NGƯỜI TU SĨ SỐNG TÂM THỨC HIỆP HÀNH
TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
Lời dẫn
Lịch sử Giáo hội là hành trình đức tin của Dân Thiên Chúa trong dòng thời gian giữa lòng thế giới [[1]]. Từ buổi bình minh sơ khai, Giáo Hội đã được Chúa Thánh Linh dẫn đi trên “con đường của sự sống” và tiến về “cái đích sự sống” bởi Chúa Giêsu – Đấng Sáng Lập của Giáo Hội là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Vì là hành trình giữa lòng thế giới, nẻo đường nhân sinh trong dòng thời gian mà Giáo Hội đã và đang bước đi thường được định hình bởi những đặc trưng của thời đại; đồng thời, Giáo Hội luôn phải thích nghi sứ mạng của mình với nhu cầu của thế giới. Trên con đường tiến về trời mới đất mới, giữa đoàn dân thánh lữ hành, đời sống thánh hiến nằm ngay giữa lòng Giáo Hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội, bởi vì đời sống này “biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo” (VC 3) [[2]]. Thật tuyệt vời khi qua các thời đại, Chúa Thánh Thần không ngừng bung mở những hoa trái phong phú do việc thực thi các lời khuyên Tin Mừng nhờ các đoàn sủng khác nhau, làm cho mầu nhiệm của Đức Kitô mãi mãi hiện diện trong Giáo Hội và thế giới, trong thời gian và không gian của cuộc lữ hành đức tin, bằng những tinh thần mới mẻ (VC 5).
Lịch sử đời sống thánh hiến ghi dấu những chặng đường được thổi bừng những luồng gió ân sủng của Chúa Thánh Thần khi Ngài canh tân Giáo Hội, mà nổi bật là tinh thần đời tu sau Công đồng Trentô và Vaticanô II. Cho đến hôm nay, thế giới đang hiện lên như một bức tranh phẳng mà người ta gọi là “toàn cầu hóa”. Xu thế này thúc đẩy Giáo Hội thực hiện một cuộc “viễn kiến” tìm kiếm thánh ý Chúa để tạo ra những bước đi mới phù hợp với thời cuộc bởi “Mỗi xã hội đương đại vừa là cơ hội, vừa là cám dỗ; vừa là ân sủng, vừa là thử thách cho Giáo Hội” (Karl Ranner). Trước ngưỡng cửa của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI, Mẹ Giáo Hội đã lấy tinh thần Hiệp Hành làm lối đi mới cho đoàn dân thánh bởi đây chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba [[3]]. Con đường đồng hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Giáo Hội với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo” [[4]]. Trong bối cảnh đó, những người sống đời thánh hiến cũng được mời gọi nhanh chân cất bước trong tiến trình Hiệp Hành để vọng hướng một lối đi, thay đổi một tầm nhìn trong đời sống cộng đoàn sao cho phù hợp với tinh thần của Mẹ Giáo Hội, nhằm thực thi sứ mạng cách hiệu quả và mang “làn gió tươi mới” của Chúa Thánh Thần cho con người và thế giới hôm nay. Vậy người tu sĩ phải có những tâm thức nào khi sống chiều kích Hiệp Hành trong đời sống cộng đoàn?
Hiệp hành lối sống của Hội Thánh và cũng là của người tu sĩ. Thuật ngữ Hiệp Hành được dịch từ thuật ngữ Synodos, tức là đi trên cùng một con đường, theo một ý nghĩa cụ thể nhất và mạnh nhất. Chiều kích Hiệp Hành của một cộng đoàn tu trì phảng phất những nét đặc thù của chiều kích Hiệp Hành trong Giáo Hội, nhưng nó lại mang thêm những nét riêng biệt, độc đáo.
