Nhìn lại 7 năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô

1224 lượt xem

Sau khi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từ chức vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, Mật nghị gồm 115 Hồng y đã bầu Đức Hồng Y Bergoglio làm người kế vị vào ngày 13 tháng 3 năm 2013. Đức Giáo hoàng Phanxicô là vị Giáo hoàng mang hình ảnh của nhiều người: một nhà lãnh đạo như Phêrô, một tông đồ dân ngoại như Phaolô, một tu sĩ khó nghèo như Phanxicô Assisi, một nhà truyền giáo như Phanxicô Xavier và một nhà cải cách như Inhaxiô Loyola.

Vào ngày đầu tiên của Triều đại Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã thể hiện một khiếu hài hước khi ngài nói đùa với các Hồng y đã bầu ngài rằng: “Xin Chúa tha thứ cho anh em vì việc mà anh em vừa làm”. Đức Phanxicô có một phong cách lãnh đạo mới mẻ trong lối sống và hoạt động tại Vatican. Đây là điều mà chúng ta gọi là phong cách lãnh đạo phục vụ (servant leadership), được kết hợp bởi sự khiêm tốn và lối sống đơn sơ. “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm,… Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13:13-16)

Sinh vào ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Argentina và được rửa tội với tên là Jorge Mario Bergoglio, Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giáo hoàng, là Giáo hoàng đầu tiên lấy danh hiệu là tên của Thánh Phanxicô Assisi – vị thánh rao giảng và sống nhân đức khó nghèo. Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ, người đầu tiên từ Nam bán cầu và là Giáo hoàng đầu tiên bên ngoài châu Âu kể từ thời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gregory III người Syria vào thế kỷ thứ tám. Chủng sinh Bergoglio đã được phong chức linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969, thuộc tỉnh Dòng Tên Argentina từ năm 1973 đến năm 1979. Ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Buenos Aires vào năm 1998 và được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Hồng y vào năm 2001. 

Trong vòng chưa đầy một giờ sử dụng chiếc xe Limousine dành riêng cho mình, Đức Phanxicô đã rời bỏ nó và lên xe buýt như ngài vẫn thường đi ở Argentina, và ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên nhận hành lý và thanh toán hóa đơn khách sạn tại Vatican sau cuộc bầu cử. Trong suốt 7 năm làm Giáo hoàng, Đức Phanxicô được nhận biết với hình ảnh một vị mục tử khiêm nhường, đơn sơ, quan tâm đến lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa, quan tâm đến người nghèo và nhiệt tâm đối thoại liên tôn. Ngài được hoan nghênh và tín nhiệm vì cách giao tiếp gần gũi, ví dụ, ngài chọn cư trú tại nhà khách Marta chứ không phải trong Cung điện Giáo hoàng được sử dụng bởi các Giáo hoàng trước đây. Ngài tin rằng Giáo hội cần minh bạch, đơn giản và mở rộng đón tiếp hơn.

Trong quan hệ quốc tế, ngài đã giúp phục hồi hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba. Ngài ủng hộ người tị nạn trong các cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu và Trung Mỹ. Ngài đã can thiệp để thúc đẩy hòa bình ở Nam Sudan và Colombia.

Trong bảy năm làm Giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô – Vị Giáo hoàng thứ 266 đã làm cho Giáo triều Rôma hoạt động tích cực, cụ thể và gần gũi hơn với hơn 1,3 tỷ người Công giáo trên khắp thế giới. Với sự hiện diện đầy sức sống của mình trên thế giới, Đức Phanxicô là một trong số những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới. Ngài đã thu hút được 18,2 triệu người theo dõi trên Twitter. Ngài thể hiện một cách tiếp cận mục vụ, qua đó ngài cố gắng đáp ứng nhu cầu của mọi người trong cuộc sống thực, chăn dắt họ trong những tình huống khó khăn, chứ không chỉ đưa ra cho họ những quy tắc hành xử.

Đức Phanxicô cũng đã mang lại sự thay đổi trong các cấu trúc hành chính của Vatican và Giáo hội. Các nhà phân tích nói rằng việc chuyển đổi các cuộc họp của Thượng hội đồng Giám mục từ một hình thức thủ tục nghiêm khắc thành một diễn đàn cho các cuộc tranh luận sôi nổi có thể được coi là thành tựu lớn nhất của Đức Phanxicô.

Với tinh thần đối thoại giữa các tôn giáo chân chính và lành mạnh, Đức Phanxicô đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với các tôn giáo khác. Ngài đã đi đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2019 và chủ trì một Thánh lễ mang tính lịch sử trên Bán đảo Ả Rập.

Ngài tiếp cận giải quyết các vấn đề then chốt toàn cầu như di cư và biến đổi khí hậu. Đức Phanxicô đã lên tiếng chỉ trích về sự bất công kinh tế – cách người nghèo bị đối xử trên thế giới, cách hành tinh bị khai thác quá mức và cách người nghèo phải hứng chịu trước tiên và nặng nề vì cuộc khủng hoảng sinh thái.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, đã tái hiện tầm ảnh hưởng của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo môi trường toàn cầu, khi ngài phát hành Tông Huấn dày 94 trang vào tháng 2 năm 2020, mang tên Querida Amazonia (Amazon yêu quý) – liên quan đến số phận của vùng sinh thái Amazon và người dân bản địa. Tài liệu này được đưa ra trong bối cảnh Amazon đang phải đối mặt với nạn phá rừng, khai thác mỏ, lập trang trại và kinh doanh nông nghiệp bất hợp pháp với mức độ nguy hiểm trầm trọng ở Peru, Bolivia, Colombia và Brazil. Đức Phanxicô đã thúc giục người Công giáo cần phải biết “phẫn nộ” (Số 15) về việc khai thác người bản địa và sự tàn phá do khai thác mỏ và phá rừng ở Amazon.

Mặc dù trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu, tình yêu quê hương của Đức Phanxicô vẫn tồn tại. Là một người hâm mộ trọn đời câu lạc bộ bóng đá San Lorenzo de Almagro của Buenos Aires, Đức Phanxicô có một bộ sưu tập lớn các kỷ vật của câu lạc bộ này, và hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Vatican. Ngài cũng yêu thích nhảy điệu Tango vốn xuất xứ từ quê hương Buenos Aires của ngài. Ngài thật sự là một người con của quê hương ngài.

Tác giả: Linh mục J. Felix Raj, SJ
Phó hiệu trưởng Đại học St. Xavier, Ấn Độ
Văn Việt lược dịch từ UNCA

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận