Ngày 31/05: Đức Mẹ đi viếng bà thánh Êlisabét

1847 lượt xem

Ngày 31 tháng 5
ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABÉT

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính lễ Đức Maria đi thăm Bà chị họ của mình là bà Êlisabét.

Hôm nay, cũng là ngày kết thúc tháng hoa Đức Mẹ cho nên dành một ít phút để nói về Đức Mẹ trong giờ phút đặc biệt này tôi tưởng cũng là một hết sức hợp tình hợp lý.

Bài Tin Mừng xét về phương diện trần thế có lẽ chẳng có gì phải nói. Đây là một câu truyện của đời thường. Việc thăm hỏi giúp đỡ lẫn nhau đâu có gì là độc đáo, đặc biệt. Thế nhưng nếu chúng ta đọc câu truyện với một lòng yêu mến Đức Mẹ thật sự thì chúng ta sẽ thấy câu truyện đem lại cho chúng ta những bài học rất quí giá.

Trong giờ phút này tôi chỉ muốn nói đến ba bài học này.

1. TRƯỚC HẾT LÀ BÀI HỌC VỀ NIỀM TIN.

Tin là gì? Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I trong lá thư gửi cho ông Trilussa Ngài có viết một đoạn như thế này:

Ông Trilussa thân mến!

Tôi đã đọc lại bài thơ trong đó ông buồn rầu tự thuật và kể lại câu truyện ông bị lạc đường ban đêm giữa một khu rừng và ông gặp một bà lão đui mù nói với ông:

– Nếu ông không biết đường, tôi sẽ đưa ông đi vì tôi thuộc đường.

Và ông ngạc nhiên đáp:

-Tôi lấy làm lạ. Bà không thấy gì cả mà lại có thể đưa đường cho tôi sao?

Bà lão bé nhỏ ngắt lời, nắm lấy tay ông và ra lệnh:

– Tiến bước.

Và sau đó thì Ngài kết luận: Đó là đức tin.

Trong câu truyện hôm nay chúng ta thấy Mẹ Maria đã phải đối diện với một huyền nhiệm hoàn toàn vượt trên tầm hiểu biết của con người, huyền nhiệm Thiên Chúa là Chúa tể càn khôn lại hóa thân làm trẻ thơ bé bỏng, để được sinh ra làm một con người, một con người mà Mẹ thấy trước rằng tương lai chẳng có gì sáng sủa bởi vì Ngài là con của một bà Mẹ nghèo, quá nghèo.

Hơn nữa làm sao mà một thiếu nữ thôn dã nghèo như Mẹ lại được chọn làm Mẹ Thiên-Chúa-làm-người. Đối diện với huyền nhiệm đó, làm sao Mẹ có thể hiểu nổi. Quả là một huyền nhiệm, huyền nhiệm tuyển chọn. Huyền nhiệm này sẽ mãi mãi bao trùm cuộc đời của mẹ.

Như vậy từ lời “xin vâng” trong ngày truyền tin, Mẹ bắt đầu một cuộc sống trong một niềm tin, tin trong mọi hoàn cảnh, trước mọi biến cố, kể cả những giây phút bi thảm nhất.

Phải có một niềm tin thật kiên vững mới có thể không bị giao động, lung lay và bất an trong một cuộc sống như thế.

Chúng ta hay xin Chúa ban cho chúng ta một niềm tin như mẹ để chúng ta cũng có thể sống cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống có rất nhiều cám dỗ, thách đố….để chúng ta luôn giữ vững được lòng trung thành quí giá của mình.

2. BÀI HỌC KHIÊM TỐN

Khiêm tốn là biết nhìn nhận và chấp nhận những giới hạn trong thân phận thụ tạo của mình.

Trong kho truyện cổ của nước Nga người ta đọc được một câu truyện này:

Một hôm kia có một học giả đang đi dạo dọc theo bờ hồ thì bỗng nghe thấy có tiếng cầu kinh của một ẩn sĩ vang lại từ một hòn đảo ở giữa hồ. Ông lắng nghe rồi lại tiếp tục cuộc đi dạo. Nhưng rồi một lúc sau thì ông không thể nhịn được nữa. Ông cảm thấy vô cùng khó chịu vì lời kinh của vị ẩn sĩ hoàn toàn sai lạc từ nội dung cho đến hình thức phát âm.

Ông học giả liền thuê một chiếc thuyền và chèo ra hòn đảo, cốt để cho vị ẩn sĩ thấy được những sai lầm của ông trong lúc cầu kinh.

Khi giáp mặt, ông học giả nói với vị ẩn sĩ:

– Này ông bạn, tôi nghĩ là ông bạn không chấp nhất khi tôi làm việc này với ông bạn chứ!