Hiệp thông có thể được coi là nhịp tim đầu tiên cho thân thể sống động của Đức Kitô là Hội Thánh và cũng là của cộng đoàn tu sĩ bởi Tình yêu Đức Kitô đã quy tụ những người nam và người nữ “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9) nên một [[5]], để như Người và nhờ Người, trong Chúa Thánh Thần, theo dòng thời gian, họ có thể đáp lại tình yêu của Chúa Cha, bằng cách yêu mến Người “hết lòng, hết dạ, hết sức” (x. Đnl 6,5) và yêu anh em “như chính mình” (x. Mt 22,39). Trong một thế giới phân cực và chủ nghĩa cá nhân, sự hiệp thông là chứng tá lớn nhất mà cộng đoàn tu trì có thể cung cấp cho người khác. Chiều kích hiệp thông của người tu sĩ được thể hiện ở hai chiều là hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với tha nhân. Hiệp thông chiều dọc với Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là trong Chúa Thánh Thần, cộng đoàn thánh hiến nên một với Chúa Giêsu, và nhờ Chúa Giêsu mà nên một với Thiên Chúa [[6]]. Còn trong hiệp thông chiều ngang thì “nhờ kết hợp với Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, tất cả thành viên nên một với nhau, làm thành một cộng đoàn chan hòa tình huynh đệ.
Sự hiệp thông là phẩm tính thiết yếu và là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá mọi sinh hoạt trong một cộng đoàn tu trì. Chính tình hiệp nhất huynh đệ là “linh hồn” của cộng đoàn và biểu thị hiện trạng những mối tương quan cá vị (x. GL 602). Một cộng đoàn hiệp thông thực sự được xây dựng trên nền tảng chính yếu là sự hiệp thông trong đời sống phụng vụ, đặc biệt từ việc cử hành Bí tích Thánh Thể và những bí tích khác [[7]]. Sự hiệp thông trong việc cầu nguyện chung đạt được hiệu qủa trọn vẹn khi liên kết mật thiết với việc cầu nguyện riêng. Việc cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng gắn bó chặt chẽ với nhau và bổ sung lẫn nhau để kiến tạo sức mạnh hiệp nhất tổng hòa trong cộng đoàn thánh hiến [[8]]. Như vậy, từ sự hiệp thông với Thiên Chúa, người tu sĩ sẽ dễ dàng hiệp thông với nhau và tiến đến sự hiệp thông với anh chị em đồng loại trong lời cầu nguyện của mình cũng như trong các sứ vụ mà mình đảm nhận.
Một Giáo Hội hiệp hành là một Giáo Hội hình thành được tiến trình lấy quyết định mà trong đó mọi người đều cảm nhận được tham gia, cho dù những quyết định được lấy không hoàn toàn được nghe theo. Theo mô phạm đó, một cộng đoàn Hiệp Hành cũng như vậy. Tất cả mọi người, dù ở cương vị nào, trong cộng đoàn, đều được góp phần vào sinh hoạt của Hội Dòng mình, tùy theo khả năng, như các bộ phận khác nhau trong một than thể (1Cr 12,15-21). Giáo Hội không ngừng kêu gọi các tu sĩ tham gia để bổ túc cho nhau. Nền tảng thực sự của việc tham gia trong tiến trình Hiệp Hành của người tu sĩ là tất cả các thành viên đều có đủ tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trong một cộng đoàn hiệp hành, với các thành viên hết sức đa dạng, các tu sĩ được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và góp ý cho việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa (ICT, Synod, 67- 68) qua đặc sủng của Đấng Sáng Lập. Một cộng đoàn hiệp hành không thể là một cộng đoàn bị cào bằng hay “cá mè một lứa”, song cũng không phải là một cộng đoàn “vô ngã”, một tập thể không người chịu trách nhiệm cuối cùng. Các thành viên trong cộng đoàn phải thực sự nỗ lực để đảm bảo những người ở bên lề hoặc cảm thấy bị loại trừ đều được nhập cuộc. Nếu chỉ là tham dự thì cũng phải tham dự cách linh hoạt, tích cực, chứ không ù lỳ, bằng quan như khán giả, như khách trọ hay như một người ngoài cộng đoàn. Nói tóm lại, mỗi tu sĩ không chỉ “hiện diện” bằng thân xác trong cộng đoàn của mình, nhưng quan trong là phải thực sự “hiện hữu” với nhau bằng tất cả con tim, ý chí và tâm hồn mình.
