Maria Đinh Phương Thảo dành tất cả thời gian rảnh rỗi tìm hiểu thông tin du học và kêu gọi người thân bên Mỹ tìm trường phổ thông và cao đẳng đại học phù hợp cho 2 người con.
Người phụ nữ Công giáo làm việc cho công ty xây dựng, dự định bán ngôi nhà của mình ở trung tâm Sài Gòn và dùng số tiền bố chồng cho để trả tiền học phí cho các con.
“Học ở các trường đạt chuẩn bên Mỹ là tốt rồi vì chúng tôi không có khả năng cho các con mình học ở các trường danh tiếng”, bà nói.
Bà Thảo dự định giúp các con mình học hỏi đức tin tại Mỹ, bà được cho biết bên Mỹ nhiều người bận làm việc đến độ không thể đến nhà thờ được.
“Chúng tôi dự định cho các con ở nhà chú tôi, để chú ấy hướng dẫn chúng thực hành đức tin. Con trai tôi sẽ tham dự các lớp giáo lý và con gái sẽ tham gia ca đoàn”.
Chú của bà làm việc cho một công ty điện tử, hát trong ca đoàn và thường xuyên tham gia các nghi thức tại nhà thờ. Các con của ông làm giáo lý viên. Họ vẫn đọc kinh tối như khi còn ở Việt Nam.
Bà Thảo, 50 tuổi, cho biết người Công giáo ở Việt Nam có thời gian tham gia các nghi thức hàng ngày hay hàng tuần tại nhà thờ và các việc làm đạo đức khác, mặc dù nhiều người có thu nhập rất thấp.
Phanxicô Phạm Nhật Tiến, dự định du học tại Hàn Quốc vào cuối năm nay, cho biết bố mẹ em động viên em mang theo một cuốn Kinh Thánh và đọc kinh hàng ngày khi sống ở nước ngoài.
Tiến làm bạn với những người Công giáo Hàn Quốc làm việc tại Sài Gòn và tham dự Thánh lễ hàng tuần bằng ngôn ngữ của họ.
“Em sẽ tiếp tục sống đức tin ở Hàn Quốc bằng cách sống gần nhà thờ Công giáo và tìm sự hỗ trợ tinh thần từ các cộng đồng Công giáo khi sang học bên đó”, em chia sẻ.
Học sinh Công giáo này cho biết người trẻ có thể xa rời việc thực hành đức tin khi sống xa gia đình.
Theo thống kê của UNESCO, năm nay có 70.328 người Việt Nam đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo trước Quốc hội hồi tháng 6 rằng học sinh, sinh viên của Việt Nam ra nước ngoài học tập mỗi năm mất 3-4 tỷ Mỹ kim.
Năm 2016, bộ này ghi nhận có 130.000 du học sinh, tăng 15% so với năm trước đó có 110.000 du học sinh. Khoảng 90% du học sinh tự túc và trong đó có nhiều con cái của quan chức chính quyền. Chỉ 10% nhận được học bổng của chính phủ hay tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Bà Thảo cho biết con trai bà, 16 tuổi, sẽ vào một trường trung học công lập tại Việt Nam vào tháng tới, là nạn nhân của một hệ thống giáo dục vốn đầy áp lực, học vẹt, gian lận và chạy theo thành tích.
“Hàng ngày cháu nó phải vác chiếc cặp nặng đầy sách, vở, viết đến trường. Sau giờ học ở trường cháu còn phải học thêm 5 giờ do thầy cô của cháu tổ chức. Nếu không học thêm, cháu nó có thể bị họ đối xử bất công”, bà cho biết.
Nhiều giáo viên phải chi rất nhiều tiền để được dạy tại các trường công lập nhưng tiền lương thấp vì thế họ ép học sinh học thêm để kiếm thêm thu nhập.
Bà Thảo cho biết con trai bà về nhà trễ, thường xuyên mệt đừ và đi ngủ mà không ăn tối. Cậu ta thức dậy lúc 5 giờ sáng và bắt đầu lại việc học thường ngày mệt nhoài.
Con gái bà tốt nghiệp đại học ngành quan hệ quốc tế trong nước cách đây 7 tháng, không kiếm được việc làm vì các công ty đòi hỏi ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc.
“Chúng tôi muốn con cái mình có được một nền giáo dục tốt hơn và thoát khỏi những tình huống tồi tệ như thế trong nước, một đất nước đầy dẫy tham nhũng, ô nhiễm môi trường, bất công xã hội và lạm dụng nhân quyền”, bà Thảo nói.
Nguyễn Thị Hà Thu, bác sĩ tâm lý làm việc tại bệnh viện, cho biết con gái bà hoàn thành một khóa học tâm lý tại một trường đại học ở Mỹ gần đây, còn con trai bà học công nghệ thông tin ở đó.
“Chúng tôi mất 120.000 Mỹ kim một năm để trả tiền học phí và các chi phí khác cho các con của mình”, bà Thu cho biết và thêm rằng vợ chồng bà đã bán một căn biệt thự do gia đình chồng để lại và chuyển đến ở trong một căn hộ để dành tiền cho con cái đi học.
Bà và chồng, giảng viên dạy toán tại một trường đại học trong nước, đi học ở nước ngoài và trở về nước làm việc vất vả trong nhiều năm.
Sinh viên ở các trường đại học của Việt Nam học lý thuyết nhiều hơn thực hành và thiếu các kỹ năng nghề nghiệp, bà cho biết. Sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm và nhiều người phải chạy xe ôm hay taxi để kiếm sống.
“Thật phi lý khi phải chi hàng trăm triệu đồng để được nhận những công việc được trả lương thấp trong các cơ quan nhà nước, bệnh viện và trường công lập”, bà Thu nói.
Bà Thu, 52 tuổi, và chồng dự định di cư sang Mỹ sau khi nghỉ hưu. Họ đã mua một căn nhà bên đó và con gái họ đã lập gia đình. Bà sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi 55 theo quy định của nhà nước.
Bà Thảo cho biết sẽ mất một năm để hoàn thành thủ tục hồ sơ cho các con bà đi học bên Mỹ.
“Tôi hy vọng trong tương lai các con tôi sẽ định cư bên Mỹ và chúng tôi sẽ đoàn tụ bên đó. Du học là cách để có cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài”.
Nguồn: UCAN Vietnam
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12