Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ

75 lượt xem

THÁNH GIO-AN, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

lễ kính

Bài đọc 1         1 Ga 1,1-4

Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa.

Khởi đầu thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

1Anh em thân mến,
điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,
điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến,
đó là Lời sự sống.
2Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,
chúng tôi đã thấy và làm chứng,
chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời :
sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha
và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.
3Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,
chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,
để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi,
mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha
và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.
4Những điều này, chúng tôi viết ra
để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.

Đáp ca     Tv 96,1-2.5-6.11-12 (Đ. c.12a)

Đ.Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.

1Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo !
2Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.

Đ.Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.

5Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
6Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.

Đ.Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.

11Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính,
niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay.
12Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng
tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ.

Đ.Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng,
tuyên xưng Ngài là Đức Chúa.
Lạy Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa.

Ha-lê-lui-a.

Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.       Ga 20,2-8

2 Sáng sớm ngày Phục Sinh, bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy đi gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

SUY NIỆM LỄ THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Gioan, vị tông đồ “được Chúa yêu”, đã từng “tựa sát lòng” Chúa Giêsu trong tiệc ly, bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ thân yêu của Ngài (x. Ga 13,23).

Mừng kính thánh Gioan, Giáo Hội muốn mọi người chúng ta sống lại kinh nghiệm của thánh nhân, người “đã thấy và đã tin”. Thấy và tin Chúa Giêsu đã chết, được mai táng trong mồ và đã sống lại.

Đọc lại cuộc đời của thánh Gioan, chúng ta thấy có hai điểm nổi bật mà ít ai kể cả các tông đồ ngày xưa có được. Hai điểm đó là được “tựa sát lòng Chúa Giêsu”, và như bài Tin Mừng hôm nay ghi lại là “chạy nhanh hơn Phêrô” mặc dù là Gioan đã đến mộ trước”.

Qua hai sự kiện này chúng ta thấy được điều gì ?

1. Trước hết khi được “Tựa sát vào lòng của Chúa Giêsu” chúng ta thấy: Gioan đã có được cảm nghiệm rát gần gũi với Chúa Giêsu. Cảm nghiệm này định hướng cho mọi chọn lựa của Gioan đối với Chúa. Có thể nói ngoài Chúa ra Gioan không còn một chọn lựa nào khác để rồi từ đây như lời ông viết: “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1Ga 2)

Những người Do Thái tại một thị trấn nhỏ ở Nga đang nóng lòng chờ đợi một Rabbi đến với họ. Đây là một biến cố hiếm hoi, vì thế họ dành nhiều thời gian chuẩn bị trước các câu hỏi để trình bày với bậc thầy thánh thiện ấy.

Cuối cùng vị Rabbi đến và họ đón tiếp ông tại thị sảnh. Ông cảm nhận được sự căng thẳng trong bầu khí khi tất cả mọi người chăm chú đón nghe lời phát biểu của ông.

Thế nhưng, ông chẳng nói gì cả. Được một lúc sau, ông bắt đầu cất tiếng hát. Họ cũng cất tiếng hát theo ông. Ông lắc lư nhảy múa… Chẳng mấy chốc mọi người đều nhảy múa. Họ nhảy múa nhiệt tình đến nỗi như quên hết mọi sự trên đời; tất cả họ hoàn toàn nên một. Gần một tiếng đồng hồ trôi qua. Vũ khúc của họ chậm dần lại và ngừng hẳn. Sự căng thẳng bên trong đã hoàn toàn tan biến, mọi người ngồi xuống với bầu khí an tĩnh tràn ngập căn phòng. Bấy giờ, vị Rabbi mới lên tiếng. Và ông chỉ nói vỏn vẹn có một câu: “Tôi tin rằng tôi đã trả lời tất cả các vấn đề của quí vị.”

– Một tu sĩ Hồi giáo lên tiếng hỏi tại sao ông lại tôn thờ Thiên Chúa bằng cách nhảy múa.

Ông trả lời: “Bởi vì tôn thờ Thiên Chúa nghĩa là chết đi chính mình; việc nhảy múa giết chết bản ngã người ta. Khi bản ngã chết, mọi vấn đề sẽ cùng chết với nó. Ở đâu không có cái tôi, ở đó có Thiên Chúa, có Tình Yêu. “ Thầy ngồi với các tử trong khán phòng. Thầy nói “Các anh đã nghe nhiều lời cầu nguyện và cũng đã đọc nhiều lời cầu nguyện. Tối nay, Thầy muốn các anh nhìn thấy một lời cầu nguyện. “

2. Thứ đến: “chạy nhanh hơn Phêrô” mặc dù là Gioan đã đến mộ trước”. Tại sao ? Câu trả lời không có gì khó lắm. Đã nên một với Chúa Giêsu thỉ cũng phải biết sống thế nào cho giống Ngài. Vậy thử hỏi Chúa Giêsu đã sống như thế nào ? Nhìn lại cuộc đời của Chúa, chúng ta thấy một trong những nét đẹp nhất trong cuộc đời của Ngài đó là lòng tôn trọng đối với với mọi người. Trường hợp của Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Gioan cũng biết sống như vậy.