Từ việc Hiệp thông và tham gia, người tu sĩ được mời gọi nhắm đến sứ vụ. Sứ vụ ở đây muốn nói đến việc loan báo Tin Mừng. Đây là lệnh truyền của Chúa, là bản chất của Giáo Hội, là nguyên khởi tồn tại của mỗi cộng đoàn tu trì. Chính vì thế, những người nam nữ sống đời thành hiến không bao giờ được phép tập trung vào chính mình bởi sứ mạng của người tu sĩ là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại [[9]]. Do bản chất tu sĩ đi tìm chỉ một mình Thiên Chúa và hướng đến sự cứu rỗi các linh hồn, nên cho dù sống trong đan viện hay một cộng đoàn hoạt động, tu sĩ vẫn phải liên kết việc chiêm niệm và hoạt động với sứ mạng truyền giáo. Như thế, hiệp hành chính là con đường qua đó cộng đoàn tu trì có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng đời sống chiêm niệm và hoạt động, làm lên men Tin Mừng trong lòng xã hội, loan báo Tin Vui giữa thế gian, đảm nhận công việc “nhân thần”, công bố thành Giêrusalem trên trời ở đây và lúc này [[10]].
- Những thách đố cản trở lối sống Hiệp Hành của người tu sĩ trong đời sống cộng đoàn
- Khoảng cách tâm lý và tâm linh
Người ta thường đặt ra câu hỏi: “Khoảng cách giữa hai con người thực sự là bao xa?”. Chân thành mà nói, khoảng cách xa nhất trên thế giới này không phải khoảng cách giữa sự sống và cái chết, không phải là khi con người cách xa nhau góc biển chân trời, mà là khi con người sống bên cạnh nhau, nhưng hai trái tim không hướng về cùng một phía. Khi cam kết cùng nhau chung sống trong một Hội Dòng, bước đi trong một Linh đạo, các tu sĩ được xem như là “anh chị em” của nhau, cùng hướng cái nhìn và trái tim về một hướng. Thế nhưng, đời sống cộng đoàn với những va chạm và đụng độ hằng ngày đã làm giãn cách sự gần gũi giữa các tu sĩ với nhau. Đôi khi, họ sống bên cạnh nhau nhưng hai trái tim lại quá xa cách đến độ chẳng bao giờ cảm nhận được sự hiện diện của người bên cạnh, đến nỗi có khi, chỉ cách nhau một cánh tay mà như cả vòng trái đất. Ngoài những vấn đề của đời sống cộng đoàn thì sự nhấn mạnh một chiều và thái quá đến tự do trong nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa, đã làm suy yếu thái độ lắng nghe và sự liên đới giữa các thành viên [[11]]. Bên cạnh những khoảng cách tâm lý tồn đọng trong cộng đoàn thì khoảng cách tâm linh cũng là một vấn nạn cản trở tiến trình Hiệp Hành giữa các thành viên. Đã đành người tu sĩ có lúc không tìm được tiếng nói chung với nhau nhưng tệ hơn là mỗi người lại có thêm một khoảng cách xa vời với Thiên Chúa, Đấng quy tụ họ thành một gia đình. Thực tế cho thấy rằng đời sống thiêng liêng của các tu sĩ ngày càng thoái hóa khiến họ đánh mất đi “bản năng thiêng liêng” và “sự thân mật thiêng liêng”. Khi không thể kín múc sức mạnh siêu nhiên từ Thiên Chúa, thì người tu sĩ sẽ không đủ can đảm để vượt qua những rào cản của đời sống chung. Như thế, khoảng cách tâm lý và tâm linh chính là những khả thể ngăn cản những bước chân Hiệp Hành trong đời sống cộng đoàn.