Nói xong ông đọc một hơi lời cầu kinh không sai một chữ và không ngắt bậy một chỗ nào và dĩ nhiên là đọc với một âm sắc rất điêu luyện và rất chuẩn mực đúng với phong cách của một học giả.

Trước khi trở lại thuyền, nhà học giả còn giải thích thêm: “Tôi chèo thuyền đến đây chỉ cốt để dạy ông bạn biết cầu kinh cho đúng cách mà thôi”.

Vị ẩn sĩ cám ơn ông học giả, nhưng khi ông học giả vừa chèo thuyền ra đến hồ thì ông bỗng nghe thấy có tiếng động trên mặt nước ở phía sau. Ngoài nhìn lại thì ông thấy vỉ ẩn sĩ đang đi trên mặt nước mà tiến về phía ông. Vẫn đứng trên mặt nước, vị ẩn sĩ nói với ông học giả:

– Xin ngài vui lòng chỉ dạy cho tôi một lần nữa, vì vừa mới nghe xong, tôi đã quên mất cả rồi.

Vị ẩn sĩ đã không ngần ngại xin một người trần tục dạy lại mình bài kinh mà mình chưa nhớ nổi. Chỉ có những ai có lòng khiêm nhường mới có thể có được thái độ như thế.

Chúng ta nhớ Satan trước kia là một thiên thần nhưng kiêu ngạo nên biến thành quỉ sứ.

Ông bà nguyên tổ của con người cũng như vậy. Vì kiêu ngạo nên cả loài người bị vạ lây. Loài người đã đã bị sa lầy bởi một người đàn bà kiêu ngạo. Chỉ là một con người, một thụ tạo nhưng lại tưởng muốn mình quyền năng ngang bằng với Thiên Chúa.

Mẹ Maria thì hoàn toàn ngược lại. Tuy được tuyển chọn làm Mẹ của Thiên-Chúa-làm-người, một chức vị vô cùng cao cả nhưng Mẹ chỉ xưng mình là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38)  Còn gì khiêm nhường hơn.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.
Thần trí tôi hớn hở vui mừng,
Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
Từ nay, hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc”
(Lc 1,46-48)

Xin Mẹ cho chúng con cũng biết sống khiêm nhường như Mẹ.

3. MẸ CŨNG DẠY CHÚNG TA BÀI HỌC PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG

Vua Henry thứ 4 của nước Pháp âm thầm đi dạo trong viện bảo tàng Louvre. Nhà vua bắt chuyện với một thanh niên, trông bộ điệu của anh ta giống như một người giúp việc cho một vương công quyền thế nào đó. Nhà vua hỏi:

– Anh đang giúp việc cho ai thế?

Không biết người hỏi mình là vua, nên người thanh niên đã ngẩng mặt kiêu hãnh đáp:

– Tôi sinh ra không thể phục vụ cho bất cứ người nào, nhưng cho chính bản thân tôi.

Nhà vua tiếp lời:

– Nếu vậy, chắc chắn anh đang phục vụ một người ngu xuẩn.

Bất bình, người thanh niên toan kiếm chuyện gây sự, nhưng anh đã nhận ra người đối diện mình chính là vua Henry. Kinh ngạc, sửng sờ khiến anh đứng trơ như bức tượng. Không để người thanh niên phản ứng, nhà vua vỗ vai anh vừa quay gót vừa nói:

– Nếu anh đảo ngược câu nói đó lại sẽ tốt hơn: “Tôi sinh ra không để phục vụ cho chính bản thân tôi, nhưng để cho bất cứ người nào”.

Trong cuộc thăm viếng bà  Êlisabét hôm nay, Mẹ cũng đã cho chúng ta thấy tấm lòng bác ái bao dung của Mẹ. Mẹ đã sống bác ái yêu thương không phải ở đầu môi chóp lưỡi, nhưng bằng những việc làm hết sức cụ thể. Mẹ yêu thương không phải bằng những khẩu hiệu nhưng bằng chính việc phục vụ lao nhọc đổ mồ hôi của mình. Mẹ yêu thương bằng tất cả trái tim. Mẹ yêu thương bằng tất cả con người, không quản ngại hy sinh, không nề hà vất vả, không tiếc xót bản thân, không sợ hao phí thời giờ. Một lòng quảng đại bao dung như thế làm sao mà không làm cho bà Êlisabét phải cảm động.

Mừng lễ Mẹ thăm viếng hôm nay chúng ta cùng nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta được bắt chước Mẹ sống một cuộc sống như Mẹ để mai mốt sau chúng ta được cùng với Mẹ hưởng vinh quang trên cõi vĩnh hằng.

Nguồn: tgpsaigon.net

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận