản đối vua ở miền nam nước Pháp. Lúc còn thanh niên, Ngài rất sợ ra trước công chúng nhưng nhờ ơn Chúa, nay Ngài cảm thấy cương quyết và can đảm nhiều.

Một hôm Ngài tới miền Sens để gặp A-bê-la người mê trí thức và khoa học đời, trước mặt cả cộng đồng giáo sĩ, Ngài phản đối A-bê-la: “Một người công giáo lầm lạc còn nguy hiểm hơn là người theo tà giáo”. Bênadô không phản đối việc trau dồi tri thức nhưng cha nhận đó là phương tiện truyền giáo, Ngài nói: “Người ta không khuất phục tà giáo bằng khí giới nhưng bằng biện luận”. Sau cùng cha Bênadô đã góp phần vào việc tranh đấu bảo vệ mồ thánh Chúa khỏi tay người Hồi giáo. Tuy thành công và danh tiếng nhiều nhưng thánh nhân vẫn khiêm tốn. Đôi khi không làm phép lạ và người ta hỏi thì Ngài chỉ trả lời: trông cậy ở Chúa và Chúa làm còn tôi không có gì đâu.

Sau khi tận tụy và nỗ lực làm việc cho sáng danh Chúa, thánh nhân đã qua đời tại Cơ-lec-vô ngày 20 tháng 8 năm 1153 lúc ba giờ chiều ngày thứ năm, thọ 63 tuổi.

Mười năm sau, các tu viện trưởng họp lập án xin tuyên thánh cho cha Bênadô. Ngày 18 tháng 1 năm 1174, đức Alexangdro III chuẩn phê án. Và năm 1830 Đức Piô VIII tôn phong Ngài lên hàng tiến sĩ Giáo hội.

Nguồn: tgpsaigon.net

Có thể bạn quan tâm