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi gắm các cộng đoàn tu trì rằng: “Lắng nghe trong cộng đoàn là rất quan trọng bởi sự phân định cộng đoàn phải xuất phát từ một thái độ sẵn sàng lắng nghe – Lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của của tiền nhân và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với mỗi người [[12]]”. Việc lắng nghe không chỉ liên quan đến khả năng thính giác, nhưng nó liên quan đến toàn bộ con người, và nơi sâu thẳm nhất của sự của lắng nghe chính là trái tim, phải để cho trái tim bị khuất phục trước ý Thiên Chúa chứ không phải ý riêng mình (x. Lc 22,42); phải để trái tim rộng mở với mọi người và thực tại trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa thường nói qua những người và những hoàn cảnh mà chúng ta dễ dàng loại trừ, gạt qua một bên hay không đếm xỉa đến [[13]]. Thế nhưng, chúng ta thấy rằng, càng ngày nhiều tu sĩ càng khó lắng nghe Thiên Chúa và khó lắng nghe nhau. Việc lắng nghe thường bị giới hạn bởi những tư duy độc đoán, những tiên kiến chủ quan đã được hoạch định hay những tình cảm có tính ‘phe nhóm’. Thêm vào đó, thường thì người ta thích nói hơn thích nghe, thích nghe lời khen ngợi hơn lời góp ý; Lắng nghe mà không phân định, vội nghe, vội phản ứng, vội kết án người khác; Thiếu sự quân bình về lý trí và tình cảm, không làm chủ được những yếu tố chủ quan; Thường gán nhãn, chụp mũ cho người khác và có định kiến cố hữu trong tâm thức; Chưa khiêm tốn, cái tôi cá nhân còn quá lớn che lấp lời nói và quan điểm của người khác. Một khi các tu sĩ không cố gắng giải quyết những vấn nạn này thì việc lắng nghe trong cộng đoàn còn gặp nhiều trở ngại và làm nên nguyên nhân cội rễ cho nhiều nan đề khác.
Trong cộng đoàn tu trì, những khác biệt của các thành viên trong cộng đoàn luôn trở thành thách đố nội tại dẫn đến nhiều vấn đề nhức nhối trong việc đối thoại hằng ngày. Các tu sĩ từ bỏ thế gian, long trọng tuyên bố buông bỏ mọi thứ và tưởng rằng mọi sự đã được giải quyết cho đến trọn đời. Thế nhưng, càng tu thì những bản năng và cá tính mà mỗi người có trong mình lại càng nổi dậy. Vẫn còn đó sự cứng nhắc và bảo thủ trong việc giữ quan điểm cá nhân; chưa khiêm tốn để đi bước trước, chưa mở lòng đón nhận sự thật về mình, không hạ mình xin lỗi, không chủ động tìm cách giải hòa và còn nhiều góc tối khác khiến cho việc chân thành đối thọai trở nên khó khăn.
Mỗi người là một quà tặng vô giá, một kỳ công có một không hai và rất độc đáo; tuy nhiên, mỗi người cũng là một hữu thể giới hạn yếu đuối và đầy tội lỗi. Người tu sĩ mang những đặc nét của kiếp nhân sinh, tự bản chất chúng ta cũng có sự yếu đuối, quy ngã và ái kỷ. Từ những yếu đuối đó, bất cứ lúc nào mỗi người cũng có thể thực hiện những hành động ích kỷ, vun quén cho bản thân mà quên mất chiều kích hướng tha. Thêm vào đó, sống giữa một cộng đoàn đa dạng về nhân cách, nhận thức, văn hóa và ngay cả thế hệ, người tu sĩ dễ sinh ra bảo thủ, ganh tỵ, đố kỵ và đặc biệt chỉ trích lẫn nhau. Mỗi người được sinh ra trong một hoàn cảnh và môi trường đào tạo riêng biệt, do đó, chúng ta mang trong mình những ưu khuyết điểm rất lớn thay vì sửa đổi tập luyện thì đôi khi chúng ta lại che giấu, phủ nhận chính nó và tạo ra những “cái tôi giả tạo”. Những xu hướng tiềm ẩn này nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ bùng lên theo ngày tháng, trở thành nhân tố phá hủy mối dây liên kết tuyệt hảo trong cộng đoàn.