Biết tôn trọng người khác. Đó là một phẩm chất của một người có lòng đạo đức thực sự.

Khi mỗi người biết tôn trọng người khác, khi mọi người biết tôn trọng nhau sẽ giúp cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Biết tôn trọng người khác, mình sẽ có cơ hội hiểu biết nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn đối với những người xung quanh, những người đã quen và những người mới gặp, mình sẽ ngày càng giàu có về trí tuệ và cả tâm hồn. Biết tôn trọng người khác cũng giống như biết bắc nhịp cầu kết nối để nhận về những niềm vui trong học tập và trong cuộc sống. Trong quan hệ bạn bè, khi biết thông cảm hoàn cảnh của nhau, biết tôn trọng tính cách, khả năng, phẩm chất của nhau thì mới có thể chân thành chia sẻ, thấu hiểu và thân thiết với nhau; và nhờ thế mà tình bạn trở nên bền vững.

Trong gia đình, nếu con cái biết tôn trọng bố mẹ, ông bà cùng những người lớn tuổi thì sẽ biết ứng xử lễ phép, lịch sự, nề nếp. Ngược lại, nếu bố mẹ thực sự tôn trọng con cái thì sẽ biết tạo điều kiện cho con cái chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn nhận về mọi việc với bản thân mình; biết lắng nghe ý kiến của con để sẵn sàng điều chỉnh lời nói, việc làm, quan điểm giáo dục con cho phù hợp; nhờ sự tôn trọng và thấu hiểu nhau, tình cảm gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ sẽ được gần gũi hơn, gắn bó hơn.

Trong học tập ở trường, sự tôn trọng của học sinh đối với thầy cô thể hiện ở sự vâng lời, sự lễ phép, tinh thần tự giác thực hiện tốt nề nếp học tập và rèn luyện. Ngược lại, sự tôn trọng từ phía thầy cô dành cho chúng ta là sự quan tâm, sự kiên nhẫn lắng nghe những ý kiến phản hồi – dù nhiều khi có những ý kiến chưa được chín chắn, thậm chí là ý kiến trái chiều; sự tôn trọng của thầy cô dành cho học sinh chúng ta nhiều khi thể trong thái độ ân cần chia sẻ và khích lệ chúng ta cố gắng, rồi cố gắng hơn nữa để đạt được thành công. Như vậy, biết tôn trọng người khác đem lại rất nhiều lợi ích. Trong xã hội, khi ai cũng biết tôn trọng nhau, tôn trọng những quy định chung, luật lệ chung sẽ khiến mọi mối quan hệ xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh. Và nữa, khi con người biết tôn trọng người khác thì cũng đồng nghĩa với việc họ biết tôn trọng tự nhiên. Bạn có biết những thảm họa thiên tai như lũ lụt, sóng thần… từ đâu mà ra không ? Một phần lớn là do con người. Đúng vậy, chỉ một hành động xả rác của ta cũng chính là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường… rồi tích tụ dần thành thảm họa tự nhiên làm hàng triệu người thiệt mạng. (Internet)

Việc làm cho mình trở nên giống Chúa Giêsu không phải ngày một ngày hai mà được. Việc này cần phải làm trong suốt cả cuộc đời.

Một buổi chiều nọ, bề trên của một dòng kia hỏi một tu sĩ:

– Hôm nay con đã làm gì ?

Cũng như những ngày khác, tu sĩ trả lời: “Con rất bận bịu và nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của Chúa. Ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu để rèn ý chí, thắng một con sấu, trị một con gấu và săn sóc một bệnh nhân”.

– Con nói gì thế ? Bề trên cười hỏi lại, những việc như thế làm gì có trong nhà dòng ?

-Thưa bề trên, thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con mà con phải giữ gìn luôn để khỏi nhìn những vật cấm. Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi từng bước đi để con khỏi đi vào con đường xấu. Hai con diều hâu tức là hai bàn tay con, con phải luôn luôn bắt nó phải làm nhiều điều phải. Con sấu là cái lưỡi, con phải kìm hãm hằng ngày để khỏi nói những điều vô ích và thô bỉ. Con gấu là trái tim con, con phải trừng trị, để khỏi ích kỷ và khoe khoang. Còn bệnh nhân là chính thân thể con, con phải canh phòng ráo riết để cho nhục dục khỏi xâm phạm vào.

Suller đã viết một câu thật chí lý: “Chúng tôi không phải sinh ra để sống như vậy mãi nhưng là để thành một người khác”. (Suller).

Nhìn lại cuộc đời của Gioan, chúng ta đã thấy cuộc sống của ông trước kia như thế nào. Hẳn chúng ta còn nhớ có lần chinh Chúa cũng từng buồn với ông. Thế nhưng, càng gần đến ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa trên cõi dương gian này thì hình ảnh của Gioan càng lúc càng đẹp hơn. Đó là con đường mà Gioan đã đi và đó cũng là con đường mà Chúa muốn mọi người chúng ta bước vào. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Nguồn: tgpsaigon.net