Bước theo Chúa trên con đường dâng hiến, người tu sĩ được mời gọi sống trong một Hội dòng và xem nơi đây là gia đình. Tinh thần gia đình của những người sống đời tu thể hiện ở chỗ mỗi người trở nên anh chị em với nhau, ở sự quan tâm săn sóc cả tình trạng tâm lý và tâm linh. Các tu sĩ lớn đón nhận tu sĩ trẻ như là những người em; giúp đỡ và động viên. Các tu sĩ trẻ phải kính trọng, học hỏi những thế hệ trước về sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Mỗi thành viên được mời gọi sống hiệp nhất, yêu thương, nâng đỡ, chăm sóc cho nhau và cùng nhau gánh vác mọi trách nhiệm khi vui cũng như lúc buồn. Cho nên, cảm thức “thuộc về Hội dòng và thuộc về nhau” phải là điều kiện đầu tiên để xây dựng cộng đoàn bởi cảm thức này được ví như “vòi nước” mở khóa “dòng chảy tình yêu”. Khi mọi người đã cảm thấy mình thuộc về một gia đình, tất cả sẽ cống hiến đặc sủng mà Chúa ban riêng cho mình để kiến tạo gia sản của Hội dòng trong tính bổ sung và đồng trách nhiệm. Nếu người tu sĩ không có cảm thức thuộc về cộng đoàn thì họ sẽ không tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội dòng. Họ sẽ biến mình thành người dửng dưng đứng ngoài cuộc và không toàn tâm toàn ý tháp nhập vào hành trình của cộng đoàn.
Bầu khí vui tươi trong cộng đoàn được xem là “sản phẩm” của tiến trình hiệp thông. Theo đó, tinh thần rộng mở kiến tạo một bầu khí thoáng đãng và thân ái bởi những khí độc của sự ích kỷ bị đẩy xa khỏi không gian sống của cộng đoàn; đồng thời, nó tạo ra nguồn năng lượng tích cực và lan tỏa đức ái huynh đệ. Rộng mở ở đây có nghĩa là không khép kín co cụm; bao gồm là không loại trừ, cực đoan, nhưng tích hợp và ôm trọn tất cả. Thái độ tinh thần cần được mở rộng để không bị đóng khung trong định kiến cá nhân cũng như không bị giới hạn trong thiên kiến cố hữu của tập thể. Ở trong cộng đoàn, mọi người tôn trọng sự khác biệt, ôm ấp cả những người đối kháng, lắng nghe cả những tiếng nói khác mình. Với tinh thần rộng mở và bao gồm, không một trái tim nào cảm thấy lẻ loi hay bị bỏ rơi. Tất cả sẽ cùng hòa vào nhịp đập trái tim của Đấng đã chọn gọi và quy tụ họ nên một gia đình linh thánh.
Một nguyên tắc lớn được thánh Phaolô đưa ra cho việc xây dựng Hội Thánh và từng cộng đoàn tu trì là “sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4, 15). Đức Kitô vừa là sự thật vừa là tình yêu. Nếu chỉ dừng lại ở sự thật, cuộc gặp gỡ sẽ biến thành tòa án. Nếu chỉ có bao dung thương xót, sẽ không thể canh tân Hội Thánh [[14]]. Trong một xã hội đầy lọc lừa và gian dối, việc sống cho chân lý và sự thật là đi ngược lại với “dòng chảy” của thế gian; cũng thế, khi người ta quá quy ngã về mình, chủ nghĩa vị kỷ lên ngôi thì việc sống Tin Mừng yêu thương bị xem là “điên rồ”. Tuy nhiên, khi lựa chọn sống đời thánh hiến, người tu sĩ chấp nhận gọt bỏ, cắt tỉa những sần sùi nơi bản thân để có thể hiệp thông trọn vẹn với những người cùng chung lý tưởng và hướng đến anh chị em đồng loại. Để có được tâm thế của sự thật và đức ái, cần có lòng khiêm tốn thẳm sâu. Lòng khiêm tốn giúp mỗi người gặp gỡ và lắng nghe nhau trong kiên nhẫn, với tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản, bình an. Thực tế cho thấy, có nhiều tu sĩ chỉ lấy cái lý cư xử với nhau mà quên mất cái tình; cũng có những người chỉ dựa trên cảm tính và tình cảm cá nhân để đối xử với người khác mà quên mất kỷ luật cũng như Ba Lời Khuyên Phúc Âm. Tinh thần Hiệp Hành đòi buộc người tu sĩ phải vừa biết tôn trọng sự thật vừa biết lấy đức ái để đối đãi lẫn nhau.
Tình huynh đệ thực thụ của người tu sĩ thì vượt qua những đặc quyền và khác biệt với một tinh thần đồng tham gia và đồng trách nhiệm, trong các sứ vụ và chương trình chung. Cộng đoàn tu sĩ có một ân ban đặc biệt đó là ơn đoàn sủng để phục vụ trong những sứ mạng đặc loại. Mỗi thành viên khi làm việc đều nhân danh Hội dòng và kết quả thuộc về cộng đoàn ấy. Vì thế, khi sống trong cộng đoàn tu trì, các tu sĩ được mời gọi làm cho “cái tôi” nhỏ lại để làm cho “cái chung” lớn lên. Thành quả của một người là thành quả của cả nhóm, thất bại của một người là thất bại của cả cộng đoàn; đau khổ hay niềm vui của mỗi người đều được chung chia với nhau; trách nhiệm của cộng đoàn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Khi một cộng đoàn thực sự kiến tạo được tinh thần đồng trách nhiệm thì cộng đoàn đó đang sống “Mầu nhiệm Vượt qua” của Đức Kitô. Đó là một sự thăng tiến mang tính Vượt qua từ “vị kỷ” sang “yêu thương”, từ cái “tôi” sang cái “chúng ta”, từ “cá nhân” sang cái “chung”, từ “cộng đoàn cho tôi” sang “tôi cho cộng đoàn”.
Yếu tố nền tảng và cốt lõi trong sự hiệp hành cộng đoàn, đó là cộng đoàn luôn xác tín rằng mình được quy tụ trong Chúa Ki-tô: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Niềm xác tín này được nhìn nhận như là thuộc về cảm thức Đức tin của Giáo hội (sensus fidei fidelium) trong suốt chặng đường lữ hành và đây cũng là nguyên lý khởi thủy và căn bản nhất cho một cộng đoàn tu trì. Làm sao một cộng đoàn được quy tụ dưới danh của một Đấng lại không quy hướng về Đấng ấy? Để hiệp hành, không chỉ là một vài người hướng về Đức Kitô, mà là cả cộng đoàn tu sĩ. Trên hết, mỗi người phải ý thức rằng Chúa Kitô là trung tâm tuyệt đối của cộng đoàn, là nguồn sống sung mãn cho cộng đoàn trên mọi chiều kích. Những cách lối tập trung vào Đức Kitô mời gọi các tu sĩ lắng nghe Lời của Người, lãnh nhận chính Mình Máu Người, cho phép Người thâm nhập vào trong tâm trí và trái tim của chúng ta, để những cách nhìn, cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách đánh giá và hành động của Đức Kitô trở thành lối sống của cả cộng đoàn. Khi đạt được đỉnh cao của cuộc kết hợp với Đức Kitô và nên đồng hình đồng dạng với Người, các tu sĩ không còn bị hạn chế bởi nội vi của tu viện nữa. Không có gì ngăn cản tâm hồn chúng ta vươn tới một tình yêu dành cho tha nhân ở mọi nơi, cho sự hoàn thiện của Giáo hội hoàn vũ, và cho sự thăng tiến của cả thế giới. Nếu như mọi hành động của cộng đoàn từ nhỏ đến lớn đều khởi sự từ Đức Kitô và cũng hoàn tất trong Người thì phải nói rằng cộng đoàn ấy chính là một phản chiếu tròn đầy cho cộng đoàn nơi Thiên Quốc.
LỜI KẾT
Trong một thế giới phân cực, khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, con người không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa, các giá trị của tình huynh đệ và sức biến đổi của Tin Mừng bị xem thường, thì sự hiệp thông là chứng tá lớn nhất mà người tu sĩ có thể dùng để đánh thức nhân loại. Cho dẫu khi người tu sĩ không đi được xa, không rảo bước hết các hang cùng ngõ hẻm, họ vẫn trở nên phúc lành cho thế giới, kinh nguyện của họ vẫn vươn đến mọi nhu cầu của Giáo hội và của con người, tình hiệp thông giữa họ vẫn luôn có thể tạo sức mạnh nối kết, như lời minh định của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Những người nam nữ thánh hiến được mời gọi để tìm kiếm một sức mạnh tổng hợp chân thành trước hết trong đời sống nội bộ của họ và sau đó là trong cộng đoàn Giáo Hội, và thậm chí vượt ra ngoài ranh giới của nó [[15]]”. Để có thể thực thi được sứ mạng cao quý ấy, trước tiên, cộng đoàn tu sĩ phải trở thành một cộng đoàn hiệp hành đúng nghĩa và mỗi cá nhân phải cưu mang trong tâm hồn tâm thức hiệp hành. Ước mong rằng nhờ hít thở bầu khí hiệp hành trong cộng đoàn, tất cả các tu sĩ sẽ luôn để cho “Đức Giêsu thực sự là tình yêu duy nhất và đầu tiên như lời mỗi người đã tuyên hứa” và làm cho “Tin mừng thực sự là ‘cẩm nang’ cho cuộc sống hằng ngày”, để những phúc lành của đời sống thánh hiến trào chảy cho thế giới hôm nay và ngày mai.
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, (21/11/1964), 9.
[2] Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata, (25/03/1996), 3.
[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thư gửi dân Chúa, ngày 20/08/2018.
[4] Vp. Tổng Thư Ký HĐGMVN, Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành, 1.2.
[5] Gioan Phaolô II, Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, 1994, 1.
[6] Đaminh Ngô Công Sứ, Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, https://hdgmvietnam.com/giao-hoi-hiep-hanh-hiep-thong/, Truy cập ngày 05/09/2022.
[7] Gioan Phaolô II, Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, 1994, 2.
[8] Ibid ,5.
[9] Vp. Tổng Thư Ký HĐGMVN, Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành, 1.4.
[10] Gioan Phaolô II, Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, 1994, 10.
[11] Gioan Phaolô II, Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, 1994, 4.
[12] X. Đỗ Mạnh Thịnh, Tìm hiểu về hạn từ sự phân định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô” (03.01.2022), https://hdgmvietnam.com/, Truy cập ngày 20/09/2022..
[13] X. Vp. Tổng Thư Ký HĐGMVN, Cẩm nang cho Thượng hội đồng về tính Hiệp hành (09.2021), mục 2.2.
[14] ĐGM Giuse Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh, tgpsaigon.net. Truy cập ngày 01/10/2022.
[15] Liliana Franco Echeverri, ODN, Tiếng nói của những người nữ thánh hiến về con đường hiệp hành, hdgmvietnam.com, Truy cập ngày 10/10/2022.
Có thể bạn quan tâm
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11